Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Phẫn Nộ - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM MƯỜI BỐN

PHẨM PHẪN NỘ  

TẬP HAI  

Lúc bấy giờ Già Tần Xà Lộ mới nói với chim ưng rằng: Đây là lỗi của tôi, biết nói cùng ai?

Nếu tôi thường giữ nghề gốc mà yên ở chỗ cũ thì tôi đâu có bị Ngài bắt.

Chim ưng đầu đàn hỏi: Nghề gốc và chỗ ở cũ của ngươi là ở đâu?

Chim sẻ bảo chim ưng rằng: Chỗ ở cũ của tôi là một gò đất nằm sâu trong kẹt suối đá sâu, bên trên là núi cao, hết lối. Nếu tôi cứ ở đó thì không bao giờ bị ông bắt.

Chim ưng đầu đàn bảo chim sẻ rằng: Bây giờ ta thả cho ngươi về chỗ cũ, rồi ngươi xem năng lực của ta có thể bắt được ngươi không.

Lúc ấy, chim sẻ liền bay về khe đá, từ xa nói với cho chim ưng đầu đàn: Nếu được, xin ông hãy xuống đây ta đánh nhau chơi.

Nghe vậy, chim ưng đầu đàn nổi giận phừng phừng, dùng hết sức đập cánh thật mạnh rồi từ trên không sà xuống định quắp lấy con chim sẻ. Chim sẻ chui vào khe đá, chim ưng đầu đàn va cánh quá mạnh vào khe đá, gãy cánh và chết ngay.

Cho nên nói:

Như chim sa lưới.

Hại người, bị hại

Gây oán, bị oán

Mắng người, người mắng

Đánh người, người đánh.

Hại người, bị hại: Chúng sinh ở đời có chí hướng khác nhau. Thân làm ác thì tự nhiên không ai giúp đỡ, giơ tay đánh người là tự hại mình.

Cho nên nói: Hại người, bị hại.

Gây oán, bị oán: Lại có các chúng sinh hung dữ, lúc nào cũng nghĩ ác, thường rình chờ điều xấu dở của người.

Tâm thường suy nghĩ: Y ở làng ấy, nhà ấy và đã cướp đoạt bò của ta, cưỡng lấy tài sản ta, giết chết bà con ta, chiếm đoạt ruộng vườn ta, nên ta phải rình bắt con nó để trả mối thù sâu. Suy nghĩ toan tính, giữ mãi trong lòng việc ấy.

Nếu như xuất gia, đạo tâm chưa vững, sự học cạn cợt, trong tâm suy nghĩ là Tỳ Kheo ấy từng ở chung với ta, lấy đồ nằm, ống đựng kim, chìa khóa của ta là sáu vật của Sa Môn, đến nay vẫn chưa trả. Chỉ nghĩ các vật mà không nghĩ đến tu đạo. Không biết hậu báo chợt đến, phải rước họa vào thân.

Cho nên nói: Gây oán, bị oán.

Mắng người, người mắng: Nếu bị người mắng nhiếc, ta mắng lại không tự quán xét, ấy đều bởi ngu si lầm lạc nên gây ra sự mắng nhiếc đó. Chẳng biết lúc mình phải chịu quả báo không còn bao lâu nữa.

Người tu hạnh ấy phải phân biệt người mắng chửi mình, coi sự mắng kia đều vắng lặng, hoàn toàn không có hình chất. Nếu người mắng ta thì biết nó là không, bởi vì dù có nghe nhưng vẫn thấy không thật có.

Lời mắng chỉ là trống không, còn ta vắng lặng thì có ai là người mắng?

Thế nên, hôm nay ta nhẫn nhục, không mắng chửi lại. Dù mắng nhiếc người dữ dội đến đâu đi nữa, thì cũng phải có lúc chấm dứt. Thân bốn đại này tồn tại trên đời không bao lâu, tha hồ hưởng thụ, vì không biết điều ấy nên mãi mãi bước đi trong vô lượng đau khổ.

Cho nên nói: Mắng người, bị mắng.

Đánh người, người đánh: Người ta ganh ghét nhau, hủy báng việc lành của người. Tính tình không bình thường cho nên vui buồn bất định.

Hoặc có người ngu, không gặp thầy dạy bảo, học thức kém cỏi, tính khí ngu đần, kết oán trong lòng, không bao giờ cởi mở được. Hạng người như thế ta không nên ở chung, nói năng, ăn uống, dự tiệc với họ. Cho dù có ai khác có ý muốn sửa đổi họ đi nữa thì kết quả hoàn toàn thất bại, ý muốn của mình không đạt được.

Cho nên nói:

Đánh người, bị đánh.

Sao là Sa Môn

Không biết chánh pháp?

Đời sống ngắn ngủi

Lại kết oán thù.

Sao là Sa Môn: Sa Môn là người thực hành tâm vắng lặng, lìa khỏi tám nghiệp ở thế gian, ý chí tôn trọng sự thanh tịnh mới được gọi là Sa Môn.

Như nay, Sa Môn các thầy là người đắp, mặc pháp phục, nhưng không tu thiền định, sáu căn bít lắp, đối với năm thứ dục lạc thế gian thì tâm mong cầu đắm nhiễm. Nếu bị ai hủy nhục thì hối hận muốn hoàn tục. Nếu vị Sa Môn gặp cảnh vinh hoa đáng yêu thì cũng không vui, nếu gặp cảnh hủy nhục thì cũng không lấy đó làm buồn. Ấy mới gọi là Sa Môn.

Cho nên nói: Sao là Sa Môn.

Không biết chánh pháp: Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Các thầy dù đã xuất gia học đạo nhưng dòng dõi và tâm ý khác nhau. Có người sợ luật pháp Vua mà đi xuất gia, có người tránh việc nặng nhọc mà xuất gia. Những người có tâm như thế, ta không nên gần gũi họ. Đã được xuất gia rồi phải tu chánh nghiệp. Sáu thời hành đạo, đêm ngày không bỏ phế.

Hơn nữa, còn phải suy nghĩ phước đức để hóa độ chúng sinh. Nếu muốn ăn uống thì phải nghĩ đến toàn thể đại chúng, không riêng vì mình. Các thầy là những người tuy nói là đạo hạnh, nhưng trái với chí nguyện.

Cho nên Bậc Hiền Thánh đời quá khứ dạy người pháp y là vật tiêu biểu, vì các Ngài muốn khiến người ta dứt bỏ cái nhơ bẩn bên trong. Còn các thầy là những người nhơ bẩn mà mượn pháp y đắp mặc, làm cho hình tướng chân thật bị nhuộm dơ, phá hoại vật tiêu biểu kia.

Cho nên nói: Không biết chánh pháp.

Đời sống ngắn ngủi: Đức Phật bảo các Tỳ Kheo: Người ta sống trong cõi đời có năm thứ ác trược này, tuy nói là trăm tuổi, nhưng ngủ nghỉ đã mất hết phân nửa thời gian rồi.

Sự sống nhiều nguy hiểm, thọ thân bốn đại giống như bốn con rắn sống chung, lại thêm cả trăm thứ bệnh gây nguy hại cho nó, vui ít khổ nhiều, lo toan muôn mối, đau khổ khó lường. Không thể định tâm, không suy nghĩ chân đạo, trái lại còn sinh tâm kiêu ngạo ganh ghét, dẫm theo lối mòn của phàm phu.

Cho nên nói: Đời sống ngắn ngủi.

Lại kết oán thù: Thân người khó được, Đức Phật ra đời khó gặp, Tượng Pháp khó gặp. Tuy được làm người nhưng không tinh tấn tu tập thiền định, không thường xuyên tiến tu các phương tiện giữ tâm, mà lại trôi nổi theo dòng đời, lại không làm sáng tỏ Tam Bảo, dạy dỗ người học sau, thì ba đường tám nạn khó thoát khỏi.

Cho nên nói:

Lại kết oán thù.

Người hủy báng nhau

Từ xưa đến nay

Biết bao hủy báng

Có hủy báng kín

Có hủy báng vừa

Đời ai cũng hủy.

Thuở ấy, Đức Phật ngự trong vườn trúc Ca Lan Đà, thành La Duyệt Kỳ. Lúc bấy giờ Điều Đạt đến chỗ Đức Thế Tôn, trán lạy sát chân Ngài, rồi đứng qua một bên.

Giây lát vị ấy bước ra bạch Phật: Con thấy Như Lai nhan sắc đã thay đổi, các giác quan thuần thục, tuổi trẻ đi qua, đã già nua rồi. Vậy cúi xin Đức Thế Tôn ở yên trong tịnh thất mà tự vui với thiền định, giao phó bốn chúng cho con, con sẽ răn dạy không khác gì Thế Tôn, thường xuyên cúng dường bốn thứ không thiếu thốn.

Đức Thế Tôn bảo Điều Đạt: Thầy là người si mê, thốt ra lời nói ấy mà không nghĩ đến tai ương sau này.

Đối với Tỳ Kheo Xá Lợi Phất, Mục Liên kia mà ta còn chưa giao phó Chúng Tăng cho, huống gì thầy là một con người nhơ bẩn tệ ác thì làm sao ta giao phó Thánh Chúng cho thầy được?

Điều Đạt sinh tâm ganh tị, nên khi nghe Thế Tôn nói vậy càng thêm tức giận, tự nghĩ: Hôm nay, Như Lai khen ngợi Tỳ Kheo Xá Lợi Phất, Mục Liên, còn tiểu đệ thì lại khinh miệt là hèn mọn. Vậy ta phải tìm cách phá hoại thầy trò các người để chúng sinh trong đất nước này không còn thấy hình và nghe tiếng nói của các người.

Rồi Tỳ Kheo Điều Đạt liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, trán lạy sát chân Phật rồi ra đi. Điều Đạt đến nơi này chốn khác dùng lối nói khôn khéo giả dối làm mê hoặc lòng người, khuyến khích dụ dỗ được vài mươi người tại gia theo mình. Ở khắp mọi nơi, Điều Đạt khuyến khích họ bằng những điều cốt yếu.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn đang thuyết pháp cho vô số đại chúng đang vây quanh.

Điều Đạt bảo với các đệ tử của mình rằng: Các thầy đừng nghe những gì Cù Đàm nói.

Vì sao?

Vì những điều mà Cù Đàm nói không đúng với chánh pháp. Ta sẽ dạy cho các thầy từng Bộ Kinh cao sâu, nghĩa lý rất hay. ta sẽ thường tìm cách để làm rối loạn, tan rã Thánh Chúng của Như Lai.

Lúc bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Điều Đạt: Hãy thôi! Điều Đạt, ông hãy thận trọng, chớ sinh tâm làm rối loạn, tan rã Thánh Chúng, về sau sẽ chịu quả báo đau khổ khó có thể chịu đựng nổi.

Dù nghe vậy, nhưng Điều Đạt vẫn cứ ngoan cố, không sửa đổi hành vi của mình. Đức Thế Tôn biết ý định của Điều Đạt là không đổi tà về chánh được, Ngài liền dùng túc mạng thông để quán sát vô số A tăng kỳ những việc đã trải qua trong nhân duyên đời quá khứ.

Bấy giờ Điều Đạt dẫn năm trăm đệ tử. Như Lai tự quán sát khi mình còn làm Bồ Tát, cũng dẫn năm trăm đệ tử, cùng đi bên sườn núi Bảo Tích. Các đệ tử của Bồ Tát thì khoan hòa nhân hậu mềm mỏng, Ngài dạy họ tu trì theo chánh pháp, giữ giới cấm. Họ ra vào tới lui đều đúng theo thứ lớp, còn các đệ tử của Điều Đạt thì mỗi người làm một cách. Các đệ tử Điều Đạt dù đã học hết pháp của thầy nhưng nói năng thô lỗ, hễ mở miệng thì đều nổi giận.

Điều Đạt bàn luận với đệ tử giống như kẻ oán thù tranh chấp. Các đệ tử chán ngán không muốn theo hầu Điều Đạt nên cùng nhau bỏ đi, đến chỗ Bồ Tát.

Bồ Tát hoan hỷ, bảo: Ta có một ngàn đệ tử đầy đủ các công đức, khác xa với thế tục, không ai sánh bằng.

Từ đó, Điều Đạt tức giận cùng cực, liền phát thệ nguyện: Hôm nay, người này đã dụ dỗ đệ tử ta, làm tan rã môn đồ của ta. Về sau nếu người này, thành Vô Thượng Đẳng Chánh Giác, thì ta sẽ phá hoại đồ chúng của người này không khác gì hôm nay người này phá ta.

Như Lai quán biết Tỳ Kheo Điều Đạt chắc chắn sẽ phá hoại Thánh Chúng không còn nghi ngờ gì nữa, Đức Như Lai liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, rời Chúng Tăng ra đi.

Vì sao?

Vì có năm việc không được làm rối loạn, phá hoại Chúng Tăng là: Một là Như Lai còn tại thế không được làm rối loạn, phá hoại Chúng Tăng, thần lực Như Lai không bỏ bản thệ. Hai là sau khi Như Lai nhập Niết Bàn, không được làm rối loạn, phá hoại Chúng Tăng.

Nếu có người nói: Nay ta thành Phật, được Tối Chánh Giác, thì tôi sẽ đem vấn đề ấy hỏi rằng: Đức Phật Thích Ca hiện giờ Ngài đang ở đâu?

Ba là Đức Phật chưa có lúc nào làm ác nên không được làm rối loạn, phá hoại Chúng Tăng. Bốn là các Tỳ Kheo không đua tranh lợi dưỡng nên không được làm rối loạn, pháp hoại Chúng Tăng. Năm là các đệ tử có trí tuệ, có thần túc sống hòa hợp nhau nên không được làm rối loạn, phá hoại Chúng Tăng.

Theo pháp thường hằng của Chư Phật, Thế Tôn thì các đệ tử trí tuệ thần túc, trong một ngày, Thánh Chúng không bao giờ luống qua. Như Lai dùng túc mạng trí quán sát biết chắc Điều Đạt sẽ làm rối loạn, phá hoại Chúng Tăng nên Như Lai đã bỏ Chúng Tăng mà đi.

Điều Đạt ở lại nói pháp cho Tăng Chúng nghe: Nếu ai tôn thờ ta là bậc tôn quý thì phải vâng theo lời dạy của ta, tu tập năm pháp.

Vì sao?

Vì tu năm pháp này thì sớm được giải thoát, cần gì phải làm theo tám hạnh ngay thẳng của Sa Môn Cù Đàm?

Năm pháp gồm:

Suốt đời luôn giữ ba y.

Suốt đời thường phải đi khuất thực.

Suốt đời không được ăn máu thịt.

Suốt đời thường phải ngủ đêm ở chỗ trống trải dưới gốc cây.

Suốt đời không được cầm giữ vàng bạc, vật báu.

Nếu Tỳ Kheo nào tu tập năm pháp ấy thì sẽ sớm được giải thoát, dứt hữu lậu, thành vô lậu, không cần phải làm theo tám hạnh ngay thẳng của Sa Môn Cù Đàm.

Nói xong, Điều Đạt liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, có năm trăm vị Tỳ Kheo liền đi theo Điều Đạt. Đệ tử đứng hầu bên trái Điều Đạt là Kiên Đồ Bà và đệ tử đứng hầu bên phải là Cù Ba Li, họ trở về nơi ở, các đệ tử ngồi bao quanh nghe Điều Đạt nói pháp. Rồi Tỳ Kheo Xá Lợi Phất, Mục Liên, sau đó cũng đến trong chúng ấy.

Điều Đạt thấy vậy, cất tiếng khen rằng: Lành thay Tỳ Kheo Xá Lợi Phất và Mục Liên! Ta được lợi ích lớn, biết ta thành Phật là tôn quý nhất trong ba cõi nên hai vị đệ tử trí tuệ và thần thông tự nhiên hưởng ứng theo ta.

Rồi Điều Đạt liền bảo hai đệ tử đứng hầu bên trái bên phải của mình là Cù Ba… nhường chỗ cho hai vị Xá Lợi Phất, Mục Liên ngồi. Có hai vị Xá Lợi Phất, Mục Liên ngồi hai bên, Điều Đạt ngồi giữa giống như Đức Như Lai.

Điều Đạt bảo Xá Lợi Phất, Mục Liên: Xương sống ta đau nhức lắm, ta muốn đi ngủ một chút, hai vị hãy nói pháp cho Thánh Chúng nghe.

Khi Điều Đạt nằm nghiêng bên hông phải, định ngủ, thì Thiên Thần lại kéo ông nằm nghiêng sang bên trái, Thiên Thần lại làm cho ông nói những lời láp váp, trong khi ông ngáy vang thì một mùi hôi thối bay tận ngoài xa.

Lúc ấy Tôn Giả Mục Liên dùng năng lực thần thông bay vọt lên lưng Trời, hiện bày mười tám thứ thần biến: Ngồi, nằm, kinh hành, hiện ra rồi biến mất một cách tự do. Hoặc thân trên phun lửa, dưới thân phun nước, hoặc dưới thân phun lửa, trên than phun nước.

Ẩn mất ở phía Đông, hiện ra phía Tây, bốn phương đều như thế.

Xong, Ngài Mục Liên từ trên hư không trở xuống chỗ cũ.

Tôn Giả Xá Lợi Phất bảo hội chúng: Thân của Như Lai có vô lượng thần đức, đầy đủ Nhất thiết trí, thông đạt việc quá khứ vô cùng, hiểu rõ việc vị lai vô tận. Pháp của Như Lai là được quá bảo hiện pháp, sung sướng vô vi. Nó là pháp tu học của người có trí tuệ, người ngu không thể tu học được.

Còn Thánh Chúng của Như Lai đều là những người đầy đủ giới luật, đầy đủ trí tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến, đầy đủ sự đáng tôn kính, đáng quý trọng, phải phụng thờ và cúng dường vì đó là ruộng phước tốt cho chúng sinh.

Lúc bấy giờ các Tỳ Kheo suy nghĩ: Chúng ta là những kẻ si mê, không biết pháp chân chánh, bỏ cái thật chạy theo hào nhoáng, bỏ gốc theo ngọn. Giờ đây xét suy điều hai Ngài nói thì thật là pháp ít có trên đời này.

Chi bằng chúng ta bỏ Điều Đạt mà quay về với hội chúng Như Lai, há không sung sướng hơn ư?

Ngài Xá Lợi Phất biết tâm niệm những vị này, nên Ngài liền đứng dậy khỏi chỗ ngồi, năm trăm vị Tỳ Kheo kia cũng đứng lên, rồi cùng nhau đi theo hai vị Xá Lợi Phất và Mục Liên.

Lúc ấy Tỳ Kheo Cù Ba Li dùng chân phải đạp Điều Đạt mà nói: Điều Đạt tệ ác, sao ông mê ngủ quá vậy?

Hai ông Xá Lợi Phất và Mục Liên đã dẫn đệ tử của ông đi hết rồi.

Điều Đạt thức giấc, vô cùng buồn bực.

Cho nên nói: Người hủy báng nhau từ xưa đến nay… cho đến đời ai cũng hủy.

Gãy xương, bị chết

Bò, ngựa, tiền mất

Đất nước tan hoang

Lại được khôi phục.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần