Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bổn Hạnh - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Thiên Tức Tai, Đời Tống
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT BẢN HẠNH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Thiên Tức Tai, Đời Tống
PHẦN BỐN
Nghe như vậy!
Một thuở nọ Đức Thế Tôn trụ tại Tinh Xá Trúc lâm bên cạnh thành Vương Xá.
Tại làng Ưu liên có một dòng suối, trong suối có một con Rồng độc tên là Toan Đà Lê hết sức hung dữ, thường gây ra những trận mưa đá, tuyết, phá hoại năm thứ lúa gạo hoa màu, khiến mùa màng thất thu, dân chúng đói khát.
Lúc đó, có một vị Bà La Môn dùng thần chú ngăn chận Rồng độc nên mưa đá không xuất hiện, trong mấy năm ấy mùa màng thuận hợp, ngũ cốc dồi dào. Chẳng bao lâu, vị Bà La Môn này già yếu, lụm cụm không đọc thần chú được nữa.
Khi ấy, lại có một vị Bà La Môn trẻ tuổi thông hiểu chú thuật, cất tiếng tụng chú, khiến mây mù tan biến, nạn mưa đá chấm dứt, mùa màng tươi tốt, dân chúng hết sức vui mừng. Họ mời vị Bà La Môn này ở ngay nơi làng, dân làng sẽ đóng góp, cung cấp không thiếu một vật gì.
Bà La Môn nói: Ta có thể ở lại đây, các ông phải luôn luôn cùng nhau đóng góp.
Dân chúng chung nhau dâng cúng các vật dùng cho Bà La Môn luôn đầy đủ. Nhưng từ ngày Đức Phật du hóa, hoằng dương chánh pháp đến nước này, dân chúng lớn nhỏ đều thọ giáo, người đắc đạo rất nhiều.
Tất cả loài Rồng, Quỷ, Thần đều làm việc thiện, không còn nhiễu hại, mưa thuận gió hòa, năm thứ lúa thóc hoa màu dẫy đầy, nhưng dân làng không còn cung cấp theo nhu cầu cho vị Bà La Môn nữa.
Bà La Môn này đến đòi hỏi dân chúng, dân cư trong làng đã không cung cấp, lại còn mắng nhiếc, nên Bà La Môn nổi tâm sân hận, nói: Các người nhờ ân lực của ta nên mới no nê đầy đủ, đã chẳng cung cấp lại còn mắng nhiếc ta, ta sẽ tiêu diệt cả dân chúng và đất nước này.
Bà La Môn lại hỏi các người trong làng: Muốn đạt được sở nguyện thì phải làm gì?
Dân làng trả lời: Cúng dường thức ăn cho bốn vị đại đệ tử của Đức Phật, sẽ được toại nguyện.
Bà La Môn lập tức bày biện trai diên, cung thỉnh vị Tôn Giả là Đại Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và A Na Luật đến cúng dường. Khi bốn vị Tôn Giả đang thọ trai.
Bà La Môn chí tâm đảnh lễ, bày tỏ sở nguyện của mình: Tôi nay đem công đức cúng dường này nguyện thành con Rồng độc, hết sức mạnh mẽ để tiêu diệt đất nước này, xin cho tôi quyết được toại nguyện.
Khi ấy, Tôn Giả Xá Lợi Phất dùng đạo nhãn quan sát tâm ý của thí chủ Bà La Môn cầu nguyện những gì, biết rố tâm ý của người ấy mong cầu trở thành Rồng độc để tiêu diệt cả đất nước này.
Nên bảo: Ông chớ nên phát nguyện làm thân Rồng rắn độc ác! Nếu muốn cầu là Chuyển Luân Thánh Vương, hoặc Thiên Đế Thích, Ma Vương, Phạm Vương… tất cả đều có thể được. Chớ nên dùng loại thân độc ác ấy làm gì. Sở nguyện đó không tốt.
Bà La Môn đáp lại lời Tôn Giả Xá Lợi Phất: Tôi quyết cầu cho được nguyện này, đây là điều ước mong duy nhất, ngoài ra không nguyện cầu gì khác.
Lúc ấy, Bà La Môn giơ năm ngón tay lên, nước liền từ đó chảy ra. Tôn Giả Xá Lợi Phất chứng kiến lòng kiên quyết của Bà La Môn, nên chỉ còn biết im lặng. Vị Bà La Môn ấy cùng vợ và hai con đều phát nguyện làm Rồng.
Sau khi ông ta chết liền đầu thai làm thân Rồng có thần lực lớn, lại rất độc ác, liền đến giết Rồng Toan Đà Lê và đoạt chỗ ở. Rồi nổi phong ba bão chướng trút một trận mưa đá tuyết dữ dội, khiến bao thứ lúa thóc hoa màu đều bị thiệt hại, chỉ còn những nắm rạ hoặc thân lá xơ xác.
Do đó người ta đặt tên Rồng này là A Ba La Lợi, vợ Rồng tên là Tỳ Thọ Ni. Rồng có hai con cùng một tên là Cơ Thiện Ni. Trong thời gian này dân chúng cơ cực, chết đói rất nhiều, lại thêm bệnh tật khiến người bỏ mạng cũng vô số.
Khi ấy, Vua A Xà Thế đi đến Tinh Xá, đảnh lễ Đức Phật, đầu mặt sát đất, quỳ mọp thưa: Dân chúng nơi nước con bị Rồng độc và dịch bệnh gây tai vạ đau thương, người chết vô số. Cúi xin Đức Thế Tôn rủ lòng đại từ đại bi thương xót tất cả chúng sinh, mong được sự cứu giúp, trừ diệt tai hại.
Đức Phật liền nhận lời. Tờ mờ sáng hôm sau Đức Thế Tôn đắp y mang bình bát vào thành khất thực, rồi đến bên bờ dòng suối có Rồng độc ngồi thọ trai, xong xuôi thì rửa bát, trút nước rửa bát ấy xuống dòng suối.
Rồng rất tức giận, liền xuất hiện trên mặt nước, phun độc khí và hà lửa vào mình Đức Phật. Trên thân Đức Phật lại phun ra nước tiêu diệt lửa và khí độc. Rồng lại ở trên hư không mưa tuôn đá tuyết, thì đá tuyết ấy lại biến thành hoa trời.
Rồng lại mưa bằng những tảng đá lớn, thì đá này lại biến thành ngọc quý và đồ trang sức. Rồng lại tuôn mưa đao kiếm tức thì đao kiếm biến thành bảy thứ châu báu. Rồng lại hóa làm quỷ La Sát, Đức Phật lại hiện làm Tỳ Sa Môn Vương, La Sát bị tiêu diệt.
Rồng lại biến thành con voi khổng lồ, vòi cuộn lấy kiếm nhọn, Đức Phật lại hiện ra hình sư tử chúa khiến voi liền biến mất. Rồng lại hiện chính thân mình, Đức Phật bèn hiện làm chim đại bàng cánh vàng, Rồng liền chạy trốn.
Rồng đem hết thần lực mà không thể hại được Đức Phật, liền chui trốn vào trong dòng suối, lúc ấy lực sĩ Mật Tích cầm chày Kim Cang đập núi, núi vỡ một nửa, lấp dòng suối, Rồng muốn chạy thoát, Đức Phật liền biến tất cả nước trong dòng suối thành đám lửa lớn, Rồng vội vã vụt chạy, Đức Phật bèn dùng bàn giẫm lên đầu Rồng, Rồng không thể đi được, mới quy phục.
Nên quỳ mọp bạch Phật: Ngày nay con chỉ thấy việc làm của mình toàn là cảnh đau khổ, khốc liệt.
Đức Phật hỏi: Tại sao ngươi ôm lòng độc ác, gây bao khổ não cho chúng sinh?
Rồng liền cung kính đảnh lễ, đầu mặt lạy sát chân Phật, quỳ mọp, bạch: Mong Phật cho con được thả ra, bất cứ Thế Tôn dạy điều gì, con đều vâng lãnh.
Đức Phật bảo: Ngươi nên thọ giới cấm, làm người cận sự nam.
Rồng và vợ con thảy đều thọ năm giới cấm, làm người hộ pháp tại gia, trở thành người nhân từ, làm các điều lành, lại không bao giờ mưa tuyết nữa.
Bấy giờ, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, lúa gạo dẫy đầy, các loài quỷ dữ gây bệnh tật đều chạy về nước Tỳ Xá Ly. Dân chúng nước Ma Kiệt Đà có đời sống vật chất đầy đủ, các thứ bệnh dịch đều được tiêu trừ, hưởng cảnh an lạc.
Lúc ấy, dân chúng nước Tỳ Xá Ly lại bị tật bệnh, người chết rất nhiều. Nghe Phật ở nước Ma Kiệt Đà đã hàng phục độc long, bệnh dịch được tiêu diệt, Vua nước Tỳ Xá Ly liền sai sứ đến Tinh Xá Trúc lâm, thỉnh Phật.
Sứ giả đến nơi, tiến tới trước Đức Phật cung kính đảnh lễ sát chân, quỳ mọp thưa: Nhà Vua dốc lòng cho con đến đảnh lễ vấn an Đức Như Lai là Bậc Đại Thánh.
Nước con đang bị bệnh dịch khiến người chết rất nhiều, cúi mong Đức Thế Tôn rủ lòng đại từ thương xót, giáng lâm che chở cho nước chúng con, tuy nhọc đến uy quang nhưng cũng mong cho muốn dân được cứu vớt.
Hai nước Tỳ Xá Ly và Ma Kiệt Đà vốn có mối thù xưa, nên Vua A Xà Thế nghe nước Tỳ Xá Ly đang bị bệnh dịch hoành hành, trong lòng lấy làm thích thú.
Bấy giờ, Đức Phật bảo sứ giả nước Tỳ Xá Ly: Trước ta đã nhận lời mời của Vua A Xà Thế ở đây chín mươi ngày, nay chưa mãn hạn, ông phải đích thân đến thỉnh ý Đại Vương A Xà Thế.
Sứ giả bạch Phật: Thưa Thế Tôn, vốn hai nước có mối thù xưa, nếu nay con đến đó chắc chắn sẽ bị giết.
Đức Phật báo sứ giả: Ông nay làm sứ giả cho ta, chắc chắn sẽ không có ai giết ông đâu.
Đức Phật lại bảo sứ giả đến đó nói như thế này: Vua A Xà Thế đã tạo tội đại nghịch là giết cha, do hướng về Như Lai sám hối sửa đổi, nên tội bị đọa vào địa ngục, một ngày bằng năm trăm ngày trên dương thế của nhà Vua, nay đã thoát khỏi.
Sứ giả nhận chỉ giáo liền đi đến cửa thành Vương Xá Vua A Xà Thế và Quần Thần nghe có sứ giả của nước Tỳ Xá Ly đã đến ngoài cửa thành thì ai nấy đều nổi giận cùng nhau bàn tính là sẽ chặt đầu, xẻo tai, xẻo mũi cùng nghiền nát thân xác người này thành tro bụi.
Sứ giả nước Tỳ Xá Ly đến trước bệ Rồng, cất to tiếng tâu: Tôi được Đức Như Lai sai đến gặp Đại Vương.
Nhà Vua và Quần Thần nghe nói là sứ giả của Đức Thế Tôn nên tất cả đều vui mừng.
Đại Vương hỏi sứ giả: Đức Thế Tôn sai ngươi đến đây có dạy bảo ta điều gì chăng?
Sứ giả tâu: Đức Phật bảo cho Đại Vương biết, tội ác nghịch giết cha của Đại Vương, do hướng về Đức Như Lai sám hối, nên tội bị đọa vào địa ngục trong một ngày bằng năm trăm ngày trên thế gian của Đại Vương nay đã thoát khỏi. Phật dạy Đại Vương cần phải tự cải bỏ những lỗi lầm trong quá khứ, không được tái phạm trong vị lai, chớ nên sầu muộn.
Nhà Vua nghe nói như vậy, không sao kiềm chế được nỗi vui mừng, liền xoay mặt từ xa trông về hướng Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, bạch: Con đã tạo tội nghịch ác phải ở trong địa ngục, nay được ra khỏi.
Rồi nhà Vua quay lại nói với sứ giả: Nay nhà ngươi vì ta đem đến tin vui này thật không sao diễn tả hết! Tùy ngươi muốn những gì ta sẽ ban cho.
Sứ giả tâu: Nước Tỳ Xá Ly của chúng tôi đang có tật dịch hoành hành, muốn cung thỉnh Đức Thế Tôn quang lâm đến để cả nước được nhờ ân tế độ. Cúi mong Đại Vương vui lòng để Đức Phật ra đi.
Nhà Vua liền tùy hỷ và bảo sứ giả: Ngươi trở về tâu với Vua của nhà ngươi: Ta từ cửa thành cho đến bến Sông Hằng, lo tu bổ đường sá, dùng hoa rải trên mặt đường, hai bên cờ phướn thẳng hàng tới bờ sông, quân lính cả nước đứng hầu, tiễn đưa Đức Phật đến tận bến sông.
Nước ông cũng phải từ thành Tỳ Xá Ly cho đến bờ Sông Hằng, lo sửa sang đường sá, rải các hoa hương và hai bên đường đều có cờ phướn chỉnh tề, tất cả thần dân, binh lính toàn nước phải ra tận bờ Sông Hằng để cung nghinh Đức Thế Tôn. Nếu đúng như vậy ta sẽ hoan hỷ để Đức Phật ra đi, còn không được như thế thì ta nhất định sẽ xin Phật ở lại.
Sứ giả nước Tỳ Xá Ly nghe lời chỉ bảo của Vua A Xà Thế thì hết sức vui mừng, liền cáo từ nhà Vua trở lại Tinh Xá, đầu mặt sát đất đảnh lễ thưa lại với Đức Phật đầu đuôi như vậy. Đức Thế Tôn liền chấp nhận. Sứ giả lễ Phật rồi vội vã ra về.
Sứ giả về tới thành Tỳ Xá Ly, đem mọi sự tâu lên Vua mình.
Nhà Vua nghe qua thì vô cùng vui mừng và nghĩ: Trong nước ta cũng nên gieo giống phước đức. Tức thì ra lệnh cho tu bổ đường sá từ cửa thành Tỳ Xá Ly tới bến Sông Hằng, tất cả đều được sạch sẽ, rải các hoa thơm, xông hương thơm, hai bên đường bày la liệt cờ phướn thẳng hàng.
Nhà Vua Tỳ Xá Ly lại lệnh cho thần dân đánh chuông trống và tấu các thứ kỹ nhạc đến tận bờ Sông Hằng để nghinh rước Phật. Nhà Vua đem năm trăm chiếc lọng báu dâng cúng Đức Thế Tôn.
Vua nước Ma Kiệt Đà cũng ra lệnh tu bổ đường sá, tất cả đều được sạch sẽ, rải các hoa thơm, treo các cờ phướn đến tận bờ sông, quân lính cả nước cùng các dân chúng còn đánh chuông, thúc trống, tấu các thứ kỹ nhạc vang rền khắp Trời đất cùng đứng hầu tiễn Đức. Nhà Vua đem năm trăm chiếc lọng báu ra tận Sông Hằng cúng dường Đức Thế Tôn.
Vua Cõi Trời Tứ Thiên, Vua Cõi Trời Đao Lợi, Vua Cõi Trời Hóa Ứng Thinh, mỗi vị cùng vô số Chư Thiên cõi mình, đều đem theo các thứ ngọc quý Cõi Trời đẹp đẽ lạ thường cùng các thứ hoa hương, vô số kỹ nhạc và năm trăm lọng báu đến dâng cúng Đức Thế Tôn.
Vua Cõi Trời Phạm Thiên thứ bảy cho đến cõi Thủ Đà Hội Thiên, các Thiên Vương này cùng các Thiên Tử, mỗi vị đều đem theo các thứ hoa hương, kỹ nhạc và năm trăm chiếc lọng báu của Cõi Trời đến dâng cúng Đức Thế Tôn.
Vua loài A Tu La là Tỳ Ma Tỳ La cùng vô số dân A Tu La đem các ngọc quý, các thứ hoa hương, vô số kỹ nhạc và năm trăm lọng báu đến dâng cúng Đức Thế Tôn.
Long Vương Ta kiệt la cùng vô số Rồng quyến thuộc, mỗi vị đều đem theo vô số hương thơm, trổi các thứ kỹ nhạc và năm trăm lọng báu đến dâng lên cúng dường Đức Thế Tôn.
Tổng cộng số lọng báu cúng dường cho Đức Thế Tôn là ba ngàn chiếc. Đức Phật để lại một chiếc, còn bao nhiêu thì thọ nhận. Chiếc lọng báu để lại với dụng ý che chở cho hàng đệ tử sau này khiến họ được cúng dường.
Ngay lúc ấy, vô số Chư Thiên, muôn dân, Rồng, A Tu La, nhiều không thể kể xiết, cùng nhau kéo đến Tinh Xá Trúc lâm, nơi Đức Phật đang ngự.
Vua nước Tỳ Xá Ly và các thần dân đều nói: Ngày nay Đức Phật sẽ vượt qua Sông Hằng, chúng ta cùng nhau dùng năm trăm chiếc thuyền để đưa Đức Phật qua sông.
Vua và thần dân nước Ma Kiệt Đà cũng nói: Ngày nay, Đức Phật sẽ qua sông, chúng ta phải dùng năm trăm chiếc thuyền để đưa tiễn.
Chư Thiên mỗi tầng Trời cũng đều sấm sửa năm trăm chiếc thuyền quý. Các loài A Tu La cũng cùng nhau tạo ra năm trăm thuyền quý. Lúc ấy, loài Rồng bèn tự đem thân mình bện thành năm trăm chiếc cầu, muốn Đức Thế Tôn giẫm trên thân mình để qua khỏi sông.
Bấy giờ, Đức Phật nhận thấy tất cả Chư Thiên, dân chúng, Rồng, A Tu La. Mỗi loài đều có tâm hoan hỷ cúng dường, nên để cho tất cả chúng sinh đều được phước, Đức Phật đã dùng hóa thân biến hiện khắp trên các thuyền.
Chư Thiên, dân chúng, Rồng, A Tu La, mỗi loài đều tự thấy Đức Như Lai Thế Tôn chỉ ở trên thuyền của mình, còn các thuyền khác thì không có. Với cách thức như thế, Đức Như Lai đã đi qua khỏi sông.
Vô số Chư Thiên đầy trong hư không rải các hoa quý, đốt các hương thơm vi diệu lạ thường, trổi các kỹ nhạc. Dân chúng, Rồng, A Tu La đều cũng rải các hoa quý, xông các hương thơm và tấu các kỹ nhạc được gặp Thế Tôn nên lòng vui mừng vô hạn.
Lúc ấy, Đức Như Lai quán biết Chư Thiên, muôn dân trong ba cõi đều đem tâm vui mừng, hớn hở cúng dường Đức Như Lai. Đức Như Lai muốn nêu bày về nhân nơi đời trước của mình khi còn tu hạnh Bồ Tát, nên liền mỉm cười, hào quang ngũ sắc từ nơi kim khẩu phóng ra, mỗi đạo hào quang phát xuất vô số tia sáng, mỗi tia sáng hiện một hoa sen báu, trên mỗi hoa sen có hóa thân Phật.
Tất cả hào quang chia làm năm phần: Phần hào quang thứ nhất chiếu sáng rõ Cõi Dục, Cõi Sắc và Vô Sắc. Chư Thiên trong ba cõi thấy hào quang ấy và các vị Hóa Phật, tất cả đều hoan hỷ, xa lìa dục lạc, hướng về Đức Hóa Phật nghe thuyết Kinh Pháp.
Vô lượng Chư Thiên nghe Kinh Pháp, lòng vô cùng vui mừng, đều chứng được các quả vị, có người chứng quả Tu Đà Hoàn, có người chứng quả Tư Đà Hàm, có người chứng quả A Na Hàm, có người chứng quả A La Hán, có người phát tâm cầu đạt đạo quả đại bồ đề, chứng bậc bất thoái chuyển.
Phần hào quang thứ hai chiếu vào loài người trong tam thiên đại thiên Thế Giới, chư vị Hóa Phật trong hào quang biến khắp các Thế Giới. Tất cả dân chúng khi thấy được ánh sáng đó thì cũng đều thấy được Hóa Phật.
Đối với những kẻ nào lòng đầy sân hận thì tâm sân hận ấy liền được tiêu diệt và đều phát tâm từ bi. Đối với những kẻ lửa dâm dục hẫy hừng thì tâm dâm dục ấy liền được tiêu trừ, nhận thức được sự bất tịnh. Đối với những kẻ tối tăm ngu si thì họ đều được tỉnh ngộ, rõ được bốn pháp vô thường.
Đối với những ai bị giam cầm trong ngục thì đều được phóng thích. Đối với kẻ mù thì được sáng, kẻ điếc được nghe, kẻ câm được nói, kẻ chân tay què quặt thì được hoàn hảo, người tàn tật hay mắc phải một trăm thứ bệnh cũng đều được lành khỏi. Tất cả dân chúng không một ai là không vui mừng, đều lìa bỏ sự đam mê dục lạc, hướng về Hóa Phật.
Lúc đó, mỗi vị Hóa Phật đều thuyết pháp khiến tâm ý nơi mọi người đều được khai mở. Hoặc có kẻ dự vào Thánh đạo, có kẻ chứng quả Bất lai, có kẻ chứng quả Bất hoàn, có kẻ chứng bậc Vô trước A La Hán. Hoặc có kẻ phát tâm cầu đạo quả vô thượng chánh chân, trụ vững nơi pháp đại thừa không còn thoái chuyển. Số ấy không thể kể xiết.
Phần hào quang thứ ba chiếu khắp cõi ngạ quỷ, tất cả các vị Hóa Phật trong hào quang đều biến hiện khắp cảnh giới ngạ quỷ. Bao nhiêu ngạ quỷ trông thấy hào quang của Phật thì tự nhiên no nê không còn đói khát, thân tâm thanh tịnh dứt hết phiền não, nghe các vị Hóa Phật thuyết pháp đều hoan hỷ, tâm hạ tiện bỏn sẻn được tiêu trừ, sau khi mạng chung được sinh về Cõi Trời.
Phần hào quang thứ tư chiếu vào cảnh giới súc sinh trong đại thiên Thế Giới, tất cả loài cầm thú trông thấy hào quang của Phật, đều hết sức vui mừng, tâm lành tự động phát sinh, trái lại tâm độc ác của các loài cọp, sói, Rồng, rắn, sư tử.
Đều được tiêu diệt, ngay tức thì các loài ấy đều đem tâm yêu thương đối với nhau chứ không còn sát hại nhau nữa. Sau khi mạng chung, đều được sinh lên các Cõi Trời.
Phần hào quang thứ năm chiếu khắp cảnh địa ngục trong đại thiên Thế Giới, những chỗ tối tăm trong núi Thiết vi không đâu là không sáng tỏ.
Tất cả các chúng sinh trong tất cả các địa ngục khi trông thấy ánh hào quang này thì liền thấy Hóa Phật. Nên vô cùng vui mừng hớn hở, như lửa tắt, nước nóng trở thành mát, những cảnh khảo tra độc ác đều được dừng nghỉ. địa ngục Hàn băng bỗng nhiên ấm áp.
Chúng sinh trong địa ngục đã dứt được cảnh đau khổ nên vui mừng không thể kể xiết. Lúc ấy, các vị Hóa Phật, mỗi vị đều vì chúng sinh trong địa ngục mà thuyết pháp, khiến tâm họ được khai ngộ, ngay khi xả bỏ thân mạng được sinh lên các Cõi Trời.
Ngay vào lúc các vị Hóa Phật trong hào quang biến hiện đầy khắp trong Cõi Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới thì chúng sinh trong năm đường đều được giải thoát.
Phàm hào quang của Đức Như Lai phát ra và nhập vào một chốn nào thì đều có chỗ tương ứng: Như Hóa Phật muốn nói về việc địa ngục, thì hào quang Hóa Phật phát ra từ lòng bàn chân Đức Thế Tôn để đi vào cõi kia.
Như Hóa Phật muôn nói về việc súc sinh, thì hào quang Hóa Phật phát ra từ trên bàn chân Đức Thế Tôn để đi vào cõi ấy.
Như Hóa Phật muốn nói về việc ngạ quỷ thì hào quang Hóa Phật phát ra từ mắt cá và ống chân Đức Thế Tôn để đi vào cảnh giới đó.
Như Hóa Phật muốn nói về việc nơi cõi người, thì hào quang Hóa Phật phát ra từ bắp vế Đức Thế Tôn để đi vào.
Như Hóa Phật muốn nói về việc của Chuyển Luân Thánh Vương, thì hào quang Hóa Phật phát ra từ rún Đức Thế Tôn để đi vào.
Như Hóa Phật muốn nói về việc A La Hán, thì hào quang Hóa Phật phát ra từ kim khẩu Đức Thế Tôn để hội nhập.
Như Hóa Phật muốn nói về việc Bích Chi Phật, thì hào quang Hóa Phật phát ra từ chặng giữa hai hàng lông mày Đức Thế Tôn để hội nhập.
Như Hóa Phật muốn nói về việc Bồ Tát, thì hào quang Hóa Phật phát ra từ trên đảnh đầu Đức Thế Tôn để hội nhập.
Như Hóa Phật muốn nói về việc quá khứ, thì hào quang Hóa Phật phát ra từ phía sau lưng Đức Thế Tôn để hội nhập.
Như Hóa Phật muốn nói về việc hiện tại và vị lai, thì hào quang Hóa Phật phát ra từ phía trước Đức Thế Tôn để hội nhập.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba Mươi Tám - Pháp Hội đại Thừa Phương Tiện - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh ưu Bà Tắc Giới - Phẩm Hai Mươi Bảy - Thiền Ba La Mật
Phật Thuyết Kinh Hải Long Vương - Phẩm Một - Phẩm Hạnh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thánh Mặc Nhiên
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Sáu - Phẩm Vương Tương ưng - Kinh Tần Bệ Sa La Vương Nghinh Phật
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Văn Thù Thi Lợi Hành
Phật Thuyết Kinh Diệu Pháp Thánh Niệm Xứ - Phần Mười Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Mười Sáu - Phẩm Bát Nhã Ba La Mật đa - Phần Sáu