Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Mười Hai - Pháp Hội Bồ Tát Tạng - Phẩm Thứ Chín - Phẩm Tỳ Lê Gia Ba La Mật - Phần Bốn
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ MƯỜI HAI
PHÁP HỘI BỒ TÁT TẠNG
PHẨM THỨ CHÍN
PHẨM TỲ LÊ GIA BA LA MẬT
PHẦN BỐN
Này Xá Lợi Phất! Hai Bồ Tát sơ sanh ấy thân hình đoan chánh bằng Đồng Tử mười sáu tuổi, liền cạo tóc đắp y Ca Sa do lòng tin thanh tịnh mà xuất gia, trọn hai mươi ngàn năm siêng tu phạm hạnh. Sau đó mạng chung lại sanh Trời Phạm Thiên. Mãn báo Trời lại sanh nhân gian.
Thuở ấy ở Thiện Bộ Châu có Phật xuất thế hiệu Diệu Hương Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Được gặp Phật, hai Bồ Tát liền theo Phật xuất gia mãn câu chi năm tu hành phạm hạnh.
Thứ đệ như vậy có mười ngàn Đức Phật xuất thế, Luật nghi Bồ Tát đều được gặp Phật và đều theo Phật xuất gia tu phạm hạnh trồng các cội lành luôn siêng tinh tấn. Trụ Luật nghi Bồ Tát đời đời sanh đồng chỗ với anh và đều tu Thánh Đạo, chỉ trừ chẳng tu phạm hạnh nơi một Đức Phật.
Do đó Luật Nghi Bồ Tát thành Phật trước xuất hiện ra đời hiệu Xí Nhiên Tinh Tấn Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ Thế Gian Giải, vô thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, thọ chin mươi câu chi tuổi, đệ tử Thanh Văn có chín mươi na do tha câu hội.
Này Xá Lợi Phất! Thuở Xí Nhiên Tinh Tấn Như Lai xuất thế thì Trụ Luật Nghi Bồ Tát làm Chuyển Luân Vương oai thế khắp bốn phương đủ phước đức lớn.
Vương rất tin kính Đức Phật, sắm những y phục đồ ăn uống thuốc men và nhiều thứ cần dùng trọn ba tháng cúng dường tôn trọng tán thán Đức Phật và Tỳ Kheo Tăng.
Đức Xí Nhiên Tinh Tấn Như Lai thọ sự cúng dường ấy và vì muốn giác ngộ Chuyển Luân Vương nên nói kệ rằng:
Nếu muốn chứng được các Phật Pháp
Tinh tấn dũng mãnh là trên hết
Các loài hàm sanh tham ngũ dục
Có mong cầu chi khó quả toại
Nếu cầu nghĩa lợi nơi ngũ dục
Người trí nên biết không nghĩa lợi
Vua nay ở tại không nghĩ lợi
Cầu thắng nghĩa lợi chẳng thể được
Xưa Phật cùng Vua là anh em
Đều phát hoằng thệ cầu bồ đề
Thuở ấy tranh đua cùng ước hẹn
Ai sẽ mau được thành Phật trước
Nay Vua thấy Phật chứng Bồ Đề
Chuyển thắng Pháp Luân cho đại chúng
Vua còn ngập chìm nhà ngũ dục
Hoang dâm nữ sắc luôn thủ hộ
Chư Phật quá khứ thường tuyên nói
Người trí chớ nên ham ngũ dục
Nên ta luôn luôn siêng xa rời
Chưa hề theo cầu làm phóng dật
Vua thấy biết sai làm vô nghĩa
Nên thường ở lại nghiệp vô nghĩa
Tham dục gây khổ Vua mải mê
Ly dục thanh tịnh được Thánh ngợi.
Nghe Đức Xí Nhiên Tinh Tấn nói kệ xong, Chuyển Luân Vương ấy liền giác ngộ thấy rõ lỗi tham dục cầu mong xuất gia, trọn chẳng giả từ vợ con quyến thuộc Đại Thần các Tiểu Vương, cũng chẳng đoái nghĩ quốc gia nhân dân kho tàng châu báu, Vua đứng lên đến trước Đức Phật nhất tâm chắp tay nói kệ rằng:
Tôi sẽ bỏ hết nhà lẫn nước
Cần đến chỗ vắng đến ngày chết
Thà để da thịt đến khô khan
Để làm nhân duyên bồ đề Phật
Lại phải tinh tấn đại dũng mãnh
Lợi ích vô lượng các quần sanh
Vứt bỏ tại gia đến phi gia
Sẽ ở vô vi chỗ trống vắng
Chẳng thích đeo theo các ngũ dục
Tệ ác dối gạt kẻ ngu phu
Vì ta sa chìm trong bùn dục
Nên nay bịt mặt mà theo sau
ngũ dục kho báu và ngôi Vua
Tất cả đồng thời đều vứt bỏ
Tức thời ở trong thành giáo Phật
Chuyên lo tinh tu đạo vô thượng
Ai người có trí lại gần dục
Ai học chánh pháp làm hữu vi
Khiến tôi tu hành tinh tấn rồi
Chẳng mau thành Phật tham ngũ dục
Vì thế tôi bỏ các dục lạc
Ngôi Vua của báu đều trừ dứt
Cần theo Phật Giáo đến phi gia
Làm nhân duyên Phật Bồ Đề vậy.
Nói kệ xong, Chuyển Luân Vương ấy ở chỗ Đức Phật Xí Nhiên Tinh Tấn cạo bỏ râu tóc mặc Ca Sa do lòng tin thanh tịnh mà xuất gia rồi đến chỗ vắng vẻ siêng tu phạm hạnh.
Lại có sáu mươi câu chi trăm ngàn chúng sanh nghe Chuyển Luân Vương xuất gia học đạo, họ cũng khởi lòng tin thanh tịnh theo Vua xuất gia siêng tu phạm hạnh.
Này Xá Lợi Phất! Đức Xí Nhiên Tinh Tấn Như Lai ở đời giáo hóa lâu sau thì nhập Niết Bàn. Chuyển Luân Vương Tỳ Kheo thấy Phật diệt độ thương cảm mến tiếc xây Bảo Tháp cúng dường Xá Lợi, ít lâu sau mạng chung sanh cung Trời Đâu Suất rồi lại sanh nhân gian thành Vô Thượng Chánh Giác hiệu Diệu Hạnh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Thọ một câu chi tuổi, đệ tử Thanh Văn có câu chi na do tha hội đều là đại A La Hán, trăm ngàn chúng Đại Bồ Tát đều chẳng thối chuyển vô thượng bồ đề, giáo hóa vô lượng vô số chúng sanh, việc đáng làm đã làm xong, Đức Diệu Hạnh Như Lai nhập Niết Bàn, chánh pháp trụ thế hơn một kiếp, Xá Lợi lưu bố lợi ích chúng sanh.
Này Xá Lợi Phất! Chư Đại Bồ Tát thực hành Tỳ Lê Gia Ba la mật an trụ chánh cần hành Bồ Tát Đạo, phải nên y theo sự tu học tinh tấn dũng mãnh không mỏi của Luật Nghi Đại Bồ Tát, chớ có làm theo chúng sanh tham lam bỏn xẻn mê gặm xương khô kia.
Này Xá Lợi Phất! Nếu có Bồ Tát thích cầu bồ đề, với nhà thí chủ chớ nên tham lẫn. Nếu lúc mất chánh niệm mang lòng tham lẫn phải liền quan sát ba điều đáng sợ.
Những gì là ba điều đáng sợ?
Nơi nhà thí chủ thường lai vãng, hoặc nhân khất thực, hoặc lại đàm thoại triền miên chẳng thôi bèn thành thân hảo. Khi thấy Tỳ Kheo hiền thiện khác đến, vì tham lẫn nên ganh ghét, hoặc có lúc hay giận hờn.
Do cớ ấy phải biết là nhiếp thọ nghiệp đạo khổ ở địa ngục, phải biết là gieo giống sanh manh tại tâm điền, phải biết là nghiệp sanh biên địa.
Này Xá Lợi Phất! Nay Phật lại vì ông mà nói tướng dạng ấy. Bồ Tát tham lẫn ấy thấy Tỳ Kheo hiền thiện đến nhà thí chủ mình liền sanh lòng ganh ghét giận hờn.
Trong lòng dầu giận mà ngoài mặt giả vui đàm luận, lòng thì bỏn xèn mà thân luôn kề cận hầu tiếp, nhưng lại đứng lỗ khuất lỏ mắt nhìn, hoặc đem sự chẳng thiệt vu cáo hủy báng.
Những hành động như vậy phải biết là nghiệp đạo địa ngục, là gieo giống sanh manh vào nội tâm, là nghiệp sanh biên địa chịu khổ sở, bị báo sanh manh hủy nhục ngày đêm cực khổ bị người sai khiến.
Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát ở nơi nhà thí chủ nếu khởi lòng tham lẫn ganh tị, thì phải suy nghĩ ba diều đáng sợ ấy.
Trưởng Lão Xá Lợi Phất bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Lạ thay thật chưa từng có. Chư Đại Bồ Tát rất là hy hữu mới được gặp Đức Như Lai nói phát pháp xuất yếu nơi nhà thí chủ sanh tham lẫn ấy. Lành thay Đức Thế Tôn, xin vì hàng Thanh Văn chúng tôi mà nói chánh pháp rời lìa tướng tham lẫn nơi nhà thí chủ.
Tại sao?
Vì Thanh Văn chúng tôi cũng muốn thoát khỏi báo khổ địa ngục sanh manh và biên địa mà được sanh vào Trung Quốc loài người. Chúng tôi đều muốn nghe chánh pháp xuất ly tham lẫn nơi nhà thí chủ. Xin Đức Thế Tôn chẳng bỏ rơi chúng tôi mà tuyên dạy cho.
Đức Phật phán: Lành thay lành thay, này Xá Lợi Phất! Rất là hy hữu, nay các ông có thể an trụ nơi không a dua mà thỉnh hỏi Đức Như Lai về nghĩa như vậy. Lắng nghe lắng nghe Phật sẽ nói cho.
Này Xá Lợi Phất! Nếu có chúng sanh muốn theo Phật Học Phật Pháp Đức Phật liền vì họ mà tuyên dạy.
Tại sao?
Vì những chúng sanh có thể theo Phật tu học, Đức Phật chẳng trái ý họ, quyết hiện ra trước họ để thuyết pháp.
Lại này Xá Lợi Phất! Nếu có chúng sanh chẳng muốn theo Phật Học chánh pháp, nếu Đức Phật thuyết pháp cho họ nghe, họ sẽ chẳng chịu tin mà còn gây nên căn bổn tranh đấu.
Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát thành tựu lòng tin thanh tịnh thật hành Tỳ Lê Gia Ba la mật, ở nơi Phật Pháp có lòng tin thanh tịnh lâu ngày thường thích quán sát, vì muốn cứu tế chúng sanh nên đến chỗ Phật Ân cần trịnh trọng hỏi nghĩa giải nghi.
Đức Phật có nói pháp chỉ đều ưa thích lắng nghe, nghe pháp xong lại phát khởi lòng tin sâu rộng thanh tịnh vui mừng hớn ở càng thêm tinh tấn thọ trì chánh pháp tu hành đúng pháp.
Này Xá Lợi Phất đời sau, các đệ tử của ta ít có Tỳ Kheo nào thâm tâm mong cầu pháp Niết Bàn tịch tịnh, phần đông y theo ba sự nghiệp.
Một là thường thích theo cầu danh lợi thế gian.
Hai là tham ưa bè đảng theo cầu thí chủ qua lại chẳng ngớt.
Ba là ưa thích theo cầu nhà cao cửa đẹp chứa cất của tiền vàng bạc châu báu và các thứ đồ dùng.
Đây là y chỉ theo cầu ba sự.
Này Xá Lợi Phất! Các Tỳ Kheo ấy vì y chỉ ba sự như vậy nên chẳng thoát khỏi ba ác đạo.
Này Xá Lợi Phất! Các Tỳ Kheo ấy chẳng muốn thoát khỏi địa ngục, bàng sanh ngạ quỷ, mà họ trở lại thích siêng tu pháp dứt đường sanh Cõi Trời, họ lại siêng làm những sự tranh luận ly gián chê mắng lần nhau, họ lại ưa gần các ác hữu lòng tin chẳng thanh tịnh bỏ chỗ thanh vắng mà ở nơi náo nhiệt, cùng người tục kết bè đảng.
Các nhà tục bảo: Này Trưởng Lão nên thường đến nhà, tôi sẽ cung cấp tứ sự cúng dường. Còn các Trưởng Giả ở nơi thanh vắng ấy chẳng chịu giao tế với người thế tục, chúng tôi làm sao thăm hỏi được. Vì thế nên các Tỳ Kheo ấy càng thân cận tại gia, cùng nhau chuyện trò toàn những sự phiền tạp thế tục.
Này Xá Lợi Phất! Các ác Tỳ Kheo ấy thích ở chung và giao thiệp với hạng người bất lương, tham trước chỗ ở chẳng hề di chuyển. Họ tìm nhiều bè đảng và luôn thăm viếng nhà thí chủ, đích thân đi mừng đi điếu, do đó mà thầm kín thân ái nhau. Khi có khách Tỳ Kheo đến thì không cung cấp lại buông lời chê trách phi pháp.
Mà khách Tỳ Kheo thiệt là Bậc Hiền Thánh. Ác Tỳ Kheo ấy cũng chẳng xưng hô Ngài là người đa văn giới đức thanh tịnh, cũng chẳng xưng hô Ngài là bậc Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán.
Này Xá Lợi Phất! Các ác Tỳ Kheo ấy ở trong pháp của Phật mà chẳng tu pháp của Phật. Không có việc gì khác, mà chỉ ưa chê bai mắng nhiếc chẳng thôi.
Các người tại gia bè đảng của ác Tỳ Kheo ấy lại nói rằng: Những khách Tỳ Kheo chưa hề ở chung và đến lui thân thiện với chúng tôi cùng Kinh lý sự việc với nhau, vì lẽ ấy nên chúng tôi chỉ nên cùng các Tỳ Kheo cựu trụ bao bọc nhau và mượn oai thế nhau.
Này Xá Lợi Phất! Vì những lý do ấy nên các ác Tỳ Kheo đối với Kinh Điển này, hoặc hiểu hoặc chẳng hiểu, họ đều luôn luôn hủy báng chẳng tin.
Lại này Xá Lợi Phất! Nếu có người lắng nghe Kinh Điển được Như Lai diễn nói những pháp môn văn cú sai biệt như vậy, nghe rồi vui thích tin hiểu không nghi lầm thì quyết có thể rời bỏ những kẻ ác như trên và cũng rời bỏ những nghiệp phải đọa ác đạo.
Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát tu hành tinh tấn dũng mãnh không mỏi lắng nghe Đức Phật nói những tướng tham rít nghiệp đọa vào ác đạo ấy rồi bèn chẳng tự hành động những sự tham lẫn nơi nhà thí chủ, huống là bảo người khác làm. Đây gọi là Đại Bồ Tát chuyên cần chẳng mỏi tu hành Tỳ Lê Gia Ba la mật, phải nên học như vậy.
Lại này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát chuyên cần không mỏi, lúc tu tập Tỳ Lê Gia Ba la mật, với các chúng sanh tưởng là người bệnh vì họ thường bị ba thứ nhiệt não làm khổ luôn.
Những gì là ba thứ nhiệt não?
Đó là tham dục nhiệt não, sân khuể nhiệt não và ngu si nhiệt não. Đại Bồ Tát nghĩ rằng nay tôi phải dùng chánh pháp vô thượng thuốc cao vô não này thoa cho các chúng sanh nhiệt não.
Nhờ chánh pháp vô thượng, thuốc cao mát mẻ vi diệu này, thoa vào thì các chúng sanh ấy sẽ dứt trừ những tham sân si nhiệt não.
Lại này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát tu hành Tỳ Lê Gia Ba la mật có vô lượng tướng dạng, nay Phật sẽ lược nói.
Đại Bồ Tát thường nghĩ rằng: Tất cả chúng sanh đều là những người bệnh, vì thường bị nhiệt não bởi ba độc tham sân si vậy.
Những chúng sanh sanh vào địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh là bị tham sân si ấy làm nhiệt não.
Những chúng sanh sanh lên Trời hay nhân gian cũng đều bị ba độc ấy đốt khổ.
Nếu có chúng sanh thành tựu nghi kiến thì cũng thường bị ba độc đốt khổ.
Này Xá Lợi Phất! Các chúng sanh bị bệnh phiền não, chẳng phải các lương y khác và diệu dược thù thắng khác có thể trị lành, có thể làm lửa nóng tham sân si lặng tắt được.
Chỉ có Đức Như Lai Đại Y Vương vô thượng thắng diệu và Đại Bồ Tát chứng pháp thân dùng sức đại nguyện tự nghiêm trì thân mình làm lương dược rồi mới trừ được bệnh nhiệt não tham sân si cho tất cả chúng sanh.
Này Xá Lợi Phất! Theo ý của ông thì chúng sanh giới nhiều hay là địa giới v.v... nhiều?
Bạch Đức Thế Tôn! Theo tôi hiểu diệu nghĩa của Đức Phật nói, chúng sanh giới nhiều, chẳng phải địa giới, thủy giới, hỏa giới và phong giới có thể so sánh bằng được.
Này Xá Lợi Phất! Đúng như lời ông nói: Chúng sanh giới nhiều, chẳng phải địa giới v. v… nhiều. Nay ta lại nói tướng dạng ấy.
Này Xá Lợi Phất! Có các chúng sanh thân hình vi tế khó thấy được, mắt thần của các Thần Tiên cùng thiên nhãn của Thanh Văn, Độc Giác đều chẳng thể thấy, chỉ có thiên nhãn thanh tịnh của Như Lai là soi rõ được.
Tịnh Thiên nhãn của Như Lai thấy rõ những chúng sanh vi tế ấy chừng bằng dung lượng của một bánh xe, số ấy vô lượng nhiều hơn số Trời và người trong toàn cõi tam thiên đại thiên Thế Giới.
Này Xá Lợi Phất! Chúng sanh giới vô lượng vô biên như vậy, nhẫn đến tất cả chúng sanh trong tam thiên đại thiên Thế Giới, hoặc noãn sanh, thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, hoặc có sắc không sắc có tưởng không tưởng, hoặc phi hữu tưởng phi vô tưởng, hoặc khả kiến hoặc bất khả kiến, nhẫn đến bao nhiêu chúng sanh giới giả danh kiến lập.
Giả sử trong khoảng sát na, tất cả số lượng chúng sanh giới ấy, không trước không sau đồng thời đều được thân người và đều thành lương y cả và đều thọ một kiếp, tất cả đều thông suốt y đạo, giỏi luyện phương thuốc làm đại y sư giỏi trị lành các bệnh tật như thần y Kỳ Bà hiện nay.
Các Đại Y Sư ấy chung nhau nghị luận phương dược muốn chữa trị bệnh nhiệt não tham sân si của một chúng sanh. Giả sử mỗi mỗi Đại Y Sư ấy đều mang diệu dược thanh lương lượng bằng núi chúa Tu Di chăm sóc chữa trị thoa đắp cho con bệnh tận y thuật của mình cho đến dùng hết số lượng diệu dược ấy, cũng chẳng chữa lành được bệnh nhiệt não tham sân si của một chúng sanh.
Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai chỉ nói một pháp môn từ bi quán, vô thượng chánh pháp diệu dược thanh lương dùng để thoa đắp. Có vô lượng chúng sanh nhờ pháp dược ấy mà trừ được bệnh sân khuể nhiệt não.
Nhẫn đến có vô lượng bất khả thuyết bất khả thuyết chúng sanh nhờ pháp từ bi quán mà sân khuể nhiệt não đồng thời trừ dứt.
Này Xá Lợi Phất! Đức Như Lai chỉ nói một pháp môn nhân duyên quán chánh pháp. Vô thượng diệu dược thanh lương dùng để thoa đắp, có vô lượng chúng sanh, nhẫn đến có vô lượng bất khả thuyết bất khả thuyết chúng sanh dứt trừ được bệnh nhiệt não ngu si.
Lại này Xá Lợi Phất! Như vừa rồi Đức Phật nói Đại Bồ Tát chứng pháp thân dùng nguyện lực nghiêm trì thân mình mà làm lương dược dùng trừ dứt bệnh nhiệt não tham sân si cho vô lượng bất khả thuyết bất khả thuyết chúng sanh. Nay Đức Phật lại nói tướng dạng ấy. Ông nên lắng nghe.
Này Xá Lợi Phất! Ta nhớ quá khứ trước vô số kiếp, có Phật xuất thế hiệu Nhiên Đăng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, vô thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Này Xá Lợi Phất! Thuở ấy Đức Nhiên Đăng Như Lai thọ ký cho ta đời sau quá vô số kiếp sẽ thành Phật Hiệu Thích Ca Mâu Ni đủ mười hiệu.
Được Phật Nhiên Đăng thọ ký xong, ta chứng pháp thân thành tựu. Sau khi Phật Nhiên Đăng diệt độ, ta làm Đế Thích tên Vi Diệu Nhãn được oai thế tự tại ở Trời Đao Lợi, Có thần thông lớn oai đức lớn Chư Thiên quyến thuộc đông nhiều.
Này Xá Lợi Phất! Thuở ấy ở Thiệm Bộ Châu có tám muôn bốn ngàn đại thành và vô lượng thôn ấp thị trấn và vô lượng trăm ngàn câu chi na do tha chúng sanh, nhân vật đông đúc rất hưng thạnh.
Bấy giờ có bệnh dịch lớn xuất hiện, nhiều chúng sanh mắc phải bệnh dịch nặng. Có vô lượng y sư dược sư tận lực cứu chữa, nhưng bệnh vẫn không dứt.
Các chúng sanh mang bệnh ấy chẳng gặp lương y bị bệnh hành đau khổ, không ai cứu hộ, không chỗ về nương, họ đồng kêu la lên khóc rằng: Nay tôi mắc lấy bệnh khổ này, xứ nào có Trời, Rồng, Dạ Xoa, Quỷ Thần lại từ bi trừ bệnh cho tôi. Nếu trừ được bệnh tôi sẽ chẳng tiếc tất cả của cải châu báu, sẽ hậu tạ lương y và thuận theo sự dạy bảo.
Lúc ấy ta ở Trời Đao Lợi do tịnh thiên nhãn thấy vô lượng chúng sanh bị nhiều bệnh dịch quá đau khổ, và do tịch Thiên Nhĩ nghe suốt lời khóc than kêu cầu của họ.
Này Xá Lợi Phất! Thuở ấy, khi ta thấy và nghe sự việc ở nhân gian như vậy, với các chúng sanh ấy, ta phát khởi đại bi mà nghĩ rằng: Sao mà quá khổ, vô lượng vô biên chúng sanh như vậy mắc phải bệnh nặng không nơi nương cậy, không người cứu hộ, không chỗ nương về, không ai chữa lành. Nay ta quyết định làm nơi nương cậy, làm người cứu hộ, làm chỗ nương về và làm y sư chữa lành bệnh cho họ.
Ta liền ẩn thân hình Đế Thích cao lớn mà hóa sanh làm thân chúng sanh to lớn tên Tô Ma nơi Thiệm Bộ Châu cách đại thành Câu Lô chẳng xa.
Thọ sanh xong, ta ở hư không nói kệ phổ cáo tất cả chúng sanh ở Thiệm Bộ Châu rằng:
Cách thành Câu Lô chẳng mấy xa
Có thân to lớn tên Tô Ma
Nếu ai ăn được thịt thân ta
Tất cả bệnh khổ đều trừ dứt
Nó không giận hờn không làm hại
Vì làm lương y mà thọ sanh
Mọi người nên mừng chớ kinh nghi
Tùy ý xẻo thịt ăn trừ bệnh.
Lúc ấy vô lượng chúng sanh trong tám vạn bốn nghìn đại thành các thôn ấp thị tứ, những kẻ đang mắc bệnh khổ nghe tiếng phổ cáo ấy đồng kéo nhau đến bên thân Tô Ma Bồ Tát đua nhau dùng dao bén cắt xẻo thịt.
Đương lúc bị xẻo cắt, nơi thân thịt Tô Ma Bồ Tát phát âm thanh lớn nói kệ rằng:
Nếu do đây sẽ chứng bồ đề
Tạng trí sẽ thành vô tận tạng
Tùy tôi phát nguyện lời chí thành
Cũng nguyện thân thịt thường vô tận.
Này Xá Lợi Phất! Lúc ấy tất cả chúng sanh ở Thiệm Bộ Châu vì bị bệnh bức khổ nên họ tranh nhau hoặc xẻo hoặc chặt từng khúc thịt nơi thân Tô Ma Bồ Tát rồi hoặc ăn hoặc gánh đem đi. Dầu bị chặt xẻo nên vì nguyện lực nên cắt xẻo bao nhiêu thì thịt sanh ra bấy nhiêu không hề khuyết giảm.
Này Xá Lợi Phất! Các chúng sanh ấy được ăn thịt Tô Ma Bồ Tát rồi tất cả đều lành bệnh, tâm an vui thân thể không biến đổi. Bấy giờ tất cả nhân dân ở Thiệm Bộ Châu hoặc nam hoặc nữ đã được ăn thịt của Tô Ma Bồ Tát mà lành bệnh đều tự nghĩ rằng Tô Ma này có ơn rất lớn đối với chúng ta, trừ bệnh khổ cho ta, ban ta sự an vui, ta phải sắp đặt cúng dường thế nào để đáp ơn ấy.
Họ cùng nhau tụ tập bên thân Tô Ma Bồ Tát ở thành Câu Lô mà nói kệ rằng:
Ngài là nương cậy là cứu hộ
Ngài là lương y là diệu dược
Xin thương mà dạy bảo chúng tôi
Cúng dường thế nào đáp ơn nặng.
Này Xá Lợi Phất! Lúc ấy ta thấy chúng sanh được lành bệnh an vui mà mang ơn nặng quy y với ta.
Ta liền diệt thân Tô Ma trở lại thân Đế Thích đứng trước họ oai quang sáng rỡ bảo họ rằng: Nếu do thịt nơi thân của ta mà được hết bệnh khổ, mọi người mang ơn mà muốn báo đền. Ta chẳng phải vì Quốc Độ ngôi Vua thành ấp nhà cửa mà cứu mọi người đem thịt nơi thân mình bố thí, cũng chẳng vì vàng bạc châu báu mà thí thịt thân mình, cũng chẳng vì voi ngựa bò dê các súc vật mà thí thịt thân mình, cũng chẳng vì nam nữ đồng bộc nô tỳ mà thí thịt thân mình.
Cũng chẳng vì món ăn uống y phục giường nệm thuốc men mà thí thịt thân mình, cũng chẳng vì vườn rừng đất đai ao hồ nhà cửa cùng các đồ cần dùng mà bố thí thịt thân mình.
Ta sở dĩ thương mọi người mắc bệnh khổ mà bố thí thịt thân mình để chữa lành đó là vì muốn chúng sanh rời nghiệp bất thiện. Mọi người nếu có thể vì ta mà rời hẳn rời hẳn các nghiệp sát sanh, trộm cắp, tà dâm, vọng ngôn, lưỡng thiệt, ác khẩu, ỷ ngữ, tham gian, sân hận và tà kiến thì tức là lợi ích cho ta cũng tức là báo ơn ta vậy.
Đế Thích lại đối đại chúng mà nói kệ rằng:
Ta vốn chẳng vì khối trân bảo
Chẳng vì thành ấp cùng Quốc Độ
Cũng chẳng phải vì Thiên ngọc nữ
Chẳng vì áo cơm giường nệm nằm
Muốn báo Tô Ma Bồ Tát ơn
Chỉ nên tôn trọng đồng hòa hiệp
Đều có từ tâm kính mến nhau
Chuyên tu mười nghiệp lành tịnh diệu
Mọi người phải trì mười nghiệp lành
Luôn luôn hoà hiệp phòng giữ chặt
Đây gọi là pháp cúng dường lớn
Vì Bồ Tát chẳng cầu của cải
Ta chẳng dùng của báu thế gian
Chẳng dùng ăn ngon và mặc đẹp
Chẳng dùng voi ngựa và xe cộ
Chẳng dùng giường nệm đồ trang sức
Mọi người cùng nhau đồng hòa hiệp
Giữ gìn thanh tịnh mười nghiệp lành
Cùng nhau phát khởi đại từ tâm
Mình người đồng tu lòng lợi ích.
Này Xá Lợi Phất! Nghe ta nói kệ xong, mọi người ở Thiệm Bộ Châu thuở ấy vì cảm ơn đức, nên họ đảnh lễ nơi chân ta mà cùng thọ trì mười nghiệp đạo lành thanh tịnh vi diệu.
Này Xá Lợi Phất! Ta nhớ rõ tất cả những người ở Thiệm Bộ Châu thuở ấy được ăn thịt Tô Ma Bồ Tát, từ đó đến nay chưa hề có một người bị đọa ác đạo, họ đều sanh lên Trời Đao Lợi và vì nghiệp duyên trước nên luôn cùng ta chúng sanh.
Thuở ấy ta lại vì Thiên chúng ấy mà diễn dạy chánh pháp làm cho họ đều được an trụ nơi ba thừa Thánh Đạo: Hoặc Thanh Văn thừa, hoặc Độc Giác thừa, hoặc có người an trụ Nhất Thừa vô thượng bồ đề. Các chúng ấy hoặc đã nhập Niết Bàn, hoặc sẽ nhập Niết Bàn, hoặc hiện nhập Niết Bàn.
Này Xá Lợi Phất! Ta quan sát Đại Bồ Tát an trụ pháp thân vì thật hành Tỳ Lê Gia Ba la mật nên thành tựu đại thần thông như vậy, thành tựu đại oai đức như vậy, thành tựu đại thế lực như vậy, mới có thể chỉ xả thí một thân thịt mà thành thục được vô biên chúng sanh đều an trụ nơi Ba Thừa Thánh Đạo được chẳng thối chuyển.
Trưỡng Lão Xá Lợi Phất bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là tướng dạng của Đại Bồ Tát thật hành Tỳ Lê Gia Ba la mật chuyên cần tu tập được pháp thân?
Mong Đức Thế Tôn dạy cho!
Này Xá Lợi Phất! Tướng pháp thân của Đại Bồ Tát không sanh không tử kiên cố không hư hoại như chất Kim Cương chẳng thể nghĩ bàn được.
Nhưng vì hóa độ những chúng sanh thân hư hoại mà chư pháp thân Đại Bồ Tát hiện thân hư hoại, còn muốn hóa độ hàng thân chẳng hư hoại thì lại hiện thân bất hoại. Nhưng pháp thân ấy viên thành đầy đủ, lửa chẳng cháy được, dao chẳng đứt được, như chất Kim Cương kiên cố.
Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát an trụ pháp thân vì thật hành Tỳ Lê Gia Ba la mật nên tinh tấn không mỏi, chẳng phải là có công dụng chỉ dùng thân mình thì có thể thành thục vô lượng chúng sanh chẳng cần phải vọng tâm suy nghĩ phân biệt.
Chính Bồ Tát này thân tự có thể hay biết, trọn các thân tướng tùy nhập tự thân chân như pháp tánh, tự thân chân như tùy nhập Chư Pháp chân như, Chư Pháp chân như tùy nhập tự thân chân như, tự thân chân như tùy nhập Chư Phật chân như.
Chư Phật chân như tùy nhập tự thân chân như, tự thân chân như tùy nhập khứ lai hiện tại chân như, khứ lai hiện tại chân như tùy nhập tự thân chân như.
Lại quá khứ chân như chẳng trái vị lai chân như, vị lai chân như cũng chẳng trái quá khứ chân như, quá khứ chân như chẳng trái hiện tại chân như, hiện tại chân như cũng chẳng trái quá khứ chân như.
Vị lai chân như chẳng trái quá khứ chân như, quá khứ chân như cũng chẳng trái vị lai chân như, vị lai chân như chẳng trái hiện tại chân như, hiện tại chân như cũng chẳng trái vị lai chân như.
Hiện tại chân như chẳng trái quá khứ chân như, quá khứ chân như cũng chẳng trái hiện tại chân như, hiện tại chân như chẳng trái vị lai chân như, vị lai chân như cũng chẳng trái hiện tại chân như.
Lại khứ lai hiện tại chân như tức là uẩn xứ giới chân như. Uẩn xứ giới chân như tức nhiễm ô thanh tịnh chân như. Lưu chuyển tịch diệt chân như tức gia hạnh chân như. Gia hạnh chân như tức nhất thiết hạnh chân như. Nhất thiết hạnh tức là chân như, chân như tức là nhất thiết hạnh.
Này Xá Lợi Phất! Chân như tức là thiệt tánh, là như tánh, là phi bất như tánh, là bất viễn ly tánh, là vô pháp động tánh, là vô nhiễm loạn tánh, là bất tương vi tánh, là vô vi tránh tánh.
Này Xá Lợi Phất! Chân như là không chỗ vi tránh. Do vì không vi tránh mà gọi là chân như vậy, nhưng Chư Như Lai nói là vi tránh.
Này Xá Lợi Phất! Chân như gọi là tùy thuận nhiếp thọ, tại sao Như Lai lại nói là vi tránh?
Vì Như Lai trái với tất cả tránh vậy. Do đó mà Bồ Tát thường hiện tất cả vi tránh. Chư Như Lai vốn không vi tránh cũng chưa hề phát khởi.
Tại sao?
Vì không vi không tránh nên gọi là Như Lai vậy, nhưng lại thường hiện các sắc tượng vi tránh, chẳng phải Như Lai có động loạn.
Chư Đại Bồ Tát dùng trí như thiệt quán thân Như Lai bình đẳng pháp tánh tức tự thân bình đẳng pháp tánh. Lại ở nơi tự thân bình đẳng pháp tánh quán Như Lai bình đẳng pháp tánh. Lại ở nơi tự thân bình đẳng pháp tánh quán các thân và phi thân, ở nơi tất cả các thân và phi thân quán thân bất tư nghì kia.
Đại Bồ Tát ở nơi pháp duyên sanh rõ thấu tất cả thân, đã rõ thấu rồi dẫn nhiếp pháp thân. Đương lúc Đại Bồ Tát dẫn nhiếp pháp thân ấy, Đức Phật gọi họ chứng được pháp thân. Đã chứng pháp thân thì có thể thị hiện thân uẩn xứ giới.
Phải biết thân uẩn xứ giới ấy là do pháp thân hiển hiện vậy?
Vì thế nên, này Xá Lợi Phất! Tất cả chúng sanh nếu có ai được gặp thân ấy, hoặc thấy hoặc nghe đều liền điều phục, lúc chạm xúc thân ấy, có thể khiến chúng sanh làm những pháp lành nghĩa lợi.
Lại này Xá Lợi Phất! Như hiện nay thần y Kỳ Bà họp các vị thuốc hòa lại làm hình tượng nữ nhân đẹp xinh ai thấy cũng thích. Do thần y khéo nắn khéo trang sức nên tượng nữ nhân ấy dầu không tư lự không phân biệt mà có tác động qua lại đi đứng ngồi nằm.
Các nhà hào quý Vua quan Trưởng Giả có bệnh tật đến nhà thần y. Thần y khám bệnh xong, đem tượng nữ nhân ban cho người bệnh. Người bệnh tạm thời ôm ấp tượng nữ nhân ấy thì tất cả bệnh tật đều tiêu trừ, thân tâm an lạc. Thần y kỳ Bà có diệu trí trị bệnh thế gian, các y sư trong đời không ai bằng được.
Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát do pháp thân hiển hiện cũng như vậy. Tất cả chúng sanh hoặc nam hoặc nữ có bệnh nhiệt não, tham sân si đến chỗ Bồ Tát ấy tạm thời chạm xúc thân Bồ Tát ấy thì tất cả bệnh khổ đều được tiêu trừ, cảm thấy thân tâm mình rời khỏi các nhiệt não.
Tại sao?
Do vì Chư Đại Bồ Tát trước kia phát nguyện lớn khéo thanh tịnh vậy.
Lại này Xá Lợi Phất! Pháp Thân Đại Bồ Tát chẳng do ăn uống đoàn thực mà được sống còn, dầu biết rõ tất cả thức uống ăn đều vốn không chỗ có, nhưng vì thương chúng sanh mà hiện ăn uống. Dầu hiện ăn uống mà không tham trước, với thân thể mình chưa hề đoái luyến.
Tại sao?
Vì thế lực của pháp thân chẳng thối chẳng giảm, thân thể ấy chẳng do ăn uống mà tồn tại.
Này Xá Lợi Phất! Pháp Thân Bồ Tát đối với sanh tử khó biết rõ được mà lại thị hiện thân có sanh có tử.
Tại sao?
Vì muốn thành thục các chúng sanh nên thị hiện có sống chết vậy. Dầu thị hiện chết mất mà Đại Bồ Tát ấy biết rõ tất cả pháp không dứt mất, dầu thị hiện có sanh mà thị hiện tất cả pháp không khởi tác, dầu thị hiện sanh khởi mà biết rõ tất cả pháp cứu cánh vô sanh.
Lại pháp thân ấy dùng pháp làm món ăn, do pháp lực giữ gìn, y chỉ nơi pháp, do vì bổn nguyện nên dầu không công dụng tư lự phân biệt mà thành thực chúng sanh.
Này Xá Lợi Phất! Pháp thân Bồ Tát có những tướng dạng như vậy là do tinh tấn không mỏi tu hành Tỳ Lê Gia Ba la mật mà được chứng nhập.
Đức Thế Tôn muốn tuyên lại nghĩa ấy mà nói kệ rằng:
Thân như kim cương chẳng tổn hoại
Biết thời giáo hóa nên hiện sanh
Độc ác dao lửa chẳng hại được
Chúng được giáo hóa thấy thiêu hại
Có bệnh thì thấy là lương dược
Người đói khát thấy là thực phẩm
Bởi tánh các pháp vô phân biệt
Chứng pháp thân không thân nhất lý
Biết rõ các pháp từ duyên sanh
Không ngã nhân nam nữ ý sanh
Vì có các duyên nên khổ mãi
Vì không các duyên nên khổ dứt
Biết sắc chẳng bền như đống bọt
Suy gẫm các thọ đồng bóng nước
Tưởng ấm như nóng ánh nắng gợn
Quan sát hành ấm dường bẹ chuối
Như nhà ảo thuật giỏi làm trò
Phút chốc liền hiện các sắc tượng
Biết công dụng thức cũng như vậy
Người trí không cầu nơi ngũ ấm
Biết của đời như tên rời dây
Lại giống chớp nhoáng nước thác đổ
Tạm tụ lại tan tợ mây nổi
Người trí chẳng cầu của trong đời
Các cõi không có một người nào
Chưa từng chẳng hưởng cảnh trời vui
Lại đọa ác đạo bị nghèo khổ
Phật Tử biết vậy chẳng cầu Trời
Tâm ấy vô y dường hư không
Phi hữu phi vô rời y chỉ
Dầu sanh các cõi không sanh tử
Vì chứng pháp thân không lão tử.
Lại này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát tinh tấn không mỏi lúc tu hành Tỳ Lê Gia Ba la mật phải chánh tâm tu học như vậy.
Này Xá Lợi Phất! Thế gian dầu có Y Sư đầy cả Thế Giới cũng chẳng biết được ba thứ bệnh hoạn lớn.
Tại sao?
Vì họ chẳng giỏi lại vô trí nên họ chẳng biết được ba thứ bệnh hoạn lớn tham sân si. Chẳng những họ chẳng biết ba thứ bệnh hoạn lớn ấy mà họ cũng chẳng biết được ba thứ lương dược đối trị ba thứ bệnh hoạn lớn ấy.
Đó là họ chẳng biết bệnh hoạn lớn tham dục và lương dược đối trị là bất tịnh quán, bệnh hoạn lớn sân khuể và lương dược đối trị là từ bi quán, bệnh hoạn lớn ngu si và lương dược đối trị là duyên khởi quán.
Này Xá Lợi Phất! Các y sư thế gian ấy chỉ trị được một hai bệnh khác mà không trị được tất cả bệnh của chúng sanh, họ chỉ trị bệnh hết tạm thời mà không thể trị dứt vĩnh viễn.
Đại Bồ Tát nghĩ rằng nay ta thật hành Tỳ Lê Gia Ba la mật tu Bồ Tát Đạo, há lại học theo các Y Sư ấy, ta phải nương theo Chư Phật Thế Tôn là Đại Y Vương khéo thấu rõ các pháp trị dứt cứu cánh tất cả bệnh.
Ta theo học với Đại Y Vương vô thượng ấy, tu học xong, ta sẽ trị khắp tất cả bệnh khổ há lại trị một hai thứ bệnh riêng rẽ, ta sẽ trị dứt cứu cánh gốc các bệnh há lại trị lành tạm thời.
Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát ấy lại nghĩ rằng: Ta phải chứa họp chánh pháp vô thượng thuốc cao cam lộ khiến tất cả chúng sanh nghe tên thuốc thì những bệnh rất nặng tham sân si tự nhiên tiêu diệt.
Lại này Xá Lợi Phất! Trong núi Tuyết có vị thuốc tên Tỳ Già Ma, ai nghe tên thuốc ấy thì các độc nhiệt mãnh liệt ở thế gian đều tiêu diệt. Chỗ thuốc Tỳ Già Ma ấy trong vòng trăm do tuần, vì oai thế thạnh của nó nên làm cho các ác độc đều vô hiệu.
Nếu đem thuốc Tỳ Già Ma ấy xoa vào trống lớn loa lớn rồi hoặc đánh trống hoặc thổi loa, các chúng sanh nghe tiếng trống tiếng loa ấy, hoặc kẽ uống độc dược, hoặc bị độc vật cắn đốt, gai độc đâm, Vương chất độc, tất cả độc ấy đều tiêu diệt.
Này Xá Lợi Phất! Ngoài thần y Kỳ Bà, tất cả Y Sư thế gian đều không biết thuốc Tỳ Già Ma. Chỉ có thần y Kỳ Bà là biết sắc tánh của thuốc thần ấy.
Này Xá Lợi Phất! Cũng như vậy, Đại Bồ Tát tinh tấn không mỏi thật hành Tỳ Lê Gia Ba la mật chứa họp chánh pháp vô thượng thuốc cao Cam Lộ xoa đắp cho tất cả chúng sanh có bệnh, chẳng cùng chung với pháp Thanh Văn, Độc Giác, chỉ trừ Đức Như Lai Đại Y Vương vô thượng khéo thấu tất cả pháp, dùng chánh pháp vô thượng thuốc cao Cam Lộ xoa khắp ống loa đại pháp.
Xoa xong liền thổi loa tiếng vang khắp tam thiên đại thiên Thế Giới, nhiều chúng sanh nghe tiếng pháp loa ấy tất cả bệnh nặng tham sân si đều trừ diệt, nhẫn đến có bất khả thuyết bất khả thuyết chúng sanh đều được trừ diệt bệnh nặng tham sân si.
Này Xá Lợi Phất! Chánh Pháp vô thượng thuốc cao Cam Lộ ấy từ nơi nào mà đến họp tại đây?
Phải biết là từ pháp Khí đại Bồ Đề mà đến.
Pháp khí đại Bồ Đề ấy từ chỗ nào đến?
Phải biết là từ trong trắp báu Bồ Tát pháp mà đến.
Trắp báu Bồ Tát ấy từ đâu đến?
Phải biết từ pháp môn Đại Bồ Tát tạng mà đến chớ chẳng đâu khác.
Này Xá Lợi Phất! Vì thế nên Đại Bồ Tát tinh tấn chẳng mỏi vì muốn tu hành Tỳ Lê Gia Ba la mật nên chí thành cần cầu Kinh Điển pháp môn Đại Bồ Tát tạng, lắng nghe thọ trì, hoặc đọc tụng nghiên cứu nghĩa lý rồi rộng giảng dạy cho các chúng sanh.
Này Xá Lợi Phất! Ông lại nên biết thêm tướng dạng ấy, nay Phật sẽ nói để hiển bày thêm những nghĩa ấy. Các Đại Bồ Tát nghe ta nói rồi rất chí thành cần cầu Kinh Điển ấy để nghiên cứu tu học và dạy lại mọi người.
Này Xá Lợi Phất! Đời quá khứ vô lượng vô số bất tư nghị kiếp, ở Thế Giới này có Phật xuất thế hiệu Xích Liên Hoa Thắng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Có tám mươi câu chi Thanh Văn đệ tử đều là đại A La Hán.
Đức Phật Xích Liên Hoa Thắng thọ tám mươi tuổi thì nhập Niết Bàn, chánh pháp trụ thế năm trăm năm, Tượng pháp trụ thế cũng năm trăm năm, Xá Lợi lưu bố cúng dường như sau khi ta diệt độ.
Này Xá Lợi Phất! Sau khi Phật Xích Liên Hoa Thắng nhập Niết Bàn sắp mãn một trăm năm, bấy giờ có một Bồ Tát từ Thế Giới khác chết đến sanh Thế Giới này nơi nhà Đại Vương.
Vừa sanh ra liền xướng lên rằng: Lạ thay, nay sanh xứ phi pháp.
Xướng rồi lại nói: Nay tôi sẽ thật hành Pháp Hạnh. Nay tôi sẽ thật hành Pháp Hạnh. Mọi người nghi quái đồng gọi trẻ sơ sanh ấy là Pháp Hạnh. Đến tuổi hai mươi, Vương Tử Pháp Hạnh do lòng tin thanh tịnh xuất gia quy hướng đạo vô thượng. Xuất gia xong, Pháp Hạnh Tỳ Kheo ở riêng nơi rừng vắng trong một tịnh Thất.
Lúc ấy trên không có Đại Thiên Thần đến bảo rằng: Này Tỳ Kheo! Nếu nay ông cầu pháp vô thượng của Như Lai thì nên cần cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng. Nếu chưa được thì chớ bỏ tinh tấn, chuyên chí tìm cầu chớ để chẳng được.
Nghe Thiên Thần mách xong, Tỳ Kheo Pháp Hạnh rất vui mừng thân tâm thơ thới liền đi hỏi tìm pháp Bồ Tát tạng. Tự thân đến các thành ấp thôn xóm và các đình quán để tìm cầu, tìm mãi không được.
Tỳ Kheo ấy lại đến các tăng phường, hoặc thấy Tỳ Kheo, hoặc Tỳ Kheo Ni liền thưa rằng: Lành thay! Thưa Ngài nơi nào có pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng, Bồ Tát y theo đó tu học xuất sanh vô lượng diệu pháp của Chư Phật.
Các người ấy đáp rằng: Này Tỳ Kheo tôi chưa hề được nghe những gì gọi là pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng. Nay nhân vì ông nói tôi mới được nghe danh tự pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng.
Tỳ Kheo Pháp Hạnh lại tự suy nghĩ: Diệu Pháp của Chư Phật chẳng lẽ Thiên Thần vọng nói. Nay tôi phải chẳng bỏ rời dũng mãnh tinh tấn nếu chưa được nghe pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng thì quyết không bỏ giữa chừng.
Suy nghĩ xong lại hỏi các Tỳ Kheo: Đức Xích Liên Hoa Thắng Như Lai nhập Niết Bàn trà tỳ tại chỗ nào?
Biết được rồi, Tỳ Kheo Pháp Hạnh liền đến chỗ Phật trà tỳ cúi đầu đảnh lễ đi nhiễu vô số vòng rồi ngồi kiết già một phía, nhất tâm chánh niệm tưởng đối mặt Phật mà phát thệ rằng: Nay tôi ngồi kiết già tại đây nếu chẳng được từ Đức Phật Xích Liên Hoa Thắng hiện tiền được nghe pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng thì quyết chẳng xả chân quyết chẳng rời khỏi chỗ ngồi này. Phát thệ xong, Pháp Hạnh Tỳ Kheo tinh tấn kiên cố ngồi kiết già nhất tâm chánh niệm quá bảy ngày.
Bấy giờ Thế Giới phương Đông có Phật Hiệu Bảo Tạng Như Lai Ứng Cúng Đẳng Chánh Giác vì Pháp Hạnh nên đến hiện thân trước mặt Ngài mà bảo rằng: Nay ông nên theo tám môn cú pháp trong pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng để tinh tấn tu hành thì các Phật Pháp sẽ chẳng khó được. Bảo xong Đức Phật Bảo Tạng giảng nói tám môn cú pháp cho Pháp Hạnh Tỳ Kheo.
Được nghe Phật dạy, Pháp Hạnh Tỳ Kheo tinh tấn tu tập tám môn pháp cú, sau đó chẳng lâu được thành tựu đa văn vô thượng bất tư nghị, liền xả chân rời chỗ ngồi, vì muốn rộng thật hành Tỳ Lê Gia Ba la mật nên dũng mãnh tinh tấn đến các thành thị thôn ấp, các đình quán, lần lượt tuyên nói hiển thông pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng ấy khắp mọi nơi mãn sáu mươi năm.
Lúc đó Bồ Tát Pháp Hạnh giáo hóa Chúng Trời, người mãn số một câu chi đều được an trụ trong Ba Thừa.
Lúc lâm chung Pháp Hạnh Bồ Tát phát thệ rằng: Tôi nguyện sanh trở lại trong loài người ở Thế Giới này và sẽ tu Pháp Hạnh. Do nguyện lực ấy nên sau khi mạng chung sanh trở lại nhà cư sĩ.
Vừa sanh ra liền xướng lên rằng: Tôi sẽ tu Pháp Hạnh, tôi sẽ tu Pháp Hạnh. Do đó mọi người lại đặt tên cho trẻ ấy là Pháp Hạnh. Lúc sơ sanh mà Pháp Hạnh Đồng Tử thân hình như tám tuổi, dùng lòng tin thanh tịnh xuất gia hướng về đạo vô thượng.
Xuất gia chẳng lâu, do túc tập nên diệu nghĩa của pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng tự nhiên hiện ra. Tỳ Kheo Pháp Hạnh an trụ trong Đại Bồ Tát tạng ấy đủ sáu mươi năm rồi đi khắp nơi giáo hóa pháp ấy trong sáu mươi năm.
Người được giáo hóa đủ một câu chi đều an trụ trong ba thừa. Lúc lâm chung, Pháp Hạnh Bồ Tát phát nguyện sanh làm người trở lại tại Thế Giới này và cũng tu Pháp Hạnh. Do nguyện lực ấy nên sau khi mạng chung sanh trong cung Vua.
Ngày ấy trên Hư Không Thiên Thần xướng rằng: Pháp Thắng Bồ Tát xuất thế, pháp Thắng Bồ Tát xuất thể. Do lời Thiên Thần xướng nên Vương Tử sơ sanh ấy được đặt tên là pháp Thắng. Đến năm hai mươi tuổi Vương Tử ấy lòng tin thanh tịnh xuất gia, được mọi người gọi là pháp Thắng Tỳ Kheo.
Do sức đại niệm huệ sẵn có nên pháp Thắng Tỳ Kheo được pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng tự nhiên hiện ra rồi tinh tấn tu tập có thể khéo dứt hẳn nghi lầm cho tất cả chúng sanh, sau sáu mươi năm tự thân đi khắp mọi nơi giáo hóa mãn sáu mươi năm được đủ số một câu chi Chúng Trời, người đều an trụ tâm vô thượng bồ đề.
Lúc lâm chung, pháp Thắng Bồ Tát phát nguyện sanh trong nhân đạo xuất gia tu Pháp Hạnh. Sau khi mạng chung, do nguyện lực ấy nên sanh nhà Trưởng Giả giàu lớn.
Ngày ấy trên không Thiên Thần xướng rằng: Nay Đắc Niệm Bồ Tát xuất thế, nay Đắc Niệm Bồ Tát xuất thế. Do đó mọi người đặt tên cho trẻ ấy là Đắc Niệm. Tuổi đủ hai mươi Đồng Tử xuất gia làm Tỳ Kheo.
Vì sức túc tập nên tự nhiên được Đà La Ni bất vong tối thắng vô thượng bất tư nghị, đầy đủ đa văn, an trụ như vậy sáu mươi năm rồi tự thân đi khắp nơi giáo hóa trọn sáu mươi năm được một câu chi chúng an trụ trong ba thừa. Lúc lâm chung, Đắc Niệm Bồ Tát phát nguyện trở lại nhân gian xuất gia tu Pháp Hạnh. Do đó lại sanh vào Vương Cung.
Có Thiên Thần xướng rằng: Nay Y Pháp Bồ Tát xuất thế, nay Y Pháp Bồ Tát xuất thế. Mọi người theo lời xướng ấy đặt tên cho trẻ là Y Pháp. Đến tuổi hai mươi, Y Pháp Vương Tử lòng tin thanh tịnh xuất gia làm Tỳ Kheo, vì sức túc tập nên tự nhiên được niệm lực Vô Gián và pháp môn Bồ Tát tạng tự nhiên hiện ra.
Trong năm mươi năm, Y Pháp Bồ Tát du hành giáo hóa khắp nơi, độ đước bốn câu chi chúng Thiên nhân an trụ trong Ba Thừa.
Sau khi mạng chung, Y Pháp Bồ Tát sanh về Thế Giới của Phật Bảo Tạng ở Đông phương. Lúc sơ sanh liền thành tựu đa văn vô thượng bất tư nghị giáo hóa sáu mươi tám câu chi Chúng Trời người đều an trụ trong Ba Thừa.
Này Xá Lợi Phất! Y Pháp Bồ Tát ở Thế Giới Đông phương của Phật Bảo Tạng Giáo hóa đại chúng xong, mạng chung sanh trở lại trong Vương Cung tại Thiệm Bộ Châu trong Thế Giới của Phật Xích Liên Hoa Thắng.
Sáu mươi tám câu chi Trời người được giáo hóa ở phương Đông cũng mạng chung theo Bồ Tát ấy sanh tại Quốc Độ này cùng Bồ Tát ấy làm quyến thuộc.
Bấy giờ ở cõi này có Phật xuất thế hiệu Tối Cao Hạnh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, thọ mãn tám mươi câu chi tuổi. Người thuở ấy cũng thọ bằng Phật.
Này Xá Lợi Phất! Đức Tối Cao Hạnh Phật thuyết pháp mỗi năm có một đại hội, mỗi đại hội đều có tám mươi câu chi chúng Thanh Văn. Có tất cả tám mươi câu chi đại hội chúng Thanh Văn, đều là đại A La Hán.
Bấy giờ Bồ Tát ấy làm Vương Tử tên Dũng Thí, thành tựu đa văn trí huệ sáng suốt cùng quyến thuộc sáu mươi tám câu chi người đến chỗ Phật đảnh lễ đi nhiễu rồi ngồi một phía.
Đức Tối Cao Hạnh Như Lai biết lòng tin và ý muốn tăng thượng của Dũng Thí Vương Tử liền khai thị diệu pháp thù thắng hiệp với bổn hạnh.
Được Phật khai thị, Vương Tử tỏ ngộ được tâm tin thanh tịnh cùng quyến thuộc đồng xuất gia trọn đời tu phạm hạnh, tinh tấn tu hành Bồ Tát Đạo sẽ được chứng vô thượng bồ đề.
Đức Tối Cao Hạnh Như Lai ở giữa đại chúng thọ ký cho Dũng Thí Tỳ Kheo Đại Bồ Tát kế sau khi Phật diệt độ sẽ thành vô thượng bồ đề xuất hiện thế gian hiệu Đại Tinh Tấn Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Thọ ký xong, Phật Tối Cao Hạnh liền nhập Niết Bàn. Dũng Thí Bồ Tát thấy Phật nhập diệt càng thêm luyến mộ, xây dựng Tháp Miếu khắp nơi cung kính cúng dường Xá Lợi của Phật cho chúng sanh được lợi ích.
Bồ Tát ấy Trụ Trì chánh pháp khai hóa vô lượng, ít lâu sau thành Phật Hiệu Đại Tinh Tấn Như Lai, thọ nửa kiếp, thuyết pháp có vô lượng đại hội. Mỗi đại hội có mười hai na do tha đệ tử Thanh Văn đều là đại A La Hán.
Này Xá Lợi Phất! Đại Bồ Tát tinh tấn không mỏi như vậy vì thật hành Tỳ lê gia Ba la mật nên trịnh trọng ân cần tìm cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng, nghe rồi thọ trì đọc tụng tư duy nghiên cứu phân tích nghĩa lý rộng giảng dạy cho các chúng sanh, mãi vậy chẳng thôi nên được thành Phật Hiệu Đại Tinh Tấn Như Lai đủ cả mười hiệu như trên đã thuật.
Này Xá Lợi Phất! Nếu có Thiện Nam Thiện Nữ an trụ nơi chánh hạnh vi diệu Đại Thừa muốn mau chứng được vô thượng bồ đề thì phải phát khởi tinh tấn dũng mãnh trịnh trọng ân cần tìm cầu pháp môn Bồ Tát tạng. Khi được gặp rồi cung kính lắng nghe thọ trì đọc tụng suy tư nghiên cứu nhẫn đến vì mọi người mà rộng giảng dạy.
Tại sao?
Vì Đại Bồ Tát dũng mãnh tinh tấn tất do tìm cầu pháp môn vi diệu Bồ Tát tạng mới được thành tựu viên mãn Tỳ Lê Gia Ba la mật vậy.
Này Xá Lợi Phất! Đây gọi là Đại Bồ Tát dũng mãnh tinh tấn chuyên tu Tỳ Lê Gia Ba la mật vì chúng sanh mà thật hành Bồ Tát hạnh. Nếu các Đại Bồ Tát tinh tấn tu hành Bồ Tát hạnh ấy thì tất cả Thiên Ma chẳng nhiễu loạn được, lại chẳng bị chiết phục bởi các dị đạo và thế luận.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba