Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - hội Thứ Hai - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Niệm Trụ đẳng - Phần Hai
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
PHẬT THUYẾT KINH
ĐẠI BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư
Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần
HỘI THỨ HAI
PHẨM MƯỜI BẢY
PHẨM NIỆM TRỤ ĐẲNG
PHẦN HAI
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là bốn thần túc.
Thế nào là bốn?
Này Thiện Hiện!
Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu dục Tam Ma Địa, đoạn hành, thành tựu thần túc, nương vào xa lìa, nương vào vô nhiễm, nương vào diệt hồi hướng xả. Đó là thứ nhất.
Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu cần Tam Ma Địa, đoạn hành, thành tựu thần túc, nương vào xa lìa, nương vào vô nhiễm, nương vào diệt, hồi hướng xả. Đó là thứ hai.
Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu tâm Tam Ma Địa, đoạn hành, thành tựu thần túc, nương vào xa lìa, nương vào vô nhiễm, nương vào diệt, hồi hướng xả. Đó là thứ ba.
Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu quán Tam Ma Địa, đoạn hành, thành tựu thần túc, nương vào xa lìa, nương vào vô nhiễm, nương vào diệt, hồi hướng xả. Đó là thứ tư.
Này Thiện Hiện! Nên biết, đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là năm căn.
Thế nào là năm?
Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu tập tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.
Này Thiện Hiện! Nên biết, đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là Năm Lực.
Thế nào là năm?
Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu tập tín lực, tinh tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực.
Này Thiện Hiện! Nên biết, đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là bảy giác chi.
Thế nào là bảy?
Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu tập niệm Đẳng Giác chi, trạch pháp Đẳng Giác chi, tinh tấn Đẳng Giác chi, hỷ Đẳng Giác chi, khinh an Đẳng Giác chi, định Đẳng Giác chi, xả Đẳng Giác chi, nương vào xa lìa, nương vào vô nhiễm, nương vào diệt, hồi hướng xả.
Này Thiện Hiện! Nên biết, đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là Tám Chi Thánh Đạo.
Thế nào là tám?
Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, tu tập chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, nương vào xa lìa, nương vào vô nhiễm, nương vào diệt, hồi hướng xả.
Này Thiện Hiện! Nên biết, đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là ba Tam Ma Địa.
Thế nào là ba?
Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, quán tự tướng tất cả pháp đều không, tâm an trụ, gọi là pháp môn giải thoát không, cũng gọi là không Tam Ma Địa. Đó là thứ nhất.
Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, quán tự tướng tất cả pháp là không, nên đều không có tướng, tâm an trụ, gọi là pháp môn giải thoát vô tướng, cũng gọi vô tướng Tam Ma Địa. Đó là thứ hai.
Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, quán tự tướng tất cả pháp là không, nên đều không nguyện, tâm an trụ gọi là pháp môn giải thoát vô nguyện, cũng gọi vô nguyện Tam Ma Địa. Đó là thứ ba.
Này Thiện Hiện! Nên biết, đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là mười một trí.
Thế nào là mười một?
Nghĩa là pháp trí, loại trí, tha tâm trí, thế tục trí, khổ trí, tập trí, diệt trí, đạo trí, tận trí, vô sanh trí, như thuyết trí.
Thế nào là pháp trí?
Này Thiện Hiện! Trí nào đem vô sở đắc làm phương tiện, biết tướng năm uẩn sai khác. Đó là pháp trí.
Thế nào là loại trí?
Này Thiện Hiện! Trí nào đem vô sở đắc làm phương tiện, biết nhãn cho đến ý, sắc cho đến pháp đều là vô thường. Đó là loại trí.
Thế nào là Tha Tâm Trí?
Này Thiện Hiện! Trí nào đem vô sở đắc làm phương tiện, biết rõ pháp tâm, tâm sở của hữu tình khác không còn trở ngại. Đó là Tha Tâm Trí.
Thế nào là thế tục trí?
Này Thiện Hiện! Trí nào đem vô sở đắc làm phương tiện, biết các hữu tình tu hành sai khác. Đó là thế tục trí.
Thế nào là khổ trí?
Này Thiện Hiện! Trí nào đem vô sở đắc làm phương tiện, biết khổ nên không sanh. Đó là khổ trí.
Thế nào là tập trí?
Này Thiện Hiện! Trí nào đem vô sở đắc làm phương tiện, biết tập nên đoạn trừ hẳn. Đó là tập trí.
Thế nào là diệt trí?
Này Thiện Hiện! Trí nào đem vô sở đắc làm phương tiện, biết diệt nên chứng đắc. Đó là diệt trí.
Thế nào là đạo trí?
Này Thiện Hiện! Trí nào đem vô sở đắc làm phương tiện, biết đạo nên tu tập. Đó là đạo trí.
Thế nào là tận trí?
Này Thiện Hiện! Trí nào đem vô sở đắc làm phương tiện, biết tham, sân, si đã hết. Đó là tận trí.
Thế nào là vô sanh trí?
Này Thiện Hiện! Trí nào đem vô sở đắc làm phương tiện, biết các cõi, vĩnh viễn không trở lại nữa. Đó là vô sanh trí.
Thế nào là như thuyết trí?
Này Thiện Hiện! Trí nhất thiết tướng của Như Lai. Đó là như thuyết trí.
Này Thiện Hiện! Nên biết, đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là ba căn: Một là vị tri đương tri căn. Hai là dĩ tri căn. Ba là cụ tri căn.
Thế nào là vị tri đương tri căn?
Này Thiện Hiện! Các vị hữu học nào đối với các Thánh đế chưa hiện quán, có tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Đó là vị tri đương tri căn.
Thế nào là dĩ tri căn?
Này Thiện Hiện! Các vị hữu học nào đối với các Thánh đế đã được hiện quán, có tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Đó là dĩ tri căn.
Thế nào là cụ tri căn?
Này Thiện Hiện! Các vị vô học, hoặc A La Hán, hoặc Độc Giác, hoặc Đại Bồ Tát đã trụ mười địa, hoặc chư Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, có tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Đó là cụ tri căn.
Này Thiện Hiện! Nếu ba căn này đem vô sở đắc làm phương tiện thì nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là ba Tam Ma Địa.
Thế nào là là ba?
Một là Tam Ma Địa có tầm, có từ. Hai là Tam Ma Địa không có tầm chỉ có từ. Ba là Tam Ma Địa không có tầm không có từ.
Thế nào là Tam Ma Địa có tầm, có từ?
Này Thiện Hiện! Nếu xa lìa pháp dục ác bất thiện có tầm, có từ, lìa dục sanh hỷ lạc, nhập và an trụ hoàn toàn vào tịnh lự thứ nhất. Đó là Tam Ma Địa có tầm, có từ.
Thế nào là Tam Ma Địa không có tầm chỉ có từ?
Này Thiện Hiện! Định trung gian tịnh lự thứ nhất và tịnh lự thứ hai. Đó là Tam Ma Địa không có tầm chỉ có từ.
Thế nào là Tam Ma Địa không có tầm không có từ?
Này Thiện Hiện! Từ Tịnh Lự thứ hai cho đến định Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ. Đó là Tam Ma Địa không có tầm không có từ.
Này Thiện Hiện! Nếu ba pháp này đem vô sở đắc làm phương tiện thì nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là mười tùy niệm.
Thế nào là mười?
Nghĩa là tùy niệm Phật, tùy niệm Pháp, tùy niệm Tăng, tùy niệm giới, tùy niệm xả, tùy niệm thiên, tùy niệm tịch tịnh, tùy niệm hơi thở ra vào, tùy niệm thân, tùy niệm tử.
Này Thiện Hiện! Nếu mười pháp này đem vô sở đắc làm phương tiện thì nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là các thiện pháp: Bốn tịnh lự, bốn vô lượng, bốn định vô sắc, tám giải thoát, chín định thứ đệ v.v… đem vô sở đắc làm phương tiện thì nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là mười lực của Như Lai.
Thế nào là mười?
Này Thiện Hiện! Đem vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ các pháp nhân quả v.v… tướng xứ, phi xứ. Đó là thứ nhất.
Này Thiện Hiện!
Đem vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ sự khác nhau của nghiệp báo, nhân quả mà các loại hữu tình lãnh thọ trong quá khứ, vị lai, hiện tại. Đó là thứ hai.
Đem vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ tướng thế gian chẳng phải một cảnh giới. Đó là thứ ba.
Đem vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ các loại hữu tình chẳng phải một thắng giải, mà nhiều loại thắng giải. Đó là thứ tư.
Đem vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ các căn thắng liệt của các loại hữu tình. Đó là thứ năm.
Đem vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ hành tướng biến hành. Đó là thứ sáu.
Đem vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ các loại hữu tình căn, lực, giác chi, giải thoát, Tịnh Lự, đẳng trì, đẳng chí, nhiễm, tịnh sai khác. Đó là thứ bảy.
Đem vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ các loại hữu tình có vô lượng túc mạng sai khác. Đó là thứ tám.
Đem vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ các loại hữu tình có vô lượng các sanh tử sai khác. Đó là thứ chín.
Đem vô sở đắc làm phương tiện, như thật biết rõ các lậu được đoạn hẳn, được vô lậu tâm giải thoát, được vô lậu tuệ giải thoát, ở trong hiện pháp tự mình chứng đắc và an trụ hoàn toàn, có thể biết rõ như thật đây là đời sống cuối cùng, phạm hạnh đã lập, việc làm đã làm xong, không còn thọ thân sau. Đó là thứ mười.
Này Thiện Hiện! Nên biết, đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là bốn điều không sợ.
Thế nào là bốn?
Này Thiện Hiện! Bồ Tát lấy vô sở đắc làm phương tiện, tự xưng ta là Chánh Đẳng Giác.
Nếu có Sa Môn, hoặc Bà La Môn, hoặc Thiên, Ma, Phạm Vương, hoặc người trong thế gian nương vào pháp đặt ra câu hỏi, làm cho ta nghĩ: Pháp này chẳng phải Chánh Đẳng Giác. Đối với câu hỏi ấy ta thấy rõ là không có căn cứ. Vì thấy rằng câu hỏi của vị ấy là không có căn cứ, nên được an ổn an trụ vào chỗ không lo, không sợ, tự xưng ta ở ngôi vị của Bậc Đại Tiên, ở giữa đại chúng rống tiếng Sư tử, chuyển bánh xe diệu pháp.
Pháp luân ấy thanh tịnh, chánh chân, vô thượng mà tất cả Sa Môn, hoặc Bà La Môn, hoặc Thiên, ma, Phạm Vương, hoặc người trong thế gian đều không có thể chuyển được. Đó là thứ nhất.
Này Thiện Hiện! Bồ Tát đem vô sở đắc làm phương tiện, tự xưng ta đã đoạn hẳn các lậu.
Nếu có Sa Môn, hoặc Bà La Môn, hoặc Thiên, Ma, Phạm Vương, hoặc người khác trong thế gian nương vào pháp đặt ra câu hỏi rằng, làm ta nhớ nghĩ: Các lậu như vậy chưa được đoạn hẳn?
Đối với câu hỏi ấy, ta thấy rõ là không có căn cứ. Vì thấy rằng câu hỏi của vị ấy là không có căn cứ nên được an ổn an trụ vào chỗ không lo, không sợ, tự xưng ta ở ngôi vị của Bậc Đại Tiên, ở trong đại chúng rống tiếng Sư tử, chuyển bánh xe diệu pháp.
Pháp luân ấy thanh tịnh, chánh chân, vô thượng mà tất cả Sa Môn, hoặc Bà La Môn, hoặc Thiên, ma, Phạm Vương, hoặc người ở thế gian đều không có thể chuyển được. Đó là thứ hai.
Này Thiện Hiện! Bồ Tát đem vô sở đắc làm phương tiện, nói pháp chướng đạo cho các đệ tử.
Nếu có Sa Môn, hoặc Bà La Môn, hoặc Thiên, Ma, Phạm Vương, hoặc người trong thế gian nương vào pháp và đặt ra câu hỏi, làm cho ta nghĩ: Tu tập pháp này không thể chướng đạo.
Đối với câu hỏi ấy, ta thấy rõ không có căn cứ.
Vì thấy rằng câu hỏi của vị ấy là không có căn cứ nên được an ổn an trụ vào chỗ không lo, không sợ, tự xưng ta ở ngôi vị của Bậc Đại Tiên, ở trong đại chúng rống tiếng Sư tử, chuyển bánh xe diệu pháp.
Pháp luân ấy thanh tịnh, chánh chân, vô thượng mà tất cả Sa Môn, hoặc Bà La Môn, hoặc Thiên, ma, Phạm Vương, hoặc người trong thế gian đều không có thể chuyển được. Đó là thứ ba.
Này Thiện Hiện! Bồ Tát đem vô sở đắc làm phương tiện, Thuyết Pháp dứt trừ khổ cho các đệ tử. Nếu có Sa Môn, hoặc Bà La Môn, hoặc Thiên, ma, Phạm Vương, hoặc người trong thế gian, nương vào giáo pháp đặt ra câu hỏi, làm cho ta nghĩ: Tu đạo này không thể hết khổ. Đối với câu hỏi ấy, ta thấy rõ là không có căn cứ.
Vì thấy rằng câu hỏi của vị ấy là không có căn cứ nên được an ổn an trụ vào chỗ không lo, không sợ, tự xưng ta ở ngôi vị của Bậc Đại Tiên, ở trong đại chúng rống tiếng Sư tử, chuyển bánh xe diệu pháp.
Pháp luân ấy thanh tịnh, chánh chân, vô thượng mà tất cả Sa Môn, hoặc Bà La Môn, hoặc Thiên, Ma, Phạm Vương, hoặc người trong thế gian đều không có ai chuyển được pháp như thế. Đó là thứ tư.
Này Thiện Hiện! Nên biết, đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là bốn sự hiểu biết thông suốt.
Thế nào là bốn?
Một là nghĩa vô ngại giải. Hai là pháp vô ngại giải. Ba là từ vô ngại giải. Bốn là biện vô ngại giải.
Này Thiện Hiện! Bốn sự hiểu biết thông suốt như vậy, nếu đem vô sở đắc làm phương tiện, nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là mười tám Pháp Phật bất cộng.
Thế nào là mười tám?
Này Thiện Hiện! Nghĩa là các Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác thường không lầm lỗi, không hấp tấp, không mất giọng nói, không nhớ nghĩ, tưởng không bất định, tâm không chọn bỏ, chí muốn không lui, tinh tấn không lui, niệm không lui, tuệ không lui, giải thoát không lui, giải thoát tri kiến không lui. Tất cả thân nghiệp trí là dẫn đầu, tùy theo trí mà chuyển. Tất cả ngữ nghiệp trí là dẫn đầu, tùy theo trí mà chuyển.
Tất cả ý nghiệp trí là dẫn đầu, tùy theo trí mà chuyển, đối với tri kiến phát sanh ở đời quá khứ không chấp trước, không chướng ngại, đối với tri kiến phát sanh ở đời vị lai không chấp trước, không chướng ngại, đối với tri kiến phát sanh ở đời hiện tại không chấp trước, không chướng ngại.
Này Thiện Hiện! Mười tám Pháp Phật bất cộng như vậy không có pháp nào không lấy vô sở đắc làm phương tiện. Nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.
Lại nữa, này Thiện Hiện! Tướng đại thừa của Đại Bồ Tát là môn Đà La Ni.
Những gì là môn Đà La Ni?
Nghĩa là tánh chữ bình đẳng, tánh ngôn ngữ bình đẳng, vào môn các chữ.
Thế nào là tánh chữ bình đẳng, tánh ngôn ngữ bình đẳng, vào môn các chữ?
Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, lấy vô sở đắc làm phương tiện, vào môn chữ Ả, ngộ tất cả pháp vốn không sanh.
Vào môn chữ Lạc, ngộ tất cả pháp xa lìa trần cấu.
Vào môn chữ Bả, ngộ giáo lý thắng nghĩa của tất cả pháp
Vào môn chữ Giả, ngộ tất cả pháp không có tử sanh.
Vào môn chữ Na, ngộ tất cả pháp, xa lìa danh tướng không có được mất.
Vào môn chữ Lã, ngộ tất cả pháp xuất thế gian, ưa thích duyên cành nhánh nên vĩnh viễn bị hại.
Vào môn chữ Đà, ngộ tất cả pháp, điều phục tịch tịnh, chân như bình đẳng không phân biệt.
Vào môn chữ Bà, ngộ tất cả pháp, xa lìa ràng buộc giải thoát.
Vào môn chữ Trà, ngộ tất cả pháp, xa lìa nóng nảy, giả dối, ô uế được thanh tịnh.
Vào môn chữ Sa, ngộ tất cả pháp, không chướng ngại.
Vào môn chữ Phược, ngộ tất cả pháp, bặt dứt ngôn ngữ.
Vào môn chữ Đả, ngộ tất cả pháp, chân như Bất Động.
Vào môn chữ Dã, ngộ tất cả pháp, như thật không sanh.
Vào môn chữ Sắc tra, ngộ tất cả pháp, chế phục giữ gìn tướng bất khả đắc.
Vào môn chữ Ca, ngộ tất cả pháp, người làm bất khả đắc.
Vào môn chữ Bà, ngộ tất cả pháp, thời tánh bình đẳng bất khả đắc.
Vào môn chữ Ma, ngộ tất cả pháp, tánh chấp ngã sở bất khả đắc.
Vào môn chữ Già, ngộ tất cả pháp, tánh chấp hành động bất khả đắc.
Vào môn chữ Tha, ngộ tất cả pháp, tánh chỗ nương tựa bất khả đắc.
Vào môn chữ Xà Đồ, ngộ tất cả pháp, năng sở sanh khởi bất khả đắc.
Vào môn chữ Thấp phược, ngộ tất cả pháp, tánh an ổn bất khả đắc.
Vào môn chữ Đạt, ngộ tất cả pháp, tánh hay chấp các cõi bất khả đắc.
Vào môn chữ Xả, ngộ tất cả pháp, tánh tịch tịnh bất khả đắc.
Vào môn chữ Khư, ngộ tất cả pháp, tánh như hư không bất khả đắc.
Vào môn chữ Sằn, ngộ tất cả pháp, tánh cùng tận bất khả đắc.
Vào môn chữ Đả, ngộ tất cả pháp, nhậm trì xứ phi xứ làm cho tánh không động chuyển bất khả đắc.
Vào môn chữ Nhã, ngộ tất cả pháp chỗ tánh biết rõ bất khả đắc.
Vào môn chữ Thứ tha, ngộ tất cả pháp, tánh nghĩa chấp trước nghĩa bất khả đắc.
Vào môn chữ A, ngộ tất cả pháp, tánh hay làm nhân bất khả đắc.
Vào môn chữ Bạt, ngộ tất cả pháp, tánh có thể phá hoại bất khả đắc.
Vào môn chữ Phược, ngộ tất cả pháp, tánh ưa muốn che đậy bất khả đắc.
Vào môn chữ Tạp ma, ngộ tất cả pháp, tánh có thể nhớ nghĩ bất khả đắc.
Vào môn chữ Hạp phược, ngộ tất cả pháp, tánh có thể gọi tên bất khả đắc.
Vào môn chữ Tha, ngộ tất cả pháp, tánh mạnh mẽ bất khả đắc.
Vào môn chữ Sải, ngộ tất cả pháp, tánh rất bình đẳng bất khả đắc.
Vào môn chữ Noa, ngộ tất cả pháp, tánh chứa nhóm bất khả đắc.
Vào môn chữ Nã, ngộ tất cả pháp, xa lìa tranh cải, huyên náo không đến không lại, đi, đứng, ngồi, nằm bất khả đắc.
Vào môn chữ Phả, ngộ tất cả pháp, quả báo đầy khắp bất khả đắc.
Vào môn chữ Tắc ca, ngộ tất cả pháp, tánh tích tụ chứa nhóm bất khả đắc.
Vào môn chữ Dật sa, ngộ tất cả pháp, tánh tướng già suy bất khả đắc.
Vào môn chữ Chước, ngộ tất cả pháp, chứa nhóm dấu vết bất khả đắc.
Vào môn chữ Tra, ngộ tất cả pháp, tánh xô đuổi nhau bất khả đắc. Vào môn chữ Trạch, ngộ tất cả pháp, xứ sở rốt ráo bất khả đắc.
Này Thiện Hiện! Môn chữ Trạch này có thể ngộ nhập tận cùng pháp không. Ngoài các chữ này ra biểu thị các pháp không lại bất khả đắc.
Vì sao?
Vì nghĩa các chữ này không thể giảng nói, không thể chỉ rõ, không thể ghi chép, thọ trì, không thể chấp lấy, không thể quán sát, xa lìa các tướng.
Này Thiện Hiện! Ví như hư không là nơi tất cả các vật nương tựa, môn các chữ này cũng vậy. Nghĩa không của các pháp đều dựa vào môn này mới được hiển rõ.
Này Thiện Hiện! Vào chữ Ả này v.v… gọi là vào môn các chữ.
Này Thiện Hiện! Nếu các Đại Bồ Tát đối với việc vào môn các chữ này được trí thiện xảo, thì đối với các ngôn ngữ âm thanh nói ra nêu rõ đều không chướng ngại. Đối với tánh không bình đẳng của tất cả pháp đều có thể chứng đắc phụng trì. Đối với các ngôn ngữ âm thanh đều được khéo léo.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào có thể nghe như vậy, vào môn các chữ ấn tướng, ấn cú, nghe rồi thọ trì, đọc tụng thông suốt, giải nói cho người khác mà không mong cầu danh dự, lợi dưỡng, sự cung kính, do đó được hai mươi công đức thù thắng.
Những gì là hai mươi?
Nghĩa là được sự nhớ nghĩ tốt, được sự hổ thẹn cao quí, được sức bền bỉ, được pháp hướng đến, được sự giác ngộ tăng thượng, được trí tuệ thù thắng, được biện tài vô ngại, được pháp môn tổng trì, được không có nghi hoặc, được ngôn ngữ trái thuận mà không sanh ghét, ưa.
Được sống bình đẳng không có cao thấp, được nói lời khéo léo đối với hữu tình, được uẩn thiện xảo, giới thiện xảo, xứ thiện xảo, đế thiện xảo, được duyên khởi thiện xảo, nhân thiện xảo, duyên thiện xảo, pháp thiện xảo, được trí căn thắng liệt thiện xảo, trí biết tha tâm thiện xảo.
Được trí xem sao lịch thiện xảo, được trí thiên nhĩ thiện xảo, được trí nhớ nghĩ việc đời trước thiện xảo, được trí thần cảnh thiện xảo, trí sanh tử thiện xảo, được trí lậu tận thiện xảo, được trí thuyết xứ phi xứ thiện xảo, được trí vãng lai thiện xảo, phép oai nghi thiện xảo.
Này Thiện Hiện! Đó là hai mươi công đức thù thắng.
Này Thiện Hiện! Đại Bồ Tát nào khi tu hành bát nhã Ba la mật đa, đem vô sở đắc làm phương tiện được các môn Đà La Ni như vậy, nên biết đó là tướng đại thừa của Đại Bồ Tát.
***
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Năm - Phẩm Mười Bảy - Phẩm Tham Hành - Phần Hai
Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba
Phật Thuyết Kinh Pháp Cú Thí Dụ - Phẩm Hai Mươi Hai -phẩm ái Thân - Thí Dụ Bốn Mươi Năm
Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Mười - Phẩm Bát Nhã Ba La Mật đa - Tập Ba
Phật Thuyết Kinh chánh Pháp Hoa - Phẩm Một - ánh Sáng điềm Lành - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Thắng Thiên Vương Bát Nhã Ba La Mật - Phẩm Bốn - Phẩm Niệm Xứ
Phật Thuyết Kinh Tăng Chi Bộ - Chương Mười - Mười Pháp - Phẩm Một - Phẩm Lợi ích - Phần Một
Phật Thuyết Kinh Sinh - đức Phật Thuyết Kinh Na Lại