Phật Thuyết Kinh Xuất Sinh Bồ đề Tâm - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẬT THUYẾT
KINH XUẤT SINH BỒ ĐỀ TÂM
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Xà Na Quật Đa, Đời Tùy
PHẦN HAI
Lại nữa, sao gọi là bồ đề của Vô Thượng, Chánh Giác?
Nếu các thiện nam, thiện nữ tự phát tâm cầu đạo quả Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, lại cũng chỉ dẫn người khác phát tâm như thế đã khiến họ được an trụ, lại giảng nói Kinh Điển như vậy, chỉ cho họ thọ trì, thân cận với hàng Phú già la, thừa sự cúng dường, có người thọ sinh hoặc không thọ sinh đều cung kính, sinh tâm tùy hỷ.
Giải thoát như vậy là tự lợi, lợi tha, vì đem lại lợi ích cho nhiều người, vì tạo an lạc cho nhiều người, vì thương xót thế gian, tạo lợi ích an lạc cho các hàng Trời, người, nên gọi là bồ đề của Vô Thượng, Chánh Giác.
Do ý nghĩa gì được gọi là Vô Thượng, Chánh Đẳng Bồ Đề?
Vì ngoài pháp này ra, không có pháp thù thắng nào có thể cầu đạt, do đó gọi là Vô Thượng, Chánh Đẳng Bồ Đề.
Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa trên nên nói kệ:
Tứ phát tâm bồ đề
Không dạy người thọ trì
Nhân nơi tâm lực mình
Rồi sau vào Niết Bàn,
Do gắng sức tự lợi
Không dạy người thọ trì
Thế nên gọi Sa Môn
Con Phật thầy tối thắng.
Người phát tâm bồ đề
Giáo hóa sinh hoan hỷ
Cho nên tự được đạo
Biết quả báo như vậy,
Tự độ không độ tha
Phước điền trong Chư Tiên
Được gọi là Duyên Giác
Bà La Môn nên biết,
Tự phát tâm bồ đề
Giải thoát nhiều chúng sinh
Vì đời tạo lợi ích
Nên gọi Phật, Đạo Sư.
Tự thành tựu lợi ích
Lại dạy người giải thoát
Cả hai không sai khác
Nên gọi không nghĩ bàn.
Bấy giờ, Bà La Môn Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Giải thoát đối với giải thoát có sai biệt chăng?
Phật đáp: Này Bà La Môn! Giải thoát đối với giải thoát không có sai biệt. Đạo với đạo không có sai biệt. Thừa với thừa không có sai biệt. Ví như nơi quốc lộ có xe voi, xe ngựa, xe lừa, các loại xe kia lần lượt đi trên đường ấy, cùng đến một thành.
Này Bà La Môn! Ý ông nghĩ sao?
Các loại xe như vậy có sai biệt chăng?
Bà La Môn thưa: Bạch Đại Đức Thế Tôn! Các loại xe ấy thật sự là có sai biệt.
Phật nói: Đúng vậy, đúng vậy! Này Bà La Môn! Thừa Thanh Văn, thừa Bích Chi Phật, thừa Vô Thượng, Chánh Đẳng Bồ Đề có sai biệt nhưng đạo cùng với giải thoát thì không có sai biệt.
Này Bà La Môn! Ví như nơi sông Hằng có ba hạng người đều từ bờ bên này sang tới bờ bên kia. Người thứ nhất dùng cỏ kết làm bè dựa vào đấy mà vượt qua. Người thứ hai hoặc dùng phao nổi, hoặc dùng thuyền nan mà vượt qua. Người thứ ba dùng thuyền lớn cho vào sông trong thuyền này lại chở hàng trăm ngàn người.
Người thứ ba ấy lại chỉ dẫn con trai lớn của mình sắp đặt giữ gìn mọi chuyến qua lại của thuyền, hễ có bao nhiêu chúng sinh đến thì phải đưa họ từ bờ bên này sang bờ kia, vì nhằm tạo lợi ích cho nhiều người.
Này Bà La Môn! Ý ông nghĩ sao?
Những người qua bờ bên kia có sai biệt chăng?
Bà La Môn đáp: Thưa Thế Tôn, không!
Đức Phật lại hỏi: Này Bà La Môn! Sự chuyên chở này và sự chuyên chở kia có sai biệt không?
Bà La Môn đáp: Những sự chuyên chở ấy thật sự là có sai biệt.
Phật nói: Đúng vậy, đúng vậy! Này Bà La Môn! Thừa Thanh Văn, thừa Bích Chi Phật, thừa Vô Thượng, Chánh Đẳng Bồ Đề, thật sự là có sai biệt.
Này Bà La Môn! Như người thứ nhất, nhờ vào bè cỏ nên từ bờ bên này vượt sang bờ bên kia, chỉ có một mình. Nên biết như vậy là bồ đề của Thanh Văn. Người thứ hai hoặc nhờ vào phao nổi, hoặc nhờ nơi thuyền nan nên từ bờ bên này sang bờ bên kia.
Nên biết như vậy là bồ đề của Bích Chi Phật. Người thứ ba thành tựu thuyền lớn, cùng chở được nhiều người từ bờ bên này sang bờ bên kia. Nên biết như vậy là bồ đề của Như Lai.
Lúc này, Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa trên nên nói kệ rằng:
Đường và giải thoát không có hai
Nhưng các thừa đều có sai biệt
Người trí nên so sánh như vậy
Cần chọn thừa tối thắng, tối thượng.
Các pháp dạy như vậy
Đức Phật nói lời này
Chọn lựa các pháp rồi
Người trí cần phải học.
Bà La Môn Ca Diếp lại thưa: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát hành trì như thế nào, niệm trụ như thế nào để đến đại thừa?
Đức Phật đáp: Này Bà La Môn! Ông hãy lắng nghe về ý nghĩa này. Nếu các Đại Bồ Tát như niệm tu hành để đạt đến đại thừa.
Này Bà La Môn! Nếu các thiện nam, thiện nữ tự phát tâm bồ đề, cũng chỉ dẫn cho người khác phát tâm bồ đề, chính mình vui trong việc tu hành, lại khuyến khích người khác tu tập, an trụ, vui thích trong việc tu hành, lại vì họ mà giải thích ý nghĩa của Kinh. Những người Phú Già La như vậy không đến thân cận để thừa sự tiếp nhận, nên dùng bốn Nhiếp pháp nhằm giáo hóa họ.
Những gì là bốn nhiếp pháp?
Đó là bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự.
Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa trên nên nói kệ:
Đủ mọi bố thí lớn tất cả vật sở hữu
Vì muốn thâu nhận người
Bồ Tát, bậc vô úy
Thị hiện dắt dẫn đường
Chúng sinh không chỗ nương
Nên dùng lời diệu, thiện
Thường thường an ủi họ.
Mình, người đều an lạc
Người sinh nơi cõi lành
Ngày đêm luôn tùy thuận
Các chúng sinh như vậy.
Không tin, khiến họ tin
Pháp giới, khuyên trụ giới
Keo kiệt, dạy bố thí
Mong lợi ích tất cả.
Dạy người hành bồ đề
Luôn tinh tấn bền chắc
Cùng với việc lợi ích
Người trí như lời hành.
Người trí tuệ như vậy
Đạo sư của Bồ Tát
Việc làm của người trí
Thường ưa pháp đại thừa.
Dũng mãnh là tối thắng
Người trí cần phải học
Do pháp thù thắng kia
Tối thượng đến bờ giác.
Bà La Môn Ca Diếp dùng kệ tụng bạch Phật:
Đại đức dạy pháp tu
Bồ Tát, các Đạo Sư
Nên học theo hạnh này
Đạt đến Lưỡng Túc Tôn.
Vì con nói pháp tu
Và chỗ nương các hạnh
Giác ngộ rộng bao la
Thương xót vì con nói.
Đức Thế Tôn bảo Bà La Môn Ca Diếp: Hay thay! Này Bà La Môn!
Các Bồ Tát có ba thứ hạnh là: Thiên hạnh, Phạm hạnh và Thánh hạnh.
Này Bà La Môn! Sao gọi là Thiên hạnh?
Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ đem thân nghiệp hành từ, khẩu nghiệp hành từ, ý nghiệp hành từ hành hóa khắp vô lượng Thế Giới ở phương Đông, đầy đủ, trọn vẹn. Lại có thể khéo đi vào các phương Nam, Tây, Bắc, bốn hướng và phương trên, dưới, đều đem thân nghiệp hành từ, khẩu nghiệp hành từ và ý nghiệp hành từ đầy đủ khắp tất cả. Đây gọi là Thiên hạnh.
Sao gọi là phạm hạnh?
Đó là bốn Tâm vô lượng: Từ, bi, hỷ, xả. Đây gọi là phạm hạnh.
Này Bà La Môn! Sao gọi là Thánh hạnh?
Là ba cửa giải thoát: Không, vô tướng, vô nguyện. Đây gọi là Thánh hạnh.
Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa trên nên nói kệ:
Dũng mãnh hành tinh tấn
Đạo sư của Bồ Tát
Nếu có đủ Thiên hạnh
Là người ưa giác ngộ.
Thánh hạnh và Phạm hạnh
Hạnh này Bậc Thánh nói
Nếu có người tu hành
Nhất định đạt bất động.
Bà La Môn Ca Diếp lại dùng kệ bạch Phật:
Con thích pháp giác ngộ
Nay hỏi Đại Đạo Sư
Các vị này đời sau
Tập các hạnh thế nào?
Vì chúng sinh đời sau
Nên con hỏi Thế Tôn
Ở trong bồ đề Phật
Ý con không phân biệt
Vì lợi ích chúng sinh
Nay con phát đạo tâm.
Đức Thế Tôn dùng kệ tụng đáp Bà La Môn Ca Diếp:
Nói Tu Đa La này
Khiến phát bồ đề lớn
Phạm chí, Phật bồ đề
Chưa từng có phân biệt.
Nói Tu Đa La này
Khiến phát bồ đề lớn
Nên đoạn mọi nghi ngờ
Tùy thuận chúng sinh hỏi.
Nói Tu Đa La này
Khiến phát bồ đề lớn
Đoạn trừ tất cả nghi
Khen ngợi các chúng sinh.
Người được nghe Kinh này
Nên vào đời vị lai
Thực hành bố thí lớn
Bố thí đến bờ kia.
Người được nghe Kinh này
Nên vào đời vị lai
Giữ giới được trọn vẹn
Giữ giới đến bờ kia.
Người được nghe Kinh này
Nên vào đời vị lai
Hành nhẫn vì chúng sinh
Nhẫn nhục đến bờ kia.
Người được nghe Kinh này
Nên vào đời vị lai
Tinh tấn vì chúng sinh
Tinh tấn đến bờ kia.
Người được nghe Kinh này
Nên vào đời vị lai
Thường nhập các thiền định
Thiền định đến bờ kia.
Người được nghe Kinh này
Nên vào đời vị lai
Vì người cầu thắng trí
Trí tuệ đến bờ kia.
Từng làm việc cúng dường
Thương xót các chúng sinh
Được nghe Kinh Điển này
Đời sau đạt đến đích.
Tỳ Kheo trụ Lan nhã
Ý cầu Phật bồ đề
Người được nghe Kinh này
Đi sau mà đến trước.
Quá khứ số ức Phật
Đã trì Kinh Điển này
Vì lợi các Bồ Tát
Phát khởi ý mong muốn.
Nếu có Bà La Môn
Ham thích Phật bồ đề
Lúc ấy được tin tưởng
Kinh này đến với họ.
Ta thấy các chúng sinh
Tất rõ nẻo hành
Cũng biết luôn tên tuổi
Ta thấy đều không ngại.
Tất cả mong nên đủ
Người đời sau lầm
Sợ họ sinh các lỗi
Vì thế nên nói ít.
Bà La Môn Ca Diếp lại dùng kệ bạch Phật:
Đại đức khéo thọ trì
Khiến sinh ý rộng lớn
Đại trượng phu đời này
Không lâu con sẽ làm.
Quá khứ và vị lai
Những gì Đạo Sư nói
Vì họ sinh thiện lợi
Nên trụ nơi bồ đề.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Ba - Phẩm Ngũ Vương - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Năm - Pháp Hội Hư Không Tạng Bồ Tát - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Bảo Vân - Phần Mười Năm
Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Mười Năm - Phẩm đại Như - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ưu đàm Bà La Sư Tử Hống - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bát Niết Bàn - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Sư Tử Hống Bồ Tát - Phần Bốn