Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Năm - Phẩm Nói Về Các Pháp Môn Anh Lạc - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT KINH

BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM NĂM

PHẨM NÓI VỀ

CÁC PHÁP MÔN ANH LẠC  

PHẦN HAI  

Lúc này có năm trăm vị Tỳ Kheo được nghe nói về pháp hư không vô tận ấy, liền rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy, thu dọn y bát, bỏ đạo mà đi.

Vì sao?

Vì các vị Tỳ Kheo ấy ở nơi không cầu mong lấy cái không, muốn báo oán đối với hư không, tâm vướng chấp nên tham đắm cho rằng hư không là có hư không. Vì vậy mà về thời tương lai, hằng sa Chư Phật phải tạo trước sự ổn định vững chắc rồi mới thuyết pháp. Các vị Tỳ Kheo ấy đối với hư không đã bị nhiễm chấp nên chung cuộc chẳng được giải thoát.

Bấy giờ nơi tòa ngồi dành cho hàng phàm phu có được lòng tin vững vàng, những người có học, không học tỏ ra xôn xao vì chưa có thể dứt sạch hết khổ, đạt đến cảnh giới vô vi giải thoát.

Lúc này Tôn Giả Xá Lợi Phất thừa uy thần của Phật nói với bốn bộ chúng: Này các vị! Các vị đã lãnh hội thấu đáo pháp thâm diệu ấy chăng?

Hội chúng đồng thanh đáp: Đúng vậy! Thưa Hiền Giả Xá Lợi Phất! Chúng tôi đã vĩnh viễn đoạn trừ các thứ phiền não cấu nhiễm, mọi nẻo tạo tác của ba nghiệp đã dứt.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Làm sao để dứt trừ hết mọi thứ phiền não?

Đáp: Các trí không lẫn lộn, chẳng phải tạo, chẳng phải không tạo, vì vậy mà dứt tận mọi phiền não.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Lành thay! Lành thay! Này các vị Tộc Tánh Tử! Các loại phiền não ấy là gốc của chúng sinh, ở trong chúng sinh mà thành tựu đạo quả vô thượng, ở nơi phước điền của Đức Như Lai mà làm thanh tịnh nhất thiết trí.

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói tiếp: Tịnh cũng là không tịnh. Làm sao ở nơi phước điền có thể làm thanh tịnh nhất thiết trí?

Đáp: Chưa đạt được đạo quả thì đối với nhất thiết trí chưa có thể làm thanh tịnh được nẻo trí tuệ ấy.

Lại hỏi: Thưa Hiền Giả Xá Lợi Phất! Bồ Tát muốn làm thanh tịnh nhất thiết trí thì gồm có bao nhiêu phẩm?

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Bồ Tát làm thanh tịnh nhất thiết trí không thể dùng các pháp của thế gian để nắm bắt được.

Lại hỏi: Thế nào gọi là không thể dùng các pháp thế gian để nắm bắt?

Tôn Giả Xá Lợi Phất nói: Đối với các pháp không tham chấp vướng mắc, không mang nhận thức điên đảo.

Lại hỏi: Làm sao để thành tựu được các pháp Anh Lạc của Bồ Tát?

Đáp: Không thể mất Phật Đạo cho đến khi thành tựu trọn vẹn, như thế là không hề mất pháp Anh Lạc của Bồ Tát. Đó gọi là các vị Tộc Tánh Tử ấy đã thực hiện từ gốc nên không làm mất sở nguyện tốt đẹp của mình.

Lại hỏi: Thưa Hiền Giả Xá Lợi Phất, các vị Đại Bồ Tát làm thế nào dựa vào thiện tri thức để thành tựu được các hạnh Anh Lạc của Bồ Tát?

Đáp: Đối với tất cả chúng sinh không hề tiếc thân mạng mình. Đó gọi là Đại Bồ Tát thiện tri thức.

Lại hỏi: Dùng những trí tuệ gì để thành tựu được các hạnh Anh Lạc?

Đáp: Không làm dứt mất Phật chủng, lại không tạo ra cái mới khác.

Lại hỏi: Đối với Chư Như Lai, làm sao để phục vụ, cúng dường, làm trang nghiêm Cõi Phật?

Đáp: Không lấy số lượng các pháp làm kỳ hạn. Đó gọi là làm trang nghiêm Cõi Phật.

Lại hỏi: Đối với nơi chốn của Như Lai, Hiền Thánh, làm thế nào để im lặng, an nhiên không dấy các tưởng?

Đáp: Thà mất thân mạng chứ không thể thiếu giới luật.

Lại hỏi: Làm thế nào để nhận rõ tám trăm pháp môn căn bản?

Đáp: Luôn liên tục giữ tâm không để mất, ý luôn giữ lấy việc ra vào cùng dứt vọng niệm.

Lại hỏi: Làm thế nào để có đầy đủ sáu pháp kiên cố?

Đáp: Không cho thân tướng là thật, không xem thọ mạng là thật.

Thân mạng thật sự là luôn biến đổi.

Lại hỏi: Làm thế nào để có được đầy đủ kho tàng vô tận?

Đáp: Đã đạt được các pháp Anh Lạc vô ngại của Bồ Tát thì sẽ có đầy đủ bảy thứ tài sản vô tận.

Lại hỏi: Làm thế nào đối với thế gian có được sự ít ham muốn, biết đủ?

Đáp: Đối với các thứ trí không hề tạo sự sai trái, chống đối. Đó gọi là ít ham muốn.

Lại hỏi: Làm thế nào để tâm tiếp cận khắp các đối tượng, hoặc khi ở nơi thanh vắng không hề nhiễm ở ba cõi?

Đáp: Dứt mọi nguyện cầu nơi ba cõi.

Lại hỏi: Làm thế nào dùng trí tuệ để biết được các mối khổ hoạn trong ba đời?

Đáp: Dứt sạch mọi khổ từ cội rễ của nó, khiến không còn dấy sinh các phiền não.

Lại hỏi: Làm sao đối với ba pháp thọ nhận có thể dứt hết mọi tưởng niệm?

Đáp: Chẳng thấy có khổ, vui. Cùng không khổ không vui.

Lại hỏi: Làm thế nào Bồ Tát có thể thọ nhận nơi không có chỗ thọ nhận?

Đáp: Nhận rõ về năm ấm là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.

Lại hỏi: Làm sao Bồ Tát có thể thâm nhập vào cội nguồn của các pháp?

Đáp: Bên ngoài lìa bỏ sáu nhập, trong thì không tạo sáu trần.

Lại hỏi: Làm thế nào dùng các pháp hóa độ để hóa độ chúng sinh?

Đáp: Phân biệt rõ các con đường tu tập, không vọng chấp vào đạo quả.

Lại hỏi: Bồ Tát làm thế nào để lìa bỏ sự tham tiếc keo kiệt, bố thí giúp đỡ mọi người mà không dấy tưởng chấp?

Đáp: Đối với tất cả chúng sinh, tâm luôn dứt sạch ba thứ chướng ngại.

Lại hỏi: Bồ Tát làm thế nào để giữ giới luật không hề thiếu?

Đáp: Từ lúc mới phát tâm cho đến khi thành tựu quả vị Phật Đà, không hề lìa bỏ đạo tâm cùng pháp nhẫn nhu hòa, thuận hợp.

Lại hỏi: Làm thế nào để tu tập pháp nhẫn mà không hề dấy khởi giận dữ?

Đáp: Luôn điều phục tâm, thu giữ ý, gắn bó với pháp không, vô hình.

Lại hỏi: Bồ Tát làm thế nào để luôn dốc tâm tinh tấn, không dấy sự biếng trễ, lười nhác?

Đáp: Luôn tư duy để nhận rõ sự tu tập như đang cứu chữa lửa cháy.

Lại hỏi: Bồ Tát làm thế nào để thực hiện các pháp thiền định không hề thiếu?

Và khi du hóa đến khắp mười phương tâm ý không hề lầm lạc?

Đáp: Tâm ý khi tiếp cận đối tượng luôn theo tinh thần bất nhị, không hề làm mất trí tuệ.

Lại hỏi: Làm thế nào để tuệ nhãn soi tỏ khắp chốn, không bị trở ngại?

Đáp: Đối với tất cả các pháp không thấy, không chấp ở hình tướng của chúng.

Lại hỏi: Bồ Tát làm thế nào để nhận pháp định từ…, thu giữ, giữ lấy chúng sinh, không còn thấy có sự hóa độ?

Đáp: Luôn quan sát và thông tỏ về gốc của tâm ý thức chúng sinh.

Lại hỏi: Thế nào gọi làm Bồ Tát thể hiện lòng thương xót hết mực đối với các chúng sinh chưa được hóa độ?

Đáp: Không hề dấy tưởng chấp về các pháp để thấy có sự cao thấp.

Lại hỏi: Bồ Tát làm thế nào để nhập vô lượng các pháp định, tâm có được niềm hoan hỷ liên tục?

Đáp: Hành theo gốc như nhiên, không thấy có sinh diệt.

Lại hỏi: Bồ Tát làm thế nào để thực hiện ba pháp tam muội cho đến lúc đạt tới cửa Niết Bàn?

Đáp: Luôn không lìa tám con đường tu tập của Đức Như Lai.

Bấy giờ Tôn Giả Xá Lợi Phất đã dùng vô số phương tiện để cùng với các vị trong chúng hội thuyết giảng về pháp Anh Lạc vô ngại vi diệu. Lúc này có một ngàn hai trăm vị Tỳ Kheo tâm tin tưởng vững chắc, an tịnh trong pháp không thoái chuyển. Lại có vô số Chư Thiên, chúng nhân thảy đều phát tâm vô thượng Bồ Đề.

Bấy giờ có vị Bồ Tát tên là Vô Đảnh Tướng, liền rời chỗ ngồi đứng dậy, đến trước Đức Phật, cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Thật là hết mực kỳ diệu, hết mực đặc biệt, chưa từng được nghe! Như Hiền Giả Xá Lợi Phất đã nói về cảnh giới trí tuệ là chẳng phải có, chẳng phải không, không thấy hình tướng của các pháp yêu ghét, vui giận.

Như con xem xét và nhận thấy Chư Phật Thế Tôn trong mười phương diễn nói chánh pháp, hoặc thuyết các pháp về hữu giáo rồi dần đến các pháp vô vi. Hoặc thuyết các nỗi khổ của thân mạng khiến nhận biết để chán ghét, hoặc dứt trừ mọi vọng tưởng của thức để tỏ ngộ cõi gốc mà xa lìa.

Vậy thì làm thế nào để Bồ Tát hội nhập vào khắp các pháp, mỗi mỗi đều nhận rõ mà không dấy tưởng tăng giảm?

Nay được nghe các pháp về thân tướng của Như Lai, hữu vi tự nhiên hành không biến đổi, vô vi vô hình chẳng thể lường tính.

Nay con muốn được nghe Như Lai nói về gốc của các pháp Anh Lạc, mong được Thế Tôn chỉ dạy rõ: Thân hữu vi hữu sắc có bao nhiêu pháp Anh Lạc để tự làm cho trang nghiêm, tươi đẹp?

Thân vô vi hữu sắc có bao nhiêu phép Anh Lạc để tự làm cho tươi đẹp, trang nghiêm?

Thân hữu vi Vô Sắc có bao nhiêu pháp Anh Lạc để tự làm cho trang nghiêm, tươi đẹp?

Thân vô vi Vô Sắc cũng có bao nhiêu pháp Anh Lạc để tự làm cho tươi đẹp, trang nghiêm?

Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Vô Đảnh Tướng: Lành thay! Lành thay! Này vị Tộc Tánh Tử! Ông đã có thể ở trước mặt Như Lai tạo nên tiếng rống của Sư Tử. Nay ta sẽ vì Bồ Tát mà mỗi mỗi phân biệt rõ. Bồ Tát cùng các vị hãy lắng nghe và khéo nghĩ ngợi, ghi nhớ.

Đại Bồ Tát từ lúc mới bắt đầu phát tâm bồ đề cho đến khi thành Phật, phải nên luôn thực hiện đầy đủ việc điều phục ba nghiệp thân, khẩu, ý. Tu sáu pháp Ba la mật để tự trang nghiêm.

Rõ mọi hình sắc gốc là không. Không thấy và chấp vào gốc của hình sắc. Ở nơi sắc có sáu pháp Anh Lạc để trang nghiêm, từ đó đạt được các pháp Anh Lạc thâm diệu, sâu rộng của Như Lai.

Những gì là sáu pháp?

Này các thiện nam, thiện nữ, như mắt trông thấy sắc, nhận biết và dấy tưởng về sắc. Chúng sinh do tham, sân, si nên thích hợp với tiến tới liền tiến, thích hợp với thoái lui liền thoái. Mắt không phải là sắc ấy, sắc chẳng phải là mắt. Dứt niệm về sắc ấy và không dấy tưởng về mắt. Đó gọi là pháp Anh Lạc thanh tịnh thứ nhất.

Lại nữa, này các vị Tộc Tánh Tử! Tánh của sắc là như nhiên, thức cũng vậy. Khi ta nhận thức về sắc ấy không dấy khởi phiền não, mau chóng lãnh hội được sự trói buộc kia để không nhiễm vào nẻo sở hữu của ta. Đó là pháp Anh Lạc thanh tịnh thứ hai.

Lại nữa, này các vị Tộc Tánh Tử! Ở nơi sắc vô hình nên tư duy để nhận rõ mọi căn bản đều thanh tịnh, sắc cũng thanh tịnh. Đó gọi là pháp Anh Lạc thanh tịnh thứ ba.

Này các vị Tộc Tánh Tử! Tham đắm sắc, nhiễm dục.

Chẳng phải sắc có dục, tánh của sắc vốn không, lẽ nào lại có tham dục?

Đó gọi là pháp Anh Lạc thanh tịnh thứ tư.

Lại nữa, này các vị Tộc Tánh Tử! Chấp ở sắc cho là thường còn, dấy chẳng phải là cảnh giới của mắt, ý thức phân biệt nên liền khởi do dự và chấp thường, vô thường, cho tới vô ngã. Tánh của sắc là hư tịch, vĩnh viễn là không sinh diệt. Đó gọi là pháp Anh Lạc thanh tịnh thứ năm.

Lại nữa, này các vị Tộc Tánh Tử! Sắc là từ bên ngoài vào. Nhãn thức thường xuyên thọ nhận, có sắc hữu vi có sắc vô vi. Nhận biết về sắc hữu vi với tính chất làm hỏng cội rễ đạo pháp của chúng.

Nhận biết về sắc vô vi với tính chất thành tựu được mọi phước báo. Phải tư duy để nhận ra hình tướng hữu vi ấy. Đó gọi là pháp Anh Lạc thanh tịnh thứ sáu.

Lại nữa, này các vị Tộc Tánh Tử! Lại có sáu pháp để tự thu giữ nhận thức về sắc.

Những gì là sáu?

Này các vị Tộc Tánh Tử! Tướng của thức là vô hình, lưu chuyển giong ruổi với vạn mối, tiếp cận với các trần bên ngoài liền sinh phiền não, cấu nhiễm. Nếu là thiện thì đó là thức thiện, nếu là ác thì đó là thức ác.

Thức ác thì không thiện. Thức thiện thì không ác. Bồ Tát thâu phục tâm ý không dấy thức thiện ác ấy. Đó gọi là pháp Anh Lạc thanh tịnh thứ nhất.

Lại nữa, này các vị Tộc Tánh Tử! Nhãn thức quán về không tất nhận ra các pháp là không chốn có, liền sinh trưởng không, dứt mọi quả báo thiện ác, không thấy nay sinh về sau lại nhận lấy báo. Ở trong sự thâu phục ý ấy không dấy tưởng điên đảo. Đó gọi là pháp Anh Lạc thanh tịnh thứ hai.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần