Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Mười Chín
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP MƯỜI CHÍN
Nhờ nghiệp thiện Cõi Trời, loài chim ấy đã hót kệ cho Chư Thiên phóng dật nghe.
Thiên Tử nào sống phóng dật thì khi nghe kệ này liền nói: Chim này nói lời lành đã giác ngộ ta. Như lời chim hót ta sẽ đạt được. Chim này hót lời thật nhưng vì chúng ta sống phóng dật nên không trừ bỏ được. Về sau nhất định chúng ta phải bị hủy hoại, lo sợ nhiều.
Từ nay chúng ta hãy đối trị phóng dật, trừ bỏ phóng dật. Thiên Tử này chuyên tâm thiện ý từ bỏ phóng dật rất lâu, biết lỗi của dục. Suy xét xong nhưng vì tâm động, sức tâm lớn mạnh hoặc vì dục vọng, huân tập từ lâu nên lại tham dục.
Thiên Tử lại phân biệt các cảnh giới càng thêm hưởng lạc, trong cảnh dục có tiếng chim, vườn rừng, ao hoa đẹp, núi bảy báu trang trí bằng ao sen, có trăm ngàn bầy ong vui nhộn trong ao, có dòng sông đầy thức ăn uống, trăm ngàn cây che rợp dòng sông.
Dưới những cành cây có hoa, dùng hoa làm nhà. Thân Chư Thiên có ánh sáng đẹp, không khổ não, nhờ nghiệp thiện nên được quả báo đó. Chư Thiên thượng, trung, hạ đều không ganh ghét nhau, luôn yêu mến nhau, cùng một lòng, cùng hưởng dục lạc, không hại nhau, cùng vui chơi thọ lạc.
Thọ lạc xong, Chư Thiên cùng bàn luận: Trước kia chúng ta nghe, vị chủ cõi Dạ Ma tên là Mâu Tu Lâu Đà đang vui chơi thọ lạc. Chúng ta hãy cùng đến đó. Cõi của Chư Thiên này cách cõi Thiên Vương Mâu Tu Lâu Đà năm trăm do tuần. Từ xa họ nghe tiếng ca nhưng vì quá xa nên nghe không rõ.
Tiếng ấy vang khắp các Cõi Trời nên nghe không rõ. Tiếng chim cũng có công đức như tiếng ca. Tuy nghe không rõ nhưng họ vẫn vui vẻ không biết chán. Do tâm loạn động nên các Thiên Chúng quyết định đến chỗ Mâu Tu Lâu Đà thọ lạc. Rừng ấy có đủ các công đức, Chư Thiên đó cùng các Thiên Nữ trang sức xinh đẹp đầy đủ công đức, thân mặc vô số áo mịn, tay cầm nhạc cụ, yêu mến nhau, cùng vui vẻ.
Có người bay lên hư không, có người cỡi hoa sen, cỡi hoa Ưu Bát La thơm phức, loài ong vui nhộn, có người cỡi hoa hoa Câu vật đầu. Hình dáng, sắc tướng của hoa này đều như vầng trăng. Chư Thiên cùng Thiên Nữ ca múa, vui chơi, thọ lạc theo cảnh giới năm dục không biết chán. Nhờ nghiệp thiện hóa ra những vật để cỡi như vậy.
Do nghiệp hóa sinh có thượng, trung, hạ, nên sắc, lạc, trí tuệ, thọ mạng cũng có thượng, trung, hạ. Cứ thế Chư Thiên ở khắp hư không đi đến rừng Hý Lạc nơi có đủ dục lạc, rồi đến chỗ của Mâutu lâu đà. Lúc chưa đến rừng Hý Lạc, họ nhìn thấy rừng này như ánh lửa trong hư không, lại thấy nơi bằng báu màu xanh, nơi màu vàng trắng, nơi có màu như lửa.
Từ hư không Thiên Tử thấy vậy rất ngạc nhiên, cùng nói: Chư Thiên hãy nhìn những việc lạ trong hư không, ví như hư không đang khoác tấm vải đủ màu sắc mà ta chưa từng thấy. Nói xong họ ngạc nhiên, tạm dừng trong chốc lát. Chẳng bao lâu họ lại nghe tiếng ca rất hay, lại vui mừng, thán phục.
Từ Chư Thiên trên mặt đất đến Chư Thiên trên hư không và Thiên Nữ đều thích nhìn. Chư Thiên trong hư không thấy như vậy, Chư Thiên trên mặt đất của cõi Sơn thọ cụ túc cũng thấy như vậy. Chư Thiên cõi Sơn thọ cụ túc cũng đi đến chỗ Thiên Vương cõi Dạ Ma.
Dạ Ma Chư Thiên ngồi trên tòa bảy báu, trong động bảy báu, trang sức báu xanh, anh lạc và hoa sen báu khác. Lại có lọng báu sáng rực, ánh sáng chiếu soi cả ngàn do tuần. Có ánh sáng trắng chiếu khắp hư không như hư không đang mặc y phục đẹp, cờ phướn cũng vậy.
Chư Thiên cõi Quảng bác hành thấy vậy thầm thán phục, dừng lại một lúc, họ lại biết Chư Thiên cõi Sơn thọ cụ túc cũng đến chỗ vui chơi của Thiên Vương Mâu Tu Lâu Đà.
Họ nghĩ: Họ cũng như ta, Chư Thiên cõi Quảng bác hành lại cùng bàn luận: Chúng ta hãy cùng Chư Thiên cõi Sơn thọ cụ túc đi đến chỗ Thiên Vương Mâu Tu Lâu Đà.
Họ dừng lại một lát, Chư Thiên cõi Sơn thọ cụ túc thấy Chư Thiên cõi Quảng bác hành cũng thầm thán phục nói: Chúng ta hãy cùng Chư Thiên cõi Quảng bác hành đến chỗ Thiên Vương Mâu Tu Lâu Đà. Khi ấy, Chư Thiên cõi Sơn thọ cụ túc cùng Chư Thiên cõi Quảng bác hành và Chư Thiên trên đất hòa hợp nhau đồng đi.
Trong hư không có nhiều cờ phướn. Họ ngồi trên điện báu hoặc ngồi trên lưng chim, trổi năm âm nhạc đủ năm dục công đức đi đến rừng Hý Lạc nơi Thiên Vương Dạ Ma vui chơi. Nơi ấy có đủ các dục công đức của chúng, không sao ví dụ được. Họ đến đó thọ hưởng hoan lạc nơi cảnh giới của năm dục không biết chán, gần gũi nhau thọ lạc không biết chán.
Thấy biết hết các nghiệp quả của Chư Thiên, Tỳ Kheo nói kệ:
Ví như Trời mưa xuống
Nên nước sông cùng đầy
Cũng thế vì mưa dục
Chư Thiên thêm khát dục.
Di na sống trong nước
Nhưng thường sợ khô cạn
Khát ái lạc càng tăng
Chư Thiên không biết đủ.
Như hư không rộng lớn
Không cùng cũng chẳng tận
Dục lạc cũng như thế
Cõi dục không thể lường.
Sóng nước luôn cuồn cuộn
Nhưng biển không tràn đầy
Kẻ tham cầu dục vọng
Chẳng bao giờ biết đủ.
Thiên chưa đạt cảnh vui
Ngu si không biết đủ
Tâm luôn cầu dục lạc
Được rồi chẳng biết đủ.
Khi đã bị suy não
Tất cả đều mất hết
Do cảnh giới não hại
Vì thế hãy bỏ dục.
Đã bị tham dục dối
Phá hoại kẻ thích dục
Bị suy não thì mất
Mà Chư Thiên không biết.
Cảnh giới không thể đủ
Chẳng biết đủ không vui
Người trí trừ bỏ được
Tâm không biết đủ này.
Tịch tĩnh gốc an lạc
Khổ sinh từ cảnh giới
Thế nên tu tịch tĩnh
Xa lánh các cảnh giới.
Luôn trừ bỏ phiền não
Tu hành trí vô thượng
Từ trí được giải thoát
Do phiền não buộc ràng.
Các thứ bệnh, chết… trói
Cảnh giới làm lo sợ
Lưu chuyển trong sinh tử
Đều là do cảnh giới.
Lúc hợp lúc xa lìa
Trải qua trăm ngàn kiếp
Đời đời luôn như vậy
Chỉ Đức Phật thật tri.
Vô số vui sinh tử
Và khổ não sống chết
Tất cả do cảnh giới
Đời đời luôn luôn có.
Các cảnh giới như thế
Hủy hoại kẻ ngu si
Ngu si không có mắt
Nên tham dục cảnh giới.
Tránh xa kẻ oán thù
Nghe tên cũng suy xét
Cảnh giới là kẻ thù
Vì si nên không tránh.
Ai bị cảnh giới đốt
Chính là kẻ ngu si
Bị tự nghiệp dối gạt
Vì si nên không tránh.
Như người lo sợ lửa
Nhưng vẫn gần kề lửa
Bị cảnh giới mê hoặc
Vẫn thích gần cảnh giới.
Ví như kẻ nuốt độc
Không thể được an vui
Gần si ái cũng thế
Vĩnh viễn không an ổn.
Người khát uống nước mặn
Không thể nào hết khát
Cảnh giới che lấp mắt
Không biết đủ về ái.
Bị tâm dục dối gạt
Không thỏa mãn cảnh giới
Bị các gió nghiệp thổi
Đến tận cõi xấu ác.
Quan sát biết rõ vô số nghiệp sinh tử của chúng sinh, Tỳ Kheo thương xót Chư Thiên nên nói kệ trên. Chư Thiên ấy lại hòa hợp nhau cùng đi đến rừng Hý Lạc chỗ của Thiên Vương Mâu Tu Lâu Đà. Chư Thiên cứ thế mà đi, đầy đủ phục sức, hoan lạc, vườn rừng, ao hồ, trăm ngàn Thiên Nữ bao quanh.
Lại có Thiên Tử khác ngồi trên trăm ngàn cung điện, đi trong hư không, ánh sáng chiếu khắp, ca múa vui chơi trổi năm âm nhạc, trang sức vòng hoa, xoa hương thơm, cổ đeo anh lạc, đầu đội thiên quan, gió thổi y phục tung bay tha thướt như mây, được Thiên Nữ ôm lấy, vui vẻ. Lại có Thiên Tử, Thiên Nữ khác ca ngâm, thổi không hầu, nghe tiếng này tâm rất vui thích. Cứ thế các Thiên Tử thọ hưởng dục lạc đi đến rừng Hý Lạc, ở trong hư không mong cầu diệu lạc.
Tất cả Chư Thiên ở đây đều đến chỗ Thiên Vương Mâu Tu Lâu Đà. Các Chư Thiên ấy theo nghiệp mình vui chơi, trang sức, đi dạo, ca hát đầy cả mười phương, họ cùng đến chỗ Thiên Vương Mâu Tu Lâu Đà. Trong tất cả Chư Thiên cõi Dạ Ma, Thiên Vương Mâu Tu Lâu Đà là người tối thượng. Thân Thiên Vương nhờ nghiệp thù thắng nên được quả thù thắng. Như vậy, nhân quả đều giống nhau chẳng khác gì mầm hạt giống.
Tất cả Thiên Chúng ở điện Thiên Vương Mâu Tu Lâu Đà đều kém cỏi chỉ có Thiên Vương là người hơn cả. Dục lạc nơi Thiên Vương cũng hơn các Thiên Chúng, không thể nào ví dụ được, chỉ nói được một phần nhỏ.
Trên cây có chim bảy báu, miệng ngậm thân cây lo lửng trong hư không chẳng bám vào đâu. Ở chỗ khác có linh báu phát tiếng rất hay. Chư Thiên nghe được tiếng ấy đều đi đến, phân biệt thọ lạc đi trong rừng ấy. Bên ngoài rừng có nhiều chim cánh bằng bảy báu xen lẫn.
Chúng ngậm vòng hoa bay quanh khu rừng. Lại có những con chim khổng tước xinh đẹp. Trên lưng chúng có ao sen. Trong ao có nhiều chim và trăm ngàn loài ong vui nhộn. Ao ấy tên là Thanh thủy. Cánh sen nhiều màu khác nhau, có cánh bằng lưu ly, bằng bảy báu, hương hoa xông khắp năm do tuần. Trên lưng chim rất đẹp.
Tiếng chim hợp với tiếng ca nhạc. Lại có chim khổng tước kỳ lạ, chúng ngậm vòng hoa. Trên lưng có hoa sen lớn. Thiên Tử ngồi trên đài sen, trăm ngàn Thiên Nữ vây quanh vui chơi ca múa, thọ lạc. Lại có chim khổng tước kỳ lạ, miệng ngậm vòng hoa thọ hưởng diệu lạc do nghiệp hóa ra.
Trên đầu chim có cây vừa ý, nhiều hoa tươi, trên cây có nhiều chim cánh bằng bảy báu, các Thiên Tử leo lên cây cùng Thiên Nữ uống rượu ca hát hưởng lạc. Lại có chim khổng tước kỳ lạ, miệng ngậm vòng hoa, giữa lông chim có nhiều Thiên Chúng, Thiên Nữ hưởng lạc, yêu mến nhau, vui chơi ca múa. Thấy chim khổng tước ngậm vòng hoa, Thiên Chúng ngạc nhiên.
Lại thấy việc lạ nữa, ao sen có những vòng hoa, có hai vạn ao sen như vậy.
Không có bùn nhơ, cát bằng vàng bạc, nước có tám công đức luôn tràn đầy, có nhiều thiên nga, vịt Trời, Uyên Ương, nhờ nghiệp thiện của Chư Thiên, thiên nga hót kệ:
Hưởng dục lạc đã lâu
Lạc này không thường còn
Tất cả đều vô thường
Nhưng Chư Thiên không biết.
Lạc này dù tương tục
Có lúc phải chấm dứt
Bị tâm dục dối gạt
Không hay biết thoái đọa.
Lạc này xen lẫn khổ
Che lấp nên chẳng hay
Như trong tua hoa sen
Không thấy được rắn độc.
Lại như cơm lẫn độc
Kẻ ăn bị giết hại
Diệu lạc Trời cũng thế
Nhất định đọa địa ngục.
Như lưới dây rất đẹp
Ai thấy cũng thích thú
Lưới cảnh giới là thế
Thấy tốt nhưng thật xấu.
Như quả độc ba ca
Mới nếm nhiều vị ngon
Nhưng sau lại giết người
Lạc thế gian là vậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Bổ Ngư Sư
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Chín - Pháp Hội Hư Không Mục - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh Thủ Hộ đại Thiên Quốc Thổ - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Bốn - Bốn Pháp - Phẩm Hai Mươi Tám - Phẩm Tham
Phật Thuyết Kinh đại Thừa đại Tập địa Tạng Thập Luân - Phẩm Một - Phẩm Tựa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Phật đảnh Quảng Tụ đà La Ni - Phẩm Mười Chín - Phẩm Chú Sư Tự Trước Chú Tác