Phật Thuyết Kinh đại Bát Nê Hoàn - Phẩm Tám - Phẩm Bốn Pháp - Phần Một

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Pháp Hiển, Đời Đông Tấn

PHẬT THUYẾT

KINH ĐẠI BÁT NÊ HOÀN

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Pháp Hiển, Đời Đông Tấn   

PHẨM TÁM

PHẨM BỐN PHÁP  

PHẦN MỘT  

Phật bảo Ca Diếp: Này thiện nam tử! Bậc Đại Bồ Tát thành tựu bốn pháp, có thể nói Kinh Đại Bát Nê Hoàn cho người khác nghe.

Bốn pháp đó là: Tự mình chuyên chính, giúp người chuyên chính, tùy thời hỏi đáp, hiểu rõ nhân duyên.

Tự chuyên chính là: Nghe pháp của Phật có thể tùy thuận nhàm tởm sợ hãi, toàn thân sởn ốc. Như nghe Phật dạy thà ôm cây cháy, lửa đỏ bừng bừng, thiêu rụi thân thể thành than chứ không thể nào đối với phương tiện Mật Giáo của Đức Như Lai khi tâm chưa ngộ nghe thuyết hữu thường sinh lòng phỉ báng.

Nhưng nghe ma giáo ca tụng luận thuyết về pháp thế gian, giảng nói vô thường thì cho là thật. Thà đưa lưỡi liếm cây củi đang cháy chứ không dám nói Như Lai vô thường. Nếu nghe ai nói liền thấy sợ hãi, phải khởi lòng thương đối với người ấy.

Phải tin sâu sắc pháp thân Như Lai trường tồn bất diệt, pháp già, bệnh, chết, không thể hủy hoại.

Phải biết Đức Phật Thế Tôn là bậc không thể nghĩ bàn, giáo pháp Ngài dạy cũng y như vậy.

Như ta nói Kinh ví dụ cây khô… hãy khéo giữ gìn, đó là Bồ Tát tự chuyên chính mình. 

Giúp người chuyên chính: Lúc Phật thuyết pháp, có người phụ nữ bồng đứa con nhỏ đang còn bú mớm đến chỗ Đức Phật lễ sát chân Ngài. Trong lòng bà có một mối hoài nghi, nên cứ đứng yên trầm ngâm nghĩ ngợi.

Bấy giờ Thế Tôn biết bà nghĩ gì, liền lấy con bà ra làm thí dụ mà nói pháp rằng: Thí như người mẹ khéo nuôi con mình, mới đầu lấy tay mớm sữa cho con, chờ nó nuốt hết mới mớm thêm nữa.

Bấy giờ người nữ tâm liền tỏ ngộ, bạch với Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Ngài là Đại Thánh, biết tâm niệm con mới nói lời này. Từ nay mỗi sáng con sẽ cho con của con ăn sữa thật nhiều chắc cũng không hề hại gì.

Phật bảo: Không phải! Khi trẻ lớn khôn, cho nó ăn cơm cũng không hại gì.

Người nữ vui mừng bạch với Phật rằng: Kỳ thay, Thế Tôn! Ngài khéo tùy thuận nói pháp dễ tiêu và không dễ tiêu. Để giáo hóa người, trước hết Ngài nói về pháp vô thường, khổ, không, bất tịnh. Nếu chúng sinh nào lòng tin chưa vững mà nói cho họ nghe pháp thường trụ thì sẽ phá hoại tín căn của họ, như người uống sữa mà vẫn chưa tiêu.

Phật bảo: Lành thay! Này người thiện nữ, nên học như vậy, phương pháp nuôi con là lúc còn nhỏ, từ từ cho ăn thức ăn mềm dẻo và lại dễ tiêu. Khi tuổi lớn khôn thì cho ăn các thức ăn cứng hơn, cũng sẽ tiêu hóa không có hại gì. Ta cũng như vậy, vì các đệ tử trước nói bất tịnh, vô thường, khổ, không, như cho con ăn thức ăn mềm dẻo.

Khi đạo tâm đã tăng trưởng lên rồi, có thể kham nhận các pháp đại thừa thì ta mới dạy giáo pháp đại thừa Đại Bát Nê Hoàn, cho ăn sáu món thức ăn cứng hơn, là vị ngọt, đắng, cay, chua, mặn, nhạt.

Lấy mọi khổ đau làm món vị chua, vô thường vị mặn, vô ngã vị đắng, vui thích vị ngọt, ngô ngã vị nhạt, thường pháp vị cay, lấy củi phiền não, đốt lửa huyễn nghiệp, nấu chín pháp thực Đại Bát Nê Hoàn thành vị cam lồ.

Lại nữa thiện nữ! Thí như có hai chị em nhà nọ, có duyên sự cần phải ra khỏi nhà đến thôn xóm khác, hoặc sẽ ở lâu không thể về liền. Họ có hai con, một đứa rất ngoan, một đứa rất hư, cho nên lúc đi, bao nhiêu trân bảo, kho tàng bí mật đều không nói cho đứa con hư biết, mà đem giao phó cho đứa con ngoan.

Người nữ bạch Phật: Đúng vậy, Thế Tôn! Phật hỏi người nữ: Tại sao kho báu không nói cho đứa con hư đốn biết?

Người nữ bạch Phật: Bởi đứa con hư làm điều phi nghĩa, phóng túng buông lung, ăn tiêu vô độ, vì vậy không nói. Còn đứa con ngoan có thể gầy dựng gia nghiệp giàu sang, vinh hiển dòng họ, nên giao cho nó.

Phật bảo: Đúng vậy! Giáo pháp của ta cũng y như vậy. Lúc ta phương tiện muốn vào Nê Hoàn, pháp yếu bí mật bảo tạng Như Lai phải trao đệ tử, không trao những người phạm giới, tà kiến. Đối với Như Lai, nay bà chớ nghĩ là pháp diệt tận, mà phải nghĩ rằng là pháp thường trụ.

Người nữ bạch Phật: Con thường nghĩ tưởng Như Lai thường trụ.

Phật bảo: Này bà! Như lời bà nói, nên quán như vậy, chớ nên nghĩ rằng các pháp diệt tận, phải biết Như Lai là pháp thường trụ, không phải là pháp biến dịch đổi thay, không phải là pháp hủy diệt từ từ.

Nếu như người nào thường xuyên tu tập, quán tưởng Như Lai là pháp thường trụ, phải biết người đó nhà nhà có Phật. Như vậy gọi là giúp người chuyên chính.

Tùy thời hỏi đáp là như có người đến hỏi Như Lai: Con phải làm sao được danh đại thí, tiếng đồn khắp chốn, thiên hạ đều hay mà không tổn mất một chút tài sản.

Phật bảo kẻ ấy: Với người thanh tịnh, không nuôi súc vật, trâu bò, đày tớ, tu trì phạm hạnh thì đem những thứ nô tỳ, vợ con… vui vẻ cho họ.

Người không ăn thịt, vui vẻ đem thịt bố thí cho họ. Người không uống rượu, dù chỉ một giọt, vui vẻ đem rượu khuyến khích họ uống. Người ăn đúng thời, vui vẻ dâng cúng những lúc phi thời.

Người bỏ trang sức những thứ hương hoa, thì đem hương hoa, những đồ trang sức, vui vẻ cho họ. Đem những thứ ấy, cho người thế kia, rồi quay trở về. Nếu làm như vậy liền được mang danh là đại thí chủ, thiên hạ đều biết nhưng mà chưa từng tổn hao một hào tài sản của mình. Thuyết như vậy là tùy thời hỏi đáp.

Bấy giờ Bồ Tát Ca Diếp bạch Phật: Như Thế Tôn dạy, người không ăn thịt mà cho họ thịt, người ăn thịt đó mắc tội không lớn, như vậy chẳng phải là làm tăng trưởng tà kiến ngoại đạo?

Vì vậy nên chế giới không ăn thịt?

Phật bảo Ca Diếp: Lành thay! Lành thay! Này thiện nam tử khéo hiểu ý Phật. Bồ Tát hộ pháp nên phải như vậy.

Này thiện nam tử! Từ ngày hôm nay ta cấm đệ tử không được ăn thịt. Giả sử nhận được những thức ăn khác phải thường quán tưởng như ăn thịt con.

Vì sao đệ tử của Đức Như Lai mà lại ăn thịt?

Chư Phật đã dạy người nào ăn thịt là bị đoạn mất hạt giống đại từ.

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Vì sao được ăn ba món tịnh nhục?

Phật bảo Ca Diếp: Ba món tịnh nhục là ta tùy việc tạm thời chế ra.

Ca Diếp lại thưa: Là do nhân gì?

Phật bảo Ca Diếp: Có chín cách nhận, trừ mười loại thịt. Đây cũng tạm chế, phải biết từ nay không được dùng nữa.

Bồ Tát Ca Diếp lại bạch Phật rằng: Vậy sao Thế Tôn từng khen thịt cá là thứ ăn ngon?

Phật bảo Ca Diếp: Ta chưa từng nói thịt cá là thứ thức ăn thơm ngon. Ta chỉ nói rằng cây mía, lúa tẻ, lúa gạo, đường phèn, các loại trái cây là thức ăn ngon, như ta khen ngợi các thứ y phục trang nghiêm vẫn là ba y hoại sắc. Phải biết thịt cá là loại thức ăn tanh hôi ô uế, chỉ làm tăng trưởng thêm lòng tham muốn.

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Nếu Thế Tôn cấm không được ăn thịt thì năm món như: sữa, dầu, vải bông, ngọc bội, da thú, cũng không được nhận.

Phật bảo Ca Diếp: Nghĩ lạ, Ca Diếp?

Ông chớ nhận thức như bọn ngoại đạo nhóm Ni Kiền Tử.

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Vậy phải thế nào?

Phật bảo Ca Diếp: Này thiện nam tử! Từ ngày hôm nay, ta cấm đệ tử không được thọ dụng ba món tịnh nhục, và bỏ chín cách thọ nhận thức ăn dù không có mười loại thịt đã cấm, cho đến loài vật tự nhiên chết đi cũng không được ăn.

Bởi vì sao vậy?

Người nào ăn thịt thì khi đi đứng ngồi nằm chúng sinh thấy đều sợ hãi, vì nghe sát khí từ nơi người ấy, như người ăn món hưng cừ hay tỏi, nếu vào hội chúng ai cũng chán ghét.

Người nào ăn thịt cũng y như vậy, tất cả chúng sinh nghe mùi sát khí lo sợ bị chết, những loài có mạng, dưới nước trên đất, hoặc bay trên không, thấy đều chạy trốn. Vì vậy Bồ Tát chưa từng ăn thịt, vì độ chúng sinh tùy thời ăn uống kỳ thật chẳng ăn.

Lại nữa thiện nam! Ta Nê Hoàn rồi, về đời lâu sau có những Tỳ Kheo tuy là học đạo mà tự cống cao, cho mình chứng quả, hoặc Tu Đà Hoàn, hoặc Tư Đà Hàm, hoặc A Na Hàm, hoặc A La Hán.

Trong đời ác trược, những người lang thang, bần cùng khốn khổ xuất gia học đạo phần nhiều lạm dụng danh tự Tỳ Kheo, vì lợi dưỡng mà cung kính bạch y.

Hình trạng tiều tụy như đứa chăn trâu. Thân mặc Cà Sa như kẻ thợ săn trá hình bắt thú. Mong cầu danh lợi của cải thế gian như mèo bắt chuột. Các bệnh gầy gò, ghẻ lở, phong cùi, thân thể bất tịnh mà đắp y phục Hiền Thánh Mâu Ni. Thân hình giống như ngạ quỷ bần cùng, lạnh rét khốn khổ, chẳng phải Sa Môn giả tướng Sa Môn.

Ở Đời sau này, lúc chánh pháp hoại, pháp luật hành xử, Kinh Điển chính luận mà ta đã chế, đều bị trái ngược. Ai nấy tự tạo Kinh Luận, giới luật, nói giới luật mình ăn thịt thanh tịnh là điều Phật dạy. Tự tạo luận tụng trái ngược lẫn nhau. Đều xưng Sa Môn đệ tử Thích Ca.

Lại nữa thiện nam! Giáo pháp ta dạy thụ dụng ngũ cốc, lúa gạo còn sống và tự tay làm cá thịt mà ăn đều không thanh tịnh. Học nghề ép dầu, cùng các kỹ thuật làm thợ công xảo, thợ mộc, luyện da, lui tới quốc vương, xem sao, làm lịch, chế biến thuốc thang.

Học luận thanh âm, văn từ xảo thế, chăn nuôi súc vật, nuôi giữ nô tỳ, cất chứa tiền tài, vàng bạc, san hô, ngọc bội, cẩm thạch, trân châu, vật báu, nuôi dưỡng các loài sư tử, hổ, báo, chồn, chuột, mèo, cáo, cất chứa thuốc độc, luyện thuật bùa chú, làm thợ vẻ tranh.

Viết sách sớ điệp, tạo sự nghiệp bằng các trò mưu mẹo khiến người mê hoặc, ca múa huyễn hoặc, đấu vật, nhuộm răng, thân ướp hương thơm, lấy hoa cài tóc, trau chuốt thể hình, và còn tất cả những vật phi pháp, hoặc giống phi pháp, ta đều bảo đó là pháp bất tịnh.

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Có những Quốc Độ mà dân nước ấy phần nhiều ăn thịt, nếu đi khất thực đều nhận thức ăn trộn lẫn với thịt, thì các Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni, hàng Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di, ở trong nước ấy làm sao giữ được đời sống thanh tịnh?

Phật bảo Ca Diếp: Này thiện nam tử! Nếu nhận thức ăn trộn lẫn với thịt, nên bỏ thức ăn vào ở trong nước, tách cơm với thịt riêng ra mỗi thứ, rồi lấy cơm ăn thì không phạm giới.

Bồ Tát Ca Diếp lại bạch Phật rằng: Nếu như thức ăn trộn lẫn với thịt mà không thể phân thì phải làm sao?

Phật bảo Ca Diếp: Này thiện nam tử! Nếu ở đất nước mà mọi người dân ăn thịt là chính, tất cả thức ăn thảy đều có thịt, thì ta cho phép bỏ hết thịt ra, còn lại thức ăn đem bỏ vào nước, làm mất hương vị của thịt đi rồi sau đó mới dùng. Còn như cá thịt có thể phân ra mà ăn là tội. Ngày nay ta chế giới không ăn thịt là có nhân duyên.

Nếu không nhân duyên thì nhân thuyết Kinh Đại Bát Nê Hoàn cũng sẽ cấm chế không được ăn thịt. Như thế gọi là tùy thời hỏi đáp.

Hiểu rõ nhân duyên là nếu Tỳ Kheo hay Ưu Bà Tắc hỏi nghĩa như vậy: Vì sao Thế Tôn, Như Lai Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác lúc mới xuất thế không vì đệ tử mỗi mỗi chế giới?

Mỗi mỗi không thuyết pháp môn như vậy?

Sao không thuyết Ba La Đề Mộc Xoa đến nơi rốt ráo?

Nghĩa này thế nào?

Tỳ Ni là gì?

Này thiện nam tử! Nghe ta phân biệt nghĩa lý của Ba La Đề Mộc Xoa. Ba La Đề Mộc Xoa có nghĩa là ít muốn biết đủ, thành tựu uy nghi, không còn đọa lạc vào đường súc sinh, lìa mọi nhiễm trước, hết thảy thân mạng đều được thanh tịnh.

Đọa lạc là đọa vào bốn đường ác, địa ngục thiêu đốt. Uy nghi nghĩa là ít muốn biết đủ, nên không đọa lạc vào đường súc sinh, hết thảy thân mạng đều được thanh tịnh, cho nên giới bổn gọi là không đọa.

Đọa trong địa ngục A tỳ khổ đau gọi là đọa lạc. Bố Tát nghĩa là nuôi lớn hai điều, một là tăng trưởng giới bổn mộc xoa, hai là làm cho lìa mọi tà thuyết.

Tỳ Ni nghĩa là giới luật vi tế, điều phục uy nghi, những vật phi pháp mình không tiếp nhận, cũng không cho người, gọi là Tỳ Ni.

Trong đó ai phạm bốn pháp giới trọng, mười ba hữu dư, ba mươi xả đọa, chín mươi mốt pháp đọa, bốn pháp hối quá, trăm pháp chúng học, hai pháp bất định, bảy pháp diệt tránh, những người phỉ báng Kinh Điển và bọn nhất xiển đề, phạm những tội như thế mà không hướng đến những người thanh tịnh phát lồ sám hối. Một mực che dấu, như rùa giữ kĩ sáu chi của mình, thì tội phạm giới ngày đêm tăng trưởng.

Vì sao Thế Tôn biết có tội này mà không kết giới?

Khiến cho chúng sinh đọa vào ác thú?

Giống như một người dẫn theo nhiều người muốn đi phương khác đã chỉ bày rõ cho con đường chính, nhưng vẫn có người quên mất đường chính lạc vào đường khác, có người lanh lợi hô hoán kịp thời khiến người lạc đường quay lại đường chính.

Giáo pháp Như Lai cũng y như vậy, lúc đầu chỉ nói con đường duy nhất thẳng đến Nê Hoàn, nếu các Tỳ Kheo phạm nhiều lỗi lầm, khi đó mới nói quả báo phạm tội, rồi chế giới cấm.

Như vậy Thế Tôn chỉ đường chân thật, vì mọi chúng sinh nói rõ công đức của mười nghiệp lành. Trong các vị Trời, Phật là hơn hết. Trong tất cả Pháp, Phật là chánh pháp.

Ngài thương chúng sinh, nói rõ công đức của mười nghiệp lành, bình đẳng thương yêu tất cả chúng sinh y như con một.

Nếu có chúng sinh đọa trong địa ngục, vì muốn cứu độ chúng sinh này thoát khỏi cảnh địa ngục thì Đức Như Lai có thể ở trong địa ngục kéo dài tuổi thọ một kiếp, hoặc hơn một kiếp.

Vì vậy làm sao có thể để cho Tỳ Kheo phạm giới tăng trưởng tội lỗi đọa trong đường ác?

Như người thợ may, may xong áo mới, sau đó cắt xé cho rách nát đi rồi khâu vá lại. Thí như ông Vua Chuyển Luân Thánh Vương mới đầu dùng pháp mười nghiệp thiện lành giáo hóa nhân dân. Về sau dân chúng ác hạnh tăng dần, Vua lấy Tự Tại Kim Luân Bảo thần ra chế pháp luật, điều phục chúng sinh.

Thế Tôn cũng vậy, lúc đầu chưa kết giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa, về sau Tỳ Kheo phạm tội tăng dần, khi ấy mới lấy nhân duyên phạm giới làm điều căn cứ rồi chế giới cấm để cho chúng sinh, những người giữ giới an lạc tu tập thấy nhân duyên đó càng thêm hoan hỷ.

Tín tâm tăng trưởng, nhẫn đến bình đẳng quán chiếu nghĩa lý bốn pháp chân thật thậm thâm vi diệu, như vua chuyển luân tự tại sử dụng Bảo Thần Kim Luân.

Pháp luân của Phật cũng y như vậy, cũng là giáo pháp vô lượng Chư Phật. Chư Phật Như Lai chẳng thể nghĩ bàn. Giáo pháp Phật thuyết chẳng thể nghĩ bàn. Những người nghe được giáo pháp của Phật chẳng thể nghĩ bàn. Những ai tin được Kinh này cũng là chẳng thể nghĩ bàn.

Như vậy gọi là khéo hiểu nhân duyên, là Đại Bồ Tát thành tựu bốn pháp có thể nói Kinh Đại Bát Nê Hoàn cho người khác nghe.

Hiện nói nhân duyên và nhân duyên của Đại Bát Nê Hoàn chính là Bộ Kinh Đại Bát Nê Hoàn. Như vậy gọi là khéo hiểu nhân duyên.

Tự chuyên chính là thành thật trở lại với chính bản thân, chuyên hướng về Kinh Đại Bát Nê Hoàn, phải biết đấy là tự mình chuyên chính.

Lại có khả năng giúp người chuyên chính là biết Tỳ Kheo tâm đã thành thục mới nói bổn Kinh Đại Bát Nê Hoàn, nói Đức Như Lai trường tồn bất diệt, phải biết đây là giúp người chuyên chính.

Tùy thời hỏi đáp là như ta vì Ca Diếp mà nói bậc Đại Bồ Tát lợi trí vi diệu, có nhiều bí yếu, phương tiện Mật Giáo, chẳng phải Thanh Văn hay hàng Duyên Giác có thể suy lường, đó chính là Kinh Đại Bát Nê Hoàn, đây cũng gọi là tùy thời vấn đáp, tùy vào tâm tưởng của mọi chúng sinh mong muốn điều gì thì nói pháp ấy, chẳng phải hư vọng.

Thí như một người diễn tả hư không bằng nhiều tên gọi, là không, là hư, là không gì cả, hay là vô số… diễn tả như vậy chẳng phải hư vọng. Như Lai thuyết pháp cũng y như vậy. Bộ Kinh Đại Bát Nê Hoàn này nói bốn pháp ắt hẳn có chỗ ứng hợp, chẳng phải hư vọng.

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Nếu Đức Như Lai trường tồn bất diệt thì trái ngược với khế Kinh Phật dạy.

Rồi thì Bồ Tát nói bài kệ rằng:

Như đốt viên sắt nóng

Rồi bỏ vào nước lạnh

Sức nóng nó mất dần

Chẳng biết nó về đâu

Giải thoát hết tất cả

Qua vực sâu tử sinh

Mãi an lạc bất động.

Chẳng biết ở nơi nào?

Phật bảo Ca Diếp: Này thiện nam tử! Chớ dùng bài kệ nói điều sai lầm, cho rằng Như Lai mãi mãi mất hẳn. Chẳng phải sắt nóng bỏ vào trong nước sức nóng của nó dần dần mất hẳn. Chư Phật Như Lai vĩnh diệt Nê Hoàn cũng y như vậy.

Như viên sắt nóng bỏ vào trong nước, sức nóng mất dần, Như Lai cũng vậy, vô lượng phiền não, trói buộc, hoạn nạn, thảy đều tiêu diệt, thí như sắt nóng bỏ vào trong nước sức nóng của lửa tuy đã diệt mất, nhưng tính của sắt vẫn còn nguyên vẹn.

Như Lai cũng vậy, vô lượng kiếp số, lửa dữ phiền não đều tiêu diệt cả, nhưng tính Như Lai là tính Kim Cang vẫn hằng thường tại, không phải là pháp biến dị thay đổi, không phải là pháp hủy diệt từ từ.

Đức Phật Như Lai giải thoát tất cả, vượt qua mọi chốn vực sâu sinh tử, thể nhập Nê Hoàn là đi đến chỗ mọi nẻo thú hướng hoàn toàn vĩnh diệt, không thể biết được, vì vậy nói rằng:

Giải thoát hết tất cả

Qua vực sâu tử sinh

Mãi an lạc bất động

Chẳng biết ở nơi nào?

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Kính bạch Thế Tôn! Như đem sắt nóng bỏ vào trong nước, sức nóng của nó dần dần mất hẳn, rồi lại đem nó bỏ vào trong lửa. Như Lai Nê Hoàn kỳ thật thường trụ, nhưng vì chúng sinh lại vào vô lượng lửa dữ sinh tử, đoạn trừ tất cả oán kết hoạn nạn trói buộc chúng sinh.

Lành thay, Thế Tôn! Như Lai trường tồn, là điều chắc thật.

Phật bảo Ca Diếp: Đúng vậy! Đúng vậy! Này thiện nam tử! Thí như ông Vua Chuyển Luân Thánh Vương vào trong hậu cung cùng với mỹ nữ vui hưởng dục lạc, phút chốc sau đó đi ra ngự viên, đến hồ nước tắm, khoái lạc tự tại. Bấy giờ trong cung chẳng thấy bóng vua chớ bảo mất hẳn.

Chư Phật Thế Tôn bỏ Diêm Phù Đề, thị hiện vô thường cũng y như vậy, chớ bảo vĩnh diệt, như vua chuyển luân bỏ chốn thâm cung dạo chơi lâm viên khoái lạc tự tại.

Như Lai cũng vậy, bỏ chốn thâm cung vô lượng phiền não, vào vườn tổng trì, có hoa thất giác, có hồ tắm mát, dạo chơi thoả thích, dùng trí phương tiện tự tại hóa hiện, vô lượng phiền não đã diệt từ lâu.

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Như Thế Tôn dạy, Như Lai đã diệt vô lượng kiếp số sinh tử phiền não, hoạn nạn khổ đau, Ngài đã vượt qua biển lớn ngũ dục, vậy thì tại sao lúc còn Bồ Tát ở trong thâm cung vui thú dục lạc cùng với mỹ nữ?

Và làm thân phụ của La Hầu La?

Do đó nên biết Ngài chưa đoạn hết phiền não hoạn nạn, Ngài chưa vượt qua biển lớn ngũ dục.

Phật bảo Ca Diếp: Này thiện nam tử! Chớ nói lời đó với Đức Như Lai, Ứng Cúng Đẳng Giác. Sở dĩ gọi là Đại Bát Nê Hoàn bởi có khả năng kiến lập nghĩa lớn, nay ông lắng nghe và diễn nói rộng cho người khác nghe, chớ sinh nghi ngờ.

Bậc Đại Bồ Tát trụ trong Nê Hoàn có khả năng lấy núi chúa Tu Di bỏ vào hạt lúa, vậy mà bao nhiêu chúng sinh sống ở nơi núi Tu Di chẳng bị nhiễu hại, đến đi đứng ngồi, chẳng biết ai làm, chỉ trừ chúng sinh có được tri kiến, biết Bồ Tát trụ Đại Bát Nê Hoàn an trí Tu Di vào trong hạt lúa rồi sau trả lại. Cảnh giới của bậc Đại Bồ Tát trụ Đại Bát Nê Hoàn là y như vậy.

Lại nữa thiện nam! Bậc Đại Bồ Tát trụ trong Đại Bát Nê Hoàn cầm lấy Đại Địa của cả ba ngàn Thế Giới bỏ vào hạt lúa, bao nhiêu chúng sinh trong Thế Giới ấy chẳng bị nhiễu hại và chẳng thể biết ai đem mình đến, ai an trí mình ở tại chỗ đó, ngoại trừ chúng sinh có được tri kiến biết Bồ Tát trụ Đại Bát Nê Hoàn cầm lấy ba ngàn đại thiên Thế Giới an trí vào trong hạt lúa rồi sau trả lại như cũ.

Lại nữa thiện nam! Bậc Bồ Tát trụ Đại Bát Nê Hoàn lại đem ba ngàn đại thiên Thế Giới an trí vào trong lỗ chân lông mình, vậy mà chúng sinh của Thế Giới ấy chẳng bị nhiễu hại và chẳng tự biết ai đem mình đến, ai an trí mình ở tại chỗ đó, chỉ trừ chúng sinh có được tri kiến biết Bồ Tát trụ Đại Bát Nê Hoàn đem cả Thế Giới ba ngàn đại thiên an trí vào trong lỗ chân lông của thân thể quý Ngài rồi sau trả lại.

Lại nữa thiện nam! Bậc Bồ Tát trụ Đại Bát Nê Hoàn, ở Thế Giới này có thể đem cả mười phương Quốc Độ của các Chư Phật để trên đầu kim, như lấy đầu kim nâng chiếc lá táo, rồi đem đi qua Quốc Độ Phật khác mà các chúng sinh chẳng bị nhiễu hại và đều chẳng hay ai đem mình đi, ai an trí mình vào Quốc Độ ấy, chỉ trừ chúng sinh có được tri kiến biết Bồ Tát trụ Đại Bát Nê Hoàn và dùng thần lực để làm việc ấy.

Lại nữa thiện nam! Bậc Bồ Tát trụ Đại Bát Nê Hoàn nắm hết tất cả Quốc Độ mười phương bỏ vào tay phải, như người thợ nung nắm lấy bánh xe làm bằng đất nung ném qua phương khác, xa đến vô lượng Thế Giới vi trần, mà các chúng sinh không bị nhiễu hại, và chẳng tự hay ai đem mình đi, ai an trí mình vào Thế Giới ấy, chỉ trừ chúng sinh có được tri kiến biết Bồ Tát trụ Đại Bát Nê Hoàn và dùng thần lực để làm việc ấy.

Lại nữa thiện nam! Bậc Bồ Tát trụ Đại Bát Nê Hoàn lấy hết Thế Giới khắp cả mười phương bỏ vào hạt bụi, mà các chúng sinh chẳng hề tổn hại, và chẳng tự hay ai đem mình đến an trí tại đó, ngoại trừ chúng sinh có được tri kiến, biết Bồ Tát trụ Đại Bát Nê Hoàn, và dùng thần lực để làm việc đó.

Này thiện nam tử! Đại Bồ Tát trụ Đại Bát Nê Hoàn có đại thần lực, thị hiện vô số những việc như vậy, cho nên gọi là Đại Bát Nê Hoàn. Những việc Bồ Tát đã làm khi trụ Đại Bát Nê Hoàn tất cả chúng sinh không thể lường được.

Nay ông làm sao có thể biết được Như Lai gần gũi với năm món dục, và làm thân phụ của La Hầu La?

Lại nữa thiện nam! Ta trụ ở trong Đại Bát Nê Hoàn là vì việc lớn, ở trong ba ngàn đại thiên Thế Giới, trăm ức mặt trời và cả mặt trăng, trăm ức cõi nước Diêm Phù Đề này hóa hiện nhiều cách, y như cảnh giới định Thủ Lăng Nghiêm đã nói, ở trong ba ngàn đại thiên Thế Giới và Diêm Phù Đề đều lấy Đại Bát Nê Hoàn để thị hiện Nê Hoàn.

Nhưng mà chẳng phải nhập Bát Nê Hoàn một lần sau cuối, mà còn trở lại cõi Diêm Phù Đề ở trong năm dục thị hiện thụ thai, cha mẹ của ta gọi ta là con, nhưng ta từ thuở quá khứ xa xưa, vô số kiếp trước đến nay đã đoạn sạch hết ái dục, không còn thụ thân nhiễm ô bất tịnh, không còn thụ thân thụ thực ô uế, thân ta chính là pháp thân thanh tịnh, sự sinh đã đoạn.

Ta dùng trí tuệ phương tiện tùy thuận, ở Diêm Phù Đề thị hiện sinh ra làm một Đồng Tử, khi vừa sinh ra, bước về hướng bắc bảy bước và nói: Trong loài Trời, người đến A Tu La chỉ có mình ta là tôn quý nhất, không ai sánh bằng.

Cha mẹ vui mừng cất tiếng khen rằng: Ta sinh đứa con, vừa mới chào đời đã đi bảy bước, là chuyện hiếm trong cuộc đời này! Vào lúc bấy giờ, mọi loài chúng sinh đều nói kỳ lạ, nhưng ta chưa từng làm thân Đồng Tử. Từ vô lượng kiếp đến nay ta đã lìa hạnh anh nhi, Pháp Thân thanh tịnh, chẳng phải là thân gân cốt xương thịt, thức ăn nuôi lớn.

Pháp Thân thị thiện tùy thuận thế gian, làm thân đồng tử, hướng về phương Nam bước đi bảy bước là muốn chỉ rõ, trong mọi phước điền ta là hơn hết.

Hướng về phương Tây bước đi bảy bước là muốn nói rõ, ta sẽ là người hoàn toàn đoạn tận sinh lão bệnh tử, trong cõi chúng sinh đây là thân cuối.

Hướng về phương Đông bước đi bảy bước là muốn nói rõ trong mọi chúng sinh ta là bậc thầy dẫn đường tối thượng.

Hướng về bốn gốc bước đi bảy bước là muốn nói rõ ta sẽ đoạn tận mọi thứ tà thuyết, quét sạch phiền não, hành động của ma, Thiên Tử tự tại đều phải hàng phục, và ta sẽ thành Ứng Cúng Đẳng Giác. Nương giữa hư không, nhẹ đi bảy bước là ta thị hiện không bị nhiễm ô, như hư không kia.

Hướng về phương Dưới, bước đi bảy bước là muốn nói rõ, ta sẽ phá bỏ tất cả lửa dữ ở trong địa ngục, nổi mây pháp lớn, rưới mưa pháp lớn, an lạc chúng sinh, mưa trận mưa đá đại pháp đè bẹp tất cả ác giới.

Ta sinh ở cõi Diêm Phù Đề này thị hiện vẫn còn búi tóc là muốn cho chúng sinh biết búi tóc trên đầu của đồng tử kia Chư Thiên, loài người không ai có thể cầm dao đến cắt búi tóc ở trên đỉnh đầu ta được. Trong vô số kiếp ta đã từ bỏ búi tóc này rồi, nay lại thị hiện vẫn còn búi tóc là để tùy thuận thế gian mà thôi.

Ta thị hiện vào trong miếu thờ Trời, đại lực Thiên Thần, Thích Phạm hộ thế cúi đầu cung kính đảnh lễ sát chân, vì vô số kiếp ta đã làm thầy của cả Trời, người, nay thị hiện vào miếu Trời là để tùy thuận thế gian.

Ở Diêm Phù Đề ta còn thị hiện việc đeo khoen tai, nhưng thật ra chẳng có người nào dám đeo khoen cho ta. Mái tóc xoắn tròn, rủ xuống bên phải như bờm sư tử, hết thảy nhân dân đều thấy tóc ta như bờm sư tử, nhưng vô số kiếp ta đã từ bỏ mái tóc rủ ấy, nay ta thị hiện mái tóc xoắn tròn, rủ xuống bên phải như bờm sư tử là để tùy thuận thế gian mà thôi.

Ở Diêm Phù Đề, ta cũng thị hiện vào trong học đường, nhưng trong ba cõi không ai có thể làm thầy ta được, duy chỉ có ta làm thầy Trời, người, vì vậy cho nên gọi ta là bậc nhất thiết chủng trí.

Nhiều kiếp ta đã từng học thành tựu trí tuệ vô thượng, nhưng nay thị hiện vào trong học đường là để tùy thuận chúng sinh mà thôi.

Ta cũng thị hiện cưỡi voi, cưỡi ngựa, xử dụng xe báu, giữ các kho báu, thân ở thâm cung hưởng thụ dục lạc, lãnh đạo việc nước, nhưng thật chưa từng bị những thứ đó làm cho nhiễm trước, vì từ lâu xa ta đã xả ly tất cả thứ ấy như bỏ đàm giải.

Ta còn thị hiện thụ năm món dục, lãnh đạo việc nước, làm Chuyển Luân Vương, Vua Diêm Phù Đề, nhưng vô số kiếp ta đã từ bỏ địa vị Vua chúa, vận chuyển pháp luân Cam Lồ vô thượng, nay ta thị hiện làm Vua chuyển luân chỉ là tùy thuận thế gian mà thôi.

Ở Diêm Phù Đề ta cũng thị hiện thấy cảnh sinh, già, bệnh, chết, rồi ta từ bỏ cung vàng điện ngọc với mọi dục lạc xuất gia, mọi người đều thấy đồng tử xuất gia, nhưng ta chỉ vì hóa độ chúng sinh và để tùy thuận thế gian nên mới thị hiện xuất gia.

Ta cũng thị hiện chứng đắc bốn quả của bậc Sa Môn là Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán, trải qua chín lớp thứ tự thiền định, tu bốn chân đế, chúng sinh đều thấy ta rất mau chóng thành bậc La Hán không ai sánh bằng, nhưng nhiều kiếp trước ta đã chứng quả cứu cánh La Hán, nay vì hóa độ mọi loài chúng sinh cho nên thị hiện lần đầu tiên chứng.

Ta lại thị hiện đến dưới gốc cây trải cỏ làm tòa, hàng phục chúng ma thành đạo vô thượng, nhưng nhiều kiếp trước ta đã hàng phục tất cả chúng ma và mọi phiền não, đã chứng đắc được pháp vị Cam Lộ.

Ta cũng thị hiện thở ra hít vào, đại tiện tiểu tiện, nhưng thân ta là pháp thân thanh tịnh đâu có các thứ phiền phức đó nữa, mà chỉ thị hiện theo cách thế gian.

Thị hiện ăn uống là vì chúng sinh, kỳ thật ta chẳng có niệm đói khát, thị hiện ăn uống là để tùy thuận theo cách người đời.

Trong vô số kiếp ta thường chứng đắc các Ba la mật thậm thâm vi diệu, nên chẳng còn bị thời tiết chi phối, nhưng phải tùy thuận theo cách thế gian, thị hiện ở trong nhà cửa phòng xá, kỳ thật không có mấy việc ngủ nghỉ, ợ, ngáp phiền phức.

Thị hiện ngồi, nằm, kinh hành, dòm ngó, liếc qua, liếc lại, ngẩng lên, cúi xuống, kỳ thật pháp thân của ta không có các cử chỉ đó.

Thị hiện tắm rửa, thân thể sức dầu, dùng cành dương chi để mà súc miệng, nhỏ thuốc sáng mắt, nhưng mà pháp thân đâu có sử dụng những thứ không được thanh tịnh như vậy.

Thân thể của ta, tay chân mềm mại như cánh lá sen, miệng ngát hương thơm như hoa Ưu Bát, đôi mắt trong sáng tựa như mặt trăng, nhưng để tùy thuận thế gian nên phải thị hiện thế kia.

Ta còn thị hiện sống hạnh thiểu dục, khất thực xin ăn, mặc đồ phấn tảo, nhưng nhiều kiếp trước ta đã thực hành thành tựu cứu cánh đời sống của một Sa Môn khổ hạnh.

Ta thị hiện giữa nhân gian làm cha của La Hầu La, làm con của Vua tên là Tịnh Phạn, mẹ là Ma Da, quyến thuộc đầy đủ, nhưng có khả năng từ bỏ cuộc sống an vui thế tục xuất gia học đạo, sống ở trong rừng, ngồi dưới gốc cây, đoạn mọi thô tế của năm món dục và những trạng thái thọ lạc khác nhau.

Bỏ ngôi Vương Tử dòng họ Cù Đàm, thị hiện xuất gia hóa độ chúng sinh. Như Lai không hề đắm nhiễm năm món dục lạc khi làm cha La Hầu La.

Ta thị hiện có đầy đủ cha mẹ là để tùy thuận theo cách thế gian, chúng sinh đều thấy ta là người thường, kỳ thật Như Lai chẳng như người Trời, chẳng giống người đời.

Lại nữa, ở Diêm Phù Đề Như Lai thị hiện nhập Bát Nê Hoàn nhưng mà không phải vào Nê Hoàn hẳn, chúng sinh đều bảo Như Lai vĩnh diệt, nhưng mà pháp thân Như Lai thường trụ, chẳng phải là pháp thay đổi, hoại diệt.

Thị hiện Nê Hoàn là pháp thường trụ của các Chư Phật. Có khi thị hiện làm một Tỳ Kheo phạm bốn tội trọng, mọi người đều thấy, nhưng mà kỳ thật ta chưa bao giờ thể hiện giải đãi.

Hoặc lại thị hiện làm nhất xiển đề, hoặc phá hoại Tăng, mọi người đều thấy ta tạo tội nghiệp địa ngục vô gián, nhưng mà kỳ thật ta không hề có tâm phá hoại Tăng, thật ra không ai phá hoại Tăng được.

Ở Diêm Phù Đề ta còn thị hiện hộ trì chánh pháp, mọi người đều thấy ta là Đại Sĩ Hộ pháp đắc lực, nhưng đây chỉ là pháp thường của Phật và hàng Bồ Tát. Ở Diêm Phù Đề hiện làm Thiên Ma ai cũng đều thấy, kỳ thật ta không tạo nghiệp của ma.

Ở Diêm Phù Đề hiện làm thân nữ, ai cũng ngạc nhiên: Lạ thay, hôm nay người nữ thành Phật! Nhưng mà kỳ thật Như Lai chưa từng làm thân nhi nữ, tùy theo nhân duyên và chỗ mong cầu của mọi chúng sinh mà thị hiện làm thân nam, thân nữ.

Ở Diêm Phù Đề ta thị hiện vào bốn loài súc sinh, mọi người đều bảo là súc sinh thật, kỳ thật ta không tạo nghiệp súc sinh, thị hiện vào đó là để tùy thuận thế gian mà thôi.

Ta lại thị hiện vào chúng Phạm Thiên, làm thầy bọn họ, chỉ vì phương tiện dẫn dắt chúng sinh phụng thờ Phạm Thiên để khiến cho họ kính tin chánh pháp chứ ta không hề tạo nghiệp Phạm Thiên, hiện tướng Phạm Thiên chỉ là tùy thuận thế gian mà thôi.

Ta lại thị hiện vào trong nhà chứa độ các dâm nữ, không hề khởi lên ý tưởng tham dục, tâm như hoa sen chẳng nhiễm bùn nhơ.

Thân tướng trang nghiêm, đến khắp những nơi ồn ào náo nhiệt, phương tiện dẫn dắt, giáo hóa chúng sinh có tâm nhiễm ô.

Ta lại thị hiện vào trong kỹ viện hiện làm kỹ nữ nhưng dùng chánh pháp giáo hóa mọi người. Vào trong học đường thị hiện làm thầy dạy bọn trẻ con.

Hoặc vào quán rượu, chiếu bạc, hý viện để giáo hóa người, nhưng ta không hề tạo nghiệp như họ. Đến nơi gò mả độ các chim thú, nhưng ta chẳng phải là thân súc sinh.

Vào nhà trưởng giả truyền trao chánh pháp. Vào chốn Đại Thần chỉ dạy việc nước. vào chỗ Thái Tử dạy làm hộ pháp. Vào nhà Vương hầu làm bậc Tiên Vương vận dụng chánh pháp để mà trị Quốc.

Ta còn thị hiện ra các mầm bệnh nhân đó chữa trị những người bệnh ấy, rồi đem chánh pháp dạy họ chán lìa bệnh khổ của thân, chúng sinh cho rằng thật có mầm bệnh.

Ta cũng thị hiện mất mùa đói khát rồi đem thức ăn cam lộ bố thí cho những chúng sinh đói khổ trở về nương tựa chánh pháp, chúng sinh bảo rằng thật có kiếp đói.

Ta còn thị hiện trận kiếp đao binh, khiến cho chúng sinh tổn hại lẫn nhau, nhân đó mới đem chánh pháp giáo hóa khiến họ hòa vui, chúng sinh cho rằng thật có tai kiếp đao binh chiến trận.

Ta lại thị hiện tướng trạng vô thường như lửa thiêu đốt, để dạy cho những chúng sinh chấp thường, chúng sinh đều bảo thật có tai họa lửa dữ thiêu đốt.

Mỗi loài chúng sinh đều đồng ngôn ngữ giống loài của mình, nhưng ai cũng cho tiếng nói loài mình hơn mọi loài khác, nên ta tùy thuận âm thanh họ ưa mà hóa độ họ.

Ta lại thị hiện đủ cả bốn loại đất, nước, gió, lửa, tùy loại chúng sinh mê đắm loài nào nhân đó độ họ. Ta lại thị hiện làm những cây thuốc, tùy mỗi căn bệnh chữa trị độ thoát chúng sinh bệnh đó.

Ta lại thị hiện vào chúng ngoại đạo xuất gia làm thầy dẫn dắt bọn họ, nhưng vô lượng kiếp ta đã lìa hẳn nghiệp ngoại đạo rồi, thị hiện như vậy cốt đem chánh pháp độ họ mà thôi.

Ta lại thị hiện làm thợ khéo tay, làm thầy thuốc giỏi, làm thầy bùa Chú, là để giáo hóa mọi loài chúng sinh và các ngoại đạo lòng đầy kiêu mạn, vận dụng chánh pháp hàng phục mọi loài tà mạn, kiêu mạn, cống cao, ngã mạn, chúng sinh thấy vậy cho ta là người thế tục tầm thường, nhưng Phật thường trụ lìa pháp thế gian.

Thậm chí ta cũng thị hiện làm kẻ tôi tớ hạ tiện để mà tùy thuận độ cho bọn họ. Trong Diêm Phù Đề thị hiện vô số nghiệp chủng khác nhau, kỳ thật Như Lai chưa từng làm việc giống như bọn họ.

Thị hiện vô số tướng loài là để tùy thuận thế gian. Trong các cõi nước, Bắc Uất Đan Viết, Tây Câu Da Ni, Đông Phất vi kiến, hai mươi lăm cõi, cho đến ba ngàn đại thiên Thế Giới, ta đã tùy thuận theo pháp thế gian hóa hiện vô vàn và nói rõ trong Lăng Nghiêm Tam Muội.

Như Lai thành tựu trí đại phương tiện, mọi việc Phật làm đều là thị hiện, vì vậy gọi là Đại Bát Nê Hoàn. Bậc Đại Bồ Tát trụ công đức Đại Bát Nê Hoàn tất có khả năng tùy duyên biến hóa vô số giống loài chẳng hề sợ hãi. Ông chớ nghi ngờ ta làm thân phụ của La Hầu La. Phải biết Như Lai từ vô số kiếp đã lìa biển lớn sinh tử ái dục. Do đó Như Lai là pháp thường trụ, chẳng phải là pháp biến đổi, hư hoại.

Bồ Tát Ca Diếp bạch với Phật rằng: Nếu Đức Như Lai là pháp thường trụ, chẳng phải là pháp hủy diệt từ từ, chẳng phải là pháp biến dị đổi thay, vậy thì tại sao Như Lai khen ngợi việc nhập Nê Hoàn?

Thí như đèn tắt, ánh sáng của nó đi về chốn nào không ai biết được?

Phật bảo Ca Diếp: Ông ví như vậy không đúng ý ta.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần