Phật Thuyết Kinh Những điều Bồ Tát Hải ý Hỏi Về Pháp Môn Tịnh ấn - Phần Hai Mươi Chín

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:04 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Duy Tịnh, Đời Triệu Tống

PHẬT THUYẾT KINH

NHỮNG ĐIỀU BỒ TÁT HẢI Ý

HỎI VỀ PHÁP MÔN TỊNH ẤN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Duy Tịnh, Đời Triệu Tống  

PHẦN HAI MƯƠI CHÍN  

Lúc này, Đức Thế Tôn khen ngợi Đế Thích Thiên chủ: Lành thay, lành thay! Kiều Thi Ca! Ông có thể gầm lên tiếng Sư Tử nen phát ra lời: Vào đời vị lai xin sẽ hộ trì chánh pháp Lời ông nói ra nên như thế mà hành trì.

Này Kiều Thi Ca! Nhờ sức thâu giữ của chánh pháp này nên có thể khiến cho Chư Thiên thường được sự tối thắng theo chỗ nguyện cầu, còn uy lực của chúng A Tu La phải thoái chuyển hao tổn.

Lại nữa, này Bồ Tát Hải Ý! Ta sẽ vì ông mà nêu bày chương cú bí mật nhằm hàng phục chúng Thiên ma, có thể khiến cho chúng mau chóng thâu phục và đến hộ trì chánh pháp.

Khi đó, Đức Thế Tôn liền nói Đà La Ni:

Đát ninh tha, thiết di, thiết ma phược để, thiết di đa thiết ngật la, ánh cô rị, mâu cô rị, ma la nhĩ đế, cát la nhị, chỉ du rị, đế dã chuyển để, ô lộ dã nhĩ, vĩ thiết xá, nhĩ rị ma lê, ma la bát na duệ, khô khô rị, kha nga, nga la tế, nga la tát nê, ô mục khế, bát la mục khế, a mục khế, thiết di đa nhĩ, tát rị phược nga la hạ mãn đà na nhĩ, nhĩ ngật rị hệ đa tát rị phược ba ra bát ra phược nỉ na, vĩ mục ngật đa ma la bá xá, đắc đà tất đa một đà, mẫu nại la, a nậu nại già trí đa tát rị phược ma lại, tô tả rị đa bát rị thú đình, vĩ nga tha đổ tát rị chuyển ma la cát rị ma ni.

Này Hải Ý! Chương cú bí mật như vậy co thể thu phục chúng Thiên ma, lại có thể tiêu trừ tất cả phiền não.

Vị Pháp Sư nêu giảng ấy dùng chương cú bí mật này trì tụng, ở nơi pháp tòa, quán xét khắp chúng hội đều trú nơi Đạo Tràng, vận dụng rộng tâm đại từ vô lượng, với bản thân mình khởi tưởng y vương, xem giáo pháp như thuốc hay, với các người nghe khởi tưởng như bệnh nhân, đối với Phật Như Lai, khởi tưởng Chánh Sĩ, với pháp nhãn không lỗi lầm khởi tưởng an trụ lâu dài.

Các việc như vậy là đều nhờ sức gia trì của chương cú bí mật này, rộng vì tất cả mà thuyết giảng pháp tương ưng, hành dụng hiện tiền. Lúc ấy trong khoảng vòng quanh một trăm do tuần, các chúng Thiên ma không thể đến nhiễu hại. Giá như chúng ma có đến Pháp Hội cũng không thể gây tạo chướng nạn.

Khi đó, chúng Thiên ma hiện đang ở nơi pháp hội này liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Hôm nay chúng con nhờ thần lực gia trì của Bồ Tát Đại Sĩ Hải Ý đã đưa chúng con đến nơi Thế Giới Chư lạc trang nghiêm ấy.

Trước hết, chúng con đã bỏ hẳn các nghiệp ma, nên chúng con thường phải hộ trì nơi chánh pháp này. Vào đời vị lai sau này, nếu trong các thành ấp, làng xóm, hoặc tăng phòng nào có người tuyên thuyết chánh pháp ấy thì chúng con xin sẽ đến đó, lìa tâm kiêu mạn, hết lòng cung kính tôn trọng, chuyên chú lắng nghe.

Đức Thế Tôn khen ngợi chúng ma: Lành thay, lành thay! Chúng ma các ngươi có thể tôn trọng chánh pháp như thế, trước tiên đã bỏ hết các việc làm của ma, nay các ngươi ở trong pháp như vậy sẽ được nhiều lợi lạc, đó là nhờ thần lực của Bồ Tát Hải Ý dẫn đến.

Lại nữa, này Bồ Tát Hải Ý! Ta nay vì ông mà nêu rõ về chương cú bí mật gọi mời Đại Phạm Thiên Vương chủ Thế Giới Ta Bà. Chương cú này có thể gọi mời Đại Phạm Thiên Vương một cách mau chóng đến chỗ Pháp Sư để hộ trì.

Đức Thế Tôn liền nói Đà La Ni:

Đát ninh tha, muội đát la dã ca rị, cát lỗ noa ca rị, mẫu nỉ đa ca rị, ô bế xoa ca rị, một đà ca rị, đạt rị ma ca rị, tăng già ca rị, tô ngật rị đa vĩ tả duệ, Ma Ha vĩ đa nê, nhĩ sắt ba rị na kỳ, ô nhạ bát để, ô nho nga di, đạt rị ma na nại nhĩ, tát đa bát la để sắt xá na, ô ba bát để vĩ thú đề, sa tức đổ bát thiết dị, tường phược lộ cát dã một la hạ ma mạt du để sắt xá, Tam Ma Địa a phệ xoa, đạt rị ma tả la niễn cô lỗ, tát đạt rị ma ba rị nga la, kháng ngật rị đa ma nậu bá la dã, một đà nê đế linh ma tường phược thân na, sa ma la đa đạt rị ma tác cát la bát la phược rị đa nam cô lỗ, tát đỏa vĩ du đạt nam bát la để ngật rị hạ noa, đạt rị ma na nga la bá la đảm, một đà đề sắt xá nam ma vĩ cô bát dã.

Này Hải Ý! Chương cú bí mật này có thể gọi mời Đại Phạm Thiên Vương. Pháp Sư nêu giảng, trì tụng chương cú bí mật này cần phải nương vào phạm hạnh, trú tâm vô ngại, các căn ẩn mật, khéo hộ các niệm, nói lời quyết định, khéo làm cho thân nghiệp đuợc thanh tịnh, chân thật thâu giữ ngữ nghiệp.

Khéo giữ vững tâm tuệ, tu hạnh nhẫn, làm thanh tịnh giới uẩn, phát khởi sức tinh tấn, nắm giữ đa văn, khéo quán tưởng khiến tâm thông suốt, tuệ căn thuận hợp, tu tập chánh hạnh, giữ tâm Bồ Đề, khéo tu quán từ, an lập đại bi khiến cho khắp chúng sinh hoàn toàn thoát khỏi mọi thứ khổ não, đạt được lợi lạc.

Pháp Sư ấy khởi tâm như vậy rồi phải ở nơi tòa Sư Tử, dốc cầu Đại Phạm Thiên Vương, nguyện xin thâu nhận, sau đó vì người khác thuyết pháp tương ưng, Đại Phạm Thiên Vương cùng Phạm chúng sẽ đến chỗ Pháp Sư hộ trì.

Lại nữa, Hải Ý! Pháp Sư giảng pháp cần phải biết rõ, lúc Đại Phạm Thiên Vương đến pháp hộ thì có các tướng lành, nghĩa là tất cả các chúng hội đều khởi tâm từ, hoặc các căn của chúng hội không hề thiếu sót, hoặc cũng giúp nhau an trú trong pháp bồ đề, hoặc ưa thích giáo pháp và Pháp Sư, khởi tưởng tôn trọng, hoặc chuyên chú nhất tâm, xa lìa ý tán loạn.

Hoặc buộc niệm nơi các pháp thiện, hoặc kím giữ các niệm, dứt tuyệt mọi liên hệ bên ngoại, một lòng nghe pháp, hoặc ở chỗ Pháp Sư nghe các Pháp Môn vi diệu xưa nay chưa từng nghe, chưa từng gặp, nghe rồi thì có thể nói. Nếu khi các tướng lành hiện ra như vậy thì chính là lúc Đại Phạm Thiên Vương đến pháp hội.

Bấy giờ, Đại Phạm Thiên Vương hiện có nơi pháp hội liền từ chỗ ngồi đứng dậy, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ở mọi nơi, mọi chốn, nếu có người tuyên thuyết chánh pháp thâm diệu như vậy, dẫu con đang ở coi Phạm, có vô lượng pháp lạc thiền định, con cũng đều xả bỏ, liền đến chỗ Pháp Sư thuyết giảng kia để hộ trì.

Bạch Thế Tôn! Pháp gia hộ ấy có tám loại.

Những gì là tám?

1. Gia hộ về niệm, khiến pháp được nghe không hề quên mất.

2. Gia hộ về tuệ, khiến không trái mất đối với pháp thậm thâm.

3. Gia hộ về hành khiến hiểu rõ nơi nghĩa lý.

4. Gia hộ về biện tài, khiến đoạn dứt các nghi hoặc.

5. Gia hộ về ký thuyết, khiến người nghe tất cả âm thanh, ngôn ngữ đều hoan hỷ.

6. Gia hộ về pháp hóa độ, khiến người ấy siêu vượt tất cả chúng hội.

7. Gia hộ về hiện pháp được sáng tỏ, khiến không bị ám độn.

8. Gia hộ về môn được xuất ly, khiến người ấy nương pháp tu chứng.

Bạch Thế Tôn! Con dùng tám pháp như vậy để gia hộ cho Pháp Sư thuyết giảng. Chúng con thường ở chỗ Pháp Sư âm thầm tìm cách hộ vệ khiến pháp được trụ lâu dài, các ma oán đều được diệt trừ. Những việc như vậy đều là chỗ kiến lập oai thần của Như Lai, khiến chánh pháp được ban rải rộng khắp.

Bấy giờ, Bồ Tát Hải Ý lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Xin Đức Thế Tôn kiến lập oai thần khiến cho chánh pháp này, an trụ lâu, vào đời vị lai sau này khi Chư Phật Như Lai đã nhập Niết Bàn, nếu có chúng sinh trồng căn lành sâu dày thì khiến cho họ có được Kinh Điển thâm diệu như vậy, hoặc trao tận tay, hoặc có những nơi chốn cất giữ, lần lượt lưu hành khiến không ẩn mất.

Lúc này, Đức Thế Tôn nhận sự khuyết thỉnh của Bồ Tát Hải Ý rồi, liền phóng ra nhiều luồng ánh sáng nhiều màu sắc từ giữa chặng mày, chiếu khắp tam thiên Thế Giới, bao trùm sáng rỡ. Tất cả các thứ dược thảo, cây rừng, cát đá nhờ tiếp xúc ánh sáng, đều biến thành hình tượng Như Lai. Các hình tượng biến hóa ấy đều ở trong Đạo Tràng Đại bảo trang nghiêm để cúng dường.

Nhờ sự kiến lập oai thần của Phật nên mỗi mỗi hình tượng Như Lai biến hóa đều cùng nói như vậy: Vì chánh pháp này mà Như Lai Thích Ca Mâu Ni kiến lập oai thần, tức tất cả Như Lai mười phương cũng cùng kiến lập oai thần. Nếu oai thần của Chư Phật được kiến lập thì các chúng ma không thể tạo các chướng nạn được.

Bạch Thế Tôn! Dẫu cho số lượng của chúng ma giống như cát Sông Hằng, dốc hết sức lực hùng mạnh thì rốt cuộc cũng không thể dấy khởi các chướng nạn đối với chánh pháp này.

Vì sao?

Giả sử đại địa này tan hoại, tất cả biển lớn đều khô kiệt, các núi Tu Di đều bị nghiền như vi trần, có thể buộc gió lại, mặt trăng mặt trời đều rơi xuống đất, trong không hiện các sắc tượng, nơi lửa có nước, trong nước có lửa, trong bốn đại chủng đều có tính khác, như tất cả chúng sinh đều cùng một tâm, hư không và đất cùng tương hợp, giả sử nếu có các việc như vậy thì sức gia trì của Như Lai cũng không hề có chút động chuyển.

Lúc ấy, Thế Tôn liền đưa bàn tay phải xoa đầu Tôn Giả A Nan, bảo: Này A Nan! Ông phải thọ trì chánh pháp này, vào đời vị lai hãy nêu giảng lưu truyền rộng rãi làm cho chúng sinh đều được thọ trì, đọc tụng, diễn thuyết, khiến chánh pháp của Phật an trụ lâu ở thế gian.

Bấy giờ, Bồ Tát Hải Ý bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Do ý nghĩa gì mà phó chúc chánh pháp thậm thâm như vậy cho Tôn Giả A Nan về trí tuệ của Tôn Giả A Nan hiện còn hạn lượng?

Trong pháp hội này có các Đại Bồ Tát niệm tuệ sâu rộng giống như biển lớn không biết được độ sâu cùng bến bờ sao không giao phó cho chư vị ấy?

Phật nói: Này Hải Ý! Chẳng phải chỉ mỗi tuệ lực của Tôn Giả A Nan mà có thể thọ trì chánh pháp như vậy, đó là do oai thần của Như Lai kiến lập.

Ông nay nên phải biết, vào đời vị lai về sau này có các chúng sinh ở chỗ Tôn Giả A Nan nghe nhận chánh pháp sâu xa như vậy, nghe rồi liền tin vui, sinh đại hoan hỷ, phát tâm hy hữu nên nói như vậy: Đều là sự kiến lập oai thần không thể nghĩ bàn của Như Lai. Như hàng Thanh Văn có thể thọ trì Kinh Điển thâm diệu quảng đại như vậy, đó là nhờ sức gia trì nơi oai thần cua Như Lai.

Khi đó, trong chúng hội, hoặc có hàng Trời, Người nghĩ như vậy: Diệu lực tư niệm về Tổng trì của Bồ Tát Hải Ý có gián đoạn chăng sao Đức Thế Tôn chỉ nói Tôn Giả A Nan đa văn bậc nhất?

Lúc ấy, Tôn Giả Đại Ca Diếp biết trong chúng hội có sự nghi hoặc nên quán khắp đại hội rồi bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Sức tư niệm về Tổng trì của Bồ Tát Hải Ý có sự gián đoạn chăng, vì sao Đức Thế Tôn chỉ cho Tôn Giả A Nan là đa văn bậc nhất?

Phật nói: Giả sử trong hằng hà sa số cõi nước của Chư Phật đều gồm thâu chúng sinh đầy khắp, ý ông thế nào?

Chúng sinh giới ấy có nhiều chăng?

Tôn Giả đại Ca Diếp bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Rất nhiều.

Phat bảo: Giả sử các chúng sinh như vậy, cùng một lúc đều được làm thân người, không trước không sau, mỗi mỗi đều đầy đủ sức tư niệm về Tổng trì, đều giống như Tôn Giả A Nan không khác. Nếu đem sức tư niệm về Tổng trì của tất cả chúng sinh kể trên so với sức tư niệm về Tổng trì của Bồ Tát Hải Ý thì trăm phần không bằng một, cho đến Ô Ba Ni Sát đàm phần cũng không bằng một.

Này Tôn Giả đại Ca Diếp! Bồ Tát Hải Ý này có thể nhận lãnh pháp được thuyết giảng của mười phương Chư Phật mà không hề bị chướng ngại, chẳng phải chỉ ở nơi pháp được thuyết giảng của một Phật, hai Phật mà không bị chướng ngại. Ví như trời mưa, biển cả không chỉ dung chứa một giọt mưa, hai giọt mưa không bị chướng ngại, mà có thể dung chứa tất cả các trận mưa, không hề bị chướng ngại, biển cả ấy cũng không tăng không giảm.

Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, đều có thể thọ trì pháp, thuyết giảng pháp của Chư Phật Thế Tôn, chẳng phải ở nơi pháp được thuyết giảng của một Phật, hai Phật mà không chướng ngại, nhưng sức tư niệm về Tổng trì của Bồ Tát không tăng cũng chẳng giảm.

Lúc Thuyết Pháp này, trong chúng hội có tám ngàn chúng sinh phát tâm Vô Thượng, Chánh Đẳng, Chánh Giác và cùng nói như vậy: Mỗi một chúng con đều nguyện sẽ đạt được sức từ niệm về Tổng trì như Bồ Tát Hải Ý. Bấy giờ, Chư Thiên, người trong hội, mỗi một đều dùng diệu hoa tung rải cúng dường Phật và Bồ Tát Hải Ý.

Lúc ấy, trong pháp hội có một Bồ Tát tên là Liên Hoa Trang Nghiêm liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu có Thiện Nam, Thiện Nữ nghe pháp môn thậm thâm này, nghe rồi lại tin hiểu, thọ trì đọc tụng, quán sát như lý, y pháp tu hành thì người ấy đạt được bao nhiêu phước?

Đức Thế Tôn nói kệ đáp Bồ Tát Liên Hoa Trang Nghiêm:

Giả sử như trong Tam Thiên Thế Giới

Chân kim đầy khắp dùng cúng Phật

Lúc nghe pháp tạng liền tin hiểu

Phước này so trước là tối thắng.

Giả sử trong mười ngàn Thế Giới

Châu báu đầy khắp cúng Như Lai

Có người trì Tụng Kinh diệu này

Phước ấy so trước không thể tính.

Lại nếu trong mười ngàn Thế Giới

Đầy mọi châu báu dùng hành thí

Nếu nêu giảng kinh thâm diệu này

Phước ấy hơn trước không thể tính.

Giả sử ngàn câu chi cõi nước

Châu báu trong ấy chứa đầy khắp

Cúng khắp Chư Phật thế gian Tôn

Tu hành pháp này hơn phước ấy.

Số lượng hằng hà sa mười phương

Châu báu Cõi Phật cúng Như Lai

Tu học chân thật nơi pháp này

Phước ấy so trước không thể tính.

Bốn loại Pháp đủ vô biên phước

Phật cũng không thể nói hết được

Phát tâm bồ đề và hộ pháp

Khởi tâm đại bi, tu hành pháp

Bốn loại pháp đủ vô lượng phước

Bậc trí nghe rồi không sinh nghi

Hư không giới và chúng sinh giới

Tâm bồ đề cùng trí Chư Phật.

Chánh pháp báu ta tuyên nói này

Chấn động mười phương câu chi cõi

Phóng quang minh tịnh và mưa hoa

Không tấu tự vang trăm loại nhạc.

Tất cả Bồ Tát, Đại Trí Sĩ

Phát tâm tối thắng nói kệ tán

Nghe diệu pháp môn được thuyết này

Tất cả lợi lạc, quả chân thật.

Theo ta được nghe pháp như vậy

Khắp cả chúng sinh được lợi lạc

Đều nhờ được Như Lai gia hộ

Khiến tâm bồ đề không quên mất.

Số ngàn câu chi mười phương Phật

Mỗi một chắp tay và đảnh lễ

Khen ngợi biển đức bậc Đại thánh

Khéo trụ gia trì của Như Lai.

Thiên Long, Tu La, Khẩn Na La

Càn Thát Bà và chúng Dạ Xoa

Phạm Vương, Đế Thích, Hộ thế thiên

Ở trong không trung nói như vậy:

Nguyện Thích Sư Tử trụ đời lâu

Chánh Pháp tối thượng không diệt mất

Bồ Tát dũng mãnh vượt các chúng

Gia trì pháp thâm diệu như vậy.

Có người thọ trì pháp nhãn này

Chúng con sẽ hiện thân đến đó

Ở đó tôn trọng và chuyên chú

Âm thầm hộ trì không phiền nhiễu.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Bồ Tát Hải Ý: Này Hải Ý! chánh pháp này là mắt pháp vĩ đại, là pháp ấn vi diệu, là cờ pháp thù thắng, quyết định lựa chọn các pháp, phân biệt các pháp, Chư Phật Thế Tôn nói quá khứ, hiện tại, vị lai đều giảng nói pháp ấy.

Này Hải Ý! Như trước ta đã nói, các Ông cần phải tôn trọng, cung kính, chí thành kiên cố, tu hành như lý.

Phật giảng nói kinh này rồi, Bồ Tát Hải Ý, chúng Đại Bồ Tát cùng với hàng, Trời, Người, A Tu La, Càn Thát Bà ở thế gian, tất cả các đại chúng nghe Phật giảng nói rồi, đều rất hoan hỷ, tín thọ phụng hành.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần