Phật Thuyết Kinh Viên Giác - Chương Bảy - Chương Uy đức Tự Tại
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Phật Đà Đa La, Đời Tống
PHẬT THUYẾT KINH VIÊN GIÁC
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Phật Đà Đa La, Đời Tống
CHƯƠNG BẢY
CHƯƠNG UY ĐỨC TỰ TẠI
Lúc ấy Bồ Tát Uy Đức tự tại ở trong đại chúng, từ chỗ ngồi đứng dậy, đem đỉnh đầu của mình lạy ngang chân Đức Thế Tôn, theo chiều bên phải của Ngài đi quanh Ngài ba vòng, rồi quỳ thẳng, chắp tay mà tác bạch: Thưa Đức Thế Tôn lòng thương cao cả! Ngài đã vì chúng con mà phân tách những sự thích ứng Viên Giác như vậy, làm cho các vị Bồ Tát Tuệ Giác sáng tỏ, nhờ tiếng nói tròn đầy của Đức Thế Tôn mà không qua sự tu tập vẫn được ích lợi tốt đẹp.
Thưa Đức Thế Tôn, ví như thành trì to lớn, phía ngoài có bốn cửa, ai cũng có thể tùy phương hướng mình muốn mà đi vào thành trì ấy, chứ không phải chỉ có một đường. Các vị Bồ Tát cũng vậy, trang hoàng Quốc Độ và hoàn thiện Tuệ Giác, hai sự đó không phải chỉ bằng phương tiện duy nhất.
Do đó, con thỉnh cầu Đức Thế Tôn dạy cho chúng con biết, có bao nhiêu phương tiện và người thực hành phương tiện ấy?
Dạy về điều này, Đức Thế Tôn sẽ làm cho các vị Bồ Tát trong đại hội này, và những người thời kỳ cuối cùng cầu pháp đại thừa, mau chóng tỏ ngộ, du ngoạn trong biển cả vắng lặng vĩ đại của Đức Thế Tôn.
Tác bạch rồi, Bồ Tát Uy Đức tự tại gieo xuống sát đất tất cả năm bộ phận của thân thể mà kính lạy Đức Thế Tôn. Bồ Tát thỉnh cầu như vậy đến ba lần, mỗi lần thỉnh cầu xong lại làm lại từ đầu.
Bấy giờ Đức Thế Tôn dạy Bồ Tát Uy Đức tự tại: Tốt lắm! Thiện nam tử! Ông có thể vì các vị Bồ Tát, và những người sau này, mà hỏi Như Lai về các phương tiện như vậy. Ông hãy nghe kỹ Như Lai sẽ nói cho. Bồ Tát Uy Đức tự tại vâng lời, hoan hỷ, cùng cả đại chúng yên lặng lắng nghe.
Đức Thế Tôn dạy: Thiện nam tử! Viên Giác Vô Thượng, khắp cả mười phương, xuất sinh Như Lai và các pháp, nên bản thể vốn đồng đẳng. Bản thể ấy, đối với những người tu hành, thật là nhất trí.
Nhưng phương tiện thích ứng bản thể ấy thì có vô số, và qui nạp lại, phân loại theo khuynh hướng của người tu hành thì có ba.
Thiện nam tử! Các vị Bồ Tát tỏ ngộ Viên Giác trong sáng, đem cái Tuệ Giác tỏ ngộ ấy nắm lấy sự cực tĩnh làm chủ yếu mà làm cho các vọng niệm lắng xuống, nên thấy rõ tâm thức là phiền động, Tuệ Giác cực tĩnh phát sinh. Bụi bặm thân tâm từ đây diệt hẳn, bên trong liền phát ra sự thư thái tĩnh lặng.
Do tĩnh lặng như vậy mà tâm thể Như Lai mười phương Quốc Độ biểu hiện trong đó như hình ảnh hiện trong đài gương. Phương tiện như vậy gọi là mặt cực tĩnh Xa Ma Tha.
Thiện nam tử! Các vị Bồ Tát tỏ ngộ Viên Giác trong sáng, đem cái Tuệ Giác tỏ ngộ ấy biết tâm thức và căn cảnh toàn là huyễn ảo, nên nổi lên huyễn ảo để diệt trừ huyễn ảo, biểu hiện mọi phương tiện huyễn ảo mà hóa độ cho chúng sinh huyễn ảo.
Vì nổi lên huyễn ảo như vậy nên bên trong phát ra sự thư thái đại bi. Các vị Bồ Tát đều từ đại bi này mà nổi lên việc làm, tuần tự tiến tới.
Biết sự quán sát huyễn ảo là không phải huyễn ảo, rồi biết sự quán sát không phải huyễn ảo đó cũng là huyễn ảo:
Như vậy là huyễn ảo vĩnh viễn thoát bỏ. Việc làm tinh tế như thế này của các vị Bồ Tát tựa như đất đai tăng trưởng lúa má. Phương tiện như vậy gọi là mặt cực động Tam Ma Bát Đề.
Thiện nam tử! Các vị Bồ Tát tỏ ngộ Viên Giác trong sáng, đem cái Tuệ Giác tỏ ngộ ấy, không nắm lấy biểu hiện và tĩnh lặng, mà biết thân tâm toàn là chướng ngại.
Cái biết ấy không như cái biết của các giác quan, không dựa vào thân tâm chướng ngại, nên vĩnh viễn siêu việt sự bị chướng ngại và sự không chướng ngại, thụ hưởng được trạng thái này: Thân tâm và Thế Giới của thân tâm tuy còn ở trong lĩnh vực bụi bặm, nhưng, như tiếng ở trong hồng chung mà đã được đánh lên, kêu vang ra ngoài, phiền não với Niết Bàn không thể chận giữ người ấy, và bên trong phát ra sự thư thái vắng lặng.
Vắng lặng như vậy là cảnh giới thích ứng của Tuệ Giác tinh tế, thân tâm của mình hay của người đều không thấu được, chúng sinh tướng hay thọ giả tướng, những khái niệm ấy toàn là ảo tưởng. Phương tiện như vậy gọi là mặt cực thuần Thiền Na.
Thiện nam tử! Ba phương tiện trên đây toàn là sự thích ứng thân nhất đối với Viên Giác. Mười phương Như Lai do ba phương tiện ấy mà trở thành Phật Đà.
Bao nhiêu phương tiện của mười phương Bồ Tát, và tất cả sự đồng nhất hay sự dị biệt của bao nhiêu phương tiện ấy, toàn y cứ ba phương tiện như vậy.
Ba phương tiện như vậy viên chứng được là được Viên Giác. Thiện nam tử, giả sử có người tu tập Tuệ Giác thuần khiết, giáo hóa thành tựu trăm ngàn vạn ức La Hán và Duyên Giác, không bằng có ai nghe ba pháp môn vô ngại này của Viên Giác mà thích ứng tu tập, dầu chỉ trong một đơn vị ngắn nhất của thì gian. Đức Thế Tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói nên nói những lời chỉnh cú sau đây.
Uy đức tự tại,
Ông nên biết rằng
Viên Giác Vô Thượng
Bản thể đồng nhất,
Phương tiện thích ứng
Lại có vô lượng.
Như Lai bao quát
Thành ra ba mặt:
Về mặt cực tĩnh
Như gương soi hình
Về mặt cực động
Như đất lớn lúa,
Về mặt cực thuần
Như tiếng hồng chung.
Cả ba pháp môn
Tinh tế như vậy
Toàn là phương tiện
Thích ứng Viên Giác.
Mười phương Như Lai
Cùng các Đại Sĩ
Nhờ phương tiện ấy
Thành vô thượng giác.
Ba phương tiện ấy
Nếu viên chứng được
Là được viên chứng
Niết Bàn cứu cánh.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Na Tiên Tỳ Kheo - Phẩm Bốn Mươi Năm - Phẩm Mê Ngộ Khác Nhau
Phật Thuyết Kinh Phật Bổn Hạnh - Phẩm Tám - Phẩm Cùng Chúng Thể Nữ Du Cư
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Mười Tám - Phẩm Thuật Thiên - Thí Dụ Ba Mươi Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bảy - Pháp Hội Mặc Giáp Trang Nghiêm - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Như Lai Hưng Hiển - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bản Sinh Tâm địa Quán - Phẩm Một - Phẩm Tựa - Phần Một