Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Một - Phẩm Vô Thường - Tập Bảy

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MỘT

PHẨM VÔ THƯỜNG  

TẬP BẢY  

Này các Tỳ Kheo, trên đường đi đến hậu viên, ta gặp một người chết. Bà con họ hàng đang kêu khóc quanh xác chết, ai nấy đầu tóc rối bù, than Trời trách đất.

Này các Tỳ Kheo, lúc ấy ta hỏi người đánh xe: Người này là ai?

Tại sao bà con họ hàng đều đầu bù tóc rối như vậy?

Họ kêu khóc than Trời trách đất quanh kẻ ấy như thế?

Người đánh xe thưa rằng: Đó là người chết.

Ta hỏi: Chết là sao?

Người đánh xe thưa: Chết là xa lìa người yêu mến, mạng sống không còn nữa.

Vĩnh biệt hẳn bà con họ hàng và cả cõi đời này. Lúc ấy thì phong đại đã ngừng, hỏa đại đã tắt, thủy đại không còn hoạt động, địa đại bắt đầu tan rã, mỗi thứ đi về một ngã. Thần thức đi rồi thì cái xác như khúc cây khô, không còn hay biết gì. Đó là chết.

Này các Tỳ Kheo, bấy giờ ta hỏi người đánh xe rằng: Ta có bị chết như thế không?

Người đánh xe thưa: Từ bậc tôn quý như Ngài cho đến cả Trời, người đều phải chết cả, không ai thoát khỏi.

Này các Tỳ Kheo, lúc ấy ta nghĩ rằng: Hễ là người sống trên đời này thì đều phải chết.

Thế thì ta đến hậu viên ngắm cảnh để tìm cái gì nữa?

Ta liền bảo người đánh xe lui trở về cung. Rồi trong lòng lắng sâu suy nghĩ, ta muốn tìm cách dứt bỏ tai họa chết ấy.

Lúc bấy giờ Vua Chân Tịnh hỏi người đánh xe: Thái Tử đến hậu viên ngắm cảnh, dạo chơi có vừa ý chăng?

Người đánh xe thưa rằng: Thái Tử đến hậu viên ngắm cảnh, dạo chơi, nhưng Ngài chưa đến đó, vì giữa đường đi, Ngài gặp một người chết liền quay xe trở về cung. Nghe nói vậy, Vua Chân Tịnh chán nản.

Vua nói: Ta đã ra lệnh trước cho mọi người trên đường phố rằng không được để Thái Tử nhìn thấy mọi thứ xấu xí, hôi thối. Nếu để Thái Tử nhìn thấy thì trong khoảng bảy căn nhà xung quanh đó đều bị giết.

Vua liền sai người đi xem xét, thì không thấy có nhà nào cả.

Vì sao?

Vì người chết đó là do Trời Tịnh Cư biến hóa ra.

Này các Tỳ Kheo, lúc ấy ta nghĩ rằng: Ôi, già, bệnh, chết không sao tránh khỏi được. Nay ta phải tìm cách khôn khéo mới được, ta bèn đi xuất gia học đạo.

Này các Tỳ Kheo, ta bỏ hết, xuất gia cầu đạo vô thượng và thành Chánh Giác tối thượng. Nay ta đã thành Phật độ thoát cho cả muôn dân, là do ta tích lũy các công hạnh không có tâm luyến tiếc. Hôm nay ta xuất hiện ở đời và tự mình tu thành Chánh Giác.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn quán sát ý nghĩa trên, tìm xét đến gốc ngọn, thị hiện ngọn đèn sáng cho chúng sinh đời sau, cũng giúp cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, nên ở trước đại chúng.

Đức Thế Tôn nói kệ:

Già thấy đau nhức

Chết, ý ra đi

Vui nhà, ngục trói

Tham, đời không dứt.

Các thầy Tỳ Kheo nghe Đức Phật nói xong, vui mừng hớn hở, liền từ chỗ ngồi đứng dậy lạy Phật rồi lui ra.

Già thân đổi thay

Như chiếc xe cũ

Pháp dứt được khổ

Phải gắng công học.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thành Xá Vệ.

Lúc ấy, có rất nhiều vị Tỳ Kheo bạch Phật: Ngày nay, Như Lai tuổi đã cao, da đã nhăn, không còn như xưa kia.

Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Đúng vậy, đúng như lời các thầy nói. Nay ta tuy tuổi đã già, nhưng luôn giữ giới, tu phạm hạnh. Các thầy coi thân Như Lai nằm an ổn trên giường cao hay lúc Như Lai đi khắp bốn biển, tuy các thầy luôn luôn lấy lòng tôn kính để báo đáp ân sâu, nhưng từ xưa đến nay, ta tu hành tâm không kiêu ngạo, nên đã chứng đắc quả Phật.

Ta há chẳng bảo rằng thân này già thì hình sắc biến đổi như một chiếc xe đã cũ ư?

Cái gọi là xe cũ đây được Nhà Vua làm ra, hoặc dùng vàng bạc chạm khắc làm ra. Hoặc dùng thủy tinh, lưu ly chen vào các khoảng cách, nhưng trải qua nhiều năm dù tốt rồi cũng phải hư hỏng, huống chi thân bốn đại này do gân xương chằng chịt, máu huyết lưu thông và do nhiều vật gom lại mà thành cái thân này, cha mẹ tạo ra, mười tháng cưu mang ẵm bồng, úm nồng, tránh ướt, trông nom từng lúc mới được thân này.

Chỉ có bậc Minh trí mới có khả năng trừ cái khổ này bằng cách dùng chánh pháp dạy bảo kẻ chưa giác ngộ. Thêm vào đó là dùng phương cách tạm thời thích ứng cho mọi nơi mà giảng dạy. Hãy gắng sức tu học, xứng đáng với lời chỉ dạy của Đức Thế Tôn.

Dùng sự không dua nịnh để dứt bỏ vọng kiến. Không phạm những lỗi lầm của thân, miệng, ý. Dùng nghĩa bậc nhất để trang bị tất cả. Luôn luôn dạy dỗ chúng sinh không gây ra các tội lỗi mà sa đọa, giúp họ không còn lo lắng sợ sệt nữa. Nghĩa là đệ tử Phật, Thế Tôn, Như Lai, giáo huấn đệ tử thì lấy giới cấm để ngăn ngừa lỗi quấy.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn biết nội tâm của các thầy đã có chỗ hướng về, tìm xét gốc ngọn, thị hiện ngọn đèn sáng cho chúng sinh đời sau, khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, nên Đức Thế Tôn ở trước đại chúng nói bài kệ này:

Già thân đổi thay

Như chiếc xe cũ

Pháp dứt được khổ

Phải gắng công tu.

Các thầy Tỳ Kheo nghe Đức Phật nói xong vui mừng làm lễ rồi lui ra.

Than ôi! Già đến

Sắc hình biến đổi

Niên thiếu như ý

Già bị dập vùi.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca Lan Đà, thuộc thành La Duyệt.

Lúc ấy Tôn Giả A Nan đắp y ngay ngắn trịch bày vai bên trái, đến trước Đức Phật, quỳ thẳng, chắp tay bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn, hôm nay con thấy thân tướng Như Lai đã biến đổi, các căn đã nhăn nheo, hình trạng đang từ từ khô héo.

Các giác quan như mắt, tai, mũi, lưỡi, thân không còn tốt đẹp như ngày nào.

Đức Phật bảo Ngài A Nan: Đúng vậy, đúng như lời thầy vừa nói, cái già có khả năng biến đổi dung nhan xinh đẹp khác thường trở thành xấu xí quái dị.

Các giác quan đầy đủ, cái già biến đổi thành thiếu khuyết. Cái già kết bạn với bệnh tật và cùng sánh vai với cái chết. Cái già làm cho người trẻ đẹp, mạnh khỏe, giàu sang tiền của tràn đầy trở thành thiếu hụt, giảm sút. Cái già làm cho người thân thể cân đối, bên trong sức mạnh tràn đầy thành lưng khòm, phải chống gậy mà đi.

Cái già làm cho làn tóc xanh mượt như màu mật ong chúa, hoặc là màu đen nhánh biến thành bạc trắng, rụng không còn sợi nào. Cái già làm cho mắt như mắt trâu đầu đàn với tròng trắng tròng đen rạch ròi biến đổi thành màng mây trắng đục. Cái già làm cho vầng trán láng bóng như ánh dầu dưới ánh sáng Mặt Trời biến đổi thành khuôn mặt nhăn nheo như da bị nám.

Cái già làm cho hàm răng trắng bóng như ngọc, sáng như tuyết, mịn màng như sữa bò mới vắt hay bóng mượt như cái bụng nõn nà đầy hơi của loài mực nang, mà răng trên, dưới lại sát đều nhau, nhìn hoài không biết chán bị biến đổi thành lung lay, xiêu lệch rồi rụng, hay bị sâu siết đau nhức vô cùng.

Tóm lại, ngay cả đối với loài Kiền Đạp Hòa, A Tu Luân, Ca Lưu La, Chân Đà La, Ma Hưu Lặc, loài người và chẳng phải loài người đều bị cái già biến đổi thành hao mòn suy yếu, không còn lòng hăng hái trẻ trung nữa. Bệnh khổ nhất trong các thứ bệnh không gì hơn bệnh già.

Cho nên nói:

Than ôi, già đến

Sắc hình biến đổi

Niên thiếu như ý

Già đến dập vùi.

Thân Đức Như Lai, Thế Tôn được trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp. Bao quanh thân Ngài là vầng ánh sang tròn, lan tỏa ra bảy thước, không chỗ tối nào không được soi rọi. Ngài lại có tiếng nói với tám âm thanh làm rung chuyển khắp mười phương.

Thế mà nó còn bị cái già bệnh hành hạ dày xéo, huống gì là người phàm phu thì làm sao tránh khỏi cái già?

Do sự việc này, Đức Thế Tôn suy tìm đến gốc ngọn, thị hiện ngọn đèn sáng lớn cho chúng sinh đời sau, cũng khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, nên Đức Phật ở trước đại chúng nói bài kệ trên.

Dù sống trăm tuổi

Rồi cũng chết đi

Bị già ép ngặt

Bệnh khổ tột cùng.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc thành Xá Vệ. Ngài giảng nói rộng giáo pháp cho các loài chúng sinh Trời, Người, Rồng, Quỷ. Lúc bấy giờ mẹ Vua Ba Tư Nặc già hơn một trăm hai mươi tuổi bỗng bị bệnh nặng không thuốc men nào trị lành, cúng vái Thánh Thần cũng không cứu được, nên mấy hôm sau thì bà qua đời.

Vua và các quan chôn cất bà theo pháp luật của triều đình, với dầu, bơ, hương hoa, các thứ cúng dường. Vua an trí thi hài bà trong thần miếu, cắt người trông coi cúng bái, canh giữ. Tang lễ xong, trên đường về, Vua ghé qua chỗ Đức Phật, giữ đúng theo phép Vua, Ngài và các quan cởi bỏ năm thứ trang sức, tiến đến làm lễ dưới chân Phật.

Đức Phật mời Vua ngồi rồi hỏi: Vua đến đây với y phục còn lấm bụi, thân hình thay đổi.

Có chuyện chi mà đến đổi như vậy?

Vua bạch Phật: Quốc Thái Phu Nhân hơn một trăm hai mươi tuổi của con bỗng bị bệnh nặng rồi qua đời. Con đưa linh cữu người tẩm táng vừa xong, trên đường trở về, con ghé qua kính viếng Thế Tôn.

Đức Phật dùng tam đạt trí biết việc ấy liền hỏi Vua: Thế nào Đại Vương, người sinh ra trên đời này, có ai sống hoài chẳng chết không?

Vua bạch Phật: Người ta sinh ra trên cõi đời này không ai là không chết.

Đức Phật bảo Vua: Từ xưa đến nay, có năm thứ đáng sợ mà không ai tránh khỏi.

Một là không ai tránh khỏi cái già, hai là không ai tránh được bệnh hoạn, ba là không ai trốn tránh được chết, bốn là không ai trốn tránh khỏi sự hao mòn, năm là không ai tránh khỏi sự chấm dứt.

Thế đó Đại Vương, là năm thứ không ai tránh khỏi. Nó không chờ đợi ai, muôn vật là vô thường, khó giữ lâu được. Một ngày qua đi, mạng sống con người cũng thế, như năm dòng sông miệt mài chảy suốt đêm ngày không ngừng nghỉ. Mạng sống con người cũng trôi qua mau như vậy.

Lúc bấy giờ Đức Phật lần lượt nói pháp nhiệm mầu cho Vua Ba Tư Nặc nghe. Giảng nói về điều cốt yếu của lòng tin không lui sụt, như nói về bố thí, giữ giới thì được sinh lên Cõi Trời còn nếu nghĩ những việc dâm dục bất tịnh thì phải rơi vào đại họa.

Đức Phật nói với Vua: Đại Vương nên biết, sinh là có già, bệnh phải héo xấu, có hội ngộ thì có chia lìa, đó là lẽ thường trong đời. Mạng sống con người qua mau như tia chớp, như đập đá nháng lửa, nào có gì đáng vui. Là pháp suy hao, biến đổi mà lại muốn cho tồn tại lâu dài thì không thể có được.

Khi ấy, nhân sự việc trên, Đức Thế Tôn thấu suốt gốc ngọn, thị hiện ngọn đèn sáng cho chúng sinh đời sau, khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, Ngài liền ở trước đại chúng nói bài kệ này cho Vua Ba Tư Nặc nghe:

Dù sống trăm tuổi

Rồi cũng chết đi

Bị già ép ngặt

Bệnh khổ tột cùng.

Đức Phật bảo Nhà Vua: Này Đại Vương, cuộc đời này có những việc ấy, không còn gì thường còn, tất cả đều trở về với sự chết. Không ai thoát khỏi. Từ ngàn xưa, như bậc Vua chúa, Chư Phật, các vị chân nhân, các vị Tiên đã chứng được năm thứ thần thông, tất cả đều đã đi qua, không còn ai tồn tại được. Đừng buồn rầu thương tiếc người chết một cách vô ích mà hãy vì họ làm những việc phước lành, không biết mệt mỏi.

Phước ấy theo người chết như thực phẩm đối với người làm ruộng.

Nhân sự việc này Vua nên làm các việc phước lành. Phước giúp đỡ người như người nương gậy cứng mà bước đi.

Đức Phật giảng xong thì Vua cùng bốn chúng và những vị đã đến tham dự pháp hội đều vui mừng, quên hết mọi ưu phiền, thoạt nhiên khai ngộ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi ba vòng quanh Đức Phật, rồi làm lễ mà ra về.

Ngày nay đã qua

Mạng sống giảm theo

Như cá cạn nước

Nào có vui gì.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc nước Xá Vệ. Lúc ấy, biển lớn ở phía Nam sóng thần bỗng dâng cao dữ dội, có ba con cá to vượt khỏi vùng biển bơi ngược lên nguồn thượng, sống trong khoảng nước cạn.

Chúng bảo nhau: Ba đứa chúng ta sống chết nguy hiểm, hiện giờ nước tràn chưa rút, ta hãy mau bơi ngược lên thượng nguồn trở về biển. Nhưng rồi có một chiếc thuyền chắn ngang, khiến chúng không lội qua được.

Con cá thứ nhất dùng hết sức lực phóng qua được chiếc thuyền, con cá thứ hai lại nương vào đám cỏ mà vượt qua được, con cá thứ ba thì yếu sức không qua nổi nên bị người câu cá bắt được.

Lúc ấy, người câu cá nói bài kệ:

Cá thứ nhất không thế

Ắt sẽ bị nguy hại

Nương vào đám cỏ dại

Mạng nó được thoát chết.

Con thứ hai cũng thoát

Nên thảnh thơi bơi lội.

Ngu ở eo nước cạn

Đành bị người câu bắt.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn dùng thiên nhãn thanh tịnh, không chút tì vết thấy ba con cá kia nhảy sóng thoát thân, nhưng hai con thoát được sống, một con mắc cạn. Lại thấy người câu cá làm bài kệ ấy.

Nhân sự việc ấy, Đức Thế Tôn suy tìm cội nguồn, thị hiện ngọn đèn sáng cho chúng sinh đời sau và muốn cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian này, Ngài liền nhóm họp đại chúng mà nói kệ rằng:

Ngày nay đã qua

Mạng sống giảm theo

Như cá cạn nước

Nào có vui gì?

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần