Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Mười Ba - Phẩm đà La Ni - Phần Một
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ BA
PHẨM MƯỜI BA
PHẨM ĐÀ LA NI
PHẦN MỘT
Lúc bấy giờ, Trời Đế Thích thầm nghĩ: Các thiện nam, thiện nữ v.v… được nghe pháp môn, danh tự bát nhã Ba la mật đa thậm thâm như vậy, nên biết thời quá khứ đã từng thân cận vô lượng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, phát thệ nguyện rộng lớn, trồng các thiện căn, được sự hộ trì của nhiều thiện tri thức.
Huống chi là viết chép, thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, tuyên thuyết cho người khác, hoặc tùy theo sức mà tu hành như lời dạy.
Nên biết người này đã ở chỗ vô lượng Đức Phật đời quá khứ thân cận, phụng sự, cúng dường, cung kính, trồng nhiều cội phước đức, từng nghe bát nhã Ba la mật đa. Nghe rồi thọ trì suy nghĩ, đọc tụng, tuyên thuyết cho người khác, tu hành đúng theo lời dạy. Hoặc đối với Kinh này hỏi đáp thông suốt.
Do nhờ phước lực đời trước, nay việc được thành tựu. Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nào đã từng cúng dường vô lượng Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, công đức thuần tịnh, nếu nghe bát nhã Ba la mật đa thậm thâm, tâm vị ấy không kinh hãi, không hoảng hốt, không sợ sệt, nghe rồi tin ưa, tu hành theo lời thuyết.
Nên biết người này từng ở chỗ vô lượng trăm ngàn muôn ức Phật đời quá khứ, phát thệ nguyện rộng lớn: Tu hành bố thí cho đến bát nhã Ba la mật đa, nay sanh ra đời thành tựu được việc này.
Khi ấy, Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nghe nghĩa lý bát nhã Ba la mật đa thậm thâm này, tâm vị ấy không kinh hãi, không hoảng hốt, không sợ sệt, vì đã nghe, viết chép, thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, tuyên thuyết cho người khác, tuyên thuyết lưu truyền rộng rãi, để tu hành đúng như lời dạy. Nên biết người này giống như các Đại Bồ Tát ở địa vị Bất thối.
Vì sao?
Vì nghĩa lý thậm thâm của bát nhã Ba la mật đa rất khó tin hiểu. Nếu ở đời trước tu hành bố thí v.v… sáu pháp Ba la mật đa không dài lâu thì đâu có thể vừa nghe liền tin hiểu được.
Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… nghe thuyết nghĩa lý thậm thâm của bát nhã Ba la mật đa khinh chê, hủy báng. Nên biết người này đời trước đối với bát nhã Ba la mật đa thậm thâm cũng từng hủy báng.
Vì sao?
Vì người ngu như thế nghe thuyết nghĩa lý thậm thâm của bát nhã Ba la mật đa, do sức không tin, không ưa, tâm không thanh tịnh đã huân tập đời trước.
Vì sao?
Vì người ngu như vậy ở đời quá khứ chưa từng thân cận Chư Phật, Bồ Tát và Hiền Thánh khác. Chưa từng thỉnh vấn chư vị đó nên hành bố thí v.v… sáu pháp Ba la mật đa thế nào. Cho đến nên học mười tám Pháp Phật bất cộng thế nào. Cho nên bây giờ nghe thuyết bát nhã Ba la mật đa thậm thâm liền khinh chê, hủy báng, không tin, không ưa, tâm không thanh tịnh.
Lúc bấy giờ, Trời Đế Thích hỏi Xá Lợi Tử: Bát Nhã Ba la mật đa như thế nghĩa lý thậm thâm rất khó tin hiểu. Có người tin ưa tu hành bố thí v.v… sáu pháp Ba la mật đa, cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng và vô lượng, vô biên Phật Pháp khác chưa lâu dài, nên nghe nghĩa lý bát nhã Ba la mật đa thậm thâm này không thể tin hiểu, hoặc sanh tâm hủy báng, điều này không gì là hiếm có.
Thưa Đại Đức! Tôi nay kính lễ bát nhã Ba la mật đa thậm thâm. Nếu tôi kính lễ bát nhã Ba la mật đa thậm thâm tức là kính lễ trí nhất thiết trí.
Khi ấy, Phật Bảo Trời Đế Thích: Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói, kính lễ bát nhã Ba la mật đa tức là kính lễ trí nhất thiết trí.
Vì sao?
Kiều Thi Ca! Vì Chư Phật đạt được trí nhất thiết trí và vô lượng, vô biên công đức khác đều nương vào bát nhã Ba la mật đa mà thành tựu.
Kiều Thi Ca! Nếu Đại Bồ Tát muốn trụ trí nhất thiết trí của Như Lai, nên trụ bát nhã Ba la mật đa. Muốn phát khởi trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng của Chư Phật nên học bát nhã Ba la mật đa. Muốn chấm dứt tập khí phiền não tương tục, chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, chuyển pháp luân vi diệu, cứu độ các hữu tình, nên học bát nhã Ba la mật đa.
Kiều Thi Ca! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… muốn đắc quả Dự Lưu, Nhất Lai, Bất Hoàn, A La Hán, Độc Giác Bồ Đề, nên học bát nhã Ba la mật đa.
Kiều Thi Ca! Nếu Đại Bồ Tát muốn an lập Bậc Chủng Tánh Thanh Văn, an trụ Thanh Văn Thừa, Bậc Chủng Tánh Độc Giác, an trụ Độc Giác thừa, Bậc Chủng Tánh Bồ Tát, an trụ Vô Thượng Thừa, nên học bát nhã Ba la mật đa.
Kiều Thi Ca! Nếu Đại Bồ Tát muốn chinh phục chúng ma, đẩy lùi bọn ngoại đạo bè đảng xấu ác, nên học bát nhã Ba la mật đa.
Kiều Thi Ca! Nếu Đại Bồ Tát muốn nhiếp hóa các Bí Sô, điều phục họ hoàn toàn, nên học bát nhã Ba la mật đa.
Bấy giờ, Trời Đế Thích bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Nếu Đại Bồ Tát nào khi hành bát nhã Ba la mật đa thậm thâm, vì sao phải trụ sắc, vì sao trụ thọ, tưởng, hành, thức?
Vì sao tập học sắc, vì sao tập học thọ, tưởng, hành, thức?
Cho đến vì sao trụ mười tám Pháp Phật bất cộng, vì sao tập mười tám Pháp Phật bất cộng?
Phật Bảo Trời Đế Thích: Lành thay! Lành thay! Nay ông nhờ thần lực Phật có thể hỏi Như Lai nghĩa sâu xa như vậy. Ông nên lắng nghe, ta sẽ vì ông mà thuyết.
Kiều Thi Ca! Các Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa thậm thâm, nếu đối với sắc không trụ, không tập, là trụ, là tập sắc. Nếu đối với thọ, tưởng, hành, thức không trụ, không tập, là trụ, là tập thọ, tưởng, hành, thức. Cho đến nếu đối với mười tám Pháp Phật bất cộng không trụ, không tập, là trụ, là tập mười tám Pháp Phật bất cộng.
Vì sao?
Kiều Thi Ca! Nếu Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa thậm thâm, đối với sắc không đắc có thể trụ, có thể tập. Đối với thọ, tưởng, hành, thức không đắc có thể trụ, có thể tập. Cho đến đối với mười tám Pháp Phật bất cộng không đắc có thể trụ, có thể tập.
Lại nữa, Kiều Thi Ca! Các Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa, nếu đối với sắc chẳng trụ, chẳng không trụ, chẳng tập, chẳng không tập, là trụ, là tập nơi sắc. Nếu đối với thọ, tưởng, hành, thức chẳng trụ, chẳng không trụ, chẳng tập, chẳng không tập, là trụ, là tập nơi thọ, tưởng, hành, thức.
Cho đến nếu đối với mười tám Pháp Phật bất cộng chẳng trụ, chẳng không trụ, chẳng tập, chẳng không tập, là trụ, là tập mười tám Pháp Phật bất cộng.
Vì sao?
Kiều Thi Ca! Vì các Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa thậm thâm, quán sát sắc cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng giai đoạn trước, sau, giữa đều bất khả đắc.
Bấy giờ, Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Bát nhã Ba la mật đa như thế thật là sâu xa?
Phật dạy: Đúng vậy! Vì chân như sắc sâu xa nên bát nhã Ba la mật đa thật là sâu xa. Cho đến chân như mười tám Pháp Phật bất cộng sâu xa nên bát nhã Ba la mật đa thật là sâu xa.
Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba la mật đa như thế khó có thể so lường.
Phật dạy: Đúng vậy! Vì chân như sắc khó so lường nên bát nhã Ba la mật đa khó có thể so lường. Cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng chân như khó so lường nên bát nhã Ba la mật đa khó có thể so lường.
Bạch Thế Tôn! Bát Nhã Ba la mật đa như thế thật là vô lượng?
Phật dạy: Đúng vậy! Vì chân như sắc vô lượng nên bát nhã Ba la mật đa cũng vô lượng. Cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng chân như vô lượng cho nên bát nhã Ba la mật đa cũng vô lượng.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Các Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa thậm thâm, nếu hành tánh sâu xa của sắc thì chẳng phải hành bát nhã Ba la mật đa. Cho đến nếu hành tánh sâu xa của mười tám Pháp Phật bất cộng thì chẳng phải hành bát nhã Ba la mật đa.
Vì sao?
Xá Lợi Tử! Vì tánh sâu xa của sắc tức chẳng phải sắc. Cho đến tánh sâu xa của mười tám Pháp Phật bất cộng tức chẳng phải mười tám Pháp Phật bất cộng.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Các Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa thậm thâm, nếu hành tánh khó so lường của sắc thì chẳng phải hành bát nhã Ba la mật đa. Cho đến nếu hành tánh khó so lường của mười tám Pháp Phật bất cộng thì chẳng phải hành bát nhã Ba la mật đa.
Vì sao?
Xá Lợi Tử! Vì tánh khó so lường của sắc tức chẳng phải sắc. Cho đến tánh khó so lường của mười tám Pháp Phật bất cộng tức chẳng phải mười tám Pháp Phật bất cộng.
Lại nữa, Xá Lợi Tử! Các Đại Bồ Tát khi hành bát nhã Ba la mật đa thậm thâm, nếu hành tánh vô lượng của sắc thì chẳng phải hành bát nhã Ba la mật đa. Cho đến nếu hành tánh vô lượng của mười tám Pháp Phật bất cộng thì chẳng phải hành bát nhã Ba la mật đa.
Vì sao?
Xá Lợi Tử! Vì tánh vô lượng của sắc tức chẳng phải sắc. Cho đến tánh vô lượng của mười tám Pháp Phật bất cộng tức chẳng phải mười tám Pháp Phật bất cộng.
Xá Lợi Tử lại bạch Phật: Bát nhã Ba la mật đa như thế thật sâu xa, khó so lường, vô lượng thì khó tin hiểu, không nên thuyết cho Bồ Tát mới học Đại Thừa.
Vì sao?
Vì sợ những vị ấy nghe bát nhã Ba la mật đa thậm thâm này, tâm sẽ kinh hãi, lo sợ, nghi hoặc, hoặc sanh tâm hủy báng, không tin hiểu. Chỉ nên thuyết cho Bồ Tát bất thối chuyển.
Vì sao?
Vì vị này nghe bát nhã Ba la mật đa thậm thâm như thế, tâm không kinh hãi, không hoảng hốt, không sợ sệt, không nghi hoặc, không sanh tâm hủy báng, mà có lòng tin hiểu sâu xa.
Bấy giờ, Trời Đế Thích hỏi Xá Lợi Tử: Nếu thuyết bát nhã Ba la mật đa thậm thâm cho hàng Bồ Tát mới học đại thừa thì có những lỗi gì?
Xá Lợi Tử đáp: Nếu thuyết bát nhã Ba la mật đa thậm thâm cho hàng Bồ Tát mới học đại thừa thì người kia nghe rồi sẽ kinh hãi, hoảng hốt, sợ sệt, nghi hoặc, sanh tâm hủy báng, không thể tin hiểu được.
Do đó tạo nghiệp tăng trưởng nên chiêu cảm đọa vào đường ác, đắm chìm nơi ba đường ác, chịu khổ lớn lâu dài, khó chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Vì vậy, không nên ở trước các vị ấy mà thuyết bát nhã Ba la mật đa thậm thâm.
Trời Đế Thích lại hỏi Xá Lợi Tử: Có Bồ Tát chưa thọ ký vô thượng bồ đề, nghe bát nhã Ba la mật đa thậm thâm mà tâm không kinh hãi, hoảng hốt, sợ sệt, nghi hoặc, không sanh tâm hủy báng, lại tin hiểu sâu xa không?
Xá Lợi Tử đáp: Kiều Thi Ca! Có, vì Đại Bồ Tát này chẳng bao lâu sẽ được thọ ký đại bồ đề.
Kiều Thi Ca! Đại Bồ Tát này nghe bát nhã Ba la mật đa thậm thâm, tâm không kinh hãi, hoảng hốt, sợ sệt, nghi hoặc, không sanh tâm hủy báng, mà có lòng tin hiểu sâu xa. Nên biết Đại Bồ Tát này đã thọ ký quả vị vô thượng đại bồ đề. Giả sử người chưa được thọ ký thì không quá một vị Phật hoặc hai vị Phật quyết định sẽ được thọ ký đại bồ đề.
Bấy giờ, Phật dạy Xá Lợi Tử: Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói.
Xá Lợi Tử! Nếu Đại Bồ Tát học đại thừa lâu dài, phát đại nguyện lâu dài, hành sáu pháp Ba la mật đa lâu dài và vô lượng, vô biên Phật Pháp khác, cúng dường nhiều Đức Phật, phụng sự nhiều bạn lành, nghe bát nhã Ba la mật đa thậm thâm thì tâm không kinh hãi, hoảng hốt, sợ sệt, nghi hoặc, mà có lòng tin hiểu sâu xa, thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, tuyên thuyết cho người khác, hoặc lại viết chép, tu hành như lời thuyết.
Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Con nay muốn nói một vài thí dụ, cúi xin Thế Tôn thương xót hứa khả.
Phật dạy: Xá Lợi Tử! Ông cứ tùy ý nói.
Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Như có các thiện nam, thiện nữ v.v… an trụ Đại Thừa.
Trong mộng tu hành bát nhã, tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật đa, cho đến an tọa nơi tòa diệu Bồ Đề, nên biết người này gần đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Huống chi có Bồ Tát vì cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, khi thức tu hành bát nhã, tịnh lự, tinh tấn, an nhẫn, tịnh giới, bố thí Ba la mật đa mà lại không mau chóng chứng đắc để cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề hay sao?
Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát này không bao lâu sẽ được ngồi tòa diệu Bồ Đề, chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, chuyển pháp luân vi diệu, cứu độ các hữu tình.
Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… được nghe bát nhã Ba la mật đa thậm thâm như vậy, thọ trì, đọc tụng, tinh cần tu học, suy nghĩ đúng lý, nên biết người này học đại thừa đã lâu dài, căn lành đã thành thục, cúng dường nhiều Đức Phật, phụng sự nhiều bạn lành, trồng nhiều cội phước đức nên có thể thành tựu được việc này.
Bạch Thế Tôn! Nếu các thiện nam, thiện nữ v.v… được nghe bát nhã Ba la mật đa thậm thâm như vậy mà tin hiểu, thọ trì, đọc tụng tu tập, tuyên thuyết cho người khác, suy nghĩ đúng lý, nên biết người này hoặc đã được thọ ký đại bồ đề, hoặc gần được thọ ký đại bồ đề.
Bạch Thế Tôn! Các thiện nam, thiện nữ v.v… này nếu như trụ nơi Đại Bồ Tát bất thối, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề là do được nghe bát nhã Ba la mật đa thậm thâm này, tin hiểu sau xa, thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, nương theo lời dạy mà tu hành, diễn thuyết cho người khác.
Bạch Thế Tôn! Ví như có người đi bộ qua đồng hoang, trải qua trăm do tuần, hoặc hai, hoặc ba, hoặc bốn, hoặc năm trăm, thấy thấp thoáng hình ảnh thành ấp, vương quốc, đô thành ở phía trước, người thả trâu, vườn, rừng, ruộng v.v… thấy các hình ảnh đó liền suy nghĩ: Thành ấp, vương quốc, đô thành cách đây không xa. Nghĩ như vậy rồi, thân tâm nhẹ nhàng, an nhiên, không sợ ác thú, ác tặc, đói khát.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, nếu được nghe bát nhã Ba la mật đa thậm thâm này mà thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, sanh tâm tin hiểu sâu xa, nên biết chẳng bao lâu sẽ được thọ ký, hoặc đã thọ ký mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Đại Bồ Tát này không sợ rơi vào địa vị Thanh Văn, Độc Giác.
Vì sao?
Vì Đại Bồ Tát này đã được thấy nghe, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen bát nhã Ba la mật đa thậm thâm. Đây là tướng đầu tiên của quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
Bấy giờ, Phật dạy Xá Lợi Tử: Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói. Thừa hành thần lực Phật, ông cứ việc nói tiếp.
Xá Lợi Tử bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ví như có người muốn quan sát biển lớn, lần lần đi tới, trải qua thời gian dài không thấy núi rừng nữa, liền nghĩ: trước cảnh trạng này thì cách biển chẳng bao xa.
Vì sao?
Vì gần bờ biển, đất thấp dần, không có các núi rừng.
Bấy giờ, người kia tuy chưa thấy biển nhưng thấy cảnh gần đó, bèn sung sướng vui mừng. Ta nhất định sẽ được thấy biển, bản nguyện đã được viên mãn, người ấy rất thích thú.
Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát cũng lại như vậy, nếu được nghe bát nhã Ba la mật đa thậm thâm này mà thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý, sanh lòng tin hiểu sâu xa.
Đại Bồ Tát này tuy chưa được Phật Hiện Tiền thọ ký: Ngươi ở đời sau, trải qua nhiều kiếp như vậy sẽ được quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, nhưng tự biết lời thọ ký ấy chẳng bao xa.
Vì sao?
Vì Đại Bồ Tát này đã được thấy nghe, cúng dường, cung kính, thọ trì, đọc tụng, suy nghĩ đúng lý bát nhã Ba la mật đa thậm thâm. Đây là tướng đầu tiên của quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Quán Phật Tam Muội Hải - Phẩm Chín - Quán Tượng
Phật Thuyết Kinh đại Phương Tiện Phật Báo ân - Phẩm Sáu - Phẩm ác Hữu
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Thuyết Pháp Tỳ Kheo - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh Tạp A Hàm - Kinh Tháo Quán Trượng
Phật Thuyết Kinh Trung A Hàm - Phẩm Mười Tám - Phẩm Lệ - Kinh Bệ Ha đề