Phật Thuyết Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm đàm Vô Kiệt
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
TIỂU PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẨM HAI MƯƠI TÁM
PHẨM ĐÀM VÔ KIỆT
Bấy giờ Bồ Tát Đàm Vô Kiệt nói với Bồ Tát Tát Đà Ba Luân: Này thiện nam! Chư Phật vốn không có chỗ từ đâu đến, cũng không có chỗ đi.
Vì sao?
Vì các pháp vốn như thật, bất động nên các pháp như thật, bất động đó tức là Như Lai.
Này thiện nam! Vô sinh vốn không đến không đi nên vô sinh đó tức là Như Lai. Vì thật tế vốn không đến, không đi nên thật tế tức là Như Lai. Vì không vốn không đến, không đi nên không đó tức là Như Lai.
Vì sự dứt bỏ vốn không đến, không đi nên sự dứt bỏ đó tức là Như Lai. Vì xa lìa vốn không đến, không đi nên xa lìa đó tức là Như Lai. Vì tịch diệt vốn không đến, không đi nên sự tịch diệt đó tức là Như Lai. Vì tánh của hư không vốn không đến, không đi nên tánh của hư không đó tức là Như Lai.
Này thiện nam! Nếu lìa các pháp đó thì sẽ không có Như Lai. Như của các pháp và Như của chư Như Lai đều là một Như, không hai, không khác.
Này thiện nam! Như đó chỉ có một, không có hai, không có ba, nếu lìa các số ấy thì sẽ không có gì cả.
Này thiện nam! Ví như vào tháng cuối cùng của mùa xuân, lúc giữa ngày nóng bức, có người thấy ánh nắng dợn sóng bèn đuổi theo mong tìm được nước.
Này thiện nam! Ý ông thế nào?
Nước ấy từ đâu đến?
Từ biển Đông đến hay là từ biển Nam, Tây, Bắc đến?
Tát Đà Ba Luân thưa với Đại Sư: Thưa Đại Sư! Trong sóng nắng còn không có nước, huống gì có chỗ đến và chỗ đi. Nhưng vì kẻ ngu si không có trí ở chỗ không có nước mà sinh ra ý nghĩa có nước, chư thật sự không có nước.
Bồ Tát Đàm Vô Kiệt nói với Tát Đà Ba Luân: Này thiện nam! Nếu có người nào dựa vào sắc thân và âm thanh của Đức Như Lai mà sinh tâm đắm trước thì những hạng người ấy sẽ phân biệt và tưởng rằng Chư Phật có đến và có đi.
Phải biết những hạng người này là ngu si, không có trí: Như chỗ không có nước mà tưởng rằng có nước.
Vì sao?
Vì không thể dùng sắc thân để thấy Chư Phật Như Lai được. Bởi vì Chư Phật Như Lai đều là pháp thân.
Này thiện nam! Thật tướng của các pháp vốn không có đến và không có đi nên Chư Phật Như Lai cũng lại như vậy.
Này thiện nam! Ví như nhà ảo thuật biến hóa ra các binh voi, binh ngựa, binh xe, binh bộ, nhưng chúng vốn không đến, đi, nên biết Chư Phật không đến, không đi cũng lại như vậy.
Này thiện nam! Giống như người trong giấc chiêm bao thấy có Như Lai hoặc một, hoặc hai, hoặc mười, hoặc hai mươi, hoặc năm mươi, hoặc một trăm hay hơn một trăm Như Lai, nhưng khi thức dậy rồi thậm chí chẳng thấy một Đức Như Lai, trong giấc mộng không có pháp nhất định đều là hư vọng.
Này thiện nam! Ý ông thế nào?
Chư Như Lai ấy có từ đâu đến và sẽ đi về đâu không?
Tát Đà Ba Luân bạch Đại Sư: Trong giấc mộng không có pháp quyết định đều là hư vọng.
Bồ Tát Đàm Vô Kiệt nói: Này thiện nam! Chư Như Lai nói tất cả các pháp đều là hư vọng giống như giấc mộng. Nếu người nào không biết các pháp là hư vọng như giấc mộng, thì người ấy chỉ dùng sắc thân, danh tự, ngôn ngữ, chương cú mà sinh tâm đắm trước.
Những hạng người như vậy, vì không hiểu thật tướng của các pháp nên mới phân biệt Chư Phật có đến, có đi. Nếu người nào đối với Chư Phật mà phân biệt có đến và đi thì phải biết kẻ đó là phàm phu không có trí. Do đó, họ luôn luôn bị sinh tử trong sáu đường, xa lìa bát nhã Ba la mật và xa lìa Phật Pháp.
Này thiện nam! Người nào có thể như thật biết Chư Phật nói tất cả các pháp là hư vọng như chiêm bao thì người ấy đối với các pháp không phân biệt có đến, có đi, có sinh, có diệt. Vì nếu không phân biệt tất cả các pháp thì người ấy nhờ thật tướng của các pháp mà quán Như Lai.
Nếu nhờ thật tướng của các pháp mà biết Như Lai thì người ấy không phân biệt Như Lai hoặc đến, hoặc đi. Nếu có khả năng biết thật tướng của các pháp như vậy thì người ấy đã hành bát nhã Ba la mật, gần Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, gọi người ấy là đệ tử chân chánh của Phật. Do đó, được nhận sự cúng dường trong nước nhưng không uổng phí, vì người đó là ruộng phước của thế gian.
Này thiện nam! Ví như trong biển lớn có các loại trân bảo, nhưng các trân bảo này không từ phương Đông đến, cũng không từ phương Nam, phương Tây, phương Bắc, mà đến cũng chẳng từ bốn phương góc trên dưới mà đến, chỉ do nhân duyên phước đức của chúng sinh nên biển sinh ra các trân bảo này. Chẳng phải không nhân duyên mà có, khi các báu diệt mất nó cũng không đi đến mười phương. Hễ các duyên hợp thì có, còn các duyên diệt thì rời tan.
Này thiện nam! Thân của chư Như Lai cũng lại như vậy, không có pháp quyết cố định nên cũng không từ mười phương đến, cũng chẳng không có nguyên nhân mà có vật gì sinh ra mà không có nguyên nhân của nó, chỉ do nguồn gốc tạo tác của nghiệp mà sinh ra nên mới có quả báo. Vì vậy, các duyên hợp thì có, còn các duyên diệt thì không có.
Này thiện nam! Ví dụ như âm thanh của cây đàn không hầu nó không từ đâu đến cũng không đi về đâu, nó chỉ phụ thuộc vào các nhân duyên như có dây đàn, có cái phím, có cây côn, có người dùng tay để đánh đàn.
Khi các duyên hợp thì có tiếng đàn, tiếng đàn ấy không phải từ dây đàn phát ra, không từ cái phím, không từ cây côn, cũng không phải từ tay của người phát ra, mà nó chỉ do các duyên hợp lại mới phát ra tiếng đàn và những tiếng đàn ấy cũng không từ đâu đến. Hễ các duyên tan rã thì nó diệt, nó cũng không đi về đâu cả.
Này thiện nam! Thân của chư Như Lai cũng lại như vậy, đều phụ thuộc vào các nhân duyên của vô lượng phước đức mà được thành tựu, chứ không từ một nhân duyên hay một phước đức nào mà sinh. Cũng chẳng không có nhân và không có duyên mà có. Hễ các duyên hợp thì chúng có, nhưng không từ đâu đến. Khi các duyên tan thì chúng diệt, nhưng chúng cũng không đi về đâu.
Này thiện nam! Phải nên quán sát tướng đến và đi của chư Như Lai như vậy và cũng nên quán sát tướng của các pháp như vậy.
Này thiện nam! Nếu ông quán sát các Đức Như Lai và tất cả pháp như thế, đó là không đến, không đi, không sinh, không diệt, thì nhất định ông sẽ đạt đến Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, cũng được hiểu rõ phương tiện bát nhã Ba la mật.
Khi Bồ Tát Đàm Vô Kiệt nói với Tát Đà Ba Luân về pháp không đến, không đi của chư Như Lai thì cả đại địa trong tam thiên đại thiên thế giới đều chấn động, cung điện của Chư Thiên cũng đều chấn động, cung điện của các ác ma không còn hiện ra nữa. Lúc ấy cây cối, cỏ hoa trong tam thiên đại thiên thế giới đều nghiêm hướng về Đại Bồ Tát Đàm Vô Kiệt và đều trổ ra những loại hoa đẹp sái mùa.
Bấy giờ ở giữa hư không, Thích Đề Hoàn Nhân và Tứ Thiên Vương đem mưa bột chiên đàn cùng các loại hoa Trời nổi tiếng rải tung lên Bồ Tát Đàm Vô Kiệt và nói với Bồ Tát Tát Đà Ba Luân: Thưa Nhân Giả!
Nhờ Ngài mà hôm nay chúng con được nghe điều quan trọng nhất, Đệ nhất nghĩa đế. Điều khó gặp gỡ ở tất cả thế gian, nay bản thân thấy song không thể nào theo kịp. Mà nay đích thân chúng con đích thân thấy nhưng không thể làm được.
Khi ấy Bồ Tát Tát Đà Ba Luân thưa với Bồ Tát Đàm Vô Kiệt: Vì nhân duyên gì mà cả đại địa chấn động?
Bồ Tát Đàm Vô Kiệt trả lời: Trước đây do ông hỏi về việc không đến, không đi của Đức Như Lai, khi ta trả lời cho ông có tám ngàn người đắc vô sinh pháp nhẫn, tám mươi na do tha chúng sinh phát tâm cầu Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, tám vạn bốn ngàn chúng sinh xa lìa cảnh trần nhơ bẩn, thấy được chân đế một cách rõ ràng sáng tỏ ở trong các pháp.
Vừa nghe xong tâm của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rất là hoan hỷ và nghĩ: Nay ta được lợi ích tốt lành rồi, ta cũng đã nghe trong bát nhã Ba la mật về việc không đến, không đi của Chư Phật, được làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh như vậy nên căn lành của ta đã đến lúc đầy đủ đối với địa vị Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, tâm ta không còn hồ nghi và hối tiếc gì nữa, chắc chắn ta cũng sẽ thành Phật.
Nhờ nhân duyên được nghe pháp mà tâm của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rất hoan hỷ, Ngài liền bay lên hư không cao bảy cây Đa La và nghĩ: Nay ta phải đem vật gì để cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt?
Biết được tâm niệm của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, Thích Đề Hoàn Nhân liền lấy hoa Trời Mạn đà la đem đưa cho Tát Đà Ba Luân và nói: Ngài hãy đem hoa này dâng lên cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt. Này thiện nam, chúng con sẽ giúp đỡ để Ngài tròn sở nguyện.
Vì nhờ nhân duyên cầu pháp của Ngài mà làm cho vô lượng chúng sinh được lợi ích. Này thiện nam, người như vậy rất là khó được gặp. Vị ấy có thể vì tất cả chúng sinh mà phải trải qua vô lượng A tăng kỳ kiếp qua lại luân hồi trong sinh tử.
Bấy giờ, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân nhận hoa Mạn đà la của Thích Đề Hoàn Nhân rồi rải lên cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, từ trên hư không hạ xuống, Ngài cúi đầu làm lễ rồi bạch với Đại Sư: Từ ngày hôm nay con xin đem thân này để cung phụng và tôn thờ Đại Sư.
Thưa xong, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân chắp tay và lui đứng qua một bên.
Bấy giờ con gái ông trưởng giả và năm trăm thị nữ thưa với Bồ Tát Tát Đà Ba Luân: Hôm nay chúng con cũng xin đem thân này để phụng thờ Ngài. Vì nhờ nhân duyên trồng căn lành này của Ngài nên chúng con mới được pháp lành như vậy. Chúng con nguyện đời đời thường cúng dường Chư Phật và luôn luôn cùng nhau gần gũi với Chư Phật.
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân trả lời các cô gái: Nếu các cô thành tâm đem thân mình để phụng sự ta thì các cô phải thực hành theo điều hướng dẫn của ta.
Các cô gái thưa: Chúng con đã thành tâm đem thân mình để phụng sự cho Ngài rồi thì chúng con sẽ thực hành theo những điều mà Ngài hướng dẫn.
Bấy giờ Tát Đà Ba Luân đem con gái trưởng giả cùng năm trăm thị nữ mang đủ các loại vật báu trang nghiêm và năm trăm cỗ xe kính dâng lên Bồ Tát Đàm Vô Kiệt và thưa: Nay con đem con gái trưởng giả cùng với năm trăm thị nữ đến để phụng sự Đại Sư và cả năm trăm cỗ xe này nữa xin Ngài hãy tùy ý mà sử dụng.
Khi ấy, Thích Đề Hoàn Nhân khen Bồ Tát Tát Đà Ba Luân: Lành thay, lành thay! Vị Đại Bồ Tát nên học tất cả các pháp xả như vậy. Vì nhờ có tất cả các pháp xả đó mà Bồ Tát mới có thể mau chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Xưa kia, các vị Bồ Tát vì nghe phương tiện bát nhã Ba la mật cũng như Ngài ngày nay đã cúng dường Đại Sư vậy. Chư Phật quá khứ khi xưa hành Bồ Tát đạo các Ngài cũng trụ trong pháp xả đó như Ngài vì nghe bát nhã Ba la mật mà cúng dường Pháp Sư để nghe phương tiện bát nhã Ba la mật. Và cũng nhờ trụ trong pháp xả ấy tu tập mà các Ngài mới chứng được quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Khi ấy, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt muốn khiến cho Bồ Tát Tát Đà Ba Luân được đầy đủ căn lành nên nhận con gái trưởng giả cùng năm trăm thị nữ và năm trăm cỗ xe. Nhận xong, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt giao lại cho Tát Đà Ba Luân, rồi từ tòa cao đứng dậy mà đi vào cung.
Lúc này mặt Trời đã lặn, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân liền suy nghĩ: Ta vì pháp đến đây thì chớ nên ngồi nằm, mà phải theo hai việc: Hoặc là đi, hoặc là đứng để đợi Pháp Sư đi ra cung điện thuyết pháp.
Bấy giờ, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt suốt bảy năm thường nhập vô lượng tam muội của Bồ Tát và trụ trong vô lượng phương tiện bát nhã Ba la mật, Ngài quán sát thấy Bồ Tát Tát Đà Ba Luân cũng suốt bảy năm mà chỉ đi hoặc đứng, không hề ngủ nghỉ, không nhớ nghĩ các dục, chẳng nhớ nghĩ đến vị ngon, vị ấy chỉ nhớ nghĩ: Khi nào Bồ Tát Đàm Vô Kiệt xuất thiền thì ta sẽ trải pháp tòa để Ngài ngồi Thuyết Pháp. Ta sẽ quét dọn đất sạch sẽ và rải các loại hoa.
Trong thời gian Bồ Tát Đàm Vô Kiệt đang thuyết giảng phương tiện bát nhã Ba la mật thì con gái trưởng giả và năm trăm thị nữ cũng suốt bảy năm họ đều thực hành theo những việc như Tát Đà Ba Luân.
Bấy giờ Tát Đà Ba Luân nghe tiếng giữa hư không bảo: Này thiện nam! Bảy ngày sau, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt xuất định và Ngài sẽ ngồi trên pháp tòa trong thành để thuyết pháp.
Vừa nghe tiếng giữa hư không nói như vậy, Tát Đà Ba Luân rất vui mừng. Ngài cùng với con gái trưởng giả và năm trăm thị nữ trải đại pháp tòa cho Bồ Tát Đàm Vô Kiệt.
Lúc này, các cô gái cởi thượng y của mình chất lên làm pháp tòa và nghĩ: Bồ Tát Đàm Vô Kiệt sẽ ngồi trên pháp tòa này mà giảng nói phương tiện bát nhã Ba la mật.
Bồ Tát Tát Đà Ba Luân muốn lấy nước để vẩy trên đất chỗ pháp tòa, nhưng tìm nước không được.
Vì sao?
Vì ác ma ẩn giấu làm cho nước không hiện ra và nghĩ: Tát Đà Ba Luân tìm nước không được thì ông sẽ buồn rầu, tâm niệm của ông ấy sẽ thay đổi căn lành không tăng trưởng và trí tuệ sẽ không chiếu sáng.
Tát Đà Ba Luân tìm nước không được liền nghĩ: Ta phải cắt thân mình lấy máu để rưới vẩy trên đất.
Vì sao vậy?
Vì bụi đất ở đây sẽ dính vào Đại Sư.
Tại sao ta phải dùng thân này?
Vì không bao lâu thân này sẽ hư hoại. Nay ta thà vì pháp mà chịu mất thân, chứ không để thân này chết một cách vô ích. Cũng vì tham mê năm dục mà chính ta phải mất vô số thân nên phải qua lại trong sinh tử. Ta chưa từng được vì pháp mà chết như vậy. Tát Đà Ba Luân liền lấy dao bén cắt khắp thân để lấy máu vẩy lên đất.
Con gái trưởng giả và năm trăm thị nữ cũng bắt chước Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, mỗi mỗi người đều cắt thân lấy máu để vẩy lên đất. Bồ Tát Tát Đà Ba Luân và các cô gái đó cho đến một niệm cũng không có tâm nào khác. Do đó, bọn ác ma không thể nào phá hoại và làm chướng ngại căn lành của họ.
Khi ấy Thích Đề Hoàn Nhân suy nghĩ: Thật chưa từng có ai như vậy. Chỉ vì kính trọng pháp một cách kiên trì và muốn phát đại trang nghiêm mà Bồ Tát Tát Đà Ba Luân không tiếc thân mạng. Vị ấy đã đem thân tâm hướng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Giác thì sẽ được chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác để cứu độ và giải thoát cho vô lượng chúng sinh đang bị khổ não trong sinh tử.
Ngay khi ấy, Thích Đề Hoàn Nhân liền biến máu vẩy trên đất thành nước chiên đàn màu đỏ của Trời, còn bốn bên pháp tòa khoảng một trăm do tuần thì mùi thơm chiên đàn của Trời tỏa khắp nơi, Thích Đề Hoàn Nhân khen ngợi: Lành thay, lành thay, này thiện nam! Sức tinh tấn của Ngài thật không thể nghĩ bàn. Với tâm kính trọng pháp và cầu pháp của Ngài quả là cao tột.
Này thiện nam! Chư Phật thời quá khứ cũng đều như vậy, các Ngài đem tâm chuyên cần tinh tấn để kính trọng pháp và cầu pháp. Và cũng nhờ sự tu tập đó mà Chư Phật chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Giác.
Bấy giờ Tát Đà Ba Luân nghĩ: Ta vì Bồ Tát Đàm Vô Kiệt mà đã trải pháp tòa quét dọn và rưới đất sạch sẽ, bây giờ làm sao trên đất này lại tìm được hoa thơm mà trang hoàng để cúng dường tại tòa thuyết pháp của Bồ Tát Đàm Vô Kiệt?
Biết tâm niệm của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân, Thích Đề Hoàn Nhân liền đem ba ngàn hoa Trời Mạn đà la trao cho Tát Đà Ba Luân và nói: Này thiện nam! Ngài hãy lấy hoa Trời Mạn đà la này mà trang hoàng đất ấy để cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt.
Nhận hoa xong, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân liền lấy một nửa đem rải trên đất, còn một nửa Ngài cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt.
Bảy ngày trôi qua, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt đã xuất định và cùng vô lượng trăm ngàn vạn chúng cung kính vây quanh theo Ngài đi đến chỗ pháp tòa. Và trên pháp tòa ấy, Bồ Tát Đàm Vô Kiệt ngồi thuyết giảng bát nhã Ba la mật.
Vừa thấy Bồ Tát Đàm Vô Kiệt, tâm của Bồ Tát Tát Đà Ba Luân rất vui mừng. Ví như Tỳ Kheo đang chứng vào cảnh thiền thứ ba. Ngay khi ấy Tát Đà Ba Luân và năm trăm thị nữ liền lấy hoa rải tung lên cúng dường Bồ Tát Đàm Vô Kiệt và tất cả họ đều cúi đầu mặt lạy sát dưới chân Ngài rồi lui đứng qua một bên.
Nhân vì Tát Đà Ba Luân mà Bồ Tát Đàm Vô Kiệt nói với đại chúng:
Vì các pháp bình đẳng nên bát nhã Ba la mật cũng bình đẳng.
Vì các pháp xa lìa nên bát nhã Ba la mật cũng xa lìa.
Vì các pháp bất động nên bát nhã Ba la mật cũng bất động.
Vì các pháp vô niệm nên bát nhã Ba la mật cũng vô niệm.
Vì các pháp vô úy nên bát nhã Ba la mật cũng vô úy.
Vì các pháp là một vị nên bát nhã Ba la mật cũng một vị.
Vì các pháp vô biên nên bát nhã Ba la mật cũng vô biên.
Vì các pháp vô sinh nên bát nhã Ba la mật cũng vô sinh.
Vì các pháp vô diệt nên bát nhã Ba la mật cũng vô diệt.
Như hư không vô biên nên bát nhã Ba la mật cũng vô biên.
Như biển lớn vô biên nên bát nhã Ba la mật cũng vô biên.
Như núi Tu Di trang nghiêm nên bát nhã Ba la mật cũng trang nghiêm.
Như hư không không có phân biệt nên bát nhã Ba la mật cũng không có phân biệt.
Vì sắc vô biên nên bát nhã Ba la mật cũng vô biên.
Vì thọ, tưởng, hành, thức vô biên nên bát nhã Ba la mật cũng vô biên.
Vì địa chủng vô biên nên bát nhã Ba la mật cũng vô biên.
Vì thủy chủng, hỏa chủng, phong chủng và không chủng vô biên nên bát nhã Ba la mật cũng vô biên.
Như Kim cang bình đẳng nên bát nhã Ba la mật cũng bình đẳng.
Vì các pháp không hư hoại nên bát nhã Ba la mật cũng không hư hoại.
Vì tánh của các pháp chẳng thể nắm bắt nên tánh của bát nhã Ba la mật cũng chẳng thể nắm bắt.
Vì các pháp không bình đẳng nên bát nhã Ba la mật cũng không bình đẳng.
Vì các pháp không có sự tạo tác nên bát nhã Ba la mật cũng không có sự tạo tác.
Vì các pháp không thể nghĩ bàn nên bát nhã Ba la mật cũng không thể nghĩ bàn.
Khi ấy ngay chỗ ngồi, Bồ Tát Tát Đà Ba Luân liền đắc tam muội các pháp bình đẳng, tam muội các pháp xa lìa, tam muội các pháp bất động, tam muội các pháp vô niệm, tam muội các pháp không sợ hãi, tam muội các pháp một vị, tam muội các pháp không có biên giới.
Tam Muội các pháp vô sinh, tam muội các pháp vô diệt, tam muội các pháp hư không vô biên, tam muội biển cả không bờ bến, tam muội núi Tu Di trang nghiêm, tam muội như hư không không có sự phân biệt, tam muội sắc vô biên, tam muội thọ, tưởng, hành, thức vô biên.
Tam Muội địa chủng vô biên, tam muội thủy chủng, hỏa chủng, không chủng vô biên, tam muội như kim cang bình đẳng, tam muội các pháp bất hoại, tam muội tánh các pháp tánh chẳng thể nắm bắt, tam muội các pháp không gì sánh bằng, tam muội các pháp không có chỗ tạo tác, tam muội các pháp không thể nghĩ bàn Bồ Tát Tát Đà Ba Luân đã đắc sáu trăm vạn pháp môn tam muội như vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba