Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Mười Bốn - Phẩm Văn Tự
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Hiển, Đời Đông Tấn
PHẬT THUYẾT
KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Pháp Hiển, Đời Đông Tấn
PHẨM MƯỜI BỐN
PHẨM VĂN TỰ
Đức Phật lại bảo Ngài Ca Diếp rằng: Hết thảy ngôn ngữ, chú thuật, luận ký Như Lai đã thuyết đều là căn bản.
Ca Diếp bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Nghĩa đó thế nào?
Phật bảo Ca Diếp: Lúc đầu thị hiện chỉ thuyết bán tự, là mọi căn bản, hết thảy chú thuật, ngôn ngữ duy trì pháp tụ chân thật. Chúng sinh non trẻ từ nơi tự bổn học thông các pháp. Pháp đúng, pháp sai đều biết phân biệt. Cho nên Như Lai hóa hiện tự bổn chẳng phải phi pháp.
Bồ Tát Ca Diếp bạch Đức Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Tự bổn là gì?
Phật bảo Ca Diếp: Mười bốn âm đầu gọi là căn bản của tất cả tự. Mười bốn âm này thường vì tất cả, căn bản bất tận. Bất tận nghĩa là không thể phá hoại, không bị rò rỉ, nghĩa là Như Lai, đó là ý nghĩa của chữ bất tận.
Pháp thân Như Lai giống như kim cương không thể phá hoại, nên gọi bất hoại. Như Lai không có chín lỗ rò rỉ, nên gọi bất lậu. Như Lai thường trụ, nên nói bất tận, nghĩa là vô tác. Trước hết A ngắn nghĩa là tốt đẹp. Tốt đẹp có nghĩa là ba ngôi báu.
Thứ đến A dài nghĩa là Thánh trí. Gọi là Thánh trí vì lìa ra khỏi trí của thế gian, thanh tịnh, ít dục, hay độ tất cả qua biển ba cõi, nên gọi là Thánh. Thánh nghĩa là chính, hay sửa pháp độ cho được ngay thẳng, hành xử luật nghi, pháp độ thế gian. Đó là ý nghĩa của âm A dài.
Lại nữa, âm A có nghĩa mọi sự được nuôi lớn đều nhờ vào Thánh. Tất cả căn bản chính hạnh chân thật, như là hiếu dưỡng cha mẹ, đều nhờ vào sự hiểu biết như vậy. Hiểu rõ chánh pháp trụ ở đại thừa. như vậy mọi hành vi của thiện nam, tín nữ, Tỳ Kheo trì giới và hàng Bồ Tát đều nhờ vào Thánh.
Lại nữa, âm A là nơi khởi nguyên của mọi ngôn ngữ và pháp thế gian. Như nói thiện nam tử A Già Xa. Như nói nam tử chớ làm A Na Già La.
Cho nên, âm A cũng là chỗ nương tựa của ngôn ngữ thế gian. I ngắn có nghĩa là này, ấy, đó. Như nói pháp này, tức là pháp của Như Lai phạm hạnh, thanh tịnh, ly cấu, tựa như trăng tròn. Vì để hiển thị pháp này cho nên Chư Phật thị hiện tên gọi là này.
Lại nữa, I ngắn là nói đây chính là nghĩa, đây là phi nghĩa, đây là ma nói, đây là Phật nói, căn cứ vào đó để mà phân biệt, nên gọi là đây. Âm I dài có nghĩa là tự tại hay đại tự tại. Đối với giáo pháp khó được của Phật, Tự tại Phạm Vương hay dùng thần lực tự tại để mà hộ trì chánh pháp, vì ý nghĩa đó gọi là tự tại.
Lại nữa, âm I ở đây chỉ cho Kinh đại thừa Phương Đẳng Nê Hoàn tự tại này. Nó tự tại thâu nhiếp, giữ gìn, khiến cho giáo pháp sáng soi tự tại, khiến mọi chúng sinh tự tại thụ học Kinh Phương Đẳng này.
Lại nữa, âm I là chỉ cho Kinh Tự Tại Phương Đẳng hay trừ tất cả tật đố, tà kiến một cách tự tại, như muốn giữ cho ruộng lúa tốt sạch phải trừ tất cả những loài cỏ dại, đại loại như vậy, cho nên Như Lai nói rằng âm I nghĩa là tự tại.
U ngắn nghĩa là trên hết, tối thượng, như bản Kinh này thuyết nghĩa tối thượng, các hàng Thanh Văn và Bích Chi Phật chưa từng nghe đến một câu một chữ, thậm chí nửa lời thoáng qua lỗ tai. Như trong các cõi, thì Uất Đơn Việt là có phước đức tối thắng hơn hết.
Đại thừa Phương Đẳng cũng y như vậy, người nào được nghe một lời qua tai, phải biết đó là Bồ Tát tối thượng ở giữa cõi người. Vì vậy Như Lai nói âm U này. U dài là ví như sữa bò thơm. Trong các vị sữa thì Kinh đại thừa là vị tối thượng, bởi nó diễn thuyết một cách rộng rãi tự tính chân thật của Đức Như Lai, những điều phi pháp, kiêu mạn đều bị diệt trừ sạch hết.
Lại nữa, âm U gọi là đại U. Trong Như Lai tạng, đoạn trừ chấp trước tuệ mạng, căn thân, không thuyết vô ngã. Nên biết điều đó gọi là đại U. Vì vậy Như Lai nói về âm U.
Âm E có nghĩa là này, như nói: Phật Pháp này, hoặc là Như Lai Nê Hoàn cũng nói Pháp này. E là Như Lai, nghĩa là có đến, có đi, cho nên mới nói Như Lai có nghĩa là đến như vậy và đi như vậy.
Âm O nghĩa là thấp hèn, hạ tiện. Đã trừ diệt sạch phiền não hạ tiện gọi là Như Lai, vì vậy cho nên gọi là âm O.
Âm Au nghĩa là đại thừa. Trong mười bốn âm, Au là cứu cánh, vì vậy cho nên gọi là đại thừa. Trong tất cả luận, Kinh Điển đại thừa là luận cứu cánh, nên nói là Au.
Âm An nghĩa là tất cả. Giáo pháp Như Lai xả bỏ tất cả tiền tài, vật báu. An có nghĩa là ngăn chặn, che đậy, nghĩa nhất xiển đề.
Âm A sau cùng có nghĩa là hết. Tất cả Khế Kinh thì đại thừa là cùng tột, hơn hết.
Âm Ka nghĩa là thương hết chúng sinh y như con một. Khởi lòng từ bi đối với mọi loài, nên gọi là Ka.
Âm Khư nghĩa là đào lên, khơi dậy. Khơi dậy Pháp Tạng Như Lai thâm sâu, thâm nhập trí tuệ, không gì kiên cố, nên gọi là Khư.
Âm Già nghĩa là kho tạng, cất chứa. Tất cả chúng sinh đều có kho tạng tự tính Như Lai, nên nói là Già.
Trùng âm Già có nghĩa là tiếng gầm. Thường dùng tiếng gầm của con sư tử để nói Như Lai là pháp thường trụ.
Âm Nga nghĩa là giòn tan, dễ vỡ. Tất cả các hành mau khởi mau diệt, nên gọi là Nga.
Âm Già là hành. Làm nên chúng sinh nên gọi là Già.
Âm Xa nghĩa là rực rỡ chói lọi. Tự tính Như Lai thường trụ, nên gọi là Xa.
Âm Xà là sinh. Sinh ra giải thoát, chứ chẳng phải như sinh ra các thứ sinh tử, hiểm nguy, nên gọi là Xà.
Trùng âm Xà nghĩa là đốt cháy. Thiêu đốt tất cả phiền não, khiến mau diệt hết, nên gọi là Xà.
Âm Nhã là trí. Biết pháp chân thật, nên nói là Nhã.
Âm Trá nghĩa là biểu thị, thị hiện. Ở Diêm Phù Đề Như Lai thị hiện không được đầy đủ, nhưng mà pháp thân Như Lai thường trụ, nên nói là Trá.
Âm Sá nghĩa là thị hiện đầy đủ. Đầy đủ bình đẳng, nên nói là Sá.
Âm Trà nghĩa là nhẹ nhàng không mất, nên gọi là Trà.
Trùng âm Trà là không biết xấu hổ, ân nặng không đáp, nên nói là Trà.
Âm Nã có nghĩa là không chân chính, như bọn ngoại đạo, nên nói là Nã.
Âm Đa là ngăn chặn tất cả hữu, khiến không tương tục, nên nói là Đa.
Âm Tha nghĩa là không biết, vô tri, như tằm kéo kén, nên nói là Tha.
Âm Đà có nghĩa là pháp đại thừa, phương tiện hoan hỷ, nên nói là Đà.
Trùng âm Đà có nghĩa là giữ gìn, hộ trì Tam Bảo, như núi Tu Di không khiến chìm mất, nên nói là Đà.
Âm Na là như ở bên cửa thành treo phướng nhân đà la, dựng lập Tam Bảo, nên nói là Na.
Âm Ba nghĩa là khởi tưởng điên đảo, cho rằng Tam Bảo đã bị chìm mất nên tự mê loạn, nên gọi là Ba.
Âm Pha nghĩa là Thế Giới thành hoại, trì giới thành bại, tự thân thành bại, nên nói là Pha.
Âm Bà là lực. Chư Phật Như Lai vô lượng thần lực, chứ không phải chỉ có mười thần lực, nên nói là Bà.
Trùng âm Bà là hay gánh vác chánh pháp, hành đạo Bồ Tát, nên nói là Bà.
Âm Ma nghĩa là giới hạn, hạn kỳ. Hành pháp Bồ Tát, tự hạn cho mình, quyết chí gánh vác trách nhiệm nặng nề, đó là âm Ma.
Âm Da nghĩa là tập hành bốn loại công đức của bậc Bồ Tát, nên nói là Da.
Âm La nghĩa là diệt dâm, nộ, si, vào pháp chân thật, nên nói là La.
Khinh âm La là không thụ giáo pháp Thanh Văn và Bích Chi Phật, chỉ thụ học giáo pháp đại thừa, nên nói là La.
Âm Hòa nghĩa là tất cả Chú thuật, học nghệ thế gian, Bồ Tát đều biết, nên nói là Hòa.
Âm Xa nghĩa là ba thứ gai độc đều đã nhổ rồi, nên nói là Xa.
Âm Sa nghĩa là viên mãn, tức hay nghe nhận Khế Kinh Phương Đẳng, nên nói là Sa.
Âm Sa nghĩa là dựng lập chánh pháp, nên nói là Sa.
Âm Ha là âm tỏ ra ngỡ ngàng. Như nói lạ thay các hành đều là cứu cánh. Lạ thay Như Lai vào Bát Nê Hoàn bỏ hết hỷ lạc. Đó là âm Ha.
Âm La là ma. Ức ngàn Thiên Ma cũng không thể nào phá hoại Như Lai, chánh pháp và Tăng. Như Lai tùy thuận theo cách thế gian thị hiện có hoại. Lại nữa, Như Lai tùy thuận thế gian thị hiện có đủ cha, mẹ, tông thân… đó là âm La.
Li. Li, Lâu, Lâu, bốn chữ này là trưởng dưỡng bốn nghĩa Phật, Pháp, Tăng và sự thị hiện có người đối đầu, là để tùy thuận theo cách thế gian. Thị hiện có kẻ đối đầu như là điều đạt phá Tăng, nhưng mà sự thật không gì có thể phá hoại Tăng được.
Như Lai phương tiện thị hiện phá Tăng để làm nhân duyên kết tập giới cấm. Nếu như hiểu được ý nghĩa Như Lai phương tiện thị hiện thì không nên sợ, phải biết đó là tùy thuận thế gian, vì vậy nên nói bốn chữ sau cùng.
Âm hắt, âm lưỡi, âm mũi, âm gió, âm dài, âm ngắn, lấy các âm ấy hòa hợp thành chữ. Như các chữ này hòa hợp các âm làm thành ngôn ngữ, đều do lưỡi, răng mà có khác nhau.
Do các âm này, vô lượng các hoạn tích tụ nơi thân, ấm, giới các nhập, nhân duyên hòa hợp, nghỉ ngơi, tịch mặc vào Như Lai tính, Phật tính hiển hiện, thành tựu cứu cánh.
Cho nên, bán tự gọi là căn bản của tất cả tự. Nếu quán thật pháp và quán Như Lai giải thoát thì không có tướng ngôn ngữ, văn tự. Tướng chữ và nghĩa của chữ thảy đều xa lìa.
Cho nên, xa lìa tất cả gọi là giải thoát. Sự giải thoát đó chính là Như Lai. Nhờ bán tự này hay khởi các pháp, nhưng mà không có tướng của các pháp nhờ vào văn tự. Đó là khéo hiểu nghĩa của văn tự.
Nếu hiểu khác đi tức là không hiểu văn tự, không biết phân biệt pháp đúng pháp sai. Tính của Như Lai, Tam Bảo giải thoát, nhưng không thể biết đây là Kinh Điển, không phải Kinh Điển, là luật, phi luật, ma nói, Phật nói, tất không thể biết lời của ta nói, những hạng người ấy không biết chữ nghĩa văn tự.
Vì vậy, thiện nam! Ông phải khéo léo học hỏi bán tự, rồi ông cũng sẽ thể nhập và hiểu được những văn tự kia.
Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Con sẽ siêng năng học bán tự này. Từ ngày hôm nay con mới bắt đầu làm người con Phật, được làm đệ tử bậc thầy tối thượng. Từ ngày hôm nay con mới bắt đầu được vào học đường.
Phật bảo Ca Diếp: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử, ưa tu chánh pháp phải nên như vậy!
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Ba Mươi Ba - Phẩm Ngoại đạo
Phật Thuyết Kinh Nguyệt đăng Tam Muội - Phần Hai Mươi Bảy
Phật Thuyết Kinh Tối Thượng Bí Mật Na Nõa Thiên - Phần Bảy - Tối Thượng Thành Tựu ấn Tướng đại Minh
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Hai - Thiện Quyền - Phần Một
Phật Thuyết Kinh đại Bảo Tích - Pháp Hội Thứ Ba - Pháp Hội Mật Tích Kim Cang Lực Sĩ - Phần Tám
Phật Thuyết Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ - Phẩm Sáu - Phẩm Quán Thiên Dạ Ma Thiên - Tập Hai Mươi Tám