Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Hai - Phẩm Bảy Mươi Tám -  phẩm Thật Tế - Phần Hai

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần

PHẬT THUYẾT KINH 

ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư

Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần  

HỘI THỨ HAI  

PHẨM BẢY MƯƠI TÁM

PHẨM THẬT TẾ  

PHẦN HAI  

Này Thiện Hiện! Những pháp nào bản tánh đều không, mà khi các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, như thật liễu tri bản tánh không rồi, trụ bản tánh không vì người nói pháp?

Này Thiện Hiện! Sắc cho đến thức, bản tánh đều không. Nhãn xứ cho đến ý xứ, bản tánh đều không. Sắc xứ cho đến pháp xứ, bản tánh đều không. Nhãn giới cho đến ý giới, bản tánh đều không.

Sắc giới cho đến pháp giới, bản tánh đều không. Nhãn thức giới cho đến ý thức giới, bản tánh đều không. Nhãn xúc cho đến ý xúc, bản tánh đều không. Nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ, bản tánh đều không.

Địa giới cho đến thức giới, bản tánh đều không. Nhân duyên cho đến tăng thượng duyên, bản tánh đều không. Các pháp từ duyên sanh ra, bản tánh đều không. Vô minh cho đến lão tử, bản tánh đều không.

Bố Thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa, bản tánh đều không. Bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, bản tánh đều không. bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo, bản tánh đều không. Giải thoát môn không, vô tướng, vô nguyện, bản tánh đều không.

Nội không cho đến vô tính tự tính không, bản tánh đều không. Chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, bản tánh đều không. Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, bản tánh đều không. Tám giải thoát cho đến mười biến xứ, bản tánh đều không.

Tịnh Quán Địa cho đến Như Lai Địa, bản tánh đều không. Cực Hỷ Địa cho đến Pháp Vân Địa, bản tánh đều không. Tất cả môn Đà La Ni, môn Tam Ma Địa, bản tánh đều không. Năm loại mắt, sáu thần thông, bản tánh đều không.

Mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng, bản tánh đều không. Ba mươi hai tướng Đại Sĩ, tám mươi vẻ đẹp, bản tánh đều không. Pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, bản tánh đều không.

Trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, bản tánh đều không. Quả Dự Lưu cho đến Độc Giác Bồ Đề, bản tánh đều không. Tất cả hạnh Đại Bồ Tát, bản tánh đều không. Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật, bản tánh đều không. Sự đoạn trừ vĩnh viễn tất cả phiền não tập khí tương tục, bản tánh đều không.

Khi các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, như thật liễu tri các uẩn: sắc… cho đến dứt hẳn các phiền não tập khí tương tục, bản tánh không rồi, liền trụ bản tánh không, vì các hữu tình mà tuyên thuyết pháp bản tánh không như vậy.

Lại nữa Thiện Hiện! Nếu tánh nội không bản tánh chẳng không. Hoặc tánh ngoại không, nội ngoại không, không không, đại không, thắng nghĩa không, hữu vi không, vô vi không, tất cánh không, vô tế không, tán vô tán không, bản tánh không, tự cộng tướng không, nhất thiết pháp không, bất khả đắc không, vô tánh không, tự tính không.

Vô tính tự tính Không, bản tánh cũng chẳng không, thì khi các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, chẳng nên vì các hữu tình mà nói tất cả pháp bản tánh đều không. Nếu nói như vậy là hoại bản tánh không, nhưng lý bản tánh không chẳng thể hoại, chẳng phải thường cũng chẳng phải đoạn.

Vì sao vậy?

Vì lý bản tánh không vô phương, vô xứ, không từ đâu đến, cũng không đi về đâu. Lý không như vậy cũng gọi là pháp trụ. Trong ấy, không có pháp, không tụ, không tán, không giảm, không tăng, không sanh, không diệt, không sạch, không dơ.

Tất cả pháp ấy, vốn trụ tánh như vậy. Các Đại Bồ Tát an trụ trong ấy, cầu chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, nhưng không thấy có pháp, có chỗ mong cầu hướng đến. Vì tất cả pháp đều không có chỗ trụ nên gọi là trụ pháp.

Các Đại Bồ Tát an trụ trong ấy, hánh bát nhã Ba la mật đa sâu xa, thấy bản tánh không của tất cả pháp rồi, nhất định đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề được bất thối chuyển.

Vì sao vậy?

Vì các Đại Bồ Tát này không thấy có pháp hay làm chướng ngại. Vì thấy tất cả pháp không có chướng ngại, nên đối với Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, không sanh nghi ngờ, mà được bất thối chuyển.

Lại nữa Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát trụ trong bản tánh không của tất cả pháp, quán bản tánh không đều không có chỗ đắc. Nghĩa là ngã, hữu tình, dòng sanh mạng, người sanh, sự dưỡng dục, sĩ phu, Bổ Đặc Già La, ý sanh, thanh niên, người làm, người thọ, người biết, người thấy, tất cả đều chẳng thể đắc.

Sắc cho đến thức cũng chẳng thể đắc. Nhãn xứ cho đến ý xứ cũng chẳng thể đắc. Sắc xứ cho đến pháp xứ cũng chẳng thể đắc. Nhãn giới cho đến ý giới cũng chẳng thể đắc.

Sắc giới cho đến pháp giới cũng chẳng thể đắc. Nhãn thức giới cho đến ý thức giới cũng chẳng thể đắc. Nhãn xúc cho đến ý xúc cũng chẳng thể đắc. Nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ cũng chẳng thể đắc.

Địa giới cho đến thức giới cũng chẳng thể đắc. Nhân duyên cho đến tăng thượng duyên cũng chẳng thể đắc. Các pháp từ duyên sanh ra cũng chẳng thể đắc. Vô minh cho đến lão tử cũng chẳng thể đắc.

Bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa cũng chẳng thể đắc. Nội không cho đến vô tính tự tính không cũng chẳng thể đắc. Chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn cũng chẳng thể đắc.

Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo cũng chẳng thể đắc. Bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo cũng chẳng thể đắc. Bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc cũng chẳng thể đắc. Tám giải thoát cho đến mười biến xứ cũng chẳng thể đắc. Giải thoát môn không, vô tướng, vô nguyện cũng chẳng thể đắc.

Tịnh Quán Địa cho đến Như Lai Địa cũng chẳng thể đắc. Cực Hỷ Địa cho đến Pháp Vân Địa cũng chẳng thể đắc. Tất cả môn Đà La Ni, môn Tam Ma Địa cũng chẳng thể đắc. Năm loại mắt, sáu thần thông cũng chẳng thể đắc.

Mười lực như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng cũng chẳng thể đắc. Pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả cũng chẳng thể đắc. Trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng cũng chẳng thể đắc.

Quả Dự Lưu cho đến Độc Giác Bồ Đề cũng chẳng thể đắc. Tất cả hạnh Đại Bồ Tát cũng chẳng thể đắc. Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề  của Chư Phật cũng chẳng thể đắc. Pháp thiện, pháp ác cũng chẳng thể đắc. Pháp hữu kí, pháp vô kí cũng chẳng thể đắc.

Pháp hữu lậu, pháp vô lậu cũng chẳng thể đắc. Pháp thế gian, pháp xuất thế gian cũng chẳng thể đắc. Pháp hữu vi, pháp vô vi cũng chẳng thể đắc. Ba mươi hai tướng Đại Sĩ, tám mươi vẻ đẹp cũng chẳng thể đắc.

Thiện Hiện nên biết, như có Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác hóa làm bốn chúng, đó lá Bí Sô, Bí Sô Ni, Ổ Ba Sách Ca, Ổ Ba Tư Ca.  Giả sử hóa Phật trải qua một kiếp, hoặc hơn một kiếp, tuyên thuyết chánh pháp cho bốn chúng ấy.

Ý ông nghĩ sao?

Hóa chúng như vậy có thể đắc quả Dự Lưu, hoặc quả Nhất Lai, hoặc quả Bất Hoàn, hoặc quả A La Hán, hoặc Độc Giác Bồ Đề, hoặc được thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề chăng?

Thiện Hiện đáp: Bạch Đức Thế Tôn! Không.

Vì sao vậy?

Vì các hóa chúng đều không thật có. Pháp chẳng không thật mới có thể đắc quả, có thể được thọ ký.

Phật Bảo: Thiện Hiện! Các pháp cũng vậy, đều bản tánh không, đều không thật có.

Trong ấy, những Đại Bồ Tát nào, vì những hữu tình nào, nói những pháp nào để cho họ chứng được quả Dự Lưu, hoặc quả Nhất Lai, hoặc quả Bất Hoàn, hoặc quả A La Hán, hoặc Độc Giác Bồ Đề, hoặc được thọ ký Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề?

Thiện Hiện nên biết! Các Đại Bồ Tát tuy vì hữu tình tuyên Thuyết Pháp không, nhưng các hữu tình thật chẳng thể đắc. Vì thương xót họ rơi vào pháp điên đảo, nên cứu vớt khiến cho trụ pháp không điên đảo. Không điên đảo nghĩa là không phân biệt. Không phân biệt là không điên đảo. Nếu có phân biệt thì có điên đảo, những hạng ấy lưu chuyển liên tục.

Thiện Hiện nên biết! Điên đảo tức là pháp không điên đảo. Trong pháp không điên đảo không có ngã, không có hữu tình. Nói rộng cho đến không có người biết, không có người thấy.

Cũng không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Cũng không có nhãn xứ cho đến ý xứ. Cũng không có sắc xứ cho đến pháp xứ. Cũng không có nhãn giới cho đến ý giới. Cũng không có sắc giới cho đến pháp giới.

Cũng không có nhãn thức giới cho đến ý thức giới. Cũng không có nhãn xúc cho đến ý xúc. Cũng không có nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ. Cũng không có địa giới cho đến thức giới. Cũng không có nhân duyên cho đến tăng thượng duyên. Cũng không có các pháp từ duyên sanh ra.

Cũng không có vô minh cho đến lão tử. Cũng không có bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa. Cũng không có nội không cho đến vô tính tự tính không. Cũng không có chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn. Cũng không có Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Cũng không có bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo.

Cũng không có bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Cũng không có tám giải thoát cho đến mười biến xứ. Cũng không có pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Cũng không có Tịnh Quán Địa cho đến Như Lai Địa.

Cũng không có Cực Hỷ Địa cho đến Pháp Vân Địa. Cũng không có tất cả môn Đà La Ni, môn Tam Ma Địa. Cũng không có năm loại mắt, sáu phép thần thông. Cũng không có mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng. Cũng không có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Bậc Đại Sĩ.

Cũng không có pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả. Cũng không có trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Cũng không có quả Dự Lưu cho đến Độc Giác Bồ Đề. Cũng không có tất cả hạnh Đại Bồ Tát. Cũng không có Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật.

Này Thiện Hiện! Vô sở hữu này tức bản tánh không. Khi các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, an trụ trong ấy, thấy các loài hữu tình rơi vào tưởng điên đảo, dùng phương tiện thiện xảo khiến cho được giải thoát.

Nghĩa là làm cho thoát khỏi tưởng ngã, vô ngã. Tưởng hữu tình, không hữu tình. Nói rộng cho đến thoát khỏi tưởng có người biết, không có người biết. Thoát khỏi tưởng có người thấy, không có người thấy.

Cũng làm cho thoát khỏi tưởng thường, vô thường. Tưởng lạc, không lạc. Tưởng tịnh, bất tịnh. Cũng làm cho thoát khỏi tưởng sắc, thọ, tưởng, hành, thức, không có sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Cũng làm cho thoát khỏi tưởng nhãn xứ cho đến ý xứ, không có nhãn xứ cho đến ý xứ.

Cũng làm cho thoát khỏi tưởng sắc xứ cho đến pháp xứ, không có sắc xứ cho đến pháp xứ. Cũng làm cho thoát khỏi tưởng nhãn giới cho đến ý giới, không có nhãn giới cho đến ý giới.

Cũng làm cho thoát khỏi tưởng sắc giới cho đến pháp giới, không có sắc giới cho đến pháp giới. Cũng làm cho thoát khỏi tưởng nhãn thức giới cho đến ý thức giới, không có nhãn thức giới cho đến ý thức giới.

Cũng làm cho thoát khỏi tưởng nhãn xúc cho đến ý xúc, không có nhãn xúc cho đến ý súc. Cũng làm cho thoát khỏi tưởng nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ, không có nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ.

Cũng làm cho thoát khỏi tưởng địa giới cho đến thức giới, không có địa giới cho đến thức giới. Cũng làm cho thoát khỏi tưởng nhân duyên cho đến tăng thượng duyên, không có nhân duyên cho đến tăng thượng duyên.

Cũng làm cho thoát khỏi tưởng các pháp từ duyên sanh ra, không có các pháp từ duyên sanh ra. Cũng làm cho thoát khỏi tưởng vô minh cho đến lão tử, không có vô minh cho đến lão tử. Cũng làm cho thoát khỏi tưởng bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa, không có bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa.

Cũng làm cho thoát khỏi tưởng có nội không cho đến vô tính tự tính không, không có nội không cho đến vô tính tự tính không. Cũng làm cho thoát khỏi tưởng có chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, không có chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn.

Cũng làm cho thoát khỏi tưởng có Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo, không có Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo. Cũng làm cho thoát khỏi tưởng có bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo, không có bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo.

Cũng làm cho thoát khỏi tưởng có  bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, không có bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc. Cũng làm cho thoát khỏi tưởng có tám giải thoát cho đến mười biến xứ, không có tám giải thoát cho đến mười biến xứ.

Cũng làm cho thoát khỏi tưởng có pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện, không có pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện. Cũng làm cho thoát khỏi tưởng có Tịnh Quán Địa cho đến Như Lai Địa, không có Tịnh Quán Địa cho đến Như Lai Địa.

Cũng làm cho thoát khỏi tưởng có Cực Hỷ Địa cho đến Pháp Vân Địa, không có Cực Hỷ Địa cho đến Pháp Vân Địa. Cũng làm cho thoát khỏi tưởng có tất cả môn Đà La Ni, môn Tam Ma Địa, không có tất cả môn Đà La Ni, môn Tam Ma Địa.

Cũng làm cho thoát khỏi tưởng có năm loại mắt, sáu phép thần thông, không có năm loại mắt, sáu phép thần thông. Cũng làm cho thoát khỏi tưởng có mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng, không có mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng.

Cũng làm cho thoát khỏi tưởng có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Bậc Đại Sĩ, không có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Bậc Đại Sĩ. Cũng làm cho thoát khỏi tưởng có pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả, không có pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả.

Cũng làm cho thoát khỏi tưởng có trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng, không có trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng. Cũng làm cho thoát khỏi tưởng có quả Dự Lưu cho đến Độc Giác Bồ Đề, không có quả Dự Lưu cho đến Độc Giác Bồ Đề.

Cũng làm cho thoát khỏi tưởng có tất cả hạnh Đại Bồ Tát, không có tất cả hạnh Đại Bồ Tát. Cũng làm cho thoát khỏi tưởng có Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật, không có Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật.

Cũng làm cho thoát khỏi các pháp hữu lậu, như  năm thủ uẩn… cũng làm cho thoát khỏi các pháp vô lậu, như bốn niệm trụ…

Vì sao vậy?

Vì các pháp vô lậu như bốn niệm trụ… chẳng như thắng nghĩa, không sanh, không diệt, vô tướng, vô vi, không hý luận, không phân biệt. Cho nên cũng phải giải thoát. Chân thắng nghĩa của pháp ấy tức bản tánh không. Bản tánh không này chính là Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề mà Chư Phật đã chứng.

Thiện Hiện nên biết, trong đây không có ngã cho đến người thấy có thể được. Cũng không có sắc cho đến thức có thể được. Cũng không có nhãn xứ cho đến ý xứ có thể được.

Cũng không có sắc xứ cho đến pháp xứ có thể được. Cũng không có nhãn giới cho đến ý giới có thể được. Cũng không có sắc giới cho đến pháp giới có thể được. Cũng không có nhãn thức giới cho đến ý thức giới có thể được. Cũng không có nhãn xúc cho đến ý xúc có thể được.

Cũng không có nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ có thể được. Cũng không có địa giới cho đến thức giới có thể được. Cũng không có nhân duyên cho đến tăng thượng duyên có thể được. Cũng không có các pháp từ duyên sanh ra có thể được.

Cũng không có vô minh cho đến lão tử có thể được. Cũng không có bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa có thể được. Cũng không có nội không cho đến vô tính tự tính không có thể được.

Cũng không có chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn có thể được. Cũng không có Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo có thể được. Cũng không có bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo có thể được. Cũng không có bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc có thể được.

Cũng không có tám giải thoát cho đến mười biến xứ có thể được. Cũng không có pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện có thể được. Cũng không có Tịnh Quán Địa cho đến Như Lai Địa có thể được. Cũng không có Cực Hỷ Địa cho đến Pháp Vân Địa có thể được. Cũng không có tất cả môn Đà La Ni, môn Tam Ma Địa có thể được.

Cũng không có năm loại mắt, sáu phép thần thông có thể được. Cũng không có mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng có thể được. Cũng không có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Bậc Đại Sĩ có thể được. Cũng không có pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả có thể được.

Cũng không có trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng có thể được. Cũng không có quả Dự Lưu cho đến Độc Giác Bồ Đề có thể được. Cũng không có tất cả hạnh Đại Bồ Tát có thể được. Cũng không có Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật có thể được.

Thiện Hiện nên biết, không vì đạo Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề mà cầu hướng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, chỉ vì bản tánh không của các pháp nên cầu hướng đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.

Trước, sau, giữa của bản tánh không này, thường luôn là bản tánh không, chưa từng chẳng không. Các Đại Bồ Tát trụ bản tánh không  Ba la mật đa, vì muốn độ thoát các loài hữu tình, tưởng chấp hữu tình và tưởng pháp, nên hành trí đạo tướng.

Khi các Đại Bồ Tát này hành trí đạo tướng, thì được tất cả đạo. Đó là đạo Thanh Văn, hoặc đạo Độc Giác, hoặc đạo Bồ Tát, hoặc đạo của Chư Phật.

Thiện Hiện nên biết, đối với tất cả đạo, Đại Bồ Tát này được viên mãn rồi, liền có thể thành thục hữu tình mà mình hóa độ, cũng có khả năng nghiêm tịnh Cõi Phật mà mình mong cầu, bỏ lại các thọ hành, hướng đến chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề. Sau khi chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, làm cho Phật nhãn thường không đoạn mất.

Cái gì gọi là Phật nhãn?

Đó là bản tánh không. Quá khứ, vị lai, hiện tại Chư Phật trụ mười phương cõi, vì các hữu tình mà nói chánh pháp. Không có vị nào không lấy bản tánh không này mà làm Phật nhãn.

Thiện Hiện nên biết, Nhất định không có Chư Phật lìa bản tánh không mà xuất hiện ở thế gian. Chư Phật xuất hiện ở đời, không có vị nào mà không nói nghĩa của bản tánh không. Hữu tình được hóa độ cần phải nghe Phật nói lý bản tánh không, thì mới nhập được Thánh Đạo, đắc quả Thánh Đạo.

Lìa bản tánh không thì không có phương tiện nào khác.

Vì vậy Thiện Hiện! Các Đại Bồ Tát muốn chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề, phải nên an trụ chân chánh lý bản tánh không, tu hành sáu Ba la mật đa và các hạnh khác của Đại Bồ Tát. Nếu an trụ chân chánh lý bản tánh không, tu hành sáu Ba la mật đa và các hạnh khác của Đại Bồ Tát thì chẳng bao giờ thối mất trí nhất thiết trí, thường làm lợi lạc cho tất cả hữu tình.

Bấy giờ, cụ thọ Thiện Hiện bạch Phật: Bạch Đức Thế Tôn! Các Đại Bồ Tát thật là hiếm có, tuy hành tất cả pháp đều là bản tánh không, nhưng đối với bản tánh không, thường không hoại mất. Nghĩa là không chấp sắc cho đến thức khác với bản tánh không. Cũng không chấp nhãn xứ cho đến ý xứ khác với bản tánh không.

Cũng không chấp sắc xứ cho đến pháp xứ khác với bản tánh không. Cũng không chấp nhãn giới cho đến ý giới khác với bản tánh không. Cũng không chấp sắc giới cho đến pháp giới khác với bản tánh không. Cũng không chấp nhãn thức giới cho đến ý thức giới khác với bản tánh không.

Cũng không chấp nhãn xúc cho đến ý xúc khác với bản tánh không. Cũng không chấp nhãn xúc làm duyên sanh ra các thọ, cho đến ý xúc làm duyên sanh ra các thọ khác với bản tánh không. Cũng không chấp địa giới cho đến thức giới khác với bản tánh không.

Cũng không chấp nhân duyên cho đến tăng thượng duyên khác với bản tánh không. Cũng không chấp các pháp từ duyên sanh ra khác với bản tánh không. Cũng không chấp vô minh cho đến lão tử khác với bản tánh không. Cũng không chấp bố thí Ba la mật đa cho đến bát nhã Ba la mật đa khác với bản tánh không.

Cũng không chấp nội không cho đến vô tính tự tính không khác với bản tánh không. Cũng không chấp chân như cho đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn khác với bản tánh không.

Cũng không chấp Thánh đế khổ, tập, diệt, đạo khác với bản tánh không. Cũng không chấp bốn niệm trụ cho đến tám chi Thánh đạo khác với bản tánh không.

Cũng không chấp bốn tĩnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc khác với bản tánh không. Cũng không chấp tám giải thoát cho đến mười biến xứ khác với bản tánh không.

Cũng không chấp pháp môn giải thoát không, vô tướng, vô nguyện khác với bản tánh không. Cũng không chấp Tịnh Quán Địa cho đến Như Lai Địa khác với bản tánh không.

Cũng không chấp Cực Hỷ Địa cho đến Pháp Vân Địa. Cũng không chấp tất cả môn Đà La Ni, môn Tam Ma Địa khác với bản tánh không. Cũng không chấp năm loại mắt, sáu phép thần thông khác với bản tánh không. Cũng không chấp mười lực Như Lai cho đến mười tám Pháp Phật bất cộng khác với bản tánh không.

Cũng không chấp ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp của Bậc Đại Sĩ khác với bản tánh không. Cũng không chấp pháp không quên mất, tánh luôn luôn xả khác với bản tánh không. Cũng không chấp trí nhất thiết, trí đạo tướng, trí nhất thiết tướng khác với bản tánh không.

Cũng không chấp quả Dự Lưu cho đến Độc Giác Bồ Đề khác với bản tánh không. Cũng không chấp tất cả hạnh Đại Bồ Tát khác với bản tánh không. Cũng không chấp Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật khác với bản tánh không.

Phật Bảo Thiện Hiện: Đúng vậy! Đúng vậy! Đúng như lời ông nói, các Đại Bồ Tát thật là hiếm có. Tuy hành tất cả pháp đều bản tánh không, nhưng đối với bản tánh không thường không hoại mất.

Thiện Hiện nên biết, sắc chẳng khác bản tánh không, bản tánh không chẳng khác sắc. Sắc tức là bản tánh không, bản tánh không tức là sắc. Như vậy cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật chẳng khác bản tánh không, bản tánh không không khác Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật.

Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật tức là bản tánh không, bản tánh không tức là Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật.

Thiện Hiện nên biết, nếu sắc khác bản tánh không, bản tánh không khác sắc, sắc chẳng phải bản tánh không, bản tánh không chẳng phải sắc. Như vậy cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật khác bản tánh không, bản tánh không khác Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật.

Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật  chẳng phải bản tánh không, bản tánh không chẳng khác Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật, thì khi các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, không cần phải quán tất cả pháp đều bản tánh không, cũng chẳng cần chứng đắc trí nhất thiết trí.

Vì sắc chẳng khác bản tánh không, bản tánh không chẳng khác sắc, sắc tức là bản tánh không, bản tánh không tức là sắc. Như vậy cho đến Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật chẳng khác bản tánh không, bản tánh không chẳng khác Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật.

Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật tức là bản tánh không, bản tánh không tức là Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật, nên khi các Đại Bồ Tát hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, quán tất cả pháp đều bản tánh không, mà chứng được trí nhất thiết trí.

Vì sao vậy?

Vì lìa bản tánh không, không có một pháp nào là thật, là thường, có thể hoại, có thể đoạn. Trong bản tánh không, cũng không có một pháp nào là thật, là thường, có thể hoại, có thể đoạn.

Nhưng các kẻ ngu si mê muội, điên đảo khởi tưởng phân biệt khác. Nghĩa là phân biệt sắc khác bản tánh không. Hoặc phân biệt thọ, tưởng, hành, thức khác bản tánh không.

Như vậy, cho đến phân biệt tất cả hạnh Đại Bồ Tát khác bản tánh không. Hoặc phân biệt Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật khác bản tánh không. Các kẻ ngu si này phân biệt các pháp khác biệt với bản tánh không, nên chẳng như thật biết sắc.

Chẳng như thật biết thọ, tưởng, hành, thức. Do không biết nên liền chấp trước sắc. Chấp trước thọ, tưởng, hành, thức. Do chấp trước nên đối với sắc, thấy có ngã, ngã sở. Đối với thọ, tưởng, hành, thức, thấy có ngã, ngã sở.

Do thấy sai lầm nên chấp vật trong ngoài, lãnh thọ sắc, thọ, tưởng, hành, thức ở thân sau. Do đây, nên không thể thoát khỏi sự sanh, già, bệnh, chết, sầu, ưu, khổ, não trong các cõi, lưu chuyển qua lại trong ba cõi không có cùng tận.

Do nhân duyên đây, nên các Đại Bồ Tát trụ bản tánh không Ba la mật đa, hành bát nhã Ba la mật đa sâu xa, không chấp thủ sắc, cũng không hoại sắc hoặc không, hoặc chẳng không. Không chấp thủ thọ, tưởng, hành, thức, cũng không hoại thọ, tưởng, hành, thức hoặc không, hoặc chẳng không.

Như vậy, cho đến chẳng chấp thủ tất cả hạnh Đại Bồ Tát, cũng chẳng hoại tất cả hạnh Đại Bồ Tát hoặc không, hoặc chẳng không. Không chấp thủ Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật, cũng không hoại Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật hoặc không, hoặc chẳng không.

Vì sao vậy?

Vì sắc chẳng hoại không, không chẳng hoại sắc. Tức đây là sắc, đây là không. Thọ, tưởng, hành, thức chẳng hoại không. Không chẳng hoại thọ, tưởng, hành, thức. Tức đây là thọ, tưởng, hành, thức, đây là không.

Như vậy cho đến tất cả hạnh Đại Bồ Tát chẳng hoại không. Không chẳng hoại tất cả hạnh Đại Bồ Tát. Tức đây là tất cả hạnh Đại Bồ Tát, đây là không. Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của chư  Phật chẳng hoại không. Không chẳng hoại Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật.

Tức đây là Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề của Chư Phật, đây là không. Thí như hư không chẳng hoại hư không. Cõi hư không bên trong chẳng hoại cõi hư không bên ngoài. Cõi hư không bên ngoài chẳng hoại cõi hư không bên trong.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần