Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Ba - Phẩm Lợi Dưỡng - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI BA

PHẨM LỢI DƯỠNG  

TẬP BỐN  

Dứt tâm, tự tỉnh: Ăn phải biết đủ, không được mong nhiều.

Nếu muốn được y phục, thức ăn, giường ghế, đồ nằm, cũng không bao giờ được mong nhiều.

Cho nên nói: Dứt tâm, tự tỉnh.

Đến chỗ biết đủ, nhớ tu một pháp: Một pháp là gì?

Một pháp là đối với các pháp lành đều biết đủ.

Cho nên nói:

Nhớ tu một pháp.

Chế lợi, nhận vừa

Giữ giới, suy nghĩ

Được người trí khen

Thanh khiết, chớ lười.

Chế lợi, nhận vừa: Cẩn thận giữ hạnh của mình, không để bị đắm nhiễm theo đường tà. Nếu được lợi dưỡng thì trước hết phải khuyên tín thí cúng dường đại chúng, sau đó mới tự nhận. Phải vì bốn bộ đệ tử Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, hay vì nhà vua, các quan, một ức cư sĩ, trưởng giả giàu có, đêm ngày thưa hỏi, nghe nhận, thường lấy nhường nhịn làm đầu, rồi sau mới đến lượt mình.

Cho nên nói: Phải tiết chế lợi dưỡng, nhận vừa phải.

Giữ giới, suy nghĩ: Chuyên ý giữ giới, dù mảy may cũng không trái phạm. Ra vào tới lui không mất oai nghi. Giữ tâm tu tập cấm giới như đang gặp kiếp hỏa.

Cho nên nói: Giữ giới, suy nghĩ.

Được người trí khen: Người có trí tuệ thì ý chí tôn sùng điều cao thượng sáng tỏ, hổ thẹn vì mình không theo kịp điều cao thượng ấy. Thấy có người giữ hạnh thì sẵn sàng giúp đỡ để họ thành tựu hạnh ấy. Và ca tụng, đề cao khen ngợi danh đức của người ấy.

Cho nên nói: Được người trí khen.

Thanh khiết, chớ lười: Ngày đêm tinh tấn, ngồi, nằm, đi kinh hành vẫn không quên việc làm gốc của mình. Từ sáng đến chiều tối, đến sáng hôm sau, luôn suy nghĩ chỉ quán, dù khi ăn, khi nghỉ cũng không lãng quên.

Cho nên nói:

Thanh khiết, chớ lười nhác.

Tỳ Kheo Ba Đạt

Giải thoát, vô lậu

Hiểu ít biết ít

Người trí nhớ nghĩ.

Tỳ Kheo Ba Đạt: Người căn tánh bén nhạy, công đức cao sâu, được giải thoát vô ngại, bỏ tám, trừ nhập. Đó gọi là một minh cũng gọi là một đạt. Khi dứt sạch hết lậu gọi là hai minh. Được các thần thông gọi là ba minh.

Lại có thuyết nói: Dứt hết các lậu gọi là một minh. Biết mình sinh ra từ đâu, gọi là hai minh. Tự biết thân đời trước, gọi là ba minh.

Cho nên nói: Tỳ Kheo Ba Đạt ba minh.

Giải thoát vô lậu: Người giữ hạnh kia đã dứt bỏ già chết.

Chết có bốn nghĩa: Một là chết kết sử, hai là chết năm ấm, ba là chết rốt ráo, bốn là chết ở Cõi Trời Tự Tại. Đó là bốn thứ chết. Thầy Tỳ Kheo có Ba Đạt thì hàng phục hẳn hai thứ ma.

Thế nào là hang phục hai thứ ma?

Một là ma kết sử, hai là ma trời.

Cho nên nói: Giải thoát vô lậu.

Hiểu ít biết ít: Trí tuệ của bản thân mình rộng khắp không bến bờ, nhưng không ban rải khắp cõi đời, không giao thiệp qua lại với tri thức thế gian chỉ có người hiểu biết mới phân biệt được.

Cho nên nói: Hiểu ít biết ít.

Người trí nhớ nghĩ: Được các bậc phạm hạnh quý kính, biết rõ thần lực của người ấy, lòng tin được tự tại, không còn gì ngăn trở được.

Cho nên nói:

Người trí nhớ nghĩ.

Còn thức ăn uống

Được người cúng dường

Có ra pháp ác

Do ganh cúng dường.

Còn thức ăn uống, được người cúng dường: Đều do đời trước thích làm việc bố thí mà đời nay sinh vào nhà giàu sang, nhiều tài sản vật báu, tướng mạo xinh đẹp, mặt tươi hồng như hoa đào, trước khi nói đã nhoẻn miệng cười, vẻ mặt lúc nào cũng hòa vui, tâm thức sáng rỡ, thong minh trí tuệ, học rộng tài cao, việc gì cũng rõ biết. Đến nơi nào cũng làm nhiều pháp sự.

Cho nên nói: Còn thức ăn uống, được người cúng dường.

Có ra ác pháp, do ganh cúng dường: Hoặc có người tu học lần lượt nối tiếp nhau được cúng dường. Theo pháp cúng dường thì từ một người được cúng dường, người sau làm theo lại đến cúng dường, mà không thể phân chia được trí tuệ sâu cạn, đạo đức ít nhiều.

Từ đó, người có trí tuệ trở lại tỏ thái độ khinh bỉ, kiêu ngạo, gian dối, thích hư danh, trở lại cung kính lấy chân làm ngụy, cho ngụy là chân, cho mình là phải, người là quấy, phỉ báng lẫn nhau, nghĩ rằng: Ta có trí tuệ, tài năng hơn người, còn người là kẻ hiểu biết nông cạn, từ đó tìm dịp giết hại oan uổng người lương thiện, người chết nhiều vô hạn. Khiến cho những người trí ẩn mình không xuất hiện. Kẻ ngu si, gian ác thì tha hồ buông lung trong đời.

Cho nên nói:

Có ra ác pháp,

Do ganh cúng dường.

Nhiều tri thức họp

Cưỡng mặc pháp y

Chỉ mong ăn uống

Giường ghế, đồ nằm.

Nhiều tri thức họp, cưỡng mặc pháp y: Có người gian xảo dối trá mặc y bá nạp, ngoài thì biểu hiện dáng dấp kín đáo, nhưng bên trong thì tâm ý như người đời, cùng ở chung với họ, khi bước đi thì mắt nhìn phía trước không rời.

Cho nên nói: Nhiều tri thức họp, cưỡng mặc pháp y.

Chỉ mong ăn uống, giường ghế, đồ nằm: Có nữ thanh tín đi đường gặp hạng ấy thì đều cung kính, phát sinh tâm lành. Ngay khi thấy thì tín nữ kia như hoa nở tươi dưới ánh mặt trời, tâm ý thương xót, không thể bỏ đi. Hạng người ấy, dù mặc y bá nạp mà lòng như sói lang, như chồn rình chuột, không có giới hạnh mà nhận của thí, không nghĩ gì về đạo đức, lừa dối người đời, không còn biết gì tới Kinh Điển, giới luật.

Chúng sinh trốn chạy như núi băng lở sụp, như người khát cần nước uống, mình trần được áo, tâm ý cung kính, hi vọng được phước, nghĩa là đối với ruộng phước tốt, không còn tội lỗi.

Cho nên nói:

Chỉ mong ăn uống,

Giường ghế, đồ nằm.

Phải biết tội ấy

Lợi dưỡng đáng sợ

Nhận ít không lo

Tỳ Kheo thanh thản.

Phải biết tội ấy, lợi dưỡng đáng sợ: Lợi dưỡng là chứng bệnh đã ăn sâu vào xương tủy. Khi chết rơi vào đường ác chắc chắn không còn nghi ngờ. Nhiều nỗi lo sợ, không bao giờ được yên. Nếu sống ở nhân gian thì gặp nhiều tai họa. Muốn tự đề phòng thì không ai sốt sắng giúp đỡ, sống thì sợ chết, đi nơi khác thì sợ giặc.

Cho nên nói: Phải biết tội lỗi, lợi dưỡng đáng sợ.

Nhận ít không lo, Tỳ Kheo thanh thản: Hoặc có những người nam, người nữ thuộc dòng họ cao quý giữ lòng tin vững chắc, từ biệt vợ con, xuất gia học đạo, cạo bỏ râu tóc, mặc ba pháp y. Tới giờ ôm bát đi khất thực là đem phước đức rộng lớn đến cho chúng sinh, được thức ăn ngon hay dở cũng đều chú nguyện cho thí chủ.

Nhờ ân phước này mà tất cả đều được độ thoát. Nhưng đối với người thiếu hiểu biết, không hóa độ cùng khắp, biện tài nhạy bén không biết cách thích ứng lại được tám bộ chúng như Trời, Rồng, quỷ thần, tôn kính trọng đãi, đến nghe chánh pháp và thọ tam tự quy với họ, vô số quỷ thần sạch hết các bụi nhơ, được mắt pháp thanh tịnh.

Cho nên nói:

Nhận ít không lo,

Tỳ Kheo thanh thản.

Không ăn không sống được

Ai không ăn vật thực

Việc ăn là trước tiên

Biết vậy không nên ganh.

Không ăn không sống được: Tất cả loài chúng sinh có thân hình, đều nương nhờ vào ăn mà sống được. Hoặc có người tham ăn uống, vì cái tham ấy mà có ngàn muôn chúng sinh bị giết hại. Lại có chúng sinh tâm không keo kiệt, đối với những việc ăn uống họ không tha thiết lắm. Sở dĩ như thế là vì họ nghĩ đến tám điều của bậc đại nhân nên ăn uống chỉ đủ để nuôi thân.

Cho nên nói: Không ăn không sống được.

Ai không ăn vật thực: Nhờ ăn mà người ta có hơi thở ra vào, thần thức ổn định, tụng Kinh hành đạo. Tuy có bốn cách ăn, nhưng ăn từng miếng là trước hết. Tới lui, đi lại, làm xong mọi việc.

Cho nên nói: Ai không ăn vật thực.

Việc ăn là trước tiên: Người tu hành tâm thường quán tưởng thức ăn, thức ăn này từ đâu đem lại, rồi nó sẽ đi về đâu?

Phân biệt từng thứ rõ ràng, do ăn mà đắc quả.

Cho nên nói: Việc ăn là trước tiên.

Biết vậy không nên ganh: Hoặc có người tu hành ẩn mình nơi núi sâu ở riêng một mình nơi thanh vắng, cô đơn một bóng, không bè bạn. Sống với một Tượng Phật, không có đồ chúng.

Sở dĩ họ không ham thích ở đời là vì thấy người ta kích bác nhau cay độc mà biết đề phòng kỹ mọi lo âu khi chưa xảy ra, hoạn nạn xảy ra do có đôi, nước ngập tràn lan từ nơi nguồn. Nếu không có đôi thì ta không có hoạn nạn gì. Thế nên, Bậc Thánh Nhân dạy người nên sống nơi thanh vắng, tránh nơi ồn náo, nhờ đó không còn ý niệm ganh ghét.

Cho nên nói:

Biết vậy, không nên ganh tị.

Ganh trước tổn mình

Sau mới tổn người

Đánh thì bị đánh

Không thể dứt được.

Ganh trước tổn mình: Như có người té xuống bùn nhơ, không thể trèo lên khỏi hố bùn, mình còn không cứu mình được thì làm sao cứu giúp ai, phải tìm cách cứu nạn ấy.

Cho nên nói: Ganh trước tổn mình.

Sau mới tổn người: Khi mình được cứu độ rồi mới tìm cách cứu độ người chưa độ.

Cho nên nói: Sau mới tổn người.

Đánh thì bị đánh: Đều do tâm người chưa bỏ việc phải quấy. Điều ấy làm rõ luật nhân quả như ngửa mặt lên hư không phun nước miếng, nước miếng trở lại rớt xuống mặt mình, không thể dính người khác.

Tiếng vang là vắng lặng, vô hình, bị người mắng nhiếc, nhưng có âm thanh, tai ta nghe đến hoàn toàn không có hình chất, vì sao trong pháp vắng lặng mà lại sinh ra hỷ nộ một cách ngang ngược?

Người ngu thiếu suy nghĩ nên sinh ra thức tưởng, tranh phải quấy với nhau, đưa đến mất mạng.

Cho nên nói: Đánh thì bị đánh.

Không thể dứt được: Người ngu giữ ý đến chết vẫn không đổi. Nếu gặp lợi dưỡng thì cho là vật sở hữu của mình, đối với lợi dưỡng ấy sinh ra ganh tị nên không có tâm rộng lớn.

Cho nên nói: Không thể dứt được.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần