Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Bốn -​​​​​​​ Phẩm Hai Mươi Bốn - Phẩm Vô Tạp Vô Dị

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ BỐN  

PHẨM HAI MƯƠI BỐN 

PHẨM VÔ TẠP VÔ DỊ  

Bấy giờ, Phật Bảo A Nan Đà: Khi nào Đại Bồ Tát tư duy bát nhã Ba la mật đa, tập học bát nhã Ba la mật đa, tu hành bát nhã Ba la mật đa thì khi ấy tất cả ác ma trong Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới đều sanh do dự, đồng nghĩ: Đại Bồ Tát này đang ở giai đoạn chứng Niết Bàn hoặc là thối lui vào địa vị Thanh Văn hay Độc Giác, hay hướng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, có thể làm lợi ích cho hữu tình cùng tận đời vị lai.

Lại nữa, này Khánh Hỷ! Nếu khi Đại Bồ Tát an trụ bát nhã Ba la mật đa thì khi ấy ác ma rất buồn khổ, thân tâm run sợ như trúng tên độc.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Nếu khi Đại Bồ Tát tu hành bát nhã Ba la mật đa thì khi ấy ác ma đi đến chỗ Bồ Tát đó hóa ra vô số việc đáng sợ hãi, như: Hóa làm dao kiếm, ác thú, rắn độc, lửa dữ đồng một lúc cháy bùng lên khắp bốn phía, muốn làm cho thân tâm Bồ Tát khủng khiếp, kinh sợ, bỏ mất cả tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Đối với sự tu hành tâm bị khuất phục, cho nên phát khởi một niệm loạn ý là chướng ngại quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, là chỗ mong cầu trong thâm tâm của ác ma kia.

Bấy giờ, Khánh Hỷ bạch Phật: Kính bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa đều bị ác ma làm rối loạn hết cả, hay là có người bị rối loạn, người không bị rối loạn?

Phật Bảo Khánh Hỷ: Chẳng phải các Đại Bồ Tát khi tu hành bát nhã Ba la mật đa đều bị ác ma làm rối loạn hết, mà có người bị rối loạn, người không bị rối loạn.

Cụ thọ Khánh Hỷ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Những Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa bị các ma ác làm rối loạn, và những Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa không bị ác ma làm rối loạn?

Phật Bảo Khánh Hỷ: Các Đại Bồ Tát đời trước nghe thuyết bát nhã Ba la mật đa sâu xa tâm không tin hiểu, hủy báng, chê bai, thì Đại Bồ Tát này khi tu hành bát nhã Ba la mật đa liền bị ác ma làm rối loạn.

Đại Bồ Tát nào đời trước nghe giảng dạy bát nhã Ba la mật đa sâu xa, có lòng tin hiểu, chẳng hủy báng chê bai thì Đại Bồ Tát này khi tu hành bát nhã Ba la mật đa không bị ác ma làm rối loạn.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Đại Bồ Tát nào nghe giảng dạy bát nhã Ba la mật đa sâu xa như vậy, nghi ngờ, do dự, là có hay là không có, là thật hay chẳng thật, thì Đại Bồ Tát này khi tu hành bát nhã Ba la mật đa liền bị ác ma quấy rối.

Nếu Đại Bồ Tát nào nghe giảng dạy bát nhã Ba la mật đa sâu xa, tâm vị đó hoàn toàn không nghi ngờ, do dự, tin chắc chắn là có thật, thì Đại Bồ Tát này khi tu hành bát nhã Ba la mật đa không bị ma ác làm rối loạn.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Đại Bồ Tát nào xa lìa bạn lành, bị các bạn ác khống chế, chẳng nghe nghĩa lý sâu xa của bát nhã Ba la mật đa. Do không nghe nên không hiểu rõ. Vì không hiểu rõ nên không thể tu tập.

Vì không tu tập nên không thể thưa hỏi: Làm thế nào để tu đúng theo bát nhã Ba la mật đa sâu xa, làm thế nào để học đúng theo bát nhã Ba la mật đa sâu xa, thì Đại Bồ Tát này khi tu hành bát nhã Ba la mật đa liền bị ác ma làm rối loạn.

Đại Bồ Tát nào gần gũi bạn lành, không bị bạn ác khống chế, được nghe nghĩa lý sâu xa của bát nhã Ba la mật đa. Do được nghe nên hiểu rõ.

Do hiểu rõ, lập tức tu tập.

Do tu tập nên hay thưa hỏi: Làm thế nào để tu đúng theo bát nhã Ba la mật đa sâu xa, làm thế nào để học đúng theo bát nhã Ba la mật đa sâu xa, thì Đại Bồ Tát này khi tu hành bát nhã Ba la mật đa không bị ác ma làm rối loạn.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Đại Bồ Tát nào xa lìa bát nhã Ba la mật đa, nắm giữ, khen ngợi pháp chẳng chơn diệu thì Đại Bồ Tát này khi tu hành bát nhã Ba la mật đa liền bị ác ma làm rối loạn.

Nếu Đại Bồ Tát nào gần gũi bát nhã Ba la mật đa, không nắm giữ, không khen ngợi pháp chẳng chơn diệu, thì Đại Bồ Tát này khi tu hành bát nhã Ba la mật đa không bị ác ma làm rối loạn.

Lại nữa, Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào xa lìa bát nhã Ba la mật đa, hủy báng, chê bai pháp chơn diệu thì bấy giờ ác ma liền nghĩ: Nay Bồ Tát này là bạn của ta. Do Bồ Tát này hủy báng pháp chơn diệu nên có vô lượng các chúng Bồ Tát mới học đại thừa đối với pháp chơn diệu cũng hủy báng. Do nhân duyên này, nguyện của ta viên mãn. Mặc dầu có vô lượng các chúng Bồ Tát mới học đại thừa làm bạn với ta nhưng chẳng thể làm cho nguyện của ta đầy đủ.

Nay Bồ Tát này làm bạn với ta, làm cho sở nguyện của ta được đầy đủ hoàn toàn, nên Bồ Tát này đúng là bạn của ta, ta nên kết nạp để tăng thêm thế lực. Đại Bồ Tát này khi tu hành bát nhã Ba la mật đa liền bị ác ma làm rối loạn.

Nếu Đại Bồ Tát nào gần gũi bát nhã Ba la mật đa, khen ngợi, tin nhận pháp chơn diệu. Cũng làm cho vô lượng các chúng Bồ Tát mới học đại thừa khen ngợi, tin nhận pháp chơn diệu, do đây ác ma buồn rầu, sợ hãi thì Đại Bồ Tát này khi tu hành bát nhã Ba la mật đa không bị ác ma làm rối loạn.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Đại Bồ Tát nào khi nghe giảng dạy Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa, nói như vậy: Bát Nhã Ba la mật đa này lý thú sâu xa, khó thấy, khó hiểu như vậy thì giảng dạy, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tư duy, siêng năng tu học, biên chép, truyền bá cùng khắp mà làm gì. Kinh Điển này chính ta còn không thể đạt được cội nguồn, huống là những người phước mỏng, trí cạn kia.

Khi ấy, có vô lượng các Bồ Tát mới học đại thừa nghe lời nói của Bồ Tát ấy, trong tâm kinh sợ, liền thối lui tâm quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, rơi vào địa vị Thanh Văn hoặc Độc Giác, thì Đại Bồ Tát này khi tu hành bát nhã Ba la mật đa liền bị ác ma làm rối loạn.

Nếu Đại Bồ Tát nào khi nghe thuyết Kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa sâu xa, nói thế này: bát nhã Ba la mật đa này lý thú sâu xa, khó thấy, khó biết, nếu không giảng dạy, lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, tư duy, tinh tấn tu học, biên chép, truyền bá khắp nơi mà có thể chứng đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề thì chắc chắn không thể có lẽ ấy.

Khi ấy, có vô lượng các Bồ Tát mới học đại thừa, nghe Bồ Tát đó nói như vậy vui mừng hớn hở, đối với bát nhã Ba la mật đa thường ưa lắng nghe, thọ trì, đọc tụng, làm cho thông suốt hoàn toàn, tư duy đúng pháp, tinh tấn tu hành, giảng thuyết, biên chép, truyền bá cùng khắp cho mọi người cầu thẳng tới quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, thì Đại Bồ Tát này khi tu hành bát nhã Ba la mật đa không bị ác ma làm rối loạn.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Đại Bồ Tát nào ỷ vào công đức thiện căn của mình, khinh chúng Đại Bồ Tát khác nên nói thế này: Ta luôn an trụ hạnh chơn thật viễn ly, còn các ông đều không có. Ta luôn tu tập hạnh chơn thật viễn ly, còn các ông chẳng có thể.

Khi ấy, ác ma vui mừng hớn hở nói: Bồ Tát này chính là bạn bè của ta, luân hồi sanh tử chưa có lúc nào ra.

Vì lẽ gì?

Vì các Bồ Tát này ỷ vào công đức căn lành của mình có, khinh chúng Đại Bồ Tát khác, liền xa quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, chẳng thể siêng năng làm trống không cảnh giới của Ta thì Đại Bồ Tát này khi tu hành bát nhã Ba la mật đa liền bị ác ma làm rối loạn.

Nếu Đại Bồ Tát nào không ỷ mình có công đức căn lành, khinh chê chúng Đại Bồ Tát khác, tuy thường tinh tấn tu các pháp lành nhưng chẳng chấp trước các tướng pháp lành thì Đại Bồ Tát này khi tu hành bát nhã Ba la mật đa không bị ác ma làm rối loạn.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Nếu Đại Bồ Tát nào tự ỷ tên tuổi, dòng họ và công đức, sự tu tập Ðầu đà, khinh miệt các chúng Bồ Tát tu các pháp thắng thiện khác, thường khen mình và hủy báng, chê bai các vị khác.

Họ thật không có các hành trạng của Đại Bồ Tát Bất Thối Chuyển mà cho mình có, nên sanh các phiền não và nói: Các ông không có danh hiệu Bồ Tát, chỉ riêng ta có.

Do tăng thượng mạn khinh chê Bồ Tát khác, bấy giờ ác ma rất vui mừng, nghĩ như vậy: Nay Bồ Tát này làm cho cung điện và Quốc Độ của ta chẳng trống không, tăng thêm cảnh giới địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.

Bấy giờ ác ma giúp Thần lực cho người kia, làm cho càng tăng thêm uy thế biện tài. Do đây được nhiều người tin nhận lời nói của người đó.

Nhân đó khuyên phát đồng ác kiến như người kia. Ác kiến đồng rồi, học theo pháp tà của người kia. Học theo pháp tà rồi, phiền não hừng hực, vì tâm điên đảo nên phát sanh các nghiệp thân, ngữ, ý đều luôn nhận lấy quả khổ suy tổn không thể ưa thích.

Do nhân duyên này tăng thêm cảnh giới địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, làm cho cung điện, cỏi nước ma đông đảo. Do đây, ác ma vui mừng hớn hở, muốn làm những điều gì đều tùy ý tự tại. Đại Bồ Tát này khi tu hành bát nhã Ba la mật đa liền bị ác ma làm rối loạn.

Nếu Đại Bồ Tát nào không ỷ vào danh hiệu hư vọng cùng việc công đức tu tập Ðầu Đà của mình mà khinh miệt các chúng Bồ Tát tu các pháp thắng thiện khác, đối với các công đức xa lìa tăng thượng mạn, thường không khen mình, cũng không chê người, luôn hiểu biết đúng những việc của ác ma, thì Đại Bồ Tát này khi tu hành bát nhã Ba la mật đa không bị ác ma làm rối loạn.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Khi nào Đại Bồ Tát này cùng với người cầu Thanh Văn, Độc Giác thừa gây gỗ, hủy miệt, phỉ báng nhau thì bấy giờ ác ma thấy sự việc như vậy nên nghĩ: Nay Bồ Tát này tuy xa quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề nhưng không xa lắm. Tuy gần cảnh giới địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ nhưng không gần lắm. Nghĩ như vậy xong, tuy vui mừng nhưng không hớn hở.

Khi nào Đại Bồ Tát cùng các chúng Đại Bồ Tát khác khinh miệt, chê bai nhau thì khi ấy thấy sự việc như vậy, ác ma liền nghĩ: Hai Bồ Tát này rất xa quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, rất gần cảnh giới địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ.

Nghĩ như vậy rồi rất vui mừng hớn hở và tăng thêm sức lực của chúng, làm cho hai bên bạn bè đấu tranh luôn không dứt, làm cho vô lượng, vô biên hữu tình khác đều hết lòng nhàm chán đại thừa, thì Đại Bồ Tát này khi tu hành bát nhã Ba la mật đa liền bị ác ma làm rối loạn.

Đại Bồ Tát nào cùng người cầu Thanh Văn, Độc Giác thừa chẳng đấu tranh, khinh miệt, chê bai nhau, phương tiện giáo hóa, làm cho hướng đến đại thừa, hoặc khiến họ tu vượt lên trên thừa của mình và cùng các thiện nam tử v.v… cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, không khinh chê, hủy báng, đấu tranh nhau.

Cùng dạy bảo nhau tu pháp thắng thiện, mau thẳng đến quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, chuyển vận bánh xe diệu pháp, độ các hữu tình, thì Đại Bồ Tát này khi tu hành bát nhã Ba la mật đa không bị ác ma làm rối loạn.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Nếu Đại Bồ Tát nào chưa được thọ ký không thối lui quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, đối với các Đại Bồ Tát đã được thọ ký không thối lui quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, sanh tâm tổn hại, khinh miệt, đấu tranh, chê bai, mắng nhiếc.

Đại Bồ Tát này tùy theo phát khởi bao nhiêu tâm niệm không lợi ích, thì thối lui bấy nhiêu kiếp từng tu thắng hạnh, trải qua bấy nhiêu đời xa lìa bạn lành, chịu lại bấy nhiêu đời sanh tử trói buộc.

Nếu không bỏ tâm đại Bồ Đề thì trở lại bấy nhiêu kiếp mặc áo giáp hoằng thệ, siêng tu thắng hạnh không lúc nào gián đoạn, sau đó mới được bù đắp lại công đức đã bị lui sụt.

Bấy giờ, Khánh Hỷ lại bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Đại Bồ Tát này đã phát khởi tâm ác, sanh tử tội khổ thì phải luân hồi trải qua bấy nhiêu đời, hay ở nửa chừng cũng được ra khỏi. Đại Bồ Tát này bị lui thắng hạnh thì phải siêng năng trải bấy nhiêu kiếp mặc giáp Hoằng thệ, tu các thắng hạnh không lúc nào gián đoạn, sau đó mới được bù đắp lại công đức đã bị lui sụt, hay là ở nửa chừng có thể phục hồi lại như từ trước.

Phật Bảo Khánh Hỷ: Ta vì Bồ Tát, Độc Giác, Thanh Văn thuyết cách xuất tội và phục hồi thiện lại.

Khánh Hỷ nên biết! Đại Bồ Tát nào chưa được thọ ký không thối lui quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, đối với các Đại Bồ Tát đã được thọ ký không thối lui quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề sanh tâm tổn hại, đấu tranh khinh miệt, hủy nhục, chê bai, về sau không hổ thẹn, giữ ác không bỏ, không chịu như pháp tỏ bày sám hối.

Ta nói loại người ấy ở nơi nửa chừng không có nghĩa thoát tội và phục hồi thiện pháp, phải theo số kiếp như cũ luân hồi trong sanh tử, xa lìa bạn lành, bị các khổ trói buộc. Nếu không xả bỏ tâm đại Bồ Đề thì phải bấy nhiêu kiếp mặc giáp Hoằng thệ, siêng tu thắng hạnh không có lúc nào gián đoạn, sau đó mới phục hồi công đức đã bị lui sụt.

Đại Bồ Tát nào chưa được thọ ký không thối lui quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề thì đối với các Đại Bồ Tát đã được thọ ký không thối lui quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, tâm tổn hại, đấu tranh, khinh miệt, mắng nhiếc, hủy báng nhau, sau đó sanh hổ thẹn, tâm bỏ điều ác, liền theo đúng pháp phát lồ sám lỗi, nghĩ thế này: Ta nay đã được thân người vốn khó được, sao lại để cho khởi lên tội lỗi làm cho mất lợi lành lớn!

Ta nên làm lợi ích cho tất cả hữu tình, sao lại làm hại chúng?

Ta nên cung kính tất cả hữu tình như tôi tớ thờ chủ, sao lại kiêu mạn, khinh miệt, hủy nhục đối với hữu tình?

Ta nên nhận chịu tất cả sự đánh đập, trách mắng của hữu tình, sao lại đối với hữu tình đem sự tàn bạo của lời nói và hành động đáp lại họ?

Ta nên hòa giải tất cả, làm cho hữu tình kính mến nhau, sao lại đưa ra lời lẽ hung ác để chống chọi chúng?

Ta nên chịu đựng để tất cả hữu tình dẫm đạp mãi mãi như đường sá hay như chiếc cầu, sao trở lại lăng nhục chúng?

Ta cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề vì cứu vớt khổ lớn sanh tử cho hữu tình, làm cho được Niết Bàn an vui hoàn toàn, sao lại muốn đem khổ đến cho chúng?

Từ nay cho đến tận đời vị lai, ta nên như si, như câm, như mù, như điếc, đối với các hữu tình không phân biệt, giả sử có bị chém đứt đầu, chân, cánh tay hoặc móc mắt, cắt tai, xẻo mũi, cắt lưỡi, cưa xẻ tất cả chi thể thân phần, đối với hữu tình kia ta quyết không phát khởi ác. Nếu ta có ác tâm thì liền bị thối lui tâm cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, chướng ngại sự cầu trí nhất thiết trí, không thể làm lợi ích an vui cho hữu tình.

Khánh Hỷ nên biết! Đối với Đại Bồ Tát này, ta nói nửa chừng có thể thoát tội và phục hồi lại thiện pháp, chẳng còn trải qua nhiều kiếp số luân hồi sanh tử, không bị ác ma làm rối loạn và mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Lại nữa, Khánh Hỷ! Các Đại Bồ Tát cùng với những vị cầu Thanh Văn, Độc Giác thừa như vậy chẳng nên giao thiệp. Giả sử cùng giao thiệp thì chẳng nên ở chung. Giả sử cùng ở chung thì chẳng nên cùng với họ bàn luận, xác quyết nghĩa lý.

Vì sao?

Vì nếu cùng với họ luận bàn để xác định nghĩa lý thì sẽ có thể phát sinh tâm giận dữ v.v… hoặc phát sinh lời lẽ thô ác. Nhưng các Bồ Tát đối với các loài hữu tình thì không nên giận dữ v.v… Cũng không nên nói lời thô ác. Giả sử bị chém đứt đầu, chân tay, thân phần… cũng không nên nói lời giận dữ.

Vì sao?

Vì các Đại Bồ Tát nên nghĩ: Ta cầu quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề vì cứu giúp hữu tình dứt hẳn khổ sanh tử, làm cho được lợi ích, an vui hoàn toàn, đâu cho phép gây việc ác cho họ.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu Đại Bồ Tát nào đối với loài hữu tình mà giận dữ, nói ra lời thô ác thì liền bị trở ngại quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề và hư hoại vô biên pháp hạnh của Bồ Tát. Thế nên, chúng Đại Bồ Tát muốn đắc quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, đối với các hữu tình không nên giận dữ, cũng không nên nói lời thô ác.

Bấy giờ Khánh Hỷ bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát cùng Đại Bồ Tát làm cách nào để cùng ở chung?

Phật Bảo Khánh Hỷ: Các Đại Bồ Tát cùng Đại Bồ Tát ở chung nên xem nhau như Đại Sư.

Vì sao?

Vì các Đại Bồ Tát cùng Đại Bồ Tát hỗ trợ nhau nên nghĩ thế này: Đại Bồ Tát kia là bạn lành chơn thật của chúng ta, cùng chúng ta làm bạn, đồng ngồi một thuyền, đồng đi một đường, đồng tới một chỗ, đồng làm một việc. Chúng ta cùng với họ cùng học một thời gian, cùng một nơi chốn và cùng được học một giáo pháp. Nếu học như vậy thì không khác nhau.

Lại nghĩ: Các Bồ Tát kia vì chúng ta thuyết đạo đại Bồ Đề, tức là bạn lành của ta, cũng là đạo sư của ta. Nếu Đại Bồ Tát kia trụ ý nghĩ xen tạp, xa lìa ý nghĩ tương ưng với trí nhất thiết trí thì ta sẽ không học chung với các vị ấy. Nếu Đại Bồ Tát kia lìa ý nghĩ xen tạp, không lìa ý nghĩ tương ưng trí nhất thiết trí thì ta nên thường cùng học tập với họ.

Khánh Hỷ nên biết! Nếu Đại Bồ Tát luôn học như vậy thì tư lương Bồ Đề mau được viên mãn, mau chứng quả vị Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, ở giai đoạn nửa chừng không bị chướng ngại.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần