Phật Thuyết Kinh Chư Pháp Dũng Vương - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:17 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Đàm Ma Mật Đa, Đời Lưu Tống

PHẬT THUYẾT

KINH CHƯ PHÁP DŨNG VƯƠNG

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Đàm Ma Mật Đa, Đời Lưu Tống   

PHẦN MỘT  

Tôi nghe như vậy!

Một thời, Đức Phật ở tại Rừng Trúc, Ca Lan Đà, thuộc thành Vương Xá, cùng với Đại Chúng Tỳ Kheo tăng gồm đủ một ngàn hai trăm năm mươi vị.

Những vị này, trước đây, đều là những Phạm chí bện tóc như Ư Lâu Tần Loa Ca Diếp, Ưu Bà Đề Xá, Kiên Luật Đà đều là những bậc đứng đầu. Tất cả đều là bậc Đại A La Hán, các nhơ đã sạch, không còn phiền não, được tâm giải thoát và tuệ giải thoát.

Tâm của những vị này rất điều hòa, dịu dàng, mạnh mẽ, không ngại, đã đạt đức hiệu A La Hán, việc làm đã xong, đã bỏ gánh nặng, hoàn thành ích lợi riêng mình, cắt đứt những ràng buộc của phiền não, đạt được đúng con đường giải thoát, thông đạt các pháp, được đến bờ bên kia. Chỉ còn một mình Tôn Giả A Nan là chưa chứng rốt ráo.

Lúc bấy giờ, vào ngày mười lăm, trong dịp bố tát thuyết giới, ngay tại chỗ, Đức Thế Tôn ngồi kiết già, trước đại chúng đang tôn trọng, cung kính vây quanh.

Khi ấy, trong hội, có một vị Tỳ Kheo, xuất gia chưa bao lâu, vừa được thọ giới cụ túc.

Nhân ngày ấy cũng đến chỗ Đức Phật, đảnh lễ dưới chân, đi nhiễu bên phải ba vòng, chắp tay chiêm ngưỡng, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con xuất gia chưa bao lâu, nay đã thọ giới cụ túc, đối với việc xuất gia còn chỗ nghi ngờ chưa rõ, nguyện xin Như Lai, thương xót giải bày.

Bạch Thế Tôn! Là Tỳ Kheo, làm sao để khi tiếp nhận người có lòng tin ban phát cho mình mà không ngu si thụ động?

Đã nhận sự ban cho, làm sao báo đáp được ân của người cho?

Nếu có Thiện Nam, có niềm tin trong sạch, phát tâm xuất gia với những pháp mong muốn, làm sao để được thành tựu đầy đủ?

Hỏi rồi, liền ở trước Phật, nói kệ:

Con xuất gia chưa lâu

Đã thọ giới cụ túc

Với việc này chưa rõ

Xin nguyện thương dạy bảo!

Làm sao nhận tin cho

Làm sao báo đáp lại

Đem lòng tin xuất gia

Làm sao đủ các nguyện?

Khi ấy, Đức Như Lai mới bảo vị Tỳ Kheo: Nếu có Tỳ Kheo thành tựu ba pháp, thì khi thọ lãnh của người có lòng ban cho sẽ không có ngu si, thọ rồi thì có thể báo đền ân trong sạch. Các Thiện Nam, đã có lòng tin tưởng xuất gia đều có thể được đầy đủ những pháp mong cầu.

Ba pháp là những gì?

1. Được vào trong hàng Tăng.

2. Siêng tu hạnh nghiệp của Tăng.

3. Đạt được những lợi lành của Tăng.

Nếu vị Tỳ Kheo có thể thành tựu được ba pháp như vậy. Thì khi lãnh nhận vật của người ban cho sẽ không có ngu si. Thọ rồi, thì có thể báo đáp rốt ráo ân trong sạch đó. Nếu đã có lòng tin xuất gia, thì những nguyện vọng sẽ được đầy đủ.

Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa trên, nên nói kệ:

Người được vào Chúng Tăng

Siêng tu hành tăng nghiệp

Thành tựu tăng lợi lành

Cùng tương ưng với tâm.

Những người được như vậy

Báo được ân ban cho

Người xuất gia, nguyện vậy

Thảy đều được đầy đủ.

Lúc bấy giờ, vị Tỳ Kheo ấy lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn!

Như Lai nay lược nói ý nghĩa này, con còn chưa rõ, xin nguyện Thế Tôn thương xót giảng nói rộng thêm: Thế nào là Tỳ Kheo được vào trong hàng Chúng Tăng?

Vì sao Tỳ Kheo phải siêng tu hành tăng nghiệp?

Vì sao Tỳ Kheo phải được lợi lành của vị Tăng?

Rồi vị ấy, lại ở trước Phật mà nói kệ: Làm sao vào tăng số?

Siêng năng trong tăng nghiệp?

Đạt được lợi lành Tăng?

Xin Phật phân biệt nói.

Khi ấy, Đức Thế Tôn mới ca ngợi vị Tỳ Kheo: Lành thay, lành thay! Ông khéo hỏi nghĩa ấy. Hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ. Ta sẽ giảng nói cho ông về tăng số, tăng nghiệp và tăng thiện lợi.

Vị Tỳ Kheo được Thế Tôn hứa giảng nói, đã hết lòng khát khao, chiêm ngưỡng để được nghe.

Đức Phật bảo vị Tỳ Kheo: Nếu ai đạt được bốn hướng và bốn quả là vào hàng tăng báu sẽ luôn được thế gian khen ngợi, người đời và tám bộ chúng sẽ chắp tay cung kính, là ruộng phước cao tột của Cõi Trời, Người.

Khi ấy, Đức Thế Tôn muốn lặp lại nghĩa trên mà nói kệ:

Ta nay nói bốn hướng

Nếu được cùng bốn quả

Ấy gọi là tăng báu

Là ruộng phước cao tột.

Lại nữa, này Tỳ Kheo!

Thế nào là tăng nghiệp?

Đó là việc tu hành bốn

Niệm xứ, bốn chánh cần,

Bốn như ý túc, năm căn, năm

Lực, bảy phần bồ đề, tám phần

Thánh đạo, gọi là tăng nghiệp.

Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Thường siêng tu tinh tấn

Tám Thánh đạo hơn hết

Như vậy thì được vào

Tám bậc tăng báu trên.

Lại nữa, này Tỳ Kheo!

Thế nào là tăng thiện lợi?

Có nghĩa là được bốn quả Sa Môn.

Những gì là bốn?

Đó là, quả Tu Đà Hoàn, quả Tư Đà Hàm, quả A Na Hàm, quả A La Hán. Đây gọi là tăng lợi.

Đức Thế Tôn lại nói kệ:

Thiện lợi, bậc Đại Sĩ

Là được vào tăng số

Đủ bốn quả Sa Môn

Thì trọn báo được ân.

Vị Tỳ Kheo nghe lời ấy rồi, liền thưa: Như Đức Phật đã dạy: Nếu có Tỳ Kheo vào trong tăng số, siêng tu tăng nghiệp, được tăng thiện lợi. Người như vậy, mới có thể đủ khả năng thọ nhận hết thảy của ban cho, không có ngu si, thọ rồi thì có thể báo được ân người ban cho. Còn nếu đã một lòng tin tưởng xuất gia, thì sở nguyện sẽ được đầy đủ.

Bạch Thế Tôn! Nếu có thiện nam, phát tâm đại thừa, lòng tin tưởng trong sạch, muốn xuất gia, để cầu nhất thiết trí.

Người như vậy, có được ở trong số của Chúng Tăng, siêng tu tăng nghiệp, được tăng thiện lợi không?

Đức Phật bảo: Lành thay, lành thay!

Này Tỳ Kheo! Ông có trí sáng, đặt câu hỏi rất hay. Câu hỏi này, có thể đem lại lợi ích an vui cho Trời, Người.

Nên mới hỏi Đức Như Lai câu hỏi sâu xa như vậy.

Phật bảo Tỳ Kheo: Hãy khéo nghĩ nhớ, giữ gìn! Hãy lắng nghe, lắng nghe! Ta sẽ vì ông mà nói.

Vị Tỳ Kheo bạch Phật: Dạ vâng, bạch Thế Tôn! Con nguyện được nghe. Xin Như Lai, khéo phân biệt giảng nói.

Đức Phật nói: Này Tỳ Kheo! Nếu có những người, phát tâm đại thừa, tu hành đại thừa, để cầu được nhất thiết trí, nên mới có lòng tin xuất gia. Người như vậy, không nhập được tăng số, không tu được tăng nghiệp và không được tăng thiện lợi.

Khi ấy, Thế Tôn liền nói kệ:

Không vào trong tăng số

Không siêng tu tăng nghiệp

Không được tăng thiện lợi

Mới là tu giác ngộ.

Vị Tỳ Kheo lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như Lai vì nhân duyên gì, chấp nhận người như vậy, xuất gia, thọ giới cụ túc, thọ nhận của vật người ban cho?

Bạch Thế Tôn! Người mà không được vào trong tăng số, không siêng tu tăng nghiệp, không được tăng lợi như vậy, làm sao mà báo đáp được ân của người ban cho?

Đức Phật bảo: Này Tỳ Kheo! Ngươi nay không nên hỏi việc như vậy.

Vị Tỳ Kheo ấy lại nói: Nếu người tu mà không vào trong tăng số, không siêng tu tăng nghiệp, không được tăng lợi như vậy.

Làm sao báo đáp được ân của những người đã tin và ban cho mình?

Đức Phật bảo: Thôi thôi! Không cần hỏi nữa.

Lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba cũng thưa hỏi như vậy.

Đức Phật bảo vị Tỳ Kheo kia: Ông đã ba lần thưa hỏi, lẽ nào không nói.

Khi tuyên bố như vậy rồi, Phật liền dùng sức oai thần, phóng ánh sáng, từ nơi tướng lông trắng giữa chân mày, ánh sáng kia rực rỡ, có trăm ngàn màu sắc, chiếu khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, đến những nơi u ám, tối tăm.

Chúng sinh ở đó, chưa từng thấy có những màu sắc như vậy. Làm cho tất cả đều sáng tỏ. Chúng sinh ở trong các biển lớn, nào là cá, ba ba, giống đi bằng chân, Ma La, Long Vương và Long Nữ, các A Tu La và A Tu La Nữ, các Ca Lầu La và Ca Lầu La Nữ đông đủ các chúng sinh này, vừa thấy ánh sáng của Phật, thì trong lòng sợ hãi, lông dựng ngược, lấy làm lạ, cho là chưa từng có.

Ánh sáng này cũng chiếu đến bốn cõi Thiên Vương, đến Trời Đao Lợi, Trời Diệm Ma, Trời Đâu Suất, Trời Hóa Lạc, Trời Tha Hóa Tự Tại, Đến Cõi Trời Phạm, Trời Phạm Chúng, Trời Phạm Phụ, Trời Đại Phạm, Trời Quang, Trời Quang Âm, Trời Thiểu Quang, Trời Vô Lượng Quang.

Trời Tịnh, Trời Thiểu Tịnh, Trời Biến Tịnh, Trời Vô Lượng Tịnh, Trời Quả Thật, Trời Thiểu Quả, Trời Quảng Quả, Trời Vô Lượng Quả, Trời Vô Tưởng, Trời Vô Phiền, Trời Vô Nhiệt, Trời Thiện Hiện, Trời Diệu Kiến, Trời A Ca Nị Tra. Từ tướng lông trắng giữa chân mày mà chiếu sáng khắp cùng tất cả, cho đến Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, cũng đều như vậy.

Từ bốn cõi Thiên Vương, cho đến các Trời và cuối cùng là A Ca Nị Tra, đều được chiếu sáng. Như vậy, các Trời khi đã thấy thần thông biến hóa của Như Lai rồi, đều đến chỗ Đức Phật, cung kính cúng dường, tôn trọng, ca ngợi, đảnh lễ dưới chân và bước qua một bên, chắp tay ngồi đó.

Lúc ấy, cũng có vô số vị Tỳ Kheo đang hành hóa đi qua các nước, đã gặp ánh sáng này, đều tụ tập, trở về nơi chỗ Phật đang an trụ. Các vị cùng nhau cung kính, cúng dường, tôn trọng, ca ngợi, đảnh lễ dưới chân và bước qua một bên, chắp tay ngồi đó.

Khi ấy cũng có các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di đều thấy thần thông biến hóa như vậy rồi, họ đối với Đức Phật sinh lòng tin tưởng trong sạch, liền đi đến chỗ Phật, cung kính cúng dường, tôn trọng, ca ngợi, đảnh lễ dưới chân, rồi bước qua một bên, chắp tay mà ngồi.

Cho đến Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, Trời, Rồng, Quỷ, Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Người và chẳng phải người, số đông như vậy đều thấy được Đức Như Lai thần thông biến hóa, nên tất cả đều đi đến nơi Đức Thế Tôn đang ngự. Đến nơi tất cả đều cung kính cúng dường, tôn trọng, ca ngợi, đảnh lễ dưới chân, rồi bước qua một bên, chắp tay, theo thứ lớp mà ngồi.

Khi ấy, Đại đức Xá Lợi Phất, từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch bày vai áo bên phải, gối phải quỳ sát đất, chắp tay hướng về Đức Phật, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ngày nay có vô lượng Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di. Cùng tất cả đại chúng đều đã nhóm họp và có cả các Trời, Rồng, Thần, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lầu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Người và không phải người cả bốn cõi Thiên Vương cho đến Trời A Ca Nị Tra cũng đều dự hợp, ngồi ngay ngắn trước Đức Phật.

Thưa Như Lai! Vì nhân duyên gì Như Lai phóng ánh sáng nơi tướng lông trắng giữa chân mày?

Cúi xin Như Lai thương xót chúng con, nói rõ nhân duyên đó.

Thưa rồi, Tôn Giả Xá Lợi Phất liền đứng trước Phật mà nói kệ:

Có rất nhiều chúng sinh

Số lượng na do tha

Được thấy thần biến lớn

Thảy đều đến tụ tập.

Duyên gì phóng ánh sáng

Nhóm họp các đại chúng?

Xin nguyện rủ lòng thương

Phân biệt nói nguyên nhân.

Khi ấy, Đức Phật mới bảo Xá Lợi Phất: Đấy là do một vị Tỳ Kheo, xuất gia chưa bao lâu, đã được thọ giới cụ túc, đến hỏi ta rằng: Bạch Thế Tôn! Nếu có người phát tâm đại thừa, cầu đạt đến Nhất thiết trí, cạo bỏ râu tóc, xuất gia tu đạo, làm sao khéo léo để thọ của những người tin cho?

Thọ rồi tất phải báo đáp phước cho sự ban cho đó?

Nếu có thiện nam, phát lòng tin tưởng xuất gia học đạo, thì sự cầu mong đó, bao lâu sẽ được thành tựu?

Này Xá Lợi Phất! Do nhân duyên này, mới có vô lượng đại chúng nhóm họp như vậy.

Xá Lợi Phất thưa: Nay đúng là lúc, cầu xin Như Lai phân biệt diễn nói ý nghĩa đó.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: Ta nay giảng nói đúng ý nghĩa đó. Nhưng sẽ có vô lượng trăm ngàn chúng sinh, sẽ sinh nghi hoặc.

Vì sao?

Vì đây là sức đạo thần thông, của các bậc Đại Long, không thể nghĩ bàn. Đây là tiếng rống của các Sư Tử, không có sự sợ hãi và cũng không thể nghĩ bàn. Đây là pháp giới của các đấng Đại Nhân và cũng không thể nghĩ bàn.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần