Phật Thuyết Kinh Bảo Vũ - Phần Mười Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH BẢO VŨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đạt Ma Lưu Chi, Đời Đường  

PHẦN MƯỜI HAI  

Này thiện nam! Đó là sự thành tựu về đại bi của Như Lai, có ba mươi hai trường hợp đối với hữu tình mà khởi lòng đại bi, nên biết đó chính là phước điền rộng lớn của đại bồ Tát có oai quang rực rỡ, đầy đủ bất thoái, thường làm lợi ích cho tất cả hữu tình.

Này thiện nam! Tất cả Đức Như Lai và Chư Bồ Tát được tự tại có công đức vô lượng, vô biên vô số, tướng trăm phước này là hơn hết.

Nếu các Đức Như Lai trải qua vô lượng kiếp diễn thuyết như vậy, vô lượng, vô biên tướng các công đức cũng chẳng thể hết. Ta nay lược nói, vì muốn làm cho các hữu tình sinh tâm hỷ lạc. Đó gọi là Bồ Tát giúp đỡ hữu tình, tất cả các pháp đẳng lưu thanh tịnh, hơi thở ra vào mạng sống thiện xảo.

Lại nữa, này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát có thể nắm giữ mây mưa pháp lớn?

Này thiện nam! Ví như phong luân rộng lớn vô biên, biến khắp Thế Giới, vững chắc chẳng động, vào lúc thành, lúc hoại thường nắm giữ mây mưa. Biển và Đại Châu, núi Mục Chân Lân Đà, núi Đại Mục Chân Lân Đà, núi Luân Vi, núi Đại Luân Vi, núi Hương…, sông, rừng và cung điện đều nhờ phong luân ấy mà được duy trì.

Đại Bồ Tát cũng vậy, dùng vô lượng, vô biên các Đà La Ni để làm phong luân, phát khởi tất cả mây Chánh Đẳng Giác. Như vào lúc kiếp thành an lập Thế Giới, núi Tô Mê Lô, núi Luân Vi, núi Đại Luân Vi, núi Hương, núi Tuyết, biển và đại châu, sông, rừng, cung điện.

Lại nữa, Bồ Tát tuôn xuống mây mưa pháp lớn có thể gìn giữ thế gian và xuất thế gian, tướng trăm phước vô lượng pháp uẩn, các địa Ba La Mật Đa, tất cả Tam Ma Địa, các Đà La Ni, sức thần thông tự tại, vô ý…, vô ngại giải, bất cộng, đại bi, để thành tựu quả Bồ Tát và Phật. Đó gọi là Bồ Tát hay nắm giữ mây mưa pháp lớn.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát giỏi an lập các thứ trang nghiêm nơi cung điện tối thắng?

Này thiện nam! Ví như sức gió thổi cùng khắp an trí các thứ trang nghiêm nơi tất cả cung điện, làm cho các mầm cây cỏ sinh trưởng, gốc rễ, cành lá, hoa quả sum suê, lại thường làm cho các hữu tình từng phần khác nhau.

Bồ Tát cũng vậy, dùng trí vô biên, trí không tham đắm, trí vô ngại giải, trí biện tài có thể rõ biết, thị hiện, ban cho hữu tình mọi thứ khác nhau. Như gió ban rãi khắp tất cả thế gian và xuất thế gian các vật dụng đầy đủ.

Nay ta sẽ lược nói: Bồ Tát có thể biết rõ, đây là các pháp có thể sinh vào đường ác và sinh vào đường thiện, làm chủ cho sự sinh.

Đây là các pháp sinh vào địa ngục cho đến bàng sinh. Đây là các pháp sinh vào cõi ma, hoặc sinh lên Cõi Trời, cõi người hoặc sinh lên các Cõi Trời Đế Thích, Phạm Thiên, Hộ Thế. Đây là các pháp sinh đến những nơi sắc tướng đoan nghiêm, người thấy hoan hỷ, thông minh trí tuệ và quyến thuộc tốt đẹp.

Bồ Tát biết rõ một cách hoàn hảo, pháp này đưa đến những nơi tốt đẹp có những loại kỹ năng, những thứ nghề giỏi, tất cả loại hình sắc và các dị luận. Bồ Tát lại có thể chỉ dạy cho người chủng tánh Thanh Văn, pháp Thanh Văn.

Người chủng tánh Bích Chi Phật, pháp Bích Chi Phật thừa. Người chủng tánh Bồ Tát, pháp Bồ Tát thừa. Nay ta sẽ lược nói, do Bồ Tát phát khởi lên những loại công đức thù thắng tự lợi, lợi tha mà được quả vị Phổ Hiền và nhất thiết trí.

Bồ Tát lại biết rõ đây là các địa, đây là Ba La Mật Đa, đây là các Tam Ma Địa, đây là các Đà La Ni, đây là thần thông, đây là các minh, đây là tự tại, đây là giải thoát, đây là các lực, đây là vô úy, đây là vô ngại giải, các pháp bất cộng của Phật.

Thiện Nam! Bồ Tát dùng vô số hoa sen tổng trì hoàn hảo kiến lập những loại trang nghiêm các pháp vô lượng như vậy.

Thiện Nam! Đó gọi là Bồ Tát hay an lập các loại trang nghiêm cho tất cả cung điện đại pháp tối thắng.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát có thể ở nơi chúng hội quyết định diễn thuyết những loại diệu pháp?

Giống như gió thổi các cây kiếp ba lúc nào hoa rơi cũng vừa ý, như mưa rơi xuống?

Thiện Nam! Như gió thổi lay động những cây kiếp ba, hoa vừa ý như mưa rơi xuống và các thứ châu báu trang nghiêm: Y phục, đồ ăn, thức uống mọi thứ đều đầy đủ. Gió thổi nhẹ lay động lần lượt hiện ra phổ biến khắp Trời, Người.

Chúng sinh được những thứ ấy không còn buồn bực, tâm sinh vui mừng, được sự vui vẻ tăng lên, thân tâm an lạc, hân hoan vui chơi, thọ pháp tràn đầy an vui, lúc nào sắc tướng cũng đoan nghiêm, oai lực nhanh chóng, thọ những sự an lạc thù thắng chẳng giảm bớt. Bồ Tát cũng vậy, giống như gió kia. Bồ Tát ở nơi Thế Giới thanh tịnh thỉnh các Đức Phật và Chư Bồ Tát trong chúng hội.

Bồ Tát ấy quyết định diễn thuyết diệu pháp tương ưng, hoa pháp bảo tuôn ra như mưa rơi xuống, đó là Khế Kinh, Ứng Tụng, Ký Biệt, Phúng Tụng, Tự Thuyết, Nhân Duyên, Thí Dụ, Bản Sự, Bản Sinh, Phương Quảng, Hy Pháp Vị Tằng Hữu, Luận Nghị: Diễn thuyết các pháp như vậy hoặc cao hoặc thấp, hoặc thuận hoặc nghịch.

Lại nữa, Bồ Tát thường thị hiện tất cả lời nói của thế tục, đối với cảnh sở duyên thì nói về vô ngã, pháp tánh vắng lặng thanh tịnh. Bồ Tát diễn thuyết giải thích làm cho hữu tình lìa các tướng nhiễm.

Lại nữa, Bồ Tát thường chỉ bày rõ tất cả các pháp môn bình đẳng, làm cho hữu tình nhập vào pháp môn ấy. Lại thị hiện ra các pháp như huyễn không thể nghĩ bàn, để cho trí như huyễn hướng đến, giúp các hữu tình đều tăng trưởng tất cả pháp, được thần thông diệu dụng vui mừng phấn khởi, chỉ có vấn đáp mà có thể biết đầy đủ, lìa bên trong, bên ngoài phát khởi thần thông rộng lớn thiện xảo.

Do họ thường ưa thích giáo pháp thân không mệt mỏi nhàm chán, khẩu và ý nghiệp chẳng bao giờ vi phạm, được oai đức rộng lớn của tất cả hàng Trời, Người, thọ dụng tất cả các pháp đầy đủ thường không giảm sút, thường khởi bát nhã sáng suốt quan sát hướng đến pháp thù thắng tăng thượng. Đó gọi là Bồ Tát hay ở trong chúng hội quyết định diễn thuyết những loại diệu pháp như cây kiếp ba lúc nào cũng rơi hoa vừa ý như mưa rơi xuống.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát ở trong A tăng kỳ kiếp tích tập vô lượng pháp luân thanh tịnh, Tam Ma Địa, tổng trì giải thoát cho chúng hội như nơi biển lớn vây quanh núi Tô Mê Lô, núi Luân Vi, trong đó nếu chúng sinh nào có thể điều phục thành thục thì phát trí phong luân chuyển diệt chỗ không còn gì cả?

Này thiện nam! Ví như lúc kiếp tận, Thế Giới hư hoại, do sức gió vô ngại thổi mạnh phá hoại cả tam thiên đại thiên Thế Giới, trăm ngàn na do tha núi Tô mê lô, núi Luân vi… và biển lớn đều bị phá hoại ly tán, giống như hư không chẳng còn gì cả.

Bồ Tát cũng vậy, trong nhiều kiếp tích tập những loại phước trí để làm hành trang trang nghiêm, có thể ở trong chúng hội phát trí phong luân, dùng thần lực mạnh mẽ thị hiện thần biến phát ra âm thanh lớn nói các pháp uẩn, pháp luân vô ngại làm cho đỉnh núi ngã mạn của tất cả hữu tình đều bị tiêu diệt.

Bồ Tát lại có thể chứng đắc pháp quang minh thù thắng, Tỳ Bà Xá Na, luôn hiện tiền, tư duy như lý, tất cả các hành trong tâm chánh định, Tam Ma Rị Đa, các Tam Ma Địa đều được đầy đủ. Phá hoại ly tán các uẩn, giới, xứ. Thân của tất cả các hành không vững chắc.

Biết rõ tất cả phân biệt đều hư vọng, Bồ Tát liền có thể vượt qua tất cả thế gian không có sắc tướng chẳng thể nghĩ bàn, phước đức xuất thế tăng trưởng viên mãn. Bồ Tát lại có thể hiện ra mọi sắc tướng, biết rõ chuyển được sở y thanh tịnh, trong mọi lúc tận đời vị lai.

Đó gọi là Bồ Tát trong A tăng kỳ kiếp tích tập vô lượng pháp luân thanh tịnh và Tam Ma Địa, tổng trì giải thoát cho chúng hội như biển lớn vây quanh núi Tô mê lô, núi Luân vi. Trong đó, nếu có chúng sinh nào có thể điều phục thành thục thì phát trí phong luân chuyển diệt sở ý không còn gì cả.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì ngang bằng như gió.

Lúc ấy, Bồ Tát Chỉ Cái bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn nói mười pháp môn này mọi thứ đầy đủ rất là hy hữu. Tất cả hữu tình đều được hoan hỷ.

Bạch Thế Tôn! Nếu có hàng Trời, Người đối với pháp này hay khởi lòng tịnh tín quyết định tu hành như lời Thế Tôn dạy, thì đời này và đời sau sẽ được đầy đủ tất cả sự an lạc của Phạm Vương, Đế Thích, luôn làm lợi ích cho người khác chăng?

Phật bảo Bồ Tát Chỉ Cái:  Đúng vậy! Đúng vậy! Ta quán thấy hữu tình ấy sẽ được vượt qua tất cả thế gian, nếu có thể đối với các pháp này mà tu hành, thì dứt hẳn tất cả các pháp bất thiện, thành tựu tất cả pháp thiện thanh tịnh, làm chỗ quy y cho thế gian. Nếu ai phỉ báng, đó gọi là người ngu đọa vào nơi ác chịu các khổ não, bị tất cả thế gian Trời, Người, A Tố Lạc khinh khi.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì ngang bằng với hư không.

Những gì là mười?

1. Lìa được nhơ bẩn.

2. Không còn tham đắm.

3. Thường được vắng lặng.

4. Chứng được bát nhã vô biên.

5. Được trí vô biên.

6. Đối với pháp giới bình đẳng thường tùy thuận tu hành.

7. Được tịnh tín thắng giải tất cả các pháp như hư không.

8. Vô sở trụ.

9. Siêu vượt các hành.

10. Vượt qua sự đo lường.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì ngang bằng với hư không.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì ngang bằng với hư không.

Những gì là mười?

1. Đối với sắc đáng ưa hay không đáng ưa mà không tham, không sân.

2. Đối với âm thanh đáng ưa hay không đáng ưa mà không tham, không sân.

3. Đối với hương đáng ưa hay không đáng ưa mà không tham, không sân.

4. Đối với mùi vị đáng ưa hay không đáng ưa mà không tham, không sân.

5. Đối với sự xúc chạm đáng ưa hay không đáng ưa mà không tham, không sân.

6. Đối với pháp đáng ưa hay không đáng ưa mà không tham, không sân.

7. Đối với thịnh, suy mà không tham, không sân.

8. Đối với khen, chê mà không tham, không sân.

9. Đối với sự ca ngợi, giễu cợt mà không tham, không sân.

10. Đối với khổ, vui mà không tham, không sân.

Này thiện nam! Bồ Tát thành tựu mười pháp này thì ngang bằng với hư không.

Lại nữa, này thiện nam! Bồ Tát nào thành tựu mười pháp sau đây thì ngang bằng với mặt trăng.

Những gì là mười?

1. Hay làm cho tất cả hữu tình thân được vui mừng.

2. Hoan hỷ khi thấy.

3. Tăng trưởng các pháp bạch tịnh.

4. Hay dứt trừ các pháp tối tăm.

5. Làm cho khen ngợi.

6. Thân được thanh tịnh.

7. Được tối Thượng Thừa.

8. Thường được trang nghiêm.

9. Được pháp ưa thích.

10. Được oai thần lớn và oai đức lớn.

Này thiện nam! Thế nào là Bồ Tát hay làm cho tất cả hữu tình thân được vui mừng?

Thiện nam! Như mặt trăng mọc hay làm mát mẻ, tánh đáng ưa thích, làm cho các hữu tình thân được vui mừng. Bồ Tát cũng vậy, xuất hiện ở đời hay trừ tất cả nóng bức cho hữu tình, tánh đáng ưa thích, khiến cho các hữu tình thân được vui mừng.

Thế nào là Bồ Tát làm cho hoan hỷ khi thấy?

Này thiện nam! Như mặt trăng mọc, màu sắc ánh sáng tươi khiết, làm cho các hữu tình thấy được hoan hỷ vui mừng. Bồ Tát cũng vậy, xuất hiện làm cho các căn vắng lặng đầy đủ oai nghi công đức thanh tịnh, làm cho tất cả hữu tình thấy được hoan hỷ vui mừng.

Thế nào là Bồ Tát tăng trưởng các pháp bạch tịnh?

Này thiện nam! Ví như tháng có trăng, mỗi ngày trăng sáng dần cho đến tròn đầy, các loại màu sắc, ánh sáng đều được đầy đủ. Bồ Tát cũng vậy, khi mới phát tâm cho đến ngồi nơi Đạo Tràng Bồ Đề, các pháp bạch tịnh dần dần tăng trưởng cho đến viên mãn nhất thiết chủng trí.

Thế nào là Bồ Tát hay dứt trừ các pháp tối tăm?

Này thiện nam! Ví như tháng không có trăng, tất cả màu sắc ánh sáng mỗi ngày giảm bớt cho đến ngày thứ mười lăm, các sắc tướng của ánh sáng đều không thể thấy. Bồ Tát cũng vậy, chứng được trí xuất thế, các pháp bất thiện dần dần diệt trừ cho đến ngồi nơi Đạo Tràng Bồ Đề tất cả không còn.

Thế nào là Bồ Tát hay làm cho mọi người khen ngợi?

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần