Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Mười - Chuyện Tiền Thân đức Phật - Chương Mười Năm - Phẩm Hai Mươi - Bài Kệ - Chuyện Chúa Thiên Nga Tiền Thân Hamsa

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:19 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư An Thế Cao, Đời Hậu Hán

PHẬT THUYẾT KINH TIỂU BỘ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư 

An Thế Cao, Đời Hậu Hán  

TẬP MƯỜI

CHUYỆN TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT  

CHƯƠNG MƯỜI NĂM  

PHẨM HAI MƯƠI

BÀI KỆ  

CHUYỆN CHÚA THIÊN NGA

TIỀN THÂN HAMSA  

Kìa đám hằng nga cất cánh bay. Câu chuyện này bậc Đạo Sư kể trong lúc trú tại Trúc Lâm, về việc Tôn Giả Ànanda hy sinh tính mạng.

Lúc ấy Tăng Chúng đang bàn luận trong chánh pháp đường về các đức tính của Tôn Giả này thì bậc Đạo Sư bước vào hỏi Tăng Chúng đang nói chuyện gì tại đó.

Rồi Ngài bảo: Này các Tỳ Kheo, đây không phải là lần đầu tiên Ànanda từ bỏ tánh mạng vì ta, mà xưa kia cũng đã làm như thế. Và Ngài kể cho Tăng Chúng một chuyện quá khứ. Một thuở nọ có một vị Vua ngự trị tại thành Ba La Nại mệnh danh là Bahuputtaka hay là thân phụ của nhiều Vương Tử và chánh cung Hoàng Hậu của Ngài là Khemà Thái Hòa.

Thuở ấy, bậc Đại Sĩ sống trên đỉnh núi Cittakuta, Ngài là chúa tể của chín mươi ngàn thiên nga, sau khi được sinh làm chim thiên nga với màun lông vàng ánh.

Thuở ấy như đã thuật trước đây, chánh hậu nằm mộng và tâu Vua rằng bà đã mang nỗi khát khao của một thai phụ muốn nghe một chim Kim Nga thuyết pháp. Khi Vua hỏi xem có loài vật nào như chim Kim Nga chăng, và Ngài được báo tin là hiện có loài ấy trên núi Cittakùta.

Sau đó Ngài bảo xây cái hồ đặt tên là Khemà, lại truyền lệnh trồng đủ loại ngũ cốc làm thực phẩm, hằng ngày rao truyền khắp tứ phương ban bố lệnh bảo vệ hồ ấy, rồi phái một thợ săn đến bắt thiên nga. Người này được phái đi cách nào, người ấy canh chừng chim muông ra sao, tin tức được tâu trình Vua khi bầy thiên nga được xuất hiện như thế nào, cái bẫy được giăng theo kiểu gì và bậc Đại Sĩ bị mắc vào bẫy.

Rồi đại tướng thiên nga Sumukha Sư Mục Kha không thấy Ngài trong ba đàn chim kia, liền trở về tìm Ngài ra sao, tất cả chi tiết này sẽ xuất hiện trong Tiền Thân Mahàhamsa Đại Thiên Nga tập sáu, trong đó chúa thiên nga có tên Dhatarattha.

Bấy giờ ngay lúc bậc Đại Sĩ bị bắt vào thòng lọng và cây sáo, dù cho Ngài đang treo lủng lẳng trong chiếc thòng lọng ở đầu cây sào, Ngài cũng cố vươn cổ ra nhìn theo hướng bầy chim đã bay trốn mất và chợt thấy tướng Sumukha quay trở lại, Ngài suy nghĩ: Khi chim tướng đến đây, ta sẽ thử lòng chim tướng ấy xem sao.

Vì thế khi chim kia đến, bậc Đại Sĩ ngâm ba vần kệ:

Kìa đám hồng nga cất cánh bay,

Cả bầy hốt hoảng hãi kinh đầy,

Đi ngay, Sư mục lông vàng óng,

Khanh muốn gì chăng ở chốn này.

Họ hàng ta đã bỏ rơi ta!

Bọn chúng đều cao chạy vút xa,

Đào tẩu ngay, không hề nghĩ lại,

Sao khanh đơn độc ở đây mà?

Thiên nga cao thượng hãy bay về,

Tù tội, thân không có bạn bè,

Lúc được tự do, Sư mục hỡi,

Bay đi! Đừng bỏ dịp may kề.

Nghe vậy, Tướng quân Sumukkha đáp lời lúc đang đậu trên vũng bùn:

Không, thần sẽ chẳng bỏ nga Vương,

Khi đến gần tai họa thảm thương,

Song ở lại đây, thần đã quyết

Bên Ngài, dù sống chết không màng.

Như thế Sumukkha đã cất giọng sư tử hống và chúa chim Dhataratha đáp kệ này:

Những lời khanh nói thật anh hùng,

Đại tướng ôi, cao cả tấm lòng!

Vì muốn thử lòng hiền hữu đó,

Trẫm đà bảo bạn hãy phi thân!

Trong lúc hai vị đang trò chuyện với nhau như vậy, người thợ săn vừa tới nơi, cầm gậy trong tay, gã chạy như bay hết tốc lực. Sumukkha khuyến khích chúa chim Dhatarattha cho phấn khởi tinh thần, rồi bay ra đón người thợ săn, kính cẩn đề cao đức hạnh của chim chúa đàn.

Lập tức tâm hồn người thợ săn trở nên nhu hòa. Sumukkha nhận thấy ngay điều này, liền quay lại, đứng cạnh chúa Thiên nga để khích lệ Ngài phấn khởi tinh thần.

Còn người thợ săn tiến đến gần chim chúa và ngâm vần kệ thứ sáu:

Bọn chúng đều co cẳng vút bay,

Bầy chim tung cánh giữa Trời mây,

Thiên nga Vương giả, sao chim chẳng

Trông thấy từ xa chiếc bẫy này?

Bậc Đại Sĩ đáp lại:

Khi đời sắp sửa phút lâm chung,

Giờ tử Thần đang tiến lại gần,

Dù bạn đứng kề bên chiếc bẫy,

Cũng không thấy bẫy đặt, dây giăng!

Người thợ săn hài lòng với lời nhận xét của chim chúa, liền ngâm thêm ba vần kệ hỏi Sumukha:

Kìa đám hằng nga cất cánh bay,

Cả bầy hốt hoảng hãi kinh thay,

Còn thiên nga có sắc vàng óng,

Bị bỏ rơi, còn nán đợi đây.

Cả đám hồng nga đã uống ăn,

Rồi bay về hết, chẳng quan tâm,

Qua không gian chúng lao vùn vụt,

Và bỏ mặc chim chỉ một thân!

Có gì quan hệ với chim này,

Khi cả đàn ruồng rẫy vụt bay,

Dù được tự do, chim ở lại,

Một mình kết bạn với kẻ tù đây?

Sumukha đáp lời:

Chim chúa là đây, bạn chí tình,

Thiết thân như chính cuộc đời mình,

Bỏ Ngài ư? Chẳng bao giờ có,

Dù lúc tử thần gọi đích danh!

Nghe thế, người thợ săn vô cùng hoan hỷ và nghĩ thầm: Ví thử ta làm hại các sinh vật đức hạnh như thế này, chắc chắn mặt đất sẽ há miệng ra và nuốt chửng ta đi mất.

Ta còn thiết gì đến ân thưởng Vua ban nữa?

Ta quyết thả chúng ra thôi.

Rồi gã ngâm kệ:

Thấy rằng vì trọng nghĩa thân bằng,

Chim sẵn sàng từ bỏ tấm thân,

Ta thả chúa chim đồng mệnh ấy

Để cùng nhau khắp chốn đằng vân.

Vừa nói lời này xong, gã kéo nga Vương Dhataratha xuống khỏi cây sào, nới lỏng dây thòng lọng ra và đem thiên nga tới bờ hồ, rửa sạch máu trên thân chim với lòng đầy xót thương, rồi thoa bóp các bắp thịt cùng gân cốt bị trặc khớp lại cho đúng chỗ.

Nhờ tâm từ ái của người thợ săn cùng uy lực các công hạnh viên mãn của bậc Đại Sĩ Thập Hạnh Ba La Mật, nên lập tức chân Ngài lành mạnh như trước, chẳng còn một dấu vết nào chứng tỏ Ngài đã bị mắc bẫy cả.

Tướng quân Sumukha chiêm ngưỡng bậc Đại Sĩ với lòng hân hoan và cảm tạ qua những lời này:

Lạp hộ, cùng thân hữu, họ hàng,

Cầu mong các vị phước ân tràn,

Như ta hạnh phúc khi nhìn ngắm

Chúa chim giờ đây thoát buộc ràng.

Khi người thợ săn nghe lời này, gã nói: Này Hiền hữu, Ngài có thể bay đi rồi đấy.

Lúc ấy bậc Đại Sĩ bảo gã: Thưa Hiền Giả, thế Ngài đã bắt ta theo ý riêng của Ngài hay do lệnh một người khác?

Gã liền kể cho Ngài nghe mọi sự. Chim chúa tự hỏi nên trở về núi Cittakuta chăng hay đi vào Kinh Thành kia.

Ngài suy nghĩ: Nếu ta vào thành, thì người thợ săn sẽ được Vua ban thưởng, nỗi khao khát của Hoàng Hậu sẽ được thỏa mãn, tình bằng hữu của Sumukha sẽ được mọi người biết rõ, rồi cũng nhờ công đức trí tuệ của ta, ta sẽ được Vua ban thưởng hồ Khemà như một đặc ân. Vậy ta vào thành thì hơn.

Quyết định xong Ngài nói: Này thợ săn, bạn hãy mang chúng ta lên đòn gánh của bạn đưa vào yết kiến Đức Vua, và nếu Ngài muốn, Ngài sẽ thả ta ra.

Này chúa chim ơi, tính Vua chúa bạo tàn lắm, vậy các Ngài cứ lên đường các Ngài cho yên thân!

Sao thế?

Ta đã làm mềm lòng một thợ săn như Hiền Giả, mà ta lại không chiếm được ân sủng của Vua chúa kia ư?

Cứ để việc ấy cho ta lo liệu, này bạn hữu, phần của ông bạn là mang chúng ta đến yết kiến Đức Vua.

Người ấy đành tuân lời. Khi Vua nhìn thấy đôi thiên nga, Ngài rất đẹp ý. Ngài đặt đôi chim lên một cành đậu bằng vàng, bảo đem mật ong và hạt mễ cốc rang chín cùng nước đường lên mời đôi chim. Sau đó Ngài đưa đôi tay lên thỉnh cầu đôi chim Thuyết Pháp. Nga Vương thấy Vua tha thiết nghe pháp như thế, nên trước tiên Ngài nói với Vua bằng những lời lẽ nhu hòa êm ái.

Sau đây là các vần kệ trình bày câu chuyện giữa Vua và thiên nga chúa:

Thiên nga:

Đại Vương, ngọc thể có khang an,

Quý quốc giờ đây có hưởng tràn

Hạnh phúc, giàu sang cùng thịnh vượng,

Và Ngài trị nước thật công bằng!

Đức Vua

Thiên nga, đây trẫm được khang an,

Và bổn Quốc đây được vẹn toàn

Hạnh phúc, giàu sang cùng thịnh vượng,

Với nền cai trị thật công bằng.

Thiên nga:

Triều Đình Ngài chẳng phạm sai lầm,

Và đám Quốc thù vẫn biệt tăm,

Bọn chúng chẳng bao giờ xuất hiện,

Khác nào bóng tối hướng Nam chăng?

Đức Vua:

Triều thần trẫm chẳng thấy sai lầm,

Và đám quốc thù vẫn bặt tăm,

Bọn chúng chẳng bao giờ xuất hiện,

Khác nào bóng tối ở phương Nam!

Thiên nga:

Phải chăng chánh hậu cũng chung dòng,

Lời lẽ ôn nhu, biết phục tòng,

Diễm lệ, nhiều con, danh tiếng tốt,

Vâng chiều mọi Thánh ý chờ mong?

Đức Vua:

Thưa vâng, chánh hậu cũng chung dòng,

Lời lẽ ôn nhu, biết phục tòng,

Diễm lệ, nhiều con, danh tiếng tốt,

Vâng chiều mọi ý trẫm hằng mong!

Thiên nga:

Đại Đế nuôi dân! Ngài có đông

Hoàng nam được dưỡng dục oai phong,

Thông minh ứng đối, người nhu thuận,

Bất cứ việc gì cũng gắng công?

Đức Vua:

Nga Vương, trẫm có đủ hoàng nam,

Nổi tiếng một trăm lẻ một chàng,

Dạy bảo chúng làm tròn phận sự,

Chúng không bỏ dở các lời vàng.

Nghe điều này bậc Đại Sĩ khuyến giáo hội chúng qua năm vần kệ:

Kẻ hoãn trì cho quá muộn màng

Thiện hành mà chẳng gắng công làm,

Dù nhiều đức tính, dòng cao quý,

Cũng vẫn chìm sâu xuống dưới dòng.

Người kia tri kiến cứ tàn dần

Tổn hại lớn lao, nó lãnh phần

Như kẻ quáng gà vì bóng tối,

Khi nhìn mọi vật hóa phồng căng,

Gấp đôi tầm cỡ thường nơi chúng,

Vì có nhãn quang chẳng vẹn toàn.

Ai nhìn hư vọng thấy toàn chân,

Chẳng đạt chút nào trí tuệ thông,

Như thể trên đường đèo lởm chởm,

Bầy hươu nai vẫn té nhào lăn.

Nếu người nào dũng cảm can cường,

Ðức hạnh mến yêu, giữ đúng đường,

Dù chỉ là người dòng hạ liệt,

Cũng bừng lên tựa lửa đêm trường.

Cứ dùng ngay ví dụ trên này

Chân lý Hiền Nhân, hãy giải bày,

Dưỡng dục hoàng nam thành bậc trí,

Như mầm non gặp lúc mưa đầy.

Bậc Ðại Sĩ đã thuyết giáo như vậy cho Vua suốt đêm ròng. Lòng khao khát của Hoàng Hậu đã được thỏa mãn. Trước buổi bình minh, Ngài an trú vào Thập Vương Pháp và khuyên nhủ Vua tinh cần cảnh giác, sau đó, Ngài cùng Tướng quân Sumukha bay ra khỏi khung cửa sổ hướng Bắc về miền núi Cittakùta.

Khi Pháp Thoại chấm dứt, bậc Ðạo Sư bảo: Như vậy, này các Tỳ Kheo, trước kia người này cũng đã hy sinh tính mạng vì ta.

Rồi Ngài nhận diện tiền thân: Vào thời ấy, Channa Xa Nặc là người thợ săn, Sàriputta Xá Lợi Phất là Vua, một Tỳ Kheo Ni là Hoàng Hậu Khemà, bộ tộc Thích Ca Sàkya là đàn thiên nga, Ànanda là Sumukha và ta chính là thiên nga vương.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần