Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Hai Mươi Ba - Sổ Tức - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM HAI MƯƠI BA

SỔ TỨC  

TẬP HAI  

Bài tụng rằng:

Để đắc Đệ nhất thiền

Hạnh vô cấu thênh thang

Như trước sau khó thoát

Tinh tấn đạt dễ dàng.

Người tu hành tự nghĩ: Quán chiếu các việc thiện, ác cho đến bậc thiền thứ nhất, vốn do bộ xương này mà đạt được thôi. Hình hài vô thường, khổ, không, vô ngã ấy do bốn đại hình thành.

Bài tụng rằng:

Bậc Thiền thứ nhất do thân đạt

Do bốn đại thành, nhất tâm hành

Vô thường, khổ, không, thoát chấp ngã

Quán chiếu như vậy, thường tinh tấn.

Cái tâm vận dụng tư duy quán sát của người tu hành vốn cũng lại là vô thường, khổ, không, vô ngã, do bốn đại tạo thành, đều từ nhân duyên chuyển biến dắt dẫn nhau rồi do tâm tưởng họa phúc nương gá vào hình hài trở về vô thường, khổ, không, vô ngã, do bốn đại hợp thành.

Như ta nhận chịu cái thân năm ấm này là rỗng không, không sở hữu. Do mười hai nhân duyên nối kết quá khứ, vị lai, hiện tại, cũng giống như vậy.

Tưởng các ấm của Dục Giới, ấm của Sắc Giới, ấm của Vô Sắc Giới giống như thế đều là mong manh. Thấy ba cõi là rỗng không, gốc rễ của nó sâu xa, và là tà chớ không chánh, làm chấn động, đốt thiêu, và thấy cái không nơi ấm cũng đều là tịch tĩnh, chí chăm chăm hướng đến vô vi, không có niệm nào khác, y vào Nê Hoàn.

Bấy giờ, tâm thành nhuần nhuyễn chẳng trái sự tu hành. Khi ấy dùng cái thấy để thẩm xét về đế lý, mới thành A Na Hàm, chẳng còn trở lại nữa, hoàn toàn giải thoát cái khổ của Dục Giới.

Bài tụng rằng:

Tâm tư duy kia đều nhuần nhuyễn

Ý chí nương tựa vào thân ấy

Hiểu rõ năm ấm cả ba đời

Đều thấy rỗng không, gọi Thánh hiền.

Người tu hành tự nghĩ: Thân ta mãi bị năm ấm ngăn che, là nơi xú uế bất tịnh, đã bị đánh lừa.

Ví như đám côn đồ hung nghịch lấy cái bình đẹp đựng đầy đồ bất tịnh, rồi dán miệng lại, dùng hoa rải trên xe, dùng hương xông vào, đem cho người nhà quê và nói: Ngươi cầm bình này đến nơi công viên nọ, đứng đợi bọn ta. Trong bình đựng đầy rượu và đường rất ngon. Bọn ta trở về nhà làm xong công việc rồi cùng tới đó ăn uống. Giữ kỹ chớ để mất, sẽ nghĩ đến công lao của ngươi.

Người nhà quê tin lời vui vẻ ôm bình, tâm tự nghĩ: Nay sẽ được tự do ăn uống vui chơi. Khi đến công viên ấy rồi, chẳng cho ruồi bu đậu trên ấy, đợi mãi cho đến quá trưa, bụng lại đói khát mà bọn ấy không đến, lo rầu than thở.

Ngày đã về chiều, leo lên cây nhìn bốn phía, chẳng thấy ai đến, tuột xuống lại đợi bọn họ cho đến hoàng hôn, tâm tự nghĩ: Quá giờ đóng cửa thành rồi mà bọn họ vẫn chưa đến, nay bình đường và rượu ngon đã thuộc về ta, ta sẽ đem bán nó có thể trở nên giàu có.

Trước tiên nên thưởng thức xem sao. Liền rửa tay sạch sẽ, mở bình ra thì thấy trong bình chứa đầy đồ bất tịnh, bấy giờ mới biết bọn côn đồ kia đã lừa dối mình.

Người tu hành cũng vậy, khi đã thấy Thánh Đế rồi thì biết từ lâu xa đến nay đã bị năm ấm lừa dối.

Bài tụng rằng:

Thọ thân trước khi chết

Năm ấm đã dối lừa

Lại thường trải khổ, vui

Gọi thọ mạng ta người.

Năm dục lừa người tu

Về sau mới tự thấy

Như người được bình đẹp

Mở ra biết bất tịnh.

Ví như vị Đạo Sư có nhiều của báu cưới cho con một người vợ đoan trang, đẹp đẽ không chê vào đâu, người con rất thương yêu, chẳng làm phật ý, xa nhau trong khoảnh khắc coi như đã chết.

Bấy giờ trong nước, giao thông bị cắt đứt tới mười hai năm, không có người đến. Về sau, người khách buôn từ phương xa tới, dừng chân tại nước láng giềng, nghỉ ngơi chưa đi tiếp.

Vị Đạo Sư nói với con: Con đi đến đó mua sắm rồi trở về.

Người con nghe bảo, lo rau chẳng vui, như mũi tên bắn vào tim, nói với bạn bè: Các ngươi không biết ta thương vợ lắm sao. Nay cha ta bảo ta lìa bỏ nàng mà đi buôn bán. Vừa nghe lệnh ấy lòng ta tan nát, nay ta sẽ phải chết thôi, tự nhảy xuống nước, hay là từ trên núi cao rơi xuống hang sâu.

Bài tụng rằng:

Tuổi trẻ thương yêu vợ

Ái dục rất mạnh mẽ

Nghĩ đến lời cha dặn

Trí những mãi lo sầu.

Lòng buồn rầu muốn chết

Cớ sao lìa vợ yêu

Đứa con rất đau buồn

Như voi núi bị cột.

Bạn bè nghe vậy liền đáp: Sở dĩ sinh con là để coi trông coi gia môn, đi bốn phương tìm của về để cung cấp cho cha mẹ.

Giả sử không lao động thì lấy gì sinh sống?

Dù ở trên trời còn chẳng an nhàn huống gì ở chốn nhân gian.

Đã nghe lệnh của cha và được bè bạn khuyên can, người con xót xa rơi lệ, hai tay đấm ngực chuẩn bị ra đi.

Bài tụng rằng: 

Bạn bè, trí thức cùng khuyên can

Nghe lời cha dạy mới lên đàng

Cảm thương vì dục như tên trúng

Lòng thương nhớ vợ thật mênh mang.

Lòng luôn tưởng nhớ vợ chưa từng gián đoạn, đi đến nơi ấy mua sắm rồi liền trở về nước.

Trên đường về, vui mừng nghĩ: Như thế là chẳng bao lâu nưa ta sẽ gặp nàng. Sớm tối nghĩ nhớ vợ vừa về tới nhà đã hỏi vợ ở đâu.

Bài tụng rằng:

Mua sắm xong xuôi lại trở về

Luôn luôn tưởng nhớ vị hiền thê

Khi về tới cửa thăm hỏi trước

Vợ đâu, cho biết ta đã về.

Người vợ ấy nghĩ nhớ chồng lòng buồn sầu muộn. Do đời trước phước mỏng nên vừa bị lâm bệnh, tuy mạng sống vẫn còn mà thân thể đã sinh bao thứ ghẻ lở, máu mủ ràn rụa, bị bệnh hàn nhiệt, lại bị chứng điên, nước trong bụng khô kiệt, hơi bốc lên, thân thể nóng bức, mặt tay chân phù thủng, vô số ruồi nhặng bu khắp thân, đầu tóc. Ốm như ngạ quỷ, nằm trên đệm cỏ y phục rách nát.

Bài tụng rằng: 

Chồng nàng hết mực thương yêu

Kiếp xưa phước mỏng nên nhiều tai ương

Bị vô số bệnh liệt giường

Bỏ rơi tòa đẹp lại nương đất nằm.

Khi ấy, người chồng vào nhà hỏi gia nhân: Vợ ta đâu rồi?

Nô tỳ e ngại, rơi lệ khóc lóc thảm thiết, thưa: Dạ vợ của hiền lang ở trên gác kia.

Người chồng tự lên gác tìm, thấy vậy biến sắc vì chưa từng gặp một dung mạo như thế. Xấu xí chẳng dám nhìn. Bao nhiêu ý niệm yêu thương, ân tình, vĩnh viễn tan biến hết, không còn mảy may ưa thích, nhàm chán tất cả, chẳng muốn thấy nữa.

Bài tụng rằng:

Quán sát nhan sắc chẳng ham thích

Giống như thây chết ở tha ma

Ốm như bộ xương không da thịt

Như cát chìm nước mất dạng tăm.

Người tu hành cũng giống như vậy, nhàm chán ái dục, khởi quán bất tịnh cầu đạt tịch tĩnh.

Bài tụng rằng:

Là người tu hành đã lìa dục

Nhàm chán năm dục cũng như vậy

Như người thấy vợ bị ghẻ lở

Lại thêm nhiều bệnh nằm liệt giường.

Thế nào là tu hành quán sổ tức giữ tâm ý để cầu tịch tĩnh?

Nay sẽ giảng nói phương pháp sổ tức.

Thế nào là sổ tức?

Thế nào là An?

Thế nào là Ban?

Hơi thở ra là An. Hơi thở vào là ban. Theo dõi hơi thở ra vào không nghĩ một điều gì khác, thì gọi đó là đếm hơi thở ra vào.

Thế nào gọi là tu hành đếm hơi thở, để giữ ý, đạt tịch tĩnh?

Đếm hơi thở để giữ ý, có bốn việc. Thực hiện hai điều không loi và mười sáu điều đặc thù.

Bài tụng rằng:

Người tu hành muốn cầu tịch tĩnh

Nên biết hơi thở ra và vào

Không có hai lỗi hiểu bốn việc

Phải có mười sáu điều đặc thù.

Những gì là bốn việc?

1. Sổ tức.

2. Tương tùy.

3. Chỉ quán.

4. Hoàn tịnh.

Bài tụng rằng:

Nên dùng sổ tức và tương tùy

Quán sát vạn vật trong thế gian

Thực hành hoàn, tịnh để chế tâm

Dùng bốn việc này mà định ý.

Những gì là hai lỗi?

Hơi thở quá dài hoặc quá ngắn, đó là hai lỗi, phải loại trừ hai lỗi ấy.

Bài tụng rằng:

Hơi thở dù ngắn dài

Lộn xộn không thứ lớp

Để An ban Thủ ý

Loại trừ hai lỗi ấy.

Mười sáu điều đặc thù là những gì?

Hơi thở dài thì biết, hơi thở ngắn cũng biết, hơi thở làm động thân thì biết, hơi thở êm dịu liền biết, gặp vui thì biết, được an lạc liền biết, tâm hướng đến đâu thì liền biết, tâm nhu thuận thì biết, điều phục tâm thì biết.

Tâm hoan hỷ thì biết, tâm chế phục liền biết, tâm giải thoát liền biết, thấy vô thường thì biết, vô dục thì biết, quán tịch tĩnh liền biết, thấy đường hướng về đạo liền biết. Đó là mười sáu điều đặc biệt thù thắng của sổ tức.

Bài tụng rằng:

Riêng biết hơi thở dài hay ngắn

Khi rõ hơi thở làm động thân

Điều hòa ra vào thân được định

Vui mừng như vậy được an lạc.

Biết an ổn là sáu

Chí hành đó là bảy

Để khiến tâm tâm nhu hòa

Thân hành kể là tám.

Đã biết rõ tâm ý

Nhân đó được hoan hỷ

Chế phục tâm được định

Tự tại khiến thuận hành.

Vô thường các dục diệt

Nên quán ba việc ấy

Và biết chỗ hướng đến

Là mười sáu đặc, thắng.

Thế nào gọi là Sổ tức?

Nếu người tu hành ngồi nơi vắng vẻ không có người, giữ chí không loạn động đếm hơi thở ra vào cho đến mười. Bắt đầu từ một đến hai, nếu tâm loạn động thì đếm lại một, hai cho đến chín, nếu tâm còn loạn động thì phải đếm lại, đó gọi là sổ tức. Cứ như thế, hành giả ngày đêm tập hơi thở một tháng, hoặc một năm, cho đến khi được mười hơi thở mà tâm không loạn động.

Bài tụng rằng:

Tự tại bất động giống như núi

Đếm thở ra vào cho được mười

Ngày, đêm, tháng, năm chẳng dừng nghỉ

Tu hành như vậy giữ hơi thở.

Sổ tức đã định thì nên hành tương tùy. Ví như có người đi trước, có cái bóng đi theo, tu hành cũng vậy, theo dõi hơi thở ra vào, không có một niệm nào khác.

Bài tụng rằng:

Sổ tức tâm tịch được tự tại

Đếm hơi ra vào là tu hành

Tâm mà theo dõi không loạn động

Sổ tức chế tâm gọi tương tùy.

Người tu hành đã được tương tùy rồi thì bấy giờ nên quán. Như người chăn trâu đứng bên trâu trông coi nó ăn. Như vậy là hành giả từ khi bắt đầu đếm hơi thở, theo dõi hơi thở chậm, nhanh mà quán sát, xem hơi thở đến đâu, biết giới hạn hơi thở ra vào, đó là hơi thở dài. Đếm hơi thở ngắn cũng giống như vậy.

Bài tụng rằng:

Hơi thở dài thì biết

Thở lại cũng như thế

Nếu theo dõi như vậy

Biết hơi thở dài ngắn.

Thế nào là đếm hơi thở mà động thân thì biết?

Quán hết các hơi thở nặng nhọc ở trong thân, hơi thở vào ra cũng như vậy.

Thế nào là đếm hơi thở làm thân thoải mái liền biết?

Khi vừa khởi hơi thở, nếu thân lười mệt và buồn ngủ, thân thể nặng nề thì trừ bỏ đi, nhất tâm đếm hơi thở, đếm hơi thở trở vào cũng như thế.

Thế nào là đếm hơi thở được vui liền biết?

Là khi mới đếm hơi thở mà có sự hoan hỷ. Hơi thở vào cũng vậy.

Thế nào là đếm hơi thở được an lạc liền biết?

Khi bắt đầu quán hơi thở thì được an ổn. Hơi thở vào cũng vậy.

Thế nào là đếm hơi thở mà tâm hướng về đâu liền biết?

Khởi đếm hơi thở, theo dõi quán chiếu các hiện tượng. Hơi thở vào cũng vậy.

Thế nào là đếm hơi thở, tâm nhu thuận liền biết?

Mới bắt đầu đếm hơi thở, các niệm tưởng phân biệt thuận theo hơi thở. Hơi thở vào cũng vậy.

Thế nào là đếm hơi thở mà điều phục tâm liền biết?

Lúc mới phát khởi hơi thở, thức tưởng biết các quán mà đếm hơi thở. Hơi thở vào cũng vậy.

Thế nào là đếm hơi thở mà tâm vui mừng liền biết?

Khi mới bắt đầu đếm hơi thở, nếu tâm chẳng vui thì khuyến khích khiến vui để thuận vơi hơi thở ra. Hơi thở vào cũng vậy.

Thế nào là tâm chế phục, hơi thở ra liền biết?

Nếu tâm chẳng định cưỡng chế khiến tịch lặng để đếm hơi thở. Hơi thở vào cũng vậy.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần