Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Hai Mươi Chín
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP HAI MƯƠI CHÍN
Trong tất cả loại bụi, bụi si là xấu ác nhất. Tất cả phụ nữ, dục là ác nhất. Dựa vào dục cấu uế, lại sinh ra cấu uế khác. Nếu dùng pháp đối trị, trừ bỏ dục cấu uế, tất cả cấu uế khác đều diệt hết. Như lúc Mặt Trời lặn ánh sáng cũng tắt, nếu đoạn trừ gốc dục cấu uế, các sự cấu uế khác đều dứt sạch.
Tỳ Kheo Ni ấy đi theo con đường diệt dục. Do dục bị diệt, tất cả sự cấu uế sinh chung với nó đều bị diệt.
Vật gì sinh chung?
Đó là ganh, ghét. Nếu nam hoặc nữ có ganh ghét đều do dục. Dục là gốc của hai thứ cấu uế ganh, ghét. Nếu dục ấy đoạn trừ hoặc mỏng bớt, hai thứ ấy liền diệt.
Hai thứ cấu uế ấy lại có sự cấu uế khác theo đuổi trói buộc.
Bụi nhơ khác là gì?
Đó là vu khống và dua nịnh sinh ra theo sự ganh ghét. Do ganh ghét diệt, vu khống, dua nịnh cũng diệt. Từ vu khống, dua nịnh lại sinh ra các sự cấu uế khác đi theo trói buộc, đó là sự dối trá. Sự vu khống, dua nịnh diệt thì không còn dối trá. Sự dối trá lại có sự cấu uế khác đi theo trói buộc, đó là kiêu mạn. Sự dối trá diệt liền không còn kiêu mạn. Từ sự kiêu mạn lại sinh ra sự cấu uế khác đi theo trói buộc, đó là chỗ não hại.
Sự kiêu mạn diệt thì không còn não hại. Từ chỗ não hại lại có sự cấu uế khác đi theo trói buộc, đó là sự xao động. Sự não hại diệt, sự xao động cũng diệt. Từ sự xao động lại có sự cấu uế khác đi theo trói buộc, đó là sự lừa dối, tà vạy. Sự xao động diệt thì không còn sự lừa dối, tà vạy. Từ sự lừa dối, tà vạy lại sinh ra sự cấu uế khác đi theo trói buộc, đó là làm mất oai nghi. Nếu không có sự lừa dối, tà vạy, thì không có sự mất oai nghi.
Từ sự mất oai nghi lại sinh ra sự cấu uế khác đi theo trói buộc, đó là nói hai lưỡi. Tất cả phụ nữ bị việc nói hai lưỡi phá hoại. Nếu không mất oai nghi thì không có nói hai lưỡi. Từ việc nói hai lưỡi lại sinh ra sự cấu uế khác đi theo trói buộc, đó là nói xấu việc người ở chỗ vắng.
Việc nói hai lưỡi diệt thì việc nói xấu cũng không còn. Từ sự cấu uế do nói xấu lại có sự cấu uế khác đi theo trói buộc, đó là tham ăn. Bụng phụ nữ có thể chứa nhiều đồ ăn, thức uống. Tất cả phụ nữ đều tham ăn uống, chất chứa nhiều trong bụng để tự nuôi dưỡng thân mình. Nếu không nói dối trá liền không tham ăn.
Từ sự tham ăn lại sinh ra sự cấu uế khác đi theo trói buộc, đó là hay làm những điều ái dục không nên làm. Tất cả phụ nữ do tham ăn uống nên ham muốn các thứ xấu ác không tương ưng với chánh pháp phát sinh. Nếu sự ham ăn uống diệt thì sự ham muốn tà vạy không tương ưng với chánh pháp liền không còn. Từ sự ham muốn tà vạy, không tương ưng với chánh pháp lại sinh ra sự cấu uế khác đi theo trói buộc, đó là không tin Tam Bảo.
Nếu có phụ nữ ham muốn không tương ưng với chánh pháp thì tất cả mọi người đều sinh nghi ngờ đối với người nữ ấy và mọi người đều ghét. Sự ham muốn tà vạy không tương ưng với chánh pháp diệt thì sự không tin Tam Bảo liền diệt.
Từ sự không tin lại sinh cấu uế khác đi theo trói buộc, đó là hay nói về việc mất oai nghi của phụ nữ khác. Nếu việc không tin Tam Bảo diệt thì không còn nói về sự mất oai nghi của người khác. Từ việc nói về sự mất oai nghi của người khác lại sinh ra việc cấu uế khác đi theo trói buộc, đó là sự tranh nhau tham ái.
Sự nói về người khác diệt thì sự tranh nhau tham ái diệt. Từ sự tranh nhau tham ái lại có sự cấu uế khác đi theo trói buộc, đó là làm nhục người. Sự tranh nhau tham ái diệt thì không còn làm nhục người. Từ cấu uế làm nhục người lại sinh ra cấu uế khác đi theo trói buộc, đó là sự gây rối loạn hay khiến cho thôn, xã, xóm làng rối loạn. Sự làm nhục người diệt thì sự gây rối loạn diệt.
Tất cả những cấu uế này duy trì lẫn nhau, theo thứ lớp trước sau tất cả đều diệt. Như vậy, nguồn gốc của tự thể trói buộc tâm của người phụ nữ lại không có pháp khiến cho nhu hòa, chỉ trừ khi họ được nghe lời Phật dạy và lời của bạn lành.
Người phụ nữ ấy nghe rồi, liền xả bỏ gia nghiệp, chỗ ở là những thứ khó xả bỏ mà xuất gia. Nếu không thể diệt hết các lậu hoặc thì có thể chuyên tâm trì giới tu hành. Đầu tiên tu không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không nói lời đâm thọc, không nói lời hung ác, không nói lời thêu dệt. Họ tu tập việc này một cách đầy đủ, tốt đẹp, thường xuyên và làm thật nhiều với tâm ưa thích.
Người phụ nữ này khi chết sinh vào đường lành là Cõi Trời Dục giới. Nếu không chán dục, do sức nơi nghiệp họ sẽ sinh ở Sơn thọ cụ túc Cõi Trời Dạ Ma, được thân trượng phu, khéo có thể trì giới không khiếm khuyết. Khi đã được thân Trời rồi liền làm việc phóng dật.
Do làm việc phóng dật, nên khi nghiệp lành hết, vị Thiên ấy đọa lại trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh và sinh vào thân phụ nữ cấu bẩn.
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ:
Dục phát sinh ganh ghét
Tâm như điện vòng lửa
Là kho tham, ngạo mạn
Nên người trí không tin.
Tâm thể là lưới dục
Như dao bén, lửa hừng
Tâm như bờ nguy hiểm
Sâu hơn biển khó lường.
Tâm vướng mắc như lưới
Làm mê hoặc người khác
Như kim cương, lửa đốt
Như độc hay giết người.
Đầy đủ các loại ác
Vô lượng loại hòa hợp
Phụ nữ không có tâm
Tu giữ giới chút ít.
Do sức mạnh của dục
Phụ nữ không giữ giới
Nếu rời sức mạnh dục
Thì có thể giữ giới.
Thiên Vương Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà giảng cho Chư Thiên nghe về việc trì giới ở đời trước: Này các thiện nam, khi làm người, mang thân nữ, do trì giới nên các ông sinh lên Cõi Trời này. Vốn là thân phụ nữ, do nghiệp lành trì giới, các ông được sinh làm thân nam.
Được sinh như vậy rồi, do phóng dật nên hết phước. Thiên Chúng các ông tự lừa dối như vậy, từ nay về sau phải cẩn thận chớ có sống phóng dật nữa.
Đức Thế Tôn đã điều phục Chư Thiên, làm lợi ích cho Chư Thiên rồi. Họ là bốn hạng quyến thuộc của tất cả các Bậc Chánh Giác, Chánh Biến Tri. Trong số quyến thuộc ấy, quyến thuộc thứ hai là chị em phụ nữ, thuận theo thứ lớp làm quyến thuộc của Tỳ Kheo.
Như thứ lớp ấy, Tỳ Kheo trì giới là trên hết. Do khéo tu tâm, ý, Tỳ Kheo này thấy sự phiền nhiễu của mình và người liền sinh sợ sệt, đối với đường sinh tử của thế gian liền sinh chán ghét.
Tâm họ sợ hãi tất cả việc sinh tử, thậm chí thấy việc ác nhỏ như hạt bụi cũng sợ hãi. Họ quan sát thật kỹ các hành, không có mong cầu gì. Do nhiệt tâm, họ trì giới một cách chân chánh vào bậc nhất, huân tập tâm bố thí, chánh niệm tư duy về bốn Thánh đế.
Có mấy hạng Tỳ Kheo, mấy loại pháp hành. Tỳ Kheo không vượt qua bốn loại chánh pháp.
Những gì là bốn?
Thứ nhất là Tỳ Kheo không đi đường một mình.
Vì sao?
Vì Tỳ Kheo đi một mình vào trong làng xóm liền bị khinh chê, vì buông lung. Do buông lung nên liền phá học giới. Nếu qua lại một cách tùy ý ở trong thôn, ở trong thành, ở chỗ đông người, không e ngại các Tỳ Kheo khác, khi thấy nhiều phụ nữ liền sinh vương vấn. Do tâm xao động họ ngắm các phụ nữ ấy.
Người đời thấy vậy liền bất mãn. Thấy người chê trách, Tỳ Kheo ấy liền sinh tức giận nên trong tâm sinh ra lỗi thứ hai là sân. Do dục và sân che lấp, tâm Tỳ Kheo này trở nên ngu si. Người xuất gia làm Sa Môn đi một mình trong nhân gian có ba lỗi tăng trưởng như vậy, do đó không nên đi một mình trong nhân gian.
Điều thứ hai mà Tỳ Kheo không được vượt qua là: Tỳ Kheo này vừa đi vừa niệm thân.
Khi đi trên đường, Tỳ Kheo này chuyên niệm thân mình như sau: Tôi giở chân này, tâm và tâm sở quan sát chân ấy. Tỳ Kheo ấy quan sát tất cả các phần của thân từ đầu đến chân, hoặc giở chân phải, hoặc giở chân trái, vị ấy thường quán thân này do lưới mạch ràng buộc, mỡ, xương, da gân buộc lấy gót chân, gió nghiệp thổi nên bước đi, tâm không gián đoạn, hoặc nhấc chân lên hoặc hạ chân xuống, hoặc duỗi hoặc co, giở chân thì thu giữ, hạ chân thì khoan thai.
Chân này gồm có lưới gân ràng rịt năm ngón lớn nhỏ hòa hợp thành chân. Các móng chân hợp thành mu bàn chân.
Kế đó, hành giả quán cẳng chân giống như thân cây mía còn nước, được thịt lấp đầy và gân ràng buộc, lỗ hổng trong xương dài, gân ràng buộc ở ngoài. Nó do nhân duyên sinh ra và có lông che kín da. Bên ngoài có lông tụ tập. Da như cánh ruồi che đậy cẳng chân.
Cẳng chân này một cái nhấc lên một cái hạ xuống. Hành giả quán sát đúng như thật về hành động khiến thân đi lại ở chỗ kinh hành.
Kế đó quan sát hai đầu gối của thân này do gân, máu, mỡ, thịt, xương hợp thành. Quan sát như vậy bằng tâm và tâm sở thấy thân bị gió nghiệp thổi cho nên hoạt động.
Lại quan sát hai đầu gối của thân này, thô sơ so với cẳng chân, có nhiều gân, thịt ràng buộc lẫn nhau, thịt lấp bên trên, thịt kết dính chúng với nhau, máu thúi làm nước, chất mỡ đầy bên trong. Nếu chỉ thấy da bên ngoài, tâm liền sinh ái nhiễm.
Lúc giở và hạ một chân xuống phải quan sát như thật. Lại giở chân thứ hai. Lúc giở chân thứ hai cũng quán như vậy, giở chân thì thu giữ, hạ chân thì khoan thai, hoặc duỗi, hoặc co, lần lượt như vậy quan sát tất cả chỗ cứng và chỗ rỗng. Sự đi lại, cử động hoặc là các loại khác đều do tác dụng phong đại.
Phần thân bên trên hai chân như là cái bình, bên trong có thục tạng, đó là phân, nước tiểu và các chất nhơ bẩn. Tất cả những điều được thấy đều không chắc chắn và bất tịnh. Do hai chân đi, bình ấy đi theo, tất cả các vật mà bình ấy chứa đựng đều đi theo. Lúc đi, hành giả duyên theo mà buộc niệm như vậy, như vậy.
Lại nữa, Tỳ Kheo ấy vừa đi vừa quan sát thân mình đang lay động như cái bình trên và nghĩ như vậy: Thân ta hoạt động làm sao.
Khi thân bên trên hoạt động, hành giả quán ruột già, ruột non, thấy khi giở chân, khí và ruột chuyển động, ruột già, ruột non tất cả đều chuyển động, hoặc từ hông bên trái chạy qua hông bên phải, hoặc từ hông bên phải chạy qua hông bên trái. Bên trong ruột này có gió vàng lạnh, phân, nước tiểu, trùng đầy trong đó cùng chuyển động với ruột.
Tỳ Kheo ấy quan sát sự chuyển động rồi mới quán xét như thật từ ruột trở lên có sinh tạng do lưới gân ràng buộc. Các khoang trên dưới và bên cạnh có lưới mạch vây bọc, bên trong có nước bọt thối và nước dịch của đồ ăn uống.
Các đồ ăn ấy giống như nước bọt lạnh lẽo mới nhổ ra, che lấp sinh tạng, đầy trong sinh tạng và hôi hám vào bậc nhất. Bên trên liên kết với yết hầu, có gân, mạch xương giữ gìn. Chúng chỉ có gió nghiệp cùng với tâm và tâm sở theo nhau làm cho hoạt động.
Tỳ Kheo quan sát thân rồi quan sát thân chuyển động. Trên mặt của ta gồm có xương mặt, xương răng, xương đầu lâu hòa hợp nhau thành cái đầu, có hai con mắt hợp với chúng làm thành cái đầu, mắt có nhiều mỡ, thường nháy không ngừng.
Nay ta quán thân phụ nữ này có lưới gân, da ràng rịt như dây quấn quanh cây, niệm niệm sinh diệt, lặn mất rồi lại sinh ra. Nếu đi khất thực ở trong thành, ấp, xóm làng để nuôi cái hòm thân thì cũng như nuôi hòm rắn. Nuôi thân như vậy không phải vì tham dục, do đó nên không được tham ăn uống, không được tham đắm mùi vị. Tỳ Kheo đi đường như vậy là Tỳ Kheo tinh tấn không có lỗi thứ hai vượt qua pháp hành.
Lại nữa, Tỳ Kheo ấy vào trong thôn, thành ấp, xóm làng chỗ đông người để khất thực, khất thực xong quan sát thân như vậy. Vị ấy quan sát tất cả người nam, người nữ như thế. Vị ấy có thể khéo tu tập như vậy một cách siêng năng tinh tấn thì tham dục ra khỏi tâm, không nhập vàp tâm.
Tỳ Kheo khác điều phục các căn như vậy là người thù thắng, chớ không phải là kẻ hèn kém. Tỳ Kheo này mong cầu được lợi ích nên không làm việc vượt qua pháp hành.
Thứ ba là Tỳ Kheo tu hành. Đó là Tỳ Kheo thường tu chánh niệm. Tỳ Kheo có chánh niệm thì tâm không tán loạn, là bạn lành, thường có ý thiện, có ý không loạn. Tỳ Kheo như vậy thường được Chư Thiên đi theo nên Thiên ma không thể gây rối loạn.
Thế nào là chánh niệm?
Đó là biết hoạt động của dục, biết được tâm và tâm sở pháp đã sinh và sắp sinh. Do có thể biết như vậy nên ý không phóng dật. Những điều nên duyên theo hay không duyên theo họ đều biết. Trong tâm và tâm sở pháp hoặc là pháp thiện, hoặc là pháp ác, hoặc là pháp vô ký… họ đều biết tất cả.
Tâm họ nghĩ như vậy: Ta nhờ vào các pháp lành mà sinh ra cho nên được lợi ích, được an lạc cho đến khi nhập Niết Bàn. Nay ta phá bỏ các pháp bất thiện khác, do pháp lành thuộc về tâm và tâm sở pháp làm nhân duyên sinh ra ta nên những điều bất thiện bị phá bỏ.
Nếu không phá bỏ pháp bất thiện ấy thì về sau ta sẽ không được lợi ích, sẽ không được an lạc. Họ biết như thật pháp thiện và pháp bất thiện như vậy. Biết rồi, họ suy nghĩ về các pháp như thế và quan sát từng phần các điều mà tâm ý biết được.
Có năm loại niệm không nếm, không vướng mắc, tâm không phân biệt, không nhớ không ưa những điều đã làm trước kia.
Những gì là năm?
Đó là niệm cảnh sắc mà mắt thấy, hoặc là cảnh giới đáng yêu đã thấy trước kia, sắc nơi cảnh giới của mắt hoặc gần hoặc xa, sắc đẹp, sắc xấu trước kia chưa từng thấy, hoặc các sắc đủ loại mà người khác đem đến. Tỳ Kheo này thấy rồi không ưa, tâm không suy nghĩ xem nó duyên gì mà xuất hiện. Họ xả bỏ nhân duyên ấy như người sợ bị thiêu tránh lửa vậy.
Tỳ Kheo này sợ bị lửa dục thiêu vì lúc mới nhiễm nó có nhiều vui thích, nhưng về sau nó gây nhiều đau khổ. Đối với sắc trước kia họ tiếp xúc, tâm họ không niệm, không phân biệt, không giữ lấy. Đối với sắc trước kia họ đắm nhiễm, nay họ không nhớ lại, không phân biệt, cũng không niệm sắc của thân người khác mà họ đã từng ưa thích. Họ cũng không niệm các thứ khác.
Tâm họ cũng không mong cầu sắc mà người khác nhớ nghĩ. Họ ngăn cản cả bản thân mình và đệ tử không cho tham đắm, không sinh tùy hỷ, khiến trụ trong chánh đạo. Tỳ Kheo này là thanh tịnh, chánh niệm, không tham, hành động chân chánh, tương ưng với pháp chẳng nhiễm. Tỳ Kheo như vậy mắt không đắm sắc.
Lại nữa, Tỳ Kheo chánh niệm thứ hai là Tỳ Kheo niệm âm thanh do tai nghe. Với chánh niệm, Tỳ Kheo này quan sát hoặc là âm thanh rất đáng ưa mà tai nghe, hoặc là tiếng ca múa, đánh trống, vỗ tay, vui đùa. Những điều đã từng nghe họ không nhớ nghĩ, không đắm nhiễm, cũng không phân biệt. Nghe điều gì họ cũng đều xả bỏ như người sợ bị thiêu xả bỏ lửa.
Tỳ Kheo này xả bỏ âm thanh ấy, tâm không tùy hỷ, ngăn cản không cho tất cả người khác hay anh em đắm nhiễm âm thanh đã nghe, khiến họ trụ trong đường lành, Tỳ Kheo này làm lợi ích cho mình và người, không ham thích âm thanh, do niệm thù thắng nên không bám vào âm thanh. Đó gọi là Tỳ Kheo chánh niệm thứ hai. Tỳ Kheo này tai không vướng mắc vào âm thanh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Phổ Diệu - Phẩm Một - Phẩm Bàn Về Giáng Thần
Phật Thuyết Kinh ánh Sáng Hoàng Kim - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm Diệu Tràng Tán Dương
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Dụ Về Con Ba Ba
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Ba - Phẩm Xá Lê Tử Tương ưng - Kinh Thành Tựu Giới
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi - Phẩm Phật Quốc - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Khí Xả
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Về Chuyện Người Trả Nợ Làm Thân Trâu Bò
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thuận Lương Mã
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Sáu Mươi Hai