Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Ba Mươi Tám - Phẩm Thiên Tử Cõi Trời Tịnh Cư Hỏi Pháp - Phần Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM BA MƯƠI TÁM

PHẨM THIÊN TỬ CÕI TRỜI

 TỊNH CƯ HỎI PHÁP  

PHẦN BỐN  

Thiên Tử nên biết! Đại Bồ Tát tu tập pháp định ý nhất tâm sẽ luôn nhớ nghĩ nhận biết về các pháp được diệt có mười sự việc, từ đấy sẽ thông tỏ về mọi nẻo hành hóa trong ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai như Phật không khác.

Những gì là mười pháp?

Thứ nhất là quán sắc màu hình tượng gốc là không thực có, cũng không nhiễm chấp dấy pháp tưởng về hình sắc, Đại Bồ Tát với nẻo hành hóa như Phật không khác. Bấy giờ Bồ Tát tu tập pháp tướng hảo Ba La Mật, đối với mỗi mỗi tướng đều hành hóa như Phật không khác.

Bồ Tát với thần trí biến hóa khắp mọi chốn cõi, thuận hợp trong việc giáo hóa chúng sinh, theo duyên đến hóa độ, như nẻo hành hóa của Phật không khác.

Bấy giờ Bồ Tát hóa làm vô lượng thân tướng với sắc tượng bậc nhất, dùng tám thứ âm thanh để khuyến khích dẫn dắt chúng sinh, đúng theo nẻo hành hóa của Phật không khác. Vị Bồ Tát ấy lại làm thanh tịnh Quốc Độ Phật, quan sát về mọi hướng tâm niệm của chúng sinh, mọi uy nghi phép tắc đều không làm mất giới luật đúng như con đường hành hóa của Phật không khác.

Lúc này Bồ Tát lại nhập pháp tam muội định ý chánh thọ, có thể nhớ lại nhận rõ về các âm hưởng của chúng sinh, sự ghi nhớ ấy thật bền chắc không hề bị quên, cũng như nẻo hành hóa của Phật không khác.

Bồ Tát lại thực hiện mười thứ ánh sáng giác ngộ vô hạn lượng chẳng thể cùng tận, cũng khiến cho chúng sinh tu tập theo gốc pháp ấy, tùy thời thích hợp mà chuyển pháp luân vô thượng đúng theo con đường hành hóa của Phật không khác.

Bồ Tát ấy đạt được bốn pháp vô úy, ở nơi giữa đại chúng tạo nên tiếng sư tử rống, không làm gián đoạn sự nối tiếp của chánh pháp Như Lai cùng các hàng Thánh Hiền, lại đem pháp ấy giáo hóa chúng sinh thảy đều thành tựu đạo quả vô thượng bồ đề đạt nhất thiết trí dứt mọi chướng ngại đúng như Phật đã hành hóa không khác.

Bồ Tát ấy miệng diễn giảng giáo pháp phổ cập đến mọi nơi chốn, đối tượng, thân hội nhập vào nẻo hành ba đời, dứt sạch mọi lậu để thành các hành vô lậu, đạt đủ thần thông trí tuệ nên có thể hóa độ hết thảy đúng như nẻo hành hóa của Phật.

Vị Bồ Tát ấy lại đạt được đầy đủ mười lực Vô úy của Phật, thấy Quốc Độ Phật cùng chúng sinh đều thanh tịnh như Phật đã hành hóa không khác.

Này vị Thiên Tử! Đại Bồ Tát như vậy là đã thực hiện mười sự việc ấy, nên có thể tiến tới thành tựu đạo quả Phật Đà không còn khó khăn nữa.

Vì sao?

Vì hết thảy các pháp vốn là không chỗ có, cũng không có lúc tới lúc đi. Các pháp là vô tướng, mà tướng cũng là không thực có. Các pháp là vô thanh, mà thanh vốn là vô hình. Bản tánh là tự không.

Vì sao?

Vì thanh từ nơi không phát ra rồi lại quy về nơi không, chỉ do chúng sinh bị cấu nhiễm nên theo đấy mà dấy khởi nhận thức tưởng chấp.

Thiên Tử nên biết! Ta xưa cầu đạo, trải qua vô số kiếp luôn phân biệt nhận rõ gốc ngọn, vẫn chưa có thể thấu đạt trọn vẹn một pháp định ý.

Một pháp ấy là gì?

Đó là pháp Vô niệm. Bồ Tát đạt được pháp định ý vô niệm ấy thì sẽ xem hết thảy các pháp thảy đều là vô hình.

Này vị Thiên Tử! Ta nay thành Phật là do đã dốc lòng thực hiện hành ấy mà thành tựu được đạo quả vô thượng bồ đề.

Bấy giờ vị Thiên Tử cõi Tịnh Cư thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như nay con được nghe về nẻo hành hóa của Bồ Tát. Các pháp là vô lượng khó có thể đạt đến cứu cánh, chúng sinh với từng ấy các căn không đồng.

Vậy làm sao muốn thành tựu được đạo quả Vô Thượng, Chánh Giác?

Lại nghe Phật dạy là đúng như nẻo hành hóa của Phật không khác. Nay con xin hỏi Như Lai, thế nào gọi là đúng như nẻo hành hóa của Phật không khác. Kính mong Thế Tôn mỗi mỗi phân biệt rõ.

Vị Thiên Tử lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nẻo hành của Bồ Tát các pháp đều khác, nẻo hướng của ý chí cùng dấu vết hành hóa không đồng, làm sao Thế Tôn cho rằng, nẻo hành hóa của Bồ Tát là như Phật không khác?

Như thế thì sao không gọi là Phật?

Vì sao mười lực chưa đủ để hàng phục các thứ ma?

Vì sao không được gọi là bậc đạt nhất thiết trí?

Vì sao không gọi là bậc đã giác ngộ thông tỏ hết thảy các pháp?

Vì sao không mang tên là bậc đã quán khắp các hành của hàng Bồ Tát?

Vì sao không tọa nơi Đạo Tràng của Phật để tuyên giảng diệu pháp luân khởi?

Vì sao không gọi là bậc Tối Chánh Giác?

Vì sao không thông tỏ nẻo hành hóa chánh pháp của Chư Phật trong ba đời?

Vì sao không trụ thế trong một kiếp để nêu bày rõ về trí tuệ?

Vì sao không nương tựa vào các pháp để tu tập pháp định ý chánh thọ?

Vì sao không nhận rõ pháp giới để phát huy trí tuệ vô lượng dạy dỗ hàng Bồ Tát lấy đó làm quyến thuộc?

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo vị Thiên Tử Cõi Trời Tịnh Cư: Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc Tánh Tử! Những chỗ ông nêu hỏi như thế là quá nhiều rồi đấy! Ta nay sẽ vì ông mà nêu bày rõ, ông hãy cố gắng lãnh hội và khéo suy nghĩ ghi nhớ!

Thiên Tử nay hỏi về nẻo hành hóa của Bồ Tát cùng Phật có khác chăng. Như hết thảy hàng thiện nam, thiện nữ đã giác ngộ thông tỏ các pháp là vô hình không thể nhìn thấy. Bồ Tát với thệ nguyện rộng lớn phổ cập đến tất cả các loài hữu hình trong ba đời quá khứ, hiện tại và vị lai, lần lượt sẽ thành tựu đạo quả, chưa đạt được trí tuệ quán không thanh tịnh.

Ví như sẽ đạt được trí tuệ ấy thì gọi là Bậc Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Bồ Tát dựa vào trí tuệ để hóa độ chúng sinh, tự đạt được cùng nhận được sự trao truyền của Đức Phật kia, thì gọi là hàng Bồ Tát đã dứt sạch ba độc và không còn dấy khởi mười nẻo ác, hội nhập tận cùng cảnh giới của Như Lai. Đó được gọi là mười Lực.

Đã vượt khỏi hàng phàm phu, đứng vững theo nẻo hành của Bồ Tát, tâm không hề lay động đối với đạo Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thì đó được gọi là Bồ Tát.

Như lại có các hàng thiện nam, thiện nữ phân biệt nhận rõ pháp giới trong tính chất cùng tương quan thọ nhận hội nhập, thì đó gọi là nhất thiết trí. Cũng như các pháp gốc là không tướng mạo, do sự lầm chấp của chúng sinh mà đều có được danh hiệu.

Đối với các pháp ấy, những gì có đạt được thì biết cách để đạt, những gì có thể rời bỏ thì cũng biết cách để rời bỏ, luôn không lìa gốc thiện để tu tập nẽo Bồ Tát. Đó gọi tên là Bồ Tát.

Hoặc như Bồ Tát phân biệt nhận rõ các pháp là không một không hai, tự nhiên làm phát sinh các pháp Ba La Mật, lại tự giác ngộ thông tỏ, cũng lại khiến cho mọi người cùng giác ngộ mọi pháp tướng thì đấy được gọi tên là Phật.

Hay như vị Bồ Tát ấy không thấy chốn sinh của các pháp là hai, ba, khéo quan sát không hề quên, tuy duy thông đạt, pháp từ đâu sinh do đâu diệt, ai là người đã chuyển pháp luân, đã khai thị Chánh Pháp, có thể thông hiểu được hết thảy các pháp ấy, đó gọi là Bồ Tát.

Hoặc như Bồ Tát dùng tuệ nhãn để xem khắp Cõi Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới với muôn loài chúng sinh có hay không có tâm ái dục, có hay không có tâm ngu si, có hay không có tâm giận dữ, lại có thể tư duy để đoạn trừ hết thảy mọi cội rễ ấy, vì thế nên gọi là tuệ nhãn.

Lại nữa, về Bồ Tát đạt được tuệ nhãn, du hóa tự tại nên lui tới đi đến khắp mọi cảnh giới của Chư Phật, thông tỏ tận cùng mọi tâm, tâm niệm của chúng sinh thuận hóa độ hay chưa thể hóa độ, nhân đấy liền có thể đi vào, tùy theo loại mà giáo hóa. Đó gọi là Bồ Tát.

Hay như Bồ Tát dùng mọi ánh sáng giác ngộ tỏa chiếu khắp mọi cảnh giới, để nêu bày rõ trí tuệ vô lượng ấy, nhớ đến các nẻo thâm diệu xâu xa của Chư Phật Thế Tôn. Đó gọi là Bồ Tát.

Hoặc như Bồ Tát dùng ánh sáng trí tuệ nên có thể chiếu tỏa khắp cảnh giới hư không, thần trí của Như Lai như hiện ra nơi hiện tại, đối với mọi cửa tội lỗi làm cho bế tắc thì đều khai thông dẫn về nẻo Nê Hoàn tịch tĩnh, lại không tham vướng, mười tám pháp gốc luôn được giữ vững, không còn bị một thứ phiền não nào trói buộc nữa. Đó gọi là Bồ Tát.

Hay như Bồ Tát nương uy nghi của Phật để nhận rõ và tu tập phân biệt về con đường độc nhất riêng biệt mà Như Lai đã đi, không ai có thể sánh cùng. Về danh sắc, sáu nhập, cánh lạc, thọ, hữu, sinh tử. Về cội rễ ngọn nguồn của chúng sinh ba đời, mỗi mỗi thảy đều thông tỏ đó là không ai có thể cùng sánh được.

Hay như Bồ Tát nối tiếp cùng phát huy con đường hoằng hóa của Như Lai, khiến cho Phật chủng không bị dứt tuyệt, nên luôn dốc thực hiện mọi Phật Sự, đối với mọi nẻo sinh diệt đều không còn nhận thức theo nẻo có, không gì gốc các pháp là không, là hư tịch, nên thể hiện đầy đủ bốn tâm vô lượng.

Lại cũng phân biệt nhận rõ gốc không nay có, hoặc gốc có nay không, từ đấy lãnh hội thông tỏ thảy đều là không, không dấy từng ấy tưởng niệm vướng chấp. Đó gọi là Phật.

Hoặc như Bồ Tát đạt được trí tuệ thần thông quan sát chúng sinh với kiếp có gần có xa, kiếp gần không lấy đó làm mừng, kiếp xa không lấy đó làm lo, đối với kiếp thành kiếp hoại cũng đều như vậy, luôn thu giữ ý, giữ vững tâm, không hề bị vọng loạn. Đó gọi là Bồ Tát.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử Cõi Trời Tịnh Cư: Như các hàng thiện nam, thiện nữ hành đạo Bồ Tát, lại nên tư duy về hết thảy các pháp, từ lúc mới bắt đầu phát tâm cho đến khi thành tựu đạo quả tối thượng, không hề chấp ở sự phân biệt ta tôi, ta người, thọ mạng.

Nẻo hành hóa ấy tự nhiên dứt trừ sạch mọi thứ phiền não bụi bặm cấu uế, đó mới được gọi là tu tập đạo Bồ Tát. Lại có Bồ Tát phát tâm dốc cầu đạo, vì tất cả chúng sinh mà gánh vác mọi nỗi khổ hạnh, lại cũng không thấy có người đạt đạo.

Lại cũng có thể hóa độ vô lượng A tăng kỳ chúng sinh, có người được thọ chứng hay không được thọ chứng, trong ấy đều được thọ quyết là đã dứt hết mọi tham đắm cấu nhiễm. Đó được gọi là tu tập con đường Bồ Tát.

Lại nữa, này vị Thiên Tử! Như các hàng thiện nam, thiện nữ đã phân biệt nhận rõ về ba không hàm chứa vô lượng các pháp thâm diệu để nhận biết như thật về chúng.

Thế nào gọi là ba pháp không?

1. Quán hữu, nhận biết có.

2. Quán hữu, nhận biết là không.

3. Quán không, nhận biết là không.

Đó gọi là ba pháp không, là nẻo hành hóa của Bồ Tát.

Lại nữa, này vị Thiên Tử! Lại có ba pháp không.

Những gì là ba pháp?

1. Không tận cùng.

2. Không vô tận cùng.

3. Không chẳng phải tận cùng chẳng phải không tận cùng.

Đó gọi là ba pháp không, là nẻo hành hóa của Bồ Tát.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Lại có ba pháp không.

1. Không sinh.

2. Không vô sinh.

3. Không chẳng phải sinh chẳng phải vô sinh.

Đó gọi là ba không, là nẻo hành hóa của Bồ Tát.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Lại có ba pháp không.

Những gì là ba pháp không?

1. Không trụ.

2. Không vô trụ.

3. Không chẳng phải trụ chẳng phải không trụ.

Bấy giờ, vị Thiên Tử Cõi Trời Tịnh thiên thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Các pháp về quá khứ, hiện tại và vị lai, đối với tất cả chúng sinh thảy đều bị sinh diệt, gắn bó hay đoạn lìa, có thể lãnh hội được ba pháp không ấy chăng?

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Ta nay sẽ vì ông mà nêu giảng rõ. Ông hãy khéo suy nghĩ ghi nhớ!

Thế nào là không trụ?

Gọi là không trụ, đó là sự vô vi tịch tĩnh.

Thiên Tử nên biết rằng, thế nào là không vô trụ?

Đó là thân tướng của ông và ta vậy.

Thế nào là không chẳng phải trụ chẳng phải Vô trụ?

Đó là tất cả các pháp hữu hình trong ba đời.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Như các hàng thiện nam, thiện nữ thông tỏ về ba pháp không ấy, thì liền có thể thông hiểu tận cùng tất cả các pháp, đối với thân gồm năm ấm duyên hợp cũng lại như vậy. Đó gọi là con đường Bồ Tát tu tập.

Đức Phật bảo vị Thiên Tử: Các pháp là không hợp không tan, chẳng thấy thanh tịnh cũng chẳng thấy bất tịnh, cũng chẳng tự dấy suy niệm: Nếu ta thành Phật thì sẽ sinh nơi xứ ấy, Quốc Độ ấy với những quận huyện, cha mẹ, bà con tộc họ, danh tánh…

Lại cũng không dấy niệm: Sinh trong kiếp ấy với thọ mạng ngắn dài…

Lại chẳng tự suy niệm: Thân tướng có màu sắc vàng ròng, an tọa nơi gốc cây Bồ Đề sẽ thành Bậc Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, thành tựu đạo giác ngộ! Đó gọi là con đường Bồ Tát tu tập đã có thể đạt được đầy đủ, đạt pháp không thoái chuyển, hành theo tâm vô sinh, gốc đã không một tướng huống là có hai tướng.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần