Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Thứ Mười Một - Pháp Hội Xuất Hiện Quang Minh - Phần Năm
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BẢO TÍCH
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Nan Liên Đề Gia Xá, Đời Cao Tế
PHÁP HỘI THỨ MƯỜI MỘT
PHÁP HỘI XUẤT HIỆN QUANG MINH
PHẦN NĂM
Lúc ấy Đức Thế Tôn biết tâm niệm sâu kín của Đồng Tử Nguyệt Quang, Đức Phật mỉm cười phóng ánh sáng mầu hoàng kim chiếu khắp vô lượng vô biên Thế Giới.
Ở các Thế Giới ấy làm lợi ích xong, ánh sáng ấy trở về nhiễu Đức Phật ba vòng rồi từ trên đảnh đầu của Đức Phật mà thâu vào.
Di Lặc Bồ Tát liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch y vai hữu, gối hữu chấm đất đảnh lễ chân Đức Phật, rồi chắp tay cung kính nói kệ khen ngợi bạch hỏi Đức Phật:
Tiếng Ca Lăng Tần Già
Mây sấm sư tử rống
Phát tiếng trống pháp lớn
Cớ gì Phật mỉm cười
Sáng sớm ngàn Mặt Trời
Âm thanh hay thanh tịnh
Công đức rất hy hữu
Cớ gì hiện quang minh
Thí giới nhẫn tinh tiến
Định huệ thảy trang nghiêm
Tất cả đều viên mãn
Cớ gì hiện quang minh
Tiếng của Phật nhu nhuyến
Thường xa rời thô ngữ
Khéo chữa bệnh chúng sanh
Cớ gì hiện quang minh
Đại bi Lưỡng Túc Tôn
Biết nhãn thường không tịch
Dùng phạm âm thanh tịnh
Vì chúng sanh diễn thuyết
Nhĩ tỷ thiệt thân ý
Nhẫn đến thanh danh thảy
Các khổ tập diệt đạo
Trí nhẫn cũng như vậy
Đại bi Lưỡng Túc Tôn
Biết nhãn tận sanh tế
Tịch tịnh và lưu chuyển
Tất cả đều không tịch
Nhĩ tỷ thiệt thân ý
Sắc thanh hương vị xúc
Nhẫn đến thanh danh thảy
Tất cả đều như vậy
Phật lại nói nhân duyên
Xa rời nơi đoạn thường
Chẳng tự chẳng tha tác
Do các duyên mà sanh
Phật lại dùng các môn
Khai thị các sự khổ
Hoặc lại dùng các nghĩa
Khen ngợi Phật Quang minh
Dùng vô lượng ngôn từ
Diễn nói pháp tịch diệt
Không nhân không thọ giải
Không ngã không chúng sanh
Quá khứ vô lượng Phật
Cũng dùng bất tư nghị
Trăm ngàn các kệ tụng
Diễn nói pháp như vậy
Đức Như Lai diễn thuyết
Pháp công đức chân thiệt
Không nói không người nói
Pháp được nói cũng không
Phật nói pháp tối thắng
Giác ngộ các chúng sanh
Chư Thiên và Dạ Xoa
Người nghe đều được tỏ
Tất cả A Tu La
Ý thích đã thanh tịnh
Vô lượng hàng nhân chúng
Đều trừ hết lưới nghi
Biết rõ tánh của tham
Diệt hại sân cùng si
Ái mạn và vô minh
Siểm tật với hí luận
Nhẫn đến khổ uẩn thảy
Đều bỏ rời tất cả
Các cú nghĩa như vậy
Rốt ráo đều thanh tịnh
Như Lai nơi một pháp
Thông đạt các thứ danh
Số ấy trăm ngàn muôn
Nhẫn đến bất tư nghị
Nơi vô lượng Chư Phật
Khéo học pháp như vậy
Mà ở trong một pháp
Diễn thuyết không cùng tận
Như Lai khéo rõ thấu
Tất cả các pháp môn
Cũng may phân biệt biết
Danh cú thượng trung hạ
Tu học nơi tất cả
Các thứ dị ngôn từ
Mà tuyên nói khéo hay
Nghĩa vi diệu đệ nhất
Tiếng thanh tịnh như vậy
Nhân duyên hòa hợp khởi
Cũng chẳng nương lưỡi họng
Nhẫn đến nơi thân tâm
Đại Địa động sáu cách
Chúng mười phương đều họp
Chắp tay chiêm ngưỡng Phật
Mong trừ nghi cho chúng
Như Lai khéo biết rõ
Nhãn tận sanh biên tế
Tự tánh thường không tịch
Không khứ cũng không lai
Không trụ không xứ sở
Thâm nhập nơi thiệt tế
Mắt Phật không chướng ngại
Vì thế nay tôi nghe
Như Lai khéo biết rõ
Tánh nhãn tiền hậu thế
Tận vô tận lưu chuyển
Tự tánh thường không tịch
Khai thị các pháp nghĩa
Khiến thế gian hoan hỉ
Tiếng Đức Phật mỹ diệu
Cớ gì hiện mỉm cười
Phật biết tiền hậu tế
Tánh nhãn thường không tịch
Rời ngôn từ phân biệt
Cớ gì miệng mỉm cười
Phật biết nhãn vô lượng
Các lời lẽ tuyên nói
bổn tánh thường không tịch
Cớ gì miệng mỉm cười
Phật biết mé tận sanh
Tánh nhãn thường không tịch
Bỏ rời các phiền não
Chứng Phật bồ đề trí
Đủ danh tiếng thù thắng
Cớ gì miệng mỉm cười
Phật từ lâu tu học
Diễn thuyết bất tư nghị
Rõ thấu tánh nhãn không
Lìa cấu thường thanh tịnh
Vô lượng các tâm hành
Một niệm đều biết rõ
Quang minh chiếu thế gian
Đó là thoại tướng gì
Đại tiên đẳng chánh giác
Tối thắng Lưỡng Túc Tôn
Phiền não đều đã trừ
Tâm Phật thường tịch tịnh
Như Lai trí thù thắng
Thấu suốt mé nhãn tận
Lại do nhân duyên gì
Mà hay hiện mỉm cười
Nhĩ tỷ thiệt thân ý
Sáu trần và bốn đại
Nhẫn đến thanh danh thảy
Thấu suốt mé nhãn tận
Lại do nhân duyên gì
Mà hay hiện mỉm cười
Nhĩ tỷ thiệt thân ý
Sáu trần và bốn đại
Nhẫn đến thanh danh thảy
Tất cả đều như vậy
Phật biết nhãn vô ngã
Cũng thấu nhĩ vô thường
Và rõ tỷ tánh không
Cớ gì hiên mỉm cười
Phật biết thiệt vô ngã
Cũng thấu thân vô thường
Và rõ tánh ý không
Cớ gì hiện mỉm cười
Phật biết sắc vô ngã
Cũng thấu thanh vô thường
Và rõ lương tánh không
Cớ gì hiện mỉm cười
Phật biết vị vô ngã
Cũng thấu xúc vô thường
Và rõ pháp tánh không
Cớ gì hiện mỉm cười
Phật biết địa vô ngã
Cũng thấu thủy vô thường
Và rõ hỏa tánh không
Cớ gì hiện mỉm cười
Phật biết phong vô ngã
Cũng thấu tánh vô thường
Và rõ sự tánh không
Cớ gì hiện mỉm cười
Biết thế gian vô ngã
Cũng thấu khổ vô thường
Và rõ uẩn tánh không
Cớ gì hiện mỉm cười
Phật biết giới vô ngã
Cũng thấu thế vô thường
Và rõ sanh tánh không
Cớ gì hiện mỉm cười
Phật biết thanh vô ngã
Cũng thấu danh vô thường
Và rõ đạo tánh không
Cớ gì hiện mỉm cười
Phật biết trí vô ngã
Rõ tịch tịnh vô thường
Và chúng sanh tánh không
Cớ gì hiện mỉm cười
Phật biết tánh vô tánh
Cũng biết ngã phi ngã
Và rõ ý thích không
Cớ gì hiện mỉm cười
Thấy sanh tử vô ngã
Cũng thấu thường vô thường
Và rõ Niết Bàn không
Cớ gì hiện mỉm cười
Như Lai tâm giải thoát
Danh tiếng khắp ba cõi
Đế Thích cùng Nhân Vương
Long thần đều cúng dường
Như Lai khéo biết rõ
Biên tế nhãn tận sanh
Nhẫn đến nơi tịch tịnh
Cớ gì hiện mỉm cười
Vô lượng hàng Phật Tử
Đều họp ở chúng hội
Từ miệng Phật sanh ra
Từ pháp biến hóa sanh
Đều đến đứng trước Phật
Chắp tay mà tôn trọng
Tôi vì các chúng ấy
Hỏi duyên cớ phóng quang
Như Lai khéo biết rõ
Nhãn tánh không vô ngã
Siêu quá ở tất cả
Người tại gia tu học
Phật dùng trí bình đẳng
Rõ pháp không sai biệt
Như Lai ý thích biết
Chẳng dùng thần thông thấy
Phật biết nhãn vô ngã
Tánh không chẳng khứ lai
Trí thanh tịnh vô biên
Cớ gì hiện mỉm cười
Như Lai đã hết nơi sanh tế
Đại bi che khắp các thế gian
Pháp Vương Tối Thắng Nhân Trung Tôn
Mong nói cớ gì hiện mỉm cười
Vô lượng vô biên Đại Bồ Tát
Và các Thiên Chúng oai đức khác
Đều ở hư không cầm lọng đẹp
Cả Đại Địa này đều chấn động
Thuở xưa ai ở chỗ Như Lai
Mãi mãi tu hành các thiện pháp
Tâm ý bình đẳng Đấng Đại Bi
Mong nói cớ gì hiện mỉm cười
Thuở xưa ai cúng dường Chư Phật
Được nghe pháp này lòng vui mừng
Đạo Sư tối thắng Nhân Trung Tôn
Mong nói cớ gì hiện mỉm cười
Âm thanh của Phật đẹp ý chúng
Như tiếng nhạn chúa rất mỹ diệu
Tự nhiên vô lượng tiếng hòa nhã
Mong mỏi cớ gì phóng quang minh
Vô lượng câu chi lời phúng tụng
Khuyên khen vui nhận lời tương ưng
Giống tiếng hay chim câu chỉ la
Mong mỏi cớ gì phóng quang minh
Tiếng thuyết pháp vang như trống sấm
Nghe khắp vô biên ngàn ức cõi
Lòng từ tiếng thô hoặc lời dịu
Cớ gì phóng quang minh kim sắc
Rõ sanh vô sanh tận vô tận
Biết nhãn tánh ly không khứ lai
Pháp cam lộ soi sáng thế gian
Cớ gì phóng quang minh kim sắc
Biết nhãn khởi tác thường không tịch
Không khứ không lai không chỗ trụ
Như dương diệm bóng nước bọt nước
Nhân duyên gì thị hiện mỉm cười
Nhĩ tỷ thiệt thân và ý căn
Sắc thanh hương vị xúc và pháp
Nhẫn đến âm thanh và danh thảy
Phải biết tất cả cũng như vậy
Thân Phật Kim Cương thường bất hoại
Đầy đủ trăm ngàn tướng thù thắng
Thân không cơ quan mà vận động
Mong nói cớ gì hiện mỉm cười
Vế đùi tròn đầy gót chân dài
Bụng không lộ bày như sư tử
Rốn sâu xinh đẹp eo tròn đủ
Mong nói cớ gì hiện mỉm cười
Sắc vàng thân sạch rời trần cấu
Mỗi mỗi sợi lông màu xanh biết
Xoay hữu hướng lên mũi thơm phức
Mong nói cớ gì hiện mỉm cười
Thân đẹp tròn đầy thường an trụ
Dường như cây chúa ni câu đà
Tất cả công đức để trang nghiêm
Âm thanh khiến chúng lòng vui đẹp
Tay dài tròn trịa vai xinh đẹp
Cổ thon đầy tròn hiện rõ ngấn
Đi khắp vô biên trăm ngàn cõi
Chỉ dạy chúng sanh đường chánh tà
Răng trắng sạch trong như ngọc tuyết
Tướng lưỡi rộng dài trùm khắp mặt
Má như sư tử mũi thẳng dài
Từ tâm phương tiện thanh tịnh sanh
Hương hoa sen xanh từ miệng Phật
Mùi thơm Chiên Đàn khắp thân Phật
Thuở xưa đã rộng tu lòng từ
Ý thích thanh tịnh thường tiếp nối
Lòng chân của Phật bằng đầy đẹp
Dẫm trên mặt đất không cong hõm
Như bước đi voi chúa sư tử
Vượt qua tất cả các thế gian
Tướng thiên bức luân đẹp đoan nghiêm
Nét sáng thù thắng thường hiện rõ
Hành động đều lợi ích quần sanh
Ai thấy đều sanh lòng tín ngưỡng
Một ngón phát ra ngàn tia sáng
Chiếu khắp vô biên khắp Phật Quốc
Thuở xưa siêng tu những hạnh lành
Nên được những tướng trang nghiêm ấy
Thành tựu sắc thân không ai sánh
Gương mặt đoan nghiêm rất thù thắng
Thần biến lợi ích các thế gian
Mong nói cớ gì hiện mỉm cười
Bắp chân tròn thẳng như nai chúa
Thân chẳng cúi thấp như sư tử
Xuất hiện làm đèn sáng thế gian
Mong nói cớ gì hiện mỉm cười
Âm tàng ngựa chúa không nhiễm trần
Lòng tay đầy bằng tay quá gối
Hi hữu tối thắng Thiên Nhân Sư
Mong nói cớ gì hiện mỉm cười
Từ thân Phật phóng vô biên quang
Sắc đẹp tịch tịnh mà hằng chiếu
Lòng Phật luôn luôn thường thanh tịnh
Diễn thuyết vô biên những Khế Kinh
Chẳng phải những kẻ chấp đoạn thường
Mà tịnh tu được pháp như vậy
Nếu bỏ rời được các biên kiến
Chóng thành thân thanh tịnh của Phật
Tiếng trống Trời mây sấm vang xa
Tiếng chim Hồng Ca Lăng trong suốt
Âm nhạc Cõi Trời ngàn muôn thứ
Mong nói cớ gì phóng quang minh
Đạo Sư một tiếng diễn thuyết pháp
Khiến nguời phá giới dứt lỗi lầm
Như Lai thuyết pháp lời giọng hay
Đều là pháp thậm thâm hi hữu
Trâu trắng lông chúa giữa chặng mày
Chiếu khắp trăm ngàn những Phật Quốc
Mắt đẹp mầu xanh như nước biếc
Đỉnh đầu vun cao không thể thấy
Răng trắng kín bằng đủ bốn mươi
Dường như báu pha lê trong sáng
Đều từ vô lượng tịnh nghiệp sanh
Mong mỏi cớ gì hiện mỉm cười
Như Lai viên mãn thân công đức
Thành tựu vô biên sắc vi diệu
Xuất hiện quang minh đẹp hi hữu
Mong nói cớ gì hiện mỉm cười
Đại bi tối thắng Lưỡng Túc Tôn
Rõ thấu chí thích của chúng sanh
Đã được vô ngại đại biện tài
Mong mỏi cớ gì hiện mỉm cười
Như Lai đã đến được bỉ ngạn
Đầy đủ tam minh và lục thông
Thị hiện vô biên thanh tịnh quang
Mong nói cớ gì hiện mỉm cười
Phật ở thuở xưa vô lượng kiếp
An trụ những đẳng trì vi diệu
Biết nhãn sanh biên và tận biên
Mong nói cớ gì hiện mỉm cười
Đờì quá khứ vị lai hiện tại
Tịnh trí vô ngại bất tư nghị
Mong nói cớ gì hiện mỉm cười.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Tám Mươi Bốn - Phẩm Tứ đế
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Chánh Tư Duy
Phật Thuyết Kinh Phân Biệt Nghiệp Báo Lược - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới - Phần Chín
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Bảo Vân - Phẩm Năm - Phẩm An Lạc Hạnh - Tập Hai
đà La Ni Bí Mật Phật đỉnh Tôn Thắng Tâm Phá địa Ngục Chuyển Nghiệp
Phật Thuyết Kinh Viên Giác - Chương Mười Một - Chương Viên Giác