Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười - Phẩm Tín - Tập Hai
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MƯỜI
PHẨM TÍN
TẬP HAI
Lúc ấy thầy Tỳ Kheo này mới nhớ lời dạy chân thành của Phật là: Khéo nghe được tuệ. Đáng tin thay lời nói ấy.
Thoát khỏi mọi trói buộc: Có khả năng dứt bỏ hết mọi trói buộc của bảy sử chín kết, thấu hiểu mười hai nhân duyên. Hết hẳn không còn sót, đã lìa bỏ hoàn toàn.
Cho nên nói:
Thoát khỏi mọi trói buộc.
Lòng tin và giới
Tâm tuệ giữ được
Mạnh mẽ không sân
Nhờ đó thoát khổ.
Lòng tin và giới: Người tu hành giữ vững lòng tin và giới luật, tâm không loạn tưởng, đầy đủ hai nghiệp, thì được mọi người tôn kính. Là người nổi bật giữa mọi người, không ai sánh bằng, giống như vầng trăng sáng tỏ ngự giữa các vì sao. Nếu ai gần gũi với người tu tập có tâm dốc tin thì kẻ ấy sinh vào nơi nào cũng được hiều tài sản quý, voi ngựa bảy báu không thiếu. Đó là kết quả của lòng tin không gì phá hư nổi.
Lại nữa, nếu ai tu hành mà giữ giới không thiếu sót, có tâm tu tập đêm ngày chăm chỉ, như người mang gươm đi trên băng, giữ gìn giới cấm không hề thiếu sót thì ấy là người đứng đầu trong vô số chúng sinh.
Sau khi chết sinh lên Cõi Trời hoặc nơi tốt đẹp, ho nên nói: Lòng tin và giới.
Tâm tuệ giữ được: Thân, miệng, ý không bị tổn thương, suy nghĩ chỉ quán, gom nhiếp tâm tán loạn.
Đức Như Lai nói kệ ba nghiệp đầy đủ là: Ngồi ngay thẳng, nhất tâm. Đọc tụng nhiều không nhàm mỏi. Tùy việc khuyến tấn giúp đỡ. Đó là ba nghiệp đầy đủ.
Lại có ba nghiệp là: Một là bố thí, hai là trì giới, ba là tư duy.
Lòng tin thuộc về bố thí. Giữ giới là không sát sinh, định gồm thâu tư duy.
Cho nên nói: Tâm tuệ giữ được.
Mạnh mẽ không sân: Người mạnh mẽ là người làm chủ được ác căn, đã nhập vào cảnh giới của Hiền Thánh, thù oán, giận dữ không bao giờ còn phát sinh, trong ngoài trong sạch sáng suốt như lưu ly Cõi Trời. Mọi việc phải làm đã làm xong, không còn tái sinh vào bào thai. Các trí đầy đủ, bên trong hoàn toàn thanh tịnh, bên ngoài giáo hóa không mệt mỏi.
Cho nên nói: Mạnh mẽ không sân.
Nhờ đó thoát khổ: Người có đủ các công đức như vậy là bậc hiếm có.
Vì sao?
Vì người ấy đã ra khỏi mọi trói buộc rồi. Dù cho chết đi, tiếng tốt cũng vang xa.
Cho nên nói:
Nhờ đó thoát khổ.
Tin giúp giới thành
Sống bền của tuệ
Mãi mãi hành trì
Đâu cũng được cúng.
Tin khiến giới thành: Ai là người có đủ lòng tin và giới luật?
Đáp rằng: Là Bậc Hiền Thánh Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm. Kẻ phàm phu thì đã được lại mất.
Vì sao?
Ấy là bởi tham dục, giận dữ, ngu si gây ra, bởi theo sống với bạn xấu mà ra, bởi không sống với thầy lành mà ra. Từ đó mà mất hết thời giờ, mất hết quả báo, mất hết thân mạng. Bậc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm thì không bị những thứ ấy chi phối. Dù cho ai giả làm thân Phật mà đến thử các vị ấy, hay làm bao nhiêu cách biến hóa đi nữa vẫn không làm cho tâm các vị ấy thay đổi, cũng không làm cho họ khuất phục.
Thuở xưa, trong thành Xá Vệ có vị trưởng giả tên là Tối Thắng, tài sản vật quý rất nhiều, voi ngựa, bảy báu tràn đầy kho tàng. Nhưng trưởng giả vốn là người keo kiệt, không chịu bố thí.
Có người đến xin, ông không cho vào cổng. Người coi cổng phải coi ngó cửa nẻo cho thật chắc chắn, bảy lớp rào đều có bảy lớp cửa như thế. Vách đá cao chót vót để tránh chuột khoét. Ông dùng lồng sắt trùm kín căn nhà mình, vì sợ quạ bay vào phá. Không nuôi chó vì sợ hao thóc gạo.
Lúc bấy giờ Đức Phật bảo Ngài A Nan: Ông hãy đến đó hàng phục trưởng giả Tối Thắng.
Vâng lời Phật dạy, Ngài A Nan liền đắp y, ôm bát vào thành Xá Vệ, đến nhà trưởng giả, nói với trưởng giả:
Đức Như Lai thường nói: Ai bố thí cho người nghèo thiếu thì được năm công đức.
Gồm có: Một là được sống lâu, hai là đẹp đẽ, ba là mạnh khoẻ, bốn là vui vẻ, năm là ăn nói lưu loát. Nếu ai có bố thí sẽ được năm công đức ấy.
Ông trưởng giả suy nghĩ: Ta nghe nói Sa Môn Cù Đàm học rộng tài cao, Kinh Điển mà Ngài nói ra có đến tám vạn bốn ngàn ức voi chở cũng không hết. Hôm nay, vị đệ tử học rộng của Ngài đến nhà ta, ông này chỉ nói bố thí.
Như vậy vị này tham đắm của cải, đó là hành động của kẻ ăn xin, không phải là bậc hiền trí. Rồi Ngài A Nan rút ra các nghĩa Kinh, kịp thời giảng nói thích hợp các căn cơ của trưởng giả, nhưng lòng ông trưởng giả nọ cứng như sắt đá không thể lay chuyển được.
Ông bảo Ngài A Nan: Sắp đến giờ ngọ, Ngài đã có nơi thọ thỉnh hay muốn khất thực?
Ngài A Nan đáp: Bây giờ tôi chỉ đi khất thực, không có nơi nào thỉnh.
Ông trưởng giả liền nói với Ngài A Nan: Sắp tới giờ ngọ rồi, Ngài nên biết đúng lúc. Ngài A Nan liền đứng dậy đi.
Sau khi khất thực nơi nhà khác xong, Ngài về đến chỗ Đức Thế Tôn, bạch Đức Thế Tôn rằng: Vị trưởng giả ấy keo kiệt cứ khư khư theo ý mình nên con không thể hàng phục được.
Sáng hôm sau, Đức Phật bảo Ngài A Na Luật: Thầy hãy đến đó hàng phục vị trưởng giả keo kiệt nọ.
Vâng lời Phật dạy, Ngài A Na Luật đi ngay đến nhà trưởng giả và gặp trưởng giả, dần dần, Ngài nói pháp nhiệm mầu cho trưởng giả nghe, rằng Đức Như Lai là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác thường nói rằng: Ai bố thí cho kẻ nghèo thiếu thì được phước đức vô lượng. Đời này và đời sau, tự nhiên giàu có.
Trưởng giả lại nghĩ: Ta nghe nói Ngài A Na Luật từ bỏ dòng dõi sang giàu, xuất gia học đạo, thường nhận cúng dường năm trăm bát, nhưng không hề thỏa mãn. Nay lại đến nhà ta khuyên ta bố thí, thì ông này cũng là người đi xin ăn, không phải là hành động của Bậc Hiền Thánh.
Trưởng giả liền bảo Ngài A Na Luật: Sắp đến giờ ngọ rồi xin Ngài biết đã đúng lúc.
Ngài A Na Luật liền đứng dậy đi đến khất thực nơi nhà khác, rồi về đến chỗ Đức Thế Tôn, bạch Đức Thế Tôn: Vị trưởng giả keo kiệt ấy cứ khư khư theo ý mình nên con không thể hàng phục được.
Đức Phật lại bảo Ngài Đại Ca Diếp: Thầy hãy đến hàng phục vị trưởng giả tham lam bỏn sẻn kia.
Ngài Ca Diếp vâng lời Phật dạy đến nhà vị trưởng giả gặp ông ta, Ngài lại nói pháp nhiệm mầu cho ông trưởng giả nghe rằng Đức Như Lai là Bậc Chí Chân Đẳng Giác, thường nói rằng: Nếu ai bố thí cho kẻ nghèo thiếu thì sẽ được năm công đức, sinh ra nơi nào cũng được mọi người kính yêu.
Trưởng giả tự nghĩ: Ông này xưa kia, lúc ở nhà có chín trăm chín mươi chín con trâu cày ruộng, có sáu mươi thùng đựng thóc bằng vàng, mỗi thùng chứa ba trăm bốn mươi hộc thóc, cưới người con gái đẹp nhất nước Kiềm Tỳ La làm vợ, rồi bỏ cả sự sang giàu đi xuất gia làm Sa Môn, sao lại đến nhà người khác như kẻ ăn xin, nói những lời khen ngợi việc bố thí, tham đắm của cải.
Ngài Ca Diếp dùng nhiều cách nói pháp, nhưng tâm ông trưởng giả vẫn không khai mở, cũng không thay đổi, trưởng giả nói với Ngài Ca Diếp: Bây giờ đã sắp tới giờ ngọ, Ngài có chỗ thọ thỉnh hay muốn khất thực?
Ngài Ca Diếp nói: Tôi không có chỗ thọ thỉnh, chỉ đi khất thực.
Trưởng giả bảo Ngài Ca Diếp: Bây giờ đã đúng lúc.
Ngài Ca Diếp liền đứng dậy, đi đến khất thực nơi nhà khác và trở về bạch với Đức Thế Tôn: Vị trưởng giả bỏn sẻn ấy cứ khư khư không dễ gì phá nổi.
Đức Phật lại bảo Ngài Mục Liên: Thầy hãy đến hàng phục vị trưởng giả tham lam bỏn sẻn kia.
Vâng lời Phật dạy, Ngài Mục Liên liền đến nhà vị trưởng giả kia gặp ông và nói việc bố thí, rằng Đức Như Lai là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác, thường nói pháp là: Ai bố thí cho người nghèo thiếu thì được phước vô lượng. Đời này và đời sau tự nhiên giàu có.
Phật bảo các Tỳ Kheo, nếu có chúng sinh biết được quả báo của việc bố thí cho đến nắm cơm cuối cùng trong bát cũng không ăn, tâm mở rộng bố thí là gieo giống ruộng phước của Bậc Hiền Thánh, ta chứng minh công đức vô lượng ấy.
Trưởng giả tự nghĩ: Ta nghe nói vị này thần thông vô ngại có khả năng dời cả núi non, làm đảo lộn đất Trời, hoặc sáp nhập Thế Giới khác vào Thế Giới này, mà các loài chúng sinh không hề hay biết, vậy mà ông ta không thể hiện một phép thần thông cho ta coi, lại đi nói cái phước của việc bố thí.
Đó là do tâm tham lam bỏn sẻn còn ngủ ngầm trong lòng ông ta. Ông ta chỉ là người ăn xin không phải là bậc hiền sĩ. Ngài Mục Liên lại nói pháp, nhưng vẫn không làm cởi mở được tâm trưởng giả.
Trưởng giả bảo Ngài Mục Liên: Bây giờ đã sắp đến giờ ngọ.
Ngài có nhận lời mời hay chỉ đi khất thực?
Phải coi chừng thời giờ.
Ngài Mục Liên liền đi khất thực nơi nhà khác.
Đức Phật lại bảo Ngài Xá Lợi Phất: Thầy hãy đến nhà vị trưởng giả tham lam bỏn sẻn kia.
Ngài Xá Lợi Phất liền vâng lời đến nhà trưởng giả gặp ông, sau đó Ngài an tọa và bảo trưởng giả: Hễ là người có hiểu biết thì phải phân biệt rõ bốn pháp.
Thế nào là bốn trí?
Một là phân biệt việc bố thí, hai là gần gũi thiện tri thức, ba là dứt bỏ bỏn sẻn ganh tị, bốn là nhớ nghĩ tu hành trí tuệ thông đạt.
Trưởng giả tự suy nghĩ: Ta nghe vị này đã biện luận hơn mọi người khi mới lên tám tuổi, các vị lỗi lạc đều bị cậu ta chiết phục, không dám đương đầu. Lên mười sáu tuổi cậu ta đã học suốt hết sách vở trong Cõi Diêm Phù này, không chuyện gì là không biết, thông suốt những việc xưa nay, giảng nói rành rẽ những điều sâu xa, thiên văn, địa lý, sách ký, đồ sấm, cả đến Phạm Chí lịch thuật cũng đều thông đạt.
Ông ta là người có trí tuệ bậc nhất trong các đệ tử của Cù Đàm, giảng nói thông suốt giáo pháp nhiệm mầu bằng trí tuệ, thế mà nay lại đi nói công đức của việc bố thí thì ông này cũng là hạng người đi xin ăn không phải là bậc hiền sĩ. Trưởng giả hỏi Ngài Xá Lợi Phất là có nơi thọ thỉnh hay là muốn khất thực, nên biết đã đúng lúc.
Ngài Xá Lợi Phất liền trở về chỗ Đức Thế Tôn, bạch Phật: Ông ta cứ khư khư với tâm tham lam bỏn sẻn, dù cho chất củi cao lên tới Trời rồi châm lửa đốt thì tâm ý ông ta vẫn không thay đổi. Cúi mong Đức Thế Tôn đích thân năng lực hàng phục đến nhà trưởng giả ấy, hiện bày oai lực của Phật để dứt bỏ tâm bỏn sẻn, ngu muội của ông ta.
Lúc bấy giờ, trong khoảng thời gian ngắn như người lực sĩ co duỗi cánh tay, Đức Phật đã đến ngồi trong sân nhà ông trưởng giả.
Trưởng giả Tối Thắng thấy Đức Phật đến bèn lạy dưới chân Đức Phật rồi ngồi sang một bên.
Lúc ấy Đức Phật bảo trưởng giả: Người bố thí được năm công đức lớn.
Trưởng giả hỏi Đức Phật: Vì sao bố thí được năm công đức lớn?
Đức Phật đáp: Loại bố thí thứ nhất là không sát sinh, đó là loại bố thí thứ nhất của trưởng giả. Nếu có chúng sinh giữ giới không sát sinh thì đối với tất cả chúng sinh dùng tâm từ bi che chở họ, cũng không làm họ lo sợ, đó gọi là loại đại thí thứ nhất.
Trưởng giả tự nghĩ: Con người ta sát sinh là do nghèo thiếu, nay ta trong nhà tiền của đầy dẫy, muốn gì có nấy thì còn sát sinh làm gì?
Lời nói kia hay lắm, ta phải nghe theo lời dạy bảo ấy.
Nghĩ rồi, ông liền bạch Phật: Con nguyện tự quy y, thọ giới pháp của Phật, trọn đời không dám phạm giới sát.
Đức Phật lại bảo trưởng giả: Không phạm vào giới không cho mà lấy, nếu có chúng sinh nào giữ giới không cho mà lấy thì đối với tất cả chúng sinh đều dùng tâm từ bi che chở họ, không làm cho họ lo sợ, đó gọi là loại đại thí thứ hai.
Trưởng giả tự nghĩ: Trộm cắp tài vật của người ta là do nghèo thiếu mà nay nhà ta thì kho đụn tràn đầy, voi ngựa, bảy báu vàng bạc, lưu ly, xa cừ, mã não, san hô, hổ phách thì ta trộm cắp tài vật của người khác làm gì?
Lời nói kia hay lắm. Ta phải nghe theo lời dạy bảo ấy.
Nghĩ xong, ông liền bạch Phật: Con nguyện tự quy y, thọ giới pháp của Phật, trọn đời không dám phạm giới trộm.
Đức Phật lại bảo trưởng giả: Nếu có chúng sinh nào không phạm giới trộm thì đối với tất cả chúng sinh dùng tâm từ bi che chở họ, không làm họ lo sợ, đó là loại đại thí thứ hai.
Đức Phật lại bảo trưởng giả: Không được dâm dật, ô phạm đến vợ con người khác. Nếu có chúng sinh nào giữ giới bất dâm này thì đối với tất cả chúng sinh nên dùng tâm từ bi che chở cho họ, cũng không làm họ lo sợ, đó là loại bố thí thứ ba.
Trưởng giả suy nghĩ: Người không có vợ mới phạm dâm dật, nay trong nhà ta đầy dẫy thể nữ, nếu cần thì có hàng vạn, dù mong vui sướng cũng không thể hưởng hết, có đâu lại đi phạm vào vợ con kẻ khác, lời nói kia hay lắm, ta phải nghe theo lời dạy bảo ấy.
Nghĩ rồi, ông liền bạch Phật: Con nguyện tự quy y, thọ giới pháp của Phật, trọn đời không phạm dâm dật.
Đức Phật lại bảo ông trưởng giả: Nếu có chúng sinh nào không phạm dâm dật thời đối với tất cả chúng sinh dùng tâm từ bi che chở họ, cũng không làm họ lo sợ, đó là loại đại thí thứ ba.
Đức Phật lại bảo trưởng giả: Không nói dối là loại đại thí thứ tư.
Trưởng giả suy nghĩ: Người ta ở đời sở dĩ nói dối là do nghèo thiếu không có khả năng tự nuôi sống, mới lấy sự luống dối gian trá làm nghề sống mới sinh ra nói dối, nay nhà ta tài sản chứa để vô số, dài đến cả ức dặm thì còn nói dối làm gì?
Lời nói kia hay lắm, ta phải nghe theo lời dạy bảo ấy.
Nghĩ xong, ông liền bạch Phật: Con nguyện tự quy y, thọ nhận giới pháp của Phật. Trọn đời không phạm tội nói dối.
Đức Phật bảo trưởng giả: Không phạm nói dối thì đối với tất cả chúng sinh dùng tâm từ bi che chở họ, cũng không làm họ lo sợ, đó là loại đại thí thứ tư.
Đức Phật lại bảo trưởng giả: Không được uống rượu, đó là loại đại thí thứ năm.
Trưởng giả tự nghĩ: Người ta uống rượu phạm ba mươi sáu lỗi, tan nhà nát cửa đều do rượu mà ra. Nếu ta uống rượu thì khách khứa lui tới ồn ào phiền phức, đã hao rượu ta lại sinh chuyện gây gổ. Lời nói kia hay lắm, ta phải nghe theo lời Phật dạy bảo.
Nghĩ xong, ông liền bạch Phật: Con nguyện tự quy y, thọ giới pháp của Phật, trọn đời không phạm uống rượu.
Đức Phật bảo trưởng giả: Nếu có chúng sinh nào không phạm uống rượu thì đối với tất cả chúng sinh dùng tâm từ bi che chở họ, cũng không làm cho họ sợ. Đó là loại đại thí thứ năm.
Lúc ấy, trong tâm truởng giả suy nghĩ: Như ta là ngoại đạo dị học, bên trong thì cấm không được phạm, nhưng bên ngoài là đệ tử hầu thầy, vâng lời thầy dạy, dù ít hay nhiều, cũng phải có sự báo ân, cúng dường tài sản vật báu cho thầy cần dùng.
Rồi ông vào kho lựa những tấm dạ trắng không được đẹp định dâng lên cho Phật, nhưng những tấm dạ ông chọn được đều là loại rất tốt, ông cứ đổi hoài cả vài mươi lần vẫn không tìm được dạ xấu. Miệng và tâm trái nhau, tâm tham lam bỏn sẻn không chịu mở ra.
Ngay lúc ấy, A Tu La và các Trời Cõi Trời Đao Lợi đánh nhau, hoặc A Tu La thắng Trời thua, hoặc Trời thắng A Tu La thua. Lúc bấy giờ Đức Phật dùng thiên nhãn trong sạch không vết nhơ thấy các Trời đánh nhau với A Tu La, lại thấy tâm bố thí và tâm bỏn sẻn của trưởng giả giằng co nhau.
Hoặc tâm bố thí thắng, tâm bỏn sẻn thua, hoặc tâm bỏn sẻn thắng, tâm bố thí thua, nên Thế Tôn bèn nói bài kệ này:
Thí và đấu ở chung
Việc ấy vắng trí tuệ
Lúc thí, tâm đấu thua
Mau thí vì sao nghỉ?
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Minh độ Kinh đạo Hành Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Hai - Phẩm Thí Dụ
Phật Thuyết Kinh Lầu Các Chánh Pháp Cam Lồ Cổ
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Hai - Phẩm Sinh Tử - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sai Ma
Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm - Phần Mười Bảy
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Quán Tự Tại Tùy Tâm Chú - Phần Năm
Phật Thuyết Những Kinh Do Tăng Già La Sát Tập Thành - Phần Hai