Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Bốn - Pháp Hội Hải Huệ Bồ Tát - Phần Bảy
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ NĂM MƯƠI BỐN
PHÁP HỘI HẢI HUỆ BỒ TÁT
PHẦN BẢY
Này thiện nam tử! Nếu người muốn được những công đức như vậy thì nên siêng tâm hộ trì chánh pháp.
Muốn tuyên lại nghĩa ấy Đức Thế Tôn nói tụng rằng:
Hay hộ chánh pháp thương chúng sanh
Thọ trì Kinh này và diễn thuyết
Phật nói một phần trong ngàn phần
Dường như một giọt trong đại hải
Biết ơn báo ơn niệm Như Lai
Người này đáng tin phó pháp tạng
Cúng dường vô lượng mười phương Phật
Như vậy thì hay hộ Phật Pháp
Dầu thí trân bảo vô lượng quốc
Chẳng bằng chí tâm tụng một kệ
Pháp thí tối diệu thắng tài thí
Vì vậy người trí phải hộ pháp
Mười phương Chư Phật, Thiên, Long, Thần
Công đức trí huệ được nhiếp thủ
Trang nghiêm tu hành các tướng hảo
Người này đều do hộ chánh pháp
Thường gặp Chư Phật thiện tri thức
Thường nghe vô thượng chân thiệt đạo
Mau được vô lượng Đà La Ni
Người này đều do hộ chánh pháp
Thân khẩu ý giới được thanh tịnh
Đủ đại thần thông đi các nước
Bất thối bồ đề đủ Lục Độ
Người này đều do hộ chánh pháp
Thế Giới vi trần nói hết được
Công đức hộ pháp chẳng lường được
Muốn được trí chẳng tuyên nói được
Nên phải bền lòng nói chánh pháp.
Bấy giờ trong đại chúng có một vị Bồ Tát tên là Công Đức Bảo Quang từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Đức Phật quỳ dài chắp tay cung kính bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đức Như Lai ở trong đại điển Kinh này nói rằng Phật Pháp chẳng thể tuyên nói được.
Nếu chẳng nói được thì làm sao có thể hộ trì?
Đức Phật nói: Lành thay lành thay, này Công Đức Bảo Quang! Đúng như vậy đúng như vậy, Như Lai chánh pháp thiệt chẳng thể tuyên nói được. Đức Như Lai giác ngộ biết rõ pháp chẳng thể nói được.
Chánh Pháp như vậy dầu chẳng thể tuyên nói mà có tự cú, vì có tự cú nên có thể tuyên nói được. Tự cú như vậy mà thọ trì đọc tụng biên chép giải nói thì gọi là hộ pháp.
Này Công Đức Bảo Quang! Còn có hộ pháp là thấy có người thọ trì đọc tụng biên chép giải nói tự cú như vậy thì cúng dường cung kính thân cận lễ bái tôn trọng tán thán sanh ý tưởng là thầy, rồi ủng hộ cung cấp những y phục, uống ăn, thuốc men, giường ghế, phòng nhà, đèn đuốc.
Nghe người ấy nói pháp thì khen rằng thiện tai, thủ hộ nhà phòng của dòng họ người ấy ở, cũng thủ hộ những người hầu cận giúp việc, nghe điều xấu dở thì ẩn che, nghe điều tốt thì tán dương. Nếu có thể ủng hộ người thọ trì chánh pháp như vậy, thì người này có thể ủng hộ Phật Pháp Tăng.
Còn nữa, này thiện nam tử! Nếu có thể tu không vô tướng vô nguyện, người này tức là ủng hộ chánh pháp.
Còn nữa, này thiện nam tử! Thấy có kẻ chê báng Kinh Điển đại thừa thì chẳng cùng ở với người ấy, cũng chẳng cùng ngôn ngữ đàm luận để điều phục tội của kẻ ấy. Người này tức là hộ trì chánh pháp.
Còn nữa, này thiện nam tử! Nếu có người hay tu tập bi tâm không có ý tưởng đến lợi dưỡng uống ăn, thương mến chúng sanh vì họ mà tuyên nói chánh pháp, đây gọi là người hộ pháp.
Còn nữa, này thiện nam tử! Nếu có thể chẳng tiếc thân mạng mà thọ trì đọc tụng biên chép giải nói các Kinh Điển đại thừa như vậy, đây gọi là người hộ pháp.
Còn nữa này thiện nam tử! Nếu nghe chánh pháp một chữ một câu mà đi một do tuần nhẫn đến bảy bước trong khoảng thời gian thở ra hít vào, đây gọi là hộ pháp.
Này Công Đức Bảo Vương! Quá khứ vô lượng A tăng kỳ kiếp có Đức Phật Hiệu là Trí Thanh Lực Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, vô thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn, Thế Giới tên Tịnh Quang, kiếp tên Cao Hiển. Thế Giới Tịnh Quang ấy thuần là thanh lưu ly bảo.
Tất cả chúng Bồ Tát đều thành tựu vô lượng thí lực, có đủ thần thông trí huệ vô ngại. Tất cả Bồ Tát đều thọ thân trời đều chí tâm nghe Đức Phật Đại Trí Thanh Lực thuyết pháp không có xuất gia cùng tại gia sai biệt. Bấy giờ Thế Tôn ấy vì cớ hộ pháp nên ban tuyên chánh pháp cho các đại chúng.
Trong Pháp Hội có một vị Bồ Tát hiệu là Pháp Huệ bạch Đức Phật ấy rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Những gì là pháp mà nói ủng hộ?
Đức Đại Trí Thanh Lực Như Lai nói: Này Pháp Huệ! Luận về lục nhập nó thích tìm cầu cảnh giới, nếu có thể ngăn chỉ được thì gọi là hộ pháp. Nhãn thức ở nơi sắc gọi là phi pháp, nếu có thể xa lìa sắc thì gọi là hộ pháp. Nhẫn đến ý thức ở nơi pháp cũng như vậy.
Này Pháp Huệ! Nếu thấy nhãn rỗng không, thấy rồi chẳng nhìn xem nơi sắc chẳng trụ trước nơi thức đây gọi là pháp, nếu chân thiệt biết rõ pháp như vậy thì gọi là hộ pháp. Nhẫn đến với ý pháp và thức cũng như vậy.
Này Pháp Huệ! Nếu pháp hay sanh trong pháp ấy chẳng cầu chẳng thấy lòng chẳng tham trước, đây gọi là hộ pháp. Nếu có thấy pháp hay sanh tà kiến, ở trong kiến ấy chẳng cầu chẳng lấy lòng chẳng tham trước, đây gọi là hộ pháp.
Nếu có vô minh chẳng thể tịnh tâm, ở trong cấu trược ấy chẳng cầu chẳng lấy lòng chẳng tham trước, đây gọi là hộ pháp.
Này Pháp Huệ! Nếu có một pháp sau khi đã cầu lấy rồi mà chẳng thể ban thí cho người thì pháp ấy là phi pháp cũng là phi Tỳ Ni.
Còn có thể ban thí cho người tức là chánh pháp tức là Tỳ Ni. Nếu có người không cầu không thủ không thí tức là chánh pháp tức là Tỳ Ni. Luận về có cầu thủ ấy tức là phi đạo, nếu chẳng ban thí ấy tức là phi pháp tức là phi Tỳ Ni. Nếu có thể ban thí tức là chánh pháp tức là Tỳ Ni.
Chẳng thủ chẳng cầu chẳng thí tức là bất xuất bất sanh bất diệt, nếu chẳng phải xuất sanh và diệt thì thế nào có thể thí được. Chẳng thể thí được ấy mới gọi là pháp là Tỳ Ni.
Tại sao, vì chưa sanh phiền não làm nhân duyên chướng ngại, vì vậy mà vô tận, vô tận ấy là vô xuất, vô xuất ấy gọi là pháp gọi là Tỳ Ni. Nơi pháp như vậy chẳng cầu chẳng thủ thì gọi là hộ pháp.
Lúc Đức Phật Đại Trí Thanh Lực vì Pháp Huệ Đại Bồ Tát nói pháp ấy có ba vạn hai ngàn Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn.
Hải Huệ Đại Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Như tôi hiểu nghĩa của Đức Thế Tôn nói thì pháp và phi pháp đây gọi là pháp. Tại sao, vì nếu phân biệt pháp và phi pháp ấy, người này chẳng gọi là hộ trì chánh pháp. Nếu thấy có pháp tướng thì gọi là phi pháp.
Bạch Đức Thế Tôn! Nếu có thể liễu đạt thấy tất cả pháp là không có pháp thì gọi là nghĩa đệ nhất chân thiệt.
Bạch Đức Thế Tôn! Nếu không có pháp không có phi pháp tức là vô số, nếu vô số ấy tức là thiệt tánh. Thiệt tánh ấy gọi là Hư Không. Tánh Hư Không vô biên vô tế, tánh của tất cả các pháp cũng vô biên vô tế.
Pháp tánh cùng thiệt tánh không có sai biệt, tại sao, vì là vô biên vô tế vậy. Nếu Bồ Tát biết thấy bình đẳng như vậy tức là thấy chân thiệt.
Bạch Đức Thế Tôn! Tôi không thấy có một pháp, do vì chẳng thấy có pháp nên chẳng thấy có tăng chẳng thấy có giảm.
Bạch Đức Thế Tôn! Tôi thấy như vậy phải chăng là chẳng phỉ báng lời nói của Đức Như Lai là thiệt thấy chăng.
Đức Phật nói: Này Hải Huệ! Thấy như vậy chẳng phỉ báng Như Lai, là chân thiệt thấy. Lúc nói pháp ấy, Hải Huệ Đại Bồ Tát và một vạn Trời người được vô sanh pháp nhẫn.
Đức Phật lại bảo Hải Huệ Đại Bồ Tát rằng: Này thiện nam tử! Ông có biết thuở Đức Phật Đại Trí Thanh Lực Như Lai, Đại Bồ Tát Pháp Huệ ấy là ai chăng?
Chính là tiền thân của ta, Thích Ca Mâu Ni Phật nay vậy. Vì thế nên nay ta đem chánh pháp được cầu trong vô lượng đời giao phó cho ông.
Bấy giờ trong chúng có sáu vạn ức Chư Bồ Tát đồng phát thanh bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chúng tôi sẽ cùng ủng hộ chánh pháp thọ trì và rộng tuyên nói.
Đức Phật bảo Chư Bồ Tát: Chư thiện nam tử! Nay các ông như pháp trụ thế nào để hộ trì chánh pháp?
Sơn Vương Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Tiếc thân mạng thì chẳng thể hộ pháp được. Tôi chẳng tiếc thân mạng như pháp mà trụ nên tôi có thể hộ trì chánh pháp.
Công Đức Sơn Vương Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Người tham lợi thì chẳng thể hộ pháp. Tôi không tham lợi nên có thể hộ pháp.
Bảo Tràng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu thấy có hai tướng pháp và phi pháp thì chẳng thể hộ pháp. Tôi không có hai tướng nên có thể hộ pháp được.
Phước Đức Tạng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Người có phiền não thì chẳng thể hộ pháp. Tôi có trí lực đã xa lìa phiền não nên có thể hộ pháp được.
Trì Cự Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Người chẳng phá tối thì chẳng thể hộ pháp. Nay tôi phá tối nên có thể hộ pháp được.
Điện Quang Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu tùy theo tâm người thì chẳng thể hộ pháp. Tôi tùy theo ý mình nên có thể hộ pháp được.
Biến Tạng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Người chẳng điều các căn thì chẳng thể hộ pháp?
Nay tôi điều phục nên có thể hộ được pháp.
Tịnh Quang Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu thấy các pháp có các thứ tướng dạng thì chẳng thể hộ pháp. Nay tôi ở nơi các pháp không có các tướng nên có thể hộ pháp được.
Tăng Hành Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Người tâm loạn động thì chẳng thể hộ pháp. Tôi tu tam muội nên có thể hộ pháp được.
Thương Chủ Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Người chẳng biết đạo thì chẳng thể hộ pháp. Nay tôi biết rõ nên có thể hộ pháp được.
Thiện Niệm Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Người có lòng nghi thì chẳng thể hộ pháp. Tôi đã đoạn nghi nên có thể hộ pháp được.
Thiện Kiến Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Người chẳng như pháp trụ thì chẳng thể hộ pháp. Nay tôi như pháp trụ nên có thể hộ pháp được.
Huệ Quang Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Người ngu si chẳng thể hộ pháp. Nay tôi tu trí nên có thể hộ pháp được.
Bình Đẳng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Người chấp lấy tướng oán và thân thì chẳng thể hộ pháp. Nay tôi bình đẳng nên có thể hộ pháp được.
Pháp Hành Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Chẳng biết chúng sanh các căn cảnh giới thì chẳng thể hộ pháp. Nay tôi biết rõ đó nên có thể hộ pháp được.
Thần Thông Vương Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Người thấy ngã và ngã sở thì chẳng thể hộ pháp. Nay tôi chẳng thấy đó nên có thể hộ pháp được.
Sư Tử Hống Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Người chẳng biết Phật Tánh thì chẳng thể hộ pháp. Nay tôi biết đó nên có thể hộ pháp được.
Di Lặc Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu xa bồ đề thì chẳng thể hộ pháp. Nay tôi đã gần bồ đề nên tôi có thể hộ pháp được.
Công Đức Tụ Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Nếu không có vô lượng công đức tụ thì chẳng thể hộ pháp. Nay tôi đã có nên có thể hộ pháp được.
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Các lời thưa bạch ấy đều là lời lầm cả. Tại sao, vì Đức Như Lai Thế Tôn ngồi dưới cội cây bồ đề Đạo Tràng chẳng được một pháp, sao các Ngài nói rằng tôi sẽ hộ pháp.
Bạch Đức Thế Tôn! Tôi ở nơi các pháp chẳng thủ chẳng xả. Vì các chúng sanh mà tôi tu tập bi tâm chẳng hộ chẳng xả.
Đức Phật khen Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi rằng: Lành thay, lành thay, này Văn Thù Sư Lợi! Lúc Đức Như Lai ngồi Đạo Tràng dưới cội bồ đề thiệt không có được. Vì không có được bèn từ trong ấy mà đứng dậy.
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đức Như Lai chân thiệt ngồi Đạo Tràng dưới cội bồ đề ư!
Cớ sao lại nói từ chỗ ngồi đứng dậy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba