Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Một - Phẩm Vô Thường - Tập Chín
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MỘT
PHẨM VÔ THƯỜNG
TẬP CHÍN
Trong khi đó, pháp của ta thì trang nghiêm, trên dưới hòa thuận. Nếu các thầy vô tình như thế thì đã làm sai lệch pháp chế của ta. Vậy từ nay trở đi, đệ tử hầu thầy phải kính thờ thầy như cha mẹ, đến chết cũng không bỏ thầy. Còn thầy thì coi đệ tử như hơi thở của mình, lúc nào cũng giữ gìn hơi thở, đến chết cũng không rời bỏ. Thầy trò kính thương lẫn nhau, nghĩa ân suốt kiếp.
Mọi vật dụng có được thì chia nhau bình đẳng. Nếu không có vật dụng cần thiết thì đến nhà tín thí, khuyến khích họ tu phước. Nếu ít người quen biết thì nên đến những nhà buôn bán, mà khất thực.
Khất thực có món ngon thì đem về cho người bệnh, còn món dở thì mình ăn. Ai chăm sóc người bệnh là chăm sóc cho chính mình. Công đức của việc làm ấy không sai chạy.
Nói về thầy Tỳ Kheo bệnh nặng kia, sau khi Đức Thế Tôn ra khỏi phòng không bao lâu, thầy ấy liền suy nghĩ: Thân bốn đại này chính là nơi nhóm họp của bao thứ khổ, thế thì có giá trị gì đâu, nó luôn rịn ra những chất dơ bẩn. Bị bệnh ép ngặt, không thoát khỏi già chết. Nay ta phải hết sức cẩn trọng tu hành theo lời Phật dạy. Ngay lúc ấy thầy Tỳ Kheo này xả bỏ thân mạng, nhập Niết Bàn vô dư.
Lúc bấy giờ, có rất nhiều vị Tỳ Kheo lấy chìa khóa mở cửa phòng thì thấy thầy Tỳ Kheo ấy đã qua đời.
Các thầy cùng đến bạch Phật: Thầy Tỳ Kheo bị bệnh nặng kia đã chết rồi.
Không biết thần thức thầy sinh về đâu, thuộc đường nào trong sáu cõi?
Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Thầy Tỳ Kheo bệnh ấy vốn chứa nhóm nhiều hạnh lành, ta vừa giảng pháp cho thầy nghe thì tâm ý thầy liền mở tỏ. Sau đó, thầy phát tâm mạnh mẽ quán pháp từ cạn tới sâu rành mạch thứ lớp. Thầy Tỳ Kheo có dòng dõi cao quý ấy giờ đã nhập Niết Bàn.
Các thầy nên cúng dường Xá Lợi thầy Tỳ Kheo ấy.
Sau khi quán xét ý nghĩa ấy, muốn chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, làm ngọn đèn sáng lớn cho chúng sinh đời sau, nên Đức Thế Tôn ở trước đại chúng nói bài kệ:
Thân chẳng giá trị
Chỗ rịn hôi thối
Bị bệnh ép ngặt
Thêm khổ già chết.
Đại chúng nghe pháp xong, vui mừng thực hành.
Thân rịn chất hôi thối
Các bệnh tật nhóm họp
Không hoạn, vắng lặng nhất
An ổn dừng nghỉ mãi.
Thân rịn chất hôi thối: Những chất nhơ bẩn của thân thì không ai thích nhìn thấy. Như các thứ ghẻ lở đau nhức, luôn tuôm ra các chất nhơ bẩn, chúng đứng đầu các thứ bất tịnh. Pháp vô thường biến đổi sẽ bị tan biến. Trong các thứ khổ não thì thân này là khổ nhất. Nên tìm phương tiện tốt nhất để thoát ra khỏi thân bốn đại này.
Phải giỏi tìm được trí tuệ để ra khỏi ba cõi, tất cả các khổ não đều dứt hết, nên gọi là tận, đã rỗng không thì vắng lặng, cũng không còn hai bên: Sinh và diệt, dính mắc hay cắt đứt.
Không hoạn, vắng lặng nhất, an ổn không còn ý niệm buồn hay vui, một sự an ổn dừng nghỉ hoàn toàn, vắng lặng bậc nhất, nhập Niết Bàn vô dư.
Lúc ấy những người trong hội nghe Đức Phật nói nghĩa này, đều vui mừng tin nhận, làm lễ Phật rồi lui.
Nắng nóng cũng thế
Tuyết lạnh cũng vậy
Kẻ ngu lo toan
Nào biết thay đổi.
Ngày xưa, có vị trưởng giả xây cất nhiều nhà cửa, xuân, hạ, thu, đông đều xây nhà, mặc tình làm theo ý mình, không giữ giới cấm. Ba tháng trong năm, sau này mỗi tháng đều phớt lờ không dè chừng gì cả.
Tiền của vô số, nhưng lại rất keo kiệt không hề bố thí cho ai, cũng không cúng dường Sa Môn, Bà La Môn, cũng không tin rằng có đời này, đời sau, mặc tình buông lung, tham lam keo kiệt khó giáo hóa. Không biết đạo đức, không màng đến vô thường, ông thích cất nhà đẹp, lầu trước dinh sau, nhà hóng mát, nhà ấm cho mùa đông, tòa dọc tòa ngang hơn mười dãy tòa. Thời tiết gió lạnh cắt da nên ông quá đời.
Đức Phật dùng thiên nhãn thanh tịnh không chút tì vết, Ngài thấy ông trưởng giả đột nhiên qua đời. Trong những ngày còn sống, ông không có lòng thương người, ban bố cho chúng sinh, chỉ có việc bắt người khác phải làm việc nặng nhọc. Ý muốn xây thành quách quy mô rốt cuộc nào được mãn nguyện.
Bấy giờ, ở trước đại chúng, Đức Phật muốn chỉ bày nghĩa ấy, nêu lên nguồn cội, cũng muốn chúng sinh đời sau thấu hiểu vô ngại, lại muốn nêu lên cái đáng khen thì được chính miệng thần của Chư Phật, Thế Tôn hiện tại, quá khứ khen tặng, cũng khiến cho chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian nên Đức Phật liền nhóm họp đại chúng mà nói kệ:
Nắng nóng cũng thế
Tuyết lạnh cũng vậy
Kẻ ngu lo toan
Nào biết thay đổi.
Bấy giờ những người trong hội nghe lời Đức Phật dạy liền vui mừng thực hành.
Sinh con mừng vui,
Thương yêu không rời
Kẻ say gặp lũ
Phải bị chết chìm.
Ngày xưa, có một Cư Sĩ tiền của giàu có vô số, kho tàng đầy ngập bảy báu, có đủ bảy báu như vàng bạc, châu báu, xa cừ, mã não, trân châu, hổ phách. Tôi tớ, voi ngựa, xe cộ, lúa thóc chứa đầy kho lẫm, không thiếu thứ gì. Chỉ thiếu có một điều, ấy là không có con nối dõi tông đường mà thôi. Để sinh được con, ông bà đi cầu khẩn cúng vái khắp các Thần Linh.
Trên thì ông lạy lục các thần như thần coi nhà cửa, thần coi thành, thần coi bậc thềm, thần coi bờ ruộng, ông cũng quỳ lạy các thần tổ tiên, ông bà cha mẹ, thần núi, thần cây, thần Trời đất. Dưới thì ông cũng quỳ lạy các thần ở chỗ dơ dáy, gò nổng, mả mồ. Dù chí thành như vậy, nhưng ông vẫn không mãn nguyện vì chưa sinh được con. Rồi đêm ngày buồn rầu lo lắng dần dần sinh bệnh.
Ông nghĩ: Hiện nay trong nhà ta của cải vô số, những châu báu hiếm có đều ở trong nhà ta. Thế mà không có con để nối dõi. Nếu chẳng may ta qua đời thì tất cả của cải này sẽ sung vào của công. Nghĩ đến tương lai đau xót ấy, nhưng ông vẫn không biết tính sao.
Nhưng may mắn thay, bệnh ông dần dần thuyên giảm. Ít lâu sau, vợ ông sinh được một đứa con trai, thân tướng khôi ngô ít có trên đời, mặt tươi như hoa đào, đầy đủ các tướng tốt. Cha mẹ thấy vậy vui mừng hớn hở.
Ông mời bà con chòm xóm trong làng ăn uống vui chơi, đàn ca múa hát vui chơi suốt ngày. Sau đó, ngủ say như chết, không còn biết gì nữa cả. Lúc ấy, có cơn lũ lụt từ đâu tràn về dâng cao, nhận chìm chết hết, không còn ai sống sót.
Lúc bấy giờ Đức Phật dùng thiên nhãn thanh tịnh, không chút tì vết, Ngài thấy rõ sự thành bại của vị trưởng giả kia.
Nhân sự việc ấy, Ngài suy tìm tận ngọn ngành, muốn cho chúng sinh đời sau hiểu rõ sự việc một cách thông suốt, lại muốn nêu lên cái đáng khen thì được chính miệng thần của Chư Phật Thế Tôn hiện tại, quá khứ khen tặng, cũng khiến chánh pháp tồn tại lâu dài trên thế gian, Đức Phật liền nhóm họp đại chúng nói bài kệ:
Sinh con mừng vui,
Thương yêu không rời
Kẻ say gặp lũ
Phải bị chết chìm.
Các thầy Tỳ Kheo nghe lời Phật dạy, vui mừng thực hành.
Có con, có của
Kẻ ngu miệt mài
Thân chẳng của ta
Nói gì con, của!
Ngu dại hết sức
Tự cho mình khôn
Ngu mà bảo khôn
Ấy là quá ngu.
Thuở ấy, Đức Phật ngự trong giảng đường cao lớn bên cạnh ao Di Hầu, thuộc thành Tỳ Xá Ly.
Lúc ấy, ở đó có nhiều thanh niên bắn cung rất giỏi, họ bắn đầu các mũi tên dính thẳng vào nhau. Trong những người giỏi bắn tên, họ là những người tài giỏi nhất. Họ tự cậy vào dòng họ cao quý, đời không ai bằng. Họ cho rằng khắp nơi trong Cõi Diêm Phù Lợi này không còn ai bằng họ.
Cái chính đáng lo là người cha nghĩ rằng: Ngày nay, trên đời không ai sánh bằng con ta, thì đâu có kẻ gian tặc nào dám khi dễ bọn ta.
Người con cũng suy nghĩ là: Cha ta có nghề giỏi thì chắc chắn sẽ thắng mọi người. Thế rồi, người nào cũng ỷ lại, cuối cùng thì không ai tự cứu mình được. Cái chết chợt đến thì lo chạy vạy khắp nơi.
Cho nên có lời tụng rằng:
Ganh nhau dòng dõi mạnh
Nhìn nhau như anh em
Lúc thần chết đuổi dồn
Bị hại không đường trốn.
Thần chết có số loại
Bà con phải cứu nhau.
Chứa tiền của quá nhiều
Bị giặc cướp nhiễu hại.
Lửa cháy, dùng nước tắt
Lấy lọng che ánh sáng.
Giận lấy thuốc độc trừ
Bùa chú dẹp tà vạy.
Voi dữ dùng móc khiến
Chăn trâu lấy roi quất
Các việc này đều vui
Chết đến khó giữ được.
Thế lực vô thường
Không thể nương cậy
Biết chết mất mạng
Nhưng không giữ lâu
Tất cả đều hết
Kẻ không hiểu biết
Bị đời chê bai
Trôi lăn các nẻo.
Lúc ấy, những người thuộc dòng họ Thích trong nước Ca Tỳ La vệ nghe Đức Phật nói, họ biết tài nghề bắn cung của mình không ai địch nổi. Thế nên trong trận đánh nhau với Vua Lưu Ly, họ đã bắn tên rất tài tình. Địch có người bị trụi hết lông mày, có kẻ không còn râu tóc, nhưng không bị thương tổn gì cả.
Sau đó, Vua Lưu Ly muốn rút quân về, các quan liền đến can ngăn: Những người thuộc dòng họ Thích này vâng giữ giới luật đều chứng đạo quả, tuy họ có tài bắn cung giỏi, nhưng họ không làm tổn hại ta.
Lúc ấy Vua Lưu Ly tiến quân tới, còn quân dòng họ Thích thì rút lui.
Họ giữ chặt cửa thành, sai sứ đến thưa với Đức Phật: Hôm nay tình thế nguy cấp lắm, vì Vua Lưu Ly tấn công tới.
Đức Thế Tôn bảo: Nếu mở cửa thì sẽ bị tổn hại, còn đóng cửa thì không bị tổn hại gì!
Khi vị sứ giả kia trở về tới chỗ dòng họ Thích rồi bèn bảo với họ là Đức Thế Tôn có dạy: Nếu mở cửa thì bị Vua Lưu Ly đánh phá giết hại, còn không mở cửa thì ông ta chẳng làm gì được.
Nghe lời ấy, các vị thuộc dòng họ Thích đóng chặt, canh gác nghiêm ngặt các cửa ra vào.
Lúc đó Vua Lưu Ly đóng quân ngoài cửa Thành, bảo những người thuộc dòng họ Thích: Hãy mở cửa Thành cho mau, hai bên sẽ hòa thuận, không có việc giết hại nhau.
Bên trong Thành, những người dòng họ Thích, bị nghiệp đời trước kéo lôi nên họ đòi mở cửa, còn những người không có nợ đời trước thì đòi phải vâng lời Như Lai dạy là không được mở cửa.
Trước đó, ở bên ngoài Thành có tướng Xá Mã Thích, đã đánh nhau với Vua Lưu Ly, giết chết bảy muôn người, khiển voi chĩa ngà đâm chết vô số chúng sinh. Tướng Xá Mã Thích bảo Vua Lưu Ly: Thằng con của nô tỳ hoàng gia sinh ra kia, ngươi chớ có rút lui. Để ta vào Thành chuẩn bị chiến cụ sẽ đánh nữa.
Lúc ấy nghe Xá Mã Thích đã giết hại quá nhiều người, những người dòng họ Thích trong Thành liền cho người gọi Xá Mã Thích đến quở trách bảo phải ngưng tay: Ngươi chẳng phải thuộc dòng họ Thích mà tự xưng họ Thích, làm ô nhiễm dòng họ Thích, ngươi đã làm nhơ danh, vậy hãy ra khỏi nước, không được ở trong Thành này. Hãy đi lẹ đi, chớ đứng đó.
Lúc ấy Xá Mã Thích ra khỏi thành. Bấy giờ Vua Lưu Ly thúc giục đòi mở cửa.
Những người họ Thích có nợ đời trước mới bảo những người họ Thích kia: Phải mau mở cửa thành để coi thằng con của nô tỳ hoàng gia sinh ra kia nó làm gì nào?
Những người họ Thích không có nợ đời trước mới bảo với những người thuộc họ Thích kia: Như Lai đã dạy là nếu mở cửa thì bị giết tất cả. Không mở cửa thành thì sẽ an toàn. Lúc bấy giờ Vua Lưu Ly lại thúc giục hãy mở cửa thành.
Lúc ấy ông Thích Ma Ha nam nói với Vua Lưu Ly: Cho tôi xin một điều, nếu cho phép thì tôi mới trình bày.
Vua Lưu Ly bảo: Ngươi cứ nói. Ta sẽ không trái lời.
Lúc ấy ông Ma Ha nam bước đến tâu Vua: Cho phép trong thời gian tôi lặn xuống sông thì xin Vua hãy thả những người họ Thích ra, cho ai nấy được thoát nạn.
Rồi ông Ma Ha nam nhảy xuống sông, cột tóc mình vào gốc cây và chết chìm dưới đáy nước. Trong thời gian ấy, người họ Thích được thả cho chạy thoát. Sau đó Vua Lưu Ly cho người lặn xuống tìm xem tại sao cậu Thích Ma Ha Nam lại ở lâu dưới nước như thế.
Người lặn bèn xuống tìm, sau đó nổi lên thưa: Ông Thích Ma Ha Nam đã chết dưới đáy nước.
Lúc bấy giờ Vua Lưu Ly đem bảy muôn người họ Thích đã chứng quả Tu Đà Hoàn ra chôn sống, rồi còn cho voi dậm đạp chết hết. Ấy là những người họ Thích có nợ đời trước, đành phải chịu chết, không cậy nhờ vào đâu được.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các thanh niên Tỳ Xá Ly: Hư không có thể trở thành đất, đất có thể trở thành hư không. Một khi nợ đời trước đã chín muồi thì không trốn chạy đi đâu được.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bốc Chiêm Nữ
Phật Thuyết Kinh Thiện Pháp Phương Tiện đà La Ni
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đương Thành Học Lực - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Thiện Giới - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Như Pháp Trụ Sanh Bồ đề địa - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Bốn - Kinh Phật Thuyết Như Vậy - Chương Hai - Hai Pháp - Phẩm Một
Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Liên Hoa - Phẩm Năm - Phẩm Dược Thảo Dụ