Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Năm Mươi Năm - Pháp Hội Hư Không Tạng Bồ Tát - Phần Sáu
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ NĂM MƯƠI NĂM
PHÁP HỘI HƯ KHÔNG TẠNG BỒ TÁT
PHẦN SÁU
Này Đại Sĩ! Vì thế trong Tam Thế tịnh nên ngã tịnh. Vì ngã tịnh nên gọi là đạo tịnh.
Bảo Đức Bồ Tát hỏi: Thưa Đại Sĩ! Đạo tịnh như vậy hay làm được gì?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Hay làm đại trí huệ quang minh. Do sức trí huệ minh ấy nên có thể biết tất cả pháp quá khứ và vị lai tế.
Bảo Đức Bồ Tát lại hỏi: Sao gọi là pháp quá khứ vị lai tế?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Tất cả pháp quá khứ tế vô sanh, nơi vị lai tế vô diệt, đây gọi là biết pháp quá khứ vị lai tế.
Bảo Đức Bồ Tát hỏi: Nếu thấy pháp quá khứ vị lai tế là thấy những gì?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Thấy hai đều ly.
Bảo Đức Bồ Tát hỏi: Sao gọi là hai đều ly?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Là ly đoạn và ly thường.
Này Đại Sĩ! Nếu có thấy pháp sanh và trụ trước nơi pháp thì là đoạn kiến và thường kiến. Vì có sanh thì có diệt. Có sanh có diệt thì là kiến chấp đoạn thường.
Nếu chẳng thấy có pháp từ tự tánh tha tánh sanh thì thấy nhân duyên. Nếu thấy nhân duyên thì thấy pháp. Nếu thấy pháp thì thấy Như Lai.
Nếu thấy Như Lai thì thấy Như. Nếu thấy như thì chẳng trệ nói đoạn cũng chẳng chấp thường. Nếu chẳng thường chẳng đoạn thì không có sanh không có diệt.
Bảo Đức Bồ Tát lại hỏi: Bạch Đại Sĩ! Nếu vô sanh vô diệt thì sao lại có danh số?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Vì giả ngôn thuyết mà gọi đó là pháp vậy. Như do có không rỗng nên có tên sắc sai biệt, đó là những màu sắc xanh vàng đỏ trắng, màu tím, màu pha lê, màu lưu ly, màu thô, màu tế và những hình sắc dài vắn vuông tròn.
hư không chẳng bị những sắc hình ấy làm nhiễm, mà tất cả sắc hình ấy tự tánh cũng rỗng không.
Tất cả các pháp cũng như vậy đồng tánh hư không, chỉ giả ngôn thuyết mà có danh số thôi. Những là thiện pháp, bất thiện pháp, thế gian pháp, xuất thế pháp, pháp nên làm, pháp chẳng nên làm, pháp hữu lậu, pháp vô lậu, pháp hữu vi, pháp vô vi.
Nhưng Bồ Tát chẳng làm những việc phi phước. Việc phước được làm đều là hư dối chẳng phải chân thiệt chẳng phải kiên cố.
Bồ Tát ấy biết tất cả hạnh và phi hạnh bình đẳng, bỏ lìa tất cả tướng. Vì thành tựu sức bát nhã Ba la mật nên hồi hướng bồ đề, mà cũng chẳng thấy bồ đề có tăng có giảm. Bồ Tát ấy chẳng ở trong sắc cầu bồ đề, cũng chẳng ở trong thọ, tưởng, hành, thức cầu bồ đề.
Bồ Tát vì không cầu nên trụ trong khối thanh tịnh giới, tu vô nguyện giải thoát môn đầy đủ tất cả nguyện, biết tánh sanh tử đồng tánh Niết Bàn.
Bồ Tát ấy dầu nhập cứu cánh Niết Bàn mà vì đoạn trừ chúng sanh hư vọng điên đảo nên hành Bồ Tát hạnh nhưng cũng không có hành pháp được hành. Bồ Tát như vậy nhập vào nơi Niết Bàn hạnh Bồ Tát hạnh.
Này Đại Sĩ! Phàm có sở tác đều là sanh tử, không có sở tác đây gọi là Niết Bàn. Bồ Tát sở hành là không có sở tác. Vì vậy mà Bồ Tát gọi là nhập vào Niết Bàn hạnh Bồ Tát hạnh.
Này Đại Sĩ! Phàm có nhiễm trước y dựa vọng tưởng hí luận lấy tướng đây gọi là sanh tử. Không có nhiễm trước không y dựa không vọng tưởng không hí luận không lấy tướng, đây gọi là Niết Bàn.
Bồ Tát do tu không nhiễm trước y dựa vọng tưởng hí luận thủ tướng hành Bồ Tát hạnh đây gọi là Bồ Tát nhập Niết Bàn hạnh Bồ Tát hạnh.
Lúc Hư Không Tạng Bồ Tát nói pháp ấy, có năm trăm Bồ Tát được vô sanh pháp nhẫn.
Đức Phật khen rằng: Lành thay lành thay Hư Không Tạng Bồ Tát khéo nói pháp tánh xứng với Bồ Tát hạnh chân thiệt không có khác.
Hư Không Tạng Bồ Tát bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Đây là sự khéo lành của Đức Thế Tôn, tại sao, vì do Phật huệ chiếu sáng nên chúng tôi được có phần luận biện này.
Dụ như ánh sáng mặt nhật chiếu Diêm Phù Đề, do sức sáng mặt nhật mà người có mắt được thấy các sắc tượng làm những sự nghiệp.
Do sức đại trí của Phật chiếu tất cả chúng sanh và các Thế Giới khác cũng như vậy. Chư Pháp thiệt tánh chẳng thể ngôn thuyết, các ngôn thuyết đồng với hư không.
Vì vậy nên các pháp chẳng thể được danh số. Phàm pháp có danh số thì có hạn lượng. Phàm có hạn lượng thì là hữu vi. Phàm là hữu vi thì biết được dứt được tu được.
Phàm là biết được dứt được tu được thì có đắc có chứng. Nếu ở nơi pháp có danh số mà tư duy tính lường phân biệt chẳng thấy có pháp được biết, được dứt, được tu, được đắc, được chứng thì không có đắc, tại sao, vì tất cả pháp không có sanh vậy.
Có thể chân chánh thấy các pháp như vậy thì ở trong các pháp chẳng sanh ái nhiễm. Vì không có ái nhiễm thì không có trụ trước.
Vì không trụ trước thì không kề cận. Vì không kề cận thì không thọ nhận không nắm lấy.
Sao gọi là không thọ không lấy?
Đó là sắc hoặc thường hoặc vô thường đều không thọ không lấy. Thọ tưởng hành và thức hoặc thường hoặc vô thường đều không thọ không lấy.
Sắc hoặc khổ hoặc lạc, hoặc có ngã hoặc vô ngã, hoặc tịnh hoặc bất tịnh đều không thọ không lấy. Thọ tưởng hành và thức hoặc khổ lạc, hoặc ngã hoặc vô ngã, hoặc tịnh bất tịnh đều không thọ không lấy.
Sắc hoặc không phi không đều không thọ không lấy. Thọ tưởng hành và thức hoặc không phi không đều không thọ, không lấy.
Sắc hoặc ly phi ly đều không thọ không lấy. Thọ tưởng hành thức hoặc ly phi ly đều không thọ không lấy.
Bồ Tát do không thọ không lấy nên được vô thọ tam muội. Bồ Tát trụ trong tam muội vô thọ này rồi, Chư Phật Thế Tôn dùng tâm thông vô thượng thọ ký cho Bồ Tát ấy.
Bồ Tát ấy dầu nhập Niết Bàn thấy tất cả chúng sanh cứu cánh đồng tánh Niết Bàn, vì giáo hóa chúng sanh nên chẳng bỏ đại thệ trang nghiêmvà Bồ Tát đại bi.
Bồ Tát dùng chánh trí huệ thấy tất cả các hành ly tướng. Vì Bồ Tát dùng pháp nhãn thấy rõ ràng ly tướng nên có thể nói Như Lai trí minh.
Bấy giờ Bảo Đức Bồ Tát hỏi Hư Không Tạng Bồ Tát: Bạch Đại Sĩ! Sao Ngài cớ gì tự ẩn trí của mình mà nói là do trí lực của Như Lai?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Này Đại Sĩ! Đức Như Lai đâu chẳng dạy rằng nên ẩn lành tốt mà hiển bày dở xấu ư!
Này Đại Sĩ! Tôi lại hỏi Ngài tùy ý Ngài đáp.
Này Đại Sĩ! Nếu lúc không có Long Vương A Na Bà Đạt Đa thì ao A Nậy đạt có thể chảy ra thành bốn con sông để chúng sanh thọ dụng chăng?
Bảo Đức Bồ Tát nói: Không có, thưa Đại Sĩ!
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Này Đại Sĩ! Nếu không có Đức Như Lai thì không có pháp luật, Bồ Tát không do đâu để thành biển đại trí, cũng chẳng thể lợi ích tất cả chúng sanh. Do Đức Như Lai xuất thế mới có pháp luật mà đại thừa được thành biển đại trí, cũng có thể hóa độ tất cả chúng sanh.
Vì thế nên biết rằng tất cả Bồ Tát được biện thuyết có thể dùng đó để lợi ích chúng sanh đều là thần lực của Như Lai.
Bảo Đức Bồ Tát lại hỏi: Bạch Đại Sĩ! Như Lai biện có thể chuyển đến tâm Bồ Tát chăng?
Hư Không Tạng Bồ Tát đáp: Không có.
Bảo Đức Bồ Tát hỏi: Như vậy thì thế nào vì do thần lực Như Lai mà Bồ Tát đưọc biện thuyết ư?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Này Đại Sĩ! Ví dụ như khéo trồng cây ăn trái, nhân duyên hòa hiệp bèn có trái có hột, nhưng cây chẳng phải là trái, mà trái thì chẳng rời cây.
Đức Như Lai thuyết pháp, Bồ Tát ở trong pháp ấy vì khéo thuận hành bèn sanh đại trí minh biện. Nhân nơi Đức Phật thuyết pháp mà được, cũng không có chuyển.
Bảo Đức Bồ Tát nói: Thật là hi hữu, thưa Đại Sĩ! Nhân duyên sanh pháp thậm thâm khó suy lường như vậy.
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Này Đại Sĩ! Tất cả các pháp cứu cánh vô sanh.
Bảo Đức Bồ Tát nói: Nhưng các pháp nói là từ nhân duyên sanh.
Hư Không Tạng Bồ Tát hỏi: Này Đại Sĩ!
Các pháp sanh rồi là sanh hay chưa sanh là sanh?
Bảo Đức Bồ Tát nói: Sanh rồi thì chẳng sanh, chưa sanh cũng chẳng sanh.
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Vì vậy nên lìa vô sanh.
Bảo Đức Bồ Tát hỏi: Trong duyên có nhân chăng?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Không có.
Bảo Đức Bồ Tát hỏi: Trong nhân có duyên chăng?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Không có.
Bảo Đức Bồ Tát hỏi: Ý Đại Sĩ thế nào, hoặc nhân hoặc duyên tự nó thiệt có tánh chăng?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Không có.
Bảo Đức Bồ tác hỏi: Ý Đại Sĩ thế nào, các pháp không có nhân duyên sanh ư?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Chẳng phải vậy.
Này Đại Sĩ! Vì thế nên tất cả pháp không có tự tánh không sanh không khởi không xuất. Do vì duyên chẳng sanh nhân, nhân chẳng sanh duyên, tự tánh chẳng sanh tự tánh, tha tánh cũng chẳng sanh tha tánh, tự tánh chẳng sanh tha tánh, tha tánh chẳng sanh tự tánh.
Vì vậy nên nói tất cả pháp tự tánh vô sanh. Vì như vô sanh vô diệt nên pháp tánh thiệt tế cũng vô sanh vô diệt. Như như pháp tánh thiệt tế là sở giác của Như Lai. Tất cả các pháp cũng như vậy, vô sanh vô diệt.
Bảo Đức Bồ Tát hỏi: Thưa Đại Sĩ! Như Lai cũng chẳng xuất thế ư?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Việc ấy không nên nói. Tại sao, vì Đức Như Lai nơi tất cả pháp đều chẳng thể nói được, chẳng nói xuất cũng chẳng được nói chẳng xuất.
Nếu có ai hỏi rằng Đức Như Lai xuất thế ư hay chẳng xuất thế ư?
Người trí vì chẳng hủy báng Như Lai nên thôi chẳng trả lời.
Bảo Đức Bồ Tát lại hỏi: Nên thôi như thế nào?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Như pháp tánh trụ, nên thôi như vậy.
Bảo Đức Bồ Tát hỏi: Thế nào là pháp tánh trụ?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Như hư không tánh trụ, trụ không có sở trụ, pháp tánh cũng trụ như vậy. Như pháp tánh chúng sanh tánh cũng vậy. Như chúng sanh tánh tất cả các pháp cũng vậy.
Như tất cả pháp, Như Lai cũng trụ như vậy, trụ không có sở trụ. Vì không có trụ xứ nên không có trụ không có chẳng trụ. Vì vậy nên chẳng được nói là sanh chẳng được nói là diệt.
Bảo Đức Bồ Tát nói: Thưa Đại Sĩ! Sự xuất thế của Như Lai thiệt là thậm thâm thậm thâm vậy.
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Này Đại Sĩ! Nếu có thể như thiệt biết rõ duyên sanh pháp thì gọi là Phật xuất thế.
Bảo Đức Bồ Tát hỏi: Thưa Đại Sĩ! Ai sẽ hiểu thuyết này?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Này Đại Sĩ! Nếu là người ở trong tất cả các pháp không được có tăng giảm.
Bảo Đức Bồ Tát hỏi: Thưa Đại Sĩ! Sao gọi là tăng?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Này Đại Sĩ! Tăng ấy đó là tăng thượng cú, nghĩa là ở trong không có mà vọng sanh tăng thượng vậy.
Vô tăng thượng cú là bình đẳng cú, là vô đẳng cú, là vô văn tự cú, là vô cú, là vô giáo cú.
Trong vô giáo ấy không có cú không có tăng thượng cững không có tâm ý thức, vì vậy nên là chẳng phải cú.
Dụ như dấu chim bay trong hư không, cứu cánh đã không có, sẽ không có, mà nói là dấu chim bay. Cũng vậy, ở trong tất cả các pháp không có tự cú. Không có cú mà giả gọi là cú, hư không có dấu chim mà giả gọi là dấu chim.
Cũng vậy, Như Lai xuất thế cũng không có xuất mà giả gọi là xuất. Vì vậy mà người trí chẳng nên thủ trước. Vì không thủ trước nên giả gọi là xuất mà thường y chỉ nơi vô xuất. Tại sao, vì vô sanh là thiệt tánh của tất cả pháp vậy.
Vô sanh thì vô sở hữu, vì vậy mà gọi tất cả các pháp vô sở hữu là tánh. Vô sở hữu tánh không có trụ xứ. Vì vô trụ xứ nên là vô trụ tế. Tất cả các pháp vô trụ tế tức là thiệt tế. Thiệt tế tức là nhất thiết pháp tế. Vì vậy nên nói tất cả các pháp với thiệt tế bình đẳng.
Nói thiệt tế ấy là ba trường phần đoạn tế, là bất khả hoại tế, là bất đoạn bất thường tế, là như thiệt tế, là Tam Thế đẳng tế vậy.
Dùng những tế như vậy đều dồng nhất thiết pháp tế. Tại sao, vì thiệt tế với ngã tế không hai không khác. Vì thiệt tế với nhân tế, chúng sanh tế, thọ mạng tế, dưỡng dục tế không hai không khác. Thiệt tế với ngã kiến tế không hai không khác.
Ở trong ngã kiến không có thiệt tế. Nếu có thể thiệt biết như vậy thì không có hai mươi thứ ngã kiến. Tại sao, vì trong thiệt tế không có một, không có nhiều vậy.
Thiệt tế đồng với bình đẳng, không lai không khứ, không tận không diệt, vì thiệt tế cứu cánh rỗng không vậy. Vì vậy mà nói tất cả các pháp là vô tận môn, là vô tận tế.
Niết Bàn ấy vô tận, nghĩa là rỗng không vậy, là vô tánh vậy. Như Niết Bàn vô tận vô bất tận, tất cả các pháp cũng như vậy. Vì vậy nên nói tất cả pháp đồng với Niết Bàn.
Các pháp vô đẳng vô bất đẳng vì không không có sánh đôi vậy. Dụ như hư không không có sánh đôi, các pháp cũng như vậy.
Nếu người thấy có sánh đôi nói có Niết Bàn, đã nói có Niết Bàn bèn cầu Niết Bàn thì trái nghịch với Bậc Hiền Thánh.
Vì đã nói có Niết Bàn bèn nói: Này nên biết, này nên dứt, này nên chứng, này nên tu, này nên sanh, này nên diệt. Người hành chẳng tròn đủ như vậy thì chẳng thể như thiệt biết, chẳng thể như thiệt thấy, thì chẳng biết chẳng hiểu chẳng thấy.
Vì chẳng biết chẳng hiểu tất cả các pháp nên thủ trước nơi văn tự, ở trong các pháp vọng sanh tranh cạnh. Người sanh sự tranh cạnh thì ở trong Phật Pháp là kẻ đáng thương vậy.
Tại sao, vì như Đức Thế Tôn dạy rằng: Pháp Sa Môn chẳng nên tranh cạnh.
Bấy giờ Tôn Giả A Nan bạch Đức Phật rằng: Bạch Đức Thế Tôn thật là hi hữu. Đại Sĩ này biện tài có thể rất sâu rành rẽ khó hiểu khó lường như vậy. Nơi tất cả pháp chẳng trừ người thọ, như thân tự chứng có thể nói như vậy.
Hư Không Tạng Bồ Tát nói với Tôn Giả A Nan: Thưa đại đức! Tôi đã tự thân chứng biết, vì vậy nên như chỗ được chứng biết có thể nói như vậy. Tại sao, vì thân tôi tức là hư không. Do hư không mà chứng biết tất cả các pháp được ấn hư không ấn.
Thưa Đại Đức A Nan! Phàm đại thừa tu thân khéo hiểu được thân thì có thể dùng thân ấy làm các Phật Sự hiện các loại hình tượng mà cũng chẳng thối nơi chân pháp thân, lại cũng chẳng rời thân do kiết sử nghiệp nhân sanh, và lại chẳng quá nơi bình đẳng pháp tánh biến hiện hoá thân đều được tự tại, ở tất cả Phật Quốc Độ khắp có thể thị hiện, trọn rồi chẳng ẩn thân ứng hóa. Tất cả việc làm ấy đều có thể gọi đó là thân chứng hành.
Tôn Giả A Nan hỏi: Bạch Đại Sĩ! Ở nơi pháp phải chăng Ngài có chứng ư?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Thưa Đại Đức A Nan! Tôi chẳng thấy pháp rời nơi thân, thân rời nơi pháp.
Tôn Giả A Nan hỏi: Nếu Đại Sĩ thân chứng, Đại Sĩ được quả A La Hán ư?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Thưa Đại Đức! Không có được chẳng được, vì vô sở đắc vậy. Nơi tất cả các pháp không có phiền não hành vì ly tham dục sân hận ngu si vậy. Đây gọi là A La Hán.
Tôn Giả A Nan hỏi: Thưa Đại Sĩ! Lúc nào Đại Sĩ sẽ Bát Niết Bàn?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Thưa đại đức! Bậc A La Hán không có Bát Niết Bàn, vì biết tất cả các pháp cứu cánh là Niết Bàn, cũng không có quan niệm Niết Bàn.
Hàng phàm ngu có phân biệt hí luận nói rằng đây là sanh tử đây là Niết Bàn. Bậc A La Hán không có hí luận như vậy.
Tôn Giả A Nan nói: Thưa Đại Sĩ! Như tôi hiểu nghĩa Đại Sĩ nói thì luận về Bồ Tát chẳng nên nói là phàm phu, cũng chẳng nên nói là hữu học, chẳng nên nói là vô học. Tại sao, vì bỏ lìa hai tướng vậy.
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Lành thay lành thay, thưa Đại Đức A Nan! Do vì chẳng phải phàm phu, chẳng phải hữu học, chẳng phải vô học, nên các nơi các chỗ đều có thể thị hiện, nơi tất cả chổ ấy cũng chẳng thủ trước.
Lúc ấy có năm trăm vị đại Thanh Văn đồng đem Y Uất Đa La Tăng của mình mặc dâng lên Hư Không Tạng Bồ Tát.
Dâng y rồi đồng thanh nói rằng: Có chúng sanh nào thâm tâm phát vô thượng bồ đề mau được lợi lành chẳng rơi ra ngoài Pháp Tạng đại trí như vậy. Những y Uất đa la tăng được dâng cúng ấy liền chẳng còn hiện.
Chư Đại Thanh Văn hỏi Hư Không Tạng Bồ Tát: Bạch Đại Sĩ! Những y ấy đến ở đâu vậy?
Hư Không Tạng Bồ Tát nói: Vào trong tạng của tôi. Đức Như Lai biết đó sao các Ngài chẳng hỏi.
Chư Đại Thanh Văn bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Những y ấy đến ở chỗ nào vậy?
Đức Phật nói: Này Chư Tỳ Kheo! Phương đông quá vô lượng A tăng kỳ Chư Phật Quốc Độ có Thế Giới tên là Ca Sa Tràng, Phật Hiệu Sơn Vương Như Lai. Hư Không Tạng Bồ Tát đã khiến những y ấy đến Thế Giới đó.
Chư Đại Thanh Văn lại nói: Bạch Đức Thế Tôn! Do nhân duyên gì mà Hư Không Tạng Bồ Tát khiến y đến Thế Giới đó?
Đức Phật nói: Muốn dùng những y ấy ở Thế Giới kia làm Phật Sự. Ở nơi đây Hư Không Tạng Bồ Tát nói pháp môn như hư không đẳng tam muội.
Tam muội này ở trong những y ấy sẽ diễn pháp âm đó: Trong Thế Giới Ca Sa Tràng có vô lượng A tăng kỳ chúng Bồ Tát do nghe pháp âm đó nên được vô sanh pháp nhẩn.
Chư Tỳ Kheo nên biết Bồ Tát làm các thứ phương tiện như vậy lợi ích chúng sanh.
Lúc nói pháp này ở trên hư không mưa vô lượng hoa màu hoàng kim, trùm khắp nhà Diệu Bảo Trang Nghiêm đường.
Trong các kim sắc hoa ấy phát xuất pháp âm như vậy: Có chúng sanh nào tin pháp được Hư Không Tạng Bồ Tát nói, khéo thuận tư duy phân biệt nghĩa ý thì sẽ được ấn bất thối chuyển ấn, quyết định được đến Đạo Tràng Bồ Đề Vô Thượng.
Tôn Giả A Nan bạch đúc Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Đây là thoại ứng gì, mưa kim sắc hoa ấy phát ra Diệu Âm như vậy vui đẹp chúng sanh?
Đức Phật nói: Này A Nan! Có Phạm Thiên tên Quang Minh Trang Nghiêm từ cung Trời Phạm Thiên cùng với sáu mươi tám trăm ngàn Phạm chúng đều muốn đến nơi này.
Đức Phật nó xong, chúng Phạm Thiên bỗng đến tại Diệu Bảo Trang Nghiêm đường đảnh lễ chân Phật hữu nhiễu bảy vòng rồi đứng một phía chắp tay hướng lên Đức Phật bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn! Thật là hi hữu, Hư Không Tạng Bồ Tát bất khả tư nghị thanh tịnh giới tụ tịnh tu các thiền định, thiện phân biệt đại trí huệ hay du hí các đại thần thông, khéo hay đầy đủ đại hoằng thệ nguyện, khéo hay thành tựu đại quyền phương tiện, khéo hay trang nghiêm thân khẩu ý, khéo ở trong các pháp thành tựu sức đại tự tại.
Thân khẩu và ý của Hư Không Tạng Bồ Tát đây đều không có làm không có phân biệt ức tưởng mà hay hiện thần biến trang nghiêm bất khả tư nghị, lại hay hiển hiện vô lượng trăm ngàn pháp môn, cũng hay xuất nhập trăm ngàn các môn tam muội, từ xưa đến nay thường thích tu tập thành tựu các thiện pháp.
Bạch Đức Thế Tôn! Đại thừa chẳng nên ở nơi quá khứ xưa tu thiện căn mà chẳng biết nhân của nó, tập họp các thiện căn cũng nên không nhàm.
Tại sao, vì do thuở trước vun trồng thiện căn quả báo nên hay hiện thần biến bất khả tư nghị như vậy.
Đức Phật nói với Phạm Thiên: Đúng vậy đúng vậy, như lời Phạm Thiên nói. Đại thừa đã thành tựu thiện căn tư lương và xuất yếu trí phương tiện nên có thể hiện những sự công đức trang nghiêm bất khả tư nghị như vậy, không có ức tưởng phân biệt cũng không chẳng phân biệt.
Phạm Thiên bạch Đức Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Thế nào là Bồ Tát tập họp thiện căn tư lương và xuất yếu trí phương tiện?
Đức Phật bảo Quang Minh Trang Nghiêm Phạm Thiên: Này Phạm Thiên!
Thiện căn có ba thứ: Đó là vô tham thiện căn, vô sân thiện căn và vô si thiện căn. Đây gọi là thiện căn.
Tư lương là bỏ tất cả sở hữu tu tâm từ quán các pháp. Đây gọi là tư lương.
Phương tiện là bỏ lìa phàm phu địa, chẳng mong muốn Thanh Văn địa và Bích Chi Phật địa mà tiến vào đại thừa địa. Đây gọi là phương tiện.
Trí là trí biết bỏ pháp bất thiện, trí biết tập họp thiện pháp, trí biết hồi hướng bồ đề. Đây gọi là trí.
Bồ Tát hay an trụ những chánh hạnh như vậy, đây gọi là xuất yếu.
Còn nữa, thiện căn là hay phát tâm vô thượng bồ đề. Tư lương là cầu tất cả thiện pháp. Phương tiện là thiện căn đã làm hay chưa làm trọn chẳng bỏ quên.
Trí là biết tâm như ảo huyễn biến hóa. Hiện tiền biết rõ các pháp như vậy, đây gọi là xuất yếu.
Còn nữa, thiện căn là thuần chí. Tư lương là phát động. Phương tiện là thâm tâm. Trí là không trì, không động, không năng. Thực hành các pháp như vậy gọi là xuất yếu.
Còn nữa, thiện căn là dục thiện pháp. Tư lương là thắng tiến. Phương tiện là an trụ bất phóng dật, trí là xả bỏ tất cả sở y. Nếu hay hành các hạnh như vậy thì gọi là xuất yếu.
Còn nữa, thiện căn là chánh tính. Tư lương là chẳng bỏ bổn nguyện. Phương tiện là chẳng bỏ niệm và định. Trí là huệ. Hay chánh trụ các hạnh như vậy thì gọi là thành tựu thiện căn tư lương trí phương tiện xuất yếu.
Còn nữa, thiện căn là làm vui đẹp tất cả thiện tri thức. Tư lương là cung cấp vật cần dùng cung kính cúng dường tôn trọng lợi ích. Phương tiện là nơi các thiện tri thức tưởng như Phật. Trí là biết thời và phi thời mà hỏi pháp. Hay chánh trụ các hạnh như vậy thì gọi là xuất yếu.
Còn nữa, thiện căn là thiện thuận nghe pháp. Tư lương là thọ trì chẳng bỏ quên. Phương tiện là theo pháp được nghe có thể khéo quán. Trí là theo pháp được nghe mà làm. Hay chánh trụ các hạnh như vậy thì gọi là xuất yếu.
Còn nữa, thiện căn là gặp Phật vui mừng. Tư lương là hộ trì tất cả Ba la mật các nhiếp pháp và các pháp trợ đạo. Phương tiện là hay từ một địa đến một địa. Trí là được vô sanh pháp nhẫn. Bồ Tát hay chánh trụ các hạnh như vậy thì gọi là xuất yếu.
Quang Minh Trang Nghiêm Phạm Thiên bạch rằng: Bạch Đức Thế Tôn Dức Như Lai có thể dùng nghĩa bốn câu mà tổng nói tất cả Bồ Tát hạnh. Bạch Đức Thế Tôn. Tất cả Phật Pháp phải nên ở trong đó mà cầu.
Hư Không Tạng Bồ Tát nói với Phạm Thiên: Này Phạm Thiên! Một câu cũng có thể nhiếp hết tất cả Phật Pháp, đó là câu ly dục, tại sao, vì tất cả Phật Pháp đồng với ly dục. Như Phật Pháp tất cả pháp cũng vậy.
Còn nữa, một câu rỗng không tổng nhiếp tất cả Phật Pháp. Tại sao, vì tất cả Phật Pháp đồng với rỗng không vậy. Như Phật Pháp, tất cả pháp cũng vậy.
Còn có các một câu tổng nhiếp tất cả Phật Pháp, đó là câu vô tướng, là câu vô nguyện, là câu vô tác, là câu vô sanh, là câu vô khởi, là câu như, là câu pháp tánh, là câu chân tế, là câu ly, là câu diệt, là câu tận, là câu Niết Bàn tổng nhiếp tất cả Phật Pháp, tại sao, vì tất cả Phật Pháp đồng với Niết Bàn vậy.
Như Phật Pháp tất cả các pháp cũng vậy.
Này Phạm Thiên! Đó là một câu tổng nhiếp tất cả Phật Pháp, tại sao, vì những câu như vậy đều chẳng phải câu, tất cả Phật Pháp chẳng phải câu mà giả danh là câu.
Còn nữa, này Phạm Thiên! Dục là ly dục cú, tại sao, vì tánh ly dục là dục vậy. Tất cả Phật Pháp cũng đồng tánh ấy.
Sân là ly sân cú, tại sao, vì tánh ly sân là sân vậy. Si là ly si cú, tại sao, vì tánh ly si là si vậy. Tất cả Phật Pháp cũng đồng tánh ấy.
Thân kiến là thiệt tế cú. Tại sao, vì tánh thiệt tế tức là thân kiến. Tất cả Phật Pháp cũng đồng tánh ấy.
Vô minh là minh cú, tại sao, vì tánh minh là vô minh vậy. Tất cả Phật Pháp cũng dồng tánh ấy.
Nhẫn đến khổ não là ly khổ não cú, tại sao, vì tánh ly khổ não là khổ não vậy. Tất cả Phật Pháp cũng đồng tánh ấy.
Sắc uẩn là hư không cú, tại sao, vì tánh hư không tức là sắc vậy. Tất cả Phật Pháp cũng đồng tánh ấy.
Thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn là hư không cú, tại sao, vì tánh hư không tức là thọ, tưởng, hành, thức vậy. Tất cả Phật Pháp cũng đồng tánh ấy.
Sắc đến thức là vô tác cú, tại sao, vì tánh vô tác tức là sắc, thọ, tưởng, hành, thức vậy. Tất cả Phật Pháp cũng đồng tánh ấy.
Địa đại là hư không cú, tại sao, vì tánh hư không tức là địa đại vậy. Tất cả Phật Pháp cũng đồng tánh ấy.
Thủy đại, hỏa đại, phong đại là pháp giới cú, tại sao, vì tánh pháp giới tức là địa, thủy, hỏa, phong đại vậy. Tất cả Phật Pháp cũng dồng tánh ấy.
Nhãn là Niết Bàn cú, tại sao, vì tánh Niết Bàn tức là nhãn vậy. Tất cả Phật Pháp cũng đồng tánh ấy.
Nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý là Niết Bàn cú, tại sao, vì tánh Niết Bàn tức là nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý vậy. Tất cả Phật Pháp cũng đồng tánh ấy.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Bốn Mươi Bảy - Pháp Hội Bảo Kế Bồ Tát - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Tập Những điều Bồ Tát Hư Không Tạng Hỏi Phật - Phần Mười Sáu
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội đầu - Phẩm Hai Mươi Hai - Phẩm Thiên đế - Phần Sáu
Phật Thuyết Kinh La Ma Già - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Ma Ha Bát Nhã Sao - Phẩm Bốn - Phẩm Thiện Quyền