Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Hai Mươi Sáu - Phẩm Phương Tiện Thiện Xảo - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ BA
PHẨM HAI MƯƠI SÁU
PHẨM PHƯƠNG TIỆN THIỆN XẢO
PHẦN MỘT
Bấy giờ, Thiện Hiện suy nghĩ: Như vậy, bát nhã Ba la mật đa rất là sâu xa, quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật cũng sâu xa. Ta sẽ hỏi Phật hai nghĩa sâu xa này.
Nghĩ vậy xong, Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật đa thâm sâu tức là quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật. Quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật tức là bát nhã Ba la mật đa thâm sâu. Như vậy, bát nhã Ba la mật đa thâm sâu và quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật đều rất thâm sâu không cùng tận.
Vậy vì sao nói hai việc này là vô tận?
Phật dạy: Thiện Hiện! Bát nhã Ba la mật đa thâm sâu và quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật đều như hư không, không cùng tận nên nói là vô tận.
Cụ thọ Thiện Hiện lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát phải làm thế nào để phát sanh bát nhã Ba la mật đa?
Phật dạy: Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát nên quán sắc vô tận để phát sanh bát nhã Ba la mật đa, nên quán thọ, tưởng, hành, thức vô tận để phát sanh bát nhã Ba la mật đa. Nói rộng cho đến phải quán trí nhất thiết trí vô tận để phát sanh bát nhã Ba la mật đa.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát nên quán sắc như hư không vô tận để phát sanh bát nhã Ba la mật đa, nên quán thọ, tưởng, hành, thức như hư không vô tận để phát sanh bát nhã Ba la mật đa. Nói rộng cho đến nên quán trí nhất thiết trí như hư không vô tận để phát sanh bát nhã Ba la mật đa.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát nên quán vô minh duyên hành như hư không vô tận để phát sanh bát nhã Ba la mật đa. Nên quán hành duyên thức như hư không vô tận để phát sanh bát nhã Ba la mật đa.
Nên quán thức duyên danh sắc như hư không vô tận để phát sanh bát nhã Ba la mật đa. Nên quán danh sắc duyên lục xứ như hư không vô tận để phát sanh bát nhã Ba la mật đa. Nên quán lục xứ duyên xúc như hư không vô tận để phát sanh bát nhã Ba la mật đa.
Nên quán xúc duyên thọ như hư không vô tận để phát sanh bát nhã Ba la mật đa. Nên quán thọ duyên ái như hư không vô tận để phát sanh bát nhã Ba la mật đa.
Nên quán ái duyên thủ như hư không vô tận để phát sanh bát nhã Ba la mật đa. Nên quán thủ duyên hữu như hư không vô tận để phát sanh bát nhã Ba la mật đa.
Nên quán hữu duyên sanh như hư không vô tận để phát sanh bát nhã Ba la mật đa. Nên quán sanh duyên lão tử, sầu, than, khổ, ưu, não như hư không vô tận để phát sanh bát nhã Ba la mật đa.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát phát sanh bát nhã Ba la mật đa như vậy.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát quán sát mười hai duyên khởi xa lìa nhị biên, đó là diệu quán bất cộng của chúng Đại Bồ Tát ấy.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát ngồi tòa kim cương dưới cội Bồ Đề, như thật quán sát mười hai duyên khởi giống như hư không, không cùng tận nên liền chứng đắc trí nhất thiết trí.
Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát lấy hành tướng như hư không vô tận mà hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, như thật quán sát mười hai duyên khởi thì vị ấy không rơi vào địa vị Thanh Văn, Ðộc Giác và mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Thiện Hiện nên biết! Thiện nam tử v.v… trụ Bồ Tát thừa đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, nếu bị thối chuyển đều là do không nương vào tác ý phương tiện thiện xảo để phát sanh bát nhã Ba la mật đa, do đó nên không hiểu rõ. Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa như thế nào để lấy hành tướng như hư không vô tận, mà như thật quán sát mười hai duyên khởi để phát sanh bát nhã Ba la mật đa.
Thiện Hiện nên biết! Thiện nam tử v.v… trụ vào Bồ Tát thừa đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, nếu có ai thối chuyển là đều do xa lìa phương tiện thiện xảo để phát sanh bát nhã Ba la mật đa.
Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát đối với quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề mà không bị thối chuyển, là do tất cả đều nương vào phương tiện thiện xảo để phát sanh bát nhã Ba la mật đa.
Đại Bồ Tát ấy nhờ vào phương tiện thiện xảo này mà tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy hành tướng như hư không vô tận để phát sanh bát nhã Ba la mật đa, như thật quán sát mười hai duyên khởi. Nhờ nhân duyên này, Đại Bồ Tát ấy mau viên mãn bát nhã Ba la mật đa.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát khi quán sát pháp duyên khởi như vậy không thấy có pháp nào sanh ra mà không có nhân. Không thấy có pháp diệt mà không có nhân. Không thấy có pháp nào có tánh tướng thường trụ, không sanh, không diệt.
không thấy pháp nào có ngã, hữu tình, nói rộng cho đến người biết, người thấy. Không thấy có pháp nào là thường hay vô thường, là vui hay khổ, ngã hay vô ngã, tịnh hay bất tịnh, tịch tĩnh hay không tịch tĩnh, viễn ly hay không viễn ly.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát luôn quán sát duyên khởi như vậy để tu hành bát nhã Ba la mật đa.
Thiện Hiện nên biết! Có lúc Đại Bồ Tát như thật quán sát pháp môn duyên khởi để tu hành bát nhã Ba la mật đa. Khi ấy, Đại Bồ Tát không thấy sắc uẩn cho đến thức uẩn là thường hay vô thường, là vui hay khổ, ngã hay vô ngã, tịnh hay bất tịnh, tịch tĩnh hay không tịch tĩnh, viễn ly hay không viễn ly.
Nói rộng cho đến không thấy trí nhất thiết trí là thường hay vô thường, là vui hay khổ, ngã hay vô ngã, tịnh hay bất tịnh, tịch tĩnh hay không tịch tĩnh, viễn ly hay không viễn ly.
Thiện Hiện nên biết! Có lúc Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, khi ấy mặc dù Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa nhưng không thấy có sự hành bát nhã Ba la mật đa, cũng lại không thấy có pháp có thể thấy sự hành bát nhã Ba la mật đa, cũng không thấy có sự không thấy như vậy.
Mặc dù hành tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật đa, nhưng không thấy có sự hành tịnh lự cho đến bố thí Ba la mật đa, cũng không thấy có pháp có thể thấy sự hành tịnh lự cho đến bố thí Ba la mật đa, cũng không thấy có sự không thấy như vậy.
Nói rộng cho đến mặc dù tu trí nhất thiết trí, nhưng không thấy có việc tu trí nhất thiết trí. Cũng không thấy có pháp có thể thấy việc tu trí nhất thiết trí, cũng không thấy có sự không thấy như vậy.
Thiện Hiện nên biết! Đối với tất cả pháp, các Đại Bồ Tát lấy vô sở đắc để làm phương tiện nên hành bát nhã Ba la mật đa.
Thiện Hiện nên biết! Có lúc đối với tất cả pháp, Đại Bồ Tát lấy vô sở đắc để làm phương tiện tu hành bát nhã Ba la mật đa, khi ấy ác ma rất đau khổ, giống như trúng mũi tên độc. Ví như có người, cha mẹ qua đời nên thân tâm đau khổ thì ác ma cũng vậy.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Một ác ma thấy các Đại Bồ Tát đối với tất cả pháp lấy vô sở đắc làm phương tiện để tu hành bát nhã Ba la mật đa thì rất đau khổ, giống như trúng mũi tên độc, hay tất cả ác ma khắp ba ngàn đại thiên Thế Giới cũng như vậy?
Phật dạy: Thiện Hiện! Tất cả ác ma khắp cả ba ngàn đại thiên Thế Giới cũng như vậy. Tất cả ác ma ngồi không yên nơi chỗ của mình.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát thường phải an trụ hạnh trụ chơn tịnh bát nhã Ba la mật đa thâm sâu. Các Đại Bồ Tát thường an trụ vào hành trụ chơn tịnh bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, nếu có thế gian, Trời, Người, A Tu La v.v… rình tìm chỗ dở của các vị ấy thì không bao giờ được, cũng không thể nào quấy nhiễu làm chướng ngại được.
Cho nên, này Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát muốn đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề thì phải siêng năng tinh tấn an trụ vào hạnh trụ chơn tịnh bát nhã Ba la mật đa thâm sâu.
Thiện Hiện nên biết! Nếu Đại Bồ Tát trụ đúng đắn vào hạnh trụ chơn tịnh bát nhã Ba la mật đa thâm sâu, thì có thể tu hành viên mãn bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa. Nếu Đại Bồ Tát tu hành đúng đắn bát nhã Ba la mật đa thâm sâu thì liền có thể tu viên mãn đầy đủ tất cả Ba la mật đa.
Bấy giờ, Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát tu hành đúng đắn với bát nhã Ba la mật đa thâm sâu như thế nào thì có thể tu viên mãn bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa?
Phật dạy: Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa thâm sâu không điên đảo, đem tâm tương ưng với trí nhất thiết trí mà hành bố thí cho đến Bát Nhã, đem công đức này cho tất cả hữu tình cùng nhau hồi hướng đến trí nhất thiết trí.
Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát tu hành đúng đắn bát nhã Ba la mật đa thâm sâu thì có thể tu viên mãn bố thí, tịnh giới, an nhẫn, tinh tấn, tịnh lự, bát nhã Ba la mật đa.
Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào mà Đại Bồ Tát an trụ vào bố thí Ba la mật đa gồm cả tịnh giới cho đến bát nhã Ba la mật đa?
Phật dạy: Đại Bồ Tát lấy tâm không ái nhiễm, không xan tham để hành bố thí, đem bố thí này cho các hữu tình cùng nhau hồi hướng đến trí nhất thiết trí. Đối với các hữu tình thì có lòng từ nơi thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp và lìa bỏ ác giới. Đó là Đại Bồ Tát an trụ bố thí Ba la mật đa gồm cả tịnh giới Ba la mật đa.
Khi Đại Bồ Tát lấy tâm không ái nhiễm, không xan tham để hành bố thí, đem bố thí này cho các hữu tình cùng nhau hồi hướng đến trí nhất thiết trí, nếu bị người nhận hoặc các hữu tình khác hủy báng, nhục mạ làm hại một cách phi lý, thì Bồ Tát không sanh tâm sân hận, không muốn báo thù làm hại họ bằng thân, khẩu, chỉ sanh lòng từ bi thương xót họ, đem lời hòa nhã hổ thẹn xin lỗi. Ðó là Đại Bồ Tát an trụ vào bố thí Ba la mật đa gồm cả an nhẫn Ba la mật đa.
Nếu Đại Bồ Tát đem tâm không ái nhiễm, không xan tham hành bố thí, đem bố thí này cho các hữu tình cùng nhau hồi hướng đến trí nhất thiết trí.
Nếu bị người nhận hoặc các hữu tình khác hủy báng, nhục mạ một cách phi lý thì bấy giờ Bồ Tát liền nghĩ: Mọi người tạo ra những loại nghiệp như vậy, trở lại tự mình nhận lấy quả báo như vậy. Ta không nên tính toán, hơn thua với họ, để rồi phế bỏ sự tu nghiệp của mình.
Lại nghĩ: Đối với người ấy và các hữu tình khác ta nên làm tăng trưởng tâm xả, tâm bố thí, không luyến tiếc. Nghĩ vậy xong thân tâm thanh tịnh, tinh tấn thực hành bố thí. Ðó là Đại Bồ Tát an trụ bố thí Ba la mật đa gồm cả tinh tấn Ba la mật đa.
Nếu Đại Bồ Tát lấy tâm không ái nhiễm, không xan tham để hành bố thí, đem bố thí này bình đẳng cho các hữu tình cùng nhau hồi hướng đến trí nhất thiết trí. Đối với những người thọ nhận và cảnh giới khác tâm không tán loạn, không cầu các dục ở ba cõi và Nhị Thừa, chỉ cầu quả vị Phật. Ðó là Đại Bồ Tát an trụ bố thí Ba la mật đa gồm cả tịnh lự Ba la mật đa.
Nếu Đại Bồ Tát lấy tâm không ái nhiễm, không xan tham để hành bố thí, đem bố thí này cho các hữu tình cùng nhau hồi hướng đến trí nhất thiết trí. Quán các người thọ nhận, người bố thí, vật bố thí đều như huyễn.
không thấy sự bố thí này có tổn giảm hay lợi ích đối với các hữu tình, thông đạt tất cả pháp hoàn toàn đều không, bất khả đắc. Ðó là Đại Bồ Tát an trụ vào bố thí Ba la mật đa gồm cả bát nhã Ba la mật đa.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh giới Ba la mật đa gồm cả bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa?
Phật dạy: Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh giới Ba la mật đa thân đầy đủ luật nghi, ngữ đầy đủ luật nghi, ý đầy đủ luật nghi mà tạo các nghiệp phước. Nhờ nghiệp phước này lìa việc sát sanh cho đến tà kiến.
không mong cầu địa vị Thanh Văn, Ðộc Giác, chỉ cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Bấy giờ, Bồ Tát an trụ vào tịnh giới để thực hành rộng rãi tuệ thí, các hữu tình cần thức ăn cho thức ăn, cần thức uống cho thức uống, cần đồ đạc gì cho đồ đạc đó.
Lại đem căn lành bố thí này bình đẳng cho các hữu tình, cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, không cầu địa vị Thanh Văn, Ðộc Giác. Ðó là Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh giới Ba la mật đa gồm cả bố thí Ba la mật đa.
Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh giới Ba la mật đa, giả sử các hữu tình tranh nhau đến cắt xẻ thân Bồ Tát ra từng khúc rồi mang đi.
Bồ Tát không sanh một niệm sân giận nào với người đó, chỉ nghĩ: Nay ta đạt được lợi ích lớn, nghĩa là đã xả bỏ thân hôi thối, nguy ách này mà được thân kim cương thanh tịnh của Phật. Ðó là Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh giới Ba la mật đa gồm cả an nhẫn Ba la mật đa.
Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh giới Ba la mật đa, thân tâm tinh tấn thường không gián đoạn, mặc áo giáp đại bi, phát lời thề rộng lớn: Tất cả hữu tình bị chìm đắm trôi lăn trong biển khổ, con sẽ cứu vớt họ đưa đến bờ Niết Bàn cam lồ. Ðó là Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh giới Ba la mật đa gồm cả tinh tấn Ba la mật đa.
Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh giới Ba la mật đa, mặc dù nhập vào Sơ tịnh lự cho đến định Diệt tưởng thọ, nhưng không rơi vào địa vị Thanh Văn, Độc Giác, cũng không chứng thật tế, nhờ nguyện lực xưa mà được tồn tại.
Lại nghĩ như vậy: Các loài hữu tình bị chìm đắm trong biển khổ, tự mình không thể đưa ra được. Nay ta đã trụ vào giới thanh tịnh, dùng phương tiện để phát sanh Thần Thông tịnh lự, nhất định sẽ cứu vớt chúng sanh đặt lên bờ Niết Bàn thường lạc. Ðó là Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh giới Ba la mật đa gồm cả tịnh lự Ba la mật đa.
Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh giới Ba la mật đa, không thấy pháp nào là hữu vi hay vô vi, hoặc thuộc hữu tướng hay vô tướng, hoặc thuộc hữu số hay vô số. Chỉ quán các pháp không lìa chân như nói rộng cho đến cảnh giới bất tư nghì. Những chân như v.v… này cũng bất khả đắc.
Nhờ phương tiện thiện xảo của bát nhã Ba la mật đa này mà vị ấy không rơi vào địa vị Thanh Văn, Ðộc Giác, chỉ hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Ðó là Đại Bồ Tát an trụ vào tịnh giới Ba la mật đa gồm cả bát nhã Ba la mật đa.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào mà Đại Bồ Tát an trụ vào an nhẫn Ba la mật đa gồm cả bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa?
Phật dạy: Thiện Hiện! Đại Bồ Tát an trụ vào an nhẫn Ba la mật đa, từ lúc mới phát tâm cho đến khi ngồi tòa Bồ Đề. Trong thời gian ấy nếu có các loài hữu tình đến hủy báng, khinh khi, nhục mạ một cách phi lý, cho đến cắt xẻ thân ra từng khúc mang đi.
Khi ấy, Bồ Tát hoàn toàn không sân giận, chỉ nghĩ: Các loài hữu tình này rất đáng thương, bị phiền não độc hại quấy loạn thân tâm, không được tự do, không chỗ nương tựa, không người cứu giúp, bị bần cùng nghèo khổ hành hạ.
Ta hãy bố thí cho họ những vật cần dùng như thức ăn, nước uống, áo quần và các thứ đồ đạc khác. Sau đó, đem căn lành của sự bố thí này bình đẳng cho các hữu tình cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Lấy vô sở đắc để làm phương tiện.
Khi hồi hướng đại Bồ Đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?
Ðó là Bồ Tát an trụ vào an nhẫn Ba la mật đa gồm cả bố thí Ba la mật đa.
Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào an nhẫn Ba la mật đa từ lúc mới phát tâm cho đến ngồi tòa Bồ Đề, trong thời gian ấy, cho đến vì tự cứu mạng sống thì không nên làm tổn hại đến các hữu tình.
Cho đến không có các ác tà kiến. Khi Bồ Tát tu tịnh giới như vậy, không cầu địa vị Thanh Văn, Ðộc Giác. Lại đem căn lành tịnh giới ấy, bình đẳng cho các hữu tình cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, lấy vô sở đắc làm phương tiện.
Khi hồi hướng đại Bồ Đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?
Ðó là Bồ Tát an trụ vào an nhẫn Ba la mật đa gồm cả tịnh giới Ba la mật đa.
Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào an nhẫn Ba la mật đa phát sanh dõng mãnh, tinh tấn tăng thượng, thường nghĩ: Nếu một hữu tình ở ngoài một do tuần, ngoài mười, một trăm cho đến vô lượng do tuần, hoặc ở ngoài một Thế Giới, hoặc ngoài mười, một trăm cho đến vô lượng Thế Giới có thể độ được.
Ta nhất định sẽ đến dùng phương tiện giáo hóa để họ thọ trì tám học xứ, hoặc năm học xứ, hoặc mười học xứ, hoặc cụ túc học giới, hoặc khiến họ trụ vào quả Dự Lưu, quả Nhất Lai, quả Bất Hoàn, quả A La Hán, hoặc trụ vào Ðộc Giác Bồ Đề.
Hoặc khiến họ trụ vào địa vị Bồ Tát cho đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề ta còn chẳng mỏi mệt, huống chi giáo hóa cho vô lượng, vô số, vô biên hữu tình đều đạt được lợi ích an lạc mà lại mỏi mệt. Lại đem căn lành tinh tấn bình đẳng cho các hữu tình và cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, lấy vô sở đắc làm phương tiện.
Khi hồi hướng đại Bồ Đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?
Ðó là Bồ Tát an trụ vào an nhẫn Ba la mật đa gồm cả tinh tấn Ba la mật đa.
Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào an nhẫn Ba la mật đa tâm chẳng loạn, lìa bỏ pháp dục, ác, bất thiện, có tầm, có tứ, ly sanh hỉ lạc, nhập vào Sơ Tịnh Lự, nói rộng cho đến định Diệt tưởng thọ.
Trong các định này phát sanh tâm và tâm sở pháp đều hòa hợp với tất cả căn lành, lại bình đẳng cho các hữu tình cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, lấy vô sở đắc làm phương tiện. Khi hồi hướng đại Bồ Đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?
Ðối với các tịnh lự và chi tịnh lự hoàn toàn vô sở đắc. Ðó là Đại Bồ Tát an trụ vào an nhẫn Ba la mật đa gồm cả tịnh lự Ba la mật đa.
Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào an nhẫn Ba la mật đa để tu hành bát nhã Ba la mật đa, trong các pháp trụ pháp quán trên pháp, tuy lấy hành tướng của viễn ly, hoặc lấy hành tướng của tịch tĩnh, hoặc lấy hành tướng vô tận, hoặc lấy hành tướng vĩnh viễn diệt, dù quán tất cả pháp, nhưng đối với các pháp tánh không thể tác chứng, cho đến ngồi tòa Bồ Đề chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Rời khỏi tòa này rồi chuyển diệu pháp luân làm lợi ích an lạc cho các hữu tình. Lại đem căn lành diệu tuệ này bình đẳng cho các hữu tình, cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, lấy vô sở đắc làm phương tiện.
Khi hồi hướng đại Bồ Đề như vậy, phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?
Ðó là Đại Bồ Tát an trụ vào an nhẫn Ba la mật đa gồm cả bát nhã Ba la mật đa.
Cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Đại Bồ Tát an trụ vào tinh tấn Ba la mật đa gồm cả bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa?
Phật dạy: Thiện Hiện! Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào tinh tấn Ba la mật đa, thân tâm tinh tấn không giải đãi, cầu các pháp lành cũng không mỏi mệt, luôn nghĩ: Ta nhất định sẽ đắc trí nhất thiết trí, không thể không đắc.
Đại Bồ Tát ấy vì muốn làm lợi ích cho tất cả hữu tình nên phát nguyện: Nếu có một hữu tình ở ngoài một do tuần, hoặc mười, một trăm cho đến vô lượng do tuần, hoặc ở ngoài một Thế Giới, hoặc ngoài mười, một trăm cho đến vô lượng các Thế Giới. Người nào đáng độ, ta nhất định đến đó dùng phương tiện giáo hóa.
Nếu Thiện nam tử Bồ Tát thừa thì khiến vị ấy trụ vào quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Nếu là Thiện Nam Thanh Văn Thừa thì khiến họ trụ vào quả Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán. Nếu Thiện Nam Ðộc Giác thừa thì khiến vị ấy an trụ Ðộc Giác Bồ Đề. Nếu các hữu tình khác thì khiến họ an trụ vào Mười Thiện Nghiệp Đạo.
Như vậy ta đều lấy đầy đủ pháp thí, tài thí mà phương tiện làm cho họ được sung túc đầy đủ. Lại đem căn lành bố thí này bình đẳng cho các hữu tình, cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, không cầu địa vị Thanh Văn, Ðộc Giác, lấy vô sở đắc làm phương tiện.
Khi hồi hướng đại Bồ Đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?
Ðó là Đại Bồ Tát an trụ vào tinh tấn Ba la mật đa gồm cả bố thí Ba la mật đa.
Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào tinh tấn Ba la mật đa từ lúc mới phát tâm cho đến khi ngồi tòa Bồ Đề, tự lìa sát sanh cho đến tà kiến, cũng khuyến khích người lìa bỏ sát sanh cho đến tà kiến, tùy thuận và khen ngợi sự bỏ sát sanh cho đến tà kiến, vui mừng hoan hỉ với người không sát sanh cho đến tà kiến.
Đại Bồ Tát ấy giữ tịnh giới Ba la mật đa này không cầu quả Nhị Thừa và quả báo ba cõi, chỉ đem căn lành tịnh giới này bình đẳng cho các hữu tình, cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, lấy vô sở đắc để làm phương tiện.
Khi hồi hướng đại Bồ Đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?
Ðó là Đại Bồ Tát an trụ vào tinh tấn Ba la mật đa gồm cả tịnh giới Ba la mật đa.
Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào tinh tấn Ba la mật đa, từ khi mới phát tâm cho đến lúc ngồi tòa Bồ Đề, trong thời gian ấy, người chẳng phải người v.v… tranh nhau đến xúc não, hoặc chặt thân thể ra từng khúc rồi tự tiện đem đi.
Khi ấy, Bồ Tát không nghĩ: Ai đâm chém ta?
Ai chặt đứt ta?
Ai mang đi?
Chỉ nghĩ: Nay ta được lợi ích lớn, các hữu tình đó vì làm lợi ích cho ta nên đến chặt xẻo thân thể ta ra từng phần. Nhưng ta vốn vì tất cả hữu tình mà thọ thân này. Họ đến tự lấy tất cả vật của ta là để thành tựu việc cho ta.
Bồ Tát tư duy thật tướng các pháp rất kỹ như vậy để tu an nhẫn. Rồi đem căn lành thù thắng của an nhẫn này không cầu địa vị Thanh Văn, Ðộc Giác, chỉ đem căn lành an nhẫn này bình đẳng cho các hữu tình, cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, lấy vô sở đắc để làm phương tiện.
Khi hồi hướng đại Bồ Đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?
Ðó là Bồ Tát an trụ vào tinh tấn Ba la mật đa gồm cả an nhẫn Ba la mật đa.
Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào tinh tấn Ba la mật đa, siêng năng tu học các định, nghĩa là lìa pháp dục, ác, bất thiện, có tầm, có tứ, ly sanh hỉ lạc nhập vào Sơ Tịnh Lự, cho đến nhập vào định thứ tư.
Luôn có tư tưởng ban vui cho các hữu tình vào từ vô lượng, nói rộng cho đến nhập vào xả vô lượng. Ðối với các sắc luôn có tưởng nhàm chán sự thô và nhập vào Định không Vô Biên Xứ, nói rộng cho đến nhập vào định Diệt tưởng thọ.
Đại Bồ Tát ấy mặc dù nhập vào tịnh lự, vô lượng, Vô Sắc, diệt định như vậy nhưng không nhận lấy quả dị thục của nó. Chỉ theo hữu tình nào đáng được giáo hóa làm lợi ích thì sanh ở nơi đó. Ðã sanh vào đó rồi, dùng bốn nhiếp pháp, sáu Ba la mật đa mà làm lợi ích cho họ.
Đại Bồ Tát ấy nương vào các tịnh lự phát sanh thần thông thù thắng, đi từ Cõi Phật này đến Cõi Phật khác để gần gũi cúng dường Chư Phật Thế Tôn, thưa hỏi tánh tướng các pháp sâu xa, siêng năng tinh tấn mà phát sanh căn lành thù thắng. Ðem căn lành này lấy vô sở đắc làm phương tiện, bình đẳng cho các hữu tình cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Khi hồi hướng đại Bồ Đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?
Ðó là Đại Bồ Tát an trụ vào tinh tấn Ba la mật đa gồm cả tịnh lự Ba la mật đa.
Nếu Đại Bồ Tát an trụ vào tinh tấn Ba la mật đa, không thấy bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa là danh, sự, tánh, tướng. Không thấy bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo là danh, sự, tánh, tướng.
Cho đến không thấy trí nhất thiết trí là danh, sự, tánh, tướng. Cũng không thấy tất cả pháp là danh, sự, tánh, tướng. Trong tất cả các pháp không có niệm về tướng, không chấp trước, lời nói đi đôi với việc làm. Lại đem căn lành diệu tuệ này bình đẳng cho các hữu tình, cùng nhau hồi hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, lấy vô sở đắc làm phương tiện.
Khi hồi hướng đại bồ đề như vậy phải xa lìa ba tâm, đó là ai hồi hướng, hồi hướng về đâu, lấy gì hồi hướng?
Ðó là Đại Bồ Tát an trụ vào tinh tấn Ba la mật đa gồm cả bát nhã Ba la mật đa.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Chín - Phẩm Kim Cương Năng đoạn - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Giảng Kinh Về Vua Quạ ở Nước Câu Tát La
Phật Thuyết Kinh Vị Tằng Hữu Thuyết Nhân Duyên - Phần Ba - Phần Lưu Thông
Phật Thuyết Kinh Trì Thế - Phẩm Tám - Phẩm Tám Thánh đạo
Phật Thuyết Kinh Bách Dụ - Kinh Thứ Ba - Kinh để đánh Vỡ đầu