Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Anh Lạc Hiện Tại Báo - Phẩm Sáu - Phẩm Cảnh Giới Của Thức - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH
BỒ TÁT ANH LẠC HIỆN TẠI BÁO
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM SÁU
PHẨM CẢNH GIỚI CỦA THỨC
PHẦN HAI
Này các vị Tộc Tánh Tử! Đó gọi là Bồ Tát thực hiện đúng đắn các pháp có dấy khởi không dấy khởi.
Lại nữa, có pháp môn định ý, hết thảy các pháp đều đến hội nhập vào nơi ấy. Tưởng về có thân, không thân. Ý có niệm, không niệm. Không một, không hai, cũng lại không thức. Ta từ xa xưa, về vô số A tăng kỳ kiếp, lúc mới nhập pháp luật, đã luôn tỏ ra ứng hợp với nẻo hành ấy.
Thức pháp có mười hai gốc nhân duyên tạo tác. Từ vô minh duyên hành, cho đến lão tử đều không thấy có sự sinh diệt. Đó gọi là pháp định ý tên là vô tận. Đạt được định ý ấy, tất nhiên biết hết thảy nẻo hướng tới của chúng sinh trong ba cõi.
Hoặc có chúng sinh tưởng về hữu thường, tưởng về vô thường, tưởng về có khổ, tưởng về không có khổ, tưởng về có định, không có định, mỗi mỗi đều phân biệt nhận rõ, không dấy nhiễm đắm.
Đức Phật lại bảo các vị Tộc Tánh Tử: Đại Bồ Tát phải nên nhớ nghĩ, tu tập ba mươi bảy phẩm quan trọng của đạo pháp.
Những gì gọi là ba mươi bảy phẩm?
Đó là: Bốn Ý chỉ để diệt trừ tham, dâm, giận dữ, si mê, tiêu diệt vĩnh viễn ba độc.
Lại nên tư duy về bốn Ý đoạn để đoạn trừ các niệm mong cầu.
Nên đạt được bốn hạnh thần túc, đã có được thần túc thì có thể đi đến các Thế Giới của Chư Phật trong mười phương, chẳng tự nêu bày thần túc.
Năm căn của Như Lai đã thành tựu được pháp thân gồm thân giới, thân tịnh, thân tuệ, thân giải thoát và thân giải thoát tri kiến. Đó gọi là năm phần pháp thân của Như Lai. Thần trí của Như Lai không hề hủy hoại pháp thân.
Thế nào gọi là năm lực?
Đó là tín lực, tinh tấn lực, niệm lực, định lực và tuệ lực. Chỗ gọi là tín lực tức là dốc hướng về nẻo giải thoát, không bị nhiễm trong ba cõi sinh tử, chính là khiến cho hằng sa các thứ ma biến đổi làm Phật, ý ấy chẳng có thể làm cho biến động. Đó gọi là tín lực.
Thế nào là tinh tấn lực?
Chỗ gọi là tinh tấn lực, tức là như từng được nghe biết về pháp, pháp giới, hoặc ở nơi cách một do tuần đến trăm ngàn do tuần, hoặc ở tại nơi một cảnh giới Phật, hoặc trăm ngàn cảnh giới Phật, cũng luôn giữ lòng tin đứng vững nơi giới luật, không rời bỏ thệ nguyện lớn lao. Đó gọi là tinh tấn lực.
Thế nào gọi là niệm lực?
Chỗ gọi là niệm lực, tức niệm luôn được kế tục nơi trước mặt mình, ngoài ra không còn có một tưởng nào khác, chính là nhằm khiến cho hằng sa các thứ ma cùng thuộc hạ của chúng muốn đến để hủy hoại pháp định ý ấy, chỉ những chuốc lấy khổ nhọc, không hề đạt được ý nguyện. Đó gọi là niệm lực được thành tựu.
Thế nào là định lực?
Ấy là gốc đứng vững nơi quả vị của hàng Đại Bồ Tát để nhằm thu giữ ý, dứt trừ vọng tưởng, không còn mang lòng hồ nghi. Đó gọi là định lực không gì có thể hủy hoại được.
Thế nào gọi là tuệ lực?
Đó là đối với vô lượng pháp giới chẳng thể nghĩ bàn, các tuệ thảy đều thu giữ và khéo dùng phương tiện để thấu đạt gốc các pháp, các hành của tuệ tánh không hề hủy hoại pháp giới. Đó gọi là tuệ lực các đức gồm đủ.
Lại nên nhận rõ bảy pháp giác ý để nhằm biết rõ về tất cả nơi chốn suy niệm vô hình, hữu hình của tâm thức.
Từ Cõi Dục đến Cõi Sắc, Vô Sắc, tất cả ba cõi ấy đây thì có thể phân biệt, kia thì không thể phân biệt, ý được thâu phục dứt mọi loạn động.
Đó gọi là ý định đạt được tánh của tuệ với tám con đường bình đẳng, cũng dứt mọi sợ hãi để nhập pháp Tam Muội Không, chỉ một nẻo hành không hai, cũng không gốc ngọn, hữu hạn vô hạn đều đã lìa khỏi sinh tử, không dấy trí nào khác, biết rõ về các pháp sinh diệt, hoàn toàn dứt hết mọi tưởng. Đó gọi là tám con đường thanh tịnh bất nhị.
Lại nên nhớ nghĩ về sáu mươi hai thứ kiến chấp. Tưởng chấp về hữu thường, vô thường. Tưởng chấp về có đạo, không đạo. Tưởng chấp về có đời này, không có đời này. Tưởng chấp về có cha mẹ, không có cha mẹ. Tưởng chấp về có tham đắm thân, không tham đắm thân.
Hoặc lúc có thức nhận rõ các nẻo đường thanh tịnh không chút tỳ vết, mỗi mỗi đều nhận rõ ba chốn gốc của ái, năm chốn gốc của dục, bảy chốn hành của dâm. Có lúc hành hóa nơi chốn vắng vẻ, tịch tĩnh, như tại nơi gốc cây, chỗ đất nổng, gò mả cao. Quan sát hơi thở ra vào, có lúc dài ngắn, lạnh ấm không thường. Các pháp sinh theo nhân duyên cùng gặp gỡ.
Tư duy để nhận rõ, khiến ý không lầm lạc, vọng loạn. Như thế là người tu tập nên nhận biết về hơi thở ra vào. Mọi hơi thở ngắn dài thảy đều nhận biết. Mọi hơi thở trước sau cũng đều nhận biết rõ ràng, đầy đủ, dần dần mới thành một bước thực hành thiền.
Sự giác ngộ thông đạt về Thiền ý của Như Lai không đồng nhất. Tu tập Tứ Thiền nhập tưởng biết rõ về diệt. Như định ý ấy thì cả ba thừa cùng có. Lại nên rõ về định ý vô thượng của Như Lai.
Thế nào gọi là định ý vô thượng?
Chỗ gọi là định ý vô thượng như tâm có các bậc: Cao, vừa, thấp. Người tu tập nhập định không trở lại theo dõi hơi thở ra vào, dài ngắn. Chỉ dốc phân biệt Quốc Độ, chuyên tâm nhất ý, quán tưởng về quá khứ, hiện tại, vị lai, cái gì là chốn ta giáo hóa hay chẳng phải chỗ ta giáo hóa.
Lại tư duy: Như ta đang ở nơi chốn vắng vẻ, tịch tĩnh, chẳng nhận rõ chúng sinh, đó chẳng phải là điều thích nghi của ta. Nay nên đi đến vô số Quốc Độ, tự giáo hóa, hóa độ kẻ khác mới thành tựu được nguyện của ta. Đó gọi là sơ định, cũng chẳng thể hủy hoại được.
Lại nữa, người tu tập lúc mới nhập pháp định ý, liền tự tư duy: Có khổ có vui đều do từ gốc của thân. Đã vượt qua hành ấy, lại nên truyền bá thích hợp khiến cho những chúng sinh kia thảy được nhận biết về điều đó. Đấy gọi là nhập định thành tựu được bước thứ hai.
Lại nữa, tâm pháp chẳng phải có, chẳng phải không. Tưởng chấp về có thân, không thân, chẳng được thần thông để du hóa đến khắp mười phương. Thâu phục ý, tự giữ mình thanh tịnh, kể cả giòng họ. Đó gọi là định ý không hủy hoại pháp thức.
Có đủ tâm ý thức, tư duy, chỉ quán. Ta vốn là vô ngã, huống chi là đối với chúng sinh. Trước tự nhận biết về không để luôn xem xét rõ chúng sinh.
Dùng Thần Túc để nêu bày, tâm thần diệu có thể du hóa đến khắp chốn mặc dù thân không đi đến các nơi chốn ấy. Lại ở nơi Quốc Độ của Chư Phật trong mười phương, dùng pháp định ý ấy để tế độ vô số trăm ngàn chúng sinh. Ở nơi đó lại dốc tu tập mười pháp tuệ hư không.
Những gì là mười pháp?
Chỗ giáo pháp được thuyết giảng là nhằm diệt trừ các thứ ma, dốc tiến đến Đạo Tràng, thành tựu đạo quả giác ngộ vô thượng, tâm như hư không, chẳng hề tăng giảm.
Này các vị Tộc Tánh Tử! Đó gọi là tu tập pháp tuệ hư không.
Lại nữa, này các vị Tộc Tánh Tử! Bắt đầu hàng phục đám ngoại đạo với những học thuyết đủ loại của họ, trừ dứt nẻo tà, khiến họ đứng vững với chánh kiến của chánh pháp, thảy đều đưa họ về với nẻo giác ngộ, xua trừ mọi xan tham, ganh ghét. Đó gọi là tu tập pháp tuệ hư không.
Lại nữa, Thế Tôn hóa độ muôn loài chúng sinh, theo sở nguyện của họ đều khiến được đầy đủ. Tuy thuyết giảng vô số các pháp mà tâm không hề tham đắm, vướng mắc. Đó gọi là tu tập pháp tuệ hư không.
Lại dùng trí vô ngại thể hiện thần túc, du hóa đến vô lượng Thế Giới, nêu bày, chỉ dẫn các pháp để giáo hóa chúng sinh mà không thấy có chúng sinh được giáo hóa cùng công việc hóa độ ấy. Đó gọi là tu tập pháp tuệ hư không.
Lại có Như Lai trí tên là Hoài Không, nhờ đó mà thành tựu được pháp giới không hủy hoại bản tánh, tâm được giữ vững như hư không, chẳng bị cấu nhiễm. Đó gọi là tu tập pháp tuệ hư không.
Như Lai là Bậc Chánh Giác, hoặc dùng một thân thể du hóa khắp cõi hư không, hoặc dùng vô số thân, hoặc lại thị hiện nhập Bát Nê Hoàn, không chấp vướng nơi thân, chẳng dấy từng ấy tưởng, cũng lại không chấp vào sự nhập vô dư Niết Bàn ấy. Đó gọi là tu tập pháp tuệ hư không.
Chư Phật Thế Tôn có bảy mươi hai pháp biện tài vô ngại và mười bốn phước báo về thiệt tướng, để giáo hóa chúng sinh mà trí không hề bị ngừng nghỉ, khiến cho muôn loài chúng sinh đều thành tựu trí tuệ sáng suốt.
Những gì là bảy mươi hai pháp Biện tài vô ngại?
Này các vị Tộc Tánh Tử! Như Lai lúc mới tu tập các tướng công đức đã dốc tự phát thệ nguyện lớn lao: Nếu ta sau này thành Bậc Vô Thượng Chánh Giác thì nơi sinh, Quốc Độ cùng các loài chúng sinh ở đấy không hề nghe đến tên gọi các thứ vô minh, tham, dâm, giận dữ, si mê. Khiến cho cõi nước của ta thanh tịnh như hư không, như Cõi Trời Tịnh cư ít dục, biết đủ.
Tâm ý luôn hướng về đạo pháp, không bị ngưng trệ giữa chừng, cũng lại không sinh tám chốn không được yên tĩnh, ở nơi hàng phú hào không có thái độ khinh mạn, cao ngạo, không khinh chê hàng thấp kém.
Tâm ý luôn được thâu phục, thực hiện các pháp bố thí phước đức, mong có thức uống thì cấp cho thức uống, mong có thức ăn thì cho thức ăn. Tài sản trong nước, vợ con thảy đều bố thí hết cả, tâm hành thí không ngại, không hề dấy tưởng loạn vọng.
Lại dốc giáo hóa chúng sinh giữ giới đầy đủ, tinh tấn, nhất tâm tu sáu pháp quan trọng. Nếu có chúng sinh gặp phải trăm ngàn nỗi khổ thì liền được cứu độ, khỏi bị rơi vào nẻo ác và không mất đi loài giống của Hiền Thánh. Đó gọi là pháp tu tập tuệ hư không thứ tám.
Như Lai Vô Thượng Chánh Giác muốn chuyển bánh xe chánh pháp, trước hết là nhập các pháp định để tự thâu phục thân ý. Tự biết đã đến lúc, nên ta nay có thể vì muôn loài chúng sinh mà chuyển pháp luân vô thượng.
Tâm dốc hiện sáu thứ thần thông, nơi mỗi mỗi lỗ chân lông trên thân tướng đã phóng ra những luồng hào quang, sau đó mới chuyển pháp luân vô thượng với các pháp không sinh diệt, không có nẻo tham đắm chấp bám, một tướng, vô tướng, không hề bị ô nhiễm. Mọi nơi chốn diễn nói như hư không, ngôn từ dấu vết chẳng hiện, chẳng thấy chúng sinh có tăng có giảm. Đó gọi là tu tập pháp tuệ hư không thứ chín.
Lại nữa, Như Lai từ pháp giới vô sinh thành tựu đạo quả Chánh Giác, xem hết thảy các pháp như cảnh huyễn hóa, không thấy có sự thành tựu đạo quả ấy, không làm mất tuệ thần thông nhận rõ mọi pháp. Mười lực của Như Lai cũng không tham đắm. Đó gọi là mười pháp tu tập tuệ hư không.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo bốn bộ chúng: Các vị mỗi mỗi người, ở trước Như Lai đây, sẽ tự nêu bày về pháp tuệ hư không, dứt mọi nẻo vướng chấp.
Lúc này có một vị Bồ Tát tên là Không Hành, từ phương Đông Nam cách cõi này đến năm mươi sáu hằng hà sa Quốc Độ Chư Phật, đã từ cõi ấy đi tới Thế Giới Ta Bà để được nghe pháp.
Bấy giờ Bồ Tát liền đến trước Đức Phật chắp tay cung kính thưa: Kính bạch Thế Tôn! Quốc Độ thanh tịnh không có pháp nào được thuyết giảng, cũng như không có ý nghĩa nào của pháp được nêu bày, biết rõ tịnh và bất tịnh thảy như hư không. Đó gọi là pháp tuệ không dứt mọi vướng chấp.
Bồ Tát Vô Ngã thưa: Không thấy chẳng phải không, mà thấy cũng chẳng phải không, không thấy hữu kiến, cũng chẳng thấy vô kiến. Đó gọi là pháp tuệ không dứt mọi vướng chấp.
Bồ Tát Pháp Trụ thưa: Chưa tạo lập dấu vết hành hóa để thức sinh ô nhiễm không thể tính kể về số lượng kiếp vì tánh của thức vốn không. Đó gọi là pháp tuệ hư không dứt hết tham vướng.
Bồ Tát Quá Hành thưa: Nơi ba nghiệp thân, khẩu, ý không tạo các điều ác, dùng định để không dấy vọng tưởng. Đó gọi là pháp hành không dứt hết tham chấp.
Bồ Tát Vô Hành thưa: pháp thân vô tận không hề thấy có chỗ nương tựa, bám víu, tâm định, ý chuyên nhất. Đó gọi là hành tuệ không dứt mọi vướng chấp.
Bồ Tát Bảo Tạng thưa: Không thấy trước sau, nơi chốn pháp giới, lại cũng không thấy có tội phước báo ác. Đó gọi là hành tuệ không dứt tham vướng.
Bồ Tát Tập Khổ thưa: Chư Phật Thế Tôn thảy đều biết rõ về quá khứ, hiện tại, vị lai, hội nhập trí tuệ tự tại, không dấy khởi vọng kiến. Đó gọi là hành tuệ không dứt sạch vướng chấp.
Bồ Tát Từ Ý thưa: Ta tôi vô hình, tâm chuyên hành đạo, không dấy khởi các tưởng khác, không dựa không bám vào pháp, thấu đạt lẽ sinh diệt như nhiên. Đó gọi là hành tuệ không dứt sạch mọi vướng chấp.
Bồ Tát Bảo Kế thưa: Hành bốn pháp vô ngã, không chấp không nhiễm, có thân có khổ, thức tưởng cũng khổ, từ đấy lý giải được pháp không sinh diệt.
Đó gọi là hành tuệ không dứt sạch mọi vướng chấp.
Bồ Tát Thiện Toán thưa: Chẳng thấy các pháp là có số lượng hay không số lượng.
Thế nào là các pháp có số lượng, không số lượng?
Thế gian là có số lượng, đạo pháp là không số lượng. Hữu vi là có số lượng, vô vi là không có số lượng, cũng không thấy có số hay không số ấy. Đó gọi là hành tuệ không dứt sạch vướng chấp.
Bồ Tát Tận Sinh thưa: Các pháp là vô sinh, cũng chẳng thấy có sinh, chẳng dấy tưởng tịnh, bất tịnh, sinh tử đã dứt, vĩnh viễn diệt sạch không còn dấy khởi.
Đó gọi là hành tuệ không dứt sạch vướng chấp.
Bồ Tát Phạm Hạnh thưa: Thực hành ba pháp tam muội chẳng dấy niệm về thọ thân, niệm không chẳng lìa không, niệm vô tướng chẳng lìa vô tướng, niệm vô nguyện chẳng lìa vô nguyện. Lại cũng không dấy niệm thọ nhận phước thanh tịnh. Đó gọi là hành tuệ không dứt sạch vướng chấp.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bảo Vân - Phần Mười Tám
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bảy - Bảy Pháp - Phẩm Bảy - ðại Phẩm - Phần Tám - Lửa
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Hoại Pháp
Phật Thuyết Kinh Khởi Thế - Phẩm Bốn - Phẩm địa Ngục - Tập Một
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ðại Bổn - Phần Ba