Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Mười - Phẩm địa Ngục - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ BA
PHẨM MƯỜI
PHẨM ĐỊA NGỤC
PHẦN MỘT
Bấy giờ, Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật đa thậm thâm có thể chiếu sáng, hoàn toàn thanh tịnh, đều nên cung kính đảnh lễ, là nơi tôn trọng Trời, Người v.v… kính lễ tôn trọng, không bị nhiễm đắm, không bị các pháp thế gian làm ô uế được.
Xa lìa tất cả sự ngăn che ba cõi, xa lìa phiền não và các kiến chấp đen tối. Cho nên nó là tối thượng, đứng đầu đối với tất cả pháp Bồ Đề phần, rất là tối thắng.
Có thể làm an ổn, dứt hẳn tất cả các việc khủng hoảng, kinh hãi, bức bách, tai nạn. Đem ánh sáng cho các hữu tình, làm cho họ được năm loại mắt, hoàn toàn thấy được trung đạo, làm cho kẻ lạc đường không rơi vào nhị biên. Khéo phát sanh trí nhất thiết trí, dứt hẳn tất cả sự tương tục và tập khí phiền não.
Là mẹ của tất cả Đại Bồ Tát, vì sự tu tất cả Phật Pháp của Bồ Tát được phát sanh từ đây. Bất sanh, bất diệt vì tự tướng không. Thoát hẳn tất cả sanh tử, chẳng thường, chẳng hoại.
Có thể làm chỗ nương tựa, đem Pháp Bảo cho các hữu tình. Làm thành tựu viên mãn mười lực Như Lai, tất cả luận sự khác đều bị khuất phục. Vận chuyển pháp luân vô thượng, ba chuyển, mười hai hành tướng đạt được tất cả pháp, không ngược xuôi, nên hiểu rõ tất cả pháp không điên đảo, tự tánh liễu tri vô tánh, tự tánh không.
Bạch Thế Tôn! Các loại hữu tình đối với bát nhã Ba la mật đa này nên an trụ thế nào?
Bấy giờ, Phật dạy Xá Lợi Tử: Các loại hữu tình đối với bát nhã Ba la mật đa này nên trụ như Phật. Cúng dường, cung kính, tư duy bát nhã Ba la mật đa như cúng dường, cung kính, tư duy Phật Thế Tôn.
Vì sao?
Xá Lợi Tử! Vì Phật không khác bát nhã Ba la mật đa, bát nhã Ba la mật đa không khác Phật. Phật tức là bát nhã Ba la mật đa, bát nhã Ba la mật đa tức là Phật.
Vì sao?
Vì Chư Phật, Bồ Tát, Độc Giác, Thanh Văn đều do bát nhã Ba la mật đa mà được xuất hiện.
Mười thiện nghiệp đạo, bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, năm thần thông cũng do bát nhã Ba la mật đa mà được xuất hiện ở thế gian. Tất cả bố thí Ba la mật đa cho đến trí nhất thiết tướng cũng do bát nhã Ba la mật đa mà được xuất hiện.
Khi ấy, Trời Đế Thích lại nghĩ: Nay Ngài Xá Lợi Tử do nhân duyên gì hỏi Phật điều đó?
Xá Lợi Tử biết tâm niệm vị ấy, liền nói: Kiều Thi Ca! Các Đại Bồ Tát do giữ gìn bát nhã Ba la mật đa này, nên dùng phương tiện thiện xảo đối với mười phương Chư Phật trong ba đời, từ lúc mới phát tâm cho đến chánh pháp cửu trụ, tạo tác công đức trong khoảng thời gian đó.
Hoặc nhiều thiện căn của các Thanh Văn, Độc Giác, Bồ Tát, và các hữu tình khác. Tất cả như thế đều dùng vô tướng và vô sở đắc làm phương tiện.
Tập hợp Hiện Tiền tùy hỷ, đã tùy hỷ rồi đem cho các hữu tình một cách bình đẳng, rồi cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Do nhân duyên này, nên tôi hỏi việc ấy.
Lại nữa, Kiều Thi Ca! Việc học bát nhã Ba la mật đa của các Đại Bồ Tát vượt hẳn bố thí cho đến tịnh lự Ba la mật đa gấp vô biên, vô số. Ví như có trăm ngàn v.v… người bị mù bẩm sinh, nếu không được người sáng mắt khéo dẫn đường, thì không có thể đến được con đường chính, huống chi đến được thành lớn giàu sang ở xa.
Cũng vậy, năm Ba la mật đa trước là những người mù, nếu không có người sáng mắt dẫn đường là bát nhã Ba la mật đa thì không thể đến chánh đạo Bồ Tát, huống gì là đến thành trí nhất thiết ở xa.
Lại nữa, Kiều Thi Ca! Bố thí v.v… năm Ba la mật đa chính nhờ bát nhã Ba la mật đa nên gọi là người có mắt. Lại nhờ sự giữ gìn của bát nhã Ba la mật đa nên gọi là đáo bỉ ngạn.
Trời Đế Thích hỏi: Chẳng phải nhờ năm Ba la mật đa trước cũng hỗ tương dẫn đầu, giữ gìn mà Ba la mật đa còn lại khiến đi đến bờ bên kia.
Đã vậy thì tại sao chỉ tán thán bát nhã Ba la mật đa là hơn hẳn năm Ba la mật đa kia?
Xá Lợi Tử đáp: Lời nói của Thiên chủ không đúng lý.
Vì sao?
Chẳng phải nhờ năm Ba la mật đa trước dẫn đầu, giữ gìn Ba la mật đa còn lại, làm cho đến bờ bên kia. Chính nhờ phương tiện thiện xảo đầy đủ thế lực lớn của bát nhã Ba la mật đa, giữ gìn năm Ba la mật đa, khiến không bị chấp trước, mau chóng đến bờ bên kia.
Vì vậy, bát nhã Ba la mật đa đối với năm loại trước là tối tôn, là tối thắng, là tôn quí, là cao cả, là diệu, là vi diệu, là thượng, là vô thượng, vô đẳng, vô đẳng đẳng.
Bấy giờ, Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát vì sao phải hướng dẫn, phát triển bát nhã Ba la mật đa?
Phật dạy: Xá Lợi Tử! Các Đại Bồ Tát nào không vì hướng dẫn, phát triển sắc, chỉ hướng dẫn, phát triển bát nhã Ba la mật đa. Không vì hướng dẫn, phát triển thọ, tưởng, hành, thức chỉ hướng dẫn, phát triển bát nhã Ba la mật đa. Cho đến không vì hướng dẫn, phát triển trí nhất thiết, chỉ hướng dẫn, phát triển bát nhã Ba la mật đa.
Không vì hướng dẫn, phát triển trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, chỉ hướng dẫn, phát triển bát nhã Ba la mật đa. Không vì hướng dẫn, phát triển tất cả pháp, chỉ hướng dẫn, phát triển bát nhã Ba la mật đa.
Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao Đại Bồ Tát không vì hướng dẫn, phát triển sắc cho đến tất cả pháp, chỉ hướng dẫn, phát triển bát nhã Ba la mật đa?
Phật dạy: Xá Lợi Tử! Vì sắc cho đến tất cả pháp vô tác, vô sanh, không đắc, không hoại, không tự tánh. Các Đại Bồ Tát không vì hướng dẫn, phát triển sắc cho đến tất cả pháp, nên hướng dẫn, phát triển bát nhã Ba la mật đa.
Khi ấy, Xá Lợi Tử lại bạch Phật: Các Đại Bồ Tát hướng dẫn, phát triển bát nhã Ba la mật đa như thế cùng với pháp nào hợp?
Phật dạy: Xá Lợi Tử! Các Đại Bồ Tát phát sanh bát nhã Ba la mật đa như vậy không hòa hợp cùng với tất cả pháp. Do không hòa hợp nên được gọi là bát nhã Ba la mật đa.
Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba la mật đa như vậy không hòa hợp với tất cả pháp nào?
Thế Tôn dạy: Bát Nhã Ba la mật đa như vậy không hòa hợp với thiện pháp, không hòa hợp với bất thiện pháp, không hòa hợp với pháp có tội, không hòa hợp với pháp vô tội, không hòa hợp với pháp hữu lậu, không hòa hợp với pháp vô lậu, không hòa hợp với pháp hữu vi, không hòa hợp với pháp vô vi, không hòa hợp với pháp có nhiễm.
Không hòa hợp với pháp vô nhiễm, không hòa hợp với pháp thế gian, không hòa hợp với pháp xuất thế gian, không hòa hợp với pháp tạp nhiễm, không hòa hợp với pháp thanh tịnh, không hòa hợp với pháp sanh tử, không hòa hợp với pháp Niết Bàn.
Vì sao?
Xá Lợi Tử! Vì bát nhã Ba la mật đa thậm thâm đối với tất cả pháp vô sở đắc, cho nên không thể nói hòa hợp với pháp như thế.
Lúc đó, Trời Đế Thích liền bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba la mật đa thậm thâm há cũng không hòa hợp với trí nhất thiết?
Phật dạy: Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Bát nhã Ba la mật đa thậm thâm cũng không hòa hợp với với trí nhất thiết, vì do đây đối với kia vô sở đắc vậy.
Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao bát nhã Ba la mật đa đối với trí nhất thiết không hợp, không đắc?
Thế Tôn dạy: Chẳng phải bát nhã Ba la mật đa thậm thâm đối với trí nhất thiết như danh, như tướng, như chỗ tạo tác, có hợp, có đắc.
Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Vì sao bát nhã Ba la mật đa đối với trí nhất thiết có hợp, có đắc?
Thế Tôn dạy: Do bát nhã Ba la mật đa thậm thâm đối với trí nhất thiết như danh, tướng v.v… không nhận, không lấy, không trụ, không đoạn, không chấp, không bỏ. Hòa hợp như vậy nhưng không được hòa hợp.
Đối với tất cả pháp cũng lại như vậy, như danh, tướng v.v… không nhận, không lấy, không trụ, không đoạn, không chấp, không bỏ. Hòa hợp như vậy nhưng không được hòa hợp.
Khi ấy, Trời Đế Thích lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Thật kỳ lạ.
Bạch Thiện Thệ! Thật hi hữu. Bát nhã Ba la mật đa như thế, vì tất cả pháp không sanh, không diệt, không tạo, không thành, không đắc, không hoại, không tự tánh cho nên xuất hiện ở thế gian. Tuy có hòa hợp, có chứng đắc nhưng không hòa hợp, không chứng đắc. Nghĩa lý như vậy thật bất khả tư nghì. Chỉ có Phật Thế Tôn mới thuyết được.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu khi Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa thậm thâm, khởi tưởng như vậy: bát nhã Ba la mật đa thậm thâm hòa hợp, hoặc không hòa hợp với tất cả pháp thì Đại Bồ Tát này đều bỏ, đều xa bát nhã Ba la mật đa thậm thâm?
Phật dạy: Thiện Hiện! Lại có nhân duyên khiến cho các Đại Bồ Tát xả bỏ, xa lìa bát nhã Ba la mật đa.
Đó là khi vị ấy tu hành bát nhã Ba la mật đa lại vọng tưởng như vậy: Bát nhã Ba la mật đa thậm thâm vô sở hữu, chẳng chơn thật, không kiên cố, không tự tại thì Đại Bồ Tát này xả bỏ, xa lìa bát nhã Ba la mật đa.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Nếu khi Đại Bồ Tát tin tưởng bát nhã Ba la mật đa thậm thâm, thì không tin pháp nào?
Phật dạy: Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát tin tưởng bát nhã Ba la mật đa thậm thâm thì không tin sắc, không tin thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến không tin trí nhất thiết, không tin trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Vì sao khi Đại Bồ Tát tin bát nhã Ba la mật đa thậm thâm lại không tin sắc cho đến không tin trí nhất thiết tướng?
Phật dạy: Thiện Hiện! Khi Các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa thậm thâm, quán sát tất cả sắc cho đến trí nhất thiết tướng, bất khả đắc. Tuy tin bát nhã Ba la mật đa nhưng không tin sắc cho đến trí nhất thiết tướng.
Như vậy, Thiện Hiện! Khi các Đại Bồ Tát tin bát nhã Ba la mật đa thậm thâm thì không tin sắc, cho đến không tin trí nhất thiết tướng.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tăng ích
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Huyết
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Năm
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Tám - Tám Pháp - Phẩm Một - Phẩm Từ - Phần Hai - Tuệ
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Mười - Phẩm địa Ngục - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Tăng Nhất A Hàm - Phẩm Ba Mươi Năm - Phẩm Tà Tư
Phật Thuyết Kinh Tiểu Bộ - Tập Tám - Trưởng Lão Tăng Kệ - Chương Hai - Phẩm Hai Kệ - Phẩm Một