Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Mốt - Phẩm Như Lai - Tập Một
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM HAI MƯƠI MỐT
PHẨM NHƯ LAI
TẬP MỘT
Tự chứng Tối Chánh Giác
Không nhiễm tất cả pháp
Trí nhất thiết không sợ
Ngôi vô Sư Tự nhiên.
Tự chứng Tối Chánh Giác: Thuở xưa, sáu vị giáo chủ ngoại đạo là những người tham đắm lợi dưỡng ở đời, họ tranh nhau tự tôn, cho rằng mình mới là cao tột.
Khi nghe Đức Phật ra đời với oai thần công đức hơn người, sáu vị giáo chủ ngoại đạo nhóm họp lại, cùng kết lời thề: Trên đời này không ai sánh bằng sáu người chúng ta, nhưng gần đây nghe có Phật ra đời, oai thần công đức vượt hơn chúng ta, vậy thì chúng ta phải kết nghĩa, đồng lòng một ý, nói năng không trái ngược nhau. Có vậy, chúng ta mới thắng ông Cù Đàm kia.
Sau đó, họ liền sai một người đến quan sát Như Lai, coi sắc mặt ông ta có giống như con người hay không.
Người ấy đến nơi, nhìn mãi Như Lai mà không biết chán, rồi trở về báo với sáu vị giáo chủ những gì mình trông thấy: Dung nhan của Cù Đàm thật là ít có trên đời này. Oai đức thần thông của Ngài sáng chói hơn mặt trời, mặt trăng, theo sự thấy biết của tôi thì không gì tỷ dụ được.
Sáu vị giáo chủ lại nghĩ: Cù Đàm xuất thân từ dòng vua chúa, thì sự khôi ngô đẹp đẽ kia cũng chẳng có gì là lạ.
Bây giờ ta nên sai một người khác đến đó xem xét dung mạo vô úy của Cù Đàm, coi ông ta có hấp tấp, cúm rúm gì chăng?
Người ấy liền đến xem tướng thấy Đức Như Lai như Sư Tử đầu đàn giữa bầy thú, không có chút gì lo sợ cả.
Người này trở về báo lại với sáu vị giáo chủ: Cù Đàm ngự giữa đại chúng, như Sư Tử đầu đàn trong bầy thú, không chút sợ hãi.
Sáu vị giáo chủ lại nghĩ: Người ngu ít thấy sự việc đó nên ham mê vẻ rực rỡ của Cù Đàm rồi bu quanh ông ta đó thôi.
Đây cũng là chuyện thường tình, có chi lạ đâu?
Bởi ông Cù Đàm xuất thân từ trong cung Vua, có sáu muôn thể nữ vui chơi đêm ngày.
Không có môn học nào, pháp thuật nào mà ông không học qua, nên có thể khiến cho mọi người bu đến nghe ông ta nói. Hơn nữa ông cũng là người lịch lãm chứ đâu phải người tầm thường. Sáu vị giáo chủ phái một người thông suốt nhiều việc đến chỗ Như Lai quan sát.
Người này đến nơi, nghe thấy đủ cả, trở về thưa với sáu vị giáo chủ: Những gì mà ông Cù Đàm giảng nói là thông suốt xưa nay, biết trước vô cùng, thấy sau vô tận, phân tích nghĩa lý sáng tỏ, lý lẽ không phiền toái nặng nề.
Nghe xong, sáu vị giáo chủ lại nghĩ: Trên đời có nhiều người ăn nói lanh lợi mau mắn, làm vui lòng người, nhưng không có nghĩ lý, không thể tìm kiếm, nghiên cứu.
Rồi sáu vị giáo chủ lại sai người khác đến xem xét Cù Đàm, chờ khi mọi người lặng yên nghe Cù Đàm nói pháp thì làm rối loạn lên, không chịu nghe. Với ý định như vậy, y đến nơi xem xét, thấy các đại chúng đang khát khao nghe pháp, tâm ý chuyên nhất, chiêm ngưỡng Như Lai không hề chớp mắt.
Rồi anh ta trở về, thưa với sáu vị giáo chủ: Những điều mà Cù Đàm giảng nói như nước cam lộ, mọi người khát ngưỡng lắng nghe không biết thỏa mãn.
Sáu vị giáo chủ lại nghĩ: Học trò mới tu tập, tất nhiên tâm ý ban đầu, bao giờ cũng mạnh mẽ, lâu dần về sau sẽ giảm sút, điều ấy có chi lạ đâu?
Rồi họ lại sai một người khác đến xem xét Cù Đàm, coi có nghĩa lý nào sâu xa hay chỉ là những lời cạn cợt không đầu mối.
Sáu vị giáo chủ liền sai một người học giỏi tài cao đến nơi, y nghe đầy đủ những gì Cù Đàm nói, rồi trở về thưa với sáu vị giáo chủ: Những gì mà Cù Đàm giảng nói rộng lớn như biển không bờ, còn những gì mà bọn ta thấy thì như nước trong dấu chân trâu. Nay, tôi muốn đến xin làm đệ tử Ngài, không biết những người khác như thế nào.
Sáu vị giáo chủ ngoại đạo trước sau phái nhiều người đến chỗ Như Lai.
Lại có vô số chúng sinh nhóm họp tranh nhau đến chỗ Như Lai, họ liền được nghe Đức Phật nói bài kệ này:
Tự chứng Tối Chánh Giác
Không nhiễm tất cả pháp
Trí nhất thiết không sợ
Ngôi vô sư tự nhiên.
Tự chứng Tối Chánh Giác: Giác ngộ tất cả các pháp, không có việc nhỏ nào mà không suy xét đến. Dùng năng lực thần thông mà biết đúng một cách như thật.
Cho nên nói: Tự chứng Tối Chánh Giác.
Không nhiễm tất cả pháp: Không bị tám pháp sau đây làm ô nhiễm: Lợi, suy hao, khen, chê, ca tụng, gièm pha, khổ, vui.
Cho nên nói: Không nhiễm tất cả pháp.
Trí nhất thiết không sợ: Xa lìa tất cả tai họa, không còn các khổ não. Không bị nước lụt, lửa cháy, trộm cướp nhận chìm, mà là vượt ra khỏi mọi khổ nạn, một mình vui điều lành, không lo buồn.
Cho nên nói: Trí nhất thiết không sợ.
Ngôi vô sư tự nhiên: Một mình làm vua cõi nước ba ngàn Đại Thiên. Không có bạn bè, không ai ngang bằng, huống là người hơn Ngài.
Cho nên nói:
Ngôi vô sư tự nhiên.
Một mình, không ai sánh
Tự đạt được chánh đạo
Như Lai Trời, người tôn
Đủ tất cả trí lực.
Một mình, không ai sánh: Ta dùng thiên nhãn xem cõi nước ba ngàn Đại Thiên, thấy không có ai sánh bằng như ta, quán sát cùng khắp thì không có ai ngang hàng với ta, huống gì có người muốn vượt hơn ta?
Điều ấy không thể có được.
Cho nên nói: Một mình, không ai sánh bằng.
Tự đạt được chánh đạo: ta tìm chánh đạo, không có thầy dạy trao, cũng không có bạn bè, ta đi một mình không sợ điều gì.
Cho nên nói: Tự đạt được chánh đạo.
Như Lai Trời, người tôn: Vì sao gọi là Như Lai?
Như Lai là Như quá khứ Đẳng chánh giác mà Lai đến. Ta từ đó mà đến, trong ba A tăng kỳ kiếp tu hành khổ hạnh, hoặc bố thí đất nước, tài sản, vợ con, đầu, mắt, tủy não, có khả năng tự cứu giúp. Từ trong sự tu tập ấy mà đến cho nên gọi là Như Lai.
Lại vì có ý nghĩa là từ trong pháp tánh Như Lai mà đến cõi đời này cho nên Như Lai như Chư Phật, Thế Tôn quá khứ, có đủ mười lực, bốn thứ không sợ hãi, mười tám pháp bất cộng, thù thắng đại từ, đại bi. Hóa độ tất cả nhưng không rời khỏi tánh Như. Nay ta cũng như thế nên gọi là Như Lai.
Vì sao gọi là được Trời, người tôn kính?
Đáp: Được Trời, người tôn kính là vì Trời, người nhờ Như Lai mà tu nghiệp lành, vượt qua thứ lớp mà chứng Thánh đạo, dứt hết hữu lậu thành vô lậu, ba đạt thần thông không có gì ngăn ngại.
Cho nên nói: Như Lai Trời, người tôn.
Đủ tất cả trí lực: Là năng lực di thể của Như Lai, di thể của Như Lai có một trăm hai mươi tiết, mỗi tiết có một trăm hai mươi tám cánh tay. Thần lực là năng lực nhũ bộ, chứ không phải năng lực thần thông.
Cho nên nói:
Đủ tất cả trí lực.
Ta là Thế Tôn
Dứt lậu, không dâm
Các Trời và người
Thảy đều từ tâm.
Ta là Thế Tôn: Thế có ba thứ: Một là ấm thế, hai là khí thế, ba là chúng sinh thế.
Vì sao gọi là không đắm?
Có ba nghĩa:
1. Dứt bỏ kết sử nên gọi là không đắm.
2. Xứng đáng nhận lãnh của tín thí nên gọi là không đắm.
3. Không còn hạt giống nghiệp trong ba cõi, cũng không còn cội rễ, cũng không còn sinh nên gọi là không đắm.
Cho nên nói: ta là không đắm.
Dứt lậu, không dâm: Nghĩa vô thượng không có gì vượt hơn, cũng không có ai ngang bằng. Giác ngộ tất cả các pháp, không pháp vi tế nào không biết, không pháp nhỏ nhiệm nào không thong đạt. Lại nữa, có khả năng giải đáp mọi thắc mắc của tất cả chúng sinh đang ngồi nghe pháp. Cho nên nói là nghĩa vô thượng.
Chư Phật nhiều như vô số cát của Sông Hằng, đời quá khứ có tuổi thọ rất lâu dài, đệ tử đông không kể xiết, cõi nước trong sạch, không dơ bẩn. Nay ta không nghĩ rằng mình có nhiều năng lực thần thông hơn Chư Phật quá khứ.
Vì sao?
Vì thần thông và trí lực là một, chứ không phải hai, nhưng tâm chúng sinh tự có thêm bớt.
Cho nên nói: Dứt lậu, không dâm.
Các Trời và người, thảy đều từ tâm: Trong các Trời, người đời, Sa Môn, Bà La Môn, Ma hoặc Ma Trời, Đế Thích, Phạm Vương, bốn vị Vua Trời, ta là Bậc Độc Tôn, Độc Ngộ, không ai sánh bằng.
Cho nên nói: Các Trời và người, thảy đều từ tâm sinh ra.
Lúc ấy, đệ tử của sáu vị giáo chủ nghe Đức Phật nói bài kệ này xong, ai có tâm vững chắc thì liền xin xuất gia, còn ai tâm còn do dự thì họ trở về chỗ thầy họ, trình bày đủ những điều nghe thấy: Vị ấy là Bậc tôn quý trong ba cõi, thống lãnh cả mười phương, thật không có ai có thể sánh bằng. Vậy tất cả chúng ta, mỗi người hãy đi mỗi nơi, tìm chỗ sống an ổn.
Ta không có thầy dạy
Một mình, không bạn bè
Chứa một hạnh làm Phật
Tự nhiên thông đạo Thánh.
Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn ngồi dưới cội cây, được Phạm Thiên kính thỉnh, Ngài liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đến nước Ba La Nại.
Khi ấy, Phạm Chí Ưu Tỳ từ xa trông thấy Đức Thế Tôn đi đến, nghĩ rằng: Hôm nay, vẻ mặt của Cù Đàm vui vẻ, trong ngoài sang sủa là vì cớ gì?
Thầy của Cù Đàm là ai, Cù Đàm học đạo với ai, học pháp gì, tu kỹ thuật gì?
Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ cho Phạm Chí nghe:
Ta không có thầy dạy
Một mình, không bạn bè
Chứa một hạnh làm Phật
Tự nhiên thông đạo Thánh.
Ta không có thầy dạy: Như Lai là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác thấu suốt ba đời, không có việc gì không biết. Vì những chúng sinh chưa giác ngộ đời sau mà Ngài nói bài kệ này. Sau khi ta diệt độ, sẽ có hai thầy Tỳ Kheo một vị tên là Ma Ha Tăng Kỳ và vị kia là Bà Sái Thẩm Ti, tự xưng mình là Văn Thù Sư Lợi và Phật Thích Ca.
Vì muốn trừ bỏ sự do dự của họ nên Đức Phật nói bài kệ này.
Lại có thuyết nói: Các ngoại đạo dị học, đều đặt ra luận này: Sa Môn Cù Đàm có nghe pháp với A Lan, Ca Lan, rồi sau mới thành đạo, vì muốn trừ bỏ sự do dự ấy.
Cho nên nói: ta không có thầy dạy bảo.
Một mình, không bạn bè: Như Lai là Bậc Đẳng Chánh Giác, thấu suốt ba đời, quá khứ, hiện tại, vị lai, không có việc gì là không xét biết. Vào đời vị lai có hai bộ chúng Tỳ Kheo, bộ thứ nhất gọi là Ma Ha Tăng Kỳ, bộ thứ hai gọi là Bà Sái Thẩm Ti, họ bỏ gốc theo ngọn. Ở cảnh giới có con người thì Đức Phật ra đời.
Đức Phật không xuất hiện ở hai nơi: Một là phương dưới gồm địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh đau khổ và phương trên là Cõi Trời chỉ thọ hưởng vui thú. Sự giáo hóa của Như Lai không chỗ nào không khắp. Nếu có một chỗ nào mà không được sự giáo hóa của Như Lai thì không gọi là Phật.
Thế mà hai bộ kia bảo rằng Đức Phật không giáo hóa khắp nơi. Năng lực thần thông của Như Lai có thể bay lên đỉnh núi Tu Di, sự giáo hóa cùng khắp, như vậy không có cùng cực.
Cho nên nói: Một mình, không bạn bè.
Chứa một hạnh làm Phật: Ngài trở thành Bậc Chánh Giác cao tột trong ba cõi. Đức Phật ra đời tại Cõi Diêm Phù Lợi sinh ở giữa nước, chứ không phải ở biên giới. Đức Phật sinh ở Cõi Diêm Phù Lợi này là vì Cõi Diêm Phù Lợi này là trung tâm điểm của ngàn ức Cõi Diêm Phù Lợi ở bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc.
Thần lực cõi nước này vượt hơn các cõi khác. Các cõi khác xoay chuyển bánh xe pháp không bằng cõi này.
Cho nên nói: Chứa một hạnh làm Phật.
Tự nhiên thông đạo Thánh: Dứt bỏ kết sử nóng bức, lạnh nhạt không còn hơi ấm với nó. Người có tâm lo rầu thì sắc mặt thường không vui, người không có tâm lo rầu thì sắc mặt thường vui hòa. Đức Như Lai Thế Tôn cũng như vậy, mọi khổ não đã hết, không còn mọi nhiệt não.
Cho nên nói: Tự nhiên thông suốt đạo Thánh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Sáu - Sáu Pháp - Phẩm Mười - Phẩm Lợi ích - Phần Năm - Vô Ngã
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Năm - Kinh Tập - Chương Một - Phẩm Rắn - Kinh Hemavata
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Ba - Phẩm Bảo Tháp
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Sư Lợi Phổ Siêu Tam Muội - Phẩm Sáu - Phẩm Tổng Trì
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Một - Phẩm Mười Con đường Thiện Nghiệp - Tập Bốn
Phật Thuyết Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật đa - Phẩm Tám - Phẩm Chúc Lụy