Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tự Tại Vương - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT
KINH BỒ TÁT TỰ TẠI VƯƠNG
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẦN NĂM
Lại nữa, này Tự Tại Vương! Như quân ma, có các Thiên cung thì Bồ Tát có tuệ tự tại lại hiện các Thiên cung thù thắng hơn và tự hiện thân thù thắng hơn gấp trăm ngàn vạn lần của bọn ma, làm cho các ma sinh tâm khát ái, khởi lên tâm tham trước.
Bồ Tát tự trang nghiêm bằng những thứ ấy để phá tâm kiêu mạn của ma, khiến cho chúng trụ vào Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, rồi sau đó mới nói pháp.
Này Tự Tại Vương! Tuệ là pháp biến hành của Bồ Tát. Hoặc thí, hoặc nhận, hoặc đem bố thí để hồi hướng. Đối với các việc làm đó Bồ Tát đều phải cần dùng đến tuệ. Hoặc tự trì giới, hoặc dạy người khác trì giới, hoặc dùng sự trì giới để hồi hướng đối với những việc đó đều cũng phải dùng tuệ.
Hoặc tu hạnh nhẫn, hoặc dạy người khác hành nhẫn. Hoặc đem nhẫn để hồi hướng, đối với những việc này cũng phải dùng tuệ. Hoặc tự thực hành tinh tấn, hoặc dạy người thực hành tinh tấn, hoặc đem tinh tấn để hồi hướng, đối với các việc đó, cũng phải dùng tuệ.
Hoặc tự hành thiền, hoặc dạy người hành thiền, đem thiền để hồi hướng, đối với các việc này, cũng phải dùng tuệ.
Hoặc đọc tụng Kinh hay thuyết pháp cho người khác, hoặc phải nghe những gì cũng phải dùng tuệ chánh niệm. Tất cả mọi cử chỉ như đi, đứng, nằm, ngồi, tất cả nghi pháp, tất cả mọi xả tâm, đều phải dùng tuệ. Bồ Tát có tuệ lực, tức là có tất cả sức pháp thiện làm tăng thượng tuệ của Bồ Tát.
Đối với tất cả pháp đạt được tăng thượng tự tại. Tuệ tự tại của Bồ Tát đối với tất cả pháp, có thể hành tự tại. Bồ Tát nắm giữ tuệ lực thì như Phật có thể kháng trừ ma quân. Một khi, Bồ Tát có được tuệ tự tại rồi, tùy hành các pháp nhưng không dụng sức. Như người bắn tên, không cần đến sức của cây cung nữa.
Bồ Tát cũng như vậy, do dùng tuệ lực, nên khiến trí tự tại nhập vào các pháp thiện. Lúc ngồi ở Đạo Tràng, Bồ Tát được trí lực, nhờ lực này, nên có thể dùng tay phải chấn động mười phương Thế Giới, phá đại quân ma. Được mười lực của Phật, Bồ Tát dùng mười lực này hàng phục hết tất cả hàng Trời, người.
Này Tự Tại Vương! giới tự tại, thần thông tự tại, trí tự tại và tuệ tự tại này, nếu người không gieo trồng căn lành thì không thể nghe Kinh này.
Tự Tại Vương! Nếu người nghe Kinh này mà sinh tâm vui thích, nên biết người ấy, đã được bốn tự tại, rồi dùng tự tại này mà hiện ra lực tự tại.
Vì sao?
Vì tất cả Thanh Văn, Bích Chi Phật đều không có các tự tại này.
Nghe Phật nói như thế, Bồ Tát Tự Tại Vương tâm sinh hoan hỷ, chắp tay lễ kính, chiêm ngưỡng Đức Thế Tôn, mắt không rời, nói lời như vậy: Thưa Thế Tôn! Nay Đức Thế Tôn dùng bốn tự tại lực, tất cả chúng sinh cũng sẽ được bốn tự tại lực này.
Đợi cho Tự Tại Vương dứt lời. Đức Phật liền dùng thần lực khiến cho Tự Tại Vương có đủ loại sắc đẹp, hương hoa đựng đầy đảy, đem rải trên Đức Phật và các vị Bồ Tát, các loại hoa rải đó đều biến thành vàng ròng, thân trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng tốt.
Đồng thời trong Hư Không, trăm ngàn vạn ức Chư Thiên cùng đồng cất tiếng khen: Nếu có chúng sinh tin thọ bốn lực tự tại này, phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, các chúng sinh này đem sự trang nghiêm của Phật để trang nghiêm cho chính mình.
Vì sao?
Vì bốn tự tại này đều tùy vào tâm Nhất thiết trí.
Thưa Thế Tôn! Nếu Thế Tôn xưa không phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, các chúng sinh, làm sao nghe được tất cả các kinh tự tại không thể nghĩ bàn như vậy. Các Thiên Tử nói lời ấy rồi.
Đức Phật bảo Bồ Tát Tự Tại Vương: Ta nhớ đời quá khứ, ở trước Phật Nhiên Đăng, Đức Phật thứ bảy mươi, hiệu Phổ Tịnh Quang Vương Như Lai, cũng rộng nói bốn pháp tự tại này, lúc đó có Bồ Tát tên Trí Hạnh Túc, cũng đem pháp này hỏi Phật.
Khi Phật nói pháp này, tám ngàn Bồ Tát được bốn tự tại và pháp nhẫn vô sinh, ba vạn hai ngàn người phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác.
Này Tự Tại Vương! Lúc đó, ta mới nghe được bốn tự tại này, nghe rồi thọ trì, đến thời Phật Nhiên Đăng, mới được đầy đủ. Thế nên, Tự Tại Vương, hoặc đời này hay sau khi ta diệt độ, nếu có người nhất tâm cầu Phật đạo, thọ trì kinh này thì nên biết, người ấy sẽ mau đạt pháp nhẫn vô sinh.
Lúc nói Kinh Tự Tại Vương này, ba vạn hai ngàn Trời, người phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Các Thiên Tử đem trăm ngàn kỹ nhạc, mưa hoa Trời, để cúng dường Đức Phật.
Nhờ thần lực của Phật, nên từ các kỹ nhạc đó phát ra âm thanh như vậy: Nếu có chúng sinh nghe Kinh Tự Tại Vương này, tin hiểu thọ trì thì nên biết người ấy có các căn thông minh, lanh lẹ, trí tuệ rộng khắp, luôn vui thích với Pháp Phật, lúc nào cũng được thiện tri thức hộ trì, đã gieo trồng rất nhiều thiện căn và thường hành đại bi đối với các chúng sinh.
Khi ấy, Bồ Tát Tự Tại Vương bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thế Tôn có mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng, vậy Bồ Tát có mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng không?
Phật đáp: Này Tự Tại Vương! Có Bồ Tát A bệ bạc trí tu tập từ lâu, đã đạt được pháp nhẫn vô sinh, đang trụ ở địa tám sắp bước sang Địa thứ chín, vì được sự giữ gìn của phương tiện bát nhã Ba la mật. Bồ Tát như vậy, có thể thành tựu đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy và mười tám pháp bất cộng của Phật.
Này Tự Tại Vương! Thế nào là mười lực của Bồ Tát?
Vì Nhất thiết trí mà phát tâm sâu xa, vững chắc, đấy là lực thứ nhất. Đầy đủ tâm từ, không rời bỏ tất cả chúng sinh, đây là lực thứ hai. Không mong cầu tất cả lợi dưỡng, xả bỏ hết mọi trang sức tốt đẹp của thế gian và đầy đủ từ bi, đây là lực thứ ba.
Tin vào tất cả Pháp Phật và có khả năng thành tựu được pháp này, tâm không thoái chuyển đầy đủ sức tinh tấn, đây là lực thứ tư. Hành niệm an tuệ, không hoại oai nghi phép tắc và trụ vào định bất động, đây là lực thứ năm.
Lìa nhị biên, tùy thuận với pháp duyên sinh, đoạn mọi kiến chấp, tránh xa việc hý luận và đầy đủ bát nhã Ba la mật, đây là lực thứ sáu. Vì muốn thành tựu chúng sinh, cho nên chịu vô lượng sinh tử, luôn tu tập thiện đức không bao giờ nhàm chán, hiểu rõ pháp hữu vi như mộng, đối với sinh tử không biết mệt mỏi, đây là lực thứ bảy.
Quần tướng các pháp không có ngã, không có nhân, không có chúng sinh, tin hiểu pháp không sinh không khởi, luôn vui với pháp vô sinh và pháp nhẫn vô sinh, đây là lực thứ tám.
Nhập vào pháp không, vô tướng, vô tác, quán các môn giải thoát và đạt được Thanh Văn, Bích Chi Phật, giải thoát, giải thoát tri kiến, đây là lực thứ chín. Được pháp thâm diệu mà không từ nơi trí của người khác và quán tâm sở hành của tất cả chúng sinh, đầy đủ trí vô ngại, đây là lực thứ mười.
Này Tự Tại Vương! Đây gọi là mười lực của Bồ Tát.
Này Tự Tại Vương! Thế nào là bốn vô sở úy của Bồ Tát?
Bồ Tát đạt được Đà la ni và có khả năng thọ trì những gì đã nghe, luôn luôn giữ chánh niệm, thuyết pháp giữa đại chúng mà không có sợ hãi. Tùy theo sự tin hiểu của tất cả chúng sinh mà Bồ Tát nói pháp, cũng như tùy bệnh mà cho thuốc.
Thấy biết các căn của tất cả chúng sinh, tùy theo sự thích ứng của họ mà nói pháp. Ở giữa đại chúng không chỗ sợ hãi, là Bồ Tát ở trong chúng nói pháp không có nghi nan, không có phương Đông, phương Nam, phương Tây và phương Bắc.
Có người đến hỏi ta, ta không đáp ngay, cho đến không thể hiện ra vẻ gì sợ cả. Cứ mặc tình cho chúng sinh vấn nạn, rồi ta sẽ lần lượt trả lời theo từng câu hỏi đó, nhưng không có sợ hãi. Khéo léo đoạn các mối nghi, thuyết pháp giữa đại chúng nhưng không có sợ hãi.
Này Tự Tại Vương! Đây là bốn vô sở úy của Bồ Tát.
Này Tự Tại Vương! Thế nào là mười tám pháp bất cộng của Bồ Tát?
Từ xưa đến nay, Bồ Tát tự thực hành bố thí mà không có ai bảo rằng: Ông nên thực hành bố thí, tu hạnh xả tâm.
Nếu ma hiện ra hình Phật, đến nói với ông: Ông làm việc bố thí, sẽ đọa vào địa ngục. Nghe thế mà Bồ Tát sinh tâm hối hận thì không có việc đó.
Lúc nào cũng vui vẻ và sẵn lòng xả tất cả phần để bố thí. Với việc bố thí này chỉ mong đạt Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, chứ không cầu quả báo, vì lợi ích chúng sinh. Đây là pháp bất cộng thứ nhất của Bồ Tát.
Này Tự Tại Vương! Bồ Tát tự trì giới, chứ không có ai bảo trì, tuy không gặp Phật cũng không theo người khác thọ giới. Bồ Tát khéo hộ trì tất cả các giới, luôn vui với việc trì giới, nghĩa là tuy là tại gia, nhưng vẫn hết lòng phụng trì như trong giới đã dạy.
Nếu như xuất gia thì cũng như giới kinh đã dạy, không phải cần có người hướng dẫn, nhưng vẫn đi cúng dường, cho đến không vì thọ mạng hay các duyên mà phá giới, thọ trì các giới đều thuận với Bồ Đề, là muốn đoạn sự phá pháp giới của chúng sinh. Đây là pháp bất cộng thứ hai của Bồ Tát.
Này Tự Tại Vương! Nếu người bần cùng hạ tiện và Chiên Đà La, những kẻ thợ thuyền sân hận dùng những lời ác độc mạ nhục, cắt xẻ từng phần thân thể, nhưng Bồ Tát vẫn không bị lay động, trái lại còn sinh tâm từ làm tươi nhuần các chúng sinh ấy.
Mặc dù Bồ Tát có đủ năng lực có thể báo oán, nhưng không gia hại như vậy, chỉ nương vào pháp, nghĩ rằng: Ta nhờ vào duyên Pháp Phật cho nên nhẫn thọ được khổ này, đây cũng là nhờ vào người này mà tâm ta được thiện tịnh, phát đại trang nghiêm. Đây là pháp bất cộng thứ ba của Bồ Tát.
Này Tự Tại Vương! Bồ Tát tuy gặp cấp nạn nhưng vẫn luôn tinh
tấn, không biếng nhác, trọn đời không sinh tâm thoái chuyển. Nếu Bồ Tát thấy Thanh Văn nhập Niết Bàn thấy khổ não ở đời mà đối với pháp diệt độ của Thanh Văn, tâm không ham thích, hoặc thấy Bích Chi Phật diệt độ, lại thấy khổ não của sinh tử mà đối với pháp Niết Bàn của Bích Chi Phật, tâm không ham thích.
Nếu thấy Chư Phật đã thành tựu việc lợi ích lớn, Pháp Phật đầy đủ, nhập vào Niết Bàn, tự thấy chính mình, chưa được đầy đủ sáu pháp Ba la mật và các Pháp Phật khác.
Đối với pháp ấy, tâm không thoái chuyển, trái lại còn siêng năng thực hành tinh tấn và quyết định rằng: Ta sẽ ở nơi Niết Bàn của Đại Thừa mà thủ chứng diệt độ. Đây là pháp bất cộng thứ tư của Bồ Tát.
Này Tự Tại Vương! Bồ Tát nếu làm Chuyển Luân Vương, hoặc làm Đế Thích, hoặc làm ma vương được trăm ngàn cung nữ hầu hạ, trổi lên kỹ nhạc Trời, tuy hưởng thọ đủ mọi dục lạc nhưng đối với thiền định và vô lượng tâm lúc nào cũng được hiện tiền.
Bồ Tát luôn xa lìa chỗ ồn ào náo nhiệt, thường sinh tưởng sợ hãi đối với sinh tử, sinh tưởng bất tịnh đối với năm dục, sinh tưởng thù oán đối với năm ấm, sinh tưởng rắn độc đối với bốn đại.
Sinh tưởng không tụ đối với các nhập, sinh tưởng giặc oán đối với quyến thuộc, ở trong cung điện được các thị nữ hầu hạ, nhưng lại sinh tưởng như ở chỗ tử thi, lúc nào cũng mong cầu hành pháp, mong cầu thấy Phật, mong độ tất cả chúng sinh.
Còn đối với tiếng kỹ nhạc chỉ nghe nó phát ra âm thanh thiền định, có lúc ma ngăn chận tiếng ấy đi, nhưng nhờ vào căn lực thiện căn ở đời trước, cho nên nghe được tiếng Phật, tiếng Pháp tiếng Tăng phát ra từ hư không. Nghe tiếng này rồi, Bồ Tát vứt bỏ hết mọi thứ vui tự do của thế gian, xuất gia vào rừng. Đây là pháp bất cộng thứ năm của Bồ Tát.
Này Tự Tại Vương! Bồ Tát đối với thiền định của thế gian, không sinh tưởng bền chắc, dùng trí phân biệt để lìa xa các kiến chấp, chỉ nương vào pháp, nương vào nghĩa pháp bất cộng này, cho đến trong giấc mộng không sinh ngã kiến, không sinh pháp kiến.
Bồ Tát không bị các kết trói buộc sai khiến, lìa xa mọi nghi hối, cho đến các ma không thể che lấp và làm cho Bồ Tát phải nghi hối mà xa lìa chánh pháp.
Vì muốn thành tựu chúng sinh, có lúc Bồ Tát lại phá oai nghi mà không có nghi, hối. Đây là pháp bất cộng thứ sáu của Bồ Tát.
Này Tự Tại Vương! Từ xưa đến nay, Bồ Tát được thân thanh tịnh, tránh xa việc sát sinh, không dùng tay chân, đao gậy ngói đá làm não hại chúng sinh, thậm chí không cầm đến đao gậy, mà còn nuôi chúng được no đủ không để thiếu thốn.
Bồ Tát đối với một cọng cỏ không cho không được lấy, trân báu có đầy cả mặt đất đi chăng nữa vẫn không sinh tâm tham, dù có đói khát, nghèo cùng khốn khổ cho đến chết cũng không nuôi sống bằng tà mạng, thường tu phạm hạnh, cho đến tâm tưởng không nghĩ đến năm dục, xa lìa mọi não hại của dục, không vì năm dục mà làm phi pháp, luôn lấy trí tuệ làm đầu và thành tựu thân nghiệp. Đây là pháp bất cộng thứ bảy của Bồ Tát.
Này Tự Tại Vương! Bồ Tát với khẩu nghiệp thanh tịnh, luôn nói lời chân thật, lời nói đi đôi với việc làm, không lừa dối chính mình, không lừa dối Chư Phật, Chư Thiên, Rồng, Thần, Trời, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Nhân Phi Nhân…
Bồ Tát không nói hai lưỡi, đối với bà con quyến thuộc luôn thân yêu chung thủy không rời xa nhau. Bồ Tát không ác khẩu, thường nói lời dịu dàng thương yêu, không nói ra những lời ác, lời thô lậu, mà chỉ nói lời có lý, lời an lạc, lời nói phải có ý tứ vui vẻ hòa hợp.
Đối với những lời ác khẩu, lời thô lậu và ngôn ngữ xâm phạm khắc khổ, những lời ấy người không muốn nghe, làm não hại chính mình và gây ra não hại người khác, đối với các ngôn ngữ như thế Bồ Tát không nên nói ra. Bồ Tát không nói lời vô nghĩa, hễ có thì nói có, không thì nói không. Do thâm tâm thanh tịnh cho nên khẩu nghiệp được thanh tịnh.
Này Tự Tại Vương! Bồ Tát được pháp bất cộng này, đời đời sinh ra luôn nói lời đúng như pháp, có thể đem lời này làm cho người bất tịnh được thanh tịnh, còn người đã thanh tịnh rồi thì làm cho khởi lên tâm lễ kính cung phụng.
Nhờ vào thâm tâm và pháp bất cộng này, cho nên được thật ngữ, hễ có nói ra điều gì cũng đều chân thật không có hư dối. Đây là pháp bất cộng thứ tám của Bồ Tát.
Này Tự Tại Vương! Chính tâm Bồ Tát được tự tại thì mới được hạnh tự tại. Bồ Tát không tham lam tài vật của người khác, không nổi lên sân giận làm não hại chúng sinh, luôn thực hành chánh kiến.
Nơi tâm Bồ Tát không có tâm đẳng đẳng, trọn không có quên mất, Bồ Tát luôn xa mọi tâm dối trá không ngay thẳng, ngày đêm thường hành thiện tịnh từ tâm. Đây là pháp bất cộng thứ chín của Bồ Tát.
Này Tự Tại Vương! Nơi mà Bồ Tát sinh ra, tất cả kinh thư, chú thuật, y phương, toán số đều là tối thượng cả. Bồ Tát không cần đến sự hướng dẫn của Thầy dạy, nhưng tự biết và đều có thể thấu đạt. Cũng ở trong pháp thế gian và xuat thế gian mà có được trí tuệ không phải từ nơi tuệ của người khác.
Lại nữa, Bồ Tát không nghe theo ai hay góp nhặt lời của người khác, luôn được sự chiêm ngưỡng của hàng Trời, người, còn như có nói ra điều gì cũng tùy theo sở học. Đấy là pháp bất cộng thứ mười của Bồ Tát.
Này Tự Tại Vương! Bồ Tát vì chúng sinh mà trị liệu các chứng bệnh, nhưng không cầu lợi dưỡng. Lấy đại bi làm đầu.
Lúc Bồ Tát trị bệnh, lại phát tâm nguyện: Sẽ đưa chúng sinh ra khỏi pháp thế gian, diệt các khổ não để đến Niết Bàn. Đây là pháp bất cộng thứ mười một của Bồ Tát.
Này Tự Tại Vương! Bồ Tát không mong cầu hay ước nguyện địa vị Chuyển Luân Thánh Vương hoặc chỗ của Thích, Phạm Thiên Vương. Tuy Bồ Tát không mong cầu, nhưng vẫn được.
Vì sao?
Vì Bồ Tát hành đạo chứ không vì thân sắc đoan nghiêm, cũng không vì địa vị hiển vinh được danh tiếng, được ca ngợi trong Thế Giới quyến thuộc,. Những phước báo như thế, không mong cầu vẫn có. Đây là pháp bất cộng thứ mười hai của Bồ Tát.
Này Tự Tại Vương! Bồ Tát ở chỗ tôn quý, sống lâu như Chư Thiên, luôn được thấy Phật đến ủng hộ và khuyến khích, phải cố gắng phát tâm thực hành hạnh này, người hành nghiệp này thì có thể đến Bồ Đề. Đó là pháp tiến tới hay thoái lui.
Hành giả như vậy thì các căn tùy thuận với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác, luôn được các thiên thần tạo mọi tiện nghi, khuyến khích phát tâm như vậy, để khỏi đi ngược lại với Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác. Đây là pháp bất cộng thứ mười ba của Bồ Tát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Phi Ngã Phi Ngã Sở
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Tám - kinh Trộm áo Nhà Vua
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Sáu Mươi Mốt - Pháp Hội Vô Tận ý Bồ Tát - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Hoa - Phẩm Mười - Dược Vương Như Lai
Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Tập Yếu - Phẩm Hai Mươi - Nghiệp Báo đói Khát
Phật Thuyết Kinh Xuất Diệu - Phẩm Một - Phẩm Vô Thường - Tập Sáu