Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Tùng đâu Thuật Thiên Giáng Thần Mẫu Thai Thuyết Quảng Phổ Kinh Bồ Tát Xử Thai - Phẩm Mười Bốn - Hành định Bất định
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẬT THUYẾT KINH BỒ TÁT TÙNG
ĐÂU THUẬT THIÊN GIÁNG THẦN
MẪU THAI THUYẾT QUẢNG PHỔ
KINH BỒ TÁT XỬ THAI
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Trúc Phật Niệm, Đời Dao Tần
PHẨM MƯỜI BỐN
HÀNH ĐỊNH BẤT ĐỊNH
Bấy giờ, trong chúng hội có Bồ Tát tên là Thường Tiếu, đạt sáu thần thông, có oai đức và thần lực tự tại, biện tài vô úy, chấm dứt phần sinh tử, không còn chấp trước việc gì, những điều nói ra đều được tin dùng, hiểu rõ các pháp không, như huyễn hóa, như mộng, như sóng nắng, như lá đỏ trong nước mà loài thú ngu si cho là nước thịt, cuối cùng không lấy được, như tiếng vọng trong núi.
Hiểu rõ các pháp không sinh, không diệt, muốn đoạn trừ tất cả sự nghi ngờ của chúng sinh, nên liền đứng dậy, trịch bày vai phải, gối phải quỳ sát đất, chấp tay thưa Phật: Cúi xin Thế Tôn, con có chút nghi ngờ. Nếu được cho phép con mới dám thưa.
Trí tuệ của đại Thánh Như Lai vô ngại, trước biết do nhân duyên quá khứ trói buộc các hành, sau làm rõ nguyên lý thành bại và nhân duyên hợp tan của vị lai.
Hành nghiệp thiện ác là do phát tâm khác nhau. Nay con nghe Như Lai ở trong thai giáo hóa chúng sinh là các hành có sai khác, có đối không đối, có quả báo không có quả báo, có hành đen trắng, không có hành đen trắng.
Lại có chúng sinh từ khi mới phát tâm trải qua vô số kiếp mà không được thành tựu, hoặc có chúng sinh chỉ sáng phát tâm mà chiều liền thành Phật. Cúi xin Thế Tôn hãy giảng nói cho, con rất muốn nghe.
Đức Thế Tôn dạy Bồ Tát Thường Tiếu: Theo lý lẽ mà ông hỏi đều là do oai thần của Như Lai cảm vời tạo ra. Muốn thành tựu các pháp thì không đoạn thật tánh của Như Lai, trước cũng như sau.
Vì sao?
Vì pháp tánh của Như Lai không thể nào nắm bắt, giữ gìn được, cũng chẳng phải là phạm vi của A La Hán, Phật Bích Chi biết được.
Khi ấy, Đức Thế Tôn dùng thần lực xuất ra tướng lưỡi rộng dài, ánh sáng nơi tướng lưỡi chiếu đến A tăng kỳ kiếp Cõi Phật, tận cùng phương Đông, khiến cho chúng sinh nơi năm đường thấy ánh sáng ấy tìm đến chỗ Như Lai. Ngay giữa chặng mày, Đức Thế Tôn lại xuất ánh sáng tướng lông trắng, trên chiếu đến tám mươi bốn ức hằng hà sa cõi chúng sinh.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ cho Bồ Tát Thường Tiếu:
Ba mươi mốt âm vang
Nghiệp báo được trong sạch
Bốn mươi tám trần cấu
Trời hành năm mươi năm.
Bồ Tát tóc bảy báu
Phát sinh tâm chúng sinh
Bốn loại cây đạo quả
Tâm thức định không loạn.
Kẻ thiếu trí vô phước
Mắc khẩu nghiệp rất nhiều
Ăn uống biết vừa đủ
Đi đứng đúng oai nghi.
Bình đẳng thương tất cả
Mới gọi đạo Bồ Tát
Đời năm trược ba cõi
Điên đảo vướng cõi ma.
Phá hoại gốc nghiệp thiện
Như bóng không rời hình
Căn tánh có lanh chậm
Tới lui lòng do dự.
Phát nguyện độ chúng sinh
Công đức trọn đầy đủ
Thành tựu thân mười lực
Pháp hữu vi thế tục.
Tư duy khó lường được
Vừa chết lại tái sinh
Như lửa cháy núi rừng
Tâm niệm đốt chánh pháp.
Lan đến A tăng kỳ
Thân mặc giáp thệ nguyện
Dũng mãnh độ kẻ dữ
Tiêu diệt chúng quân ma.
Lỗ chân lông thân người
Hơn sáu mươi bốn vạn
Người trí tuệ biết rõ
Các nghiệp báo nhỏ nhặt.
Người lợi căn Diêm Phù
Thọ thân rất xấu xí
Từ mỗi lỗ chân lông
Rịn chảy không kín đáo.
Thân Kim Cang Như Lai
Chân lông ba mươi bảy
Kín đáo không rịn chảy
Không bị lửa thiêu cháy.
Ma và quyến thuộc ma
Sa Môn, Bà La Môn
Phạm Thiên và Chúng Thích
Thần lực các quỷ thần.
Muốn đụng lông tóc Phật
Việc này không thể được
Hư không thành địa giới
Nhật nguyệt có thể rơi.
Muốn đụng lông tóc Phật
Không thể nào làm được
Đây là nghiệp pháp tục
Chẳng phải tướng vô vi.
Thọ hành chịu nghiệp quả
Các tướng đều khác nhau
Thân Phật thể Kim Cang
Ngoài hành theo báo nghiệp.
Là quả báo thế tục
Lìa xa pháp vô vi
Tướng Phật Pháp chân thật
Không hiện ra bên ngoài.
Muốn biết tướng trong Phật
Như khéo dùng thần túc.
Nói kệ xong, Đức Thế Tôn bảo Bồ Tát Thường Tiếu:
Báo của duyên, báo của duyên
Báo của chí đạo vô ngại
Báo của Tam Bảo chân tánh
Báo của hành thú Niết Bàn
Báo của thế tục vô trước
Báo của nhất hướng cứu cánh.
Đó là đệ nhất nghĩa của Đại Bồ Tát, không nhiễm, không chấp trước, không thể nắm bắt, không vướng vào Cõi Dục cũng không lìa Cõi Dục.
Quá khứ có, hiện tại có, vị lai có. Chẳng phải quá khứ có, chẳng phải hiện tại có, chẳng phải vị lai có, không sinh, không diệt. Qua trăm ngàn kiếp, Đại Bồ Tát đã thông đạt, không còn chướng ngại, khiến cho mọi tầng lớp chúng sinh đều hiểu rõ không đó vốn có quả báo để thành tựu khẩu nghiệp, thông đạt tất cả âm thanh.
Hoặc có Đại Bồ Tát trong phút chốc có thể làm cho ba ngàn Đại Thiên Thế Giới hóa thành thủy giới, giống như Tỳ Kheo đắc thiền quán vô lượng thủy giới. Côn trùng, rùa, ba ba trong thủy giới ấy không xúc chạm nhau. Do chứa công đức nhiều kiếp nên không hư không hoại.
Đó gọi là Đại Bồ Tát nhập vào tam muội thủy giới.
Hoặc có chúng sinh thấy Bồ Tát nhập định cho là nước, rồi lấy gạch, ngói, đá, cây cỏ quăng vào. Bồ Tát nhập định, tâm như hư không, không biết có người đến xúc não. Đó là Đại Bồ Tát nhập vào lực của thủy giới.
Hoặc có Bồ Tát thiền định thâu giữ tâm nhập vào tam muội Hỏa giới, khiến cho ba ngàn Đại Thiên Quốc Độ này bùng cháy. Chúng sinh ngu si nói Bồ Tát gặp lửa kiếp thiêu, chạy tán loạn nhưng không tránh được lửa.
Mặc dù lửa cháy đỏ nhưng Bồ Tát thấy mát mẻ không nóng. Đó là Đại Bồ Tát nhập vào tam muội Hỏa quang. Oai thần của tam muội này không thể lường xét. La Hán, Phật Bích Chi cũng không thể đạt được.
Hoặc có Bồ Tát nhập năm phần pháp thân, tâm định bất động, khiến ba ngàn Đại Thiên Thế Giới nào bò bay máy cựa cho đến trùng, kiến đều dùng oai thần tiếp đỡ chúng, nên chúng không gặp phiền não, bảy ngày được an ổn. Sau khi qua đời, tất cả đều sinh lên Cõi Trời.
Trong một ngày nói pháp mà hóa hiện có mặt khắp mọi nơi, trong đó người nào thấy thần đức của Như Lai thì trần cấu đều được trừ sạch, muốn gì được nấy, hoặc sinh vào cõi Chư Phật ở phương khác. Đó là nhờ Đại Bồ Tát nhập năm phần pháp thân định tâm ban cho.
Có Bồ Tát nhập vào tam muội Bất động Sư Tử phấn tấn, khiến cho ba ngàn đại thiên Thế Giới chấn động đủ sáu cách.
Chúng sinh trong đó đều quy phục, tu hành thanh tịnh, mặc áo hổ thẹn, bỏ tâm kiêu mạn, hướng dẫn chúng sinh đến tám con đường chân chánh, trừ khử bảy mươi bảy tâm chấp ngã. Cấu nhiễm chất chứa lâu đời chỉ trong nhất thời đều trừ sạch cả. Đó là do Đại Bồ Tát nhập vào tam muội Phấn tấn vô úy cảm vời tạo ra.
Có Đại Bồ Tát nhập định ý tán thân, phân biệt thức tụ từ đâu đến và đi về đâu. Mỗi mỗi đều phân biệt rõ ràng là không, vô tịch nhiên. Trước, sau, giữa đều không có đầu mối. Đó là do Đại Bồ Tát nhập tam muội Định ý tán thân mà cảm vời tạo ra.
Có Đại Bồ Tát nhập tam muội Nhẫn đảnh, có thể làm thân này biến thành con trùng không có tay chân đầy khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới. Chúng sinh thấy chẳng biết đó là gì nên nói là đống thịt. Nếu ai lấy ăn thì mùi vị như cam lồ và đều làm no đủ cho các chúng sinh bị đói khát. Đó là do Đại Bồ Tát nhập tam muội Nhẫn đảnh mà cảm vời tạo ra.
Có Bồ Tát dùng thần lực tam muội khiến núi, sông, đá, vách trong ba ngàn Đại Thiên Thế Giới này hóa thành cam lồ, giống như đường phèn, ăn vào không biết chán, khiến cho bốn chứng bệnh nặng kiết sử của chúng sinh vĩnh viễn lành hẳn không còn trở lại.
Chúng sinh phát nguyện: Nguyện muốn sinh về Thế Giới vô tận. Đó là nhờ thần lực của Đại Bồ Tát cảm vời tạo ra.
Lại nữa, Đại Bồ Tát nhập vào tam muội Độc bộ, làm cho tất cả chúng sinh trong ba ngàn đại thiên Thế Giới này thấy Bồ Tát đi cất bước chân, hạ chân xuống.
Ai gặp Bồ Tát đi bộ có thể ngăn chận người tội không còn địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Đây đều do thân, khẩu, ý của Bồ Tát thanh tịnh và phát nguyện cứu độ đạt đến cứu cánh, không bao giờ quay trở lại. Đó là nhờ vô lượng tâm nguyện phước lành của Đại Bồ Tát cảm vời tạo ra.
Lại nữa, Đại Bồ Tát dùng thần thông định nhập vào tam muội Nhạo pháp, khiến cho các loài chúng sinh trong ba ngàn Đại Thiên Thế Giới này đều quay về, đến chỗ Bồ Tát để cầu xin xuất gia, tu phạm hạnh vô thượng, phát tâm giống nhau, cạo bỏ râu tóc, mặc pháp phục, theo pháp thường của Chư Phật về pháp oai nghi, giới cấm, giáo thọ trì thì có thể tức thời ở vào địa Minh tuệ.
Địa Minh tuệ là nơi hành pháp của Bồ Tát Bát trụ, chẳng phải nơi Nhị Thừa tu tập. Đó gọi là nhờ thần lực của Đại Bồ Tát cảm vời tạo ra.
Lại nữa, Đại Bồ Tát dùng đại bi của Phật nhập vào định vô ngại, khiến cho các loài chúng sinh mê tối trong ba ngàn đại thiên Thế Giới này cùng làm cha mẹ, anh em, bạn bè, dòng họ, tri thức, ai không có của cải thì cho của cải.
Cung cấp các vật cần dùng cho đến quốc thành, vợ con, voi ngựa, vàng bạc, châu báu, xe cộ, mã não, bạch châu, hổ phách, thủy tinh, lưu ly, chiếu khăn, thuốc thang, hương hoa, phấn xoa v.v… đều cho họ sung túc. Những người được sự giáo hóa trong đó đều đầy đủ, khiến chúng sinh phát tâm ở trong địa nhạo pháp.
Sao gọi là địa nhạo pháp?
Nghĩa là ai hợp với đạo Tu Đà Hoàn thì có pháp chân thật cốt yếu để đoạn ba kiến pháp.
Ai hợp với đạo Tư Đà Hàm thì còn bảy đời nữa thành đạo.
Ai hợp với đạo A Na Hàm thì nói pháp thiện không có năm ấm che lấp.
Ai hợp với đạo A La Hán thì nói Niết Bàn thọ chứng không trở ngại.
Ai hợp với đạo Bồ Tát thì nói pháp lục độ đảnh nhẫn, phát tâm tiến lên.
Ai hướng đến Phật Đạo thì nói nhất thiết trí thanh tịnh rốt ráo trang nghiêm Cõi Phật, giáo hóa chúng sinh. Từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác cúng dường, lễ lạy, thờ phụng Chư Phật Thế Tôn, được đắc sáu thần thông.
Mắt có thể thấy thấu triệt.
Tai có thể nghe thông suốt.
Tự biết đời trước.
Biết tâm người khác.
Thân có thể bay.
Các trần cấu đều đoạn sạch, không còn nghi ngờ về Phật, Pháp, Tăng.
Đó gọi là nhờ thần lực của Đại Bồ Tát nhập tam muội Nhạo pháp mà cảm vời tạo ra.
Có Đại Bồ Tát nhập vào tam muội Kim Cang, khiến cho ba ngàn Đại Thiên Thế Giới biến thành bảy báu, cứu giúp, ban bố cho người nghèo khổ.
Ai xin thức uống cho thức uống, ai xin thức ăn cho thức ăn và rồi nói cho họ về quả báo của sự tham lam bỏn sẻn. Hễ người nào tham lam bỏn sẻn thì chết đọa vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, nghèo khổ, áo không đủ che thân, bị người ghét bỏ, hoặc làm nô tỳ, làm người ở mướn, hoặc đọa làm súc sinh gánh vác mang nặng.
Bồ Tát nói cho họ về hạnh không dâm dục thì được sinh lên Trời. Dâm là ô uế, chết đọa vào đường ác như núi đao, rừng kiếm, xe lửa, lò than, địa ngục thiết chủy, địa ngục hắc thằng, địa ngục phất thỉ, núi băng, cối giã v.v… chịu vô lượng khổ. Hoặc vào trong ngục hoa sen đỏ, gió thổi lửa đốt xương cốt phân ly.
Ở đấy Bồ Tát giảng nói về vô thường, thân không tồn tại lâu dài như đánh đá thấy lửa, như sấm sét qua trước mắt, huyễn hóa chẳng phải một thì vì sao chịu khổ, tinh thần suy sụp mà không mong cầu thoát khỏi.
Bồ Tát nói pháp chân thật cho họ như vậy để người chịu tội đều được hết khổ. Đó gọi là nhờ Đại Bồ Tát dùng tam muội định ý đại bi của Phật mà cảm động đến.
Khi ấy, Đức Thế Tôn nói kệ:
Chúng sinh muốn giải thoát
Cửa năm đường ba cõi
Tinh tấn không biếng trễ
An trụ đạo vô vi.
Như người xây nhà cửa
Không cây gỗ mà thành
Chủ yếu trước ban đất
Rồi dựng trụ, xây tường.
Phật Đạo như hư không
Không do một hạnh thành
Giữ ý thật kiên cố
Ruộng tâm không quyến luyến.
Hằng sa Phật quá khứ
Vị lai cũng không tận
Có vị lần lượt thành
Có vị được siêu việt.
Ta dạy ngộ chưa ngộ
Khiến đến tám chánh đạo
Nghe rồi không thọ nữa
Pháp này do ai tạo.
Xưa ta xả tưởng thân
Kiếp số không cho khó
Không thầy mà tự ngộ
Là đạo sư tất cả.
Đạo Sư hiện ra đời
Không duyên, không thần thông
Cốt độ người chưa độ
Thị hiện thành vô vi.
Khi Đức Thế Tôn nói kệ này xong, có năm mươi sáu ức hằng hà sa chúng sinh đoạn trừ vọng tưởng, không còn ưa thích nghiệp của thế tục và đồng thời phát nguyện cầu đạo vô thượng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm Hiện Nhũ Bộ Lực - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh Lục độ Tập - Chương Một - Bố Thí độ Vô Cực - Kinh Số Hai Mươi Ba
Phật Thuyết Kinh A Hàm Chính Hạnh
Phật Thuyết Kinh Túc Mệnh Trí đà La Ni
Phật Thuyết Kinh Xuất Sinh Vô Biên Môn đà La Ni - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tu đạt - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai Mươi - Như Lai Thần Túc Hạnh