Phật Thuyết Kinh Bột Sao - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Chi Khiêm, Đời Ngô

PHẬT THUYẾT KINH BỘT SAO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Chi Khiêm, Đời Ngô  

PHẦN BA  

Kinh nói:

Pháp dạy kẻ ngu

Như cùng điếc nói

Người khó giáo hóa

Chẳng thể can, tỏ.

Vua bảo: Như trẫm là kẻ kiêu mạn phóng túng, chẳng thể xa lìa thanh sắc. Còn đạo nhân đã đạt nẻo vô vi giải thoát, sao lại không dốc lòng giáo hóa trẫm?

Bột đáp: Người chẳng thể dùng lời để giáo hóa được, có mười loại: Ngạo mạn, ngu độn, lo sợ, quá vui, tham ăn, thù hận, đói lạnh, bận việc, đang nhập định tư duy. Đó là mười trường hợp không thể dùng lời để giáo hóa.

Kinh nói: Nên nói và cùng làm

Chẳng nên chỉ nói suông

Dối trá, không thành, tín

Bậc cao minh không màng.

Vua hỏi: Người đàn bà độc ác nhưng nhan sắc xinh đẹp, lời nói khôn khéo, chải chuốt, như có thể hiện ra bên ngoài tính chất phóng đãng, làm sao nhận biết được?

Bột đáp: Có mười sự việc, qua đó có thể nhận biết được:

1. Đầu tóc rối loạn nghiêng lệch.

2. Sắc diện biến đổi, ra nhiều mồ hôi.

3. Lớn tiếng nói cười.

4. Dòm ngó không đoan chánh.

5. Nhận lấy của báu vật trang sức của kẻ khác.

6. Hay ngó trộm nhìn lén qua tường vách.

7. Chỗ ngồi không ổn định.

8. Thường qua lại, lui tới nơi xóm làng.

9. Ưa thích đi ra đạo chơi các chốn hoang vắng.

10. Giao tiếp vui đùa với đám dâm nữ.

Đó là mười sự việc qua đấy có thể nhận biết tính chất phóng đãng của người đàn bà.

Kinh nói:

Phụ nữ khó tin

Miệng lưỡi dụ người

Nên bậc cao minh

Phải xa lánh thôi.

Vua nói: Chỗ gần trong tình người, hầu hết đều gần gũi, tin tưởng nơi người đàn bà, người vợ, đâu biết được kẻ xấu ác.

Bột đáp: Con người có mười sự việc, trường chẳng có thể gần gũi, tin tưởng.

1. Ở chỗ hậu đãi của Vua chúa.

2. Ở chốn thân tình của người đàn bà.

3. Ỷ cậy thân khỏe mạnh.

4. Cậy mình có nhiều tài sản.

5. Ở chốn có dòng nước ngâm, thấm lâu.

6. Ở nơi nhà cũ, tường hư mục.

7. Nơi chốn sinh sống của loài thuồng luồng.

8. Mắc tội chút ít mà bị bắt giải lên quan.

9. Đối với người có thọ mạng đời trước xấu ác.

10. Ở những nơi có loài động vật độc hại.

Kinh nói: Gọi rượu không say

Bảo say không loạn

Vua, nữ, trọng yêu

Đều khó giữ tín.

Vua nói: Như lời của đạo nhân chỉ dạy, sự yêu thương là gốc sinh ra điều ác, thật là đáng ghét.

Bột đáp: Đáng ghét có năm sự biểu hiện:

1. Miệng nói lời thô bỉ, xúc phạm người.

2. Gièm pha hại người, vui thích khi thấy họ đấu đá.

3. Nhăn nhó cằn nhằn, không tươi vui.

4. Ganh ghét nguyền rủa.

5. Mặt lộ vẻ khinh khi, miệng nói hai chiều.

Đó là năm cách biểu hiện của sự ghét bỏ.

Kinh nói:

Giúp, khuyên với người

Mà muốn đội ơn

Họa tới ngay thân

Tự gặp oán lớn.

Vua hỏi: Chỗ nào được xem là thích hợp để thực hiện sự yêu kính của con người?

Bột đáp: Yêu kính có năm cách thể hiện:

1. Dịu dàng, hòa nhã, hay nhẫn nhịn.

2. Luôn cẩn trọng nhưng tin tưởng.

3. Nhanh nhẹn sáng suốt nhưng ít lời.

4. Lời nói và hành động tương xứng.

5. Giao tiếp càng lâu càng gắn bó sâu đậm.

Đó là năm cách thể hiện sự yêu kính hết lòng.

Kinh nói:

Người biết yêu thân

Thận trọng giữ gìn

Chỉ chuộng cao xa

Nẻo học luôn sáng.

Vua hỏi: Thế nào gọi là người khinh mạn?

Bột đáp: Nhận ra khinh mạn có năm trường hợp:

1. Tóc tai bù xù mà phóng túng.

2. Quần áo nhớp nhúa.

3. Tâm ý nghĩ ngợi đâu đâu.

4. Luôn có thái độ dâm dục không theo lễ.

5. Cười đùa không biết hạn chế.

Đó là năm trường hợp để nhận biết con người khinh mạn.

Kinh nói:

Giữ ý theo chánh

Như ngựa đã thuần

Dứt nẻo kiêu mạn

Trời người đều kính.

Vua nói: Xin đạo nhân bằng lòng ở lại, cùng trẫm trở về tinh xá.

Bột thưa: Có mười sự việc: Không nên kéo dài thời gian ở nơi chốn có thầy ác, bạn tà. Khinh miệt các Bậc Thánh, biểu hiện chống đối họ. Dâm dật, ưa thích rượu chè. Nóng nảy, vội vã xét đoán các bậc trưởng thượng. Người không biết suy xét, báo đáp. Đàn bà không tiết hạnh. Tỳ thiếp ăn mặc chải chuốt, trang điểm.

Đó là mười sự việc, mười trường hợp không nên lưu lại.

Kinh nói:

Xa lánh kẻ ác

Hoang dâm chớ gần

Dốc theo bậc Hiền

Đức sáng thành tựu.

Vua bày tỏ: Có đạo nhân giúp sức, trẫm luôn an vui, bốn phương vô sự. Hôm nay đạo nhân bỏ đi, trong nước tất không còn cảnh ấy.

Bột nói: Có tám sự việc sẽ đem lại an lạc.

1. Thuận thờ Sư Trưởng.

2. Dẫn dắt dân theo nẻo hiếu thảo.

3. Luôn khiêm tốn, nhún nhường.

4. Thường biểu lộ tính nhân từ, hòa nhã.

5. Sốt sắng cứu giúp các trường hợp nguy cấp.

6. Bản thân nên rộng lượng, yêu người.

7. Giảm nhẹ thuế má, hạn chế việc tiêu dùng.

8. Nhớ nghĩ đến tình cũ, xa mọi oán hận.

Đó là tám sự việc đem lại an lạc.

Kinh nói:

Tu gốc các đức

Nghĩ kỹ mới làm

Dốc cứu mạng người

Trọn đời an lạc.

Vua nói: Trẫm luôn nhớ nghĩ đến đạo nhân, há có lúc nào quên!

Bột thưa: Kẻ trí có mười hai trường hợp nên nhớ nghĩ vào lúc bắt đầu ngày mới.

1. Nhớ nghĩ về việc sám hối những lỗi lầm để dậy sớm làm phước.

2. Nhớ nghĩ về việc lễ bái cha mẹ, các bậc tôn trưởng cho kịp lúc.

3. Nhớ nghĩ về những trường hợp vui thích đã đầy đủ, nên biết dừng lại.

4. Nhớ nghĩ nên kiêng, tránh những lời nói gây nguy hại.

5. Nhớ nghĩ phải nên hết sức thành thật để thấy được lỗi lầm của mình.

6. Nhớ nghĩ về việc đem lòng trung thực để nói với đám người nghèo khổ.

7. Nhớ nghĩ về việc thương xót để chu cấp, giúp đỡ kẻ nghèo khốn có được của cải.

8. Nhớ nghĩ đến việc cần thực hiện bố thí đồ ăn thức uống.

9. Nhớ nghĩ đến trường hợp theo đúng hoàn cảnh giờ giấc để cùng người ăn uống.

10. Nhớ nghĩ luôn áp dụng sự phân chia đồng đều để lãnh đạo dân chúng.

11. Nhớ nghĩ tới việc dùng ân huệ để ban cho quân lính phải đầy đủ.

12. Nhớ nghĩ đến lúc thích hợp cho việc tu sửa đường lối trị nước.

Đó là mười hai sự việc cần nên nhớ nghĩ.

Kinh nói:

Sửa trị công việc

Lo vui đã đủ

Sự nghiệp luôn mới

Trọn không mất thời.

Vua nói: Làm sao có được bậc đại hiền, khiến giữ lại được đạo nhân.

Bột thưa: Bậc đại hiền có mười hạnh:

1. Học hỏi, lãnh hội những điều cao xa.

2. Không phạm giới luật của Kinh Pháp.

3. Kính Phật, Tam Bảo.

4. Thọ trì điều lành không hề quên.

5. Luôn chế ngự tham dục, giận dữ, si mê.

6. Tu tập thể hiện bốn tâm vô lượng.

7. Ưa thích thi hành ân đức.

8. Không nhiễu hại muôn loài.

9. Có thể giáo hóa hạng bất nghĩa.

10. Thiện ác không hề lẫn lộn, mập mờ.

Đó là mười hạnh của bậc đại hiền.

Kinh nói:

Bậc Hiền khó gặp

Không gì sánh bằng

Nơi chốn sinh ấy

Phúc cả cha ông.

Vua bày tỏ: Lỗi lầm của trẫm quá nặng, đã nuôi dưỡng kẻ xấu ác, khiến đạo nhân giận dữ bỏ đi!

Bột thưa: Ác lớn có mười lăm loại: Ưa giết hại, cướp đoạt, trộm cắp, dâm dật, dối trá, dua nịnh, khoe khoang tô điểm hão huyền gièm pha ton hót, vu cáo người lành, tham lam ô trọc, phóng túng buông lung, nát rựợu nói càn, ganh ghét người hiền, hủy hoại đạo pháp, muu hại bậc Thánh, không biết tính xét đối với tội lỗi tai vạ.

Đó là mười lăm trường hợp của sự xấu ác lớn.

Kinh nói:

Gian độc tham ăn

Oán gièm người tốt

Làm điều bất chánh

Chết đọa đường ác.

Vua than thở: Không thuyết phục được đạo nhân bỏ ý ra đi, trẫm cảm thấy hổ thẹn lắm.

Bột nói: Có mười sự việc đáng xấu hổ:

1. Làm Vua mà không thông việc nước.

2. Bề tôi mà không biết giữ lễ.

3. Chịu ơn mà không biết báo đáp.

4. Phạm lỗi mà không dốc hối cải.

5. Hai chồng mà một vợ.

6. Chưa có chồng mà đã mang thai.

7. Học hỏi lâu ngày mà không thành tựu được gì.

8. Như người sử dụng binh khí nhưng khi lâm trận thì không thể chiến đấu nổi.

9. Kẻ tham lam keo kiệt mà xem xét công việc bố thí.

10. Đối với hàng nô tỳ không thể sai khiến được.

Đó là mười trường hợp đáng hổ thẹn.

Kinh nói:

Đời cũng lắm người

Luôn biết hổ thẹn

Nên dễ tiến dẫn

Như cỡi ngựa hiền.

Vua bày tỏ: Trẫm ngay lúc đầu đã nghĩ, biết là có kẻ tâu bày nhưng khó chế ngự được.

Bột thưa: Có mười hai trường hợp gọi là khó:

1. Nhận lãnh việc sai khiến kẻ ngu si.

2. Người khiếp nhược mà chống chọi với kẻ mạnh mẽ.

3. Thù hận cùng gặp nhau.

4. Người học thứ ít ỏi mà nghe chuyện nghị luận.

5. Nghèo khốn mà xin vay nợ.

6. Binh lính mà không có tướng chỉ huy.

7. Thờ Vua đến trọn đời.

8. Học đạo mà không tin.

9. Làm ác mà mong được sinh lên Cõi Trời.

10. Sinh ra gặp thời có Phật.

11. Được nghe pháp Phật.

12. Nghe pháp Phật, thọ trì thực hiện đạt được thành tựu.

Đó là mười hai trường hợp gọi là khó.

Kinh nói:

Mạng người khó được

Đời gặp Phật khó

Pháp khó được nghe

Nghe pháp, hành khó.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần