Phật Thuyết Kinh Bản Sự - Phẩm Hai - Phẩm Hai Pháp - Phần Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, Đời Đường
PHẬT THUYẾT KINH BẢN SỰ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Huyền Trang, Đời Đường
PHẨM HAI
PHẨM HAI PHÁP
PHẦN SÁU
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Vô Thượng Chánh Đẳng Giác
Bậc Thượng Thủ trong đời
Đại hùng, đại trượng phu
Bậc nhổ các tên độc.
Thương xót khắp thế gian
Vì đoạn trừ hai pháp
Vô minh và hữu ái
Chuyển pháp luân vô thượng.
Là khổ và nhân khổ
Diệt trừ hết các khổ
Tu tám chi Thánh đạo
Diệt khổ, đắc Niết Bàn.
Người trí nghe pháp này
Tin hiểu thật vững chắc
Đạt các pháp chân chánh
Đoạn vô minh, hữu ái.
Vô minh, hữu ái trừ
Các tạp nhiễm đều diệt
Bậc điều thuận chí thiện
Gọi ruộng phước ở đời.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Có hai việc khổ rất khó chịu đựng:
1. Cạo bỏ râu tóc.
2. Thường đi khất thực.
Vì sao?
Vì người đời thù oán nhau, nên tạo ra những chú thuật để trù yếm, mong cho những người kia nghèo cùng, cạo bỏ râu tóc, mặc áo cũ rách, tay cầm bát đất, lang thang từ nhà này đến nhà khác xin ăn để sống.
Những Thiện Nam có lòng tin thanh tịnh, thọ trì pháp này mà xuất gia, không phải vì sự áp bức của nhà Vua, giặc, chủ nợ. Cũng không phải vì sợ chết mà bỏ gia đình, mà chỉ muốn vượt khỏi pháp sinh, già, bệnh, chết, ưu sầu, khổ não thiêu đốt. Chỉ vì diệt trừ toàn bộ khối khổ lớn, các đệ tử của ta vì cầu đạt những việc như vậy mà chánh tín xuất gia, vì lợi mình, lợi người mà thọ trì pháp này.
Hoặc giả có người xuất gia như vậy rồi, trải qua thời gian không bao lâu lại kiêu mạn, buông lung, biếng trễ, siêng làm việc hèn kém, quên mất chánh niệm, không có tỉnh giác.
Tâm loạn không định, các căn phóng túng, nhiều tham dục, đắm chấp, lòng đầy sân giận, ngu không hiểu biết, tham nhiễm các dục, tư duy hư vọng, hủy các giới cấm, chẳng phải thật Sa Môn, tự xưng là Sa Môn, chẳng phải thật phạm hạnh, tự xưng là phạm hạnh, bên trong thì hủ bại, nhưng biểu hiện ra bên ngoài thì tốt đẹp.
Như con ốc sên hôi hám, hành động thì xấu xa nhưng giọng điệu lại dịu dàng, che đậy cái xấu, dối bày cái tốt, tạo thành vô số pháp ác bất thiện. Ví như người từ chỗ tối đi vào chỗ tối, từ hầm hố rơi vào hầm hố, từ oán đến oán.
Ta nói: Người xuất gia ngu si như vậy cũng sẽ đi đến chỗ như thế.
Lại như có khúc cây hai đầu bị cháy, khoảng giữa dính đầy phẩn uế. Cây đó hoặc bỏ ở xóm làng hay nơi đồng trống, không ai sử dụng. Ta nói người xuất gia ngu si như vậy, cũng sẽ như thế. Mất pháp của hàng tại gia, lại cũng chẳng phải là Sa Môn, ở thế gian và xuất thế gian đều không được phần thù thắng.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Xuất gia mà phá giới
Cả hai đều không thành
Mất phép tắc tại gia
Mất luôn pháp Sa Môn.
Thà nuốt hòn sắt nóng
Và uống nước đồng sôi
Không nhận của cúng dường
Mà phá hủy giới cấm.
Những người phá giới cấm
Không hổ thẹn, ăn năn
Nhận nhiều của tín thí
Nhất định đọa địa ngục.
Những người có trí tuệ
Nên giữ vững tịnh giới
Chớ nhận người cúng dường
Mà hủy phạm giới cấm.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Ở đời, có hai hạng người bảo vệ, làm phát triển các nẻo địa ngục và pháp ác, bất thiện.
Hai hạng đó là:
1. Có hạng người hủy phạm tịnh giới, chẳng phải thật Sa Môn, tự xưng là Sa Môn, chẳng phải là phạm hạnh, tự xưng là phạm hạnh, bên trong xấu xa hủ bại nhưng biểu hiện ra bên ngoài thì tốt đẹp. Như con ốc sên hôi hám, hành động thì xấu xa nhưng âm điệu lại dịu dàng, hay ho. Che đậy cái xấu, dối bày cái tốt, giống như chiếc cầu thang mục nát, không thể dùng, chỉ tăng thêm nẻo ác.
2. Có hạng người đối với giới pháp hoàn toàn thanh tịnh không hề hủy phạm, tinh tấn tu phạm hạnh, thanh bạch, chính thật là Bí Sô có đức nhưng lại dùng các pháp phi phạm hạnh, không căn cứ để hủy báng, mạ nhục, làm cho kẻ khác mất uy đức.
Hai hạng người như vậy là bảo vệ, làm phát triển các nẻo địa ngục và pháp ác, bất thiện.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Đời có hai hạng người
Sinh trưởng nghiệp cõi ác
Là hủy phạm tịnh giới
Và hủy báng hiền lương.
Hai hạng người như vậy
Đều gọi là hạ tiện
Hiện tại người khinh bỉ
Đời sau bị báo khổ.
Thế nên các Bí Sô
Phải luôn không phóng dật
Giữ gìn giới thanh tịnh
Chớ hủy báng người khác.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Ở đời có hai hạng người khó đáp đền ân sâu của họ. Hai hạng đó là cha và mẹ.
Giả sử có người, một vai cõng cha, một vai cõng mẹ, suốt đời chưa từng tạm nghỉ, cung cấp cơm ăn, áo mặc, thuốc thang chữa bệnh và bao nhiêu thứ cần dùng, cũng chưa có thể đền đáp được ân sâu của cha mẹ.
Vì sao?
Vì công ơn của cha mẹ đối với con rất là sâu nặng. Đó là ơn sinh đẻ, lòng từ cho bú mớm, tắm rửa, giặc giũ, nuôi dưỡng khôn lớn, cung cấp bao nhiêu thứ đồ dùng, của cải, vốn liếng, ơn chỉ dạy về phép tắc ở đời. Lòng cha mẹ luôn muốn cho con lìa khổ được vui, chưa từng có lúc nào tạm ngưng, như bóng theo hình.
Cha mẹ đối với con những công ơn sâu nặng như đã nói thì làm sao có thể đáp đền?
Nếu cha mẹ của người kia đối với Phật, Pháp, Tăng không có lòng tin thanh tịnh, thì người con phải dùng phương tiện chỉ rõ, khuyên nhủ, dắt dìu, khen ngợi, khích lệ cho cha mẹ phát sinh tịnh, tín.
Nếu cha mẹ của người kia không có giới thanh tịnh, thì người con nên theo phương tiện chỉ rõ, khuyên nhủ, dắt dìu, khen ngợi, khích lệ cho cha mẹ yên vui, làm cho cha mẹ thọ trì giới cấm thanh tịnh.
Nếu cha mẹ của người kia không được học hỏi thì người con phải dùng phương tiện chỉ rõ, khuyên nhủ, dắt dìu, khen ngợi, khích lệ cho cha mẹ yên vui, làm cho cha mẹ được nghe chánh pháp của Chư Phật.
Nếu cha mẹ của người kia có tánh tham lam keo kiệt, không ưa bố thí thì người con phải tạo phương tiện chỉ rõ, khuyên nhủ, dắt dìu, khen ngợi, khích lệ cho cha mẹ được yên vui, khiến cha mẹ thực hành bố thí.
Nếu cha mẹ của người kia tánh tình ám độn, không có thắng tuệ thì người con phải tạo phương tiện chỉ rõ, khuyên nhủ, dắt dìu, khen ngợi, khích lệ cho cha mẹ được yên vui, làm cho cha mẹ tu tập Thánh tuệ…
Người con nào làm được như vậy thì gọi đó là người con đáp đền ơn sâu của cha mẹ một cách chân thật.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Đời có hai hạng người
Ơn sâu khó đáp đền
Đó là cha và mẹ
Làm sinh trưởng thế gian.
Giả sử dùng hai vai
Công cha mẹ trọn đời
Luôn cung kính cúng dường
Cũng chưa báo được ơn.
Cha mẹ ở thế gian
Sinh đẻ và nuôi dạy
Lòng từ mong lợi lạc
Như bóng đi theo hình.
Cha mẹ ai vốn không
Tín, giới, văn, thí, tuệ
Khuyên cha mẹ tu hành
Gọi chân thật báo ân.
Cung kính dâng vật dùng
Chỉ an vui đời này
Khuyên tu tập tín, giới
Cuối cùng chứng Niết Bàn.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Ở đời có hai loại pháp không lừa dối. Hai loại đó là nghiệp và trí.
Các nghiệp nào mà các hữu tình nơi quả dị thục của nó nếu chưa hiện tiền cũng chắc chắn không mất hết?
Những trí tuệ nào hữu tình đã có, nơi tất cả phiền não nếu chưa đoạn hẳn, cũng chắc chắn mất hết?
Như vậy gọi là ở thế gian có hai loại pháp không lừa dối.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Hai loại pháp không dối
Chư Phật cùng đàm luận
Là các nghiệp, các trí
Đã làm và đã có.
Quả dị thục chưa sinh
Các nghiệp vẫn không mất
Phiền não tuy chưa dứt
Trí cũng không mất hết.
Nghiệp là nhân sinh tử
Trí là gốc diệt hoặc
Thế nên phải tu trí
Đoạn hẳn cảnh giới khổ.
Tôi từng nghe Đức Thế Tôn bảo: Bí Sô nên biết! Ở đời có hai hạng người rất đáng tôn trọng lễ bái cúng dường và đem tâm kính yêu gần gũi một bên. Hai hạng người đó là cha và mẹ.
Các hữu tình nào hết sức tôn trọng lễ bái cúng dường, tôn trọng cha mẹ của mình, đem lòng kính yêu và ở gần một bên thì hữu tình đó sẽ được sinh vô lượng phước, được những người có trí cùng nhau khen ngợi, tiếng tốt đồn khắp, ở trong các chúng không sợ hãi, sau đấy không phiền não, ăn năn. Khi thân hoại mạng chung thẳng lên các nẻo thiện, sinh trong Cõi Trời.
Hữu tình vì lẽ gì đối với cha mẹ phải hết sức tôn trọng, lễ bái, cúng dường, đem lòng kính yêu và ở gần một bên?
Vì cha mẹ đối với con có công rất sâu nặng. Đó là ơn sinh đẻ, lòng từ cho bú mớm, tắm rửa, giặc giũ, nuôi dưỡng cho khôn lớn, cung cấp bao nhiêu thứ đồ dùng, của cải, vốn liếng, ơn chỉ dạy về phép tắc ở đời, lòng cha mẹ luôn mong muốn cho con lìa khổ, được vui, chưa từng có lúc nào tạm ngưng, như bóng với hình. Thế nên, con đối với cha mẹ phải hết sức tôn trọng, lễ bái, cúng dường, đem lòng kính yêu và ở gần một bên.
Các hữu tình nào kính yêu cha mẹ và ở gần một bên thì cha mẹ đối với người con đó rất yêu thương, trừ bỏ những việc không lợi ích, dạy bảo cho những điều lợi ích, ngăn chặn các điều ác, khuyến tu các hạnh lành, cưới cho vợ đẹp, thê thất trinh thuận, giúp cho châu báu, bạc tiền, lúa thóc, hàng Trời, Người nơi thế gian cùng nhau khen ngợi, cung kính cúng dường, gần gũi gia hộ, làm cho người con đó không bị suy tổn.
Thế nên hữu tình đối với cha mẹ phải hết sức tôn trọng, lễ bái, cúng dường, đem lòng kính yêu và ở gần một bên.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tóm tắt lại nghĩa này và nói kệ:
Những người có phước đức
Nên tôn trọng cha mẹ
Lễ bái và cúng dường
Yêu thương và gần gũi.
Người thông minh ở đời
Rất cung kính cha mẹ
Luôn cung kính cúng dường
Thường có lòng hoan hỷ.
Cha mẹ ở thế gian
Ân sâu khó đáp đền
Ngăn ác trừ bất lợi
Dạy lợi, khuyên tu thiện.
Cưới vợ cho của cải
Lòng từ luôn che chở
Thế nên phải cúng dường
Sinh vô lượng phước đức.
Hiện đời được tiếng tốt
Được cung kính cúng dường
Qua đời sinh Cõi Trời
Hưởng sung sướng vô cùng.
Muốn được sinh Trời, Người
Hưởng diệu lạc năm dục
Giống như Trời Đế Thích
Đã cúng dường cha mẹ.
Bài kệ tóm tắt Kinh phần Bản Sự ở trước:
Thiện, tầm, luân, giới học
Vô minh, tuệ đoạn trừ
Khổ, hủy báng báo ân
Không lừa dối cha mẹ.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Mười Ba - Phẩm đà La Ni - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tăng Già Tra - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Bi Phân đà Lợi - Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Bố Thí Thân Mạng
Phật Thuyết Kinh Thái Tử đức Quang - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Hai Mươi Bảy - Phẩm Quán Suy Xét - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Bảy - Phẩm Lục Trọng - Phần Ba