Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Mười Tám - Phẩm đạt đến Vô Lượng - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH
BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MƯỜI TÁM
PHẨM ĐẠT ĐẾN VÔ LƯỢNG
PHẦN HAI
Bấy giờ thì các thứ báu hữu tình hữu hình biết được chỗ nghĩ nhớ của nhà Vua liền đến, hay là hữu tình, vô tình đều cùng đến cả?
Đức Phật nói: Trường hợp ấy tuy hữu tình đã liền đến theo ý nghĩ nhớ của nhà Vua, nhưng chẳng phải họ đã biết ý của Vua mà đến.
Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Thế thì các thứ báu hữu tình hữu hình ấy có khác gì với xe báu, châu ngọc báu?
Đức Phật nói: Này vị Tộc Tánh Tử! Ý ông nghĩ sao?
Xe báu, châu ngọc báu cũng do sự nhớ nghĩ mà đến.
Nhưng hai thứ đó có âm vang của lời chỉ dạy chăng?
Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Không có lời chỉ dạy.
Đức Phật nói: Này vị Tộc Tánh Tử! Như thế thì chỉ đám báu hữu tình hữu hình do ý nghĩ nên liền đến, không cần phải chọn lấy ngôn giáo sao?
Bồ Tát Tịnh thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn! Như bậc Chuyển Luân Thánh Vương tâm niệm liền đến, vậy muốn sai khiến xe báu, châu ngọc báu thì có dùng đến ngôn giáo được chăng?
Đức Phật nói: Được.
Vì sao?
Vì bậc Chuyển Luân Thánh Vương uy lực đầy đủ, có sẵn trong ngôn giáo.
Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Bậc Chuyển Luân Thánh Vương chẳng phải là hàng hoàn toàn thông đạt, cảm ứng, làm sao khiến những loài vô tình qua các ngôn giáo?
Đức Phật nói: Bậc Chuyển Luân Thánh Vương có được sự thông đạt về thế tục, có thể sai khiến các vật ở đời thích ứng theo chỗ nhớ nghĩ của mình.
Chỉ chưa có thể khiến các vật hữu tình trở nên vô tình.
Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là khiến cho các vật có hữu tình trở nên vô tình?
Đức Phật nói: Này vị Tộc Tánh Tử! Nay sẽ vì Bồ Tát mà mỗi mỗi phân biệt về các vật hữu tình khiến thành vô tình, các vật vô tình khiến thành hữu tình. Bồ Tát hãy khéo suy nghĩ và ghi nhớ, ta sẽ vì Bồ Tát mà nêu bày. Như Chuyển Luân Thánh Vương quan sát về chúng sinh hữu tình hữu hình, do yêu mến, ham thích đối tượng ấy nên chưa thể xa lìa được, muốn khiến chúng vĩnh viễn tồn tại, chung cuộc không hề biến đổi.
Tự nghĩ rằng: Bản thân mình đang ở ngôi vị Thánh Vương, chỉ muốn trông thấy phước đức chứ không thấy sự hao mòn hủy diệt. Đó gọi là các vật vô hình muốn sai khiến hữu tình.
Còn như các hàng thiện nam, thiện nữ đã thành tựu được nẻo đạo, luôn tự tư duy: Ta nay do đã lìa bỏ nên không trở lại nẻo ái dục ham thích, chỉ muốn trừ diệt hình tướng ấy, không cho chúng cấu nhiễm nơi thức mình. Đó gọi là hữu hình nhằm hủy diệt nơi tình.
Đức Phật nói tiếp: Này vị Tộc Tánh Tử! Như bốn pháp giới, một pháp giới tăng thì các cõi khác hao tổn, các cõi đều tăng thì một cõi bị hao tổn. Đó là do hữu hình mà tăng chứ không do vô tình mà tăng.
Bồ Tát Tịnh lại thưa với Đức Phật: Kính bạch Thế Tôn!
Như Đức Thế Tôn nói: Ta nay sẽ nói về hữu tình đến vô tình, từ vô tình đến hữu tình.
Nay Đức Như Lai chỉ nói hữu tình đến vô tình, chưa được nghe Đức Như Lai nói tới vô tình đến hữu tình?
Đức Phật nói: Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc Tánh Tử! Những điều mà Bồ Tát nêu hỏi hiện nay đều thuộc lãnh vực uy thần của Phật. Ta nay sẽ hỏi lại Bồ Tát, Bồ Tát sẽ mỗi mỗi trả lời đầy đủ.
Này vị Tộc Tánh Tử! Ý ông nghĩ sao?
Nếu có các hàng thiện nam, thiện nữ, bắt đầu nơi cõi học đã thành tựu được pháp tu học bảy thứ quán vô lậu.
Vậy vào lúc này lại còn có tâm phàm phu với các nẻo quá khứ, hiện tại, vị lai chăng?
Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Không còn có.
Đức Phật nói: Đúng vậy! Đúng vậy! Này vị Tộc Tánh Tử! Đó gọi là vô tình nơi hữu tình.
Đức Phật lại hỏi Bồ Tát Tịnh rằng: Này vị Tộc Tánh Tử! Như hiện nay các bậc Vô học tu tập chín con đường thanh tịnh, thế thì lúc này còn có bảy pháp quán vô lậu chăng?
Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Không còn.
Đức Phật lại nói: Này vị Tộc Tánh Tử! Bồ Tát không thoái chuyển đạt quán hư không, tu tập mười sáu hành của Bậc Giác Ngộ.
Vậy lúc này có còn bậc Vô học tu tập chín đường thanh tịnh chăng?
Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Chẳng còn.
Đức Phật nói: Đúng như vậy! Này vị Tộc Tánh Tử! Đó gọi là vô tình đối với hữu tình.
Đức Phật lại hỏi: Này vị Tộc Tánh Tử! Thế nào?
Như hiện nay hàng Bồ Tát tám trụ có được hình tướng của Phật Đạt đủ ba mươi hai Thánh Đế, vậy lúc này còn có bậc tu chín con đường thanh tịnh chăng?
Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Không còn.
Đức Phật nói: Đúng như vậy, này vị Tộc Tánh Tử! Đó gọi là vô tình nơi hữu tình.
Đức Phật lại hỏi Bồ Tát Tịnh: Này vị Tộc Tánh Tử! Bồ Tát đã đạt địa thứ chín, vậy thì lúc này còn có ba mươi hai Thánh Đế chăng?
Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Không còn.
Đức Phật nói: Đúng như vậy! Này vị Tộc Tánh Tử! Đó gọi là vô tình nơi hữu tình.
Đức Phật lại hỏi Bồ Tát Tịnh: Này vị Tộc Tánh Tử! Như hiện nay Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, sau rốt đã hàng phục mười bốn thứ phiền não cấu nhiễm, vậy thì lúc này có ba pháp Thiền hành chăng?
Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Không còn.
Đức Phật nói: Đúng như vậy! Này vị Tộc Tánh Tử! Đó gọi là vô tình nơi hữu tình.
Đức Phật bảo Bồ Tát Tịnh: Nay ta đã vì Bồ Tát mà nêu giảng về hữu tình nơi vô tình và vô tình nơi hữu tình. thiện nam, thiện nữ như thế là liền có thể gồm đủ đạo giáo của Như Lai, đạt được quả vị Bồ Tát, đi tới Đạo Tràng, cũng như ánh trăng sáng ngời trong đám tinh tú, tỏa rạng đến hết thảy mọi nơi, không gì là không được soi tỏ.
Đại Bồ Tát có đủ được các pháp hữu tình nơi vô tình, vô tình nơi hữu tình thì sẽ đạt đầy đủ các hạnh Thánh của Như Lai, thân ánh màu vàng ròng, các đức lồng lộng, chẳng khác gì ngọn núi cao chứa đầy vàng tinh ròng, mọi trí tuệ tự tại.
Bấy giờ Bồ Tát Tịnh thưa với Đức Phật:
Kính bạch Thế Tôn! Như hôm nay Đức Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác có thể thể hiện các pháp hữu tình nơi vô tình, vô tình nơi hữu tình chăng?
Lúc này Đức Thế Tôn nghe Bồ Tát Tịnh nêu hỏi về diệu nghĩa ấy, liền từ nơi các chi thể trên thân tướng phóng ra ánh hào quang tỏa sáng.
Chiếu khắp vô lượng Quốc Độ của Chư Phật, rồi ánh hào quang ấy được thu giữ trở lại nơi thân tướng màu vàng ròng, bèn bảo Bồ Tát Tịnh rằng: Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc Tánh Tử! Nay Bồ Tát đã đem các pháp vô tướng để hỏi Như Lai về diệu nghĩa ấy.
Như Lai Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác do đã vượt qua địa thứ chín, vượt qua pháp hữu tình nơi vô tình, đạt đến đạo quả Phật đà nơi Đạo Tràng, đó gọi là vô tình nơi hữu tình.
Vì sao?
Vì đều do chúng sinh dấy tưởng chấp.
Bồ Tát Tịnh thưa với Đức Phật: Như Thế Tôn vừa nói, do chúng sinh dấy tưởng chấp nên có pháp vô tình nơi hữu tình.
Như Lai hôm nay chưa lìa bỏ chăng?
Đức Phật nói: Đã lìa bỏ. Tuy ở đấy nhưng không bị cấu nhiễm.
Bồ Tát Tịnh lại hỏi: Kính bạch Thế Tôn! Như Lai vốn đã khác tình nên mới khiến vô tình nơi hữu tình.
Vậy chỉ riêng có vô tình nơi hữu tình chăng?
Đức Phật nói: Này vị Tộc Tánh Tử! Như Lai lại không phải là khác tình, lại chỉ có vô tình nơi hữu tình, do là chỉ nêu bày diệu nghĩa bậc nhất nên mới nói tới vô tình nơi hữu tình.
Bồ Tát Tịnh lại hỏi: Thế nào là ở nơi vô tình?
Thế nào là ở nơi hữu tình?
Đức Phật nói: Này vị Tộc Tánh Tử! Ta không có tâm của hàng A La Hán, Bích Chi Phật, nhưng có bốn tâm vô lượng là từ, bi, hỷ, hộ xả.
Đó gọi là vô tình nơi hữu tình.
Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Như Lai hôm nay nêu bày về vô tình nơi hữu tình, vẫn còn có vô tình nơi vô tình chăng?
Đức Phật nói: Có chứ!
Bồ Tát Tịnh hỏi: Kính bạch Thế Tôn! Thế nào là có?
Đức Phật nói: Ta nay tâm đã tịch diệt, hòa nhập với pháp vô vi. Đó gọi là vô tình nơi vô tình.
Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Vô vi cũng như hữu tình, vô tình cũng như hữu tình, thảy đều là giả danh cả.
Sao Thế Tôn lại nói: Ta nay tâm đã tịch diệt, hòa nhập với pháp vô vi?
Đức Phật nói: Này vị Tộc Tánh Tử! Đúng vậy! Đúng vậy! Như Bồ Tát vừa nêu, tất cả các pháp đều là giả hiệu. Đó cũng là ý nghĩa hữu tình nơi vô tình, vô tình nơi hữu tình.
Bồ Tát Tịnh lại thưa với Đức Phật: Như Thế Tôn vừa dạy, các pháp là vọng động, các pháp không an định, các pháp là vô thường.
Thế thì làm sao ở trong các pháp giả hiệu ấy lại nêu được và vô tình nơi hữu tình, hữu tình nơi vô tình?
Đức Phật nói: Này vị Tộc Tánh Tử! Ta nay sẽ dùng diệu nghĩa bậc nhất để hỏi Bồ Tát, Bồ Tát sẽ lần lượt trả lời những điều ta hỏi.
Bồ Tát hiện nay là hữu tình chăng, là vô tình chăng?
Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Hữu tình.
Đức Phật nói: Thế thì tình của Bồ Tát đứng ở nơi nào?
Thưa: Đứng ở nơi vô tình.
Đức Phật nói: Bồ Tát nay là hữu tình, làm sao lại đứng nơi vô tình?
Thưa: Lìa hữu tướng tới vô, nên đứng ở nơi vô tình.
Đức Phật nói: Vô tình đã là vô vi, vậy đứng ở chỗ nào?
Thưa: Đứng ở nơi không có chỗ đứng.
Đức Phật nói: Bồ Tát nay dùng các pháp gì để đứng nơi không có chỗ đứng?
Thưa: Con nay chẳng thấy có hữu tình, chẳng thấy có vô tình, nên đã đứng ở chỗ không có chỗ đứng.
Đức Phật nói: Này vị Tộc Tánh Tử! Bồ Tát đã cho rằng tất cả các pháp đều là giả hiệu, làm sao ở trong pháp giả hiệu ấy lại nói hữu tình nơi vô tình, vô tình nơi hữu tình?
Như đã nói: Các pháp là vọng động, các pháp là không an định, các pháp là vô thường, thì sao Bồ Tát lại nói: Cũng chẳng hữu tình cũng chẳng vô tình nên mới đứng nơi không có chỗ đứng.
Lúc này Bồ Tát Tịnh im lặng không đáp.
Đức Phật nói: Này vị Tộc Tánh Tử! Bồ Tát đang nghĩ đến ý nghĩa gì mà đã im lặng không trả lời?
Bồ Tát Tịnh thưa: Kính bạch Thế Tôn! Con đang quán về diệu nghĩa bậc nhất, trong ấy dứt hết mọi ngôn từ thuyết giảng nên đã im lặng vậy.
Đức Phật nói: Đúng vậy! Đúng vậy! Này vị Tộc Tánh Tử! Tất cả các pháp thảy đều là giả hiệu, ở trong các pháp giả hiệu ấy là chẳng phải chân, chẳng phải có.
Do tâm bị cấu nhiễm nên chúng sinh không thấu đạt được, mỗi người đều tự nêu bày: Đây là Nê Hoàn, đây là sinh tử. Đứng ở diệu nghĩa bậc nhất với pháp quán thanh tịnh thì cũng không Nê Hoàn, cũng không sinh tử.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Hai Mươi Ba - Phẩm Khen Ngợi Về Thừa
Phật Thuyết Kinh Phật Bản Hạnh Tập - Phẩm Hai Mươi Năm - Phẩm Sứ Giả Của Nhà Vua đi Tìm Thái Tử
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sa Môn Sa Môn Pháp
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Nhập Như Lai Trí đức Bất Tư Nghì
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Hai Mươi Chín - Phẩm Khổ Lạc
Phật Thuyết Kinh đại Phương Quảng Tổng Trì Bảo Quang Minh - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Ba - Kinh Phật Tự Thuyết - Chương Bảy - Phẩm Nhỏ
Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Hai Mươi - Phẩm Hiện đại Thần Biến - Tập Bốn