Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Ba - Phẩm Cách Nói Chuyện Của Hiền Giả Và Vương Giả Hay điều Kiện đối Thoại

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Đà Phiến Đa, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH NA TIÊN TỲ KHEO

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Phật Đà Phiến Đa, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM BA

PHẨM CÁCH NÓI CHUYỆN CỦA

HIỀN GIẢ VÀ VƯƠNG GIẢ

HAY ĐIỀU KIỆN ĐỐI THOẠI  

Sau hai câu hỏi khai đề Danh và Số, đến đây Di Lan Đà đi thẳng vào đối tượng chính của cuộc thảo luận.

Vua hỏi: Bạch Đại Đức, Trẫm muốn hầu chuyện với Đại Đức về những điểm khó trong Kinh Điển và về đạo lý nói chung, chẳng hay tôn ý có hoan hỷ doãn nặc cho chăng?

Tâu Đại Vương, nếu Đại Vương đứng trên tư thế của một Hiền Giả mà nói chuyện thì bần Tăng xin vui lòng đối đáp.

Còn nếu Đại Vương đứng trên tư thế của một Vương Giả mà nói chuyện thì bần Tăng sẽ không có gì để đối đáp lại hết.

Ý nói: Không thể có đối thoại trong điều kiện như thế.

Đứng trên tư thế của một Hiền Giả mà nói chuyện là thế nào?

Tâu Đại Vương, Hiền Giả trong khi nói chuyện thì vừa tự dò xét lấy mình lại vừa soi sáng cho kẻ đối thoại một cách nhiệt thành.

Trong câu chuyện dù đối phương viện dẫn những lý lẽ hoặc đúng hoặc không đúng, hoặc cao hoặc thấp, Hiền Giả vẫn không bao giờ móng tâm buồn giận bứt rứt, không hề lấy việc thắng bại làm điều và tự biết rằng trong đó ai cao trỗi hơn, ai có trí tuệ nhiều hơn.

Nếu gặp phải một đối tượng quắc thước già giặn và có tài hùng biện, Hiền Giả cũng không vì thế mà tìm đường cản ngăn hay áp đảo bằng cách đuổi kẻ kia ra khỏi chỗ ngồi hoặc dùng xảo thuật luận lý mở trói, trói mở để thủ thắng cho kỳ được.

Tâu Đại Vương, đó là cách nói chuyện của Hiền Giả.

Còn đứng trên tư thế của một Vương Giả mà nói chuyện là thế nào?

Tâu Đại Vương, Vương Giả trong khi nói chuyện thì thường thường hay dùng quyền thế mà áp đảo kẻ đối thoại, buộc kẻ kia phải chấp nhận quan điểm một chiều của mình.

Nếu kẻ kia bất tuân, dám phát biểu ý kiến đối nghịch, thì các Ngài chẳng ngại ngùng gì mà chẳng giáng chỉ bắt tội và hình phạt để nêu cao uy quyền riêng của mình, bất chấp lẽ phải và công bằng tối thiểu đối với người.

Quyền uy mà các Ngài hằng ngày thường sử dụng, tiêm nhiễm lâu năm thành thói quen, khiến các Ngài chỉ muốn lấn lướt kẻ khác và không chịu để ai lấn lướt mình trong bất cứ trường hợp nào.

Các Ngài luôn luôn bị ám ảnh bởi lòng tự cao, tự đại gắn liền với quyền uy, nên chẳng nhận ra sự hơn kém trong lý lẽ viện dẫn của mỗi bên để làm sáng tỏ nội dung câu chuyện đương thảo luận.

Chính cái thái độ trịch thượng, một chiều, điên rồ và nguy hiểm ấy đã là nguyên nhân bít lối đối thoại giữa đôi bên, chặt cầu thông cảm giữa đôi bờ. Tâu Đại Vương, đó là cách nói chuyện của Vương Giả.

Bạch Đại Đức, xin Đại Đức chớ ngại. Trẫm sẽ cố gắng học đòi Hiền Giả và đứng trên tư thế này mà hầu chuyện với Đại Đức. Và cũng xin Đại Đức đừng có ý nghĩ rằng Đại Đức đương đối diện với một Vương Giả mà tiếp chuyện.

Xin Ngài cứ nói một cách tự nhiên như hằng ngày Ngài vẫn thuyết giảng cho Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Sa Di, Sa Di Ni, Ưu Bà Tắc hay Ưu Bà Di nghe. Chúng ta có bổn phận phải soi sáng cho nhau. Ngài nên vững tâm, chớ e ngại gì hết. Không quấy lỗi gì đâu.

Tâu Đại Vương, những lời Đại Vương vừa phán rất hay và rất đúng. Được như thế, bần Tăng mới có thể giải đáp thoải mái những câu hỏi đạo của Đại Vương được.

Bạch Đại Đức, vậy Trẫm xin hỏi một câu.

Đại Vương hỏi đi.

Trẫm đã hỏi rồi.

Bần Tăng đã đáp rồi.

Đại Đức đáp thế nào?

Đại Vương hỏi thế nào?

Trẫm không hỏi gì hết.

Bần Tăng không đáp gì hết.

Vua Di Lan Đà đặt câu hỏi như thế này là cốt để thử trí tuệ và tài hùng biện của Đại Đức Na Tiên đó thôi. Kỳ thật, câu hỏi này đã được Nhà Vua hỏi rồi trong đoạn trước.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần