Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Mười Hai - Phẩm đạo - Tập Hai
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU
Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MƯỜI HAI
PHẨM ĐẠO
TẬP HAI
Đức Thế Tôn đáp bằng bài kệ như sau:
Ta không giải thoát ông
Phạm Chí đời tịnh hạnh
Muốn cầu đạo nhiệm mầu
Như thế được qua dòng.
Bài kệ này có nghĩa gì?
Đáp rằng: Phạm Chí đã muốn cầu đạo thì phải tự mình, không nhờ người khác mà được, nếu nhờ người khác mà được thì ta ngồi dưới gốc cây, khả năng diệt trừ mọi các kết sử của tất cả chúng sinh. Ta dùng tâm đại từ che chở chúng sinh.
Phạm Chí nên biết rằng: Nếu không biết gốc bệnh mà cho lầm thuốc, nhưng lại muốn lành bệnh thì không bao giờ có việc ấy. Ở đây, cũng như vậy, không tu đạo mà mong được quả báo, diệt trừ kết sử, thì việc ấy không bao giờ có.
Như vị thầy thuốc giỏi xét kỹ gốc bệnh rồi mới bốc thuốc. Có vậy, người bệnh mới khỏi bệnh, không bao giờ sai lầm. Ở đây cũng như vậy, dùng đạo Hiền Thánh quán xét gốc bệnh mà bốc thuốc, thì kết sử trong thân mới được dứt hẳn.
Có Tỳ Kheo trong tâm tự nghĩ: Đức Như Lai xuất hiện ở đời, dung tâm đại từ đại bi che chở khắp chúng sinh thì ta đâu cần phải tự than hành đạo cho cực nhọc, trong khi ta bị kết sử bức hại, không thể giải thoát được?
Nếu Như Lai ban rải tâm từ bi cho tất cả, thì chính Ngài sẽ giảng nói đạo lý cho ta, vì sao Ngài lại không diệt trừ kết sử cho riêng mỗi mình ta?
Lúc ấy, Đức Thế Tôn biết ý nghĩ trong tâm thầy Tỳ Kheo kia.
Cho nên ngài nói: Ta đã nói đạo.
Dùng tên yêu bắn: Ta đã biết trước sau này sẽ nói với người rằng: Như vị thầy thuốc giỏi kia, trước hết phải học phương thuốc, xét kỹ gốc bệnh, không sai sót chút nào, sau đó mới bốc thuốc.
Ở đây cũng thế, trước chứng đạo quả, biết kết sử của mình đã dứt hẳn, không còn sót, rồi sau đó mới nói về bệnh kết sử từng món một cho người nghe, là bốc thuốc đạo, không bao giờ bị trần lao che kín nữa. Ta đã bắn mũi tên bén nhọn vô thượng vào mục tiêu kết sử kia.
Cho nên nói: Dùng tên yêu bắn.
Phải tự gắng sức: Người giảng đạo nói đạo cho người nghe nhắm hướng thẳng tới chứ không theo sự tà vạy rồi cho rằng thành đạo là dễ, mà được quả chứng.
Như Lai Thế Tôn cũng như thế, nói đạo cho người nghe một cách vô hình, vô vi, không tạo tác, là Niết Bàn an ổn, dứt hết các phiền não, nói ra đúng với giáo pháp, cũng không luống dối, như cha thương con, thường xuyên chăm sóc, nuôi dạy, chọn chỗ ráo, bỏ chỗ ẩm ướt, lại cho những thức ngon ngọt, nhưng các con lại buông lung, không nghe lời cha dạy bảo, tham đắm năm thứ dục lạc, không theo chánh giáo.
Như Lai Thế Tôn cũng như thế, giảng nói sâu rộng pháp cam lộ cho chúng sinh nghe, lại dùng nhiều phương cách tạm thời khéo léo nói lại các pháp nhiệm mầu, nhưng chúng sinh không chịu nhận lãnh.
Cho nên nói: Phải tự mình gắng sức, vâng theo lời dạy của Như Lai.
Ta đã nói đạo
Nhổ gai ái cứng
Phải tự gắng sức
Vâng lời Như Lai.
Lời dạy của Như Lai không bao giờ lặp lại, hễ Ngài nói ra điều gì là thành giáo pháp. Ngài cũng không nói lại những gì đã nói, giọng điệu khoan thai, không bao giờ vội vã hấp tấp. Pháp được giảng nói luôn theo đúng với nghĩa.
Xem phẩm Thọ Hóa Ứng Vấn trong quyển Xuất Diệu ở trước, có đoạn rằng: Pháp nào nhất định đến hóa độ?
Là pháp đã nói, đang nói, thường xuyên bày hiện.
Cho nên nói: Ta đã nói đạo.
Nhổ gai ái cứng: Ái chính là một chứng bệnh làm cho người ta rơi vào đường ác, không thể nương cậy vào nó. Qua đó, ta phải tự chế ngự mình bằng phương pháp chỉ quán, không khởi tâm tham ái.
Cũng như mũi tên tẩm thuốc độc cắm vào ngực người, không nhổ ra được, mũi tên tham ái này cũng giống như vậy, nó cắm vào thức tâm con người, không thể nhổ ra được.
Cho nên nói: Nhổ gai ái cứng.
Phải tự gắng sức: Thường nghĩ đến sự tinh tấn, tìm cách thức khéo léo, chí hướng đến vô thượng, không bao giờ hối tiếc nửa chừng, cũng không lui sụt.
Cho nên nói: Phải tự gắng sức.
Vâng lời Như Lai: Những lời dạy mà Như Lai nói ra, thì thượng, trung, hạ, đều tốt lành, nghĩa lý rất sâu xa, đầy đủ các công đức, tu được phạm hạnh.
Cho nên nói: Vâng lời Như Lai.
Đạo này không còn sót,
Thanh tịnh do thấy đế
Hướng đến dứt các khổ
Làm tan rã ma binh.
Đạo này không còn sót chút hữu lậu nào: Kinh Trường A Hàm chép: Bảy Đức Phật Như Lai Đẳng Chánh Giác cũng nói dòng dõi, tên họ của cha mẹ bảy đời, tuổi thọ sống lâu hay ngắn ngủi, đệ tử nhiều hay ít, thần túc, trí tuệ khi còn trong bụng mẹ.
Đức Tỳ Bà Thi Như Lai, Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, con người sống lâu tám muôn tuổi, Ngài sinh từ dòng Bà La Môn, lược nói pháp yếu. Thị giả là Vô Ưu.
Lúc nhóm họp đại chúng nói giới thì nói: Nhẫn nhục là bậc nhất, nói rộng như trong Kinh.
Thức Khí Như Lai, Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, Ngài sinh vào dòng Bà La Môn, con người sống lâu bảy muôn tuổi, nói lược pháp yếu. Thị giả tên Cát Tường Hạnh.
Khi nhóm họp đạ chúng nói giới thì nói: Mắt không nhìn, có nói rộng như trong Kinh.
Đức Tỳ xá bà Như Lai, Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, Ngài sinh vào dòng Sát Đế Lợi, con người sống lâu sáu muôn tuổi, nói lược pháp yếu. Thị giả tên Hưu Tức.
Khi nhóm họp đại chúng nói giới thì nói: Không hại cũng không giết, có nói rộng như trong Kinh.
Đức Câu lưu Tôn Như Lai, Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, Ngài sinh trong dòng Bà La Môn, con người sống năm muon tuổi, nói lược pháp yếu. Thị giả tên Phật Đề.
Khi nhóm họp đại chúng nói giới thì nói: Thí như ong hút nhụy hoa, có nói rộng như trong Kinh.
Đức Câu Na Hàm Mâu Ni, Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, Ngài sinh vào dòng Sát Đế Lợi, con người sống lâu bốn muon tuổi, nói lược pháp yếu. Thị giả tên Cát Tường.
Khi nhóm họp đại chúng nói giới thì nói: Cũng không va chạm, có nói rộng như trong Kinh.
Đức Ca Diếp Như Lai, Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, Ngài sinh trong dòng Bà La Môn, con người sống lâu hai muon tuổi, nói lược pháp yếu. Thị giả tên Đẳng Đổ.
Khi nhóm họp đại chúng nói giới thì nói: Chớ làm các điều ác, có nói rộng như trong Kinh.
Còn Ta ngày nay là Thích Ca Văn Phật Như Lai, Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác xuất hiện ở đời, sinh trong dòng Sát Đế Lợi, con người sống trăm tuổi, nói lược pháp yếu. Thị giả tên là A Nan.
Khi nhóm họp đại chúng nói giới thì nói: Giữ gìn miệng là bậc nhất, có nói rộng như trong Kinh.
Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn nói rõ nguồn gốc bảy Đức Phật, cùng với tên họ, dòng dõi, cha mẹ bảy đời của bảy vị Phật, đệ tử ít nhiều, nói về ngọn ngành của giới.
Các thầy Tỳ Kheo nghe Phật nói đều nghĩ như vậy: Tên họ, dòng dõi của Chư Phật quá khứ đều không giống nhau, đệ tử theo hầu cũng có khác nhau, giới cấm của việc hành đạo cũng có khác nhau. Vì đạo không đồng nên pháp cũng có khác.
Đức Như Lai Thế Tôn biết rõ ý nghĩ trong tâm các Tỳ Kheo nên Ngài liền ở giữa đại chúng nói bài kệ:
Đạo này không còn sót
Thanh tịnh do thấy đế
Hướng đến dứt các khổ
Làm tan rã ma binh.
Chư Phật nhiều như số cát sông Hằng ở đời quá khứ, cũng nhờ đạo này mà tự giác ngộ, chỉ dạy các đệ tử dứt bỏ kết sử, dựng cờ giải thoát, đánh trống pháp lớn. Sinh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm, không còn tái sinh. Biết đúng như thật rồi, nhập vào cảnh giới vô ưu, không còn bị sinh, già, bệnh, chết, vắng lặng Niết Bàn, cũng không sinh và diệt, không còn qua lại.
Cho nên nói: Đạo này không còn sót, thanh tịnh do thấy Đế.
Hướng đến dứt các khổ: Bậc Tư Đà Hàm hướng, bậc đắc Tư Đà Hàm, bậc A Na Hàm hướng, bậc đắc A Na Hàm. Thành tựu trực hạnh, thành tựu giác hạnh, thành tựu các thứ nghiệp. Chí không điên đảo, dần dần đến với đạo.
Cho nên nói: Hướng đến dứt các khổ.
Làm tan rã ma binh: Ma có những thứ trói buộc gì?
Là ở cõi dục chúng trói buộc làm đắm nhiễm con người, ở trong cõi này phải tìm cách dứt hẳn chúng, không còn sót, dứt lại dứt, bỏ lại bỏ, hết lại hết, cao lại cao, gỡ lại gỡ để qua loài ma, đuổi đến ranh giới cuối cùng của chúng là Cõi Sắc, Vô Sắc.
Cho nên nói:
Làm tan rã ma binh.
Chỉ đúng, không còn lỗi
Một đường, như thác đổ
Như Năng Nhân nhập định
Thường nói đạo giữa chúng.
Chỉ đúng không còn lỗi: Tiến thẳng đến cảnh giới vô vi, là đường tắt đến Niết Bàn. Vượt qua sinh tử, không lui sụt giữa chừng. Đứng trên bờ sinh tử ngoảnh lại nhìn chúng sinh, muốn cùng họ quay về, đã đến bờ kia thì không còn lui sụt nữa.
Cho nên nói: Chỉ đúng, không còn lỗi.
Một đường, như thác đổ: Như suối lắng trong vừa sâu lại vừa thấu đáy, có hằng ức trăm ngàn chúng sinh đang đói khát đều được cho đủ, không còn nghĩ đến đói khát nữa. Lấy vị ngọt của giáo pháp dứt trừ kết sử cũng như vậy.
Nương vào đạo Hiền Thánh, hằng ức trăm ngàn chúng sinh đang đói khát đạo, nhờ pháp vị cam lộ mà họ được no đủ tất cả, không bao giờ còn nghĩ đến đói khát nữa, dứt bỏ cả kết sử, không bao giờ còn phiền não. Không làm việc bất thiện, không cho nó phát sinh lại nữa.
Cho nên nói: Một đường, như thác đổ.
Như Năng Nhân nhập định: Đức Thích Ca Văn Phật Như Lai, Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác, khi lắng ý nhập định thì có bốn việc xảy ra:
1. Tự vui sướng với pháp hiện tại.
2. Vui chơi trong pháp cúng.
3. Cứu giúp việc nguy khốn, định tâm không bị tán loạn.
4. Khuyến tấn chắc chắn đến chỗ rốt ráo.
Cho nên nói: Như Năng Nhân nhập định.
Thường nói đạo giữa chúng: Muốn làm cho các đệ tử không lầm lẫn đối với giáo pháp, cứu vớt họ ra khỏi sinh tử, đến chỗ vô vi, tắm gội sạch sẽ, không dính bụi nhơ, thoát hẳn luân hồi, không khởi lên tám pháp, cũng không gây ra bốn trăm lẻ bốn bệnh.
Cho nên nói:
Thường nói đạo giữa chúng.
Vào đạo thấy sinh tử
Hành đạo được giúp sức
Đạo này độ đáng độ
Qua dòng đến bờ kia.
Một phen vào đạo thấy sinh tử: Ai giác biết được cội gốc sinh tử. Đức Thế Tôn vốn thực hành hạnh Bồ Tát, đó là giác biết được cội gốc sinh tử, về sau giảng nói pháp nhiệm mầu cho đệ tử nghe.
Ai có khả năng phân biệt được đâu là pháp cặn nhơ?
Chỉ có một phen vào đạo mới giác biết được thôi.
Cho nên nói: Một phen vào đạo thấy sinh tử.
Hành đạo được giúp sức: Bồ Tát ở trong chúng khởi tâm đại từ bi, thương xót tất cả chúng sinh như mẹ thương con, giảng nói đạo sâu xa, giúp họ được giải thoát.
Cho nên nói: Hành đạo được giúp sức.
Đạo này độ đáng độ: Ở đời quá khứ, các Đức Phật, Bích Chi Phật, Thanh Văn, đều nhờ đạo này mà vượt qua biển ái dục. Chư Phật Thế Tôn thời tương lai như Ngài Di Lặc, hóa độ không thể tính lường A tăng kỳ chúng sinh.
Cho nên nói: Đạo này độ những người đáng độ.
Qua dòng đến bờ kia: Đức Thích Ca Văn Phật Như Lai ở hiện tại là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác, đã hóa độ không thể tính lường A tăng kỳ chúng sinh.
Cho nên nói: Qua dòng đến bờ kia.
Đạo rốt ráo thanh tịnh
Vì dứt gốc sinh tử
Biện tài vô số cõi
Phật nói là được đạo.
Đạo rốt ráo thanh tịnh: Rốt ráo có hai nghĩa:
1. Sự rốt ráo.
2. Định rốt ráo.
Sự rốt ráo là mọi việc đều thực hiện xong xuôi, không còn ngờ vực. Định rốt ráo là dạo chơi trong các định, xuất định này lại nhập vào định khác. Như vậy, trải qua cả mấy ngàn muôn thứ định. Ý muốn có sự cảm động nào thì thành tựu tùy ý. Cho nên gọi là định rốt ráo, vì hạnh chân chánh này có khả năng dứt bỏ các pháp mà tâm nghĩ, cắt dứt mọi kết sử, làm cho được thanh tịnh.
Như chiếc áo dơ được giặt sạch, ở đây cũng như thế, là dùng tám loại nước giải thoát thanh tịnh để gội rửa tâm nhơ bẩn, hoàn toàn không còn dính bụi nhơ.
Cho nên nói: Đạo rốt ráo thanh tịnh.
Vì dứt gốc sinh tử: Người có sinh đương nhiên phải có già chết. Cũng vì có sinh mà chúng sinh cứ trôi lăn trong năm đường, cũng do thần thức biến chuyển mãi không ngừng.
Cho nên nói: Vì dứt gốc sinh tử.
Biện tài vô số cõi: Thần thông, công đức của Như Lai đủ sức giáo hóa thích ứng đối với các chúng sinh ở mọi chốn. Ngài sử dụng trí tuệ biện tài, trong vô lượng vô số cõi nước quán xét chúng sinh có người căn tánh chậm lụt hay bén nhạy, có hư có thật, có người tu theo hạnh chân chánh, người không tu theo hạnh chân chánh, Như Lai đều biết rõ.
Cho nên nói: Biện tài vô số cõi.
Phật nói là được đạo: Thế Giới có ba nghĩa là:
Ấm thế.
Khí thế.
Chúng sinh thế.
Ấm thế là thân năm ấm lẫy lừng. Khí thế là ba ngàn Đại Thiên cõi nước. Chúng sinh thế là loại chúng sinh hữu hình cho đến bốn loại chúng sinh, đều gọi là chúng sinh thế.
Ai có khả năng phân biệt biết rõ loại chúng sinh này?
Đáp rằng: Chỉ có Đức Như Lai là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác mới có khả năng biết được, như người ta xem trái xoài để trong long bàn tay, trọng lượng bao nhiêu cũng đều biết rõ. Như Lai là Bậc Đẳng Giác cũng lại như vậy, Ngài quán xét cội gốc tâm ý các loài chúng sinh, đều phân biệt rõ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Hội Tông
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hệ Phược
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đệ Nhị
Phật Thuyết Kinh Phổ Diệu - Phẩm Mười Tám - Phẩm Hàng Phục Ma Quân
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Năm - Năm Pháp - Phẩm Bảy - Phẩm Tưởng - Phần Năm - Nói Chuyện
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Kinh Hòa Nan
Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Nữ Bảo Cẩm được Thọ Ký