Phật Thuyết Kinh đại Thừa Lý Thú Lục Ba La Mật đa - Phẩm Mười - Phẩm Bát Nhã Ba La Mật đa - Tập Ba

Kinh Đại thừa   •   Thứ hai, 25/12/2023, 22:18 PM

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư Đề Vân Bát Nhã, Đời Đường

PHẬT THUYẾT KINH

ĐẠI THỪA LÝ THÚ LỤC BA LA MẬT ĐA

Hán dịch: Tam Tạng Pháp Sư

Đề Vân bát nhã, Đời Đường  

PHẨM MƯỜI

PHẨM BÁT NHÃ BA LA MẬT ĐA  

TẬP BA  

Đức Phật dạy Từ Thị: Đại Bồ Tát có bảy việc để đạt pháp môn vô tận không thể nghĩ bàn.

Đó là:

1. Nhân vô tận.

2. Hữu tình vô tận.

3. Giới vô tận.

4. Đại bi vô tận.

5. Diệu dụng vô tận.

6. Pháp môn vô tận.

7. Phá hoại ma sinh tử nên có trí vô tận.

Như vậy, bát nhã Ba la mật đa không hành, không tướng, không sinh cũng không diệt. Bồ Tát ở trong tất cả pháp phải biết như vậy.

Khi Đức Phật nói bát nhã Ba la mật đa thâm sâu này, trong hội có ngoại đạo tên Vi Mạt Để rời khỏi chỗ ngồi đứng dậy, bạch Phật: Bạch Thế Tôn! Ngài nói tất cả pháp xưa nay không sinh, tự tánh thanh tịnh, nghĩa này không đúng.

Tự Tại Thiên là thường, là cha mẹ của tất cả vạn vật sinh ra các pháp, có thể tạo tác, xếp đặt thế gian. Lại nói rằng, thần ngã có thể sinh ra tất cả các pháp, nhưng ngã này trụ trong tâm lớn giống như ngón tay cái.

Ngài đã nói rằng, tất cả pháp do hòa hợp sinh ra, vì sao nay nói là không sinh?

Đức Thế Tôn dạy Vi Mạt Để: Ta sẽ theo ý ông mà trả lời những câu hỏi trên để đoạn trừ sự nghi ngờ của ông. Ông hãy lắng nghe cho kỹ.

Như ông đã nói: Tự Tại Thiên là thường, có thể sinh ra tất cả. Như vậy, thì tất cả vạn vật được sinh phải đồng một tánh là thường. Nếu nói đã sinh thì trước sau biến đổi không thường trụ, theo lý thì không đúng.

Vì sao?

Vì dụng không lìa thể nên là thường trụ, thể không lìa dụng thì chẳng phải thường.

Tự Tại Thiên là thường có thể sinh thì phải thường sinh, vì sao có lúc sinh, có lúc không sinh?

Đã không thường sinh thì sao gọi là thường?

Vì nghĩa này cho nên đồng với chỗ sinh kia nhất định là vô thường. Cái sinh ra đã nhiều tức không phải là một.

Nếu là một thì không có gì sai khác, nhưng muôn loài có từng loại riêng biệt, như vậy sao gọi là một?

Lại nữa, Tự Tại Thiên hay sinh ra tất cả mà không có lòng từ bi.

Nếu có lòng từ bi thì nên làm cho hữu tình đều sinh lên Cõi Trời, Người để hưởng sung sướng, tại sao làm cho các hữu tình chịu tám khổ, sinh trong ba đường ác chịu đủ các khổ?

Nếu có lòng từ bi tại sao tự sinh, tự sắp xếp, tự hại hữu tình?

Nếu Tự Tại Thiên là một, là thường thì sinh ra tất cả không bị biến đổi, tại sao các loài khác sinh diệt vô thường, trong năm cảnh giới chịu sự bất tịnh riêng biệt?

Ví như thấy quả thì biết ngay nhân của nó. Nên biết Tự Tại Thiên không thường, không phải một. Nếu tốt đẹp là do Tự Tại Thiên, còn thô ác bất thiện là do Quỷ Tất Xá Giá làm ra, nói như vậy thì không đúng lý.

Nếu thiện là do Tự Tại Thiên, còn ác là do Quỷ Xá Giá, thiện ác trái nhau, sao gọi là tự tại?

Lại nữa, hữu tình tạo ác thì nhiều, người tu thiện thì ít, tức là Quỷ Tất Xá Giá thắng vượt Trời Tự Tại. Hữu tình tạo các điều lành là phần của Tự Tại Thiên, tạo các điều ác là do Quỷ Xá Giá dạy bảo. Đệ tử của các ông luôn nói như vậy: Làm lành sinh lên Trời, làm ác đọa địa ngục.

Nếu nói sinh lên Trời, đọa địa ngục là do tạo thiện ác, thì tại sao nói do Tự Tại Thiên tạo nên?

Giống như Vua ra lệnh ban cho quan tước, của cải, nhưng chỉ nói Vua ban cho, chứ không nói là người tuyên mệnh lệnh. Lại như Vua sai người giết, nhưng chỉ nói Vua giết chứ không nói đồ tể.

Nếu làm lành thì quy về Tự Tại Thiên, còn tạo ác thì quy về Quỷ Tất Xá Giá, vậy thì vì sao hữu tình chịu khổ vui?

Do đó nên biết, Tự Tại Thiên nhất định không thể tạo ra tất cả.

Nếu nói một thì vì sao hữu tình sinh ra vô lượng tâm thiện ác?

Cho nên biết rằng không phải một.

Nếu nói tất cả do Tự Tại Thiên tạo ra thì phải thuần thiện, sao lại có ác?

Giống như có người, có khi ở chỗ đông người tạo ra nhiều việc ác thì đó là người ác. Nếu chúng sinh làm ác do Tự Tại Thiên thì cả thế gian này đều nói là tội nhân địa ngục, vì tự tạo nghiệp ác.

Vì sao riêng ông đả kích Tự Tại Thiên?

Như có người chê người khác tạo ác thì mắc vô số tội, nay ngươi chê bai Tự Tại Thiên, bị mắc tội cũng vậy.

Này Vi Mạt Để! Tự Tại Thiên tạo tội như trên, còn tội lỗi của thần ngã nhiều gấp bội.

Nếu ngã là thường có thể tạo tác thì thân này đi đứng phải được tự do, không ai hại được, vì sao phải khóc lóc sợ chết?

Nếu ngã là thường thì phải nhớ nghĩ quá khứ đã tạo nghiệp, bây giờ phải chịu khổ báo, cho nên đời này không tạo nghiệp ác nữa. Nếu ngã là thường thì phải tự tại, không già yếu mà phải luôn luôn trẻ khỏe, giống như cởi áo cũ mặc áo mới.

Vậy tại sao có già, bệnh, chết?

Do đây nên biết, ngã không thể tạo tác.

Này Vi Mạt Để! Ta quán các pháp cũng chẳng phải do nhân duyên hòa hợp sinh ra.

Vì sao?

Vì nhân là vô sinh, nếu nhân có sinh thì không cần đợi duyên. Tánh vô sinh của duyên lại cũng như vậy. Nếu nói do nhân duyên hòa hợp với ngã thì cũng không đúng. Giống như hai người mù đứng riêng ra thì không thể thấy màu sắc mà nếu đứng chung một chỗ cũng không thấy.

Nên biết, nhân duyên hòa hợp với thần ngã cũng không thể sinh ra các pháp. Nếu có thể sinh thì đó là vô thường, vì có tác dụng. Như vậy, những gì được sinh ra nhất định là vô thường, cho nên biết rằng lìa sở sinh ra thì không có cái năng sinh nào riêng khác. Có người nói năm đại cực vi là thường có thể sinh ra các pháp, như vậy cũng không đúng. Giống như nước hòa hợp với gạo thành rượu, uống vào thì say.

Như vậy năng lực làm say không phải do bên ngoài, chẳng phải do bên trong của nước sinh ra, cũng chẳng phải phát sinh từ gạo, mà do nước và gạo hòa hợp mà biến thành rượu. Như vậy, tất cả các pháp không có tác giả, cũng không có ngã để làm nhân duyên.

Vì sao?

Vì đại địa, hư không, thủy, hỏa, phong giới cũng như vậy, có lẽ nào vật vô tình sinh ra hữu tình hay sao?

Tất cả các pháp giả thì có mà pháp thật thì không, chẳng phải Tự Tại Thiên, chẳng phải thần ngã, chẳng phải nhân duyên hòa hợp, chẳng phải năm đại mà sinh ra. Cho nên biết rằng, bản tánh của tất cả các pháp không sinh, chỉ do duyên huyễn chuyển hóa mà có, không đến, không đi, không đoạn, không thường, thanh tịnh tròn đầy, là chân bình đẳng.

Khi ấy Đức Thế Tôn nói kệ:

Tất cả pháp hữu vi

Như thành Càn Thát Bà

Tâm chúng sinh vọng chấp

Tuy hiện chẳng thật có.

Các pháp không nhân sinh

Cũng chẳng phải không nhân

Có là do vọng tưởng

Cho nên nói duy tâm.

Vô minh mà vọng thấy

Là nhân của sắc tướng

Tàng thức làm chỗ dựa

Tùy duyên hiện các hình,

Như người mắt bị bệnh

Thấy hoa đốm trên không

Tập khí quấy đục tâm

Theo ba cõi mà hiện.

Nhãn thức nương lại da

Hiện ra đủ thứ sắc

Như bóng ở trong gương

Phân biệt không ở ngoài.

Thấy biết đều do tâm

Không thường cũng không đoạn

Do thức lại da biến

Mà hiện ở thế gian.

Pháp tánh đều bình đẳng

Chỗ dựa của các pháp

Tàng thức hằng không đoạn

Mạt na chấp làm ngã.

Tập khởi nói là tâm

Tánh suy lường là ý

Nghĩa phân biệt là thức

Cho nên nói duy tâm.

Các cảnh giới ngoài tâm

Vọng thấy như hoa đốm

Chấp thật có đều không

Đều do tâm thức biến.

Sắc và công năng sắc

Đều nương thức Lại da

Phàm phu vọng phân biệt

Cho là chân thật có.

Thùy miên và hôn mê

Đi, đứng và ngồi, nằm

Tạo nghiệp và quả báo

Đều do tàng thức sinh.

Hữu tình và vô tình

Chẳng phải tự tại sinh

Chẳng phải thần ngã tạo

Chẳng phải tánh vi trần.

Như tánh lửa trong cây

Dù có nhưng không cháy

Nhờ dùi mới có lửa

Do đó trừ tối tăm.

Xoay vần làm nhân duyên

Lại da làm chỗ dựa

Các thức theo đó sinh

Khởi lên lậu, vô lậu.

Như biển gặp duyên gió

Nổi lên các sóng dữ

Hiện tiền luôn chuyển biến

Không bao giờ gián đoạn.

Biển tàng thức cũng vậy

Gió cảnh giới làm động

Luôn khởi các sóng thức

Không bao giờ gián đoạn.

Như bơ chưa khuấy động

Không ai thấy được lạc,

Ra công không gián đoạn

Mới có được đề hồ.

Lại gia vọng huân tập

Che lấp Như Lai tạng

Khi tu tập thuần thục

Chánh trí mới sáng tỏ.

Các thức chuyển theo duyên

Không thấy tâm bản giác

Trí tự giác hiện tiền

Chân tánh luôn bất động.

Giống như vàng trong quặng

Dính đá không thể dùng

Nấu lọc được vàng ròng

Làm các đồ trang sức.

Tánh Lại da thanh tịnh

Bị vọng thức huân tập

Viên cảnh trí tương ưng

Như mặt trời thoát mây.

Ai tu tập về không

Theo không chấp giữ không

Quán không khác với sắc

Không gọi người chân quán.

Quán sắc tức là không

Sắc, không chẳng thể đắc

Đây là Thắng nghĩa không

Là người chân giải thoát.

Khách trần không tự tánh

Vô minh vọng phân biệt

Thật tướng không hữu, vô

Do chúng sinh vọng thấy.

Như ánh sáng nhật nguyệt

Tỏa sáng khắp mọi nơi

Như Lai thanh tịnh tạng

Đầy đủ các công đức.

Chân, vọng hòa lẫn nhau

Như hai voi thi đấu

Con yếu bỏ chạy luôn

Vọng hết, không sinh lại.

Tánh hoa sen không nhiễm

Khỏi nước lìa bùn dơ

Đến khi hoa sen nở

Ai thấy đều ưa thích.

Như Lai, vô cấu tạng

Xa lìa các tập khí

Trí thanh tịnh tròn sáng

Chỗ Hiền Thánh quay về.

Như châu bảo tối thắng

Không có chút tỳ vết

Luân vương làm mũ báu

Thường đội trên đỉnh đầu.

Như Lai thanh tịnh tạng

Không có các phân biệt

Thể đủ hằng sa đức

Pháp thân của Chư Phật

Trụ vào cảnh vô lậu

Thanh tịnh giải thoát thân

Tịch diệt như hư không

Tánh pháp không đi, đến

Phật hiện trong ba cõi

Không sinh cũng không diệt

Cõi này và phương kia

Y nhiên, luôn bất động.

Bình đẳng chân pháp giới

Phật cũng như chúng sinh

Không đoạn, cũng không thường

Đại bi không cùng tận.

***

icon

Tổng hợp

Cùng chủ đề

Phật Thuyết Kinh đại Bát Nhã Ba La Mật đa - Hội Thứ Ba - Phẩm Ba Mươi Mốt - Phẩm Tuyên Hóa - Phần Ba

Kinh Đại thừa   •   25.12.2023
Hán dịch: Ngài Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập, Đời Diêu Tần