Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Năm Mươi Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP NĂM MƯƠI HAI
Bấy giờ, nơi rừng ngỗng ấy, các Thiên Tử mới sinh lại nghe ở nơi xa có âm thanh thù thắng, vi diệu, hơn cả âm thanh Cõi Trời. Nghe âm thanh ấy rồi, tâm họ sinh ưa thích. Âm thanh ấy phát ra cùng khắp và giống như tiếng đàn tỳ bà, đàn không hầu, tiếng trống, tiếng ca, tiếng sáo, đủ loại âm thanh đáng yêu như vậy.
Lúc đó, Chư Thiên đang vui chơi đủ kiểu ở bờ ao rộng chợt nghe âm thanh ấy, tất cả đều quay mặt về phía âm thanh đó lắng nghe.
Họ thấy ở đằng xa có trăm ngàn tòa nhà, vây xung quanh nhau, có tiếng ca của Chư Thiên rất là đáng ưa. Tiếng ca ấy khiến người nghe phát khởi ham muốn. Các tòa nhà ấy ngay ngắn, trang nghiêm, tốt đẹp giống như sao đi quanh Mặt Trăng. Như vậy, như vậy tòa nhà vây quanh nhau ấy phát ra ánh sáng xoay tròn xung quanh.
Thấy cảnh ấy, tất cả Thiên Chúng đều rất vui. Ở đó có tiếng ca ngâm của trăm ngàn Thiên Nữ. Thiên Chủ Dạ Ma ngồi trên đài sen bằng bảy báu có trăm ngàn cánh, có vô lượng Thiên Nữ vây quanh để nghe pháp. Họ hướng đến nơi Bồ Tát Ngỗng chúa Thiện Thời ở.
Thấy họ đến, Bồ Tát Ngỗng chúa Thiện Thời liền nghinh đón. Bồ Tát cùng với các ngỗng mái và ngỗng trống có vô lượng trăm ngàn bảy báu tốt đẹp trang điểm thân cùng một lúc bay lên hư không hướng đến Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà. Lại có tiếng ca ngâm của các con ngỗng khác.
Hai vị Vua này, một là ngỗng chúa, hai là Vua Trời kính trọng lẫn nhau, dùng lời tốt đẹp hỏi thăm nhau. Do nguyện lực trước kia là trừ bọ phóng dật của Trời Dạ Ma, ngỗng chúa Thiện Thời sinh ở Trời Dạ Ma.
Ngỗng chúa Thiện Thời nói: Lâu quá Thiên Vương không đến ao rộng này.
Tôi nghe Chư Thiên khác nói rằng: Thiên Vương Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà không sống phóng dật, đã cùng Thiên Chúng chiêm bái sáu Tháp Phật ở Vùng đất cây cối sum suê để lễ bái, cúng dường các Kinh do Phật hóa ra, đã đọc Kinh ấy và giảng cho Chư Thiên nghe ở tại Tháp Phật đó.
Vì lý do ấy nay tôi đến tiếp đón. Lúc Thiên Chủ thuyết pháp ở nơi ấy, tôi cũng thuyết pháp thích hợp cho các vị Trời đang chơi ở bên ao rộng này. Đó là pháp đệ nhất nghĩa, tịch tĩnh an ổn, trừ bỏ phóng dật, lợi ích rốt ráo. Vì lý do này, nay tôi tiếp đón Thiên Vương như vậy. Vì mến pháp, lìa bỏ tâm ngã mạn và kính trọng Thiên Chủ nên tôi nghinh đón.
Nghe lời ấy xong, Thiên Vương Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà nói: Ngỗng chúa đã tạo lợi ích rộng rãi cho tất cả Chư Thiên ở Cõi Trời Dạ Ma. Vì muốn đem lại lợi ích cho tất cả Chư Thiên ở Cõi Trời Dạ Ma nên tôi đến nơi này. Nay chúng ta hãy cùng nhau trở về ao rộng.
Nói lời ấy xong, Thiên Vương Dạ Ma Mâu Tu Lâu Đà, vô lượng Thiên Chúng và các Thiên Nữ vây quanh, ngỗng chúa Thiện Thời và vô lượng trăm ngàn ngỗng chúng vây quanh, hai Vua ấy cùng với đồ chúng của mình hòa đồng với nhau ở trên hư không phát ra đủ loại âm thanh, tâm họ đều không cấu uế, giống như châu báu, tuy ở nơi phóng dật nhưng họ không phóng dật và có oai đức lớn, tất cả cùng hướng đến ao rộng.
Sau khi họ đến ao rộng, tất cả Thiên Chúng nơi ấy liền tạm thời ngừng sống phóng dật, không ca hát, không vui chơi với nhau, không nô đùa đủ kiểu ở trong nước và sinh tâm kính trọng.
Biết tâm Thiên Chúng đã điều thuận, Thiên Vương Dạ Ma bảo với ngỗng chúa: Ngỗng chúa Thiện Thời, lúc này rất thuận lợi, có thể thuyết pháp. Thiên Chúng thấy tôi, tâm họ đều lìa bỏ ngã mạn, tất cả Thiên Nữ cũng không còn ngã mạn, có thể thuyết pháp cho họ.
Lúc đó, ngỗng chúa tự nghĩ, đời trước đã từng sống ở thời có Phật, hiệu là Ca Ca Thôn Đà, chỉ cần dùng một pháp trong các pháp đã được nghe Phật ấy giảng để thuyết, nêu cho Thiên Chúng, bèn bảo với Thiên Vương: Thiên Vương hãy nghe kỹ, nay tôi sẽ nói: Có năm tai họa mà Trời hoặc người nào sống phóng dật sẽ phải gánh chịu.
Đó là người sống phóng dật tâm sẽ bị loạn. Ý nhớ nghĩ về pháp khác. Miệng nói lời khác. Nếu có nói gì đều không thật và vô nghĩa, trước sau trái nhau, thay đổi không nhất định, người khác không tin.
Vì sao?
Vì họ sống phóng dật nên tâm loạn động, tự mình không thể biết là nói về việc gì, nói vì ai. Do đó, người kia liền khinh chê, người kia không ưa thích. Do như vậy, tự mình làm cho tất cả đều khinh thường. Đó là tai họa của việc phóng dật. Do lỗi phóng dật, họ bị đọa vào đường ác, sinh vào nơi tương ưng trong ba đường ác. Đó là tai họa đầu tiên.
Sự phóng dật ấy lại có tai họa thứ hai.
Tai họa thứ hai là gì?
Đó là không biết điều cần làm và điều không nên làm. Do ý phóng dật nên họ không biết việc gì nên làm và việc gì không nên làm, không biết nghiệp gì, không biết quả gì, do không biết nghiệp nên không biết quả. Do mê muội không biết nghiệp quả nên khi chết người ngu si ấy bị đọa vào đường ác, sinh trong địa ngục. Do phóng dật nên chịu tai họa như vậy. Đó là tai họa thứ hai.
Người phóng dật ấy lại có tai họa thứ ba. Đó là do phóng dật nên Trời hoặc người gần gũi bạn ác, không tôn kính Tam Bảo, không mong cầu trí tuệ, không kính trọng bậc tôn trưởng, không biết đâu là tai họa, đâu là công đức, không nhàm chán nỗi khổ sinh tử, không biết tạp nghiệp là đủ loại nghiệp, không siêng năng, thường thích ngủ nghỉ, không thể giữ giới, khi chết bị đọa vào đường ác, sinh trong Địa Ngục. Do phóng dật nên mắc tai họa như vậy. Đó là tai họa thứ ba.
Người phóng dật ấy lại có tai họa thứ tư.
Tai họa thứ tư là gì?
Đó là ở trong loài Trời hoặc trong loài người lúc mới sinh, thân mạng thay đổi không dừng, thoạt sinh, thoạt diệt, nghiệp lành cũng vậy, vừa sinh liền hết, thần chết sắp đến, sẽ buông lung với ai. Người ấy chắc chắn phải lìa bỏ sự phóng dật khi đã chết.
Có bốn pháp nhất định phải lìa bỏ:
1. Là tuổi trẻ.
2. Là sự an ổn.
3. Là tuổi thọ.
4. Là sự đầy đủ.
Bốn thứ này nhất định phải lìa bỏ. Người trí thường quán bốn thứ này. Người phóng dật thì không thể biết việc ấy. Do không biết nên bị đọa vào đường ác. Do phóng dật nên chịu tai họa như vậy. Đó là tai họa thứ tư.
Người sống phóng dật lại có tai họa thứ năm. Đó là tin tưởng nơi không đáng tin nhất.
Điều không đáng tin hơn hết trong những điều không đáng tin là phụ nữ. Vậy mà người ngu ấy tin phụ nữ. Tuy người ngu ấy tin phụ nữ nhưng phụ nữ không tin người ấy. Cho đến khi chết họ không lìa sự nói láo.
Tất cả phụ nữ đều hay dua nịnh, nói láo, đều hay giả dối, thường phá hoại, uế tạp, tâm họ rất ngã mạn, phá giới, tâm vẩn đục, những lỗi như vậy tất cả phụ nữ đều không lìa bỏ giống như là hơi nóng không lìa lửa. Tất cả phụ nữ không lìa pháp này. Do ngu si, bị tham dục dẫn dắt, nên người ngu ấy thân cận và tin tưởng người phụ nữ chỉ nói miệng mà không có thật ấy.
Năm tai họa do phóng dật gây ra đã được trình bày sơ qua. Năm tai họa này không rời bỏ phóng dật. Vì vậy hàng Trời, Người nên xả bỏ phóng dật. Hành vi phóng dật này khép kín Niết Bàn. Người sống phóng dật khi chết sẽ bị đọa vào đường ác, sinh trong địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Do sống phóng dật nên mắc tai họa như vậy. Đó là năm tai họa do phóng dật mang lại. Vì vậy người trí nên xả bỏ phóng dật.
Người nào bỏ phóng dật sẽ có năm công đức.
Thứ nhất là hành động chân chánh, tâm ý tin tưởng chân chánh, làm điều nên làm, không làm việc chẳng nên làm, trong tất cả các thời thường xuyên dụng ý để làm lợi ích, xả bỏ phóng dật như xả bỏ chất độc, biết rõ ba đời. Đây là công đức đầu tiên của việc không phóng dật. Nhờ không phóng dật nên được công đức ấy.
Không phóng dật lại có công đức thứ hai. Đó là biết nên khinh cái gì và trọng cái gì, gần gũi bạn lành, thường tạo nghiệp lành, xa lìa bạn ác, không tạo nghiệp ác vì nghiệp ác ấy bị người lành chê bai, nếu gặp người ác liền né tránh, gặp người có công đức liền đến thân cận.
Do tu hành như vậy, hành động theo ý thiện nên không đọa vào đường ác. Đó là công đức thứ hai của việc không phóng dật. Nhờ không phóng dật nên được công đức này.
Không phóng dật lại có công đức thứ ba.
Công đức thứ ba là gì?
Đó là cẩn thận, cho đến khi lìa đời, họ không phó thác cho phụ nữ, không tin lời phụ nữ, không tin lời phụ nữ mà chỉ xét hình tướng của họ trong tất cả mọi lúc. Tất cả phụ nữ đều có hai sợi dây để trói buộc thế gian nhưng người ấy chỉ quan sát sắc mặt của phụ nữ chớ không tin lời nói của họ. Người có trí ấy quan sát phụ nữ một cách như thật.
Nhờ đã quan sát như thật như vậy rồi, nên thấy phụ nữ ca múa, vui cười, đùa giỡn, trang điểm đủ thứ mà tâm vị ấy cũng không tham đắm. Tất cả sự phóng dật đều do phụ nữ gây ra. Tất cả phụ nữ là một nửa của sự phóng dật. Nếu có thể lìa bỏ sự phóng dật của phụ nữ thì có thể vượt biển lớn sinh tử.
Trong Thế Giới loài người, mọi người đều nói người nào không phóng dật được gọi là người tốt. Đó là công đức thứ ba của việc không phóng dật. Nhờ không phóng dật nên được công đức này.
Không phóng dật lại có công đức thứ tư.
Công đức thứ tư là gì?
Đó là người cẩn thận không phóng dật, không tin vào thú vui giàu có và dục lạc… biết nó là vô thường. Vị ấy biết rằng dục lạc này vô thường, thay đổi không cố định, nên không thể tin tưởng, không lâu sẽ bị hủy hoại, không bao lâu sẽ bị diệt mất.
Vì không tin cậy vào sự an ổn, nên họ không phóng dật. Tất cả sự an ổn đều bị bệnh tật hủy hoại. Vị ấy cũng không tin cậy vào tuổi trẻ, tất cả tuổi trẻ đều bị già hủy hoại. Vì vậy, vị ấy không sinh tâm ngã mạn và tuổi trẻ của mình. Vị ấy cũng không tin cậy vào thọ mạng nên không sinh tâm ngã mạn, không tạo nghiệp ác.
Vì sao?
Vì thọ mạng chắc chắn sẽ bị thần chết cướp đi. Vì vậy, vị ấy không tin vào tất cả các pháp hữu vi sinh tử. Do không tin vào những thứ đó, vị ấy không sống phóng dật. Đó là công đức thứ tư của việc không sống phóng dật. Do không sống phóng dật nên được công đức này.
Người không sống phóng dật lại có công đức thứ năm.
Công đức thứ năm là gì?
Đó là thường thân cận Thánh Nhân. Do ưa thích trí tuệ nên vị ấy quy y Tam Bảo, nghe pháp rồi suy tư về nghĩa lý, lúc sắp chết họ không sợ hãi.
Do biết tướng chết và biết tướng thoái đọa nên họ không sinh sợ hãi, khi Thiên Tử sắp thoái đọa vị ấy biết tướng thoái đọa, khi người già sắp chết vị ấy biết tướng chết. Vị ấy biết họ sẽ sinh đường dữ hoặc đường lành. Vị ấy biết mình sẽ sinh đường lành hoặc đường dữ. Lúc sắp chết tướng đường ác xuất hiện, họ liền tìm cách khiến tâm thanh tịnh.
Do tâm thanh tịnh, tướng đường ác diệt mất và tướng đường lành xuất hiện. Đó là kết quả tốt đẹp nhất của việc không phóng dật. Điều ấy rất khó được. Đó là điều tốt nhất trong các điều lành. Đó là công đức thứ năm của việc không phóng dật. Do không phóng dật nên được công đức đó.
Bấy giờ, ngỗng chúa Thiện Thời ở xứ ấy tụng bài kệ của Phật Ca Ca Thôn Đà đã thuyết:
Như Lai đã lìa dục
Khen hạnh không phóng dật
Chê việc sống phóng dật
Dẫn đến chỗ sinh tử.
Không phóng dật giải thoát
Do phóng dật chịu khổ
Phóng dật này trói buộc
Người ngu không thể dứt.
Người lành không phóng dật
Liền sinh ở Cõi Trời
Ở Cõi Trời phóng dật
Lúc thoái thất hối tiếc.
Hết thảy người phóng dật
Không thoát được sinh tử
Lưới phóng dật lớn nhất
Trói buộc khiến luân hồi.
Làm việc không nên làm
Chẳng làm việc cần làm
Hết thảy người phóng dật
Đều làm việc điên đảo.
Thế pháp còn không làm
Huống gì pháp xuất thế
Vì vậy các bậc trí
Chê bai việc phóng dật.
Do đó ta không nên
Làm các việc phóng dật
Sống phóng dật như vậy
Là gốc của đường ác.
Ai có thể xả bỏ
Nơi chất chứa khổ não
Đó là người dũng mãnh
Vượt biển lớn các cõi.
Ngỗng chúa Thiện Thời đã thuyết pháp mà mình học trong quá khứ cho Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà và Thiên Chúng nghe để làm lợi ích cho hàng Trời, Người.
Ngỗng chúa lại thuyết pháp cho Thiên Chủ Mâu Tu Lâu Đà: Có năm pháp để đối trị hành động phóng dật của Sa Môn.
Pháp thứ nhất tất cả những người sống phóng dật đều chịu khổ não. Tùy theo sự phóng dật nào dẫn đến khổ não thì người này xả bỏ sự phóng dật ấy. Biết tai họa đó rồi, vị ấy tu hành công đức. Nhờ lìa bỏ phóng dật, vị ấy được lợi ích rất nhiều, không còn chịu khổ não, các nghiệp ác, bất thiện không còn tăng trưởng, tu tập hạnh chân chánh. Đó là pháp đối trị phóng dật đầu tiên của Sa Môn.
Pháp thứ hai đối trị phóng dật của Sa Môn là: Thấy ý nghĩa chân thật. Người thấy sự thật ấy thì tất cả tâm ý đều được định hướng thấy một cách như thật. Do thấy như thật, vị ấy không sống phóng dật vì thấy như thật về lỗi phóng dật. Đó là pháp thứ hai để đối trị phóng dật.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
VÌ THAM LAM MÀ MÓC MẮT TIÊN NHÂN
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Tám - Phẩm Thắng Quân
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Sáu Mươi Hai
Phật Thuyết Kinh Tô Tất địa Yết La - Phẩm Ba Mươi Năm - Phẩm Thỉnh Tôn Gia Bị Thành Tựu