Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Năm - Phẩm Niệm - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM NĂM

PHẨM NIỆM  

TẬP HAI  

Đừng sống với niệm ái: Thuở xưa, có hai người rất thương kính nhau, không rời xa nhau, đi thì chung bước, chia ngọt xẻ bùi, nhưng rồi họ phải xa nhau mỗi người một nơi, bởi vẫn nhớ nhau nên họ muốn gặp lại nhau, nhiều lần họ gửi thư, mong được sum họp một nhà.

Trong thư một người nói: Nếu bạn không đến thì tôi buồn khổ lắm.

Khổ thay, kẻ thù của người này lại là kẻ thân thiết của người kia. Anh được mời hỏi bạn thân của mình vốn là kẻ thù của anh mời.

Anh ta là người mời tôi, vậy bạn có thể cùng đến đó với tôi chăng?

Thế là người bạn thuận theo yêu cầu cùng đến nhà người mời.

Hai người bạn thân xa nhau lâu ngày gặp lại trong lòng rất vui mừng, nhưng khi nhìn thấy kẻ thù của mình cùng đi theo bạn thì trong lòng lại bực tức không vui, nên đưa bạn đến chỗ vắng thủ thỉ: Sao anh lại đi đứng tới lui với kẻ thù của tôi như thế?

Điều này tôi không muốn nhìn thấy đâu. Nghe xong lời ấy, bao nhiêu tình cảm quyến luyến bị sứt mẻ nặng, người được mời bèn cùng bạn mình bỏ ra về. Nhưng sau đó vì thương nhớ nên người bạn lại gửi thư đến hai ba lần như vậy.

Người mời lại hỏi bạn tại sao cứ đi chung với kẻ thù của mình như vậy?

Anh bạn đáp: Vì nhớ nhau mà đến, đối đãi nhau rất trọng hậu, nhưng khi ra về lại quên lời dặn.

Đoạn anh ta lại than: Nghĩ rằng gặp nhau để được vui vẻ, nhưng khi gặp rồi lại sinh ưu phiền hờn oán, giờ đây tôi biết làm sao cho phải lẽ, chẳng lẽ không thể thích nghi được cùng lúc với hai người bạn thân hay sao?

Ngay sau đó, người này liền lìa bỏ gia đình vợ con đi xuất gia học đạo.

Lại có trường hợp khác: Có người nọ chỉ có một đứa con nhưng lại bị quỷ La Sát bắt mất. Đêm ngày người cha buồn nhớ không nguôi, trong khi đó, đã hơn mười ngày trôi qua, quỷ La Sát đã đưa đứa bé đến chỗ nó ở. Người này vì mất con, sầu khổ đêm ngày nghĩ đến cái chết, không còn thiết sống nữa. Sau đó, quỷ La Sát mang đứa trẻ trả lại.

Gặp lại con, người cha vui mừng khôn xiết, cả ngày bồng bế đứa bé không biết thỏa mãn. Nếu thấy quỷ La Sát thì ông ta lại buồn khổ, nổi ốc khắp mình. Mười ngày sau, quỷ La Sát lại đến bắt đứa bé về chỗ nó ở.

Người cha lại nhớ thương không nguôi, bỏ cả ăn uống, nghỉ ngơi. Cứ như thế nhiều lần, người cha mang bệnh lo âu trầm trọng. Người cha suy nghĩ thấy rằng nỗi buồn khổ lo lắng của con người thật là muôn mối.

Thôi thì nay ta nên bỏ nhà đi học đạo. Ông liền đi xuất gia, nhập đạo.

Lúc bấy giờ Đức Thế Tôn muốn cứu độ những người ấy, nên Ngài thị hiện ra quyền tuệ yên ổn vô vi, ở trước đại chúng Ngài nói kệ rằng:

Đừng sống với niệm ái

Không sống với bất niệm

Niệm ái không thấy khổ

Không nghĩ ái, lo, khổ

Mà sinh ra buồn rầu

Diệt hết cội gốc người.

Đức Thế Tôn dạy rằng: Ân ái còn không thể luyến mến, huống nữa là những gì không phải ân ái mà lại gần gũi?

Lúc ấy hai vị Tỳ Kheo trong tâm tự nghĩ: Người mà Như Lai dạy bảo chính là chúng ta. Vậy, ta phải hết lòng tu phạm hạnh vô thượng. Ngày thì đi kinh hành, đêm thì ngồi thiền, chỉ trong chưa đầy mười ngày, họ đạt được chứng dấu đạo, thân bay lên được, mắt trông thấy thấu suốt, được sáu thứ thần thông, không gì ngăn ngại.

Đối với đạo pháp Như Lai có nhiều nghĩ ngợi, họ than rằng: Ôi, ân ái không đáng nương cậy. Các kết sử dứt hết, chứng quả A La Hán. Hay thay, phước báo như bóng theo hình. Phước nghiệp như dầu dính áo, thân thì suy yếu, chết đi, nhưng tội phước vẫn còn.

Ái niệm đến đời sau

Bè bạn quen thân nhiều

Đêm dài buồn lo nghĩ

Nghĩ chia lìa rất khổ.

Ái niệm đến đời sau: Tình cha mẹ, anh chị em, bà con trong gia đình và những người quen biết gái, trai, lớn nhỏ, cứ xoay vần mãi từ đời này qua đời khác không ngừng nghỉ.

Cho nên nói: Ái niệm dẫn đến đời sau, bè bạn, quen thân nhiều, phải chìm trong đêm dài sầu lo, khóc than đầu bù tóc rối, đấm ngực áo não.

Cho nên nói: Đêm dài buồn lo nghĩ.

Nghĩ chia lìa rất khổ: Ái ân mà phải đành chia lìa, hoặc ở nơi xa xôi, hoặc chết mất, mong cầu không được, ước muốn không thành.

Cho nên nói:

Nghĩ chia lìa rất khổ.

Nghĩ sắc, có sắc đẹp

Thân Trời nhưng sống riêng

Quá vui bị hại đến

Thần chết đã ghi sổ.

Nghĩ sắc, có sắc đẹp: Thuở ấy, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc thành Xá Vệ.

Ngài bảo các Tỳ Kheo: Trên hư không có tầng Trời tên Hoan Lạc. Ở đó, họ xoay vần nhóm họp tấu trổi nhạc vui chơi suốt ngày không biết thỏa mãn. Do sự vui sướng quá độ ấy nên sau khi chết, họ sinh xuống cõi này.

Các Tỳ Kheo nên biết, còn có tầng Trời tên là Hỷ Tiếu. Xoay vần nhóm họp lớn tiếng cười vang, suốt ngày không biết chán. Bởi sự vui cười quá độ như vậy nên sau khi chết sinh xuống cõi này.

Cho nên nói: Nghĩ sắc, có sắc đẹp.

Thân Trời nhưng sống riêng: Đêm ngày cười đùa, không còn nghĩ đến phải đối diện với thần chết, cho là thọ hưởng phước Trời không bao giờ hết. Do quá vui mà hại đến việc tấu trổi kỹ nhạc, lớn tiếng cười vang, đều là gốc nguy hại, đều phải từ bỏ nó.

Tuổi thọ không lâu dài, bị thần chết bắt đi. Tùy hình thái mà ông ta liệu định tội phước, rạch ròi thiện ác. Tội nặng thì quăng vào vạc dầu sôi, tội nhẹ thì bỏ vào đỉnh. Công bằng như mực nước, mẫu mực như khắc cân.

Cho nên nói:

Bị thần chết bắt đi.

Như người ngày lẫn đêm

Không còn nghĩ ái sắc

Tự đào bỏ rễ sâu

Thì khỏi qua đường chết.

Như người ngày lẫn đêm: Chuyên ròng một ý niệm, dứt bỏ hẳn không còn sót dục ái của cõi dục thì ngày tinh tấn, đêm đọc tụng Kinh Điển.

Cho nên nói: Như người ngày lẫn đêm.

Không còn nghĩ ái sắc: Đã dứt bỏ hoàn toàn, từ có đến không còn tức giận.

Cho nên nói rằng: Không còn nghĩ ái sắc.

Tự đào bỏ rễ sâu: Đào bỏ gốc niệm, đào bỏ gốc ái, hoặc đào bỏ cội gốc của sự trói buộc của tình luyến thương, bà con họ hàng. Mặc áo giáp mạnh mẽ, cầm gươm trí tuệ đào tận gốc ba độc, khiến nó không bao giờ còn mọc lại được nữa.

Cho nên nói: Tự đào bỏ rễ sâu.

Thì khỏi qua đường chết: Yêu mến tài sản ruộng vườn, bảy báu tiền bạc đều là con đường dẫn về cõi chết. Tâm ý quyến luyến say mê không thể dứt bỏ cũng là nẻo dẫn về cõi chết.

Vậy, phải tìm phương cách vượt qua con đường chết mà đến nơi bất tử, cho nên bảo:

Thì khỏi qua đường chết.

Bất thiện dường như thiện

Yêu sắc nói không yêu

Khổ mà ngỡ là vui

Bị buông lung sai khiến.

Bất thiện dường như thiện: Thiện nghĩa là tâm ham vui, suốt ngày tập quen không chịu dứt bỏ, bị mọi người chê trách. Các điều thiện như thế cần phải dứt bỏ xa lìa. Nó bị người hiểu biết chê bai, bị người hiểu biết từ bỏ, bị người hiểu biết quở trách.

Cho nên nói: Bất thiện dường như thiện.

Thế nào gọi là yêu sắc nói không yêu?

Yêu là không xem thường, không dối trá, làm cho người buồn rầu, mong muốn không được rồi sinh tâm luyến ái nó mãi.

Cho nên nói: Yêu sắc nói không yêu.

Thế nào là khổ mà ngỡ là vui?

Vui là các cơ quan trong than vắng lặng, không rối loạn, tâm ý an hòa, không khởi loạn tưởng. Cũng có thể khiến người khác khổ não, vì trước vui sau đó lại lo rầu.

Cho nên nói: Khổ mà ngỡ là vui.

Bị buông lung sai khiến: Người có tính buông lung thì tâm không ổn định, vui chơi với bà con họ hàng, sinh tâm vui buồn lẫn lộn, ý nghĩ buông thả.

Cho nên nói:

Bị buông lung sai khiến.

Ai muốn tự thương mình

Không ở chung kẻ xấu

Điều ấy thật khó làm

Vui là gốc điều ác.

Ai muốn tự thương mình: Ai muốn tự yêu mình thì trước phải yêu kẻ khác, không được tự yêu thương mình mà làm tổn hại đến mạng sống kẻ khác.

Cho nên nói: Ai muốn tự thương mình.

Không ở chung kẻ xấu là sao?

Trên đời có nhiều nỗi sợ hãi, nếu sống chung với kẻ xấu ác thì tội nặng chồng chất. Không chung sống với kẻ xấu ác có nghĩa là phải giữ thân, miệng, ý trong sạch.

Cho nên nói: Không ở chung kẻ xấu.

Điều ấy thật khó làm: Tự mình không tu gốc lành, không giáo hóa tất cả chúng sinh cho họ yên ổn với căn môn mình. Cũng không có khả năng giáo hóa rộng rãi cho người chưa giác ngộ.

Cho nên nói: Điều ấy thật khó làm.

Vui là gốc điều ác: Người gây tội ác thì không bao giờ có tâm vui. Ngay khi giết hại, họ đã gây ra cội gốc bất thiện.

Cho nên nói:

Vui là gốc điều ác.

Người muốn tự thương mình

Phải khéo tự giữ gìn

Như giữ thành biên giới

Hào sâu chắc như ngục

Loại trừ ba việc đó

Người trí phải tự ngộ.

Người muốn tự thương mình: Như thành trì ngoài biên giới phải thường giữ gìn, tự giữ gìn thân cũng giống như vậy, hoặc sợ giặc từ bên ngoài tấn công vào biên giới, hoặc sợ kẻ thuộc hạ lén lút rình rập làm phản, lại sợ kẻ bên trong thông đồng với kẻ địch bên ngoài. Cái thành bên trong nội tâm cũng phải được canh giữ như vậy, thường phải đề phòng ba sự việc.

Đó là: Lo giặc kết sử bên ngoài tấn công vào biên giới. Lại sợ điều mà tâm nghĩ đồng với trần cảnh bên ngoài. Cái thành của tâm trần lao nguy hiểm, khó giữ gìn, nhiều lo sợ. Một khi đã giữ gìn vững chắc thì không còn lo sợ. Cái thành tâm cũng như thế, giữ gìn vững chắc thì không có lo sợ.

Cho nên nói: Người muốn tự thương mình, phải khéo tự giữ gìn, như giữ thành biên giới, hào sâu chắc như ngục, loại trừ ba việc đó, người trí phải tự ngộ.

Người muốn tự thương mình

Phải giữ cho vững chắc

Như giữ thành biên giới

Trong ngoài đều vững chắc.

Thuở xưa, Đức Phật ngự trong khu lâm viên Kỳ Đà Cấp Cô Độc, thuộc thành Xá Vệ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo các Tỳ Kheo: Nếu thành quách ở biên giới được bảo vệ bằng bảy việc, bốn thứ lương thực đầy đủ giúp cho việc bảo vệ được đầy đủ dễ làm thì dù ngoại quân có tấn công cũng không làm gì được, trừ trường hợp người bên trong thông đồng với kẻ địch bên ngoài.

Thế nào gọi là thành quách ở biên giới được bảo vệ bằng bảy việc?

Ấy là những nơi hiểm yếu ở biên giới được phòng vệ vững chắc, không gì lay chuyển nổi. Đó gọi là thành quách ở biên giới được bảo vệ bằng việc thứ nhất, nhờ đó giặc ngoại xâm không thể phá vỡ thành được. Kế đến là đào hào sâu rộng quanh thành quách ở biên giới, tu bồi rất kỹ lưỡng.

Đó gọi là việc thành quách ở biên giới được bảo vệ bằng việc thứ hai, nhờ đó mà giặc ngoại xâm không thể phá vỡ thành được. Kế đến là thành quách ở biên giới tạo khí thế sẵn sàng đẩy lui quân địch để chuẩn bị chiến đấu. Đó gọi là việc thành quách ở biên giới được bảo vệ bằng việc thứ ba, nhờ đó giặc ngoại xâm không thể phá vỡ thành được.

Kế đến là thành quách ở biên giới phải chứa đủ các thứ vũ khí chiến đấu như cung nỏ, máy phóng bánh xe, đường trút nhựa mật chảy, đá lửa, giáo mác sắc bén, bên trong chuẩn bị con đường để rút lui. Đó gọi là thành quách ở biên giới được bảo vệ bằng việc thứ tư, nhờ đó giặc ngoại xâm không thể phá vỡ thành được.

Lại nữa, bốn mặt thành quách ở biên giới có đặt bốn loại quân là tượng quân, mã quân, xa quân, bộ quân, trừ trường hợp người bên trong thông đồng với kẻ địch bên ngoài. Đó gọi là thành quách ở biên giới được bảo vệ bằng việc thứ năm, nhờ đó giặc ngoại xâm không thể phá vỡ thành được.

Lại nữa, người gác cổng thành ở biên giới phải biết giờ giấc sớm tối, biết hiệu lệnh, phân biệt được kẻ gian người ngay. Người nào biết mặt mới cho vào, không biết mặt thì không cho vào. Đó gọi là thành quách ở biên giới được bảo vệ bằng việc thứ sáu, nhờ đó giặc ngoại xâm không thể phá vỡ thành được.

Lại nữa, thành quách ở biên giới cao chót vót, trong ngoài đều được dọn dẹp trống trải, trừ trường hợp người bên trong thông đồng với kẻ địch bên ngoài. Đó gọi là thành quách ở biên giới được bảo vệ bừng việc thứ bảy, nhờ đó giặc ngoại xâm không thể phá vỡ thành được.

Thế nào gọi là trong thành quách ở biên giới bốn thứ lương thực đầy đủ, khiến giặc ngoại xâm không tấn công được?

Đó là thành quách ở biên giới phải có nhiều củi, nhiều nước, trừ trường hợp người bên trong thông đồng với kẻ địch bên ngoài, đó là đầy đủ loại lương thực thứ nhất, nhờ đó mà giặc ngoại xâm không được dịp thuận tiện tấn công.

Lại nữa, thành quách ở biên giới phải dự trữ dồi dào lúa gạo, kho lẫm đầy ắp, trừ trường hợp người bên trong thông đồng với kẻ địch bên ngoài, đó là đầy đủ loại lương thực thứ hai, nhờ đó giặc ngoại xâm không có được dịp thuận tiện tấn công.

Lại nữa, thành quách ở biên giới dự trữ nhiều lúa gạo, lúa mì, các thứ đậu, trừ trừ trường hợp người bên trong thông đồng với kẻ địch bên ngoài, đó là đầy đủ loại lương thực thứ ba, nhờ đó giặc ngoại xâm không có dịp thuận tiện tấn công. Lại nữa, thành quách ở biên giới có nhiều thức ăn chín như dầu, mỡ, cá, thịt phơi khô, đầy đủ loại lương thực thứ tư.

Phật nói bài kệ này trong ngoài vững chắc khiến kẻ xấu và giặc ngoại xâm không có dịp thuận tiện tấn công, cho nên lời kệ nói: Như giữ thành biên giới, trong ngoài đều vững chắc, phải thường chuyên tâm, trong không tưởng sắc để dứt trừ sắc bên ngoài, ngoài không còn tưởng sắc để dứt trừ sắc bên trong. Trong ngoài không còn tưởng sắc, dứt trừ sắc bên ngoài.

Phải tự giữ gìn

Thời không trở lại

Thời qua sinh lo

Đọa vào địa ngục.

Phải tự giữ gìn: Giữ tâm không tán loạn, các căn vắng lặng, tự thấy lửa sinh tử cháy bời bời, tu các pháp lành. Biết thành Niết Bàn mát mẻ vô vi, ngăn ngừa phiền não làm nhơ bẩn tâm.

Cho nên nói: Phải tự giữ gìn.

Thời không trở lại: Trong ngàn muôn ức kiếp mới gặp được một thời điểm tốt. Dù gặp lại lần nữa thì hoặc trước, hoặc sau, hoặc sinh ở chốn trung quốc, gặp gỡ các Thánh Hiền, các căn không thiếu, vốn gieo trồng các công đức. Sinh ra đời gặp Phật, duyên lành đời trước của các vị có công năng dứt bỏ kết sử, vượt thứ lớp mà chứng đạo, dứt hết mọi hữu lậu, thành hạnh vô lậu.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần