Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Hai - Phẩm Sinh Tử - Tập Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM HAI
PHẨM SINH TỬ
TẬP NĂM
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Vô số các khổ não
Miệng đói khát, khô nóng
Lửa thiêu đốt khắp thân
Như lửa đốt cây khô.
Khổ ấy nhiều vô lượng
Căn tĩnh trong một niệm
Tạm nương Phật, Pháp, Tăng
Người đó sinh tử ngắn.
Như vậy Tỳ Kheo duyên vào tướng mà tưởng.
Thường lo sợ đánh đập
Bị mưa và lạnh, nóng
Và ăn nuốt lẫn nhau
Những khổ não như thế.
Không thể nào tính nổi
Tâm tĩnh trong một niệm
Tạm nương Phật, Pháp, Tăng
Súc Sinh sinh tử ngắn.
Tỳ Kheo duyên vào tướng mà tưởng.
Trong Địa Ngục Hắc thằng
Hoạt, Hợp và Khiếu hoán
Đại khiếu hoán, A tỳ…
Những khổ bức cùng cực.
Không thể nào lường nổi
Nếu ở trong một niệm
Tâm tịch tĩnh giữ giới
Địa Ngục sinh tử ngắn.
Như vậy là Tỳ Kheo duyên vào tướng mà tưởng.
Tỳ Kheo kia tư duy về tướng sinh tử ngắn như vậy: Thế nào là bốn cạnh?
Người kia quan sát đúng đắn về loài người ở Châu Uất Đan Việt, đối với tất cả các vật đều không có tâm ngã sở, quyết định đi lên. Người ấy quán xét về sinh tử nơi bốn cạnh như vậy, Tỳ Kheo duyên vào tướng mà tưởng.
Thế nào là tròn?
Trong ba đường dữ địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh là sinh tử tròn. Vì chúng sinh vô trí nên luân chuyển, tâm không chủ động được. Đó là sinh tử tròn, Tỳ Kheo như vậy là duyên vào tướng ấy mà tưởng.
Thế nào là ba góc?
Người hành các nghiệp lẫn lộn giữa thiện, bất thiện, vô ký nên sinh lẫn lộn vào các chỗ địa ngục, Trời, Người. Nghiệp bất thiện sinh trong địa ngục. Nghiệp thiện sinh vào Cõi Trời, nghiệp lẫn lộn sinh vào cõi người. Nếu tạo ba nghiệp thì sinh vào ba chỗ ấy. Như vậy gọi là sinh tử ba góc. Tỳ Kheo duyên vào tướng đó mà tưởng.
Thế nào là một nắm?
Nghĩa là Tứ đại Thiên Vương, Trời Tam Thập Tam, Trời Dạ Ma, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại tạo nghiệp tương tự. Nơi Cõi Trời mà thoái đọa thì sinh trong Cõi Trời, trong cõi người chết đi thì sinh trong cõi người, nơi không có tai nạn, đó là sinh tử một nắm. Tỳ Kheo duyên vào tướng ấy mà tưởng.
Thế nào là xanh?
Nghĩa là thuộc về nghiệp bất thiện, người ở cõi địa ngục thì vào trong địa ngục tối tăm. Đó là sinh tử xanh, Tỳ Kheo duyên vào tướng đó mà tưởng.
Thế nào là vàng?
Nghĩa là thuộc nghiệp màu vàng, sinh trong loài ngạ quỷ hung ác với nhau, hủy hoại lẫn nhau. Ngạ quỷ như thế là sinh tử vàng. Tỳ Kheo duyên vào tướng ấy mà tưởng.
Thế nào là đỏ?
Nghĩa là thuộc về nghiệp đỏ, sinh trong loài súc sinh ăn nuốt lẫn nhau, ưa thích máu me. Đó là sinh tử đỏ, Tỳ Kheo duyên vào tướng đó mà tưởng.
Thế nào là trắng?
Nghĩa là thuộc về nghiệp màu trắng sinh trong Cõi Trời. Nghiệp trắng của người kia do cái quý giá của nẻo thiện mà sinh vào hàng Trời, Người.
Khi sắp thoái chuyển nơi Cõi Trời có các Trời khác nói: Đường lành của ông đi vào Thế Giới loài người.
Trong cõi người, lúc sắp chết, bà con, bạn bè, vợ con khóc lóc, nước mắt giàn giụa đầy mặt nói như vậy: Thật đáng thương tiếc! Nay bỏ chúng tôi đi mong sinh vào chỗ tốt đẹp trong cõi người. Trời, Người như thế là sinh tử trắng. Tỳ Kheo duyên vào tướng đó mà tưởng như vậy.
Tỳ Kheo kia tư duy như vậy: Được làm thân người, nếu không tạo điều lành, tu tập bố thí, trì giới, trí tuệ thì người ấy tự lừa gạt mình, lưu chuyển trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, đi nơi đồng trống vắng, kẻ phàm phu ngu si tụ tập đông đủ.
Như vậy về nghiệp đạo, Tỳ Kheo kia quán xét kỹ nơi thọ, quan sát về tưởng ấm dựa theo duyên mà hoạt động, thấy rõ, hiểu rõ nhãn thức do nhãn duyên với sắc, do ba sự hòa hợp sinh ra xúc.
Cần phải quán tưởng nhiều, quán xét từng thứ sắc đẹp hay xấu, gần hay xa, dài hay ngắn, vuông hoặc tròn, trắng, ba góc, đó là hình tướng của sắc. Người kia lại quan sát riêng biệt nơi tưởng của các tướng. Quán nhân duyên của tưởng, quán ấm giới nhập, quán tưởng của tướng nhân duyên, tuần tự quán xét từng cái riêng biệt.
Nếu nghiệp báo ác thì phải hiểu rõ đúng đắn từng phần duyên tương ưng, biết được do tương ưng sau đó mới lìa bỏ. Nếu có lợi ích hoặc không lợi ích mỗi loại đều có tướng riêng biệt. Tưởng biết về quá khứ ở trong nghiệp này, ta được quả báo thiện lại bị quả báo ác như trước đã nói.
Biết tưởng như vậy: Nếu có tưởng thì nó giống như nhớ nghĩ. Nhớ nghĩ duyên với tưởng kia mà sinh. Như ánh sáng của đèn, nhờ đèn duyên với đèn, phối hợp với đèn mà có ánh sáng. Như vậy, nhân nơi tưởng duyên với tưởng, do sức mạnh của tưởng mà có nghĩ nhớ. Tỳ Kheo kia đạt được địa thứ năm.
Tỳ Kheo kia nhận biết xúc của tưởng rồi, đối với các thú vui của Cõi Trời không sinh tâm tham đắm, đối với khổ trong địa ngục không lo sợ. Vị ấy có nhận thức bình đẳng. Tưởng thuần thục giống như vàng ròng. Tưởng của Tỳ Kheo kia đã phá tưởng như vậy, lại quán xét tưởng của pháp khác và giải thoát tưởng kia. Lại quán tưởng của người khác là hư vọng không thật.
Ta nay quán xét: Do nhân gì?
Do duyên gì?
Do nhân duyên gì mà sinh ra tưởng?
Người kia quán xét tưởng do các nhân duyên hòa hợp lại mà sinh ra. Nếu nhân diệt thì tưởng kia cũng diệt. Giống như viên nguyệt châu. Viên nguyệt châu do duyên của nguyệt, duyên của châu mà làm cho nước trong. Tưởng cũng vậy, do nhân duyên mà sinh.
Như vậy, tưởng chẳng phải là không có nhân duyên, nên không có người tạo tác, không có người thọ, nó không tự nhiên sinh. Tỳ Kheo kia quán kỹ về tưởng ấm. Vị ấy đã quán kỹ về tưởng ấm rồi nên biết rõ sự sinh diệt.
Lại quan sát vi tế giống như nước của dòng sông luôn chảy. Tưởng cũng như vậy, tưởng về thiện phát sinh thì do sức mạnh của nhân duyên khác chuyển làm bất thiện.
Tưởng bất thiện sinh thì sức mạnh của nhân duyên còn lại chuyển làm tưởng thiện. Tâm kia như khỉ vượn. Đầu tiên phá vô ký thành ký. Người kia quán tưởng vui thì không sinh tham đắm vui. Trong cái vui vô lậu sinh tưởng vui, trong cái vui sinh tưởng khổ. Đó là biết vui.
Như vậy làm sao thấy được ấm giới nhập thiện, hoặc sinh hoặc diệt?
Không hỷ lạc thọ, không lạc thì tưởng diệt, không giữ lấy thì tưởng diệt, sau đó hành sinh, chẳng phải trụ chẳng phải diệt, tâm không mong cầu vì nhận thức rõ về sinh trụ diệt.
Tỳ Kheo biết rõ ấm này cho nên không trụ vào cảnh giới của ma, không bị dục tham, sân, si trói buộc, không thấy có các thường, lạc, ngã, tịnh, vô minh không thể chi phối trong sinh tử, không bị thất niệm do sự trói buộc của lưới ái nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc. Người kia sinh nhớ nghĩ nên có thể diệt hết các lậu, đạt đến Niết Bàn.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ:
Bất cứ Tỳ Kheo nào
Thân cận người biếng nhác
Không siêng năng tinh tấn
Thì chẳng phải Tỳ Kheo.
Ai không thích giường chiếu
Phật nói là Tỳ Kheo
Ai ưa thích biếng trễ
Không thích làm điều thiện.
Một loại phiền não gốc
Đó chính là biếng trễ
Ai có một biếng nhác
Người đó không đắc pháp.
Chẳng phải mặc pháp phục
Mà được gọi Tỳ Kheo
Ai không thích tụng kinh
Không thiền, lậu chưa diệt.
Chỉ có tướng Tỳ Kheo
Chẳng phải là Tỳ Kheo
Chỉ thích dạo trong rừng
Không ưa cảnh giới đạo.
Ý tham vui rượu sắc
Chẳng phải là Tỳ Kheo
Ai cắt dây ma trói
Đoạn trừ các nghiệp ác.
Phật nói là Tỳ Kheo
Không trộm thức ăn tăng
Thà ăn loài rắn độc
Và uống nước đồng sôi.
Trọn không phá giới cấm
Ăn uống vật của tăng
Như vậy không nên làm
Ăn vật không nên ăn.
Ai ăn các phiền não
Thì đọa vào Địa Ngục
Người xả bỏ phiền não
Như ra khỏi hang rắn.
Tỳ Kheo kia nên ăn
Không thích nhìn người nữ
Đem thân làm chất liệu
Để thỏa mãn tâm ác.
Làm nhơ nhớp Tăng Bảo
Sao gọi là Tỳ Kheo!
Ai tham ái, lợi dưỡng
Hỷ lạc nơi cảnh giới
Thấy người nữ đắm nhiễm
Không phải đạo người đời.
Ai thiêu đốt phiền não
Như lửa đốt núi rừng
Là hàng phạm hạnh thiện
Không tham đắm ăn uống.
Ưa thích đến xóm làng
Luôn luôn thích tắm rửa
Ngu si dối mình, người
Tất bị mất đạo pháp.
Tâm tĩnh, chốn thanh vắng
Thường luôn giữ tu thiền
Thế gọi hàng phạm hạnh
Vào cảnh giới đường thiện.
A lan nhã chốn tĩnh
Cùng người đó ở chung
Người lìa dục đã trọn
Không hỷ lạc các dục.
Ai ưa thích nói nhiều
Yêu thích các cảnh ác
Không hướng thành Niết Bàn
Chốn bất sinh, bất diệt.
Gần Vua ăn món ngon
Uống rượu rồi khởi sân
Chỉ có tên Tỳ Kheo
Vọng ngữ dối tín thí.
Dối trá nói đủ thứ
Thường đến cửa triều đình
Làm người khác đau khổ
Hủy hoại chỗ thanh vắng.
Nếu ai bỏ vợ con
Ở rừng sâu tịch tĩnh
Mà vẫn còn luyến nhớ
Như nhổ ra ăn lại.
Tỳ Kheo kia làm tịch tĩnh các thứ lỗi trên, quan sát về ấm đúng như thật để thấy rõ, siêng năng tu giải thoát, luôn học hỏi các bậc tôn trưởng về đạo hay phi đạo. Vì thấy biết kỹ về tám Thánh đạo mà cầu đến thành giải thoát, siêng năng hành đạo, chánh kiến bình đẳng, tâm không bị cấu nhiễm, nên tâm người ấy tịch tĩnh. Đối với việc hành đạo người ấy ưa thích tu tập và tu nhiều.
Tỳ Kheo kia được pháp thiện nơi nghiệp đạo vô lậu như vậy, hòa hợp mà tu hành làm tổn giảm quân ma, tăng trưởng bạn chánh pháp. Dạ Xoa sống trên đất biết sự việc này nói với Dạ Xoa nơi hư không. Dạ Xoa nơi hư không tuần tự tâu với Tứ Đại Vương, Tứ Đại Vương lại tâu với Tứ Thiên Vương cho đến Trời Dạ Ma, Trời Đâu Suất Đà, Đức Thế Tôn Di Lặc như đã nói ở trên.
Nơi Cõi Trời Đâu Suất Đà có một vị Bồ Tát hết sức hoan hỷ hướng đến Trời Hóa Ứng nói như vậy: Trong cõi Diêm Phù Đề có Thiện Nam… đã cạo bỏ râu tóc, đắc pháp y, như trước đã nêu rõ.
Trời Hóa Ứng trở nên vui mừng như trước đã nói.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bảo Tàng Thần đại Minh Mạn Noa La Nghi Quỹ - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Sáu - Phẩm Thiện Hiện - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Trung Bộ - Kinh Bất động Lợi ích - Phần Hai - Bất động
Phật Thuyết Kinh Thủ Hộ Quốc Giới Chủ đà La Ni - Phẩm Hai - Tập Hai
Phật Thuyết Kinh Trường Bộ - Kinh ðại Bát Niết Bàn - Phần Bốn
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Sáu