Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Mười Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP MƯỜI SÁU
Hưởng lạc xong nhưng vì thiếu trí nên phân vân: Ta từ đâu đến, thân ta là thân gì?
Đây là cõi nào?
Cõi này tên gì?
Vì nghi ngờ vậy, người ấy tự suy nghĩ ví như người say rượu, lại như người ngủ. Một đêm có bốn thời đã ngủ ba thời.
Vì thời gian ngủ quá lâu nên khi thức giấc lại luôn phân vân: Ta là người gì?
Ta sống ở đâu?
Suy nghĩ một lát người ấy biết được như vậy, như vậy. Suy nghĩ mãi người ấy biết được mình bỏ thân người sinh lên Cõi Trời. Nếu khi ở cõi Diêm Phù Đề người ấy không thích cảnh giới thì khi sinh lên Trời cũng không thích cảnh giới.
Vì sao?
Vì sự huân tập cũ. Suy nghĩ mãi Thiên Tử biết được nhờ nghiệp thiện nên được sinh lên cõi này. Người chết ở cõi người được sinh lên Trời là nhờ giữ giới không tham đắm cảnh giới. Về sau từ Cõi Trời bị thoái đọa, sinh xuống cõi người. Những gì huân tập ở Cõi Trời đều có tướng tương ưng.
Những gì huân tập ở cõi người, sau khi chết được sinh lên Trời thì không thích cảnh giới, không dâm dục. Nhờ giữ giới, Thiên Tử mới sinh tuy sinh lên Trời nhưng không thích cảnh giới. Nhờ dư báo nên tâm không thích cảnh giới. Những chúng sinh ra khỏi địa ngục được sinh lên Trời là do nghiệp của chúng.
Nhờ nghiệp thiện và nguyện lực khác nên ra khỏi địa ngục được sinh lên Trời. Vì từ nơi khổ não sinh lên Trời nên khi được lạc thì tham đắm, tâm vui mừng, sân hận nhiều, tâm tham lạc vườn rừng, sông suối, ao sen, thích dạo chơi, tham ăn uống, tâm ý huân tập liên tục.
Những chúng sinh nhờ dư báo ra khỏi cõi ngạ quỷ, sinh lên Trời thì tâm luôn tham ăn uống, ở chỗ lạnh mát, thích người nữ là vì huân tập tâm ý.
Những chúng sinh nhờ dư báo ra khỏi cõi súc sinh, sinh lên Trời thì được nhiều thức ăn như ở cõi súc sinh, tâm tham dục mạnh là vì tâm ý huân tập liên tục.
Những chúng sinh ở bốn trụ xứ của cõi vô sắc bị thoái đọa sinh vào Cõi Trời, vì trước kia tu đắc Tam ma bạt đề nên được sinh lên bốn trụ xứ của cõi vô sắc nhưng nghiệp hết thì bị thoái đọa, sinh vào Cõi Trời. Đó là vì tâm ý huân tập liên tục, tham ái xúc, vị, sắc, hương.
Tuy được nhưng không tham nữa là nhờ tâm tịch tĩnh không tán loạn nhiều. Do huân tập tâm nên những chúng sinh ở quả vị thiền thứ nhất của cõi sắc, cho đến ở quả vị thiền thứ tư khi hết nghiệp bị thoái đọa đọa vào cõi dục.
Do huân tập tâm có thượng, trung, hạ, tâm thích ngồi thiền nên cảnh giới vui không nhiều. Chúng sinh ở cõi dục bị thoái đọa sinh trở lại cõi dục là nhờ sinh nghiệp. Chúng sinh ở hai Cõi Trời, người của Dục giới sắp bị thoái đọa lại sinh vào cõi dục là nhờ nghiệp thiện. Chư Thiên cõi dục có hai nghiệp thành thục, trừ Cõi Trời Tịnh Cư.
Vì Cõi Trời Tịnh cư không có sinh nghiệp và dư nghiệp thành thục. Như vậy, gió nghiệp luôn thổi vào chúng sinh làm cho lưu chuyển, bị lưới tâm, lưới nghiệp trói buộc, phân biệt, tin hiểu đủ thứ. Cứ thế lưu chuyển mãi trong năm đường.
Quán xét, suy nghĩ như vậy, Thiên Tử mới sinh mới biết mình từ cõi nào sinh đến đây, từ cõi người sinh đến đây là nhờ sinh nghiệp. Thiên Tử biết hết sinh nghiệp và dư nghiệp.
Vì sao biết Thiên Tử này không do dư nghiệp sinh?
Vì chúng sinh do dư nghiệp sinh thì phải do nhân duyên từ nhiều đời, hoặc trăm đời mới có quả báo, hoặc cả ngàn đời, trăm ngàn đời. Người không có Thiên nhãn thì không tự thấy biết. Do nghiệp nhân từ quá khứ xa xưa sinh ra.
Người do sinh nghiệp sinh thì biết được nơi thọ sinh. Quan sát nhân duyên sinh xong, Thiên Tử kiêu mạn, nhờ nghiệp thiện huân tập nên chẳng bao lâu sinh tâm tham ái cảnh giới. Thiên Tử nhớ biết hết vô số chủng loại. Lại nghĩ ta nay đã sinh lên trụ xứ Quảng Bác Hành của cõi Dạ Ma.
Vừa nghĩ như vậy, các Thiên Nữ xuất hiện trước mắt, nhờ nghiệp thiện các Thiên Nữ đó vội chạy đến vây quanh Thiên Tử. Những Thiên Nữ đã thọ sinh từ lâu thì không hổ thẹn, muốn chạy nhanh ôm lấy Thiên Tử, cùng vào rừng thọ lạc. Nhờ nghiệp thiện được các Thiên Nữ xinh đẹp đáng yêu cùng thọ lạc.
Cõi ấy có núi rừng, ao sen, hang khe, sông suối, đất bằng đẹp. Có hang bằng vàng, nhà cửa bằng cành cây, chim chóc hót rất hay, vô số Thiên Nữ cùng nhau bao quanh ca múa vui chơi hưởng lạc tại đó. Rừng đó có loài nai bằng bảy báu đi lại khắp nơi, họ nhìn ngắm mọi thứ đáng yêu. Cõi ấy có núi tên Quảng Thiểu, đỉnh núi trang trí bằng bảy báu sáng rực, đá báu xen lẫn, ao sen bằng bảy báu.
Trong rừng có nhiều ao hồ, nhờ nghiệp thiện nên mọi nơi đều đẹp. Họ ở đó ca múa vui chơi hưởng lạc. Chư Thiên cùng thọ lạc xong, lại vào nước vui chơi, cứ thế họ sắp rơi vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Nhờ nghiệp thiện nên vui chơi mãi. Chư Thiên ấy tự hiện nghiệp tướng, danh tự, trên thân.
Từ nơi thân họ biết được tên tuổi hình tướng của mình vào đời trước tạo nghiệp lành gì, tu bằng tâm nào, làm vào lúc nào, do nhân gì, sinh ở cõi nào?
Phước đức thượng, trung, hạ, đầy đủ tài vật, ví như người vẽ giỏi vẽ mọi ở khắp nơi đều rõ ràng, tên tuổi của vị Trời ấy cũng vậy. Họa sư nghiệp thiện vẽ hết các nghiệp lành ở cõi lành, hình sắc, ánh sáng đều rất đáng yêu, vẽ vị Trời ấy ai cũng thích nhìn.
Như hình sắc đẹp của nghiệp thiện mà có ra thân vị Trời ấy. Do vẽ như vậy nên hình tướng, danh tự hiện ra rất đẹp như luyện vàng ròng, các báu xích liên hoa, báu xanh xinh đẹp đáng yêu. Thân tướng của vị Trời ấy xinh đẹp gấp trăm lần. Tướng vẽ đó họ không tự thấy được.
Vì sao?
Vì là tướng dưới cằm, trên yết hầu nên không thấy được. Thiên Tử nào chưa phóng dật thì nhìn nhau thấy được. Lại nhờ nghiệp thiện khác họ nhìn nhau thấy được tướng này. Chư Thiên cõi Quảng Bác Hành có những việc hy hữu như vậy. Thiên Tử ấy lại có tướng lạ khác, tướng trên trán cũng như tướng yết hầu nhờ nghiệp thiện nên có những sắc tướng do nghiệp tạo ra như vậy.
Ngay giữa trán mình Thiên Tử thấy hết sắc tướng của những việc vì sao bị thoái đọa, lúc nào thoái đọa, thoái đọa thì sinh vào đâu?
Những tướng lạ này đều do nghiệp tạo ra. Mọi thứ trên thân Thiên Tử ấy như vòng hoa… đồ xinh đẹp giống như vòng hoa trang sức trên đầu của Chư Thiên cõi khác. Nhờ nghiệp thiện tự thân thành thục nên được quả báo cùng các Thiên Nữ vẽ ra các thân đẹp vui chơi thọ lạc ở khắp các vườn rừng của cõi Quảng Bác Hành.
Thọ lạc xong, họ đi đến sông Thiện Tạp. Sông ấy bắt nguồn từ núi Tạp ái chảy xuống nên gọi là Thiện Tạp. Sông ấy có nhiều vật báu, chim chóc hót rất hay, cây cối sum suê, bờ sông có đủ các loại hoa đẹp nhiều màu sắc khác nhau, vô số Thiên Nữ vui chơi trên bờ sông. Lại có dòng sông đẹp khác tên Tạp Hà.
Sông này bắt nguồn từ núi Tạp Sắc Nham nên gọi là Tạp Hà. Thiên Tử nào đến sông này sẽ nhớ được nơi sinh của mình. Nếu Thiên Tử ấy từ cõi địa ngục thọ sinh ở đây thì cũng biết rõ, biết rồi thì có đủ năm dục với các công đức đáng yêu. Các Thiên Nữ vui mừng dạo chơi thọ lạc.
Vì biết được khổ não mình từng chịu nên quên hết hoan lạc, chán dục, nói kệ:
Trong ngọn lửa địa ngục
Tất cả khổ vô cùng
Chúng ta hết nghiệp ác
Được sinh ở cõi này.
Nghiệp thiện quả cũng thiện
Trang sức các công đức
Nghiệp ác nên quả khổ
Chắc chắn chịu như vậy.
Ta ở trong khổ vui
Lưu chuyển trong sinh tử
Bị gió nghiệp thổi động
Như sóng trong biển lớn.
Những kẻ tâm tạo ác
Thích làm những việc ác
Vì không tạo nghiệp lành
Nên đọa vào địa ngục.
Ra khỏi địa ngục ấy
Sinh lên Cõi Trời này
Quên khổ não cõi ấy
Nên lại tham dục lạc.
Cảnh giới lưu chuyển này
Khổ vui cứ nối nhau
Nhưng tâm rất bền chắc
Chịu khổ không biết mệt.
Bờ khổ vui nối nhau
Dối gạt hết các căn
Và lưới ái trói buộc
Trôi trong vòng sinh tử.
Bỏ ngục, sinh cõi quỷ
Hết quỷ làm súc sinh
Dần dần thành loài rồng
Rồng chết sinh ba chỗ.
Nghiệp lưu chuyển trong đời
Cũng như bánh xe lăn
Vì tập khí từ lâu
Không sinh tâm mỏi mệt.
Tham cung điện cõi rồng
Không thích khổ địa ngục
Lưu chuyển trong ngục hữu
Có nơi vui nơi khổ.
Ngàn khổ Bát Đầu Ma địa ngục
Trăm ức Bát Đầu Ma
Chịu khổ như thế đó
Vì si không biết mệt.
Ba cõi đều không vui
Tất cả đều là khổ
Chúng sinh bị si gạt
Mà không biết mỏi mệt.
Đã chịu khổ như vậy
Vì si tạo nhân khổ
Do nhân nên có quả
Như trái từ hạt giống.
Cảnh giới mê hoặc tâm
Dũng mãnh có sức lớn
Chúng sinh đều phục tâm
Để luôn được tịch tĩnh.
Tâm đã điều phục rồi
Cảnh giới sẽ chuyển theo
Luân hồi trong ba cõi
Không thấy được chân đế.
Ví như do gió thổi
Làm sóng biển nổi lên
Chính vì tâm làm duyên
Luôn luân chuyển trong đời.
Chúng sinh ham người nữ
Lệ thuộc trong khổ vui
Không đến được cõi lành
Nơi chẳng còn khổ não.
Ai nghĩ đến khổ não
Sẽ sinh tâm nhàm chán
Vừa quên hết khổ não
Là tham lạc phóng dật.
Người nào nhớ biết được
Khổ não của địa ngục
Dục lạc trong Cõi Trời
Nhỏ như những hạt bụi.
Vị Trời ấy nhớ hết nơi mình từng thọ sinh, ở bên sông Tạp Hà của núi Tạp Sắc Nham, Thiên Tử lại nhớ hết nơi mình từng thọ sinh, nếu bỏ đi thì quên hết nơi thọ sinh cũ, quên hết khổ. Vì quên hết nên tham đắm cảnh giới, thọ hưởng dục lạc nơi sắc, thanh, hương, vị, xúc. Hưởng lạc xong họ lại đến núi Cửu Dục đáng yêu.
Núi ấy có dòng sông, ao sen đẹp, nước trong sạch chảy quanh núi. Trong ao có nhiều thiên nga, vịt Trời, uyên ương đẹp, hai bên bờ sông bằng báu vàng, nước sông chảy tạo đủ âm thanh. Núi ấy có cả vạn dòng sông như vậy. Cây cối sum suê chim chóc vui nhộn.
Trong các dòng sông ấy có bốn sông đẹp nhất:
1. Tốc lưu.
2. Kim man.
3. Tỳ lưu ly thủy.
4. Lạc phiêu.
Do nghiệp quả thành thục nên Chư Thiên rất vui, trang sức đủ các y phục, vui chơi thọ lạc đến sông Tốc Lưu. Gần bờ sông có hoa dài đẹp, có rừng lớn tên Vô Lượng Lạc, hoa nở rộ, cành cây che rợp, không có chỗ trống, có trăm ngàn hoa đẹp.
Trong sông có nhiều loài chim, thân chim bằng tạp bảo, tiếng chim vang khắp nơi. Bờ thứ hai của sông Tốc Lưu có ao tên Túy Phong tuần hành như Mặt Trời mới mọc. Trong ao có hoa sen đỏ thơm xông khắp ao. Hai bờ ao, một bên có rừng, một bên có ao hoa. Sông ấy dài năm trăm do tuần, rộng năm do tuần.
Nước sông trong trên mặt nước có hoa mọc kín, cánh hoa đủ màu có hương thơm dịu. Hương ấy xông khắp năm do tuần. Chư Thiên cõi ấy, có người ở trong rừng, người ở trong ao sen tha hồ vui chơi thọ lạc cùng Thiên Nữ vui chơi thọ lạc, thân phóng ánh sáng.
Nhờ sức nghiệp thiện Chư Thiên cõi Quảng Bác Hành vui chơi thọ lạc trên bờ sông Tốc Lưu. Sông Kim Man thì bắt nguồn từ đỉnh núi Y. Sông này rất đẹp ở đỉnh núi Y giống như vòng hoa vàng nên gọi là sông Kim Man.
Sông này có công đức: Nước sông là rượu nhưng không có lỗi lầm say, đầy đủ sắc hương vị xúc vừa ý, tùy ý muốn không trở ngại, không tán loạn. Thiên Tử cùng Thiên Nữ uống rượu thọ hưởng hoan lạc.
Mỗi Thiên Tử có vô số Thiên Nữ vây quanh, tâm ý tham đắm cảnh giới của năm dục, nghe năm âm nhạc hay cùng Thiên Nữ tha hồ thọ hưởng hoan lạc bên bờ sông Kim Man không biết chán cảnh giới. Họ lại vui chơi thọ lạc từ thung lũng này qua thung lũng khác, từ ao sen này đến ao sen khác, từ vườn cây này đến vườn cây khác, từ gốc cây này đến gốc cây khác.
Cứ thế họ đi khắp nơi thọ nhận dục lạc. Sau đó họ lại đến sông Tỳ Lưu Ly thứ ba. Nước sông trong sạch như lưu ly, cây cối bằng lưu ly, chim bằng lưu ly bay nhảy trên sóng nước. Nước sông sạch, sâu, chảy rất chậm tạo ra tiếng hay. Nhờ oai lực nơi nghiệp thiện nước sông lưu ly rất đẹp.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Cha Con Gặp Nhau - Phẩm Bảy - Thọ Ký Long Nữ
Phật Thuyết Kinh Vô Cấu Xưng - Phẩm Hữu Tình
Chú đại Bi. đại Bi Tâm đà La Ni
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Thứ Mười Một - Pháp Hội Xuất Hiện Quang Minh - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thiện Giác
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Sở Cầu
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh đề Sa
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Sáu Mươi Tám - Phẩm Vô Tận
Phật Thuyết Kinh Bồ Tát Bản Duyên - Phẩm Một - Phẩm Tỳ La Ma