Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Năm - Phẩm Súc Sinh - Tập Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM NĂM
PHẨM SÚC SINH
TẬP NĂM
Lúc này địa thần và các Dạ Xoa… thấy Long Vương ác và các A Tu La Vương kia muốn hành theo phi pháp để hủy hoại các thế gian, bèn đi đến biển lớn, chỗ ở của các Long Vương Bà Tu Cát, Đức Xoa Ca, nói lại sự việc như vậy. Lại nói với các Dạ Xoa trên không về những sự việc như trên.
Các Dạ Xoa hư không nghe địa thần nói rồi, liền vận dụng sức đại thần thông với thân to lớn, giận dữ, miệng phun ra khói, nương hư không đi đến chỗ Tứ Thiên Vương, tâu: Thiên Vương Đề Bà: Long ác Não Loạn đã giúp A Tu La, nay chúng muốn phá hoại người trong cõi Diêm Phù Đề đang thuận theo chánh pháp tu hành, hiếu dưỡng cha mẹ…
Các Luận sư theo tà kiến nơi cõi Diêm Phù Đề thấy từ miệng của Dạ Xoa kia phun ra khói cho là sao chổi mọc, cho là một trăm lẻ một người con của Diêm La Vương, không biết đó chính là một trăm lẻ một Dạ Xoa đại lực. Khi ấy, ở thế gian có người thấy, có người không thấy.
Các thầy tướng thì nói: Đó là một trăm lẻ một người con của Vua Diêm La. Vì họ không nhận biết đúng như thật nên vọng sinh phân biệt như vậy, cho là sao chổi mọc, hoặc nói giàu vui, đói khát, hoặc bảo là điềm xấu tốt của Vua, hoặc cho rằng Vua sẽ băng hà, hoặc nói chiến tranh phát khởi, hoặc không phát khởi.
Hoặc nói: Bà lamôn Thiên Ngưu tốt hay không tốt, hoặc cho là tai họa về lũ lụt, hạn hán, hoặc bảo đất nước kia bị suy sụp, hoặc nói đất nước nọ được an lạc. Tuy giải thích đủ kiểu như vậy nhưng đó chỉ là hư vọng, không thật.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét hành động của rồng ác, A Tu La ác. Vị ấy dùng văn tuệ quán các Dạ Xoa hư không hiện bày sức đại thần thông với thân tướng to lớn tâu với chúng Trời về các việc như trên.
Khi ấy, Tứ Thiên Vương nói với Dạ Xoa: Ngươi đừng lo sợ! Ngươi đừng lo sợ! Chư Thiên chắc chắn sẽ thắng. Chúng A Tu La yếu đuối, thấp hèn, đâu có thể làm gì được.
Vì sao?
Vì người nơi cõi Diêm Phù Đề đã tu hành theo chánh pháp, hiếu dưỡng cha mẹ, cúng dường các Sa Môn, Bà La Môn, cung kính các bậc Trưởng Lão… vì ý nghĩa ấy nên Chư Thiên Chúng tôi tăng trưởng, A Tu La tổn giảm sẽ không làm gì được.
Các đại Dạ Xoa hư không có thần thông lớn nghe Tứ Thiên Vương nói thì vô cùng vui mừng, còn các rồng ác, A Tu La ác thì sinh giận dữ. Các Dạ Xoa ấy muốn hạ xuống để đến chỗ Long Vương hành theo pháp, Long Vương Bà Tu Cát, Long Vương Đức Xoa Ca… nói rõ nguyên nhân trên.
Đám các Dạ Xoa từ hư không hạ xuống, toàn thân sáng rực. Những người thấy tướng ấy đều nói là Ưu Lưu Ca hạ xuống đời Ngụy dịch là chó Trời. Nếu nó hạ xuống vào ban đêm thì người đời đều thấy, còn hạ xuống vào ban ngày thì có khi thấy, có khi không thấy. Dạ Xoa hư không hạ xuống rồi liền vào biển, đến chỗ đại Long Vương hành theo pháp nói rõ về nhân duyên trên.
Thấy hiện tượng này, các thầy chú thuật theo tà kiến ở thế gian đều có những cách giải thích: Hiện tượng ấy xuất hiện là điềm của sự giàu vui hoặc đói khát. Hoặc cho là Vua gặp vận tốt, xấu, hoặc bảo binh đao sẽ nổi lên, hay không nổi lên. Hoặc nói dân chúng chết hay không chết.
Hoặc cho Bà La Môn Thiên Ngưu là thiện hay bất thiện. Tuy giải thích như vậy nhưng không biết về nghiệp quả, theo những thuyết tương tợ đều không chân thật.
Lại nữa, Tỳ Kheo quán ánh lửa của Trời Ưu Lưu Ca hạ xuống, lại có nhân duyên. Ưu Lưu Ca hạ xuống là Chư Thiên sắp xuất hành, khi ấy cung điện đều theo bên thân, chúng đi rất mau, hai cung điện đều đi nhanh sát vào nhau, khiến lửa bốc cháy, ánh sáng đỏ rực từ trên xuống.
Người đời thấy thế thì các nhà chú thuật, chiêm tinh nói như vậy: Thế gian đói khát, hoặc giàu vui. Hoặc cho là Vua tốt xấu, tai họa, an lành. Hoặc nói là quốc độ được an ninh, hay bị tiêu hoại. Hoặc bảo các súc vật bị bệnh dịch lưu hành, dân chúng gặp phải bệnh trầm trọng.
Hoặc nói người, súc vật đều an ổn, tốt lành. Các nhà tà luận nơi thế gian tuy nói như vậy nhưng không thể biết nhân duyên của hiện tượng ấy, chỉ dựa theo đấy mà nói chứ không biết đến quả báo của nghiệp.
Vì sao?
Vì tất cả các Sa Môn, Bà La Môn trong thế gian, hoặc Thiên, Ma, Phạm, hoặc A Tu La đều không loài nào biết rõ về nhân duyên quả báo của nghiệp rất vi tế như vậy, không thể nào tư duy tận tường về mười nghiệp đạo thiện trong pháp luật của ta. Ngoài Đức Như Lai, không ai có thể hiểu nổi về những điều ấy.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét Dạ Xoa đại lực đi trên hư không.
Làm sao có được uy lực lớn để lên Cõi Trời, có thể đến biển lớn, chỗ của Long Vương hành theo pháp?
Vị ấy dùng văn tuệ thấy Dạ Xoa hư không dùng sức thần thông lớn để vào biển, đến chỗ Long Vương Bà Tu Cát, Long Vương Đức Xoa Ca là các Đại Long Vương tùy thuận pháp hành, nói như vậy: A Tu La Vương Đà Ma Hầu, A Tu La Vương Dũng Kiện đã đi đến ao Nhất thiết quán kiến để xem thân tướng của mình, như trên đã nêu đầy đủ.
Lúc ấy, các Long Vương Bà Tu Cát, Đức Xoa Ca, các đại Long Vương nghe Dạ Xoa nói như vậy rồi, bảo các Dạ Xoa: Ta sẽ quở trách Long Vương hành theo phi pháp, bắt nó phải hàng phục. Ta sẽ tuôn mưa đúng mùa vào cõi Diêm Phù Đề, làm cho dân chúng trong cõi ấy luôn được mùa, trăm thứ lúa gạo đều dồi dào, muôn người giàu có, an lạc. Nghe như vậy, Dạ Xoa rất vui mừng, từ giã ra về.
Bấy giờ, đại Long Vương, các Long Vương Bà Tu Cát, Đức Xoa Ca… tự trang sức rồi đến chỗ của Long ác: Rồng ác Phi Pháp, Long Vương Não Loạn, Long Vương Phấn Tấn, nói:
Các ngươi làm các việc phi pháp, thích tạo những điều ác. Ta hành theo chánh pháp, ưa tạo những điều thiện. Ngươi không phải là bạn lành của chúng ta.
Ngươi nay muốn chiến đấu với ta để quyết thắng bại chăng?
Khi đó, Long Vương Não Loạn, Long Vương Phấn Tấn… nghe vậy rồi, liền trang sức nơi thân, tạo ra sấm sét chói lòa, sét phát ra lửa, tuôn xuống mưa lớn. Nếu người trong cõi Diêm Phù Đề hiếu dưỡng cha mẹ, cúng dường các Sa Môn, Bà La Môn, cung kính, tôn trọng các bậc Trưởng Lão, thì Long Vương Bà Tu Cát, Long Vương Đức Xoa Ca liền đạt được sức mạnh thù thắng.
Bấy giờ Long Vương Não Loạn, Long Vương Phấn Tấn, Long Vương ác không thể thực hiện việc hủy hoại, phải trở về, khiến cho nơi cõi Diêm Phù Đề mưa gió đúng thời, dân được giàu vui.
Lúc này, các nhà chiêm tinh, thần chú thuật nêu ra những tà thuyết, nói đó là tướng công đức của tám loại sao sáng, tướng công đức của hai mươi tám ngôi sao, nên lúc nào cũng tuôn mưa đúng mùa. Nhờ vào oai lực của Bà La Môn Thiên Ngưu nên khiến Trời mưa, chứ không có nhân duyên nào khác.
Nếu người trong cõi Diêm Phù Đề không hiếu thuận, nuôi dưỡng cha mẹ, không cúng dường các Sa Môn, Bà La Môn, không cung kính, tôn trọng bậc trưởng thượng, không hành theo chánh pháp, thì các Long Vương Bà Tu Cát, Đức Xoa Ca, Như Pháp… bị thua nặng. Lúc đó mấy Long Vương ác như Não Loạn, Phấn Tấn được sức mạnh lớn, làm mưa trái mùa xuống cõi Diêm Phù Đề gây tai họa về lũ lụt, hạn hán, khiến muôn dân đói khổ.
Các nhà xem tướng, xem sao, chú thuật theo tà kiến trong thế gian, nói như vậy: Đó là do lỗi của tám vùng sao, lỗi của thời tiết, của quái tướng nơi các ngoại đạo… không biết quả báo của nghiệp, không biết do chúng sinh tạo nghiệp ác khiến cho đất nước bị tai họa mất mùa, lại nói khác, chẳng phải là nhận thức đúng đắn.
Vì sao?
Vì hoặc Trời, Ma, Phạm, Sa Môn, Bà La Môn thế gian, những cảnh giới ấy chỉ có Đức Như Lai và các Sa Môn đệ tử của Như Lai đã nghe giảng nói tướng quyết định về quả báo của nghiệp và các quả báo của nghiệp khác. Ngoài những vị ấy, không ai có thể hiểu rõ về nghiệp.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét chỗ ở của A Tu La Vương Đà Ma Hầu. Nếu Long Vương Như Pháp, Long Vương Bà Tu Cát được sức mạnh lớn thì Long Vương Phi Pháp bị hủy hoại.
A Tu La Vương Đà Ma Hầu sống trong thành Tinh man, hoặc ở trong rừng thì tâm hồn tiều tụy, oai đức, ánh sáng cũng đều tổn giảm, xấu hổ, buồn rầu, vào cung điện của mình suy nghĩ như vậy: Bây giờ ta phải làm sao để phá trừ Chư Thiên?
Suy nghĩ như vậy, A Tu La Vương Đà Ma Hầu liền đi đến chỗ của A Tu La Vương La Hầu nói: Này A Tu La Vương! Ông phải mạnh mẽ lên, không được yếu hèn, không bao lâu nữa ta sẽ phá tan chúng Trời kia!
Nghe như vậy, A Tu La Vương La Hầu nói với các vị kia: Ông đừng buồn rầu, lo sợ, hãy yên tâm! Không bao lâu tôi sẽ phá hoại chúng Trời cùng Thiên Chủ của họ là Thiên Vương Đế Thích kia.
A Tu La Vương Đà Ma Hầu, A Tu La Vương Dũng Kiện nghe nói như vậy thì rất vui mừng, bèn trở về chỗ ở của mình.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp và đã quán thành Tinh man rồi, tiếp đến quán những khu vườn rừng, đất đai khác của A Tu La Vương Đà Ma Hầu.
Vị ấy dùng văn tuệ quán A Tu La Vương Đà Ma Hầu có khu vườn khác ngang dọc một vạn ba ngàn do tuần, có đủ các phần liên hệ: Chỗ vui chơi, vô số các loại chim khác nhau, dòng suối, vườn hoa, ao tắm, hoa sen, chim nhạn, chim uyên ương, hết thảy đều đẹp đẽ, hài hòa, tạo mọi vui vẻ thọ lạc.
Vùng đất ấy có bảy khu vườn cây:
1. Vườn Vân man.
2. Vườn Thường.
3. Vườn Hý Lạc.
4. Vườn Quả thường tập.
5. Vườn Phong nhạc.
6. Vườn Kỹ nhạc.
7. Vườn Tạp bảo.
Đó là bảy khu vườn lớn, chỗ ở của A Tu La Vương Đà Ma Hầu có nhiều bạn bè, nhờ nghiệp lực đã tạo nên đều thọ hưởng mọi phú quý, an lạc.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp và quán những quả báo mà A Tu La Vương Đà Ma Hầu đã thọ hưởng.
Vì nghiệp gì mà sinh vào chỗ ấy?
Vị ấy dùng văn tuệ, biết các chúng sinh này đời trước tổ chức hội bố thí lớn, cúng dường ngoại đạo, hành thí bất tịnh, xen tạp, không thuần khiết, dùng thức ăn bố thí cho những người phá giới, chuyên làm việc sai trái, tâm thường suy nghĩ không chân chánh.
Bố thí như vậy, sau khi qua đời, người kia sinh trong loài súc sinh, làm thân A Tu La Vương Đà Ma Hầu. Theo nghiệp thượng, trung, hạ nên đưa đến quả báo vui cũng theo thượng, trung, hạ, vì nhân quả giống nhau.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét quả báo nơi nghiệp của A Tu La Vương Dũng Kiện.
Do nghiệp báo gì mà được làm A Tu La Vương?
Vị ấy dùng văn tuệ, thấy chúng sinh này khi còn làm người ưa thích làm kẻ trộm cắp, lén lấy trộm vật nơi người khác. Vì suy nghĩ không chân chánh mà bố thí cho ngoại đạo lìa dục đầy đủ các thức ăn uống. Do nhân duyên ấy mà sinh trong loài A Tu La.
Lại nữa, Tỳ Kheo quán thọ mạng dài, ngắn của A Tu La Vương Đà Ma Hầu.
Vị ấy dùng văn tuệ, Thiên nhãn quan sát: Vị ấy thấy A Tu La sống sáu ngàn tuổi. Sáu trăm năm trong cõi Diêm Phù Đề là một ngày đêm của cõi A Tu La Đà Ma Hầu. Thọ mạng như vậy đủ sáu ngàn tuổi, tăng ít giảm nhiều, mạng sống không nhất định. Theo nhân duyên của nghiệp thiện và bất thiện mà thuộc về nghiệp quả trong đường Súc Sinh, A Tu La là Địa thứ hai.
Quán Địa thứ hai rồi, vị ấy tùy thuận thực hành theo chánh pháp, quán tất cả chúng sinh: Có chúng sinh thuận theo pháp, có chúng sinh ủng hộ chánh pháp, tất cả chúng sinh đều bị chi phối theo sinh tử. Nếu tạo nghiệp lành thì sinh trong Cõi Trời, Người. Còn tạo nghiệp ác, bất thiện thì sinh trong địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh.
Lại nữa, Tỳ Kheo biết quả báo của nghiệp, lại quán xét sứ giả của Trời, nghe Dạ Xoa hư không có thần thông tâu tõ việc ấy rồi thì làm thế nào?
Vị ấy dùng văn tuệ, biết sứ giả của Trời đến chỗ ở của Trời Hộ thế Man Trì, nói: Chúng A Tu La không hành theo pháp, đã bảo các rồng ác, vì những người có phước đức, theo pháp hành thiện trong cõi Diêmphù đề ấy mà làm suy giảm, tổn hại, loạn động, không được lợi ích.
Vì sao?
Vì sợ những người theo pháp hành thiện ấy, khi qua đời sẽ sinh lên Cõi Trời.
Chúng nghĩ: Người trong cõi Diêm Phù Đề nhờ ăn uống mà có thể thực hành bố thí, trì giới, đạt trí tuệ, vậy nên đến cõi Diêm Phù Đề giáng xuống những trận mưa dữ để phá hoại lúa thóc hoa màu của muôn dân xứ đó.
Các Dạ Xoa đi trên hư không, thuận theo pháp, đến chỗ tôi sứ giả nói: Tôi nay nói với ông, nên lần lượt báo cho những chúng Trời khác biết như Trời Quân Trì, Trời Tam không hầu, Trời Thường tứ ý, nêu các sự việc như vậy khiến cho hết thảy đều biết.
Bấy giờ, Tứ đại Thiên Vương nghe nói như thế, liền đi đến chỗ Thiên Vương Kiều Thi Ca hiện đang ở tại Thiện pháp đường, trong thành Thiện kiến, có đầy đủ công năng của năm dục, các quyến thuộc tâu hết việc như trên.
Thiên chủ Kiều Thi Ca nói với Tứ Thiên Vương Hộ thế: Ông nên đến cõi Diêm Phù Đề quán xét các chúng sinh có lòng tin Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo, cúng dường các Sa Môn, Bà La Môn và các bậc Trưởng Lão, biết ân, báo ân, thật thà, ngay thẳng, có lòng tin kiên cố, hiếu dưỡng cha mẹ, thọ trì trai giới, không dua nịnh, không dùng cân đấu dối gạt người chăng?
Nghe nói vậy, Tứ Thiên Vương Hộ thế vì lợi ích cho chúng sinh nên xuống cõi Diêm Phù Đề, đi từng quốc độ, từng xóm làng, từng thành ấp, doanh trại, mỗi mỗi đều quan sát giáo pháp tu hành của họ, đi thăm khắp mọi miền, vùng. Khi ấy, Tứ Thiên Vương Hộ thế thấy người trong cõi Diêm Phù Đề tùy thuận hành theo chánh pháp, hiếu dưỡng cha mẹ, kính tín Tam Bảo…
Thấy các sự việc ấy rồi, ông bèn đi đến cung điện của hai Long Vương trong thành Hý Lạc ở biển lớn, thuộc hai Long Vương Bà Tu Cát, Đức Xoa Ca, nói như vậy: Long Vương Pháp hành đừng nên lo sợ! Phi pháp đã tổn giảm, chánh pháp được tăng trưởng, phá trừ sự tối tăm, hiển bày ánh sáng rực rỡ làm chấn động quân ma, chúng Trời Tăng Trưởng.
Trời, Người và Long Vương thích tu hành chánh pháp, có thể đánh trống pháp, ca tụng pháp âm, làm cho Thiên Chúng tăng trưởng lợi ích, còn các ma, Long Vương phi pháp và A Tu La đều bị tổn giảm.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Bi Phân đà Lợi - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Ba ức Thiếu đồng Tử được Thọ Ký
Phật Thuyết Kinh Xuất Sinh Vô Biên Môn đà La Ni - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đệ Nhị
Phật Thuyết Kinh độ Thế Phẩm - Phần Mười Hai
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Bảy Mươi Sáu - Kinh điền Phu Nhớ Vương Nữ
Phật Thuyết Kinh Lục Tập độ - Phần Sáu Mươi Tám - Phật Thuyết Kinh Lấy Ba Việc để Cười
Phật Thuyết Kinh Dần đủ Tất Cả Trí đức - Phẩm Bảy - Trụ Huyền Diệu