Phật Thuyết Kinh Con đường Tu Hành - Phẩm Tám - Phân Biệt Hành Tướng - Tập Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH CON ĐƯỜNG TU HÀNH

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Trúc Pháp Hộ, Đời Tây Tấn  

PHẨM TÁM

PHÂN BIỆT HÀNH TƯỚNG  

TẬP HAI  

Bài tụng rằng:

Người tài trí giàu sang

Cỡi xe ngựa dạo thành

Và thây nơi gò mả

Xét kỹ đâu khác gì.

Ở chỗ vắng, dưới cây

Nếu khởi quán như thế

Giữ tâm mà hành đạo

Lửa mạn chẳng thể thiêu.

Pháp sư thuyết giảng Kinh, quán sát tâm lý con người gồm có mười chín loại.

Căn cứ vào đâu mà biết?

Phân biệt phiền não mới biết được.

Những gì là mười chín loại?

1. Tham dâm.

2. Sân hận.

3. Ngu si.

4. Dâm nộ.

5. Dâm si.

6. Si, sân.

7. Dâm, nộ, ngu si.

8. Miệng sạch, ý dâm.

9. Lời nhu, tâm cứng.

10. Miệng sáng, tâm si.

11. Lời hay mà chứa ba độc.

12. Lời thô, tâm hòa.

13. Miệng ác, tâm cương.

14. Lời thô, tâm si.

15. Miệng thô chứa ba độc.

16. Miệng si, tâm tà.

17. Miệng si, lòng nộ.

18. Tâm miệng đều si.

19. Miệng si, tâm chứa ba độc.

Bài tụng rằng:

Người có dâm, nộ, si

Gọi chung là ba độc

Hai lần hai xen vào

Kể luôn lại có bốn.

Miệng như cũng có bốn

Miệng si, ngôn si bốn

Theo lời Thế Tôn dạy

Tâm người có mười chín.

Làm sao để biết người có tướng tham dâm?

Tánh ưa trau dồi lòe loẹt, chơi giỡn, vội vàng, ý chí thay đổi nhanh chóng, tánh như khỉ vượn, hay quên, lầm lẫn, xảo trá, nông nổi, không biết lo xa, cử động, thao tác chẳng nhìn trước sau.

Làm việc chẳng tha thiết, nhiều việc lo sợ, nói nhiều, ưa khóc, dễ bị lừa đảo, dễ bị chinh phục, yên tâm chịu đựng đủ thứ khổ nhọc, được lợi nhỏ thì lăn vào sự tiêu xài phung phí hỉ hả, mất đi chút đỉnh thì buồn lo quá mức, nghe người khen ngợi thì hớn hơ tin theo, những điều cần giấu kỹ đều đem thổ lộ, thân ấm áp, nhiều nhơ bẩn.

Da mỏng thân hôi, lông tóc thưa thớt, nhiều đóm trắng, nhăn nheo. Chẳng ưa râu dài, răng trắng, không đều, ưa y phục sạch, thích mặc lòe loẹt làm đẹp thân thể, ưa mặc đồ mỏng. Học nhiều về kỹ thuật không có môn nào là chẳng thông.

Luôn đi du ngoạn. Thường ưa cười mỉm, làm ra vẻ giữ giới. Hòa nhã, kính người lớn gặp người thăm hỏi trước. Giả bộ tươi tỉnh, diệu dàng, rất nhu mì, e lệ, nhiều lòng từ, phân biệt tốt xấu để đạt được vấn đề nơi giao dịch, nhu hòa, nhiều buồn rầu, mang nhiều ân huệ. Đối với thân hữu ban cho theo ý họ. Có được chút ít, chẳng ban cho người, tranh giành lợi lộc lớn hơn. Xét lại bản thân, việc làm chậm chạp.

Hiểu rõ thế pháp, có thể quyết đoán. Nếu thấy người tốt, cung kính, tôn trọng. Biết việc nhanh chóng, khéo léo nói năng, thông minh lanh lợi, lời nói ôn hòa. Có nhiều bạn bè nhưng chẳng thể thân mật lâu dài. Ít nóng giận, tôn trọng Trưởng Lão.

Đi đứng nằm ngồi chẳng được thong dong. Tuy học giáo pháp, nhưng vẫn ham muốn tài vật. Bà con, bè bạn, bỏ lơ chẳng gắn bó, kết bạn chẳng bền. Nghe việc sắc dục liền khởi tham đắm. Ai phanh phui điều xấu, tìm cách ém giấu, dễ tiến, dễ thoái. Như vậy là tướng tham dâm.

Bài tụng rằng:

Nhanh nhẹn nhẹ nhàng như vượn khỉ

Thường vui vẻ cười, lại hay khóc

Được lợi rất vui, mất quá buồn

Nói năng nhiều lời, dễ hàng phục.

Mê hoặc, lơ đễnh rồi kinh sợ

Vui vẻ tin người dễ bị lừa

Tánh ý hay quên, chẳng lo xa

Ưa xét giới pháp, có trí tuệ.

Ham nhìn sắc đẹp, ý khéo trao

Làm đẹp thân hình, kính bằng hữu

Thong thả thân ấm, nhiều nhơ bẩn

Dễ tin e lệ, nhưng có dũng.

Bốn pháp tài, sắc và thân hữu

Chẳng thể thích nghi sau hối hận

Các điều đã học, nhanh lãnh hội

Tuy mau biết đó, lại mau quên.

Lòe loẹt trang điểm, bằng y phục

Làm việc vặt vãnh, nhưng kính lão

Người trí kính, người có chí học

Thông đạt rõ ràng mà hòa giải.

Thường ưa ra thành, đi du ngoạn

Nói lời khéo léo, cũng ưa nghe

Lợi khẩu, lời suông thường phân biệt

Chỗ ở, nằm ngồi chẳng được lâu.

Tánh mềm mỏng, chí thành

Khinh việc, chẳng đoái hoài

Vội vàng chẳng chịu khổ

Bạn bè thích ban ân.

Ghét tóc dài, thích ngắn

Vui vẻ mà hôi hám

Trí xảo, da nhăn trắng,

Giữ giới, tuệ vô ngại

Gặp người, niềm nở hỏi

Áo mỏng, mặt, răng sạch

Tâm từ dễ theo việc

Rong chơi, chẳng tiếc của

Riêng biết người hành từ

Dễ dạy, chẳng ương ngạnh

Phật dạy, tánh như vậy

Là đúng tướng tham dâm.

Nên căn cứ vào đâu để xem tướng sân hận?

Hiểu rõ về nghĩa sâu xa thì chẳng vội oán hận. Nếu nóng giận thì khó hiểu rõ được, không có tâm thương xót, lời nói thì hết sức thành thật nhưng hung hăng thô ác, thường thường mang sự hồ nghi, chẳng tìm hiểu tin tưởng, ưa bới móc lỗi người khác, thức nhiều ít ngủ, có nhiều oán ghét, kết bạn có thủy chung.

Cừu thù khó giải, thọ nhận chẳng quên, không sợ có kẻ oán, người khủng bố chẳng sợ, phần nhiều dùng sức phản kháng lại, chẳng chịu khuất phục, nhiều lo âu, khó giáo huấn.

Thân thể cao lớn, mày dài, trán vuông, tóc tốt, mạnh khoẻ, tánh cương khó phục. Chậm lụt khó tiếp thu những điều được nghe, nhưng khi tiếp thu được rồi thì lại khó quên. Nếu mat của cải do nhu cầu của thân hữu, thì vĩnh viễn không buồn tiếc, khó tiến, khó thoái. Vì vậy biết đó là tướng sân hận.

Bài tụng rằng:

Tánh ý cang cường hiểu sâu nghĩa

Nghi khắp mọi người, tìm tốt, xấu

Ít ưa ngủ nghỉ, khó khuất phục

Tối dạ khó học, cũng khó quên.

Chịu được khổ nhọc, không thể gần

Không sợ ràng buộc, bất chợt sân

Thân khẩu tương ưng khó khuyên can

Mạnh mẽ có sức và cứng cỏi.

Ít sợ, ít bạn, nhiều oán ghét

Ít an ổn, thân thể to lớn

Đã làm việc gì, chẳng hối tiếc

Bỏ của cải rồi, chẳng đoái hoài.

Một khi bỏ bạn, chẳng nghĩ lại

Chưa từng sửa đổi, cũng chẳng phục

Dốc sức tinh tấn lo việc lớn

Phật bảo như vậy là tướng sân.

Quan xét thế nào mà biết tướng ngu si?

Đó là tánh tình mềm mỏng, ưa tự khen ngợi, không có lòng thương xót, phá hoại cầu chánh pháp, thường lim dim, sắc mặt tiều tụy, không lanh lợi, ưa thích chỗ tối, thường tự than thở, lười biếng không tin, ghét người hiền, thường ưa đi một mình, ít hiểu biết tự tại, làm việc do dự, chẳng rõ lành dữ, chẳng phân thiện ác.

Nếu có việc gấp, chẳng thể xử lý, lại chẳng nghe khuyên can. Chẳng phân biệt rõ bạn và thù. Làm việc ngang ngược, tệ như hổ lang. Ăn mặc xấu xí, thân thể dơ bẩn, tánh tình quạu quọ, râu tóc rối bù, chẳng màng chải chuốc.

Lo nhiều, thích nằm. Ăn nhiều không tiết độ. Người nhờ vả, sai bảo thì không chịu làm. Chẳng nhờ, chẳng sai bảo thì lại tự làm. Điều đáng sợ thì chẳng sợ, việc chẳng đáng sợ thì lại sợ, điều nên lo thì lại mừng, nên mừng thì lại lo.

Việc đáng khóc thì cười, đáng cười thì khóc. Nếu có việc cấp bách sai bảo làm thì chẳng làm. Vừa đi, kêu trở lại, chẳng chịu ngoái lại. Thường gặp khổ cực chịu nỗi gian lao.

Ăn uống vật gì chẳng phân biệt mùi vị, nói chuyện cười nhiều, hay quên lời quan trọng, cắn lưỡi liếm môi. Nhưng sau cãi lại. Đi đứng nằm ngồi chưa từng yên ổn, cử động làm việc, chẳng sợ khó là gì, chẳng biết tiến, thoái. Phật bảo đó là những tiếng ngu si.

Bài tụng rằng:

Bạc nhược, không lòng từ

Cứng đầu mà tự khoe

Mắt ưa nhắm, chẳng nhìn

Tiều tụy, luôn than thở.

Độc hành, không tin ai

Ghét hiền và lười biếng

Thường lo, nhiều hồ nghi

Chẳng phân biệt thiện, ác.

Thân thể thì dơ bẩn

Chẳng biết lời lành, dữ

Tạo việc nhiều phiền muộn

Chẳng thể tự làm xong.

Nhờ vả chẳng chịu làm

Chẳng sai bảo lại làm

Đáng sợ thì chẳng sợ

Chẳng đáng thì lại sợ.

Đáng vui thì lại buồn

Nên buồn thì lại vui

Đáng khóc thì lại cười

Nên cười thì lại khóc.

Ham ăn, chẳng biết no

Chẳng phân bạn hay thù

Tánh tình ưa ngang ngạnh

Không tuệ, gặp khổ não.

Râu tóc luôn rối bù

Vô tín, ưa bóng tối

Chẳng phân biệt năm mùi

Nằm nhiều, như hổ lang.

Biết ít mà tự cao

Cắn lưỡi và liếm môi

Ưa nói giỡn, rồi cãi

Nói chuyện nhưng cười nhiều.

Nằm, ở lại chẳng yên

Việc gấp khó tiến hành

Kêu lui nhưng cứ tới

Tánh vậy là tướng si.

Thế nào gọi là tướng dâm, nộ, si?

Đã nói về dâm, nộ, si thế nào thì tướng dâm, nộ, si cũng như vậy. Kẻ mà cùng với tất cả các thứ phiền não cấu uế cùng hòa nhập thì gọi là tướng dâm, nộ, si.

Bài tụng rằng:

Kẻ ở trong phiền não

Hòa nhập với dâm, nộ

Nên quán tướng dâm, nộ

Đó là si, không trí.

Tất cả, trước đã nói

Tham dục các cấu uế

Có hạnh dâm, nộ ngu

Thì biết chẳng lìa si.

Thế nào gọi là kẻ miệng dục, tâm dục?

Ngôn ngữ mềm mỏng, thuận theo chẳng trái. Điều mình chẳng muốn thì chẳng gán cho người. Lời nói, ý nghĩ hợp với lời thiện, an ổn vừa ý. Ví như cây tốt, sắc hoa tươi thắm, quả cũng ngon ngọt. Miệng dục, tâm dục, cũng giống như vậy.

Bài tụng rang:

Lời nói thường nhu hòa

Thuận theo được lâu dài

Ngôn hành cũng tương xứng

Thân, tâm chẳng hại người.

Ví như cây, hoa tốt

Thành trái cũng ngon ngọt

Đức Phật gọi đó là tướng dâm của tâm, miệng.

Thế nào gọi là người miệng dục, tâm nộ?

Miệng nói lời như hòa mà tâm ôm độc hại, giống như loại cây đắng, tuy sắc hao tươi thắm mà thành quả rất đắng. Lời nhu hòa chứa độc cũng giống như thế.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần