Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Sáu - Phẩm Giới - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

PHẬT THUYẾT KINH XUẤT DIỆU

Giảng giải: Tôn Giả Pháp Cứu

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM SÁU

PHẨM GIỚI  

TẬP BA  

Lúc bấy giờ, ác ma nhủ thầm: Những người mặc áo đen này cạo râu tóc, mặc áo bày vai phải, tu tập thiền định, hoặc có người đã thoát khỏi chấp ngã, hoặc có người vượt qua, không nghe lời ta dạy bảo, hoặc có người vĩnh biệt cõi đời này, không biết thần thức họ ở đâu, hoặc có người biết được nơi họ sẽ đến sau khi chết.

Cho nên nói:

Ma mê mất đạo,

Ma không biết đạo.

Đạo này là rốt ráo

Đạo này là vô thượng

Hương về được rốt ráo

Dùng thiền định trói ma.

Đạo này là rốt ráo: An ổn vô vi vui sướng vô cùng. Hướng về đạo này, đến cửa Niết Bàn.

Cho nên nói: Đây là đạo rốt ráo.

Đạo này là vô thượng: Đối với đạo này không đạo nào ở trên nữa, được Trời, Rồng, Quỷ tôn kính thờ phụng cúng dường. Tôn Giả Xá Lợi Phất có một Sa Di tên là Thuần Đầu, mới tám tuổi mà đã chứng được sáu thứ thần thông, bay trong hư không, đến suối A Nậu.

Có vị Phạm Chí tên là Tu Bạt, đã được năm thứ thần thông, cũng đến suối ấy. Lúc bấy giờ con quỷ mặc áo xanh canh giữ suối A Nậu này đã đuổi vị Phạm Chí có năm thứ thần thông kia, nó ném gạch đá vào Phạm Chí không cho đến gần suối thần.

Đúng lúc ấy, Sa Di Thuần Đầu bay đến, bọn quỷ thần mặc áo xanh cả mấy trăm tên đều chạy đến đón rước. Đứa thì thu xếp y, đứa thì đem nước rửa cho Sa Di rửa tay chân, đứa thì lấy khăn mới lau đầu mặt Sa Di, đứa thì đem nước thơm để Sa Di tắm gội.

Phạm Chí Tu Bạt lớn tiếng hỏi: Nay ta đã được năm thứ thần thông, thần đức vô lượng, có sức mạnh dời núi, ngăn sông khiến chảy ngược lại, Cõi Trời đất như viên ngọc trong lòng bàn tay. Từ khi học đạo đến giờ đã hơn một trăm hai mươi năm, thân thể gầy gò khổ nhọc, tinh thần hết sức mệt mỏi. Có lúc ta luyện tập ngũ minh, tứ xứ, đốt lửa chiếu lên ánh sáng Mặt Trời. Có khi ta nằm trên phân tro, có khi nằm trên chông gai nguy hiểm, không đạo nào không học qua.

Nhưng tại sao ta lại bị đuổi đi, không được đến bên suối?

Trong khi chú bé mặc áo đen này mới bảy, tám tuổi miệng còn hôi sữa, thân thể vẫn còn hôi nhơ nhưng tại sao nó lại được tiếp đãi kính trọng quá mức, tiếp đón, thờ phụng là vì cớ gì?

Lúc ấy vị quỷ mặc áo xanh nói với Phạm Chí: Nay vị học sĩ này tuy tuổi trẻ nhưng đã vượt ra ba cõi, chứng được tám phẩm đạo của Bậc Thánh Hiền. Ông không có những điều ấy cho nên không được kính rước.

Có một vị Bà La Môn tên là Duyệt Xoa, xây cất một ngôi Chùa cũng tên là Duyệt Xoa. Ông thường đem dầu tô cúng Chùa thắp đèn. Lúc ấy, có một vị Bà La Môn từ phương xa đến Chùa Duyệt Xoa, nghe Phạm Chí Duyệt Xoa tài cao, đức sáng, mà lại kính tin Phật Pháp, xây cất cả Chùa nữa. Vị này gặp mặt Duyệt Xoa rồi hỏi thăm sự việc. Khi đó có một chú Sa Di đi đến nhận số dầu tô cúng Chùa thắp đèn.

Có rất nhiều vị Phạm Chí mới nói với Bà La Môn Duyệt Xoa rằng: Ông có thể lạy người mặc áo hoại sắc này hay không?

Nói chưa dứt lời thì vị Sa Di đã đến. Bà La Môn Duyệt Xoa liền sụp lạy.

Các Phạm Chí đều nói với Duyệt Xoa: Ông xuất thân từ bốn giai cấp, tài nghệ hơn người, thiên văn địa lý, môn nào cũng luyện tập qua. Thần Chú linh cảm, việc nào không làm được.

Nay đối với người mặc áo hoại sắc này, xuất than từ nhiều dòng họ, không được chân chánh, thế mà tại sao ông làm trái pháp luật của giai cấp ta, đi lạy kẻ ấy như vậy?

Hơn nữa, ông là người giữ gìn đức hạnh, thanh tịnh tự tu, bên trong chứa đầy đồ sấm, bí kí, hành đạo ban phước, có nguyện nào không thành đâu.

Văn tự chương ấn, thứ nào cũng hoàn tất.

Còn hạnh Phật thì ít ỏi, có gì đáng quý đâu?

Ông đã bỏ gốc theo ngọn, điều ấy làm tôi bực mình. Người ta đồn rằng Sa Môn là hạng bần tiện, xảo trá rắc rối, làm mê hoặc người đời, làm những hành việc xấu xa. Họ chỉ lo sung sướng riêng mình, không thể hưởng được phước Trời Phạm Thiên. Giả sử gặp nhau thì chỉ có đấm vào mặt họ thôi.

Vì sao ông gieo năm vóc sát đất cung kính làm lễ họ như vậy?

Chính tôi tận mắt nhìn thấy còn lấy làm giận, huống là bậc đại nhân tu học trước há có thể tha thứ cho ông tội này ư?

Duyệt Xoa bảo các Bà La Môn:

Xin các Ngài bình tĩnh lặng yên nghe tôi nói bài kệ này:

Đức Hiền Thánh khó lường

Tám đường đến vô thượng

Đó phạm hạnh Sa Môn

Do chính Như Lai nói.

Thấy thân này tuy nhỏ

Nhưng chứng đạo Thánh Hiền

Cho nên tôi quy y

Vì sao các vị trách?

Cho nên nói: Đạo này là vô thượng.

Hướng về được rốt ráo: Các vị Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm có khả năng cắt đứt mọi trói buộc ấm nhập của cõi dục.

Cho nên nói: Hướng về được rốt ráo.

Dùng thiền định trói ma: Người ngồi thiền nhập định, vui trong sự vắng lặng, gom ý vào một chỗ, đếm từng hơi thở ra vào, giữ tâm vững chắc, có khả năng thoát khỏi sự trói buộc của ma, trở lại trói ma. Người nhập định có khả năng sai khiến quỷ thần đến ngay lập tức theo ý mình muốn.

Trong Kinh, Đức Phật cũng có nói: Ta quán sát khắp cả Cõi Trời, cõi người, trong sự ràng buộc vững chắc ấy, không gì hơn bị ma trói buộc, nhưng nhờ lậu tận nên bậc La Hán coi nó chỉ là dứt bỏ sự nhục nhã. Đời vị lai không còn thọ sinh, cho nên Tỳ Kheo phải tu học như thế, phải tìm phương cách thoát khỏi sự trói buộc vững chắc của ma.

Dù nói pháp rất ít

Nhưng nhất tâm nghe nhận

Được gọi người hộ pháp

Dứt bỏ dâm, nộ, si

Hết hẳn các kết sử

Đó gọi là Sa Môn.

Dù nói pháp rất ít: Nói ít nhưng nêu lên được những điều quan trọng và có nghĩa vị tương ưng. Xưa, có hai vị Tỳ Kheo ở trong núi sâu học đạo. Một vị học rộng còn vị kia thì ít học, kiến thức nông cạn. Vị ít học, giữ giới trọn vẹn, thầy chỉ tụng có một câu Kinh thôi.

Ngày nào cũng tụng câu ấy và không mong học thêm câu nào khác nữa. Bấy giờ, vị thần trên hư không và thần núi rừng ngày ngày khen ngợi. Các thần muốn được nghe những gì mà thầy Tỳ Kheo này nói. Trong khi đó, vị Tỳ Kheo học rộng kia đọc tụng lớn tiếng những câu Kinh ý nghĩa sâu sắc mà mình biết. Các vị thần núi, rừng im lặng không nói gì cả, họ cũng không khen ngợi.

Lúc ấy, thầy Tỳ Kheo học rộng liền nổi giận, bảo với vị thần núi: Sở học của vị Tỳ Kheo ở sau kia rất cạn cợt, chỉ tụng được có một câu, nhưng được các Trời khen ngợi. Còn ta đây học rộng, hiểu nghĩa lý sâu sa, góp nhặt các lời hay trong Kinh Điển, rồi đem ra tụng học. Thế mà các Trời, các thần không nói gì, cũng không khen ngợi!

Các Trời, các thần trả lời: Sao Tỳ Kheo không tự trách mình mà lại trách chúng tôi?

Vị Tỳ Kheo kia dù ít học, nhưng lời nói và việc làm ăn khớp nhau.

Còn thầy dù tụng ba tạng Kinh đi nữa, nhưng việc thầy làm thì trái với Kinh, trái với lời Phật dạy, cũng có bài kệ này:

Dù nói pháp rất ít

Nhưng nhất tâm nghe nhận

Được gọi người hộ pháp

Dứt bỏ dâm, nộ, si.

Tỳ Kheo này ăn khớp với pháp, dù chưa dứt hết dâm, nộ, si nhưng nhờ phương tiện rồi sẽ dứt hết. Còn Ngài dù học rộng nhưng ngày đêm sống với dâm, nộ, si, tham đắm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.

Còn thầy Tỳ Kheo ít hiểu biết kia đêm ngày thiền định, suy nghĩ, tâm không tán loạn, cho nên thầy ấy thường được khen ngợi. Tuy thầy học rộng, nhưng ý không chuyên nhất, cho nên không được khen ngợi.

Thầy Tỳ Kheo nghe các Trời nói thế tự cảm thấy hổ thẹn đối với việc mình làm, nghĩ rằng thần núi còn thấy được những hành vi không thực chất của ta huống gì những vị đã đắc đạo có thần thong mà không thấy rõ hay sao?

Vậy nay ta tự sửa đổi, suy nghĩ bằng diệu trí, không cho niệm dâm, nộ, si, nổi lên nữa.

Thầy Tỳ Kheo cứ như thế thực hành, lời nói và việc làm ăn khớp nhau, nên được các Trời ngày ngày khen ngợi vô lượng. Vì vậy, người biết thực hành theo lời khuyên của bạn lành bằng pháp lành thì chắc chắn thành tựu đầy đủ.

Lúc bấy giờ vị Tỳ Kheo giữ hạnh tinh tấn, biết rõ được pháp nhiệm mầu thế tục, pháp bất tịnh, pháp an ban, pháp tứ niệm ý chỉ, pháp noãn, pháp đảnh, pháp nhẫn, pháp thế đệ nhất. Lần lượt chứng được quả Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán. Sau khi đắc đạo, thầy Tỳ Kheo đáp tạ các Trời, mong được khuyến tấn giúp đỡ để tâm càng trong như vực nước trong biếc.

Nay ta đắc đạo là hoàn toàn nhờ vào năng lực thần kỳ giúp đỡ. Biết bao điều lợi ích, biết bao điều thành tựu. Thầy Tỳ Kheo lại nói pháp cho các Trời nghe giúp họ tâm ý mở tỏ, được mắt pháp thanh tịnh.

Cho nên nói:

Dù nói pháp rất ít

Không buông lung được khen

Buông lung bị chê bai

Người Ma Kiệt không thế

Duyên tịch sinh Cõi Trời.

Thuở xưa, cách nay vô số kiếp, có vị Phật ra đời hiệu là Ca Diếp, là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác. Ở tại thế gian, Ngài giáo hóa những chúng sinh có duyên. Xong, bèn nhập Niết Bàn vô dư.

Lúc bấy giờ, đối với Xá Lợi, bốn bộ đệ tử xây tháp bằng bảy chất để tôn kính cúng dường, trải qua nhiều đời các tháp bị sụp đổ không ai tu bổ. Lúc đó, rộng khắp dân chúng trong ấp Nghĩa Hiệp có chín vạn hai ngàn người mà Vua Bình Sa là lãnh tụ cao nhất.

Vua Bình Sa bảo mọi người rằng: Các ngươi phải khuyến khích nhau cùng làm việc phước đức. Phật ra đời khó gặp, thân người khó được. Dù được thân người, nhưng có khi sống ở biên địa ngoài xa, rơi vào những gia đình tà kiến. Vì sao chúng ta mãi tham đắm cái vui trần thế, chi bằng giờ đây, chúng ta phát tâm sửa chữa lại các ngôi tháp cũ đã sụp lở.

Mọi người đều nghe lệnh Vua, liền cùng nhau tu bổ các ngôi tháp sụp lở.

Rồi lại cùng nhau phát nguyện: Chúng ta chung long chung sức tu bổ ngôi Chùa này, thì dù chỉ được chút ít phước đức, cũng khỏi rơi vào ba đường, tám nạn, lại được sinh lên Cõi Trời, cõi người, cùng ở chung một nơi, chớ không khác nhau.

Lại nghe rằng trong tương lai có Phật ra đời hiệu là Thích Ca Văn, khi Ngài nói pháp lần đầu tiên thì chúng ta là những người đầu tiên được Ngài độ, mà Vua là người trước nhất.

Lúc ấy, chín vạn hai ngàn người này tùy theo tuổi thọ mà lần lượt qua đời, đều được sinh lên tầng Trời Đao Lợi. Trải qua nhiều kiếp sau đó, ở Cõi Diêm Phù Lợi, có vị Phật ra đời hiệu là Thích Ca Văn, là Bậc Chí Chân Đẳng Chánh Giác, đầy đủ mười hiệu, ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân màu vàng tử ma, vầng ánh sáng tròn bao quanh thân bảy thước.

Ngài nói pháp bằng âm thanh có tám tính chất như tiếng chim Yết Tỳ. Lúc ấy chín vạn hai ngàn vị Trời kia hưởng hết phước Trời, lần lượt sinh xuống nước Ma Kiệt Đà. Vua Bình Sa lên tám tuổi đã nối ngôi Vua.

Rồi Vua trị vì bằng chánh pháp, không chút tà vạy, ủng hộ chánh pháp, ban ân lành xuống khắp, không sát hại sinh mạng. Vua còn lập đàn bố thí cứu giúp kẻ nghèo. Những ai từ xa đến tạm nghỉ lại, Vua cũng đều cung cấp cho họ đầy đủ.

Lúc ấy Bồ Tát Nho Đồng bỏ tám muôn thể nữ, kể cả ngôi Vua. Ban đêm lúc vắng người, Ngài đã bỏ nước ra đi tìm đạo, tự cắt tóc trên đầu.

Rồi Ngài bỏ lại chiếc áo quý kể cả con ngựa trắng mà Ngài cưỡi, giao hết cho Xa Nặc đem về nước tâu với Vua: Sự sống chết với vô số khổ não mệt nhọc buồn lo. Ngày nay con đi học đạo mong được chứng quả. Nếu nguyện ước đó được thành tựu, con sẽ trở về độ Vua cha. Rồi Bồ Tát lại tiến về phía trước. Trên đường đi, Ngài gặp người thợ săn mặc pháp phục giống như Sa Môn.

Bồ Tát hỏi người thợ săn: Pháp phục anh đang mặc gọi là gì?

Người thợ săn đáp: Nó tên là Ca Sa, mặc vào đi săn, bầy nai ngỡ là người tu hành, nên chúng đến gần quây quần không chút sợ hãi. Bọn chúng tôi dùng cách ấy đết bắt giết chúng nuôi sống thân mạng.

Nghe vậy, Bồ Tát càng sinh tâm thương xót, Ngài nói:

Phàm người nương bốn tâm

Cứu giúp loài chúng sinh

Mặc Ca Sa Như Lai

Bỏ nhơ lại tạo nhơ.

Giờ đây, tôi muốn đổi với anh chiếc áo đẹp đẽ mà tôi đang mặc trên người này.

Gã thợ săn nói: Ngài là con Vua sống trong cung sâu thân thể mềm mại, không hề chịu khổ lạnh, tôi e rằng thân vương tử sẽ bị bệnh.

Bồ Tát đáp: Đổi áo này, ta không cảm thấy khổ vì áo kia là vật tượng trưng cho Thánh Hiền.

Gã thợ săn nói: Áo của vương tử có giá trị vô số, còn Ca Sa này không thể bố thí cho ai được.

Tại sao vương tử lại muốn đổi lấy nó?

Bồ Tát đáp: Khi tôi đã cần dùng thì không kể sang hèn.

Gã thợ săn nói: Cái áo này bẩn thỉu hôi hám, thật tình tôi không dám đổi nó cho vương tử đâu.

Bồ Tát nói: Thơm hay hôi hễ anh cho thì tôi sẽ đem giặt.

Gã thợ săn liền cởi Ca Sa đổi chiếc áo quý của Bồ Tát. Sau khi đắp Ca Sa, tay cầm lá hoa sen, Bồ Tát vào thành La Duyệt khất thực. Lúc ấy, trong thành có mấy ngàn muôn người đang nhóm họp một chỗ. Vừa thấy Bồ Tát, họ liền giơ tay khen ngợi, người thì nói lành thay, có người nói Mặt Trời, Mặt Trăng.

Hoặc có người chắp tay tự quy mạng, hoặc hỏi thăm: Đây là vị Trời, hay là Phạm Thiên?

Hay là Thích Đề Hoàn Nhân?

Mọi người vây quanh khiến Ngài không khất thực được. Sau cùng Ngài cầm lá sen ra khỏi thành, đi đến Đông Sơn. Mọi người lần lượt đi theo sau Ngài. Lúc ấy, từ trên lầu cao, Vua Bình Sa chợt thấy xa xa mọi người đang theo sau Bồ Tát.

Vua liền hỏi những vị đứng hầu bên cạnh: Những người kia đang kéo vào núi, có chuyện gì thế?

Một vị quan lớn nhận ra Bồ Tát, liền tâu Vua: Ấy là một người dòng họ Thích, từ bỏ gia đình, xuất gia học đạo, đi đến khắp nơi. Hay đó là một mưu đồ quốc sự, ta nên đến đó bắt y giết quách.

Nghe vậy, Vua Bình Sa bảo với vị quan: Khanh muốn giữ gìn dòng họ của mình thì chớ nói lời ấy, dòng họ Thích nối ngôi Vua làm Chuyển Luân Thánh Vương thì bọn ta chỉ là quan phụ tá. Nếu ông ấy xuất gia học đạo, thành tựu quả vị Phật thì chúng ta nguyện được làm đệ tử hàng đầu của ông và buổi nói pháp đầu tiên của ông, ta sẽ được hóa độ trước nhất. Rồi Vua Bình Sa cho xe chở nhiều thức ăn ngon đi vào núi để Vua được gặp Bồ Tát.

Vừa thấy Bồ Tát, Vua liền bước đến lạy dưới chân Ngài, tự xưng tên họ: Tôi là Vua nước Ma Kiệt tên là Bình Sa.

Bồ Tát đáp: Tôi biết Ngài lâu rồi, cần gì phải cung kính quá như vậy?

Vua Bình Sa thưa: Nay tôi xin dâng Ngài chút thức ăn mọn, mong Ngài nhận cho, để nói lên chút lòng quý mến sâu xa.

Bồ Tát im lặng thọ thực, thọ thực xong, Vua Bình Sa tự tay dâng nước sạch rửa tay.

Vua đến trước Ngài thưa: Nếu Ngài chứng đạo vô thượng thì xin độ cho chúng tôi trước nhất để thoát hẳn sự đau khổ ở thế gian.

Vua Bình Sa liền lễ dưới chân Ngài và tạm biệt ra về. Còn Bồ Tát thì lên đường đến chỗ ông A Lan.

Vừa thấy Bồ Tát đến, các đệ tử của Ngài A Lan vội vàng vào thưa với thầy mình: Hiện có một người tuấn tú khác thường sắp đến cửa Đạo Tràng ta, chắc là đến xin làm học trò thầy. Lúc ấy, A Lan liền gọi các đệ tử mà nói bài kệ đó.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần