Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Năm Mươi Tám
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẬT THUYẾT
KINH CHÁNH PHÁP NIỆM XỨ
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Bát Nhã Lưu Chi, Đời Nguyên Ngụy
PHẨM SÁU
PHẨM QUÁN THIÊN
DẠ MA THIÊN
TẬP NĂM MƯƠI TÁM
Ba mươi bảy pháp đó là:
1. Quân đội trong sạch về mọi mặt.
2. Thu thuế đúng như pháp.
3. Thường nhẫn chịu không nổi giận.
4. Phán đoán sự việc một cách bình đẳng không thiên lệch.
5. Thường cúng dường các bậc tôn trưởng.
6. Thuận theo việc cũ, kết hợp với việc hiện tại mà ban thưởng.
7. Bố thí không keo kiệt.
8. Không bao che những kẻ làm việc phi pháp.
9. Không thân cận bạn ác.
10. Đàng hoàng, không lệ thuộc người nữ.
11. Không hoàn toàn tin khi nghe nói điều chi.
12. Thích được tiếng thơm, không tham của cải.
13. Xả bỏ tà kiến.
14. Thường hay bố thí một cách nhân từ.
15. Nói lời dịu dàng êm ái.
16. Nói lời chân thật.
17. Nếu không có lý do thì không thăng chức hay hạ chức quần thần.
18. Biết việc tốt xấu của người.
19. Thường định thời gian quan sát muôn dân.
20. Không ngủ nghỉ nhiều.
21. Thường không biếng nhác.
22. Gắn bó thuận hợp với bạn lành.
23. Không thân cận tất cả bạn không có ích.
24. Không bị giận vui làm lay động.
25. Không tham ăn uống.
26. Tâm khéo tư duy.
27. Không đợi đến lúc an lành mới làm.
28. Dùng pháp làm lợi ích thế gian.
29. Thường tu mười nghiệp lành.
30. Tin vào nhân duyên.
31. Thường cúng dường Chư Thiên.
32. Bảo vệ đất nước một cách chân chánh.
33. Giữ gìn vợ con một cách chân chánh.
34. Thường tu tập trí tuệ.
35. Không ưa thích cảnh giới.
36. Không cho người ác sống trong nước mình.
37. Y theo pháp để ban lợi lộc và tước vị cho mọi người dân.
Đó là ba mươi bảy pháp. Nếu thành tựu ba mươi bảy pháp này thì được gọi là vị Vua Sát Đế Lợi đã được lên ngôi, đời hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, rất giàu, rất vui, có nhiều của báu, có thể giữ gìn đất nước, bảo vệ bản thân, được người lành khen ngợi, khi chết sinh lên Cõi Trời làm Vua Trời Dạ Ma. Đó là nhờ thành tựu ba mươi bảy pháp nói trên.
Thế nào là quân binh trong sạch của vị Vua Sát Đế Lợi?
Đó là người có tâm lành làm lợi ích cho người khác, y theo pháp để phán đoán sự việc khi phân xử tranh chấp, không làm trái pháp luật, bảo hộ chân chánh theo pháp. Không trái yêu cầu vốn có, can ngăn chủ với tâm trung thực, chủ làm được điều lợi ích thì thành thật khen ngợi, y theo pháp bảo vệ tổ quốc, có răn dạy điều gì đều để tạo lợi ích cho người tâm tánh ngay thẳng, không làm phiền người khác.
Y theo pháp thờ chủ, không sợ bị phạt, tâm không tham lam, ngạo mạn, thuận theo tất cả các pháp, vì đời vị lai mà sống thuận theo pháp, sợ hãi sinh tử, tin quả báo của nghiệp, từ bỏ ba nghiệp ác, không thích dục lạc, không thích hành phạt, ý chân chánh không bị loạn, có thể độ thoát cả mình lẫn người.
Có thể tạo lợi ích cho Vua. Người này là quân binh tương ưng với Vua, khiến Vua ở đời hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, giữ gìn bản thân, được người lành khen ngợi, khi chết sinh lên Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Do quân đội của Vua trong sạch về mọi mặt nên Vua không sinh tâm ác. Đó là do nghiệp lành mà ra.
Lại nữa, vị Vua Sát đế lợi nên siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ hai thì ở đời hiện tại thường được lợi ích, có thể bảo bệ đất nước, giữ gìn bản thân, được người lành khen ngợi, khi chết sinh vào Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma.
Pháp thứ nhì là Thu thuế đúng theo pháp để cung cấp áo quần, thức ăn. Y theo pháp là hoặc trong nước, hoặc ở thành phố, hoặc thôn, hoặc ấp, hoặc nơi nhiều người tụ tập, trong mọi lúc thường dựa vào phép tắc cũ, dựa theo đạo lý để thu.
Lúc đất nước bị giặc giã phá hoại, lúc mất mùa thì không thu thuế, lúc thu chỉ dùng lý lẽ chứ không cưỡng bức và trừng phạt, dùng cân, đấu, thước cân bằng theo mẫu đời trước. Việc thu thuế y theo pháp không trái nghịch, không cưỡng ép, không phạt, không xâm lấn, không cướp đoạt, quốc vương đó thương xót tất cả chúng sinh.
Nếu Vua thu thuế y theo pháp như vậy thì nhờ công đức đó ở đời hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, giữ gìn bản thân, được người lành khen ngợi, khi chết sinh lên Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là do nghiệp lành thường thu thuế y theo pháp.
Lại nữa, vị Vua Sát đế lợi cần phải siêng năng tu tập, thành tựu pháp thứ ba để đất nước không bị xâm lấn và làm lợi ích cho hai đời hiện tại, vị lai.
Pháp thứ ba là Thường nhẫn nhục không giận dữ, tâm thường nghĩ xem do nhân gì khiến mình giận và xả bỏ tất cả nhân đó.
Tuy đã được tự chủ nhưng không chê cười khi thấy lầm lỗi của người khác, khi các quan, quyến thuộc, nô bộc mắc tội lỗi không hành phạt nặng, không nói lỗi lầm và tội ác của kẻ thù với người thân, khi nổi giận với quân đội liền niệm nhẫn nhục, nhờ niệm nhẫn nhục tâm sân biến mất, miệng thường nói lời ngọt ngào khiến quân binh không lo sợ.
Thường nhẫn nhục trong mọi lúc đối với tất cả pháp. Việc nhẫn nhục đó là tự thể chân thật, chẳng phải do nhân duyên mà có. Nếu Vua mà nhẫn nhục không sân không giận như vậy, thì nhờ công đức này ở đời hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể giữ gìn đất nước, bảo vệ bản thân, được người tốt khen ngợi, khi chết sinh lên Trời làm Vua Trời Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành thường nhẫn nhục với người.
Lại nữa, vị Vua Sát đế lợi phải siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ tư để tạo lợi ích cho hai đời hiện tại và vị lai. Pháp thứ tư là phán đoán sự việc công bằng không thiên vị, nhà Vua phải có tâm ý tốt, đối với người dân giống như cha mẹ đối với con cái, không vì của cải, hữu dụng, thân quyến, ân nghĩa, bạn bè, thế lực quý phái, hoặc sự phó chúc mà chỉ y theo pháp để phán đoán sự việc không có thiên vị, không phân biệt kẻ oán người thân khi xét xử việc tranh chấp, nói lời lợi ích và lời chân thật.
Nếu Vua phán đoán sự việc một cách công bằng và ngay thẳng như vậy thì nhờ công đức này đời hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, không bị mất nước, không mất tiếng thơm, tất cả quân binh đều không có tội ác đến nỗi phải bị phạt, có thể bảo vệ đất nước, không sợ người bàn luận.
Vua khác không thể thắng làm Vua, trong thời gian dài thống lãnh đất nước, có thể giữ gìn bản thân, được người tốt khen ngợi, khi chết sinh lên Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là do nghiệp lành phán đoán sự việc với tâm công bằng.
Vị Vua Sát đế lợi phải siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ năm để làm lợi ích cho hai đời hiện tại và vị lai cho đến khi đạt được Niết Bàn.
Pháp thứ năm là Thường cúng dường tôn trưởng, tôn trưởng là người thấy như thật, hành trì giới luật có trí tuệ, làm lợi ích cho chúng sinh, thường tạo nghiệp lành, thân, miệng, ý thường trong sạch, tâm không bợn nhơ, khiến người khác được phước. Nhà Vua nên thân cận hạng tôn trưởng như vậy để nghe pháp, cúng dường, ghi nhận những lời dạy bảo của vị ấy và thực hành theo.
Nhờ công đức cúng dường bậc tôn trưởng trong mọi lúc nên ở đời hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, giữ gìn bản thân, người lành khen ngợi, khi chết sinh lên Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là do nghiệp lành thường xuyên cúng dường bậc tôn trưởng.
Lại nữa vị Vua Sát đế lợi nên siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ sáu để làm lợi ích cho hai đời hiện tại và vị lai.
Pháp thứ sáu là: Thuận theo việc cũ kết hợp với việc hiện tại mà ban thưởng. Nếu phụ vương và các tiên đế đã hứa cho người khác các vật như đất đai, vàng, bạc… với tâm thanh tịnh, vị Vua mới lên ngôi hoan hỷ tùy thuận theo, ưa thích sự việc kia, y theo pháp cũ và tùy thuận khen ngợi rồi sai người đem cho.
Nếu Vua y theo sự việc trước đây mà cho thì nhờ công đức đó đời hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, giữ gìn bản thân, được người tốt khen ngợi, khi chết sinh vào Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là do nghiệp lành thuận theo nghiệp cũ kết hợp với hiện tại mà ban thưởng.
Vị Vua Sát đế lợi nên siêng năng tu tập thành tựu pháp thứ bảy để làm lợi ích cho hai đời hiện tại và vị lai. Pháp thứ bảy là bố thí không keo kiệt.
Bố thí là từ lúc còn nhỏ tuổi cho đến trưởng thành và về già thường xuyên bố thí, bố thí tất cả mọi thứ vào mọi lúc, làm lợi ích an lạc cho tất cả, thường nhớ nghĩ đến chúng sinh đang đói khát, khổ não trong tất cả các đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, khi bố thí cầu nguyện cho chúng sinh ở ba đường sớm được giải thoát làm hàng Trời, Người.
Nếu Vua làm vậy sẽ được quả báo hiện đời là được tiếng khen, khi gặp nạn không bị nô bộc và quân lính từ bỏ, thường được người trong nước đến cúng dường, người khác thấy vậy không thể phá hoại, tất cả giặc thù không thể lợi dụng chút sơ hở nào và vị ấy thường chiến thắng họ.
Bố thí như vậy được phước báo hiện đời. Bố thí vào nơi chẳng phải là ruộng phước mà còn được quả báo hiện tại như vậy, huống gì là bố thí một cách thù thắng vào ruộng phước là nơi có đủ cả vật chất và tinh thần thì thường đóng cửa các đường ác, thường được quả báo vui. Có vô lượng cách bố thí.
Đó là: Bố thí pháp, bố thí của cải, bố thí vô úy. Nhà Vua bố thí đủ cách như vậy, hoặc bố thí cho Sa Môn, hoặc bố thí cho Bà La Môn, nhờ công đức bố thí này ở đời hiện tại được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, giữ gìn thân thể, người lành khen ngợi, khi chết sinh vào Cõi Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành bố thí.
Lại nữa, vị Vua Sát đế lợi phải chuyên cần xả ly thành tựu pháp thứ tám để làm lợi ích cho đời hiện tại và vị lai. Pháp thứ tám là không bao che người sống phi pháp, không cho họ ở trong nước. Vì Vua Sát đế lợi sống thuận theo pháp nên không chấp nhận những người sống phi pháp và không cho phép họ ở trong nước mình.
Người sống phi pháp là: Kẻ dùng đủ cách cướp tài sản của người khác. Hoặc bóp cổ khiến họ chết ngất để lấy của. Hoặc chuốc thuốc độc khiến họ mê muội để lấy của. Hoặc bày cách để lấy trộm đồ vật của người. Hoặc lén lấy trộm đồ vật của người. Hoặc tạo các phương tiện để lấy của cải của người ở trên đường, ở chợ. Hoặc mua đồ thật, bán đồ giả, lừa dối đủ cách để lấy đồ vật của người.
Hoặc là người gian dối, vô đạo đàn áp việc lành, nâng đỡ việc ác, thúc đẩy việc ác, đẩy lùi việc phải, vu oan người hiền lương, nâng đỡ người ngu xuẩn. Hoặc là người có tà kiến, đoạn kiến. Hoặc là người mổ giết chúng sinh để mong được giải thoát.
Hoặc là ngoại đạo mổ giết dê trong ngày hội lớn, để mong có phước đức. Hoặc là người thiến chúng sinh. Hoặc là người nam hành dâm với người nam. Hoặc là người không cúng dường cha mẹ, Sư Trưởng. Không nên cho những người như vậy sống trong nước.
Vì sao?
Vì nếu cùng sống trong một nước với những người như thế thì tâm ý những người hiền thiện sẽ bị hư hỏng do sống cùng chỗ và bắt chước lẫn nhau. Vì người lành trở nên hư hỏng nên Vua không còn sức lực, mất sức phát triển, mưa nắng không đúng thời nên ngũ cốc bị thất thu vì không chín đúng thời vụ, tất cả đất nước đều bị thiệt hại do tội của người ác.
Vì các lý do ấy nên không được bao che tất cả những người sống phi pháp, không cho họ sống trong nước và chỉ cho phép những người sống đúng pháp ở trong nước. Nhờ bảo bọc những người sống đúng theo pháp nên mưa nắng đúng thời vụ, vì vậy ngũ cốc đến thời vụ là chín tốt, không làm đất nước bị thiệt hại, lìa xa sự lo sợ, không sinh buồn rầu.
Việc lợi ích của tất cả các nước là giữ gìn người sống theo pháp, nhờ đó có thể từ bỏ tất cả khổ não trong sinh tử khiến người có phước sống tại nước mình. Nhờ gần gũi những người có phước đức, sống theo pháp nên họ là người có phạm hạnh bậc nhất. Người sống yên ổn là người có phước đức, thân cận người phước đức và sống thuận theo pháp.
Vì vậy tất cả các vị Vua có trí tuệ đều gần gũi người sống theo pháp và cho họ sống trong nước mình. Nếu Vua không bao che tất cả những người sống phi pháp thì nhờ công đức đó đời hiện tại thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, giữ gìn bản thân, được người lành khen ngợi, khi chết sinh lên Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là nhờ nghiệp lành không bao che người sống phi pháp.
Lại nữa, vị Vua Sát đế lợi phải siêng năng xả ly thành tựu pháp thứ chín để đời hiện tại và vị lai được lợi ích. Pháp thứ chín là không gần gũi bạn ác. Nói tóm lại bạn ác gồm có tám hạng và nhà Vua phải xa lánh tất cả.
Tám hạng đó là:
1. Đoạn kiến: Có người bảo rằng không có nghiệp, không có sự bố thí, không có đời này, không có đời sau, đó là bạn ác đầu tiên.
2. Bạn ác thứ nhì là người nói như vậy: Nếu đúng thời hành dâm với tất cả phụ nữ thì không phá phạm hạnh.
3. Bạn ác thứ ba là người nói như vậy: Nếu dùng lửa thiêu sẽ được phước đức lớn, còn bố thí cho chúng sinh thì không có phước.
4. Bạn ác thứ tư là người nói rằng: Từ lúc có sinh mạng cho đến lúc chết được gọi là người. Nếu thân này mất rồi thì tất cả nghiệp thiện và nghiệp ác đều mất. Như gió thổi tan mây không thể tụ lại nữa, chúng sinh cũng vậy không có tội phước.
5. Bạn ác thứ năm là người thường dạy người khác quấy nhiễu cha mẹ, không chịu cúng dường tôn trưởng.
6. Bạn ác thứ sáu là người bảo sát sinh là thiện, nếu giết người già, người đui, người bệnh nặng hoặc người bệnh dai dẳng… thì nhờ đoạt lấy mạng sống của họ mà được sinh đến chốn vui vẻ.
7. Bạn ác thứ bảy là người nói rằng: Từ trên ngọn núi gieo mình xuống đất, hoặc dùng lửa đốt thân, hoặc nhịn đói chết, hoặc lấy lửa đốt năm chỗ trên thân, nếu chết như vậy thì được phước vô lượng, sau được sinh Thiên có vô lượng quyến thuộc, được vô lượng Thiên Nữ cúng dường.
8. Bạn ác thứ tám là người nói: Tất cả đều do Trời định, chẳng có nghiệp và quả.
Không nên cho tất cả tám hạng bạn ác này sống trong nước, mắt không nhìn chúng, chỉ nên chấp nhận những người nói chân thật và theo họ để nghe chánh pháp, nghe xong ghi nhớ và tu tập.
Nếu Vua không gần tất cả những bạn ác như vậy thì nhờ công đức đó hiện đời thường được an lạc, thường có lợi ích, có thể bảo vệ đất nước, giữ gìn bản thân, được người lành khen ngợi, khi chết sinh lên Trời làm Thiên Vương Dạ Ma. Đó là do nghiệp lành không gần gũi bạn ác.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Kinh Tạp Tán
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Ba - Kinh để đánh Vỡ đầu
Phật Thuyết Kinh Trung ấm - Phẩm Sáu - Phẩm Thần Túc
Phật Thuyết Kinh Pháp Tập Yếu Tụng - Phẩm Tám - Phẩm Lời Nói
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Giải Thoát - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Phóng Quang Bát Nhã - Phẩm Mười Chín - Phẩm Hỏi Về đại Thừa
Phật Thuyết Kinh Hiền Ngu - Phẩm Sáu Mươi Sáu - Phẩm Bà Thế Chất