Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Năm - Phẩm Súc Sinh - Tập Bốn

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy

PHẬT THUYẾT

KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy  

PHẨM NĂM

PHẨM SÚC SINH  

TẬP BỐN  

Bấy giờ, ở rừng Di thê la có ngôi Tăng già lam ngang dọc hai mươi do tuần, trong chùa ấy có vô lượng trăm ngàn tháp Phật, trang nghiêm bằng bảy báu. Chùa do năm trăm Vua lớn như Vua Nê Di… cùng nhau xây dựng để tạo phước, ở đó có một tháp, dùng vàng ròng, anh lạc, những vòng hoa đẹp, bảy báu để tôn vẻ nghiêm trang.

Các vị Vua này đã từng nghe danh hiệu của Chư Phật nên vẽ ra hình ảnh Như Lai có nhiều vườn cây, ao hồ, suối mát tươi đẹp, như trên đã nói. Trong cõi Diêm Phù Đề bấy giờ cũng có rừng cây như của Vua La Hầu A Tu La và trang nghiêm tháp Phật, các dòng nước, hoa sen vi diệu, các chim… đều như trên đã nói.

Bấy giờ, có Bà La Môn tên Bà Lợi, chuyên tụng Luận Tỳ Đà, tạo nhiều phước đức. Bà La Môn ấy dùng bốn ngàn cỗ xe chở các thứ thức ăn uống đến vùng đồng hoang để bố thí cho những người đi đường cần dùng. Ông ta liền thấy một tháp Phật cao hai do tuần, rộng năm mươi dặm, có kẻ ác dùng lửa đốt tháp rồi bỏ đi.

Thấy tháp bị đốt, Bà La Môn suy nghĩ: Nay ta hãy gác việc bố thí cầu phước đức này lại để cứu tháp của Như Lai rất là trang nghiêm kỳ diệu, chạm trổ tinh xảo, rộng lớn hiếm có. Ta nên dập tắt ngọn lửa này để tháp không bị cháy hư hoại.

Nếu ta không cứu tháp, Vua biết được thì sẽ phạt nặng, cho là không có lòng tin chân thật, không có tâm tôn kính. Suy nghĩ như vậy, ông ta liền dùng bốn ngàn cỗ xe chở nước đến dập tắt ngọn lửa kia.

Khi lửa tàn rồi ông ta mỉm cười nói: Ta cứu tháp này là có phước đức hay không phước đức?

Nếu có phước đức, nguyện đời sau ta được thân tướng cao lớn, trong cõi dục không ai sánh bằng.

Tuy nguyện như thế nhưng ông ta vẫn không tin, không chánh tư duy, cứ thích tranh chấp, không tin nơi chánh nghiệp. Do diệu lực của ruộng phước mà ông ta sinh làm A Tu La Vương trong thành Quang minh.

Lại nữa, Tỳ Kheo quán chỗ ở thứ hai của A Tu La Vương La Hầu như thế nào?

Vị ấy dùng Thiên nhãn với trí tuệ, quán xét chỗ ở thứ hai của A Tu La Vương ngang dọc một vạn ba ngàn do tuần, có vườn cây, ao tắm với rất nhiều hoa sen, nơi vui chơi có đủ các loại chim khác nhau để tạo sự trang nghiêm.

Thành của A Tu La đất bằng vàng ròng, chỗ nào cũng đầy châu báu ma ni, ngọc kha bối, nên oai nghiêm, tráng lệ. Có nhiều thể nữ đẹp đẽ, thùy mị đi dạo. Nơi chốn A Tu La Vương La Hầu thống lãnh không có tranh chấp, kiện tụng, theo ý nhớ nghĩ đều có thể đạt được.

Cảnh giới của A Tu La ở có mười ba chốn:

1. Già mê.

2. Dũng tẩu.

3. Ức niệm.

4. Châu anh.

5. Phong tuyền.

6. Xích ngư mục.

7. Chánh tẩu.

8. Thủy hành.

9. Trụ không.

10. Trụ sơn quật.

11. Ái trì.

12. Ngư khẩu.

13. Cộng đạo.

Nếu mọi người trên thế gian không hiếu dưỡng cha mẹ, không cúng dường các vị Sa Môn, Bà La Môn, không hành theo chánh pháp, thì chúng các Cõi Trời tổn giảm, còn chúng A Tu La thì tăng trưởng.

Còn nếu mọi người trên thế gian cúng dường các Sa Môn, Bà La Môn, hiếu dưỡng cha mẹ, hành theo chánh pháp thì chúng A Tu La tổn giảm, chúng Trời tăng trưởng. Vì hai nhân duyên là chánh pháp và phi pháp nên khiến cho Chư Thiên và A Tu La tăng trưởng hoặc tổn giảm.

Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét cảnh giới của A Tu La Vương La Hầu ở, cùng quán các pháp quả báo của nghiệp nơi A Tu La.

Vị ấy dùng văn tuệ biết chúng sinh kia thấy người bắt cá, đặt lưới bủa vây, ngăn bắt. Vì tạo lợi ích cho chúng sinh, muốn chúng được sống, người kia phá bỏ bờ đập ngăn cá, hoặc dùng uy lực bắt mọi người phải phóng sinh, hoặc vì lợi ích cho mình, hoặc cầu tiếng khen, hoặc vì Vua, đại thần mà ngăn chận việc sát sinh.

Hoặc vì bảo vệ chủng tộc, do đời trước đã học tập, tu hành theo pháp bất sát, nhưng lại không làm những việc thiện. Sau khi qua đời, người kia sinh vào đường A Tu La, làm thân A Tu La, thọ mạng lâu dài, trải qua năm ngàn năm. Một ngày đêm của cõi A Tu La đối với nhân gian là năm trăm năm.

Làm thân A Tu La như vậy đủ năm ngàn năm, thêm ít nhưng giảm nhiều, cũng có những người chết yểu nửa chừng vì tâm ở bậc hạ, bậc trung. Nhờ năng lực của nhân duyên đó mà có thân tướng oai đức, theo nghiệp dẫn đến việc thọ quả báo. Tỳ Kheo nên biết, quán tâm của chúng sinh có nhiều sự tin hiểu khác nhau.

Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét cõi của A Tu La Vương La Hầu sống nơi đáy biển lớn.

Vị ấy dùng văn tuệ với trí lanh lợi, thanh tịnh bậc nhất, quán vùng thứ hai nơi đất thấp có vùng tên Nguyệt man, dưới chỗ A Tu La Vương La Hầu khoảng hai vạn một ngàn do tuần.

Có A Tu La Vương tên Đà Ma Hầu đời Ngụy dịch là Cốt Yết, A Tu La Vương tên Hoa Man, cũng có thành lớn tên Song du hý, ngang dọc tám vạn do tuần, có vườn rừng tươi tốt, ao tắm trong mát đầy hoa sen để tăng vẻ trang nghiêm, có núi vàng cao vút, thung lũng tối sâu, với nhiều chim thú, xung quanh đều được tô điểm đẹp đẽ. Đất bằng lưu ly xanh, trên đất cỏ mọc xanh rờn, tiếng chim hót phát ra âm thanh hòa nhã.

Tất cả chúng A Tu La đều ở trong thành ấy. Cõi nước phồn vinh, giàu có, an lạc. Cảnh quan xung quanh đều đặc biệt, rất vừa ý. Có rừng cây bảy báu, khu vườn lầu gác đều xinh xắn, như trước đã nói. Các loại cây ở đây đều kỳ lạ, gấp bội ở trước, như cây Na già long, cây Vô ưu long, cây Đà bà, cây Khư đề, cây Vô ưu lực.

Lại có các loại cây vượt hơn các cây trên, như: Cây Dạ quang, cây Dạ khai phu, cây Bà cứu tra, cây Ni đơn đa, cây Trùng hoa, cây Phổ ái, cây Tập hoa, cây Phần hoa, cây Nhu nhuyến hoa, cây Ngũ tuế hoa, cây Phong ái lạc hoa, cây Cù lưu cù lưu âm thanh, cây Chúng điểu du hý, cây Bạch xỉ, cây Na la diệp.

Nơi thành Song du hý có bốn ngọn núi màu vàng ròng:

1. Núi Hoan hỷ.

2. Núi Kim diễm quang.

3. Núi Bất kiến đảnh.

4. Núi Khả ái quang.

Các núi ấy cao rộng năm ngàn do tuần, có nhiều loại cây, có suối chảy, ao tắm, nước sông trong mát, có nhiều bầy thú khác nhau với đủ thứ màu sắc, tùy theo màu sắc ấy mà cùng nhau dạo chơi, cũng như nhiều thể nữ vui vẻ đi dạo thọ lạc.

Nhiều nhà cửa lầu gác đều dùng các vật báu để tô điểm, cùng với các loại cây như ngưu đầu chiên đàn, gió thổi tỏa mùi thơm lạnh mát, chạm vào thân cảm thấy dễ chịu. Các Thiên Nữ thường dạo chơi trong rừng thơm, đùa giỡn để tự vui.

Châu báu phát ra ánh sáng không vật gì ngăn che được. Có nhiều loại hoa tươi đẹp dùng để trang sức trên thân, lại có vô lượng trăm ngàn âm thanh của chim khổng tước. Chỗ đại A Tu La Vương thống lãnh, lạnh nóng luôn thích hợp, điều hòa, mọi người luôn vui vẻ, sống an lạc.

Các thứ âm thanh của kỹ nhạc thường hòa tấu cùng với ca múa, vui đùa để tự tạo mọi vui thích. Trong thành Tinh man có con sông lớn rộng năm trăm do tuần, là sông trong sạch bậc nhất, nước ngọt hơn hết, không có bùn nhơ, không cấu uế ngầu đục, luôn tràn đầy, không hề vơi, xinh đẹp đáng yêu, giống như mặt trăng rằm.

Thành Tinh man còn có ao tên Nhất thiết quán kiến có nhiều uy lực, như A Tu La Vương Đà Ma Hầu muốn chiến đấu để biết được thắng bại thì A Tu La Vương này trang bị binh khí, đao gậy đến đứng xung quanh bờ ao, tự nhiên hiện lên thân tướng mình trong ao thì sẽ biết được cuộc chiến đấu thắng hay bại.

Ao ấy giống như mặt gương trong sáng, tự thấy rõ mình sẽ bỏ chạy, Chư Thiên chắc chắn thắng. Nếu ao ấy hiện lên tướng mình nằm nghiêng thì biết là tướng chết. Lúc này A Tu La Vương Đà Ma Hầu, A Tu La Vương Dũng Kiện, tự thấy thân mình hiện ra trong ao với tướng bỏ chạy, hoặc ngã xuống.

A Tu La Vương suy nghĩ: Sự việc này như thế nào mà trong ao hiện lên tướng như vậy?

Ta chiến đấu với Chư Thiên mà ta lại thoái chạy và ngã xuống?

A Tu La Vương liền trở về trú xứ của mình.

Đến mười năm, một trăm năm hay năm trăm năm sau, bấy giờ A Tu La Vương Dũng Kiện đem các binh khí như mâu, giáp… cùng những thứ hương xoa, hương bột, vòng hoa… trang sức nơi thân, đến ao Nhất thiết quán kiến để xem lại mình, vì sao mà phải bị hủy hoại?

Khi đó, A Tu La Vương liền thấy trong ao hiện lên cảnh người trong cõi Diêm Phù Đề hiếu dưỡng cha mẹ, cung kính các Sa Môn, Bà La Môn, tu hành theo chánh pháp, thích sinh lên Cõi Trời, sau khi mạng chung, họ đều sinh vào các Cõi Trời, cho nên chúng Trời được tăng trưởng, còn chúng A Tu La thì bị tổn giảm dần, do đấy trong ao đã hiện ra lên tướng như vậy.

Bấy giờ, A Tu La Vương Đà Ma Hầu, A Tu La Vương Dũng Kiện suy nghĩ: Do loài người tu hành, hiếu dưỡng cha mẹ, cung kính các Sa Môn, Bà La Môn, làm theo chánh pháp, nhờ uy lực đó nên Trời đã có sức mạnh hơn cả. Nay ta sẽ tạo những việc không an lạc, không lợi ích cho loài người ở thế gian, để cho Chư Thiên giảm kém, còn chúng ta thì được tăng trưởng.

A Tu La Vương Đà Ma Hầu và Dũng Kiện lại suy nghĩ: Nhờ vào con người nên chúng Trời có được sức mạnh thù thắng. Nay ta phải làm thế nào để cho người ở thế gian mất hết các thức ăn uống, khiến cho Cõi Trời kia cũng bị hủy hoại, vì con người nhờ ăn uống mà được tồn tại, tu tập hành theo chánh pháp.

Nay ta sẽ tìm cách để đoạn mất các thứ thức ăn của họ?

Suy nghĩ như vậy xong, hai A Tu La Vương liền đi đến chỗ Long Vương xấu ác trong biển. Long Vương ác này không tùy thuận hành theo chánh pháp, ngậm độc, nhiều sân, thường gây ra những suy tổn lớn, làm việc gì cũng đều không đem lại lợi ích cho ai cả. Vì thế hai A Tu La Vương tìm tới trú xứ của Long Vương Não Loạn, Long Vương Phấn Tấn, Long Vương Ca La… Các Long Vương này không tùy thuận hành theo chánh pháp.

A Tu La Vương Đà Ma Hầu và Dũng Kiện đã đến chỗ các Vua rồng, nói như vậy: Ngươi đối với người ở thế gian thích thú nhất là được tự do. Nay con người đã giúp đỡ chúng Trời khiến ta bị tổn giảm. Con người nhờ ăn mà được sống, nay ngươi hãy vì ta mà hủy hoại các thức ăn của họ. Nếu ngươi làm như vậy thì con người không còn nữa, khi đã không có dân chúng thì Chư Thiên sẽ bị tổn giảm.

Cũng như các Long Vương Bà Tu Cát, Đức Xoa Ca, là oán thù lớn của ngươi, ta đối với Chư Thiên cũng vậy, họ là thù địch của ta, ngươi có thể vì ta mà tiêu diệt loài người?

Lúc ấy, nghe hai A Tu La Vương Đà Ma Hầu và Dũng Kiện nói như vậy rồi, Long Vương ác nói: Tốt lắm! Tôi sẽ kết bạn với ông, giống như hai cánh giúp đỡ nhau.

Thế rồi Long Vương ác vào cung điện, nổi giận làm chấn động cả vùng nước lớn hàng trăm do tuần, hai trăm do tuần, ba trăm dotuần, khiến đất nổi lên trên nước. Do nước chấn động nên mặt đất cũng chấn động.

Long Vương hành theo phi pháp làm chấn động đại địa như vậy, thì các Luận sư theo tà kiến trong thế gian đều nói: Hiện tượng này là đất nước sẽ bị tai họa về mất mùa, hoặc nói là sẽ giàu, vui, hoặc bảo là Vua băng hà, đại thần bị tai ương, hoặc nói là điềm lành của Vua, hoặc cho là sẽ có đao binh, hoặc nói sẽ được an ổn, hoặc sẽ bị tai họa về lũ lụt, hạn hán.

Các thầy xem tướng nơi thế gian giảng nói về hiện tượng đất bị chấn động như vậy, nhưng họ không biết nguyên nhân của sự chấn động ấy. Lại có một nguyên nhân khác khiến đại địa chấn động, đó là do các chúng sinh hành nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện cũng khiến cho đại địa chấn động.

Dưới đất có gió gọi là trì phong, vì trì phong động cho nên nước động. Vì nước động nên đại địa động từ năm mươi do tuần đến một trăm do tuần, hoặc hai trăm, ba trăm, bốn trăm do tuần, tùy chỗ gió rộng hẹp thì nước động cũng như thế. Theo nước rộng hẹp thì đất bị chấn động cũng thế.

Vì sao?

Vì gió nên nước động, nước động nên đất động.

Vị ấy dùng văn tuệ, Thiên nhãn quán xét: Gió giữ nước, nước giữ đất. Vì gió động nên nước động, vì nước động nên đại địa động.

Đó là hai nhân duyên khiến cho đại địa động. Tỳ Kheo quán hai loại động như vậy, nếu nhân duyên thiện gây động thì chúng sinh được giàu, vui, không bị suy hoạn. Nếu chúng sinh tạo ra nhân duyên bất thiện gây động thì chúng sinh có việc bất thiện nổi lên. Thiện hay bất thiện, tất cả nghiệp ấy đều do nhân duyên sinh ra, đều từ nhân mà sinh, chứ không có ai tạo ra cả. Nhân quả giống nhau nên mắc quả báo cũng như vậy.

Các thầy tướng theo tà kiến không biết nhân quả nên nói như vậy: Vua Trời làm chấn động đất, hoặc nói gió động, hoặc bảo là tai họa hay giàu vui, mất mùa, đói khát, điềm lành, xấu của Vua, gió mưa, lũ lụt, hạn hán, binh đao nổi lên hoặc không nổi lên.

Bà La Môn Thiên Ngưu hoặc thiện hoặc ác. Các thầy tướng nơi thế gian xem tướng tốt xấu hay xem tinh tú đều không biết nhân quả, chỉ nói những lời như vậy, nói cả trăm tai họa nhưng không trúng chút nào. Người ngu si đều nói sách vở ấy của ta là hơn hết, không ai sánh bằng.

Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét các A Tu La Vương Đà Ma Hầu, A Tu La Vương Dũng Kiện, các Long Vương: Phi Pháp, Não Loạn…

Quán xét đầy đủ rồi, vì tạo lợi ích cho tất cả thế gian, vị ấy tư duy: Vì sao Long Vương ác giúp A Tu La?

Do nhân duyên gì mà bị tổn hại không thắng, không làm cho các thế gian suy tổn, hư hoại được?

Vị ấy dùng văn tuệ biết người trong cõi Diêm Phù Đề hành theo chánh pháp, hiếu dưỡng cha mẹ, cúng dường các Sa Môn, Bà La Môn và bậc Trưởng Lão, hoặc Vua và đại thần đều hành theo chánh pháp.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần