Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tòng đâu Thuật Thiên Hàng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ - Phẩm Tám - Phẩm Bát Chủng Thân

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần

PHẬT THUYẾT

KINH BỒ TÁT TÒNG ĐÂU

THUẬT THIÊN HÀNG THẦN MẪU

THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần  

PHẨM TÁM

PHẨM BÁT CHỦNG THÂN  

Phật dạy: Các Đại Bồ Tát bậc học, vô học và bốn bộ chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đến đây hội họp đều được tất cả chúng sanh cúng dường. 

Hoặc có chúng sanh ở Kiến Địa, Bạc Địa, Tịnh Địa, Như Lai Địa, Bích Chi Phật Địa, Bất Thối Chuyển Địa, Đạo Tràng Địa, Thuyết Pháp Địa. Nhờ tám Địa này mà thành Vô Thượng Đẳng Chánh Giác.

Kiến Địa là gì?

Là Bồ Tát phát tâm hướng lên ngôi vô thượng bồ đề. Lại có Bồ Tát từ lúc mới phát tâm cho đến lúc ngồi dưới cây Thọ Vương, tự điều phục tâm dục của mình, chiến thắng quân ma thì nhập định tam muội ngay chỗ ngồi.

Tam muội ấy là:

Khử tật đố tam muội.

Tâm thắng tam muội.

Bí tàng tam muội.

Trừ si tam muội.

Oai thần phục tam muội.

Như Chư Phật Thế Tôn vô ngôn giáo tam muội.

Thị hiện biến hóa tam muội.

Khi ấy, Tệ Ma Ba Tuần đến quấy nhiễu Phật. Nếu không phải sức của chính mình để đến thì đều nhờ oai thần của Như Lai ấy cảm vời ra.

Vì sao?

Vì muốn biểu hiện pháp thế tục yếu kém, còn pháp đệ nhất nghĩa thì thù thắng.

Vì sao?

Vì nếu Tệ Ma Ba Tuần nổi sân giận, la hét làm chấn động mặt đất thì Phật dùng nhẫn tam muội nên không sao bị lay động, còn khiến cho vô số Tệ Ma Ba Tuần ngã lăn ra đất, giống như dế, đĩa, kiến và ruồi,… không thể nào hành động được. Bọn Tệ Ma Ba Tuần y như vậy. Nếu con ma nào có đến cũng không thể nào động đến mảy lông ta được.

Khi ấy Thế Tôn dùng oai thần nhập vào định tam muội, làm chấn động đến Tệ Ma trong cảnh giới của một Đức Phật.

Các ác ma này tuyên bố: Sa Môn Cù Đàm tâm rất yếu mềm, không phải ý chí của trượng phu, vậy mà ở chỗ rất đáng sợ này lại muốn cầu Phật Đạo.

Phật dạy đại chúng: Tệ Ma Ba Tuần ấy là do Ta tạo ra.

Tâm ma ấy là tâm thiện hay tâm ác?

Lúc đó có vị Trời tên Câu Tỳ, bạch Phật: Phật chiến thắng ma không phải là lực của ma, mà là thần lực của Phật.

Vì sao?

Vì loài chúng sanh ấy không hiểu pháp thế tục mà lại dùng pháp đạo. Vì muốn giáo hóa các chúng sanh ấy nên Ngài chiến thắng cho ma đến. Trong đó chúng sanh thấy các ma, lòng không ưa thích nhìn thấy rõ ràng sự việc. Cả ngàn vạn chúng sanh lập tâm bất thối chuyển.

Lại nữa, Đại Bồ Tát từ Đao Lợi Thiên sanh vào mười phương cõi, không sanh theo thấp sanh, noãn sanh, hóa sanh, thai sanh giáo hóa chúng sanh. Những Bồ Tát này thành tựu căn vô ký nên chúng sanh được giáo hóa cũng thành tựu căn vô ký.

Vì sao?

Vì là cảnh giới Phật A Súc. Hoặc có Đại Bồ Tát từ Thế Giới Nhẫn sanh vào Cõi Phật Bắc Phương Quang Ảnh, thành tựu căn hữu ký và vô ký. Chúng sanh được giáo hóa cũng đều thành tựu căn hữu ký và vô ký. Đó là chúng sanh ở Cõi Phật Diệu Quang của Thế Giới Dục Lạc.

Hoặc có Đại Bồ Tát từ khi mới phát tâm cho đến lúc thành Phật, giữ tâm một bề không có tư tưởng nào cả và không sân, không giận, mong muốn sanh vào Cõi Phật Vô Lượng Thọ. Tất cả chúng sanh đều sanh vào cõi đó. Bốn bộ chúng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đều cùng một màu vàng ròng.

Về phương Tây, cách Diêm Phù Đề này mười hai ức na do tha có cõi nước tên Giải Mạn, dân trong Quốc Độ ấy ưa thích ca hát. y phục, trang sức, hương hoa, trang hoàng giường cửa bằng bảy báu.

Đưa mắt về phía Đông thì giường báu cũng chuyển theo, nhìn về phía Tây, Nam, Bắc đều cũng chuyển như vậy. Tất cả chúng sanh đều phát tâm muốn sanh về Cõi Phật A Di Đà, nhưng họ đều bị đắm nhiễm vào Cõi Giải Mạn nên không thể nào tiến lên để sanh vào Cõi Phật A Di Đà. Trong ức ngàn vạn người có một người có thể sanh vào Cõi Phật A Di Đà.

Vì sao?

Vì tâm họ không chấp trước, giải đãi, ngã mạn. Những chúng sanh này tự mình không sát sanh, cũng không bảo người khác sát sanh. Do có những phước báo như vậy nên họ sanh vào Cõi Vô Lượng Thọ.

Hoặc có Đại Bồ Tát đầy đủ sáu độ: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và giải thoát trí huệ, sanh vào Cõi Phật Dõng Dước ở phương Nam, cách Diêm Phù Đề này một ức Cõi Phật. Những chúng sanh ấy không có tư tưởng si, ái, dâm, dục.

Vì sao?

Vì họ đã đoạn diệt hết ba mươi sáu hành động dâm dục ở Cõi Dục, chủng tánh được thành tựu, việc làm đều thanh tịnh, giống như ánh sáng mặt trời không bị mây che. Chúng sanh cõi này hành mười hai hạnh Đầu Đà.

Mười hai hạnh ấy là gì?

Là ngày đêm ba thời, kinh hành, ngồi thiền không sai giờ giấc, ngồi dưới gốc cây, ở trong gò mã, ở nơi đất trống, ở chỗ hang đá không có người, sống chỗ nguồn suối, có lúc ăn một bữa, không ăn, mặc pháp phục tề chỉnh không mất oai nghi, có lúc nói pháp, có lúc không nói pháp, kinh hành xoay vòng biết vừa đủ, pháp để nói là: Thiểu dục là chân đạo, đa dục là phi đạo, dừng tâm định ý, hiểu pháp không vô tướng vô nguyện. Đó là những sự tu hành của Đại Bồ Tát ở cõi dõng dước.

Chúng sanh ấy chuyên học về Nhất Thừa, không có La Hán, Bích Chi Phật thừa, có đầy đủ tướng tốt, ca ngợi chánh pháp, hiểu về không, vô ngã.

Khi ấy, Thế Tôn liền nói kệ:

Tất cả hành đã diệt

Thức là pháp bên ngoài

Có sanh đều có diệt

Niết Bàn rất an lạc

Cúi lạy Phật dõng dước

Đấng Pháp Vương đệ nhất

Ngồi dưới cây Diêm Phù

Ban đầu phá lưới dục

Nói pháp độ quần sanh

Cúng dường các ruộng phước

Ngồi dưới cây tư duy

Phạm thiên đến khuyến thỉnh

Xin Ngài ra khỏi thiền

Thương xót kẻ ngu si

Khi ấy Phạm Thiên Vương

Tay cầm đàn lưu ly

Ca ngợi công đức Phật

Giọng êm ả dịu dàng

Với ức trăm ngàn kiếp

Có người phát tâm đạo

Tâm đạo gốc Bồ Tát

Ức kiếp có một lần

Xin mau ra khỏi thiền

Chuyển pháp luân vô thượng

Như hoa Ưu Đàm Bát

Lâu xa có một lần

Có Phật chiếu thế gian

Trừ tăm tối trần lao

Thế Giới Phật Dõng Dước

Nghe thí, giới thanh tịnh

Không giống Cõi Năng Nhẫn

Cứng cõi khó giáo hóa

Tư duy đạo thiền định

Diệt thân không thọ chứng

Ba chuyển, năm ngại pháp

Dây mười hai mắc xích

Đạo nghiệp ba mươi mốt

Mười sáu tâm từ bi

Tỏa phóng ánh sáng lớn

Chiếu khắp các Cõi Phật.

Sau khi nói kệ xong, Đức Phật dạy đại chúng trong hội: Về phương Đông Bắc, cách Thế Giới Năng Nhẫn này năm trăm Hằng hà sa cõi có nước tên Quả Thục, Phật Hiệu Hoa Anh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, hiện đang giảng pháp.

Lời nói đầu đều thiện, lời nói giữa đều thiện, lời nói cuối cũng đều thiện, ý vị thâm thúy, đồng tu phạm hạnh. Chúng sanh cõi ấy không có thai sanh, hóa sanh, thấp sanh và noãn sanh. Tất cả đều sanh từ hoa sen, có từ bi hỷ xả, một trăm lẻ bảy thần túc định ý khó có và đều cùng nhau tu tập tam muội Vương tam muội.

Tam muội ấy là:

Thủ Lăng Nghiêm tam muội.

Giác đạo tam muội.

Oai nghi cấm giới tam muội.

Trừ chúng sanh khổ bổn tam muội.

Tự chiếu quang minh tam muội.

Giác vị chúng sanh tam muội.

Một trăm lẻ bảy tam muội như vậy.

Quán thân bên trong, quán thân bên ngoài, quán trong ngoài thân.

Pháp trong, pháp ngoài, pháp trong ngoài.

Định trong, định ngoài, định trong ngoài.

Tư duy phân biệt, quán rõ vô hình, vô tưởng, vô niệm.

Đại Bồ Tát nhập vào môn giải thoát, quán tất cả pháp đều không tịch, vô hình.

Bấy giờ, Thế Tôn liền nói kệ:

Hư Không, không biên giới

Âm vang nói diệu pháp

Bồ Tát Cõi Quả Thục

Đấng tối thắng Hoa Anh

Không sanh bốn bào thai

Mà sanh từ hoa sen

Tưởng không ta không người

Tuổi thọ không thể lường

Quốc độ bằng bảy báu

Cũng như Diêm Phù Đề

Vua Chuyển Luân bảy báu:

Voi, ngựa, ngọc nữ báu

Giữ kho, bốn bộ binh,

Ma ni, xe báu vàng

Đi đâu cũng không ngại

Ma Ni báu cõi ấy

Chiếu khắp một Cõi Phật

Chiếu vô biên cũng vậy

Cõi ấy không nhật nguyệt

Tinh tú và lửa sáng

Phân biệt bốn diệu đế

Đạo vô thường, khổ, không

Khiến các chúng sanh ấy

Vô sanh đoạn diệt tưởng.

Nói kệ xong, Đức Phật dạy đại chúng: Về phương Tây Bắc, cách Diêm Phù Đề này bảy vạn hằng hà sa cõi, có cõi nước tên Bảo Lưu Ly, Phật Hiệu Huệ Thành Tựu, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn hiện đang nói pháp, lời nói đầu thiện, lời nói giữa thiện, lời nói cuối thiện.

Chúng sanh cõi ấy có tánh nhu hòa, quán đạo vô thường, xa lìa ba tai hại, không dâm nộ si, không có ba đường ác: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ với đại chúng:

Các nhập đường phiền não

Gây bốn loại điên đảo

Tất cả đều diệt tận

Như hư không không tướng

Tuổi thọ đến vô số

Không có ai chết yểu

Hành bốn pháp vô úy

Chứng quả không lay động

Ai sanh trong cõi ấy

Hành từ chứng tam muội

Như ta Thích Ca Văn

Dõng mãnh vượt kiếp số

Cho nước, của, vợ con

Không tưởng, không luyến tiếc

Này Phật Tử các ông

Phát nguyện sanh cõi ấy

Không có pháp Thanh Văn

Rõ nhân duyên thành Phật

Ở trong trăm ngàn kiếp

Siêng năng tu đạo đức

Trong mười sáu phần này

Chưa đạt được một phần

Quán tánh pháp các pháp

Huệ thông đạt vô ngại

Diệt sạch tâm chấp ngã

Liền trụ địa vô sanh

Các chúng sanh cõi ấy

Lập chí rất kiên cố

Phá hữu, không trụ hữu

Pháp bổ xứ đã học

Này Phật Tử các ông

Hiểu rõ không chỗ hành

Xả Thiền, nhập Sơ Thiền

Mới biết khổ chúng sanh

Trung gian chín vô ngại

Tướng Thiền không thể lường

Tâm chúng sanh thanh tịnh

Ý niệm không giống nhau

Đã lìa vực năm đường

Phật nhật chiếu ba cõi

Lành thay được lợi lớn

Cảm động các Cung Trời

Đồng chân nhất thiết trí

Giáo hóa không mỏi mệt

Chúng sanh đắc tâm từ

Luyến mộ đạo vô thượng

Trải qua vô số kiếp

Bỏ thân, lại thọ thân

Luân hồi trong sanh tử

Được thoát khỏi trói buộc

Hương Chiên Đàn Tứ Đế

Hương cây Mật Tế Bặc

Sức trí huệ tam muội

Phá hoại chúng binh ma

Hết một niệm quá khứ

Lấy tam muội gì đoạn

Hết hai niệm vị lai

Trừ bằng định, đạo nào

Hết ba niệm hiện tại

Diệt tận cốt còn gốc

Hết một niệm quá khứ

Chín vạn ức trần cấu

Do không tịch tịnh định

Đạt đến không, không bờ

Vị lai dứt chín kiết

Tâm định không niệm tưởng

Tịch nhiên đạt Phật Đạo

Luôn trụ vô sở trụ

Ba chín kiết hiện tại

Cầu pháp vô quái ngại

Diệt trừ tâm ý thức

Dần dần trụ vô ngại.

Nói Kệ xong, Đức Phật dạy đại chúng: Về phương Tây Nam, cách Thế Giới Năng Nhẫn này ba mươi hai Hằng hà sa cõi, có nước tên Vô Tưởng, Phật Hiệu Nhất Trụ Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn.

Hiện đang nói pháp, lời nói đầu đều thiện, giữa đều thiện, cuối đều thiện, ý nghĩa thâm thúy, phân biệt rõ về năm ấm: Sắc thọ tưởng hành thức, sáu tình, sáu trần, tu tướng vô thường, chánh niệm tỉnh thức. Pháp ban đầu là tư duy phá hoại về thân.

Thân này chẳng thật có, cho bốn con rắn là nhà.

Thân này như độc làm hoại đạo Thiền của con người.

Thân này như voi, tâm không vừa đủ.

Thân này như Rồng thích ở vực sâu.

Đạo Phật Vô Vi, thanh tịnh không tỳ vết, như hoa sen trong nước mà không nhiễm bùn dơ, như mặt trời chiếu Trời Đất làm che lấp tất cả ánh sáng của đom đóm. Trong các núi cao, núi Tu Di là trên hết. Trong ánh sáng của các vì sao thì ánh sáng mặt trăng là trên hết. Như Lai hiện ra đời vì đuốc pháp là đệ nhất.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ:

Đoạn cấu, diệt trừ tưởng

Tâm trói buộc được mở

Ý niệm định tịch nhiên

Tịnh hạnh được đầy đủ

Trong một ý một niệm

Đoạn diệt cấu kiết sử

Trừ bỏ hẳn kiếp khổ

Chấm dứt không tái sanh

Đạo không tịch vô thượng

Như có, như không có

Người, ta và các pháp

Tưởng như mộng, ảnh, huyễn

Bồ Tát tu khổ hạnh

Kiếp số khó lường được

Muốn nói hết căn bổn

Chẳng một, chẳng hai hình

Nếu có người trí tuệ

Giảng nói vô lượng nghĩa

Một nghĩa có ức câu

Mỗi câu đều khác nhau

Hư không lấp đầy được

Nhưng nghĩa ấy không cùng

Ta từ xưa đến nay

Hành sáu Độ vô cực

Bố thí trừ xan tham

Thiền định cũng như vậy

Kiếp thiêu, tâm không động

Không đến Cõi Phật khác

Nhờ thần lực cảm vời

Trụ kiếp mà giáo hóa.

Nói kệ này xong, Thế Tôn liền dùng định ý để tự trang nghiêm thân, nói với đại chúng: Về phương Đông Nam, cách Thế Giới Năng Nhẫn này ba mươi ba hằng hà sa cõi, có cõi nước tên Lưu Ly, Phật Hiệu Tín Giải Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn hiện đang nói pháp, lời nói đầu đều thiện, giữa đều thiện, cuối đều thiện, phân biệt hạnh kiết tường của bốn đạo.

Bảy lần sanh, còn lại ba lần không sanh trở lại thì ở ngay hiện đời mà Bát Niết Bàn, đoạn khổ tập diệt thủ đạo chứng đắc.

Khi ấy, có vị Trời tên Nhãn Tịnh ở trong chúng còn hồ nghi: Nay ta nên hỏi Như Lai về ý nghĩa đó để cho bạn đồng tu của mình đều được khai ngộ.

Thế rồi Thiên Tử đứng dậy, quỳ dài chấp tay bạch trước Phật: Cúi xin Đức Thế Tôn nói cho chúng con về nghiệp dâm nộ si của đại thừa bình đẳng.

Quá khứ, vị lai, hiện tại những chúng sanh si ám nào nhập vào môn giải thoát?

Phật dạy Bồ Tát Nhãn Tịnh: Lành thay! Lành thay! Đây chính là con mắt khai thị tất cả. Ông hãy lắng nghe cho rõ, suy nghĩ thật kỹ. Ta sẽ phân biệt rõ ràng cho ông.

Thế nào, nhãn là sắc phải không?

Thưa: Không phải.

Phật lại hỏi: Là phi sắc ư?

Thưa: Không phải.

Phật hỏi: Là sắc, là phi sắc ư?

Thưa: Sắc không có chỗ trụ.

Phật dạy Bồ Tát Nhãn Tịnh:

Như vừa rồi ông nói: Sắc ấy chẳng phải sắc, là sắc, là phi sắc, sắc không có chỗ trụ thì vì sao đặt danh từ để nói là sắc?

Bồ Tát Nhãn Tịnh thưa: Tánh sắc hư mục, hiện tại diệt không trụ, quá khứ không hiện. Đời này qua đời sau vĩnh viễn đoạn tận không còn nữa, cho nên nói Vô Dư Niết Bàn.

Phật hỏi Nhãn Tịnh: Thức này từ xưa đã có hay từ đâu sanh?

Ngày nay bốn chúng diệt cấu bẩn ba đời, vậy thì đi về đâu?

Nhãn Tịnh thưa: Xưa vốn từ không mà đến, nay trở về không.

Trước không, sau không thì có thay đổi gì khác không?

Phật dạy: Không.

Ông nên biết rằng: thật tướng của các pháp trước không thể cùng, sau không thể tận.

Phật dạy Bồ Tát Nhãn Tịnh: Ta từ vô số A tăng kỳ kiếp luôn tu hành phước nghiệp, nghĩ đến tất cả chúng sanh bị đắm chìm mà thương xót cho sự đau khổ của họ, muốn độ họ giải thoát.

Vì sao?

Vì nay ở trong thai, dục mà ta diệt thì ta đã diệt sạch hoàn toàn, kết quả nguyện thành ngày nay đã đạt được. Chúng sanh cõi ấy không lấy việc thành Phật hay không thành Phật cho đây là mối khổ lụy.

Vì sao?

Vì chúng sanh cõi ấy lập ý dõng mãnh, không ở hữu thai, không ở vô thai, không ở hóa sanh, công đức thành tựu, chẳng phải giác, chẳng phải phi giác.

Thế nào là giác và thế nào là phi giác?

Tất cả chúng sanh ngu si ta đều giác ngộ cho ho, đó gọi là giác. Tất cả những người giác ngộ đoạn trừ hết kiết sử, đó gọi là phi giác.

Khi ấy, Thế Tôn nói kệ:

Biết Phật hiện nơi đời

Phóng xa ánh sáng lớn

Khổ tập diệt kiết sử

Đứng yên không dám gần

Giả sử đất chấn động

Ba cõi nát như bụi

Nhiếp tâm nhập định ý

Các tướng đều khác nhau

Niệm Như Lai Chí Chân

Trừ tưởng không nhập định

Vào trở lại chúng sanh

Tạo nhân lại tạo duyên

Tinh tấn trí huệ lớn

Giáo hóa kẻ ngu si

Hướng dẫn chúng sanh này

Để độ kẻ chưa độ.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần